Tùng - 11
Săm soi xong cây kim dưới ánh đèn, tôi lại cúi xuống. Nhìn cây kim vẫn còn được kẹp giữa những đầu ngón tay, tôi thấy tay mình cứ run run, và mặt mũi tôi cũng nóng bừng lên theo. Không thể phủ nhận một sự thật rằng, dù là vô tình hay cố ý, về mặt thể xác, Lê cũng suýt trở thành nạn nhân dưới tay ông. Nếu như mọi chuyện không diễn ra như khi nãy, có khả năng Lê đã chết cũng nên. Chuyện gì đã có thể xảy ra nếu như cây kim đâm sâu hơn, chọc vào người Lê? Nếu như sự cố ấy xảy ra ngay trên sân khấu? Nếu như cây kim cắm thẳng vào da thịt Lê, chứ không phải vào chiếc váy? Nếu tôi không phát hiện ra cây kim ấy? Nếu tôi không kịp can thiệp, rút nó ra trước khi quá muộn?
Tôi ngồi nghệt ra giữa phòng thay đồ, trợn tròn mắt kinh hoàng nhìn cây kim, người toát mồ hôi lạnh, đầu óc cứ bời bời trước những viễn cảnh đen tối mà tôi vừa vẽ nên ấy. Tôi không thể ra lệnh ngăn não mình dừng việc xây dựng lên trước mắt câu chuyện kinh hoàng này. Lê, bên cạnh tôi, dưới ánh sáng chói lòa của đèn sân khấu và trước bao nhiêu con mắt, vẫn kiêu kì ngẩng cao đầu, ưỡn ngực, cất giọng nói nhẹ nhàng, bước đi lả lướt trên sàn gỗ y như chỉ vài phút trước trên sân khấu mà tôi vừa nhìn thấy... Bỗng, nụ cười kia vụt biến, sắc mặt Lê tím tái thấy rõ. Lê mất đi thăng bằng, đôi chân mềm ra như bún, không còn đỡ nổi cho mình đứng vững, không còn bước được những bước đi nhẹ nhàng; thân hình Lê đổ sụp xuống ngay trước mắt tôi. Tôi vội bỏ mặc vở kịch, bỏ mặc hàng trăm con người đang nhìn ngó, chạy đến ôm Lê vào lòng, chỉ để nhìn thấy Lê lạnh lẽo, run rẩy, mắt nhắm nghiền, hồn xiêu phách lạc... Rồi, tôi lại rấm rứt khóc một mình do tiếc nuối, bất lực, thấy mình vô dụng vì không bảo vệ Lê khi còn có thể...
Cái viễn cảnh này hoàn toàn đã có thể xảy ra, vậy mà khi ấy, Lê vẫn... Vẫn cứ trân trọng và hết mình tận hưởng cái cơ hội trời cho bằng những bước chân tinh tế, vẫn vô tư, tự tại mà diễn, chẳng để tâm một chút gì tới xung quanh và tới cả chính mình.
Tôi thương Lê. Thương biết mấy con người đã suýt nguy kịch chỉ vì đam mê ấy. Thương đến mức xót cả lòng. Đau thật sự, xót thật sâu, dai dẳng, như thể có ai vừa đâm vào giữa bụng tôi, đau tới mức tôi chảy nước mắt.
Tôi hết hận ông, thương Lê, rồi lại đến thương thân. Trong cuộc đời của thằng bé tội nghiệp này, Lê là điều rực rỡ nhất, đẹp đẽ nhất mà tôi từng được ông Trời ban tặng. Cứ nghĩ đến chuyện không còn được sống bên Lê nữa là tôi lại rùng mình lạnh lẽo, như thể mình sắp mất đi một phần cơ thể mình. Vậy mà không sớm thì muộn, Lê cũng sẽ bị cướp khỏi tay tôi bởi người mà tôi phải gọi là "ông nội". Chính kẻ đã khiến tôi khốn khổ biết bao nhiêu năm nay lại cướp mất nguồn hi vọng sống duy nhất của tôi thêm lần nữa. Đúng thế, Lê cho tôi biết rằng tôi đang sống, cho tôi hay sinh mệnh này của tôi không phải là thứ mà tôi có thể dễ dàng rẻ rúng, và có ý nghĩa thế nào. Không có Lê, cuộc sống này với tôi không còn gì cả. Những tháng ngày sau khi mất đi Lê, tôi sẽ ra sao? Tôi sẽ lại trở thành một con rối, một công cụ biết nói để ông tùy nghi sử dụng ư? Tôi sẽ phải quay lại cuộc sống lầm lũi trong câm lặng như xưa, cuộc sống chỉ độc một màu đen tối với một nếp sinh hoạt buồn tẻ, những sự ép buộc, những trận đòn lằn da lằn thịt, thui thủi một mình với những niềm đam mê tự mình nuôi dưỡng một cách nghèo nàn và vô mục đích để làm dịu nỗi đau ư? Một cuộc sống hiếm hoi niềm vui thật sự, hiếm hoi màu sắc?
Một khi đã thoát ra khỏi cuộc sống ngục tù ấy, tôi không đời nào, không đời nào muốn rơi lại vào hố sâu ác mộng đó dù chỉ một lần.
Một suy nghĩ độc địa nảy lên trong tôi. Một ý niệm tôi chưa bao giờ có. Kèm theo đó, tôi cũng thấy trong người khang khác... Trong tôi như đang diễn ra một sự chuyển biến rõ ràng; cái ác đang trỗi dậy và chiếm ưu thế trong tôi, đẩy lùi sự thiện lương, vẻ điềm tĩnh, sự phục tùng, ngoan hiền thường ngày, phá vỡ những nếp nghĩ xưa nay vốn dĩ mong manh mà tôi gọi là đạo lý...
Tôi bỗng thấy mình thật ngu ngốc, nhưng cũng ngạc nhiên và khâm phục chính mình đến lạ, khi nhận ra rằng dù tôi đã một mình ôm giữ trong lòng nỗi niềm căm hận ông suốt bao năm ròng rã, nhưng đây là lần đầu tiên trong đời...
Tôi ước ông tôi chết quách đi cho thiên hạ thái bình.
Ông tôi theo chủ nghĩa hoàn hảo cực đoan, có ham muốn chiếm hữu quá đáng đối với tôi, với sự nghiệp riêng, hơn nữa điều đó mang lại danh tiếng cho ông, tôi có thể chịu đựng. Ông tôi vờ ngọt ngào, tử tế mà tính kế phương hại bao nhiêu người dưng nước lã quanh tôi, tôi không thể nào tha thứ cho con người miệng nam mô bụng bồ dao găm ấy, nhưng cũng chẳng dám có ý nghĩ nào phản kháng rõ ràng, trực diện... Nhưng sự thật là, ông đã không một chút đắn đo, suy tính mà dám trực tiếp để ngỏ khả năng dẫn tới chuyện hiểm nguy chực chờ bên cạnh người tôi yêu, người con gái vốn là nguồn sống của tôi, người mà tôi trân trọng, say đắm nhất. Lần này là nhầm lẫn, nhỡ đâu lần sau là cố tình? Có lần đầu, sẽ có lần sau, phải vậy không? Đến nước này, tôi đã không thể nào chấp nhận. Tôi không đủ kiên cường để tiếp tục sống một cuộc đời thật sự khi nguồn sống của tôi phải ra đi. Tôi không còn đủ kiên nhẫn để mà chịu đựng cảnh người cướp đi nguồn sống của tôi, chính kẻ khốn nạn ấy, lại sờ sờ sống bên tôi, sống trong vinh quang, hài lòng, thỏa mãn hơn bao giờ hết.
Mỗi con người đều có quyền giữ trong lòng một mơ ước của riêng mình, mặc cho ước mơ ấy có kì dị, ác độc đến nhường nào đi chăng nữa. Nhưng dù là khát vọng tốt đẹp hay xấu xa, chỉ nuôi dưỡng trong lòng thôi thì nào có đủ? Một dị mộng, nếu như không được chủ nhân của nó bắt tay vào thực hiện, thì vẫn sẽ mãi mãi chỉ nằm đó như một dị mộng xa vời.
Kẻ mà tôi ở cùng suốt cả cuộc đời đã sống và làm việc theo lẽ ấy tầm một nửa thế kỉ nay, đã làm đủ trò khốn nạn chỉ để đạt được chính xác ước mơ của mình theo cách hoàn hảo nhất. Vậy mà bây giờ tôi mới nhận ra được chân lý kia ư?
Sự phẫn nộ đang chảy qua từng mạch máu trên người tôi. Tôi muốn ông tôi chết. Muốn hơn bất kể điều gì khác trên đời. Tưởng như mong ước được ở bên Lê, làm Lê vui, được bảo vệ Lê của tôi cũng chỉ đến thế mà thôi. Sau đó, ai nghĩ gì, chuyện gì sẽ xảy ra, bản thân tôi sẽ ra sao, tất cả đều không còn quan trọng nữa. Nhưng ông tôi khỏe như vâm thế, tôi cứ để ông Trời hành đạo, đợi chờ qua ngày đến khi thần Chết tới cướp ông đi thì đến bao giờ ông tôi mới chịu đi ngủ một giấc ngàn thu? Muốn nhanh gọn chấm dứt nỗi thống khổ này, muốn được thỏa mãn dã vọng nơi bản thân, thì còn gì bằng tự mình xuống tay với ông? Gì bằng tự mình đứng lên và đoạt lấy tự do, đoạt lấy cuộc sống cho chính mình?
Các người có thể nói tôi điên. Đúng, tôi điên rồi. Điên vì tình, điên vì cuộc đời bó buộc. Nhưng như thế làm sao đã sánh nổi với ông tôi? Ông tôi điên với cái mình coi là đam mê của cả cuộc đời, cái mà ông tự trói mình vào đó. Ông tôi điên, vì điên mà hại đời biết bao nhiêu người. Còn tôi nổi điên là để ngăn ông phương hại thêm đến những con người ấy.
Một kẻ giết người không chùn tay, thẳng thừng đạp lên trên những ranh giới của cái gọi là "đạo lý", đó không phải là tôi ư?
Ấy là chuyện xưa rồi.
Ông tôi là ác ma.
Và bản thân tôi cũng mang trong mình dòng máu ấy.
__________
Lau khô nước mắt, tôi bước ra khỏi phòng thay đồ. Đi ngang qua ông, tôi liếc nhìn ông mà lòng đầy căm tức, chỉ muốn ngay tức khắc xé tan xác tên khốn nạn này...
- Này, sao lại đi đứng bất cẩn thế!
Giọng nói của ông vang lên sau lưng tôi, làm tôi giật mình. Tôi quay lại nhìn; ông tôi vừa ân cần đỡ Lê đứng dậy khi cô vấp ngã.
- [...] Sao con có vẻ lo thế nhỉ? [...] Thầy chỉ tiếc con không phải thành viên câu lạc bộ; chỉ cần con là thành viên thôi, thì kiểu gì thầy cũng chọn con làm nữ chính cho bằng được. Con thực sự hợp với vai này. Vở kịch này mà không liên quan tới câu lạc bộ thì đã tốt...
Ông lại tiếp tục dành cho Lê những lời có cánh. Dù sao thì ít nhất là cho đến lúc này, ông vẫn tỏ ra tử tế với cô ấy. Và cái ước mơ của ông bây giờ cũng quá lộ liễu rồi. Lê, chẳng hiểu gì, cũng chẳng biết mình nên trả lời ra sao, bèn đáp lại lấy lệ và chỉ coi đó như những lời bâng quơ. Nhưng ít nhất, tôi đã thấy Lê nghi ngờ...
Ông đi vào trong phòng nghỉ, gọi anh Phong ra diễn. Tôi ngẫm nghĩ; Lê cũng từ trong phòng nghỉ diễn viên đi ra nhỉ? Anh tìm Lê làm gì vậy? Nhiều khả năng là để nói ra tất cả những chuyện này... Tôi không biết như thế là tốt hay xấu nữa. Và Lê đã biết những gì? Chẳng có thời gian để mà suy nghĩ. Nhưng dù sao mọi chuyện cũng kết thúc rồi. Tất cả diễn viên và ban hậu cần lại tiếp tục với công việc của mình; các anh chị hậu cần thở phào nhẹ nhõm, bởi vở kịch đã gần xong đến nơi. Cuối cùng hai ngày mệt mỏi này cũng có thể kết thúc trong êm đẹp.
Nhưng giữa lúc vở kịch đang dần đến hồi kết, trong hậu trường, ông tập hợp đội ngũ nòng cốt của vở kịch này, từ trưởng ban, phó ban tổ chức tới trưởng, phó tất cả các phân ban: chuyên môn, tài chính, nhân sự, thiết kế, truyền thông, hậu cần... Cũng khá là đông nhỉ. Mọi người chẳng biết chuyện gì đang xảy ra, bèn đứng túm tụm nhau lại mà thì thầm bàn tán. Ai cũng đoán mò rằng phải có chuyện gì lớn lắm mới khiến ông tập hợp tất cả đại diện nhân sự vở kịch vào những phút cuối cùng thế này. Ổn định trật tự xong, ông bắt đầu hỏi:
- Phản ứng của khán giả hôm nay thế nào?
- Khá tốt thầy ạ, nhưng cần theo dõi thêm [...] Chủ yếu mọi người phiền lòng vì "sự cố sân khấu" kéo dài đến những hai mươi phút thôi. [...] Còn lại, về khoản hình thức và nội dung mọi người đều khen chúng ta nhiều... - Mọi người nhao nhao lên nói; tôi chỉ nghe được đại để là thế.
Ông tôi gật gù khoái chí:
- Trưởng ban truyền thông, nhân sự và hậu cần nhắc lại tình hình bán vé từ trước đến giờ thầy xem nào.
- Năm nay cũng nhờ các bạn truyền thông làm tốt, và nhất là nhờ thầy lo giúp chúng em phần nội dung cho hoàn chỉnh, nên vé cũng bán hết nhanh hơn nhiều so với mọi năm. Vé đặt chỗ online bán hết trong chưa đến nửa ngày. Thêm một ngày nữa hết vé bán tại trường ạ.
Trưởng ban truyền thông nghe bạn khen mà cười tủm tỉm:
- Em cũng xin nói thêm là có rất nhiều bạn tiếc vì không đi được, không mua kịp vé và năm nay hiện tượng bán lại vé cho nhau rất phổ biến.
Thấy vở kịch thực sự đã thành công mĩ mãn, ông tôi lại càng cười tươi hơn nữa:
- Đó, thầy bảo các bạn nhắc lại cho tất cả các con cùng thấy năm nay chúng ta đã thành công thế nào. Thầy đang nghĩ, tiền tài trợ thì vẫn còn, để giải quyết vấn đề vé cũng như để thỏa mãn nhu cầu của khán giả, chúng ta nên tổ chức thêm một buổi diễn lại. Cái này lứa tuổi các con gọi là gì ấy nhỉ... À, comeback...
Đám học sinh giờ lại chia thành hai trường phái hoàn toàn đối lập. Một đằng thì hứng thú không sao kể xiết bởi thành công của vở kịch lần này là quá lớn - lớn đến mức thầy sẵn sàng để vở kịch bắt đầu lại lần thứ ba. Nhưng phần còn lại thì ngán ngẩm; chắc hẳn sự mệt mỏi sau hai buổi tối chạy nhông nhông trong nhà hát cũng làm hứng thú của họ giảm đi nhiều lắm rồi. Hai phe cãi nhau một hồi, những người đã mệt lại càng mệt thêm. Thấy những diễn viên phụ đang lần lượt trở lại cánh gà sau khi cắt cảnh, ông tôi đành giải tán mọi người:
- Thôi! Các con về bình tĩnh suy nghĩ, thông báo với các bạn khác trong ban là ngày mai chúng ta họp mặt bàn bạc, giờ giấc như giờ tập kịch bình thường!
Xong xuôi, ông lại đi ra ban công nhà hát. Tôi lặng lẽ theo chân ông. Nhìn ra quang cảnh một góc nhỏ thành phố trong đêm rực rỡ ánh đèn mà vắng lặng, ông châm một điếu thuốc, rồi rút điện thoại ra gọi cho ai đó, hình như là người trong nhà hát thì phải:
- [...] Được rồi, tôi cứ nói thế để anh liệu đường sắp xếp. Còn khoảng hai đến ba tuần nữa. Mai tôi sẽ nói kĩ hơn về thời gian. Tiền nong tôi có đủ. Ai chứ tôi thì anh không lo bị hủy hẹn thuê rạp đâu! Anh sợ bọn trẻ con không chịu ấy à? Dào ôi! Tuổi thiếu niên là cái tuổi cực kì hiếu thắng. Làm gì có đứa nào làm chuyện lớn như thế lần đầu, rồi thành công to mà lại không muốn làm thêm lần nữa? Chỉ là anh thấy rồi đấy, chúng nó đang mệt, đang bướng, chả chịu nghe ai thôi. Mai tôi hùa theo mấy đứa kia, dỗ ngon dỗ ngọt vài câu là xong! Khà khà...
Tay tôi lại càng ấn chặt vào gờ tường. Nhưng rồi, trước điệu cười khoái chí vì nguyện ước sắp đạt thành của ông, tôi lại thả lỏng người ra, những ngón tay chỉ để hờ trên nền tường lạnh. Tôi thừa biết đằng sau những tiếng cười ấy là những suy nghĩ gì. Những cái bẫy của ông không phát huy hết được tác dụng, hai anh chị Mai và Phong không tổn hại về thể chất và tinh thần nhiều như ông đã tính toán. Dù muộn màng, nhưng sau hai buổi diễn, ông cũng thành công trong mục tiêu của mình: Loại bỏ anh Phong và chị Mai khỏi sân khấu này. Giờ thì có cho vàng hai người cũng chẳng dám làm việc với ông tôi thêm lần nữa. Với quyền lực của ông và tình trạng thiếu hụt những thành viên xuất sắc của câu lạc bộ ngay lúc này, việc đưa được tôi và Lê lên sân khấu là một điều dĩ nhiên. Sau ngấp nghé năm mươi năm đằng đẵng, vào giờ phút này, ông chỉ còn cách thành công của mình, cách mục tiêu đời mình vài bước chân nho nhỏ.
Nhưng ba mươi chưa phải là Tết.
Liệu trong đầu ông có hiện diện dòng suy nghĩ cay đắng ấy vào những phút cuối đời - nếu như nó đến trước ngày diễn lại lần thứ hai? Ấy chắc hẳn là những phút mà ông tưởng như mình đã sắp chạm đến đỉnh cao mình đặt ra trước mắt, nhưng kì thực lại không còn đủ sức lực mà chống chọi với cái chết - cái chết gây ra bởi chính tay thằng cháu nội, dù vốn dĩ đã được châm ngòi từ trước đó rất lâu bởi những mục tiêu, những hành động của chính mình.
Tôi lại nghĩ đến một viễn cảnh về phút lâm chung của ông. Trong căn chung cư ngập ánh sáng mặt trời mà đã từng là nơi địa ngục tối tăm của tôi những ngày tháng ấy, ông quằn quại dưới chân tôi, im lặng nghe những lời sỉ vả, trách móc ông lần đầu tiên và cuối cùng của tôi rằng tôi đã hận ông đến thế nào, đã khốn khổ vì ông ra sao, đã ngầm phản kháng ông biết bao lâu. Bởi khi ấy ông đã chẳng còn đủ sức thét lên phản kháng, mắng mỏ, nguyền rủa tôi hay làm bất cứ điều gì - có lẽ thân thể ông lấm đầy máu me, tôi chẳng biết nữa, tôi chưa biết chính xác mình sẽ ra tay thế nào. Đôi mắt ông trợn tròn lên, đục ngầu, tê dại nhìn lên đứa cháu nội có khuôn mặt mang nụ cười ma quái; ông như muốn van xin, tạ lỗi với đứa cháu ấy, nhưng đến cả ánh mắt của bản thân cũng phản bội lại mình - chúng cứ tròng trọc đờ ra đó, đâu còn khả năng để diễn tả nỗi đau và niềm ân hận? Trong đôi mắt vô hồn ấy sẽ ẩn chứa những nỗi niềm gì? Đau đớn, phẫn uất, hận thù vì bị phản bội chăng? Tiếc nuối cả cuộc đời dài mà mình đã hoang phí vào một ước mơ điên cuồng để rồi đến phút cuối vẫn chẳng nhận được gì? Ân hận vì chẳng biết từ lúc nào mình đã chọn con đường lầm lạc? Tuyệt vọng vì sự tình này đã không thể nào cứu vãn?...
Tôi khẽ rùng mình. Tôi không tài nào dùng ngôn từ mà miêu tả hết cái ám ảnh đến lạnh sống lưng trong ánh mắt cuối cùng ấy.
Tôi đã không nghĩ rằng mình còn có thể nghĩ cho ông, có thể cảm thương ông khi đã nảy ra ý định giết chết ông. Nhưng bây giờ, rõ ràng tôi vừa làm vậy.
Tôi nhớ đến hồi tôi lớp bảy. Cuốn truyện trinh thám đầu tiên, món quà từ thằng bạn thân... Chuyến đi mua sách trên Bờ Hồ với nụ cười hạnh phúc thật lòng lần đầu... Chiếc máy tính, món quà sinh nhật muộn... Sự dịu dàng thật sự của ông mà tôi luôn khát khao muốn có... Và chúng đều kết thúc bằng một trận đòn tối tăm mặt mũi, khởi đầu của một lần rơi trở lại hố sâu tuyệt vọng, khi ông cho rằng tôi đã phản bội lại niềm tin và sự chiều chuộng nơi ông. Cảm giác tưởng chừng mình có được tất cả, nhưng rồi cả cuộc đời lại phản bội mình, mọi thứ lại vụt biến khỏi bàn tay mà không cách gì níu kéo. Tôi đã từng trải qua. Tôi hiểu nó. Tôi thừa biết nó đau đớn đến thế nào.
Lương tâm tôi có sẵn sàng để mặc cho tôi trơ mắt nhìn một người trong cảnh ấy? Nhất là khi dù sao tôi và người đó cũng cùng chia sẻ dòng máu ác ma, người đó đối với tôi dù sao cũng có công sinh thành, dưỡng dục?
Tôi không biết nữa.
Lòng thương xót và nỗi hận thù trong tôi đang giằng xé nhau. Không bên nào thắng cả. Dù tôi có lựa chọn gì, kết quả cuối cùng vẫn là tôi không thể hoàn toàn giải thoát cho bản thân mình.
Và tôi cũng chẳng cần bên nào chiến thắng.
Một ý nghĩ bất chợt lóe lên trong đầu tôi. Có lẽ, nếu tôi làm như thế, tôi sẽ xoa dịu được cả tình thương và nỗi niềm căm hận.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top