Tùng - 02
Nhiều người nói có được một cuộc sống như tôi thật là điều vô cùng may mắn.
Quả thật thế, nhìn vào cuộc sống ấy, ai dám bảo rằng tôi thiếu thốn thứ gì? Được nuôi nấng bởi một người ông nội mẫu mực, giàu có, nổi tiếng đến nhường ấy. Gia đình truyền thống có học thức, lại được ăn học đàng hoàng ở một trong những ngôi trường tốt nhất Hà thành. Chỉ việc học và theo đuổi đam mê trinh thám, lập trình - thế đã là an nhàn hơn biết bao bạn bè cùng lứa.
Nhưng nào ai hiểu cho tôi...
May mắn ư?
Cuộc sống ư?
Vốn dĩ tất cả đã chẳng tồn tại ngay từ đầu.
Giá như bây giờ tôi có thể đem đổi chác "cuộc sống" này để có được một cuộc sống của bất kì ai, tôi cũng sẵn sàng. Kể cả đó có là cuộc đời bần hàn, cơ cực nhất.
Vì có gì đó, dù chỉ một chút thôi, còn hơn là chẳng có gì.
Ông Trời cho tôi một người ông nội nhất nhất tuân theo chủ nghĩa hoàn hảo. Tôi nào có quyền lựa chọn. Ngay từ khi Trời và mẹ cha cho tôi nhận thức và biết cảm thông, tôi đã thấy rõ ràng gánh nặng ông đặt lên vai tôi tự khi nào. Ông lúc nào cũng nói, ông chỉ muốn tốt cho tôi mà thôi. Ông muốn tôi lớn lên thành một con người không một chút khiếm khuyết. Tất nhiên, theo đúng kiểu của ông. "Cây non dễ uốn", và một khi ông đã bắt tay vào uốn, ai mà ngăn cản nổi. Bố mẹ tôi ư? Giờ tôi không trách họ, vì giờ nghĩ lại, họ đã khốn khổ đủ rồi. Hoặc khi Trời cướp họ khỏi tôi, tôi vẫn còn quá bé để biết thế nào là trách móc. Bố tôi chỉ đơn giản đồng ý với ông, vì nhờ sự hà khắc ấy mà bố tôi mới trưởng thành. Còn mẹ tôi, không nằm ngoài quy luật xưa nay, bà bị chèn ép bởi nhà chồng.
Việc đầu tiên là ông muốn tôi tiếp nối cái truyền thống có học thức của dòng họ xưa nay. Vì lợi ích của tôi cả, "học cho mày chứ học cho ai", ông nói vậy. Chín năm nay rồi, mỗi khi điểm số có thấp tí ti, tôi vẫn thường bị ông đem đũa cả vụt tới tấp vào người, nghe ông chì chiết bằng những lời đại loại chẳng biết thực hay hư: "Mày học hành như thế đấy hả? Uổng bao nhiêu công ông đọc sách cho mày nghe từ hồi mày còn ẵm ngửa!". Hồi bạn bè mới vào lớp Lá, còn trầy trật khi cô giáo mầm non tập cho làm quen với mặt chữ, ông đã tự mình dạy cho tôi đọc vanh vách. Những trang nhật kí đầy nước mắt của mẹ tôi từng viết, hồi xưa, nhắc đến chuyện cho tôi đi nhà trẻ trước mặt bố mẹ tôi, ông cứ mắng: "Nhà có thầy giáo đây rồi, đi trẻ làm gì cho tốn tiền! Chúng mày đi làm thì để thằng cháu đích tôn của tao ở nhà tao dạy!".
Rồi cha mẹ mất cả trong một tai nạn khi tôi còn chưa vào lớp Một. Quyền dạy dỗ tôi giờ vào cả tay ông. Khi ấy, tôi còn quá nhỏ để biết rằng địa ngục của tôi mới thực sự bắt đầu từ đấy...
Hồi tiểu học, chỉ lúc đến trường tôi mới được bình yên đôi chút. Tôi đã quen dần với chuyện ông đến tận lớp đón tôi về nhà đúng giờ chằn chặn, và đã bước vào nhà là tuyệt nhiên không đi đâu hết cho đến sáng hôm sau. Tôi nài nỉ ông cho ở lại chơi với bạn bè thêm mấy phút, ông cũng mặc. Ở nhà thì thật chán. Ông tôi làm tất tật việc nhà, lại suốt ngày đọc, viết, lên mạng tìm tòi, chẳng bao giờ chơi đùa cùng cháu; làm phiền đến ông là tôi ăn đập. Mà kể cả khi tôi chẳng có việc gì để làm, ông cũng lại vụt tôi, tức khắc lôi tôi về bàn học: "Mày rảnh rỗi, không có việc gì làm thì học đi. Học xong rồi thì đi mà đọc sách. Nhà thiếu gì sách vở, hả? Học cho mày hay học cho tao?". Thôi thì cũng được. Ừ thì nhà tôi đầy sách thật. Nhưng ông tôi bận quá; tôi đọc cái gì, có phù hợp với lứa tuổi hay không, ông chẳng quan tâm. Cũng tại ông quản chặt, mà bạn bè tôi chỉ vừa đủ đếm trên đầu ngón tay của một bàn tay. Tính tôi cũng sinh ra lầm lì, ít nói. Bình yên của tôi vì thế mà cũng dần dần trở thành một thứ xa vời; cô giáo lại trù dập tôi vì tôi lầm lì thế, nhưng học hành thì lại hơn các bạn, và vì ông tôi cứ đến kì họp phụ huynh là lại mắng cô vì lớp bẩn, quỹ lớp đắt, cháu học kém, trời ơi đất hỡi là lý do. Tôi kể lại ông nghe, ông chỉ bảo, ông khắt khe vì muốn cháu được học trong môi trường tốt nhất, nếu không thì cũng gọi là từng trải chút khó khăn để đến được thành công mà thôi. Thuở ấy, tôi tin ông.
Lên cấp hai, những biến đổi tâm sinh lý tới sớm hơn bè bạn nơi đứa trẻ già trước tuổi là tôi làm những suy nghĩ trong đầu óc tôi biến đổi khác thường. Tôi bắt đầu biết ngờ vực những lời ông nói ra ngày ấy. Ông cho tôi dùng điện thoại để tiện liên lạc, tiện kiểm soát tôi, và nhất là "không để người ta nghĩ mày ở một mình với ông già này mà mày thành người tối cổ". Tôi lại càng tò mò tại sao ông cứ hằm hằm khi tôi chơi với bạn, nhất là bạn gái, và ông khắt khe cấm đoán tôi giao du với mọi người đến thế. Tôi ấm ức với ông, sống trong khu chung cư cao cấp này, an ninh thắt chặt, hàng xóm lẻ tẻ, tôi đã chẳng có mấy người mà nói chuyện, vậy mà ông còn cấm tôi chơi với bạn bè trong lớp, chỉ làm tôi sinh ra ưu uất. Tôi bực, ông cũng bực. Ông quát tôi, rằng những con người đó toàn hạng "thấp hèn", "kém sang", tóm lại là so với ông cháu tôi, họ chẳng là gì về "đẳng cấp". Nhưng thế thì đến bao giờ tôi mới gặp được người đủ "đẳng cấp" theo ý ông? Tôi chưa cãi lại xong, ông đã cho tôi một bạt tai:
"Bao giờ ông gặp được thì ông bảo mày. Mày không phải vội. Trước khi ông xuống lỗ, ông kiểu gì cũng phải tìm được người như thế. Ông đánh mày, là đánh cho mày nhớ đấy, hiểu chưa?"
Ông tôi đánh đập tôi, tôi cũng mặc. Đánh cho tôi chết nhanh đi, ừ, cũng tốt. Chỉ khổ nỗi, ông cứ đánh xong là lại chăm tôi kĩ hơn thường ngày. Tôi thừa hiểu ông chỉ sợ mất đi tôi, mất đi đứa cháu bao nhiêu công ông nuôi dạy, đứa cháu mà ông khát khao sẽ nên người theo cách mình mong muốn. Tôi thực sự chán chường cuộc sống này, đến mức nhiều lúc chỉ muốn cầm dao lên, đâm mình chết đi để thoát khỏi một sự tồn tại đầy bức bách.
Sáng ngày sinh nhật tôi năm lớp bảy, tôi tỉnh dậy mà chẳng chút mừng vui - sinh nhật cũng chỉ là một cái mốc cóc ghẻ đánh dấu khoảng thời gian tệ hại mà tôi đã tồn tại một cách cô độc và lệ thuộc tới mức mình còn chẳng nhận ra thôi mà. Tôi cứ thế, cho đến giờ phút một đứa bạn cùng lớp - đứa bạn mà tôi lén chơi cùng - thấy tôi thích sách, đành đem tặng tôi một cuốn truyện trinh thám...
Đêm ấy, con mọt sách có rèn luyện này cứ ngồi cặm cụi đọc, đọc một mạch đến trang cuối cuốn sách mà không màng ngơi nghỉ. Sách hết, tôi buộc phải ngừng mắt, ngừng tay; lúc ấy cũng đã những hai giờ đêm. Miễn cưỡng lôi cái thân nặng nề kì lạ leo lên giường, tôi cứ thao thức, mắt trắng ra mà nhìn bóng tối trong phòng, mãi không ngủ được. Những tình tiết của cuốn truyện cứ mãi lởn vởn trong đầu tôi. Không phải chỉ những cảnh đầu rơi máu chảy, xác người lỗ chỗ vết đạn, tắm đẫm trong máu mà lần đầu tôi được tưởng tượng khiến tôi bị ám ảnh. Mà quả thực, đọc đến vàng cả giấy những cuốn sách của ông tôi rồi, nhưng trần đời tôi chưa đọc cuốn sách nào hay đến thế. Nó mới mẻ, kịch tính hẳn, trái ngược một trời một vực với sự tồn tại nhàm chán này của tôi. Có những lúc, chân tướng sự việc tưởng đã tỏ tường, mà đầu mối quý giá duy nhất tới chân tướng ấy lại bị tiêu diệt ngay khoảnh khắc cuối cùng. Người thám tử lần theo từng manh mối của từng vụ án, vạch trần những bí ẩn, hết mình vì công lý. À, ý nghĩa cuộc sống của anh là đấu tranh cho công lý. Người vô tội được giải oan, người có tội trả giá bằng cả cuộc đời, nạn nhân cũng thanh thản dưới suối vàng. Đứa trẻ mười ba tuổi là tôi hồi đó chỉ nghĩ ấy chính là công lý. Đã là con người, đã có thứ gọi là "cuộc sống", thì cuộc sống đó hẳn phải có ý nghĩa gì đó, đúng không? Tôi nghĩ đến ý nghĩa cuộc sống của tôi và ông. Ông sống là vì sự hoàn hảo mình mong ước. Còn tôi, sống một cách vô nghĩa cho qua ngày vốn dĩ vì đã không có cuộc sống, hay là...
Ôi!...
Tôi còn sống, ngày ấy tôi tuyệt vọng nhưng vẫn không tự tìm tới cái chết, vì tôi biết mình còn cuộc sống. Và tất cả đều là vì ông.
Cũng phải thừa nhận, nhờ có ông, tôi mới khôn lớn đến thế này. Nhờ có ông, tôi mới thành người yêu tri thức, một kẻ mà cái thú mê sách đã ăn sâu vào bên trong từ lúc nào chẳng biết. Gì thì gì, điều đó vẫn tốt cho tôi, không bổ ngang cũng bổ dọc. Ông muốn tốt cho tôi thật mà. Dù tôi cố phủ nhận, dù tôi cố gạt đi, thì tận trong tim tôi, niềm tin ấy vẫn còn tồn tại mà, chỉ là bị nhấn chìm bởi những suy nghĩ quá đỗi tào lao. Cớ sao đứa trẻ mới mười ba năm cuộc đời này lại có thể nghĩ tới chuyện kết liễu đời mình vì những gì tốt đẹp nhất đã được ông ban cho? Cớ sao đứa cháu đích tôn này lại có thể nông nổi, bồng bột đến độ nghi ngờ ông mình cơ chứ?
Mấy hôm sau, ngày nghỉ, tôi bảo ông rằng mình muốn đi mua sách.
Ông đẩy cặp kính lão, nhướn đôi lông mày, tròn mắt, người như khựng lại vì ngạc nhiên. Cái ngạc nhiên của sự vui mừng khôn xiết.
Ông đưa tôi ra hẳn phố sách Đinh Lễ ở Hồ Gươm. Ông ngạc nhiên cũng đúng; bấy lâu nay, thật ít khi tôi ra ngoài nếu như không phải vì việc học hay vì những công chuyện của ông mà ông buộc phải đưa tôi đi theo vì không yên tâm để tôi ở nhà một mình. Và đời tôi chưa có ngày nào vui như thế. Lâu lâu mới được thảnh thơi, tôi thỏa thích mà ngắm cảnh. Mặt hồ màu ngọc bích tươi tắn, những con sóng nhỏ lấp lánh rung rinh trong nắng sớm mùa hè. Tòa tháp nhỏ rêu phong thường ngày đứng im vững chãi giữa hồ, nay cũng như được nắng tô điểm thêm nụ cười hiền hậu. Lá liễu, lá phượng xanh ngát nhảy nhót trên mặt hồ cùng nắng và gió. Cây cầu Thê Húc đỏ rực màu son nổi bật giữa đất trời, uốn mình như chào đón, và bóng cầu lộn ngược trên mặt nước cong cong như một nụ cười của một giai nhân môi son nào mừng tôi thoát khỏi cái hố sâu tuyệt vọng.
Những túi hàng của tôi lấp đầy bằng những cuốn trinh thám nổi tiếng có tên trong cái danh sách thằng bạn viết cho tôi chiều qua. Ông tay cầm đồ giúp tôi, nhìn tôi ôm túi sách; tôi ngước mắt lên nhìn ông. Hai ông cháu cùng cười. Trong đầu tôi từ bé vẫn luôn hằn ghi một thành kiến: Ông chỉ cười với tôi ở nơi công cộng. Nhưng kể cả vậy, tôi chưa từng thấy trên gương mặt ông một nụ cười chân thật nhường này. Lần đầu tiên, tôi biết thế nào là hạnh phúc.
Ở nhà, tôi không thể nào kìm nén niềm hạnh phúc ấy, vùi đầu ngay vào những quyển sách mới mua. Cứ thế này thì tôi ở nhà mãi cũng được. Ông nói đúng, chẳng cần ra ngoài nhiều đâu, sách cho tôi vô khối những kiến thức vừa hàn lâm vừa bổ ích... Ông thấy tôi như thế thì vui lắm. Cứ thấy tôi ngoan ngoãn nghe lời và ham học hỏi là ông vui rồi. Tôi đọc sách gì, đối với ông cũng không quá quan trọng, xưa nay vẫn luôn luôn thế. Nghĩ đến điều đó tôi lại bật cười; cái kẽ hở ấy nơi ông mở cho tôi đường sống, và nếu như ngày ấy tôi không biết đến trinh thám, khi ấy tôi đã chẳng thể tin tưởng ông thêm một lần.
Mấy hôm sau, ông mang đến một bất ngờ cho tôi. Ông nói đó là quà sinh nhật muộn. Vẫn biết đây là điều không thể nào ngờ tới từ ông, và quà muộn cả chục ngày còn hơn chẳng bao giờ có, nhưng tôi nhìn món quà mà hạnh phúc khôn tả xiết. Sao ông bỗng dưng chiều tôi thế? Trước mặt người giao hàng, ông cười hiền, bảo là vì dạo này tôi chăm chỉ. Ông bảo tôi, có máy rồi, phải biết dùng vào mục đích học tập sao cho tốt. Ô, lạ thế; tôi không hề đòi hỏi ông bất cứ một điều gì hết cho sinh nhật mình. Tôi luôn luôn mặc định rằng tôi sẽ không có gì cho ngày này cả. Vậy mà ông cho tôi hẳn một chiếc máy tính! Những cái máy như máy của ông, như ở phòng Tin học trên trường!
Nhưng... Vẫn là chữ "nhưng" cay đắng, giả như tôi không biết đến trinh thám, tôi đã chẳng nhầm lẫn thêm một lần...
Kể từ hôm ấy, tôi dâng hiến hết những khoảng thời gian rảnh rỗi của tôi cho trinh thám và máy tính. Tôi cứ nghĩ ông vui, vì tôi đã quý trọng những gì ông dành cho tôi. Nhưng không; thấy tôi cả ngày ngoài học chỉ biết cắm đầu vào hai thứ ấy, nhất là lúc nghỉ hè chẳng phải học hành gì, ông tôi...
Lại như có cái gai trong mắt. Đường đột thay, ông lôi tôi từ bàn máy tính ra giữa nhà. Ông mắng tôi là đồ đổ đốn. Đồ chẳng biết lo cho tương lai, đồ nỗi nhục dòng họ, đồ nghiện ngập, đủ thứ từ ngữ chua cay trên đời! Ông lại chứng nào tật nấy, lôi tôi ra đánh. Bây giờ tôi mới thật để ý tới cách ông đã đánh tôi từ trước tới giờ. Ông quất tôi bằng đũa, chổi, thắt lưng, đủ cả, nhưng không bao giờ đánh vào đầu, mặt, tay,... tất cả những chỗ người ta có thể nhìn vào mà soi mói, nghi ngờ. Thật muôn phần giả tạo và thâm hiểm làm sao! Hóa ra, ông chỉ thừa lúc tôi hứng thú với sách vở, chiều chuộng tôi để thấy lại thằng cháu ngoan ngày xưa, và ông ngựa quen đường cũ cũng chỉ vì ông không thỏa mãn với những gì mình thấy, ông tự cho tôi là đồ "đổ đốn"!
Trước những đòn đánh ấy, niềm tin nơi tôi vừa được dựng lại từ một đống hổ lốn hoang tàn lại sụp đổ thêm một lần. Và lần này là sụp đổ hoàn toàn. Sống với ông đủ lâu, đầu óc cũng không đến nỗi tệ, lại từng nhận ra cả sự độc ác nơi ông, đáng lẽ ra tôi phải thừa biết mình không thể nào, nhất định không thể nào đặt niềm tin vào ông dù chỉ một lần nữa chứ? Kể cả, và đặc biệt là sau sự chiều chuộng bất thường của ông chỉ trong mấy ngày hôm ấy? Tôi bàng hoàng như chết hẳn. Dưới những đòn đánh ấy, bề ngoài, tôi chỉ trơ lì ra chịu đựng như thể mình đã chết. Có những niềm đam mê của riêng mình, tôi xác định thứ giữ cho mình còn tồn tại trên cõi đời này là chúng. Tôi thu mình lại, chẳng còn bận tâm đến những lời sỉ vả, những trận đòn của ông làm da thịt tôi, cũng như đầu óc tôi lằn lên tan nát.
Thời gian cứ thế trôi đi, dai dẳng, nhạt nhòa, lay lắt.
Có máy tính riêng, tôi thỏa chí mà nghịch ngợm. Vẫn ở trong cái khuôn khổ tù túng mà ông tôi đặt ra ngày nào, nhưng tôi cảm thấy mình tự do. Tôi ghét sự tự do ấy. Sự tự do này vốn là hư ảo, bởi nó vẫn bị kìm kẹp trong giới hạn, và nó là do ông tôi sắp đặt. Nhưng mà cay đắng thay, tôi đành kệ, vì một đứa trẻ lớp bảy như tôi thì làm được gì nào? Đổi lại, tôi gần như hoàn toàn được làm mọi việc, và có thể làm mọi việc tùy ý mình. Chưa biết làm ư? Học. Còn ông tôi... Nhắc đến máy tính, ông tôi chỉ biết soạn thảo, lướt web, nay khi tôi có máy, ông cũng chẳng biết từ lúc nào đã mò mẫm được thêm cách để kiểm tra, soi mói tất tật tin nhắn riêng trên mạng xã hội của tôi. Hết. Không kiểm tra được thì ông đánh đến khi nào tôi chịu mở thì thôi. Ừ thì cũng được. Đằng nào ông cũng biết, thì tôi đành nhường. Miễn là tôi không lì, và kín mồm kín miệng chút là tôi được "tự do".
Và rồi tôi biết đến một thứ con người ta có thể làm với máy tính, mà nhắc đến máy tính là nhắc đến nó. Tên gọi của nó là "lập trình". Lập trình quả thật là một công cụ kỳ diệu để tôi được tự do hơn nữa. Chỉ với hàng loạt những câu lệnh, tôi có thể dựng nên những thứ mà ngoài đời tôi không bao giờ gặp, không bao giờ có. Biết đến sự kì diệu ấy, tôi một mình mày mò tự học lập trình. Đến ông tôi cũng chẳng theo dõi nổi những việc tôi làm; ông có cố gắng, nhưng những dòng code lằng nhằng vẫn cứ làm người già chóng mặt, và tôi đã thắng. Có công mài sắt, có ngày nên kim. Trình độ của tôi, và cả đam mê nơi tôi nữa, cứ tiến lên dần dần theo thời gian và theo sự "yêu cho roi cho vọt" đầy hắt hủi nơi ông. Để rồi, đến những giờ phút này, khi tôi đã vào lớp mười, tôi hoàn toàn tự tin rằng mình có thể tự làm ra một cái game tử tế một mình.
Ông tôi không ngăn cản được tôi, nên vẫn cứ tiếp tục với lý tưởng và sự nghiệp mà mình còn dang dở. Ngày ngày, ông vẫn thế, hoặc đi làm, hoặc ngồi nhà nghiên cứu sách báo, thông tin, đầu tư cho những vở kịch của ông. Tôi cũng không sách vở, không công việc của lớp là lại ngồi vào bàn máy tính. Hai người chúng tôi dần xa cách; mỗi người chiếm lấy một góc nhà, đắm đuối vào những nhu cầu kì lạ của chính mình. Chuyện đó dần thành lẽ thường trong căn hộ nơi ở của hai ông cháu tôi. Và đối với tôi, như thế là không đáng phàn nàn hơn cả. Dù vậy, tôi vẫn không tài nào ngừng tự hỏi: Có cái gia đình nào lại thế này không cơ chứ? Mà đâu có, ông cháu tôi chưa từng là một gia đình...
Hai người đã tách xa nhau là thế, nhưng những trận đòn tối tăm mặt mũi mà ông giáng xuống tôi vẫn không hề bớt. Ông tôi vẫn giữ vững cái lý tưởng của mình mà. Vài ngày, thấy tôi chướng tai gai mắt quá, ông lại cho tôi một trận, nặng nhẹ tùy ở ông. Nhưng ông càng đánh tôi lại càng mặc kệ. Và đánh xong, ông lại chăm sóc tôi tử tế, đàng hoàng, lại lúc quát nạt, lúc bảo ban tôi học, lại đưa tôi lên Hồ Gươm mua sách. Tôi phát ghê tởm những điều đó. Cái Hồ Gươm mà tôi đã từng lấy làm hạnh phúc khi ngắm nhìn ngày nào giờ trong mắt tôi chỉ còn một màu xám xịt rêu phong, vắng lặng đến buồn tẻ, mịt mù. Cuộc sống chán nản và mệt mỏi ấy trải dài suốt những năm cấp hai còn lại, trải qua cả kì thi vào lớp mười cam go. Dù tất nhiên, khi kì thi ấy ngày một đến gần, ông cháu tôi cũng đành khuấy động, làm xê dịch cuộc sống giả hiệu ấy phần nào, và những lần mua sách trên Bờ Hồ cũng đi vào dĩ vãng.
Ấy là may mắn chứ?
Ấy là cuộc sống chứ?
Hả?
Đấy, chuyện đời tôi đấy.
Một khi đã nói ra là không còn tránh né nổi sự phán xét nữa rồi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top