Lê - 10
Và thế là tôi đồng ý.
Suốt hai tuần qua, tôi cảm thấy như mình đã có thêm nhiều điều để ghi vào trang đời cấp ba mà dĩ nhiên tôi chưa viết được mấy dòng.
Vất vả, thì kể cũng vất vả thật. Trên lớp, những ngày này đang là giai đoạn căng thẳng với chuỗi bài kiểm tra hệ số hai và thi giữa kì. Kịch bản, tôi phải thuộc làu làu nếu không muốn làm thầy Bách giận. Đã mấy lần tôi thấy thầy mắng xơi xơi đám diễn viên phụ vì "diễn không ra cái hồn gì". Tôi nghe cũng khá bất bình chứ. Khi thầy nổi cáu và mắng chúng tôi, không chỉ thầy và mọi người đều bực, mà rất nhiều thời gian - thứ vốn đã eo hẹp - cũng theo đó mà uổng phí.
Nhưng bù lại, tôi được gần gũi hơn với những con người quanh tôi. Tiêu biểu phải nói đến Tùng. Nhảy là thứ hai đứa chúng tôi cần chú ý nhất. Tất nhiên, ý tôi không phải kiểu nhảy sôi động, hiện đại phổ biến với đám thiếu niên chúng tôi trong thời đại bây giờ. Thứ chúng tôi phải làm gần với múa và khiêu vũ hơn. Nhưng Cantarella đâu phải một vở kịch bình thường. Cesare và Lucrezia đúng là hai anh em ruột, chung cha chung mẹ hẳn hoi, nhưng lạy Chúa, họ yêu nhau! Thế nghĩa là, cái gì đến cũng phải đến. Tôi thề mình không thể nào bỏ ra khỏi đầu những hình ảnh về lần đầu chúng tôi phải tập đắm đuối nhìn vào mắt nhau, lại còn trước bao nhiêu người như thế. Tôi nhớ như in rằng cả hai đứa đều đỏ mặt. Mọi người không cười nhiều lắm; chắc họ quen cả rồi. Nghe nói khi trước, anh Phong và chị Mai cũng thế... Chẳng có vấn đề gì về chuyện đó; cả thầy, cả bạn, ai cũng cố động viên, thúc ép chúng tôi. Tôi thầm cảm ơn Trời vì họ không coi đó là trò cười, mà hoàn toàn nghiêm túc; nhờ thế, tôi cũng bạo dạn hơn nhiều. Qua cái công đoạn nhìn nhau ấy là đến nắm tay, nhún, di chuyển, ôm eo, bế kiểu công chúa, và nhiều, nhiều thứ khác mà tôi không thể nào kể hết. Hơi kì lạ một điều, tôi làm quen và dần thành thục với những việc này rất nhanh, chẳng thấy gì là trở ngại. Tùng có chậm hơn tôi một chút - chắc vì ở thế chủ động hơn - nhưng dưới "một ít" sức ép của thầy Bách, cậu cũng thành ra tự nguyện, và rồi cuối cùng tất cả mọi người cũng có thể thở phào vì việc đâu lại vào đấy cả. Tương tác bằng ánh mắt, đụng chạm cơ thể, đó là điều phải có, chúng tôi cũng chẳng trốn đi đâu được. Xưa nay thiên hạ có bao nhiêu vở kịch, bao nhiêu người làm những chuyện ấy rồi, đâu có gì lạ? Và rồi, làm mãi thì cũng quen, mặc dù đến giờ, tuy không còn ngắc ngứ, nhưng đôi lúc tôi vẫn có chút bối rối khi ánh mắt, bàn tay hay thân hình chúng tôi chạm nhau...
Nhưng xấu hổ và đáng nhớ kinh điển vẫn cứ là cái lần tập bê đỡ. Tôi nhỏ người, thật chẳng vấn đề gì lắm cho ai phải bế tôi. Nhưng... Đáng buồn thay, Tùng vốn dĩ cũng là người nhỏ con. Và hôm ấy, để tập cho quen, mọi người ép chúng tôi mặc luôn đồ diễn. Thế nên mới có chuyện dở khóc dở cười...
Tùng vừa nâng tôi lên, tôi đã cảm thấy rõ rệt sự bất an khi eo tôi không nằm chắc trong hai cánh tay cậu. Ở trên cao, tôi cứ thấy chóng mặt, đầu óc chao đảo thế nào. Và rồi, dường như không thể tránh khỏi, cái điều tôi sợ cũng xảy ra. Tùng không chịu được sức nặng và độ cản tầm nhìn mà tôi và hai bộ đồ diễn gây ra cho cậu, nên bước hụt về đằng sau, ngã xuống. Chưa kịp la lên, tôi đã thấy vòng tay cậu ấy ôm cứng lấy tôi. Hai đứa vật vã lộn một vòng trên sàn, Tùng đè lên tôi, ánh mắt chúng tôi cứ khóa chặt vào nhau, và suýt nữa mấy chục con người xung quanh chúng tôi được chứng kiến nụ hôn của hai người bạn thân.
Tiếng cười ban đầu cũng rộ lên. Nhưng rồi Quỳnh, cô bạn thanh niên nghiêm túc ấy, dẹp ngay đi những tiếng ồn khi thấy tôi chật vật và xấu hổ. Tôi thật sự nợ nó lần này. Cứ như lúc ấy chỉ có mình nó thương tôi vậy. Còn tôi và Tùng thì thẹn không biết để đâu cho hết. Da tôi khi ấy cứ tê rân rân, còn mặt Tùng thì đỏ lựng hơn cả những thứ trái cây chín rục. Cũng phải mất đến mấy ngày, chúng tôi mới vượt qua được cảm giác ngượng ngùng kia mà chuyên tâm tập tiếp. Lần này, vòng tay Tùng vững hơn hẳn rồi. Hay, khả năng cao hơn, cậu ấy cũng chẳng còn gan mà lơi tay ra nữa.
Chị Mai không còn tham gia, nhưng cũng hỏi thăm chúng tôi nhiều. Dù chị vẫn luôn khen tôi làm tốt, nhưng nghe những lời chỉ bảo của chị về diễn kịch nói chung và vai diễn này nói riêng, tôi cũng thấy biết ơn lắm lắm. Tôi cũng không quên hỏi chị tại sao chị lại rút lui - ý tôi là, về những chuyện xảy ra đêm hôm ấy. Vì tôi biết, bận ôn thi Học sinh giỏi Quốc gia, cái lý do mà thầy Bách nói, chỉ là phụ. Nhưng chị vẫn chỉ dừng lại ở việc nói rằng cái chính là chị sợ. Chị sợ vai diễn ấy, sợ nhà hát ấy, và đặc biệt sợ cái phòng nghỉ diễn viên ấy. Bây giờ chị mới rút lui, vì khi ấy chị đơn giản là không thể rút lui được mà thôi. Chị nghiêm túc bảo tôi: "Đừng ngạc nhiên nếu hôm diễn không thấy chị. Chị không diễn được, bận quá nên chắc sẽ không đi xem đâu. Diễn thì thích, nhưng chị ngại cái chỗ ấy lắm. Có vào đấy thì cẩn thận nhé. Cố lên em!"
Anh Phong đứng bên cạnh, phụ họa thêm rằng chính anh cũng vậy. Chẳng biết hai anh chị đã nói chuyện xảy ra với mình cho nhau nghe chưa nữa. Chỉ biết, cả hai anh chị nhất quyết không nói cho tôi. Cứ như thể khi hai anh chị nói ra, tôi sẽ chạy ngay khỏi vở kịch này ngay vậy. Không diễn là không diễn thế thôi, chứ tôi biết hai anh chị lưu luyến lắm, tiếc đứt ruột, nên cũng không nỡ phá... Mãi rồi tôi chẳng dám hỏi thêm. Tôi chỉ đoán mò với Tùng đấy là lý do họ cố giấu tôi. Cậu ấy có vẻ đồng tình. Nhưng rồi Tùng lại đổi tông giọng, cậu biết tại sao họ sợ. Tôi đòi Tùng nói, Tùng lại hứa với tôi đến khi vở kịch xong xuôi. Nghe thấy thế, tôi lại càng nhõng nhẽo. Tôi trách Tùng hết im lặng với tôi chuyện bộ đồ, giờ lại cố giấu tôi chuyện này. Sau một hồi giằng co nhau bằng ngôn từ như thế, mặc kệ những lời tôi nói càng lúc càng gắt gỏng, Tùng chỉ đứng đó, lắc đầu, mỉm cười mãi thôi. Đứng một lúc lâu, cậu ấy mới cất lên một câu đầy chua chát:
"Diễn kịch xong, tao còn cái gì, tao cho mày hết."
Tôi không hiểu nổi thằng bạn tôi nữa rồi...
Ngày cuối trước vở diễn, thầy Bách khao cả hội một chầu trà sữa. Tôi cũng biết là khi thầy không bực, thầy thương bọn tôi nhiều. Nhưng lại thêm một lần, trừ tôi ra, trong cả hội trường lúc ấy không một ai là quá đỗi ngạc nhiên. Mọi người kể, hồi trước, cũng có một lần thầy bao cả câu lạc bộ y như vậy. Các anh chị lớp mười một còn kể lại trong ghen tị, rằng lần ấy riêng anh Phong và chị Mai, mỗi người được một cốc trà kem cheese...
Tùng nói sẽ bảo vệ tôi. Nhưng tới ngày diễn kịch cuối cùng, tôi vẫn chưa thấy gì nguy hiểm khiến cậu ấy phải phát huy vai trò bảo vệ. Tôi cũng tự nhủ thầm, mình còn tốt số chán. Mười bốn ngày vừa qua đã ngập tràn trong những chuyện lông gà vỏ tỏi như thế... Chuỗi những câu chuyện nho nhỏ dễ thương này rồi cũng đến hồi kết thúc. Và cái kết thật vô cùng chói lọi, trên một sân khấu lớn, ánh đèn rực rỡ, đẹp đến mức chính thầy Bách cũng không thể phàn nàn. Tối hôm ấy, với cặp kính lão đeo trên mắt, thầy ngắm nhìn một vòng hội trường, rồi nở nụ cười mãn nguyện chưa từng thấy. Thầy tập trung cả êkíp lại, đưa ra một thông báo vô cùng trịnh trọng, và cũng đầy sức nặng:
"Một tiếng nữa vở kịch sẽ bắt đầu. Đã từng này tuổi, thầy không biết liệu còn bao nhiêu lần thầy có thể đồng hành cùng các con, sáng tạo nên những vở kịch với sự giúp đỡ của các con. Thầy không biết đời thầy còn xem được bao nhiêu vở kịch hay. Thầy không biết liệu mình còn đủ sức để đợi đến ngày các con tự lập, tự hoàn thành một cách hoàn hảo những công việc của chính mình. Thầy bây giờ cũng chỉ muốn thấy các con tự lập được một lần thôi. Từ giờ phút này, trong ngày hôm nay, thầy từ chối làm cùng các con thêm bất cứ một việc gì nữa. Thầy cũng không mắng các con nữa đâu. Thầy sẽ ngồi xem như một khán giả, xem thành quả của các con thế nào. Dù sao các con cũng được thầy chỉ dạy những ngày vừa qua, nên đến bây giờ, đừng làm hổ thẹn danh tiếng của thầy, của trường và của bản thân mình. Các con hứa với thầy đi."
Ai nghe thầy nói cũng rung động không ít thì nhiều. Cánh nữ sinh có những người mắt long lanh lên vì xúc động. Chúng tôi hứa, lời hứa vội vàng nhưng chắc chắn - vì còn cả một vở kịch dài chờ đợi chúng tôi phía trước.
Sau phút giây xúc động, mọi chuyện dần về đúng quỹ đạo nhộn nhịp của nó. Ban Hậu cần, những con người mà tôi cứ gọi yêu là "đàn kiến đen", chạy ra chạy vào hai bên cánh gà, vác lỉnh kỉnh những thứ đạo cụ cuối cùng, người ướt mồ hôi nhưng không ai tỏ ra mệt mỏi. Chị trưởng ban tổ chức lâu lắm rồi mới được cảm nhận như thế nào là chỉ huy, bèn lớn giọng điều hành không ngớt. Mọi người ai cũng răm rắp làm theo như một dây chuyền, không một lời phàn nàn, gương mặt vẫn tươi cười đầy hăng say, hứng khởi. Các nhân viên nhà hát cũng chạy đôn chạy đáo. Hai đứa trẻ con ngừng chạy nhảy, mà ngồi yên chờ trang điểm, làm tóc xong xuôi. Đám diễn viên "người lớn" chúng tôi thay đồ, lần này không có gì phải vội vàng, nên từng nếp áo, nếp tóc đều được ban hậu cẩn tỉ mỉ chăm chuốt. Nhắm mắt lại, cảm nhận từng đường cọ trang điểm lướt nhẹ trên khuôn mặt, thế là đủ để tôi cảm thấy người chị lớn đang trang điểm cho tôi đã làm tốt nhất trong khả năng của mình. Ngắm nhìn mình trong gương, nhìn những diễn viên xung quanh, tôi không thấy bất cứ một điều gì đáng để phàn nàn cả. Cả những vai phụ như vai của Ly, Quỳnh cũng được chăm lo tử tế.
Chúng tôi đã sẵn sàng.
"Và sau đây, một sản phẩm của câu lạc bộ âm nhạc Music Club trường Trung học phổ thông S., vở kịch Cantarella ~ Độc Dược Màu Lam ~ một lần nữa xin phép được bắt đầu!"
Tôi đứng trong cánh gà, xoa đầu giục hai đứa trẻ con ra diễn. Cũng không quá lâu trước khi tới lượt tôi. Dù biết là cũng nhanh thôi, nhưng ruột gan tôi như không thể dứt cơn cồn cào. Cuối cùng thì tôi vẫn không được ngồi trên khán đài xem trọn vẹn. Nhưng cần gì nữa? Trở thành một phần của vở kịch này, chẳng lẽ lại không hay hơn? Chẳng phải tôi thậm chí còn hiểu nhân vật sâu sắc hơn sao? Cảm giác đứng trên sân khấu chẳng thực muôn phần kì thú hơn? Tôi cầm kịch bản trên tay, dự định xem qua mà tay cứ run vì bồn chồn, đành bỏ xuống. Vừa lúc ấy, hai đứa trẻ trở vào. Tôi hít một hơi thật sâu, tự nhủ rằng mọi chuyện sẽ ổn. Rồi, chỉnh cho lưng thẳng dậy, ngực ưỡn thêm một chút, đầu ngẩng cao đầy tự tin, tôi bước ra sân khấu đáp lại lời mời gọi của những ánh đèn.
Đứng trên sân khấu, chưa bao giờ tôi cảm thấy giá trị của bản thân mình đạt tới đỉnh cao như lúc này. Gương mặt son phấn lộng lẫy, đôi giày cao gót không chỉ cải thiện chiều cao mà còn nâng tầm tôi lên, bộ trang phục đắt và quý như vàng mà cả giới cosplay chỉ đếm trên đầu ngón tay số người dám đầu tư cho nó... Với tất cả những thứ ấy, tôi đã thực sự nhập hồn mình vào vai diễn. Một nữ quý tộc xuất thân gần như cao nhất châu Âu, một quân cờ chính trị thanh tao mà lợi hại và muôn phần nhuốc nhơ, tàn độc. Một nhân vật trải qua hàng mấy cuộc liên hôn vì người anh trai, biến đổi dần từ trong sáng thành đen tối. Nàng ra đi rồi lại trở về, vì chẳng biết tự bao giờ nàng nhận ra mình trót yêu anh trai mất rồi... Nhưng kì thực, một nhân vật như thế, nói giá trị cao cũng đúng, mà giá trị thấp cũng chẳng hề sai. Tập trung vào nhân vật, nhưng tôi cũng không thể không phân tâm vì những suy nghĩ liên quan đến chính bản thân mình. Bản thân tôi và nhân vật, vốn dĩ đã là hai con người khác nhau. Váy vóc, son phấn cuối cùng cũng chỉ là trang sức. Giá trị của một con người đạt tới tột đỉnh khi họ được cháy hết mình với cái đam mê sâu bên trong trái tim và khối óc.
Và bây giờ, trên sân khấu, tôi đang cháy. Cả về mặt hàm ẩn lẫn mặt tường minh. Từng mốc kịch bản cứ điểm dần; lúc này, trên sân khấu, thứ thuốc độc Cantarella của dòng họ ấy đang hòa vào trong dòng máu thiếu nữ, lan ra khắp thân thể, làm nàng cảm giác như có ngọn lửa thiêu đốt mình cháy từ trong cháy ra. Rồi sau một hồi, nàng vùng dậy, với thứ thuốc giải đã chứa sẵn trong thân xác nàng quý tộc Lucrezia và tất cả đam mê, nhiệt huyết của cô nữ sinh tên Lê. Trong phút chốc, tôi lại rời vòng tay người đồng hành Tùng, người đồng bệnh Cesare để đứng vững trên sân khấu, đứng thẳng lưng, đầu ngẩng cao, lòng tràn đầy kiêu hãnh xuất phát từ trong con người thật của mình.
Tiếng vỗ tay trên khán đài reo không ngớt. Ở hàng ghế đầu, thầy Bách đứng hẳn lên, tay chỉnh cặp kính lão, rồi nở nụ cười hạnh phúc, vỗ tay thật mạnh, đều và liên tục như chưa từng vỗ tay bao giờ. Cha mẹ tôi ngồi sau đó vài hàng ghế, cũng ở khoảng chính giữa khán đài, mắt như rơm rớm. Tôi thấy trên gương mặt hai người là nụ cười hạnh phúc, như thể muốn nói đứa con gái họ nuôi nấng mười lăm năm nay đã lớn rồi... Những ánh đèn flash trên khán đài vẫn luôn chớp nháy như nó vốn vậy suốt buổi tối ngày hôm nay. Đèn sân khấu, đèn phòng hắt bóng lên những nụ cười, những giọt nước mắt sáng ngời nơi khán giả. Cảm giác được là chính mình theo những ý nghĩa trọn vẹn nhất càng được lấp đầy thêm bởi những ánh mắt từ bao nhiêu con người ấy. Tôi cảm thấy mình được công nhận, bởi những giá trị của chính bản thân mình. Cảm giác ấy đã lấp đầy lòng tôi.
Nhưng vở kịch đã kết thúc đâu cơ chứ?
"Vì em là Cantarella của đời anh."
Người ấy quỳ xuống, nắm lấy tay tôi. Một lời tỏ tình, nhỉ? Diễn viên và nhân vật vốn là hai con người khác nhau. Nhưng tôi thấy lời tỏ tình ấy như vượt qua cả giới hạn về nhân vật, và xuất phát từ con người thật của Tùng. Hoặc chỉ mình tôi nghĩ thế. Khi tôi cố gắng kìm nén sự xúc động bồi hồi của mình trước gần một ngàn khán giả, một cảm giác run rẩy tựa dòng điện chạy vào bàn tay, đi thẳng đến trái tim tôi.
Hình như tôi thích Tùng mất rồi.
________
Hôm nay là ngày thứ hai kể từ lần đầu tiên tôi bước lên sân khấu kịch với vai trò nữ chính. Sau vai diễn thành công, ngày hôm qua, tôi được kết nạp ngay vào Music Club mà không cần phải trải qua vòng tuyển chọn năm sau. Giờ này, tôi chỉ đơn giản cảm thấy thật tuyệt. Đạt được tới mấy mơ ước cùng một lúc, tôi vừa biết ơn vì sự may mắn kì lạ của mình, vừa thấy tự hào về bản thân hơn bao giờ hết. Cảm giác cầm tận tay tờ giấy báo điểm thi cấp ba với những con số đáng tự hào ngày nào cũng chẳng khiến tôi hân hoan đến thế này. Tôi thấy giờ mình như một con người khác vậy. Nghĩ lại, tôi vẫn thấy bồi hồi khó tả, như thể chỉ vài phút trước, tất cả những chuyện này vừa mới xảy ra...
Sáng thứ ba. Một sáng thu Hà Nội. Trời trong, nắng vàng, se lạnh; sân trường yên ắng, lá bay xào xạc cạo lên nền đất những tiếng man mác buồn.
Tiết đầu, giờ Văn, thầy Bách. Lớp trưởng đã điểm danh, chỉ mình Tùng vắng mặt. Một nửa tiết học, thầy vẫn chưa tới lớp. Thật là một chuyện quái lạ. Đi kèm với sự hoàn hảo, kỷ luật vốn là thứ thầy đặt lên trên hết. Là một thầy giáo, thầy sẽ càng không cho phép mình vi phạm những nguyên tắc đã là cố định, đúng không?...
Cửa lớp hé mở chầm chậm. Chúng tôi thấy yên tâm hơn nhiều khi đứng lên chào thầy giáo. Nhưng người bước tới bàn giáo viên không phải thầy Bách, mà là thầy chủ nhiệm chúng tôi. Thầy chỉ tới để thông báo tới lớp một tin buồn. Một tin rất buồn.
Đêm qua, thầy Bách đã qua đời.
Tiếng râm ran dưới lớp dừng lại hẳn. Dưới lớp vang lên những tiếng nấc bất ngờ. Tôi gục đầu xuống bàn. Trước mắt tôi chỉ còn một màu tối đen như cái thế giới mà thầy đã đến. Thầy đã đối xử rất tốt với tôi. Cái vai nữ chính ấy chắc hẳn đã có sự can thiệp của thầy, và tôi may mắn cốt chỉ vì đã được thầy quan tâm, chú ý. Tôi không thể quên được những lời cuối cùng thầy nói với toàn bộ ban tổ chức. Nghĩ đến, tôi chỉ càng buồn và lạnh toát sống lưng. Đó thực sự như những lời trăng trối... Như người ta vẫn hay đồn đại, chắc hẳn, một cách diệu kì nào đó, thầy đã được biết trước sự ra đi của mình.
Lớp hôm nay chỉ có một người vắng mặt. Tùng vẫn chưa nghe tin này nhỉ? Giả sử cậu ấy có ở đây, thì cậu sẽ phản ứng ra sao? Chẳng hiểu sao, tôi chỉ có thể nghĩ đến một hình ảnh duy nhất: Cậu không vui, không buồn, không gì cả. Không cảm xúc, nhưng cũng chẳng vô hồn và thẫn thờ. Chỉ đơn giản là tôi không thể đọc được một cảm xúc gì từ khuôn mặt trong suy nghĩ ấy...
__________
Mấy hôm sau, tôi cùng cả lớp đi viếng thầy. Lần đầu tôi đến nhà thầy cũng sẽ là lần cuối... Một căn hộ chung cư cao cấp, tràn ngập hoa và ánh sáng thiên nhiên. Tiết trời mùa đông lạnh giá như nhẹ đổ qua những ô cửa sổ một màu u ám phủ lên gương mặt trên tấm ảnh thờ đã in hằn bao dấu vết của nhiều phen chịu khổ vì nghề, vì trò, và vì lý tưởng hoàn hảo của chính mình. Nhưng cho dù vậy, nụ cười của thầy trong bức ảnh vẫn dịu dàng, thanh thản, mãn nguyện như ánh nắng.
Hóa ra trong lớp tôi, Tùng lại là người đến sớm nhất. Đứng bên linh cữu thầy, Tùng khẽ kể tôi nghe về sự ra đi của con người ấy. Chẳng ai biết tại sao thầy đi nữa. Chỉ biết, thầy đã ra đi trong giấc ngủ. Một cái chết thật quá đỗi bình yên. Nhưng, cũng thật đường đột và bí ẩn làm sao...
Tùng rủ tôi đi đặt hoa vào linh cữu thầy. Không nhiều người làm thế; nhưng để tỏ lòng yêu kính với thầy, bây giờ tôi cũng không biết làm gì hơn nữa. Tôi đặt hoa hồng trắng. Còn Tùng chọn một đóa hồng xanh. Cậu bảo, đó là hai thứ hoa mà lúc sinh thời thầy ưa thích nhất.
Rồi chúng tôi lùi lại, hòa vào dòng người tới viếng thầy. Hai đứa nắm tay nhau, hai bàn tay siết chặt, run lên đến nóng ran, như cố gắng truyền cho nhau hơi ấm trước một cảnh tang thương, giữa trời thu se lạnh.
Và tôi còn dám đoán rằng, chúng tôi đã sưởi ấm trái tim nhau.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top