Lê - 07

Trời nhập nhoạng tối, tôi đã lại ở bên trong nhà hát ngày hôm qua. Không phải tự nhiên tôi lại đến sớm thế này. Chuyện là, cái sự việc kinh hoàng xảy ra tối qua, dù nó là cái gì, thì đối với chị Mai nó vẫn còn vô cùng ám ảnh. Ám ảnh đến mức dù chị thiết tha muốn diễn biết mấy đi chăng nữa, chị cũng ngần ngại quay lại cái nơi mà chị miêu tả qua điện thoại cho tôi bằng một từ "kinh khủng". Chỉ đơn giản là chị không muốn phải ở đó một mình. Chị không muốn, vì từ hôm qua, chị bỗng đâm ra sợ cảm giác bị bỏ lại đơn độc. Chỉ đơn giản là chị cần một ai bên cạnh thực sự quan tâm đến chị và vai diễn của chị, nhưng ai trong hậu trường cũng bận bịu với công việc riêng. Thế là chị chỉ còn cách nhờ tôi.

Sau mấy câu nhờ vả thầy chủ nhiệm hiền từ, tôi cũng được tự do ra vào hậu trường. Nhưng thú thật, cái không khí đằng sau cánh gà thật sự làm tôi chán nản. Hậu trường vốn chẳng rộng rãi gì, lại ních những người; ai cũng như bị bao phủ bởi thứ ánh sáng trắng ảm đạm của mấy cái đèn tuýp cũ lẫn thần thái tiêu cực đến xám xịt mà chính họ toát ra. Ai cũng có vẻ mệt mỏi vì tìm người trong đêm, vì thức khuya xử lý công việc còn lại của đêm qua, vì những công việc dồn dập của ngày diễn kịch hóa ra lại không đơn giản là kết thúc gọn gàng được chỉ trong một buổi tối. Dù nghe thầy chủ nhiệm tôi giải thích chuyện chị Mai bị chấn thương tâm lý và tôi chỉ đơn thuần là giúp đỡ, lại thấy hôm nay tôi theo sát từng bước chân chị, họ vẫn nhìn hai chị em tôi bằng những ánh mắt hình viên đạn. Có người thì gắt gỏng, hằn học ra mặt; có người thở dài liên tục, người khác trong mắt ánh lên sự cảm thông, nhưng cũng không thể không khó chịu vì những chuyện mà chúng tôi gây ra. Nhìn họ bê đồ, chạy việc cặm cụi như một đàn kiến đen dưới sự chỉ đạo của thầy Bách, thầy chủ nhiệm tôi và trưởng ban hậu cần, tôi lại thấy họ cứ khắc khổ thế nào; chắc hẳn tối qua thầy Bách không thể tìm thấy chúng tôi, đành giận cá chém thớt và họ vô tình trở thành nạn nhân. Những người duy nhất giữ bộ mặt không cảm xúc chính là những nhân viên nhà hát; họ cứ thế thực hiện công việc của mình, trên gương mặt chẳng mảy may biểu lộ điều gì cho thấy họ có hay không biết sự việc ngày hôm qua.

Trong cả một bầu không khí tiêu cực ấy, dễ hiểu khi tôi cũng trở nên tiêu cực theo. Chị Mai từ chối vào phòng nghỉ diễn viên. Giúp chị Mai sắp xếp, luyện tập giữa tiếng ồn của mọi người xung quanh, trong tôi bỗng loáng thoáng một cảm giác hối hận vì đã không mang theo bộ trang phục đắt giá kia. Là người duy nhất không phận sự với vở kịch bên trong hậu trường, tôi cảm thấy muốn tham gia vào nó. Đúng hơn, trong tôi lại nảy ra cái suy nghĩ hoang dại, hồ đồ: tôi muốn thay thế chị Mai làm nữ chính. Đằng nào bây giờ chị cũng đang gặp khó khăn mà. Giả sử đêm nay lại có chuyện gì, liệu tôi có thể chen chân vào không nhỉ... Nhưng tôi chợt tỉnh; tôi như muốn tự tát vào mặt mình một cái thật đau vì tội có những suy nghĩ đen tối và tham lam ấy. Chị là tiền bối tôi yêu quý mà, vai diễn này là của chị. Sao tôi lại dám trù ẻo tiền bối của mình? Cơ hội của tôi rõ ràng là bằng không; tôi chẳng phải thành viên câu lạc bộ, ngoại hình thường thường bậc trung, kinh nghiệm diễn xuất gần như không có...

Tôi nán lại cho đến khi nghe thấy giọng nói sang sảng của thầy Bách tập hợp các diễn viên chuẩn bị lên diễn kịch. Khi chị Mai bước về phía thầy, tôi và chị nhìn nhau, khẽ gật đầu. Rồi tôi quay lưng, bước ra khỏi hậu trường.

Tôi về chỗ ngồi trên khán đài. Ngả người ra ghế như tự thưởng cho mình một phút nghỉ ngơi, tôi tự nhủ thầm chị sẽ ổn thôi. Có lẽ tôi đã ôm rơm rặm bụng. Vốn dĩ ngay từ đầu tôi đến đây để xem kịch, chứ không phải để vướng vào những chuyện rắc rối này. Tôi lại dựng người dậy đúng lúc anh MC bước vào phía trong cánh gà, chuẩn bị tinh thần thưởng thức một vở kịch và không có gì hơn thế.

Khán phòng rộng rãi, thoáng mát, ánh đèn vàng mơ dìu dịu, sân khấu sáng rực nổi bật mà không chói lóa, từng mảnh đạo cụ lấp lánh dưới ánh đèn xung quanh. Thật là thoải mái. Nhìn những gì đẹp đẽ nhất được đưa lên sân khấu, trái ngược hẳn với cái bí bách của hậu trường, tôi vốn quý trọng lại càng quý trọng công sức của mọi con người làm nên vở kịch này. Người thầy vất vả không rời cánh gà chỉ vì sự hoàn hảo mình mong muốn, đàn kiến đen hậu cần chạy tíu tít những khi chuyển cảnh, những đứa trẻ mếu máo vì nóng, mệt, mồ hôi rịn ra áo quần, tóc tai nhưng vẫn tươi cười trên sân khấu, nữ diễn viên chính gồng mình vượt qua sợ hãi để bước đi nhẹ nhàng, "hoa cười ngọc thốt đoan trang". Và nhiều, nhiều những con người khác nữa... Chuyện hôm qua chỉ là cực chẳng đã, thật đáng tiếc làm sao...

Màn kéo xuống. Những cảnh tượng đẹp hoàn mỹ của quá trình hai anh em lớn lên cùng nhau đã xong. Gần như ngay tức khắc, màn nhung lại kéo lên, tiếng violin buồn thảm như ngân dài mãi không dứt. Ánh đèn vàng sáng của cảnh trước tối lại dần dần, chỉ đủ để rọi sáng thân ảnh người nữ chính bé bỏng trên chiếc trường kỉ giữa sân khấu lớn. Và chị ở đó một mình.

Nhạc lặng. Ba mươi giây... Rồi một phút...

Đáng lẽ ra nam chính và nữ chính sẽ cùng xuất hiện ở cảnh này thì phải? Hoặc cùng lắm chỉ cách nhau vài giây...

Thế thì nam chính đâu?

Sau khoảng thời gian im lặng ấy, mọi người trên khán đài bắt đầu sốt ruột nhìn nhau. Tiếng nói chuyện đã dần râm ran. Cố nhiên, chẳng ai trên khán đài quên được chuyện hôm qua. Chẳng có gì lạ khi trong những giọng nói lầm rầm của họ hòa trộn mạnh mẽ sự hoài nghi. Họ vội vàng phán xét, như thể vở kịch này làm họ tốn thời gian vô bổ, và là một trò lừa bịp, và nhiều lời khác nữa... Cái gì đang xảy ra thế này? Tôi nghe mà chợt thấy cảm giác cay cay trong lòng cứ đầy lên, làm cả người tôi nóng ran, hơi thở dồn dập.

Dù nó có là gì, tôi không thể để chuyện này lại xảy ra.

Tôi phóng xuống những bậc thang, vào trong hội trường. Cứ tìm ở đây trước đã. Với lượng adrenaline trong máu đang cao sẵn, tôi di chuyển nhanh đến không ngờ; đầu óc bây giờ chỉ tập trung duy nhất vào mục tiêu. Tôi đã ngó từng góc một, nhìn kĩ từng đạo cụ, lật không biết bao nhiêu miếng bìa, bạt... chỉ để tìm ra anh Phong.

Bỗng, tôi thấy cái tủ đựng đồ bên cạnh tôi run rẩy. Tôi đi vòng qua bên kia xem.

Chính xác là người tôi cần tìm. Anh vẫn mặc nguyên đồ diễn, nói đúng hơn là bộ đồ như nuốt trọn anh; chiếc mũ rộng vành xộc xệch sụp xuống che gần hết mặt. Anh tựa lưng vào tủ, và trông anh nhỏ bé đến lạ khi co rúm người lại, vòng tay ôm gối, thân thể thì run nhè nhẹ.

- Này anh ơi! - Tôi vừa cất tiếng thì...

- Con gái? Tránh xa tôi ra! - Anh giật nảy mình, quát lên, dịch người ra khỏi tôi, làm cái tủ trượt khỏi chỗ, mài trên đất kêu ken két đến nổi da gà.

Tiếng kêu của cái tủ và tiếng quát hiếm thấy của anh gây chú ý tới tất cả mọi người trong hậu trường. Không chần chờ gì, họ đều lao về phía anh.

Anh Phong càng co rúm người lại. Mọi người không ngừng giục anh ra, ban đầu chỉ nhẹ nhàng:

- Phong ơi mày ra diễn đi, cái Mai đang đợi trên sân khấu rồi đấy!

- Em sao thế? Sao em không ra?

- Thôi đi! Tôi diễn với gái làm sao được! Đừng có động vào tôi! - Anh la toáng lên.

Mọi người nhìn nhau ngơ ngác khó hiểu. Tôi nghe ngóng từ các nhân viên, hình như ban tổ chức đã thông báo tới khán giả là sân khấu có chút vấn đề để có thêm vài phút xử lý chuyện này. Chị Mai cũng đã vào bên trong cánh gà, đến đứng cạnh anh hỏi han.

- Phong ơi, thế làm sao đấy?

- Ở trong đấy!... - Anh lẩm bẩm, liếc mắt về phía phòng nghỉ diễn viên.

Chị Mai đang bình tĩnh nghe thấy, giật nảy mình, quỳ sụp xuống cạnh anh. Mặt chị lại đỏ gay, chị quát, hai tay cứ khua khoắng liên hồi:

- Thôi! Đi ra! Khiếp! Diễn cái gì mà diễn...

Mấy anh diễn viên phụ quát:

- Tập bao nhiêu lần rồi! Chúng mày bị gì đấy? Có gì mà không được?

Tôi tự nhủ, bây giờ thì tôi dám chắc cái chuyện khủng khiếp hôm qua xảy ra với chị trong phòng nghỉ diễn viên, và chị hết sức tránh né nơi ấy là vì thế. Bỗng, điện thoại tôi rung.

- Mọi người trật tự! - Nổi bật lên hẳn khỏi những tiếng quát tháo chính là giọng thầy Bách. Thầy ôm đầu ra vẻ căng thẳng, nói to, dù giọng rất vững vàng nhưng cũng có đôi phần bực bội - Có diễn viên đóng thế rồi. Không phải loạn. Các con mà thật sự muốn vở kịch này ra ngô ra khoai thì nên đi câu giờ thêm mấy phút đi, chứ đừng đứng đây nhặng xị cả lên. Đi đi, để thầy với nhân viên lo chuẩn bị. - Rồi thầy lại cất giọng chỉ huy - Tất cả mọi người tập trung vào việc đi! Một sai sót thôi là không còn cứu vãn được gì nữa đâu! Cái Lê không có việc gì thì nghe điện thoại đi, tiếng chuông nhức đầu quá.

Trong lúc mọi người ngạc nhiên tản ra, tôi quay đi nghe điện thoại. Là mẹ gọi. Vừa nhấn nút xanh, tôi đã nghe giọng mẹ gấp gáp:

- Ơ kìa con, ra lấy đồ đi! Thầy con bảo mẹ mang đồ đến. Tối nay đi vội quá quên đồ à? Đã biết hôm nay đi diễn, cái váy đen với mấy thứ khác lại còn to đùng mà cũng quên được, chết dở...

- Mẹ ơi... Kịch nào? Thầy nào? Con không phải diễn viên vở hôm nay đâu! - Tôi chau mày, ngơ ngác khó hiểu thật sự. Trong tất cả những gì mẹ nói, tôi chỉ biết mỗi cái váy với đồ đạc là mấy thứ vừa được chuyển đến tối qua.

Mẹ tôi cũng bối rối:

- Ơ kìa, thầy con bảo con diễn mà? Cái kịch Can Can... gì đấy tối nay ở chỗ [...] chứ còn kịch nào? Nhanh lên con!

Thôi thế thì đúng rồi. Cái bức thư hôm qua cũng nói đến chuyện này. Tôi dập máy, chạy vội ra cửa chính nhà hát, tim đập thình thịch. Chỉ trong một phút, đầu óc tôi từ trên mặt đất đã bay nhảy loạn xạ như vừa lên mây. Thế có nghĩa là thật bất ngờ thay, tôi đã trở thành diễn viên đóng thế vai nữ chính vở Cantarella thay chị Mai, đúng như cái mong ước tội lỗi của tôi. Dù thế nhưng tôi vẫn không thể tin được những gì tôi vừa nghe, tự trầm trồ trong óc. Không còn vì tự nhiên có kẻ bảo tôi phải diễn vở kịch này ngày hôm nay, mà là vì điều đó đã trở thành sự thật. Cái điều mà mới chỉ tầm một tiếng trước tôi vẫn còn nghĩ là điều không tưởng.

Chạy quá nhanh, tôi suýt va phải Quỳnh trong bộ đồ hầu nữ đang chạy ngược chiều tôi. Hai đứa chúng tôi khựng lại, làm mấy người đi sau đứng lại theo, suýt cắm đầu xuống đất. Quỳnh và mấy người ấy như đánh rơi đống đồ trên tay đến nơi. Nhưng, ngay sau đó, chẳng kịp để tôi nói gì, Quỳnh đã đứng thẳng dậy, một tay ôm cái hộp nhỏ hôm qua, một tay kéo tay tôi chạy tiếp.

- Ra lấy đồ à? Bọn tao cầm đây rồi. Về thay đồ thôi, để tao giúp mày. - Quỳnh thở gấp.

- Ừ, ừ. Nhưng mà tại sao tao tự nhiên bị lôi lên diễn thế? - Vẫn chẳng rõ cơ sự chuyện này, tôi không biết làm gì khác ngoài thắc mắc.

- Thầy Bách bảo thế. Tao biết thế khỉ nào được?

Có vẻ Quỳnh cũng bối rối như tôi. Vừa lúc đó, chúng tôi chạy về phòng thay đồ. Tôi không còn lựa chọn nào ngoài nghe theo thầy và Quỳnh nữa. Tôi đá bỏ đôi dép, xỏ giày vào, rồi cởi vội quần áo, nhanh tay khoác chiếc váy lên. Trước những lời giục giã và những phát kéo váy chỉnh sửa nhanh nhẹn của Quỳnh, tôi cũng vội vã tới mức không thể nào để tâm đến việc phải nhẹ tay với bộ đồ đắt tiền này, dù lòng tôi đau nhói khi nghĩ tới chuyện thứ trang phục quý giá ấy như bị vò nát đến nơi dưới tay chúng tôi. Tôi chụp tóc giả lên đầu, Quỳnh đi lại xung quanh vuốt nếp tóc cho tôi, đồng thời nhoay nhoáy gắn những chiếc kẹp tóc lên.

Chúng tôi xong sau chưa đầy mười phút. Tôi cẩn trọng nhón chân bước từng bước ra khỏi phòng thay đồ; hai bàn chân không dám gây ra một tiếng động, nhưng trong đầu không ngừng xuýt xoa khi thực sự cảm nhận sức nặng của bộ đồ trên người mình. Lòng tôi cứ lâng lâng kì lạ. Khoác chiếc váy cầu kì lên người, tôi thấy mình như không còn là con bé bộp chộp khi nãy nữa; tôi như trở thành một người khác, một nữ quý tộc thực sự, với tất cả sự sang chảnh trên đời. Cứ coi như tôi đang tập đi lại đi; tôi đứng thẳng lưng, bước thật nhẹ, không quên để tà váy rung rinh bồng bềnh, như thể tôi vừa được tiếp thêm một nguồn sức mạnh tự tin, đĩnh đạc nào đó. Nhưng, ngay khi nhìn thấy người đứng trước mặt, người tôi cứng ngắc như hóa đá.

Tôi không thể nhầm lẫn được.

Chính là Tùng.

Đã hai ngày nay, cuối cùng tôi mới gặp được cậu. Nhưng cớ sao lại phải là ở chính nơi đây, và vào đúng thời điểm hai đứa cùng mang trên mình bộ dạng này...

Tùng cũng đứng khựng lại, tròn mắt nhìn tôi. Nhìn vào mắt cậu, tôi thấy có lẽ cậu cũng ngạc nhiên y như tôi vậy, có khi còn hơn tôi nữa không biết chừng. Bộ đồ cậu đang khoác trên người giống hệt đồ diễn của anh Phong từng đường kim mũi chỉ. Cũng một cái áo choàng dài quá gối công phu, với cái mũ đính lông vũ rộng vành. Chỉ khác là, bộ đồ này được may vừa in với từng đường nét trên người cậu, màu đen tuyền thay bằng vải lụa trắng muốt, và thay vì những đường diềm thêu chỉ vàng là những hoa văn trang trí nơi mép áo màu xanh lam đậm rực rỡ đến độ ngay tức khắc in sâu trong đầu óc tôi.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top