Lê - 02
Ngày vui thường ngắn chẳng tày gang. Nhưng khoảng thời gian chờ đợi đến phút được vui lúc nào cũng dài lê thê đến chán nản. Cả ngày hôm nay tôi đã đợi chờ trong tâm trạng như thế đấy. Cứ một lúc là tôi lại phải ngơ ngáo ngước mắt lên nhìn đồng hồ, miệng lẩm bẩm nhẩm tính xem còn bao lâu nữa là tới giờ đi xem kịch. Tôi mong ngóng tới mức, ăn xong bữa tối, tôi lập tức xin phép cha mẹ, lên phòng chuẩn bị đi. Tôi vơ vội mấy cái quần cái áo trên móc đang mặc dở thay lên người, chải lại tóc tai cho tử tế chút, ra ngoài bắt xe ôm, dặn lái xe phóng nhanh tới nhà hát.
Tôi xuống xe ở tầng trệt một cửa hàng tiện lợi ngay đối diện nhà hát. Lúc ấy, mấy đứa bạn tôi cũng vừa đến, dắt xe vào gửi nhờ trong tầng trệt cửa hàng. Cái cách chúng quay ra tròn mắt nhìn tôi như thể tôi là sinh vật lạ từ trên trời rơi xuống khiến sự bực mình và khó chịu trong lòng tôi nhen nhóm lên âm ỉ, dù chỉ là một chút ấy thôi, nhưng cũng thừa sức phá tanh bành những cảm xúc bồi hồi của tôi nãy giờ. Nhưng rồi nhìn qua hết những trang phục mà đám bạn đang diện, tôi cũng hiểu tại sao. Bạn bè tôi, đứa nào cũng áo quần nghiêm túc chỉn chu, có đứa lại coi hôm nay là một buổi hẹn hò với bạn gái, bạn trai nên ăn mặc xúng xính, trang điểm lung linh như thể đi dạ hội. Thế còn tôi? Tôi diện mỗi cái quần đùi bò ngắn trên gối ba bốn phân gì đó, cái áo thun cotton cộc tay hồng pastel in một dòng chữ tiếng Anh nhạt nhẽo, khoác bên ngoài cho đẹp là cái áo gilet denim hơi nhăn nhúm cho khỏi lạnh. Mặt mũi tôi, như mọi ngày đến trường, chẳng son phấn trang điểm gì. Nhìn tôi lúc này năng động nhưng xuềnh xoàng như thể chuẩn bị đi học thêm hay làm một chuyến dã ngoại với bạn bè, chứ chẳng có vẻ gì như chuẩn bị đi vào một nhà hát lớn để xem một vở kịch hoành tráng nào đó - mà lại còn là vở kịch trong mơ tôi chờ đợi bấy lâu nay. Ôi thôi! Cái vội làm tội cái thân. Tôi mà chẳng háo hức quá thì đã không phải thấy ngại ngùng, xấu hổ đến thế ở đây giờ này. Chả biết tôi ăn mặc thiếu nghiêm túc thế này, vài trong nhà hát sẽ còn ê mặt đến mức nào...
Nhưng rồi mọi chuyện cũng ổn; tôi lần mò bám theo mấy đứa bạn đi vào bên trong khán phòng, kiếm một chỗ ngồi gần sân khấu. Vừa ngồi xuống, cái cảm giác ngạc nhiên, hồi hộp, vui sướng bỗng chốc trở lại phảng phất trong lòng khi tôi quay ra tứ phía nhìn ngó không gian xung quanh. Nhìn bề ngoài nhà hát, nó có vẻ khá cũ kĩ và chật hẹp với chỉ một mặt tiền hướng ra con phố nhỏ. Thế nhưng phía trong, không gian lại mở rộng ra một cách kì diệu, chứa vừa một khán phòng lớn có những ba tầng với hơn một ngàn chỗ ngồi, ít nhất là theo tôi ước chừng. Trần nhà cao ngất, gắn bên trên là những hàng bóng đèn đang bật sáng. Chúng toả ra ánh sáng vàng dịu dàng ấm áp, phủ lên cả những ngóc ngách xa nhất của khán phòng một màu vàng mơ như nắng. Xung quanh phòng, những chiếc điều hoà cây cao hơn người tôi cả nửa mét không ngừng phả ra những luồng gió mát lạnh, làm nguội đi ngay tức khắc cái oi bức vẫn còn sót lại từ mùa hè của tiết trời cuối ngày đầu thu Hà Nội, đồng thời mang cái mùi hương thơm mát nhẹ nhàng có sẵn trong khán phòng ra khắp mọi nơi. Căn phòng mát mẻ nhưng không hề lạnh lẽo một chút nào, với những hàng ghế phủ vải màu đỏ san hô mới tinh cùng với tấm màn nhung đỏ lớn đang che kín sân khấu. Những bản nhạc giao hưởng cổ điển không ngừng được phát ra từ hệ thống loa quanh phòng. Từ hai bên cửa chẵn, lẻ, hai dòng người ùa vào như nước, lũ lượt tràn xuống những hàng ghế phía dưới, lấp đầy từng chiếc ghế trống.
Lúc mọi người ổn định chỗ ngồi, tiếng nói chuyện rì rào vợi bớt cũng là lúc ánh sáng từ trần nhà toả xuống yếu đi dần. Ánh đèn trên sân khấu nhờ thế mà càng thêm rực rỡ. Màn chưa kéo lên, nhưng những ngọn đèn tròn trên cao giờ đây rọi cả vào một nam sinh trường tôi vừa bước ra sân khấu. Anh nở nụ cười rạng rỡ, cầm micro giới thiệu về Music Club, về những hoạt động hàng năm của câu lạc bộ và về vở kịch - những thông tin tôi đều biết quá rõ...
"...Và sau đây, một sản phẩm của những thành viên câu lạc bộ âm nhạc Music Club đến từ trường Trung học phổ thông S., vở kịch Cantarella ~ Độc Dược Màu Lam ~ xin phép được bắt đầu!"
Anh MC cúi đầu chào khán giả, đi vào phía trong cánh gà. Tấm màn nhung đỏ được kéo lên. Hai đứa trẻ con cỡ tám, chín tuổi, một trai một gái đang đứng nắm tay nhau giữa một vườn hoa rực rỡ. Hoa!... Ban Hậu cần vở kịch đã làm thế nào mà vườn hoa kia trông thực thế? Hoa ở khắp nơi, như một tấm thảm trải rộng ra chiếm lấy toàn sân khấu. Nào là hoa hồng đỏ thắm, hoa nghệ tây vàng tươi, hoa oải hương tím nhạt, diên vĩ xanh ngắt... Chúng trông lộng lẫy tới mức tôi phải tự thuyết phục mình rằng đây chỉ là một vở kịch nên tất nhiên chỗ hoa kia chỉ toàn hoa giả mà thôi. Trong lúc cậu anh trai bình thản đứng nhìn - dường như với một cuộc sống quý tộc nghiêm ngặt và đáng sợ như thế, từ nhỏ cậu bé đã không thể nở nụ cười - cô bé Lucrezia lúc nhỏ, với vẻ hân hoan khác thường, nhảy chân sáo vào vườn hái hoa bắt bướm.
Vài giây sau, Cesare dẫn Lucrezia vào phía sau cánh gà, và tấm màn nhung lại kéo xuống, ánh đèn mờ đi ngắt cảnh. Rèm được kéo lên lần nữa, Cesare đã dẫn Lucrezia vào phòng riêng và giới thiệu cho em gái bộ sưu tập độc dược của riêng mình. Tôi ồ lên cùng lúc với tất cả mọi người. Vì Lucrezia lúc nhỏ được ban biên kịch dành tặng cho cả một vườn hoa như thế, nhưng anh trai Cesare của em cũng chẳng hề kém cạnh với cái tủ độc dược này. Cái tủ cao gấp đôi người cậu bé, chỉ đóng bằng mấy tấm ván gỗ thô sơ cùng với mấy tấm kính. Nhưng nó được đóng rất khéo, lại có lớp nước sơn mới bóng lên ngả giữa màu nâu chocolate và màu son cùng những khung kính mới tinh phản chiếu lại ánh đèn sân khấu. Thực sự, trông nó vẫn rất lung linh. Bên trong tủ là những lọ thuỷ tinh xinh xắn muôn màu muôn vẻ, cái to cái bé, nhưng tất cả đều được sắp xếp ngăn nắp đâu ra đấy.
Để miêu tả phần mở đầu này, tôi chỉ có hai từ thôi: hoàn hảo. Nói tất cả những thứ này được dựng nên bởi những học sinh cấp ba thì quả thật khó tin. Nhưng đúng là như thế. Ban Hậu cần, các anh chị đã vất vả rồi. Và bao công sức ấy đã được đền đáp một cách xứng đáng bằng những ánh mắt ngưỡng mộ của chúng em bên dưới khán đài này, cũng như sự trầm trồ rất tự nhiên của hai đứa bé trên sân khấu đấy.
Càng ấn tượng và yêu vở kịch, tôi lại càng tự hào về Trung học phổ thông S. trường tôi.
__________
Lần chuyển cảnh này, khi rèm kéo lên, trên sân khấu không còn là hai đứa trẻ lúc nào, mà hai anh em ấy giờ đây đều đã lớn. Bây giờ mới là lúc nam chính, nữ chính thực sự của chúng ta bắt đầu màn diễn của mình. Bối cảnh thì vẫn là căn phòng độc dược như cảnh đầu vở kịch, nhưng bây giờ cái tủ kia chẳng còn là tâm điểm, mà đã lùi về sau nhường chỗ cho Cesare và Lucrezia. Hay nói đúng hơn, về mặt hiệu ứng thị giác, hai bộ trang phục lộng lẫy mà họ đang diện trên người. Những bộ phục trang lung linh gấp nhiều lần những gì tôi nhìn thấy trên những tấm ảnh spoiler, trông tinh xảo và đắt tiền như vừa bước ra từ nhà may chuyên về đồ cosplay cao cấp nhất Hà thành.
Lucrezia không còn mang vẻ tinh nghịch ngày nào, mà ở cái tuổi mười sáu này, nàng rất thanh tao trong giọng nói và từng cử chỉ, cả với mái tóc uốn xoăn cài hoa hồng trắng và bộ đàm xoè trắng tinh. Những lọn tóc dài mềm mại bồng bềnh trôi trên sân khấu theo những bước đi của nàng, lại nhún nhảy tung tăng mà vẫn không rối tung lên, mất nếp uốn theo mỗi điệu nhảy, lời hát. Bộ đầm tuy có hơi cồng kềnh và diêm dúa, nhưng có lẽ phải như thế mới thật đúng với tinh thần những nữ quý tộc châu Âu thế kỉ mười lăm: Vẻ đẹp là trên hết, những thứ khác có hay không không quan trọng. Trước ngực bộ đầm là một mảng hoạ tiết hoa văn kiểu Pháp lớn thêu bằng chỉ bạc được gắn thêm hàng bao nhiêu viên đá giả sáng lấp lánh. Tay áo nhìn đơn giản và kín đáo, nhưng cũng không kém phần gợi cảm với vai áo hơi phồng lên và ống tay loe ra để lộ làn da trắng mịn của diễn viên nữ chính. Đằng sau váy khoét khá sâu, để lộ gần một nửa tấm lưng trần. Thân váy phồng rất to; những diềm trang trí tại chỗ nối phần eo và thân váy hay đường viền mép lớp váy ngoài cùng đều bằng lụa trắng, được xếp nếp cực kì cẩn thận. Hai bên thân váy, những bông hồng bạch kết bằng lụa với đủ kích cỡ được đính thành chùm điểm xuyết.
Còn với vai Cesare, không phải vì anh là nam mà khoản hình thức theo đó cũng bị ngó lơ. Từ trước đến giờ, từ bé đến lớn, tôi vẫn luôn thấy được một sự đối lập thú vị giữa anh và cô em gái của mình. Lucrezia là hoa, còn anh là độc. Lucrezia thay đổi từ vui vẻ hoạt bát sang đoan trang thanh lịch, nhưng anh thì vẫn nguyên một vẻ lạnh lùng từ đầu đến cuối. Cô em gái mang trên mình một màu trắng tinh khôi, còn người anh trai bí ẩn trong chiếc áo choàng đen dài quá gối cũng bằng lụa bóng. Tay và cổ áo viền vải xanh lam, thêu bên trên là những đường chỉ vàng lấp lánh. Những cúc áo cũng sáng loé lên một màu vàng. Như để bổ sung thêm đôi chút cho sự hoành tráng bí hiểm ấy, anh đội một chiếc mũ rộng vành gắn mấy cọng lông chim đen nhánh bên trên.
Nhưng chính vẻ đẹp của hai bộ trang phục hoành tráng kia lại là thứ làm tôi ngừng mơ mộng. Những suy nghĩ thô nhưng thật cứ thế nảy ra trong lý trí. Giờ tôi mới ngẫm ra, thành quả hoàn hảo này không phải chỉ từ tâm huyết của mỗi con người mà có được. Vở kịch này chắc chắn đã chẳng hình thành theo kiểu cây nhà lá vườn, có công mài sắt có ngày nên kim. Nếu không có lấy dù chỉ một nguồn tài trợ về mặt tài chính nào từ bên ngoài, vở kịch sẽ chẳng đi đến đâu cả. Sẽ chẳng có nhà hát, chẳng có những vườn hoa, tủ thuốc, váy phồng hay áo choàng. Nhưng là ai? Ai đã đứng đằng sau vở kịch này? Ai đã chịu bỏ không ra ngần ấy tiền của để tài trợ cho vở kịch với nội dung cổ điển, nhạy cảm và kén người xem như thế này? Nhất là khi nó được làm nên bởi những học sinh từ một ngôi trường tuy có tiếng thật đấy, nhưng không mang tiếng nhà giàu, không nổi bật về hoạt động ngoại khoá, và chính hoạt động thuộc hàng lâu đời nhất này cũng chẳng có mấy tiếng vang?
___________
Tấm màn nhung nhanh chóng hạ xuống rồi lại kéo lên, và nhạc nền của vở kịch cũng dần buồn bã với những điệu violin ai oán. Ánh đèn sân khấu sáng hơn, nhưng lại chuyển sang màu vàng dịu hơn một chút và có nét gì man mác buồn. Tôi hiểu rõ rằng điều này báo hiệu một bước ngoặt trong tình tiết kịch. Có lẽ nào đúng theo thông tin được công bố trước vở diễn, đây chính là cái đoạn Lucrezia thông báo cho anh trai về cuộc liên hôn mình sắp phải tham gia với tư cách một quân cờ trên bàn cờ chính trị? Cũng có thể lắm đấy, khi Cesare giờ đang lặng lẽ ngồi trên chiếc trường kỷ kê trước tủ độc dược trong căn phòng của anh. Không có Lucrezia bên cạnh.
Nhạc nền nhỏ dần rồi tắt. Những người xem kịch chắc hẳn cũng như tôi, đợi chờ từng bước chân từ tốn đoan trang của Lucrezia. Nhưng năm giây, lại mười giây... Chẳng có thay đổi nào diễn ra trên sân khấu. Hàng ngàn con mắt đổ dồn lên nam chính đang ngồi chờ đợi. Cả khán phòng rộng lớn với gần một ngàn con người lặng thinh - một sự im lặng chẳng hiểu sao lại làm tôi sờ sợ. Giữa tình thế ấy, nam chính bắt đầu cất tiếng với vẻ mặt sốt ruột:
"Lucrezia! Sao em chưa đến? Chẳng phải chính em đã hẹn tôi ở đây sao?"
Một đứa xem khá nhiều kịch như tôi nhìn qua là biết anh đã ứng biến. Nhưng cũng phải nói thật, đối với một học sinh cấp ba rất có thể chưa từng diễn kịch trước bằng ấy người bao giờ, đó là một pha xử lý khá tốt. Có lẽ vì hơn một năm học chung với toàn con gái, thêm cả sự sát gái sẵn có của mình, anh cũng đã thành người nhanh nhạy và linh hoạt trong biểu cảm.
Nhanh chân chiếm được chỗ ở một trong những hàng ghế đầu, tôi quan sát được nhiều thứ mà những người ngồi phía sau tôi không thể nhìn thấy được - bao gồm cả một phần của hậu trường. Phía dưới sân khấu, ở hai bên mé cánh gà đã có những anh chị mặc áo ban tổ chức đi ra, thì thầm gì đó với nhau. Sắc mặt họ đều thất thần; hai ba người đi đi lại lại, nhìn ngó xung quanh. Hẳn là ai cũng lo vì không thấy tăm hơi nữ chính đâu cả, nhưng cũng biết rằng hoảng loạn và cho khán giả biết mình hoảng loạn, làm tình hình lộn xộn hết lên là giải pháp tệ nhất cho vấn đề ngay lúc này. Khán giả thì cứ đợi chờ như thế, năm phút, lại mười phút... Tôi cũng thấy chút buồn, khi cái đêm mà tôi mơ ước lại bị phá huỷ theo cái cách lãng xẹt như thế này. Chị Mai ở đâu mà không lên sân khấu? Nam chính Phong cũng chán nản vì chờ đợi, bèn đứng lên, đi qua đi lại ở cái góc sân khấu nơi mà ban tổ chức đang xì xào với nhau ngay bên dưới. Nhìn mặt mũi anh bây giờ thất thểu vừa lo vừa buồn vừa sợ, tôi bỗng thấy tội nghiệp anh. Đáng thương thật, một "diễn viên" nghiệp dư bị bạn diễn cho leo cây ngay trên sân khấu...
Một lát sau, lại có mấy người khác chạy ra từ trong hậu trường, vẻ mặt đều hốt hoảng. Họ thông báo một tin...
Không tìm thấy chị Mai trong hậu trường.
Nữ chính đã biến mất.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top