Đh
Khát vọng của tuổi trẻ là có cơ hội được học tập và phát triển, lập thân, lập nghiệp nên vào đại học là mơ ước chính đáng của nhiều người. Nhưng, liệu đại học có phải là con đường duy nhất để bạn trẻ tìm kiếm cho mình một công việc lí tưởng?
Không vào Đại học… thì đã sao?
Không phải ai cũng có khả năng đủ sức, đủ điều kiện để vào đại học, có nhiều con đường khác nhau để thành đạt và mang lại thành công. Nhưng, thực tế hiện nay nhiều bạn trẻ vẫn đổ dồn vào con đường Đại học.
Không nên quan trọng hoá tấm bằng ĐH bởi hiện nay nhiều sinh viên ra trường vẫn phải làm việc trái ngành và khả năng có được việc thậm chí còn thấp hơn công nhân lành nghề.
Mỗi người tồn tại trong xã hội sẽ thích ứng được với một ngành nghề theo sở trường của mình, tạo nên nét đặc thù của xã hội: nhiều ngành nghề. Không có nghề nào cao sang, cũng không có nghề nào thấp hèn, quan trọng là ở chỗ người đó tự hào với công việc mình làm thì chỗ đứng của anh ta sẽ được khẳng định.
Các nhà văn như Nam Cao, Tô Hoài,… đều chưa qua giảng đường ĐH nhưng vẫn trở thành nhà văn nổi tiếng. Đối với họ, cuộc sống chính là trường ĐH chân chính của những thiên tài.
Vào năm 20 tuổi, Bill Gates đã bỏ dở việc học, từ giã giảng đường Harvard để bắt tay vào việc viết những dòng mã lệnh cho hệ điều hành đầu tiên trên máy tính. Dù không học hết đại học, Bill Gates vẫn trở thành người đồng sáng lập, chủ tịch tập đoàn và kiến trúc sư trưởng của tập đoàn Microsoft nổi tiếng, đồng thời là một trong những người giàu nhất thế giới.
Như vậy trong thực tế có nhiều người không qua trường lớp, thậm chí rời bỏ trường ĐH nhưng vẫn trở thành những con người thành đạt trong cuộc sống.
Mở hướng đi mới
Hàng nghìn cơ sở dạy nghề, hàng trăm trường trung cấp cả nước với mạng lưới hệ thống các cơ sở, trung tâm dạy nghề ngày càng mở rộng với rất nhiều ngành nghề hấp dẫn luôn là những cánh cửa rộng mở một lối đi khác để bạn trẻ vào đời.
Ông Nguyễn Thành Hiệp – trưởng phòng dạy nghề Sở LĐ-TB&XH TP.HCM – cho biết hệ thống dạy nghề tại TP.HCM đang có hàng trăm nghề; và có rất nhiều cơ sở đào tạo các nghề công nghệ cao.
Nhiều bạn trẻ chưa hiểu hết được lợi ích của việc học nghề. Các bạn cho rằng, nhiều người đã tốt nghiệp ĐH, Cao đẳng còn thất nghiệp huống chi là những người bước ra từ trường nghề.
Thực tế cho thấy, không chỉ các sinh viên trường ĐH mới có nhiều cơ hội việc làm. Nghiên cứu nhiều năm về thị trường lao động TP.HCM – 1 trong hai trung tâm kinh tế lớn nhất VN, thạc sĩ Lê Văn Thành – phó phòng nghiên cứu thị trường, Viện Kinh tế TP.HCM – nhận định: xu hướng trả lương của các doanh nghiệp cho lao động gần đây không còn chạy theo bằng cấp nữa mà chủ yếu theo năng lực. Điều này cho thấy học ĐH hay CĐ, trung cấp… không còn là vấn đề mà vấn đề ở đây là kỹ năng làm việc, năng lực thực hành trong công việc.
Để khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” rất phổ biến hiện nay, VN rất quan tâm chú trọng đào tạo và phát triển nghề cho thế hệ trẻ. Tuy vậy để có được một nghề nghiệp vững chắc, ổn định, để sau này có thể sống với nghề nghiệp của mình vẫn cần có sự nỗ lực của cá nhân mỗi người trong đó việc chọn cho mình một nghề nghiệp phù hợp với năng lực của bản thân, phù hợp với nhu cầu và điều kiện xã hội.
Không nên xem ĐH là con đường duy nhất để bạn bước vào đời. Bạn có thể học CĐ hay trung cấp chuyên nghiệp hoặc chọn một nghề nào đó học để tìm kiếm cho mình một việc làm phù hợp. Và trong cuộc sống, người ta muốn lĩnh hội được tri thức, thích ứng với công việc thì phải không ngừng học hỏi.
Hương Ngân (First-Viec-Lam)
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top