Trầm cảm sau khi sinh - Những điều cơ bản cần biết
linkid / Tháng Tám 3, 2016
Giới thiệu
Trầm cảm sau khi sinh (Postnatal Depression-PND) là một dạng trầm cảm mà nhiều cha mẹ mắc phải sau khi sinh con (vì người cha cũng có thể mắc chứng này).
Đây là một tình trạng phổ biến, ảnh hưởng hơn 1 trong 10 người phụ nữ trong vòng một năm sau khi sinh con. Mặc dù ít phổ biến hơn nhưng rối loạn này cũng ảnh hưởng tới người cha hoặc bạn đời. Điều quan trọng nhất là tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên môn càng sớm càng tốt nếu bạn nghĩ mình có thể mắc trầm cảm, vì triệu chứng bệnh có thể kéo dài hơn hằng tháng, hoặc chuyển biến tệ hơn, và ảnh hưởng nghiêm trọng đến bạn, con bạn và cả gia đình bạn. Thông tin trong bài viết này chủ yếu tập trung vào trầm cảm sau khi sinh ở mẹ.
Triệu chứng
Bạn có thể có một vài hoặc tất cả các triệu chứng sau đây:
Trầm uất
– Phần lớn thời gian bạn cảm thấy mệt mỏi, buồn bã, hay muốn khóc. Bạn có thể cảm thấy tệ hơn ở vài thời điểm nhất định trong ngày như buổi sáng hoặc buổi tối.
Cáu gắt
– Bạn cảm thấy mình dễ cáu gắt, hay giận dữ với chồng, con bạn, hay những đứa con khác.
Mệt mỏi
– Những người mới làm mẹ thường hay mệt mỏi. Trầm cảm có thể khiến bạn cảm thấy hoàn toàn kiệt sức và thiếu năng lượng.
Mất ngủ/ Ngủ quá nhiều
– Mặc dù bạn rất mệt mỏi nhưng bạn không thể nào ngủ được. Bạn có thể nằm đó thao thức và lo lắng về mọi thứ. Bạn tỉnh táo giữa đêm dù cho con bạn đang ngủ. Bạn có thể thức dậy rất sớm, trước khi con bạn tỉnh giấc. Hoặc bạn có thể ngủ rất nhiều.
– Cảm thấy bồn chồn không thể ngồi yên, hoặc bạn có thể ngồi yên nhưng cảm thấy một cử động nhỏ cũng đòi hỏi quá nhiều sức lực.
Thay đổi khẩu vị
– Bạn có thể mất khẩu vị và quên ăn. Một vài người ăn để giải toả stress nhưng sau đó lại cảm thấy tệ hay lo lắng mình tăng cân.
Không thể hưởng thụ bất kỳ thứ gì
– Bạn cảm thấy mình không thể hưởng thụ hay thích thú với bất kỳ thứ gì. Bạn có thể cảm thấy không vui sướng khi ở chung với con của mình.
Mất hứng thú với tình dục
– Có vài nguyên nhân tại sao bạn lại mất hứng thú với tình dục sau khi có con. Có thể là vì quá đau hay bạn quá mệt mỏi. PND có thể lấy đi bất kỳ sự ham muốn nào. Chồng bạn có thể không hiểu điều này và cảm thấy mình bị bỏ rơi.
Suy nghĩ tiêu cực và hay cảm thấy tội lỗi
Trầm cảm có thể thay đổi suy nghĩ của bạn.
– Bạn có thể có những suy nghĩ rất tiêu cực (muốn tổn thương bản thân mình)
– Bạn có thể có những suy nghĩ như “mình không phải là người mẹ tốt” hay “con mình không thương mình”
– Bạn có thể cảm thấy tội lỗi vì nghĩ như vậy hoặc cho rằng đó là lỗi của bạn.
– Bạn có thể mất tự tin.
– Bạn có thể cảm thấy mình không chống đỡ nổi nữa.
Lo âu
Những người mới làm mẹ thường hay lo âu về sức khoẻ con mình. Nếu bạn mắc PND, nỗi lo sợ này có thể trở nên quá mức chịu đựng. Bạn có thể lo lắng:
– Con bạn rất yếu
– Cân nặng của con không đủ
– Con khóc quá nhiều và bạn không thể dỗ cháu
– Con quá im ắng và có thể ngừng thở
– Bạn có thể tổn thương con.
– Bạn bị mắc bệnh thể chất nào đó.
– Rối loạn trầm cảm sau khi sinh sẽ không bao giờ khá lên
Bạn có thể lo lắng tới mức bạn sợ hãi khi phải ở một mình với con bạn. Bạn liên tục cần sự trấn an từ chồng bạn, gia đình hay bác sĩ.
Khi cảm thấy lo âu, bạn có thể có một vài triệu chứng sau:
– Mạch đập nhanh
– Tim đập mạnh
– Không thở được
– Đổ mồ hôi
– Sợ rằng mình sẽ ngất xỉu hoặc bị trụy tim
Bạn có thể lảng tránh một số tình huống hoặc những nơi đông đúc, bởi vì bạn sợ rằng mình sẽ có triệu chứng hoảng sợ.
Tránh né những người khác
– Bạn có thể không muốn gặp gỡ bạn bè hoặc gia đình. Hoặc bạn cảm thấy khó khăn khi phải đi gặp những nhóm trợ giúp trầm cảm sau khi sinh.
Tuyệt vọng
-Bạn cảm thấy như mọi chuyện sẽ chẳng bao giờ khá lên được. Bạn cũng có thể cảm thấy cuộc sống này chẳng đáng nữa. Thậm chí, bạn còn tự hỏi liệu gia đình bạn có tốt hơn khi bạn không còn hay không.
Suy nghĩ tự tử
– Nếu bạn bắt đầu có những suy nghĩ muốn tổn thương bản thân thì bạn nên đi gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Những lầm tưởng về rối loạn trầm cảm sau khi sinh
Rối loạn trầm cảm sau khi sinh thường hay bị hiểu sai và có rất nhiều lầm tưởng xoay quanh nó. Bao gồm:
Lầm tưởng: Rối loạn trầm cảm sau khi sinh ít nghiêm trọng hơn các dạng rối loạn khác.
Sự thật: Rối loạn trầm cảm sau khi sinh cũng nghiêm trọng và gây ảnh hưởng nặng lên người mắc bệnh như những dạng rối loạn trầm cảm khác.
Lầm tưởng: Nguyên nhân gây ra rối loạn trầm cảm sau khi sinh chính là sự thay đổi nội tiết (hormone)
Sự thật: Có nhiều yếu tố khác cùng gây ra bệnh, không chỉ riêng mỗi sự thay đổi hóc môn mà còn hoàn cảnh gia đình, sự thấu hiểu và giúp đỡ của chồng hoặc gia đình…
Lầm tưởng: Rối loạn trầm cảm sau khi sinh sẽ biến mất sau một thời gian.
Sự thật: Khác với buồn chán sau khi sinh (baby blues), rối loạn trầm cảm sau khi sinh có thể kéo dài hàng tháng nếu không được chữa trị. Trong một vài trường hợp ngoại lệ, nó có thể thành vấn đề lâu dài.
Lầm tưởng: Rối loạn trầm cảm sau khi sinh chỉ ảnh hưởng phụ nữ.
Sự thật: Nghiên cứu đã chỉ ra cứ 25 người khi mới làm cha thì sẽ có một người trầm cảm sau khi có con.
Lầm tưởng: Phụ nữ mắc rối loạn trầm cảm sau khi sinh sẽ thương tổn con của họ.
Sự thật: Những người mẹ mắc trầm cảm thường lo rằng họ sẽ thương tổn con mình nhưng điều này rất là hiếm. Thỉnh thoảng, khi hoàn toàn mệt mỏi và tuyệt vọng, bạn có thể có cảm giác muốn đánh hoặc lắc con bạn. Rất nhiều người mẹ (và cha) thỉnh thoảng cũng cảm giác như vậy, không phải chỉ riêng với người mắc PND. Mặc dù đôi lúc có những cảm giác này nhưng hầu hết các bà mẹ thường không làm thế. Nếu bạn có cảm giác này, hãy nói cho bác sĩ của bạn biết. Nhiều người mẹ sợ rằng mình nói ra thì con mình sẽ bị đưa đi, nhưng bác sĩ sẽ giúp bạn trở nên khá hơn để có thể vui vẻ và chăm sóc con bạn ở nhà.
Rối loạn trầm cảm sau khi sinh khác với buồn chán sau khi sinh (baby blues) như thế nào?
Buồn chán sau khi sinh (Baby blues) là một thuật ngữ dùng để diễn tả cảm giác lo lắng, không vui, và mệt mỏi mà nhiều người phụ nữ trải nghiệm sau khi có con. Trẻ sơ sinh đòi hỏi rất nhiều sự chăm sóc, cho nên nhiều người mẹ cảm thấy lo lắng và mệt mỏi khi phải chăm con là điều bình thường. Buồn chán sau khi sinh ảnh hưởng lên 80% các bà mẹ, thường bao gồm các cảm xúc ở trên nhưng nhẹ và sẽ biến mất sau khoảng 2 tuần.
Với rối loạn trầm cảm sau khi sinh, cảm giác buồn bã và lo âu có thể trở nên quá mức, kéo dài hơn 2 tuần và gây trở ngại tới khả năng tới khả năng tự chăm sóc bản thân và gia đình của người phụ nữ. Vì mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, rối loạn trầm cảm sau khi sinh cần được chữa trị. Những triệu chứng này có thể bắt đầu một khoảng thời gian ngắn sau khi sinh, nhưng thường phổ biến từ tuần đầu tiên cho đến tháng đầu tiên sau khi sinh.
Nguyên nhân
Không có một nguyên nhân riêng biệt nào gây ra rối loạn trầm cảm sau khi sinh mà nó là tổng hợp từ các yếu tố thể chất và tâm lý. Rối loạn trầm cảm sau khi sinh không xảy ra vì người mẹ làm hay không làm điều gì đó.
Sau khi sinh con, nồng độ của các hóc môn trong cơ thể (estrogen và progesterone) giảm nhanh chóng. Điều này dẫn đến sự thay đổi hoá học trong não bộ người mẹ và có thể kích thích cảm xúc dao động lớn. Thêm vào đó, nhiều bà mẹ thường không nghỉ ngơi đủ để hồi phục lại sức khoẻ sau khi sinh. Thiếu ngủ thường xuyên dẫn đến cơ thể khó chịu và mệt mỏi, và có thể dẫn đến các triệu chứng PND.
Một số phụ nữ có nhiều nguy cơ mắc trầm cảm sau khi sinh hơn những người khác vì họ có một trong yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như:
•Triệu chứng của trầm cảm trong khi hoặc sau khi mang thai lần trước
•Đã từng trải nghiệm trầm cảm hoặc rối loạn lưỡng cực ở một thời điểm khác trong đời
•Có thành viên trong gia đình đã từng được chẩn đoán mắc trầm cảm hoặc các bệnh tâm lý khác
•Trải qua một sự kiện nghiêm trọng trong khi mang thai hoặc ngay sau khi sinh, chẳng hạn như mất việc, người thân qua đời, bạo lực gia đình hay bệnh tật cá nhân
•Tai biến y khoa (medical complication) trong khi sinh, như là sinh non hoặc con sinh ra có vấn đề về sức khoẻ
•Cảm xúc lẫn lộn về việc có con, dù là theo dự dịnh hay không theo dự định
•Thiếu sự hỗ trợ nhiệt tình về mặt tình cảm từ chồng, gia đình hay bạn bè
•Có vấn đề lạm dụng rượu hoặc các chất khác
Kể cả khi bạn không có những yếu tố nguy cơ trên, sinh con là một sự kiện mang tính trọng đại thay đổi cuộc đời và đôi khi có thể dẫn đến trầm cảm. Cần có thời gian để thích ứng với việc trở thành cha mẹ. Chăm sóc trẻ nhỏ có thể rất căng thẳng và kiệt sức.
Trầm cảm sau khi sinh có thể ảnh hưởng bất cứ người phụ nữ nào không kể đến tuổi tác, chủng tộc, hay điều kiện kinh tế.
Can thiệp
Tự giúp đỡ bản thân (Self-help)
•Đừng hoảng sợ về việc chẩn đoán. Nhiều phụ nữ cũng mắc trầm cảm sau khi sinh, và bạn có thể cảm thấy khá hơn theo thời gian. Chồng, bạn bè hay gia đình có thể sẽ trở nên có ích và thông cảm hơn nếu họ biết vấn đề là gì.
•Kể cho ai đó nghe về cảm xúc của bạn. Kể cho ai đó có thể hiểu bạn sẽ mang lại sự nhẹ nhõm rất lớn. Đó có thể là chồng, người thân hay bạn bè. Nếu như cảm thấy không thể nói chuyện với gia đình hay bạn bè, hãy nói chuyện với bác sỹ. Họ biết là những cảm xúc này phổ biến và sẽ đưa ra lời khuyên giúp đỡ.
•Nên tận dụng mọi cơ hội để ngủ hoặc nghỉ ngơi trong ngày và vào ban đêm. Nếu như bạn có ai đó có thể đỡ đần như chồng, người thân hay bạn bè, thỉnh thoảng có thể nhờ họ cho con ăn vào buổi đêm. Bạn có thể dùng sữa mình đã được vắt sẵn. Nếu như nuôi con một mình, nên tranh thủ nghỉ ngơi khi con ngủ.
•Cố gắng ăn thường xuyên, kể cả khi bạn cảm thấy không muốn ăn. Hãy ăn những thức ăn có lợi cho sức khoẻ.
•Hãy tìm thời gian để làm những việc bạn yêu thích hay giúp bạn thư giãn, như là đi dạo, đọc tạp chí hay nghe nhạc.Nếu như bạn có chồng ở bên cạnh, cố gắng dành ra và tận hưởng một khoảng thời gian bên nhau. Nếu như bạn là bà mẹ đơn thân, cố gắng làm cái gì đó vui vẻ với bạn bè hoặc thành viên trong gia đình.
•Thử tìm kiếm những nhóm hỗ trợ (support group) cho những người mới làm mẹ hoặc những người mẹ mới sinh. Bạn có thể sẽ thấy sự hỗ trợ từ những người mới làm mẹ khác hữu ích. Có thể bạn sẽ tìm được những người có tâm trạng giống mình.
•Hãy để người khác giúp bạn công việc nhà, mua sắm và chăm sóc những đứa con khác.
•Chịu khó vận động. Đi dạo với con trong xe đẩy là bài vận động khá tốt. Vận động thường xuyên có thể cải thiện tâm trạng cho bạn.
•Tham khảo các sách và website self-help
•Liên hệ với các tổ chức hỗ trợ phụ nữ bị trầm cảm sau khi sinh.
•Đừng đổ lỗi cho bản thân, cho chồng, bạn bè thân hay người thân. Cuộc sống lúc này là khó khăn, mệt mỏi và sự cáu giận có thể dẫn đến cãi vã. Chỉ trích chồng có thể làm mối quan hệ của hai người tệ đi trong khi lúc này cần gắn bó, hợp tác hơn. Tương tự như vậy với gia đình và bạn bè thân, những người đang cố gắng giúp đỡ bạn.
•Đừng uống rượu hay sử dụng chất kích thích khác. Chúng có thể làm cho bạn cảm thấy khá hơn trong thời gian ngắn, nhưng tác dụng không kéo dài. Thuốc hay các chất kích thích khác có thể khiến cho trầm cảm tồi tệ hơn. Nó cũng có hại đến sức khoẻ thể chất của bạn.
Điều trị tâm lý
Chia sẻ về cảm xúc của bạn có thể có ích, dù bạn đang cảm thấy u sầu đến mức nào. Đôi khi, có thể rất khó khăn để bộc lộ cảm xúc của bản thân với một người thân thiết mà bạn có thể cảm thấy dễ dàng nói chuyện với một nhà tham vấn tâm lý hoặc nhà trị liệu đã được đào tạo hơn. Việc này cũng có thể giúp bạn hiểu và nhìn nhận rõ được các khó khăn của mình hơn.
Có những phương pháp điều trị về tâm lý chuyên sâu hơn. Liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive Behavioural Therapy) có thể giúp bạn nhận ra một số cách nghĩ và hành động đang làm bạn thấy trầm uất hơn. Bạn có thể học cách thay đổi những suy nghĩ này để có một tác động tích cực hơn đến những triệu chứng khác. Một số liệu pháp tâm lý khác có thể giúp bạn hiểu về trầm cảm ở khía cạnh về các mối quan hệ hoặc những điều đã xảy ra với bạn trong quá khứ.
Điều trị bằng thuốc
Nếu như bạn đang bị trầm cảm nghiêm trọng, hoặc tình trạng không khá hơn sau khi nhận được hỗ trợ hoặc nói chuyện với nhà trị liệu, bạn có thể đi khám và sẽ được bác sĩ kê đơn với thuốc chống trầm cảm, sau khi cân nhắc những yếu tố sau:
•Bệnh của bạn nghiêm trọng tới mức nào (hoặc bệnh trong quá khứ nghiêm trọng tới mức nào).
•Các phương pháp điều trị bạn đã tiếp nhận trước đây.
•Tác dụng phụ của thuốc.
•Thông tin mới mới nhất về sự an toàn của thuốc với việc cho con bú.
•Lợi ích của việc cho con bú.
•Tuỳ xem con bạn có sinh non hay có vấn đề khác về sức khoẻ không.
•Tác động của việc bệnh không được chữa trị lên con.
Có một số loại thuốc chống trầm cảm. Chúng có tác dụng tốt như nhau, nhưng sẽ có các tác dụng phụ khác nhau. Chúng không gây nghiện. Chúng đều có thể dùng cho trầm cảm khi sinh, nhưng một số an toàn hơn khi cho con bú. Tuyệt đối không tự tiện sử dụng thuốc chống trầm cảm mà không tham khảo từ bác sỹ, và việc cho bác sĩ biết bạn đang cho con bú là rất quan trọng.
Chồng, gia đình và bạn bè có thể giúp đỡ như thế nào
Nhận biết các dấu hiệu ở người mẹ
Trầm cảm sau khi sinh có thể phát triển dần dần và có thể rất khó nhận ra. Một số cha mẹ có thể tránh nói chuyện với gia đình và bạn bè về cảm xúc của mình vì họ lo lắng rằng có thể bị đánh giá là không thể tự giải quyết được hoặc không cảm thấy hạnh phúc.
Các dấu hiệu để chồng, gia đình hay bạn bè chú ý nhận biết ở người mới làm mẹ bao gồm:
•Thường xuyên khóc không rõ lý do.
•Gặp khó khăn trong mối quan hệ với con mình, cảm thấy chăm sóc con như là nghĩa vụ và chẳng muốn chơi với con.
•Rút lui khỏi việc liên lạc với những người khác.
•Luôn nói chuyện tiêu cực và chia sẻ là họ thấy tuyệt vọng.
•Thờ ơ với bản thân, chẳng hạn như không tắm rửa hay thay quần áo.
•Mất cảm giác về thời gian, chẳng hạn như không ý thức được 10 phút hay 2 giờ đã trôi qua.
•Mất khả năng đùa vui.
•Liên tục lo lắng điều gì đó sẽ xảy ra với con của họ, mặc dù đã được trấn an.
Nếu nghĩ rằng ai đó bạn biết bị trầm cảm sau khi sinh, hãy động viên họ chia sẻ cảm xúc với bạn, bạn bè hoặc bác sĩ.
•Đừng sốc hay thất vọng khi vợ/ bạn/ người thân của bạn nói rằng cô ấy bị trầm cảm sau khi sinh. Đây là điều phổ biến và có thể được giúp đỡ một cách hiệu quả.
•Tìm hiểu hiểu trầm cảm sau khi sinh là gì. Hỏi bác sỹ, tra cứu để biết thêm thông tin và những gì vợ/ bạn/ người thân của bạn đang trải qua.
•Rất có ích khi bạn có thể dành thời gian cho ai đó bị trầm cảm. Việc lắng nghe, đưa ra lời động viên và hỗ trợ là quan trọng. Trấn an cô ấy rằng, cô ấy sẽ cảm thấy khá hơn.
•Hãy coi việc vợ/ người thân/ bạn của bạn nói rằng cô ấy không muốn sống nữa hoặc muốn tự hại bản thân là nghiêm túc. Đảm bảo rằng cô ấy tìm kiếm giúp đỡ ngay lập tức.
•Động viên vợ/ người thân/ bạn của bạn tìm kiếm sự giúp đỡ và điều trị cô ấy cần. Nếu như bạn có lo lắng, băn khoăn gì về các phương pháp điều trị, thảo luận với bác sĩ.
•Giúp đỡ hết sức có thể với những việc thực tế, bao gồm cho con ăn, thay tã, đi mua sắm, nấu ăn hay làm việc nhà.
•Nếu đây là đứa con đầu lòng, bạn có thể cảm thấy bản thân bị lãng quên, bởi nhu cầu của cả con và vợ. Công việc chăm sóc vợ con cũng rất vất vả, và bạn cũng có thể cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi. Cố gắng đừng cảm thấy oán hận. Vợ của bạn lúc này cần sự giúp đỡ và hỗ trợ của bạn. Và nên tìm những sự giúp đỡ cho riêng mình từ mọi người trong gia đình hay bạn bè.
•Người bố cũng có thể bị trầm cảm sau khi con được sinh ra. Điều này càng có khả năng hơn nếu mẹ bị trầm cảm sau khi sinh. Nếu như bạn là bố, và nghĩ rằng mình có thể cũng mắc trầm cảm, hãy nói chuyện với bác sĩ. Việc bạn và gia đình có được sự giúp đỡ cần thiết là rất quan trọng.
Các vấn đề về tâm lý khác liên quan đến sinh nở
Cũng như trầm cảm sau khi sinh, một số các vấn đề về tâm lý khác cũng có thể phát sinh sau khi sinh con. Bao gồm:
•Rối loạn lo âu: bao gồm rối loạn lo âu toàn thể, sợ giao tiếp xã hội, rối loạn stress sau sang chấn và rối loạn hoảng loạn.
•Rối loạn ám ảnh cưỡng chế– những suy nghĩ, hình ảnh hay sự thôi thúc không mong muốn và không dễ chịu liên tục xâm nhập vào tâm trí, gây ra sự lo âu và dẫn đến những hành vi lặp đi lặp lại.
•Loạn thần sau khi sinh– đây là dạng bệnh tâm lý nghiêm trọng nhất sau khi sinh con. Nó ảnh hưởng khoảng 1 trong 1000 phụ nữ, và bắt đầu chỉ trong vài ngày hay vài tuần từ lúc sinh con. Nó có thể phát triển trong vòng một vài giờ, và nguy hiểm đến tính mạng, nên cần có điều trị khẩn cấp.
Có rất nhiều triệu chứng có thể xảy ra. Tâm trạng của bạn có thể tốt hay tệ, và sẽ có sự thay đổi trong tâm trạng (mood swings). Phụ nữ thường sẽ trải qua các triệu chứng loạn thần. Họ có thể tin vào những điều không thật (hoang tưởng) hoặc nghe nhìn thấy những thứ không ở đó (ảo giác).
Chứng rối loạn này luôn cần đến sự giúp đỡ và hỗ trợ chuyên gia. Bạn có thể đi đến bệnh viện.
Phụ nữ nếu có những đợt bị rối loạn tâm lý nghiêm trọng trước đây, đặc biệt là rối loạn lưỡng cực, có nguy cơ cao mắc loạn thần sau khi sinh. Hãy cho bác sỹ và bác sỹ hộ sinh biết điều này. Nên bàn bạc với họ để tăng khả năng bạn có thể khoẻ mạnh hơn.
Mặc dù loạn thần sau khi sinh là một trạng thái nghiêm trọng, phần lớn các phụ nữ hồi phục hoàn toàn.
Tổng hợp và dịch: Hải Đường Tĩnh Nguyệt & Dahlia Nguyen
Biên tập: KLinh
Nguồn:
http://www.nimh.nih.gov/health/publications/postpartum-depression-facts/index.shtml
http://www.helpguide.org/articles/depression/postpartum-depression-and-the-baby-blues.htm
http://www.nhs.uk/Conditions/Postnataldepression/Pages/Symptoms.aspx
http://www.rcpsych.ac.uk/healthadvice/problemsdisorders/postnataldepression.aspx
*Link:
https://beautifulmindvn.com/2016/08/03/tram-cam-sau-khi-sinh-nhung-dieu-co-ban-can-biet/
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top