Trầm cảm chức năng cao: Không thể tiếp tục bỏ qua!
linkid / Tháng Mười Hai 24, 2016
Lần đầu tôi tới gặp bác sĩ tâm thần với chứng trầm cảm và rối loạn lo âu là khi tôi học lớp 11. Trong khi kiểm tra sức khoẻ, bà đã hỏi về các lớp học và điểm số của tôi. Tôi bảo bà rằng điểm trung bình các môn của tôi đạt tuyệt đối và đã đăng kí kín lịch các khoá học nâng cao rồi. Bà liền trở nên bối rối, rồi hỏi về các hoạt động ngoại khoá của tôi. Trong khi tôi liệt kê một loạt những tổ chức tôi tham gia, cái chau mày của bà càng lúc càng rõ nét.
Cuối cùng, bà đặt bút xuống, nhìn tôi và nói đại loại là “Cháu có vẻ rất thông minh và giỏi giang đấy, nhưng chứng trầm cảm và rối loạn lo âu của cháu cũng có vẻ rất trầm trọng. Thực ra, những bạn trẻ như cháu làm cô sợ lắm.”
Giờ thì tới lượt tôi bối rối. Tình trạng của tôi có gì đáng sợ? Nhìn bề ngoài, tôi vẫn sống như một cô gái tuổi teen hoàn toàn “bình thường.” Tôi thật ra còn khá thành đạt nữa. Tôi đang đối phó với những rối loạn tâm lý của mình và đang thành công đấy, vậy vấn đề nằm ở đâu?
Tôi rời khỏi phòng khám với đơn thuốc Lexapro và một câu hỏi mà tôi sẽ liên tục nghĩ tới trong nhiều năm. Câu trả lời đã không ập đến ngay lập tức; nó đến với tôi mỗi lần tôi nghe về một vụ tự tử trên thời sự rằng “họ đã có một cuộc sống hoàn hảo về mọi phương diện.” Nó đến với tôi khi tôi gục ngã vì áp lực lần này qua lần khác, hoàn thành khối lượng công việc tối thiểu để có thể thành công như định nghĩa chính tôi đã đặt ra. Nó đến với tôi khi tôi bắt đầu chia sẻ câu chuyện và chứng bệnh của mình với người khác, và tôi nhận được những phản ứng như “Tôi không hề hay biết” và “Nếu bạn không kể thì tôi đã chẳng bao giờ biết được.”
Thật dễ dàng để đặt chứng trầm cảm vào một nhóm các triệu chứng nhất định, và mặc dù chúng ta luôn được nhắc nhở rằng rối loạn tâm lý có rất nhiều biến thể, trí óc chúng ta vẫn bị kẹt với một hình ảnh mặc định của bệnh tâm lý không hề phù hợp với nhiều người. Khi chúng ta nhìn vào chứng trầm cảm và rối loạn lo âu ở tuổi vị thành niên, chúng ta thấy những đứa trẻ tuổi teen chật vật sống qua ngày. Chúng ta thấy điểm số tụt hạng. Chúng ta thấy sự cô lập thay thế cho sự tham dự. Và cứ thế, chúng ta đã bỏ sót rất nhiều người.
Chúng ta không thấy những học sinh đạt điểm trung bình môn tuyệt đối. Chúng ta không thấy những học sinh năng nổ tham gia các hoạt động ngoại khoá hay làm lãnh đạo trong các tổ chức, hội nhóm. Dù có được nhắc nhở bao nhiêu lần rằng các rối loạn tâm lý không từ bất cứ ai, chúng ta vẫn quay lại với ý tưởng hẹp hòi về biểu hiện của chúng, và điều này cực kì nguy hiểm.
Việc nhận ra sự nguy hiểm ấy đã giúp tôi trả lời được câu hỏi của mình. Chứng kiến người lại người, kể cả chính tôi, lọt qua chiếc “máy quét trầm cảm” đã khiến tôi nhận ra đâu là nguồn cơn của nỗi sợ hãi đó. Bác sĩ tâm thần của tôi biết rõ danh sách các triệu chứng, và bà cũng biết chúng không nhất thiết có thể áp dụng với tôi. Bà hiểu rằng đó là lí do tại sao tôi đã không tìm đến bà cho tới khi tôi 16 tuổi, mặc dù trận chiến của tôi với những rối loạn tâm lý đã bắt đầu từ khi tôi 12. Bốn năm là một khoảng thời gian dài chịu đựng những chứng bệnh một mình, và trường trung học là một thời điểm khá nguy hiểm để đối phó với chúng.
Nếu chúng ta cứ tiếp tục để cho lăng kính nhận thức hạn hẹp về biểu hiện của các chứng bệnh tâm lý điều khiển cách chúng ta chẩn đoán và điều trị, chúng ta vẫn sẽ bỏ sót những người không phù hợp với khuôn mẫu. Chúng ta không thể cứ quên mất rằng có những người, dù không có tất cả những triệu chứng trong danh sách, vẫn bị những rối loạn tâm lý ảnh hưởng nặng nề. Nếu chúng ta quên, chúng ta sẽ để cho những khó khăn vất vả của họ tiếp diễn mà không được ghi nhận, và điều này thì khá là đáng sợ.
Nguồn bài và ảnh: https://themighty.com/2016/05/high-functioning-depression-we-cant-overlook-the-overachievers/
Dịch: Thu Trang
*Link:
https://beautifulmindvn.com/2016/12/24/tram-cam-chuc-nang-cao-khong-the-tiep-tuc-bo-qua/
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top