Tôi tên là Will Wheaton.

* Tôi tên là WI'll Wheaton.Tôi sống với bệnh trầm cảm mạn tính và rối loạn lo âu toàn thể.Tôi không hổ thẹn

linkid / 1 tuần ago

Tháng trước, tôi phát biểu ở hội nghị NAMI (National Alliance on Mental Illness) toàn bang Ohio. Đây là bài tôi đã chuẩn bị.

Trước khi bắt đầu, tôi muốn lưu ý các bạn rằng bài nói này chạm đến nhiều chủ đề gây kích động, bao gồm tự hại và tự tử. Tôi cũng muốn các bạn biết rằng tôi nói từ kinh nghiệm của cá nhân tôi, và nếu bạn hay người nào bạn quen biết đang sống cùng bệnh tâm lý, hãy nói chuyện với chuyên gia y tế có bẳng cấp và năng lực, bởi vì tôi không phải là bác sĩ.

Hãy bắt đầu nhé.

Xin chào, tôi là Wil Wheaton. Tôi 45 tuổi, có một người vợ tuyệt vời và hai đứa con đã trưởng thành luôn làm tôi tự hào, và một cô con dâu mà tôi yêu thương như thể con ruột. Tôi làm cho chương trình hài nổi tiếng nhất trên thế giới, tôi là người dẫn chuyện sách nói đứng đầu danh sách bán chạy của New York Times, văn phòng tôi chật kín với những giải thưởng tôi nhận được trong công việc của mình, và là một người đàn ông da trắng dị tính ở Mỹ, cuộc sống của tôi thật dễ dàng – và lại còn là người nổi tiếng nữa cơ chứ.

Cuộc sống của tôi, ở tất cả mọi thước đo khách quan mà nói, rất ư là tốt.

Và mặc dù thế, mỗi ngày tôi đều phải vật lộn với lòng tự trọng của mình, với định giá của chính bản thân, và với giá trị của mình không chỉ ở vai trò diễn viên hay tác giả, mà còn là một con người.

Đó là vì tôi đang sống với Trầm Cảm và Lo Âu, cặp đôi vô địch của Tập Đoàn Đấu Vật Với Bệnh Tâm Lý Thế Giới.

Và tôi không hổ thẹn khi đứng đây, trước mặt sáu trăm người trong căn phòng này, và hàng triệu người trên mạng, và hãnh diện nói rằng tôi đang sống với bệnh tâm lý, và điều đó ổn thôi. Tôi nói “với” bởi vì dù rằng căn bệnh tâm lý của tôi đã cố hết sức, nó vẫn không điều khiển tôi, nó không định nghĩa tôi, và tôi từ chối không để nó khiến tôi bị kì thị.

Nên là. Tên tôi là Wil Wheaton, và tôi mang bệnh trầm cảm mạn tính.

Tôi đã mất hơn ba mươi năm mới có thể nói lên mười lăm tiếng đó, và trong khoảng thời gian đó tôi đã chịu khá nhiều đau khổ. Tôi trải qua đau khổ bởi vì dù rằng chúng ta ở Mỹ đã và đang làm rất nhiều thứ để giúp những người sống cùng bệnh tâm lý, chúng ta vẫn chưa làm đủ để khiến việc những người du hành trên chuyến tàu não bộ kì quặc tìm đến và chấp nhận sự giúp đỡ ấy là ổn cả.

Tôi ở đây hôm nay để nói với các bạn về việc hành động để chấm dứt kì thị và định kiến vây quanh bệnh tâm lý ở Mỹ, và là một phần của điều đó, tôi muốn chia sẻ câu chuyện của mình đến các bạn.

Khi là một đứa trẻ, tầm khoảng bảy hay tám tuổi, tôi đã bắt đầu có những cơn hoảng loạn. Ngày đó, chúng ta còn chưa biết đó là gì, và bởi vì chúng thường xảy ra khi tôi đang ngủ, những người lớn nghĩ rằng tôi chỉ đang gặp ác mộng mà thôi. À thì, tôi đã gặp ác mộng, nhưng chúng còn hơn cả những giấc mơ xấu. Đêm này qua đêm khác, tôi sẽ bật dậy trong sợ hãi tột cùng, và đêm nối tiếp đêm, tôi sẽ tha chiếc chăn của mình khỏi giường, để đi qua ngủ dưới sàn phòng chị tôi, bởi vì tôi quá sợ phải ở một mình.

Cũng đôi khi có những giai đoạn nhẹ nhõm hơn, có khi kéo dài vài tháng, và trong những tháng ấy, tôi cảm thấy mình được làm một đứa trẻ bình thường, nhưng mà những cơn hoảng loạn luôn quay lại, và mỗi lần chúng quay lại thì còn tệ hơn trước.

Khi tôi khoảng mười hai hay mười ba, bệnh lo âu của tôi bắt đầu biểu hiện bằng nhiều cách hay ho làm sao.

Tôi lo lắng về mọi thứ. Tôi lúc nào cũng cảm thấy mỏi mệt, và hầu như mọi lúc tôi còn thấy khó chịu nữa. Tôi không có tí tự tin nào và lòng tự trọng thì kém cực kì. Tôi cảm giác mình không thể tin tưởng bất kì ai muốn tiếp cận tôi, bởi vì tôi cứ tin rằng mình ngu ngốc và vô giá trị và lí do duy nhất có ai muốn làm bạn tôi là vì họ muốn lợi dụng sự nổi tiếng của tôi.

Điều này quan trọng. Khi tôi mười ba, tôi đã diễn trong một bộ phim được yêu thích toàn thế giới có tựa là Stand by Me, và tôi đã nổi tiếng. Kiểu, rất nổi tiếng, kiểu như, nổi tiếng đến độ không-thể-đi-chơi-với-bạn-mà-không-bị-quấy-rầy, và điều đó có nghĩa là mọi hành động của tôi đều bị rà soát bởi cha mẹ, bạn bè, người hâm mộ, và báo chí. Thế còn tất cả những cảm giác lo âu kì quặc của tôi thì sao? Tôi được dạy rằng chúng rất đáng xấu hổ. Rằng chúng phản ảnh không hay ho về gia đình và cha mẹ tôi. Rằng chúng cần phải bị ép xuống tận sâu bên trong tôi, không được chia sẻ với ai, phải giữ như một bí mật.

Những cơn hoảng loạn xảy ra hàng ngày, và không chỉ khi tôi đang ngủ. Khi tôi cố nói với người lớn để được giúp đỡ, họ không để tâm. Khi tôi đang ở phim trường cho một chương trình truyền hình hay quảng cáo, và tôi cảm thấy khó thở bởi vì tôi đang rất lo âu liệu mình có phạm lỗi và bị sa thải? Các đạo diễn và nhà sản xuất than phiền với cha mẹ tôi rằng tôi đang làm khó họ. Khi tôi không thấy thoải mái với mái tóc hay hàm răng mình và không muốn tạo dáng cho buổi chụp ảnh tạp chí tuổi thành niên, những người làm quảng cáo nói với tôi rằng tôi là một đứa vô ơn và đang tự hủy hoại thành công của mình. Khi tôi không thể nhớ lời thoại, bởi vì tôi đang quá lo âu về điều gì đó mà tôi không nhớ nữa, thì các đạo diễn buộc tội tôi thiếu chuyên nghiệp và không chuẩn bị trước. Và đó là khi bệnh lo âu trở thành trầm cảm.

(Tôi sẽ giành lấy ít phút cho mình nhé, và tôi sẽ xé một lỗ hổng không thời gian để nói với những người lớn trong quá khứ: tha cho thằng nhóc đó đi. Nó đang sợ hãi. Nó đang bối rối. Nó đã cố hết sức rồi, và nếu mấy người có thể ngừng coi nó như đồ kiếm tiền cho mấy người, thì có thể mấy người có thể thấy rằng nó đang đau khổ và cần được giúp đỡ đó.)

Nhiều khi tôi thấy thật thê thảm, và nó không có nghĩa lí gì hết. Tôi đang thực hiện ước mơ khi còn là con nít, tôi diễn trong Star Trek: The Next Generation, và được trả tiền để làm điều mình thích. Tôi có mọi trò chơi điện tử lẫn trò chơi cờ bàn mà tôi muốn, và tôi có nhắc đến việc mình nổi tiếng chưa?

Tôi vật lộn để giảng hòa những sự việc trong cuộc sống của tôi với sự thật về sự tồn tại của mình. Tôi biết có gì đó không đúng ở tôi, nhưng tôi không biết đó là gì. Và bởi vì tôi không biết đó là gì, tôi không biết cách để hỏi xin sự giúp đỡ.

Ước gì tôi biết rằng mình mang bệnh tâm lý có thể chữa được! Ước gì tôi biết rằng những gì tôi cảm thấy không bình thường và không cần thiết. Ước gì tôi biết rằng tôi không đáng phải cảm thấy tệ, mọi lúc.

Và tôi không biết những điều đó, bởi Bệnh Tâm Lý là thứ mà gia đình tôi không đề cập đến, và khi họ nói đến nói, họ nói như thể nó là thứ xảy ra cho ai đó, và là thứ mà những người đó cần phải thấy xấu hổ, bởi đó là kết quả cho điều gì đó mà những người đó đã làm. Định kiến này tồn tại trong gia đình tôi mặc dù có những trường hợp bệnh tâm lý đó đây chảy dọc theo DNA của tôi, gồm những lần tự tử thành công lẫn bất thành của họ hàng, hơn một trường hợp rối loạn lưỡng cực, bệnh trầm cảm khắp nơi, và, bởi vì tự kê đơn cho mình, rất nhiều người nghiện rượu, đến mức nếu có ai đó không có vấn đề về rượu thì thật đáng chú ý.

Giờ thì, tôi không trách cha mẹ tôi bởi cách họ nói đến – hay đúng hơn là không nói đến – bệnh tâm lý của tôi, bởi tôi thực lòng tin rằng họ đã không nhìn thấy những triệu chứng nơi tôi. Họ lớn lên và nuôi dưỡng tôi trong một thế giới mà tôi đã dành cả thập kỷ vừa qua của đời mình để cố thay đổi. Họ sống trong thế giới mà bệnh tâm lý cũng ngang với sự yếu đuối, và sự hổ thẹn, và kết quả là, tôi chịu khổ mãi đến khi tôi tầm ba mươi.

Và không phải là tôi chưa bao giờ tìm sự giúp đỡ. Tôi có chứ! Tôi chỉ là không biết mình cần phải hỏi câu gì, và người lớn quanh tôi thì chẳng biết phải trả lời thế nào.

Mẹ ơi, con biết mẹ sẽ đọc hoặc nghe bài này và con biết nó sẽ làm mẹ buồn. Con muốn mẹ biết rằng con yêu mẹ, và con biết mẹ đã cố hết sức rồi. Thế nhưng, con kể lại câu chuyện của mình, để mẹ của ai đó khác có thể nhìn thấy những điều mẹ không thấy, qua những lỗi không phải của mẹ.

Tôi nhớ rất rõ khi tôi hai mươi hai, sống trong căn hộ của mình, thức dậy sau một cơn hoảng loạn đáng sợ đến độ chỉ viết về nó cho bài phát biểu này cũng làm tôi lo lắng chỉ muốn lược bỏ cho xong. Đó là vào giữa đêm, và tôi lái xe xuyên thị trấn, về nhà cha mẹ, chỉ để ngủ dưới sàn phòng chị tôi lần nữa, bởi đó là nơi mà tôi thấy an toàn. Sáng hôm sau, tôi khóc và hỏi mẹ tôi rằng chuyện gì đang xảy ra với tôi. Bà biết nhiều họ hàng của tôi đang có bệnh tâm lý, nhưng mà không thể hoặc không muốn kết nối chúng lại với nhau. “Con chỉ mới nhận ra là thế giới thật đáng sợ thôi,” bà nói.

Ừ, không đùa đâu. Thế giới làm tôi sợ hãi hàng đêm suốt cuộc đời mình và tôi không biết làm sao để dừng nó lại.

Lần nữa, tôi không trách bà và bạn cũng đừng trách bà. Bà thực sự đã làm mọi thứ có thể cho tôi rồi, nhưng sự kì thị và sự hổ thẹn là những thứ rất mãnh liệt.

Tôi muốn nói thật rõ ràng: Mẹ ơi, con biết mẹ sẽ đọc hoặc nghe bài này và con biết nó sẽ làm mẹ buồn. Con muốn mẹ biết rằng con yêu mẹ, và con biết mẹ đã cố hết sức rồi. Thế nhưng, con kể lại câu chuyện của mình, để mẹ của ai đó khác có thể nhìn thấy những điều mẹ không thấy, qua những lỗi không phải của mẹ.

Suốt những năm tôi hai mươi tuổi, tôi tiếp tục chịu đau khổ, không chỉ bởi những cơn ác mộng hay hoảng loạn. Tôi bắt đầu có những hành vi ám ảnh mà tôi chưa bao giờ nói đến với công chúng cho đến lúc này. Đây là một danh sách ngắn: Tôi bắt đầu lo lắng rằng những gì tôi làm sẽ ảnh hưởng lên thế giới quanh tôi một cách vô lý. Tôi sẽ nhịn thở khi lái xe qua gầm cầu, bởi nếu không làm thế, có lẽ tôi sẽ tông xe. Tôi sẽ vỗ lên thành máy bay khi tôi lên máy bay, và nói nó hãy chăm sóc tôi, bởi tôi tin rằng nếu không làm vậy, máy bay sẽ rơi. Mỗi khi tôi tạm biệt ai mà tôi quan tâm, não tôi sẽ cho tôi thấy thật rõ ràng rằng đây là lần cuối tôi gặp họ. Nói đến những kí ức đó, kể cả khi không nói rõ chi tiết, cũng rất khó khăn. Thật đau đớn để nhớ lại, nhưng tôi không hổ thẹn, bởi vì những ý nghĩ ấy – may mà giờ đây tôi không có nữa, nhờ có khoa học y học và trị liệu – không phải là lỗi của tôi cũng như khi tôi bị dị ứng sổ mũi do phấn hoa mỗi mùa xuân không phải lỗi của tôi vậy. Nó là một phần về tôi. Nó là phần về não bộ tôi hoạt động thế nào, và vì tôi biết được điều đó, tôi có thể chữa cho nó bằng y học, thay vì trở thành nạn nhân của nó.

Một nguyên nhân chính khi tôi nói về bệnh tâm lý của mình, là để tôi có thể thay đổi cuộc đời ai đó mà tôi ước ngày nhỏ mình có được, bởi không chỉ rằng tôi không hay biết gì về Trầm Cảm mãi tới khi tôi hai mươi, khi tôi biết chắc rằng mình đã mắc phải nó, thì tôi gánh chịu nó thêm mười lăm năm nữa, bởi vì tôi thấy hổ thẹn, thấy ngại ngùng, và thấy sợ hãi.

Bởi thế nên hôm nay tôi ở đây để nói với mọi người rằng: nếu bạn nghi ngờ mình đang mắc phải bệnh tâm lý, không lí do gì để bạn phải hổ thẹn, hay ngại ngùng, và quan trọng nhất là, bạn không cần phải sợ hãi. Bạn không cần phải chịu đau khổ. Không có gì cao quý trong đau khổ cả, và không có gì đáng hổ thẹn hay yếu đuối khi tìm đến sự giúp đỡ cả. Có thể điều này là hiển nhiên với nhiều người trong số các bạn, nhưng mà không như thế với tôi, và tôi là một gã khá thông minh đó, nên là tôi sẽ nói luôn đây: Không có lí do gì để cảm thấy hổ thẹn khi bạn tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia, bởi vì người mà bạn tìm đến là người đã dành cả đời để giúp những người như chúng ta được sống, thay vì chỉ tồn tại.

Tôi bỏ qua rất nhiều thứ, trong khoảng thời gian đáng lí ra là đẹp nhất đời tôi, bởi vì tôi bị tê liệt bởi những cơn lo âu Nếu Như.

Sự khác biệt đó, giữa sống và tồn tại, là điều mà tôi muốn chú tâm đến trong một phút tiếp đây: trước khi tôi được giúp đỡ cho chứng lo âu và trầm cảm, tôi không hề thực sự sống cuộc sống của mình. Tôi muốn làm nhiều thứ với bạn bè, nhưng lo âu luôn có cách ngăn tôi lại. Giao thông sẽ rất khó chịu, nó nói với tôi thế. Sẽ rất rắc rối khi phải đến đó rồi tìm chỗ đậu xe, nó sẽ giúp tôi quan sát vậy. Và nếu nó không ngăn được tôi rời nhà, thì luôn có người bạn đáng tin cậy: Nếu như…? À, “Nếu như… có chuyện gì đó không thể xảy ra sẽ xảy ra thật? Nếu như máy bay rơi? Nếu như mình ngồi kế ai đó đáng sợ? Nếu như họ cười mình? Nếu như mình bị lạc? Nếu như mình bị cướp? Nếu như mình bị nhốt khỏi phòng khách sạn? Nếu như mình trượt té bởi viên đá mà mình không thấy? Nếu như có động đất? Nếu như nếu như nếu như…

Khi nhìn lại phần lớn cuộc đời tôi, nó làm tôi đau lòng bởi khi não tôi đổ một đống nếu như lên tôi, nó chưa bao giờ hỏi tôi, “Nếu như mình làm điều mình muốn làm, và nó… vui? Nếu như mình cảm thấy vui vẻ, và mình mừng vì đã tham gia?”

Tôi phải nói với các bạn một sự thật đau lòng: Tôi bỏ qua rất nhiều thứ, trong khoảng thời gian đáng lí ra là đẹp nhất đời tôi, bởi vì tôi bị tê liệt bởi những cơn lo âu Nếu Như (What If).

Tất cả những thứ mà mọi người làm khi họ tận hưởng cuộc sống… tất cả những trải nghiệm làm nên cuộc đời, bệnh lo âu của tôi chen vào giữa tôi và làm những thứ ấy. Nên tôi đã không sống. Tôi chỉ tồn tại mà thôi.

Và qua tất cả, tôi vẫn không ngừng hỏi mình rằng liệu điều này là bình thường, hay khỏe mạnh, hay liệu nó có phải lỗi của tôi hay không. Tôi chỉ biết rằng tôi thấy nhút nhát với mọi thứ, và tôi lo lắng nhiều lắm. Toàn bộ tuổi thơ tôi, mẹ tôi nói rằng tôi là chúa lo âu, và cha tôi nói rằng tôi luôn kịch tính hóa mọi thứ lên, vậy đấy.

Chỉ là nó không buộc phải xảy ra như thế, và cho đến khi tôi gặp một cơn hoảng loạn thật lớn và nằm vật ra khóc tại Phi Trường Quốc Tế Los Angeles thì vợ tôi mới khuyên tôi đi khám.

Như tôi nói, tôi đã nghi ngờ rằng mình bị trầm cảm nhiều năm rồi, nhưng tôi sợ phải thừa nhận điều đó, cho đến khi người quan trọng nhất đời tôi nói với tôi, mà không thấy hổ thẹn hay phán xét, rằng em thấy tôi đang chịu đau khổ. Nên tôi đến gặp bác sĩ, và tôi sẽ không bao giờ quên điều ông ấy nói, khi tôi nói với ông ấy rằng mình sợ hãi thế nào: “Hãy để tôi giúp anh.”

Tôi nghĩ đó là khi, lúc tôi 34 tuổi, tôi nhận ra rằng Bệnh Tâm Lý không phải là yếu đuối. Nó chỉ là một căn bệnh. Ý tôi là, nó nằm ngay trong tên gọi “BỆNH Tâm Lý” nên không hẳn là một tiết lộ gì mới cả, nhưng mà khi cơ quan trong cơ thể có trách nhiệm với việc ta nhận thức thế giới và bản thân cũng là cơ quan bị bệnh, thì khó mà nhìn nhận khách quan lắm.

Nên tôi để bác sĩ giúp đỡ tôi. Tôi bắt đầu với thuốc chữa trầm cảm liều thấp, và tôi đợi xem có gì thay đổi không.

Và quả thật là có.

Vợ tôi cùng tôi đi dạo trong khu chúng tôi ở và tôi nhận ra hôm ấy là một ngày tươi đẹp – tiết trời ấm áp với một chút gió nhẹ, tiếng chim hót ngọt ngào, hoa cỏ thơm ngát và tay vợ tôi nằm gọn trong tay tôi.

Và tôi bắt đầu khóc khi vẫn bước đi và vợ tôi hỏi, “có chuyện gì thế anh?”

Tôi đáp rằng “Anh chỉ là nhận ra rằng anh không cảm thấy gì xấu và rằng anh không chỉ tồn tại nữa, anh đang sống.”

Giây phút ấy, tôi nhận ra rằng tôi đã sống cả đời mình trong một căn phòng rất ồn, và mỗi ngày tôi chỉ có thể ráng chịu đựng tiếng ồn đó. Nhưng với sự giúp đỡ của vợ tôi, bác sĩ, và khoa học y học, tôi đã tìm được cửa thoát ra khỏi căn phòng đó.

Tôi đã đi dạo với vợ mình gần như mỗi ngày suốt mười năm, trước khi tôi để tâm đến chim hay hoa, hay tình yêu mà tôi cảm thấy khi tôi để ý đến tay em đang nắm lấy tay tôi. Mười năm – những năm tôi hai mươi – mà tôi không thể lấy lại. Mười năm chịu đau khổ và cảm thấy yếu đuối và vô giá trị và lo lắng suốt, bởi vì sự kì thị xoay quanh bệnh tâm lý.

Tuy không phải người theo đạo, nhưng tôi vẫn muốn nói Tạ ơn Chúa đã ban cho con Anne Wheaton. Tạ ơn Chúa vì tình yêu và sự ủng hộ của em. Tạ ơn Chúa vì vợ con đã nhận thấy con đang đau đớn, và tạ ơn Chúa vì em đã không tin vào lời nói dối rằng Trầm Cảm là sự yếu đuối, hay là thứ đáng xấu hổ. Tạ ơn Chúa vì Anne, bởi nếu em không có sức mạnh để khuyến khích con đi tìm sự giúp đỡ từ chuyên gia, con không biết mình sẽ còn tồn tại được bao lâu nữa, chứ chưa nói đến sống thực sự.

Tôi bắt đầu nói về bệnh tâm lý của mình với công chúng từ năm 2012, và kể từ khi đó, mọi người tìm đến tôi trên mạng mỗi ngày, và họ hỏi tôi về việc sống cùng trầm cảm và lo âu. Họ chia sẻ câu chuyện của họ, và hỏi tôi làm thế nào để vượt qua một ngày tồi tệ, hay một tuần xấu xí.

Ngay lúc này, đâu đó có một đứa trẻ đang trải qua cơn hoảng loạn như tôi đã từng, và cha mẹ chúng không tìm đến sự giúp đỡ nào cho chúng, bởi họ tin rằng nó phản ảnh xấu cách nuôi dạy con của họ khi có một đứa con bị bệnh tâm lý.

Đây là điều mà tôi nói với họ:

Một trong những điều hay ho nhất của việc bị Trầm Cảm lẫn Lo Âu là đôi khi bất ngờ ta cảm thấy cả thế giới như tấm mền làm bằng chì, như thể thứ mà họ để lên ngực bạn khi bạn chụp x-quang ở chỗ nha sĩ, và nó được ném đến quanh đời bạn mà không cần sự đồng ý của bạn.

Về mặt thể chất mà nói, đối với tôi thì nó nặng ở một số chỗ hơn so với nơi khác. Tôi cảm thấy nó kéo trì khóe mắt tôi, và nhấn vào giữa ngực. Khi nó trở nên thật tệ, nó có cảm giác như là những giấc mơ mà khi bạn cố di chuyển, mỗi bước chân hay mỗi hành động đều như thể bạn đang cố đi qua thứ gì nặng nề và đặc quánh. Về tinh thần thì, nó bao phủ lấy tôi hoàn toàn, chia cách tôi khỏi động lực, khỏi tập trung, và khỏi mọi thứ đem lại niềm vui trong cuộc sống.

Khi nó thả tấm mền chì đó lên chúng ta, ta cần phải nhắc nhở chính mình rằng một trong những điều mà Trầm Cảm sẽ làm, để giữ nó mạnh mẽ và quyền lực, là nói với ta những lời dối trá, như là: Tôi thật kém cỏi trong mọi sự. Không ai thích tôi cả. Tôi không xứng đáng được hạnh phúc. Thứ này sẽ không bao giờ kết thúc. Cứ thế, cứ thế. Chúng ta có thể biết, trong lí trí của chúng ta, rằng đấy toàn là thứ nhảm nhí mà thôi (và ta có thể nhìn lại những lần trong đời mà ta làm TỐT việc gì, khi ta thấy hạnh phúc, khi ta thấy tệ nhưng vượt qua được, v…v…) nhưng tại khoảnh khắc này, nó là một thử thách khó khăn khi phải đợi Trầm Cảm tháo dỡ chướng ngại vật đang ngăn chúng ta mang những sự thật từ lí trí đến với cảm xúc của mình.

Và đó là điều về Trầm Cảm: ta không thể buộc chúng rời đi. Như tôi đã nói, nếu tôi có thể “nhưng cảm thấy buồn” thì TÔI ĐÃ LÀM THẾ RỒI. (Và, thêm nữa là, Trầm Cảm đâu chỉ có nghĩa là thấy buồn, đúng không? Nó là rất nhiều thứ cùng nhau mà ta đơn giản hóa thành “Tôi thấy buồn.”)

Nên một bước trong tự chăm sóc bản thân là hãy nhẹ nhàng với chính bạn. Trầm cảm đã vùi dập chúng ta rồi, nên ta không cần giúp nó đâu. Hãy cho phép bản thân được biết rằng mình đang cảm thấy rất tệ (hoặc xấu, hoặc bất kì cảm giác gì mà bạn đang cảm thấy), và rồi làm một chuyện nhỏ, chỉ một chuyện thôi, mà bạn hẳn là không cảm thấy muốn làm, và tôi HỨA với bạn là nó sẽ giúp. Một vài điểu nhỏ đó là:

Tắm vời sen.Ăn một bữa ăn dinh dưỡng.Đi dạo bên ngoài (dù là chỉ đi đến đầu đường rồi quay lại).Làm gì đó – ném quả banh, chơi kéo co, xoa bụng – với chú chó. Bất kì trò gì với bầy chó nhà tôi, dù chỉ là ngồi ôm chúng trên ghế một lát, cũng giúp tôi nữa.Tập yoga trong 5 phút.Nghe một bài thiền có hướng dẫn và thực hiện theo.

Cuối cùng, hãy tin tôi và biết rằng thứ cảm giác tồi tệ, kinh tởm, choáng ngợp mà bạn đang cảm thấy KHÔNG MÃI MÃI đâu. Nó sẽ khá hơn. Nó luôn luôn trở nên khá hơn. Bạn không hề cô đơn trong cuộc chiến này, và bạn ổn thôi.

Không ai ở bất cứ đâu, nhất là ở đây trên đất nước giàu có nhất thế giới này, phải shống trong bóng tối hoặc chịu đau khổ một mình, bởi họ không thể chi trả cho việc điều trị. Chúng ta có toàn bộ tiền trên thế giới cho vũ khí với thuế má, nên tôi biết rằng ta có thể đặt không chỉ chăm sóc sức khỏe lên hàng đầu, mà đặc biệt là chăm sóc sức khỏe tâm lý.

Ngay lúc này, đâu đó có một đứa trẻ đang trải qua cơn hoảng loạn như tôi đã từng, và cha mẹ chúng không tìm đến sự giúp đỡ nào cho chúng, bởi họ tin rằng nó phản ảnh xấu cách nuôi dạy con của họ khi có một đứa con bị bệnh tâm lý. Ngay lúc này, có một trẻ vị thành niên nghĩ đến tự hại, bởi vì chúng không biết cách tìm đến sự giúp đỡ. Ngay lúc này, có quá nhiều người vật lộn chỉ để qua ngày, bởi họ không thể trang trải cho sự giúp đỡ mà nhiều trong chúng ta không thể sống thiếu. Nhưng cũng có người ở đâu đó đang cầm điện thoại lên và đặt lịch hẹn. Có những bậc phụ huynh đã học được rằng bệnh tâm lý cũng không khác gì bệnh thể chất cả, và họ đang giúp đỡ con mình trở nên khác hơn. Cũng có những người trưởng thành, như tôi đây, từng sợ rằng thuốc trầm cảm sẽ biến họ thành một con người khác, và họ lần đầu tiên được nghe tiếng chim hót vang, bởi vì cuối cùng họ cũng đã tìm được đường thoát khỏi căn phòng tối.

Tôi dành ba mươi năm đầu của cuộc đời mắc kẹt trong căn phòng tăm tối, ồn ào đó, và tôi biết cảm giác ngột ngạt và tuyệt vọng khi ở trong đó, nên tôi làm mọi thứ có thể để giúp những người khác tìm được đường ra. Tôi làm điều đó bằng cách kể lại câu chuyện của mình, để những đặc quyền lẫn thành công của tôi làm được nhiều hơn là vun đắp cho đời sống của chính tôi. Tôi có thể là một tấm gương cho ai đó như cách mà Jenny Lawson đã làm gương cho tôi.

Nhưng tôi muốn gợi ý với các bạn một số điều mà chúng ta có thể làm, kể cả khi bạn không là người nổi tiếng trên mạng như tôi, để cùng nhau đặt dấu chấm hết lên kì thị đối với bệnh tâm lý, để không ai phải chịu cảnh chỉ tồn tại, khi mà họ có thể sống.

Chúng ta có thể bắt đầu từ việc yêu cầu những ủy viên được bầu chọn hãy cấp kinh phí cho những chương trình sức khỏe tâm lý. Không ai ở bất cứ đâu, nhất là ở đây trên đất nước giàu có nhất thế giới này, phải shống trong bóng tối hoặc chịu đau khổ một mình, bởi họ không thể chi trả cho việc điều trị. Chúng ta có toàn bộ tiền trên thế giới cho vũ khí với thuế má, nên tôi biết rằng ta có thể đặt không chỉ chăm sóc sức khỏe lên hàng đầu, mà đặc biệt là chăm sóc sức khỏe tâm lý.

Và cho đến khi những ủy viên được bầu chọn có hành động hiệu quả, thì chúng ta có thể ủng hộ những tổ chức như NAMI để đưa những hỗ trợ miễn phí hoặc chi phí thấp đến những người cần chúng. Chúng ta có thể ủng hộ những tổ chức như Project UROK đang hoạt động miệt mài trong việc kết thúc sự kì thị và nhắc nhở ta rằng ta đang bệnh chứ không phải yếu đuối.

Chúng ta có thể nhớ rằng, và ta có thể nhắc nhở nhau rằng, không có vạch đích nào cho bệnh tâm lý cả. Nó là một hành trình, và đôi khi chúng ta thấy con đường ta đang đi kéo dài tận chân trời, hoặc đôi khi ta chẳng thể nhìn xa hơn một mét trước mặt bởi sương mù dày đặc. Nhưng con đường vẫn luôn ở đó, và nếu ta không thể tự mình xác định nó, ta có những người yêu thương ta và các bác sĩ và thuốc men để giúp ta tìm lại nó, miễn là chúng ta không từ bỏ cố gắng nhìn thấy nó.

Cuối cùng, chúng ta, những người đang sống cùng bệnh tâm lý, cần phải nói về nó, bởi vì bạn bè và những người xung quanh ta biết ta là ai và tin tưởng ta. Tôi đứng đây để nói với bạn rằng bạn không đơn độc là một chuyện, nhưng các bạn chứng minh điều đó là một chuyện hoàn toàn khác. Chúng ta cần chia sẻ kinh nghiệm của mình, để cho ai đó đang chịu đau khổ tương tự như tôi đã từng sẽ không cảm thấy kì quái hay hư hao hay hổ thẹn hay sợ hãi mà tìm đến sự điều trị. Để cho các bậc phụ huynh không thấy rằng họ thất bại hay họ đã làm gì sai khi họ thấy những triệu chứng nơi con cái họ.

Mọi người nói rằng tôi thật dũng cảm khi nói ra, và dù tôi trân trọng điều đó, tôi không đồng tình với nó. Lính cứu hỏa dũng cảm. Những cha mẹ đơn thân phải làm nhiều công việc để chăm sóc con mình dũng cảm. Những sinh viên Parkland dũng cảm. Những người tìm đến sự giúp đỡ cho bệnh tâm lý của họ dũng cảm. Tôi không dũng cảm. Tôi chỉ là một tác giả và đôi khi là diễn viên muốn chia sẻ đặc quyền và may mắn của mình đến với thế giới, tôi mong rằng mình nói về bệnh tâm lý đủ nhiều để một ngày nào đó, nó không còn là điều đáng kể khi đứng lên và nói lên mười tám tiếng:

Tên tôi là Wil Wheaton, tôi sống với bệnh trầm cảm mạn tính, và tôi không hổ thẹn.

Cảm ơn vì đã nghe tôi nói, và xin hãy tử tế với nhau.

Dịch: Amy Chan

Nguồn: https://medium.com/@wilw/my-name-is-wil-wheaton-i-live-with-chronic-depression-and-generalized-anxiety-i-am-not-ashamed-8f693f9c0af1

*Link:
https://beautifulmindvn.com/2018/10/25/toi-ten-la-wil-wheaton-toi-song-voi-benh-tram-cam-man-tinh-va-roi-loan-lo-au-toan-the-toi-khong-ho-then/

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top