Ở nam giới,trầm cảm có khác biệt?
linkid / Tháng Mười 1, 2016
Nguồn: Elizabeth Bernstein, “In Men, Depression is Different,” The Wall Street Journal, 19 Sep, 2016.
Biên dịch: Dahlia Nguyen| Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Tôi thấy lo cho một người bạn. Anh ấy ngừng trả lời tin nhắn và cuộc gọi từ bạn bè một cách có trách nhiệm và có vẻ cáu kỉnh và khó chịu khi chúng tôi gặp anh. Anh phàn nàn về việc mất ngủ, không có năng lượng và thiếu động lực. Hỏi anh dạo này thế nào thì anh trả lời, “Mình không còn là mình nữa.” “Mình đang chết chìm.”
Anh ấy bị trầm cảm. Tôi không biết làm thế nào nào để giúp đỡ anh.
Thống kê cho thấy nam giới thường ít trầm cảm hơn nhiều so với nữ giới. Năm 2014, 4,8% nam giới từ 18 tuổi trở lên ở Mỹ trải qua ít nhất một giai đoạn trầm cảm chủ yếu trong năm vừa qua, so với 8,2% nữ giới ở cùng nhóm tuổi, theo Khảo sát Quốc Gia về Sử dụng Chất và Sức khoẻ (NSDUH) do Cơ quan Quản lý Lạm dụng chất và Dịch vụ Sức khỏe tâm lý (SAMHSA) tiến hành.
Nhưng các chuyên gia lo ngại rằng những con số này không phản ánh toàn bộ tình hình. Nam giới ít khả năng kể ra việc cảm thấy trầm uất hay tìm kiếm biện pháp điều trị trầm cảm hơn nhiều so với nữ giới.
Các bác sĩ tâm thần và chuyên gia chăm sóc sức khỏe định nghĩa rối loạn trầm cảm chủ yếu là sự hiện diện của năm hoặc nhiều hơn trong số những triệu chứng sau trong hai tuần: tâm trạng u uất phần lớn trong ngày, dễ cáu, giảm quan tâm hay hứng thú với hầu hết hoạt động, thay đổi đáng kể về cân nặng hoặc cảm giác thèm ăn, thay đổi về giấc ngủ, thay đổi trong các hoạt động tâm vận động như kích động hoặc uể oải, mệt mỏi hoặc mất năng lượng, cảm giác tội lỗi hoặc vô dụng, thay đổi trong khả năng tập trung và liên tục suy nghĩ về cái chết.
Phụ nữ thường nội tâm hoá trầm cảm—tập trung vào các triệu chứng cảm xúc, như cảm giác vô dụng hoặc tự đổ lỗi cho bản thân, theo các chuyên gia. Nam giới lại ngoại hiện căn bệnh này, tập trung vào các triệu chứng thể chất. Đàn ông thường không bày tỏ cảm xúc hay nói họ cảm thấy buồn. Họ cảm thấy vô cảm và phàn nàn về mất ngủ, căng thẳng hoặc mất năng lượng. Họ thường dễ cáu và giận dữ.
Một số đàn ông không hiểu được cảm xúc của họ. Nhưng vấn đề lớn hơn là đàn ông bị áp đặt không được nói về mình. “Có cảm giác là họ nên kiểm soát được cảm xúc của mình và trầm cảm có thể bị coi là một biểu hiện của sự yếu đuối,” Jeffrey Borenstein, bác sĩ tâm thần và chủ tịch Quỹ Nghiên cứu Não bộ và Hành vi ở New York, nói. Đàn ông được cho là phải tự mình giải quyết vấn đề, ông nói.
Cảm giác yếu đuối này có thể khiến trầm cảm trầm trọng hơn ở nam giới, theo các nhà trị liệu. “Với phụ nữ, trầm cảm là dấu hiệu cần được giúp đỡ, rằng có điều gì đó cần được giải quyết một cách căn bản,” Nando Pelusi, một nhà tâm lý học lâm sàng ở New York, nói. “Với đàn ông, nó là dấu hiệu của thất bại và đầu hàng.”
Cảm giác thất bại là lý do đàn ông trầm cảm thường thoái lui và cô lập bản thân, theo Donald Malone, bác sĩ tâm thần và chủ nhiệm khoa tâm thần học và tâm lý học ở Cleveland Clinic.
Và điều này có thể huỷ hoại các mối quan hệ của một người đàn ông, khi những người thân, đặc biệt là bạn đời, cảm thấy tổn thương và bị hắt hủi. Nghiên cứu cho thấy các vấn đề hôn nhân có thể gây ra trầm cảm ở cả nam và nữ. Nhưng một nghiên cứu kinh điển, được đăng trên Psychological Science năm 1997, cho thấy trong khi với phụ nữ các vấn đề hôn nhân thường xảy ra trước thì ở nam giới, trầm cảm đến trước và sau đó gây ra các vấn đề hôn nhân. “Phản ứng của nam giới đối với trầm cảm là xua đuổi, điều này có thể dẫn đến việc người bạn đời cảm thấy bất lực và cô đơn,” theo Wendy Troxel, nhà tâm lý học và nhà khoa học xã hội và hành vi cấp cao ở Rand Corp., Pittsburgh.
Làm thế nào bạn có thể giúp một người đàn ông đang đấu tranh với trầm cảm?
Bình thường hoá tình hình.
Nhấn mạnh đây không phải là lỗi của anh ấy, và anh ấy không cô đơn. “Thử tra cứu về nam giới và trầm cảm trên mạng—bạn sẽ ngạc nhiên trước những gì bạn tìm thấy,” Michael Addis, giáo sư tâm lý học tại Đại học Clark, ở Worcester, Mass., và giám đốc Nhóm Nghiên cứu về Sức khoẻ Nam giới, nói. Nhiều đàn ông thành đạt mắc trầm cảm, trong đó có Abraham Lincoln, Winston Churchill, Buzz Aldrin, và Bruce Springsteen.
Nếu mắc trầm cảm, hãy cởi mở về cuộc đấu tranh của mình. Giải thích rằng trầm cảm điều trị được, và tìm kiếm sự giúp đỡ cũng quan trọng như đối với các bệnh lý khác.
Nói chuyện một cách cẩn trọng.
Đừng nghiêm khắc. Anh ấy đã tự hành hạ bản thân về tinh thần. Cũng đừng tỏ ra lo lắng hay lo ngại. Điều này cho thấy bạn không nghĩ anh ấy có thể tự mình giải quyết vấn đề.
“Hãy nhạy cảm với cách trầm cảm khiến anh ấy thấy hết sức xấu hổ,” Joshua Coleman, nhà tâm lý học và nghiên cứu viên cấp cao tại Hội đồng Gia đình Đương đại, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Đại học Texas ở Austin, nơi phân phối các nghiên cứu về các gia đình Mỹ, nói.
Các nhà trị liệu cho rằng từ “chúng ta” có tác động rất mạnh. “Chúng ta cùng chiến đấu với nhau.” “Chúng ta sẽ tìm được một phương pháp điều trị hiệu quả.”
Quên đi từ “Trầm cảm.”
Nghiên cứu cho thấy đàn ông có thể cảm thấy tự ái với từ “trầm cảm,” và đó có thể là điều mà những người đàn ông truyền thống nhất muốn chối từ nhất. Trong một nghiên cứu năm 2013 trên tập san Psychology of Men & Masculinity, những người đàn ông nói họ không bị trầm cảm thừa nhận họ có một vài triệu chứng, ví dụ như lo âu.
Anh ấy có nhắc đến chứng mất ngủ không? Không có năng lượng? Động viên anh ấy tìm kiếm sự giúp đỡ cho triệu chứng mà anh ấy đang mô tả. Đến gặp bác sĩ chăm sóc sức khoẻ ban đầu là một khởi đầu tốt.
Hỏi về tự sát.
Nam giới có khả năng chết vì tự sát nhiều gấp bốn lần nữ giới, ngay cả khi nữ giới tìm cách tự tử nhiều hơn. Họ sử dụng những phương pháp dễ gây chết hơn.
Đừng ngại hỏi một người đàn ông xem anh ấy có ý nghĩ tự làm đau bản thân hay không. Các chuyên gia cũng khuyến nghị hỏi xem anh ấy có súng hay không và nếu có thì đề nghị giữ hộ cho đến khi anh ấy cảm thấy khá hơn. “Điều đó cũng giống như cầm hộ chìa khoá ô tô cho một người bạn khi anh ấy say,” Bác sĩ Troxel tại Rand nói.
Đề nghị một phương pháp trị liệu tập trung vào thay đổi hành vi
Rất nhiều đàn ông không muốn nói chuyện. Và họ nghĩ rằng bác sĩ trị liệu sẽ nói với họ một điều mà họ vốn tin: “Anh là một kẻ thất bại.”
Có một số phương pháp tâm lý trị liệu được nhận thấy là điều trị trầm cảm thành công bằng cách tập trung vào thay đổi hành vi. Chúng bao gồm liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), giúp một người thay đổi suy nghĩ, và Kích hoạt hành vi (BA), giúp tham gia nhiều hơn vào cuộc sống thường nhật. Các phương pháp này có thể thoải mái hơn đối với nhiều đàn ông.
Động viên anh ấy làm những việc anh ấy làm tốt.
Những hoạt động mà một người đàn ông thực hiện xuất sắc có thể tạo ra cảm giác tự chủ và sự thỏa mãn, Bác sĩ Troxel nói. Nếu là hoạt động thể chất thì chúng sẽ sinh ra endorphins. Nếu là hoạt động xã hội thì chúng sẽ làm tăng hormone gây cảm giác vui vẻ, oxytocin.
Nam giới thường có cảm giác đạt được thành tựu khi làm xong nhiệm vụ. Nhưng trầm cảm có thể khiến một công việc đơn giản cũng trở nên quá sức. Bác sĩ Troxel khuyến cáo nên chia dự án thành các phần việc nhỏ để giúp chúng dễ hoàn thành hơn và thúc đẩy cảm giác đạt được thành tựu ngay lập tức.
Bày tỏ giới hạn của bạn.
Một điều quan trọng là cần nhận ra bạn không cần là bên hứng chịu sự giận dữ hay đổ lỗi của một người đàn ông mắc trầm cảm—hoặc là người duy nhất cố gắng trong mối quan hệ. Nếu đã đạt tới giới hạn, hãy bày tỏ điều đó một cách rõ ràng. “Em quan tâm anh. Em ở đây với anh. Nhưng em cần anh tìm kiếm sự giúp đỡ.”
Nếu chồng bạn trầm cảm và bạn cảm thấy mình vô dụng, hãy xem xét việc trị liệu cho bản thân. Trị liệu cũng có thể giúp bạn hiểu được điều gì đang diễn ra, và làm thế nào bạn có thể giúp đỡ hiệu quả hơn.
Đừng bỏ cuộc.
Hãy kiên trì, dù anh ấy có đẩy bạn xa ra. “Mọi người sẽ khá hơn nếu được điều trị,” Bác sĩ Borenstein nói.
***
Lời người biên dịch: Mặc dù bài viết chỉ tập trung nói về trầm cảm, một số quan điểm trong bài vẫn phù hợp với thực trạng sức khoẻ tâm lý nói chung ở nam giới. Những quan niệm xã hội về sự nam tính khiến cho đàn ông thường phải kiềm chế cảm xúc của mình. Trong nhiều trường hợp điều này làm cho các rối loạn tâm lý của họ trở nên trầm trọng hơn, khi họ không đủ can đảm tìm kiếm sự trợ giúp vì sợ bị đánh giá là yếu đuối và phải tìm đến những cách giải toả stress không lành mạnh khác như là lạm dụng rượu bia. Bên cạnh đó, trong một nền văn hoá không cởi mở với việc nam giới thể hiện cảm xúc, tình cảm của mình, các vấn đề về tâm lý ở nam giới có thể không được nhận thấy rõ ràng vì người ta thường chỉ lưu ý tới những triệu chứng thể chất và hành vi như vấn đề về tiêu hoá, mất ngủ, hay lạm dụng chất kích thích.
*Link:
https://beautifulmindvn.com/2016/10/01/o-nam-gioi-tram-cam-co-khac-biet/
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top