Một vài điều về trầm cảm

Hải Đường Tĩnh Nguyệt / Tháng Tư 14, 2017

Một trong những điểm yếu của DSM mà rất may là DSM-5 đã chỉnh sửa phần nào, chính là việc nó phân loại các rối loạn tâm lý vào danh mục (category), chẩn đoán dựa vào việc liệu bạn có những triệu chứng rối loạn không, mà không dựa vào các khía cạnh (dimensional) và độ nặng nhẹ của triệu chứng (severity). Việc phân loại như thế dễ gây ra xảy ra việc chẩn đoán sót các ca rối loạn tâm lý nhẹ, hoặc gây ra các hiểu lầm như người mắc rối loạn tâm lý phải có bao nhiêu đây triệu chứng, hoặc đóng khung một dạng rối loạn nào đó dẫn đến các nhận thức sai lệch về rối loạn tâm lý mà điển hình nhất là trầm cảm.

Các nhận thức sai lầm thường thấy nhất về trầm cảm đó chính là người mắc trầm cảm không nỗ lực, hay trầm cảm là hệ quả từ thái độ/lối sống không tích cực, họ không muốn được giúp đỡ, hoặc tất cả chỉ là do họ tưởng tượng ra, hoặc người mắc trầm cảm phải giống như thế này…

Sự hợp tác của bệnh nhân với bác sĩ là một phần quan trọng trong điều trị và theo những gì mình quan sát được khi thực tập ở các phòng khám, thì phần lớn những người mắc rối loạn tâm lý là một trong những người nỗ lực, hợp tác với bác sĩ nhất. Họ luôn cân nhắc hỏi bác sĩ khi có vấn đề với thuốc, uống đúng giờ đúng liều, luôn làm hẹn mỗi khi thuốc gần hết để quyết định xem nên dừng hay nên uống tiếp, tập thể dục để cải thiện sức khoẻ. Nhưng có những trường hợp như cơ thể người bệnh không cho phép những hoạt động nhẹ nhàng nhất như đi bộ vì đầu gối chấn thương, hay trường hợp họ không may mắc phải dạng rối loạn tâm lý không phản ứng với thuốc nên phải không ngừng tìm kiếm những phương pháp chữa trị khác. Thế nên nói những người như họ không nỗ lực, hay không biết phấn đấu thay đổi cuộc sống là những lời nói thiển cận, ác độc nhất với mình.

Trong bài diễn thuyết ở TedX, giáo sư Andrew Solomon, một nhà văn, nhà báo từng đoạt nhiều giải thưởng và hiện đang giảng dạy về tâm lý học lâm sàng ở trường đại học Columbia, Mỹ đã kể về một ca bệnh mà ông ấn tượng nhất. Một người đàn ông trung niên mắc rối loạn trầm cảm hàng năng trời và không phản ứng với bất kỳ loại thuốc chống trầm cảm nào, và ông phải đi sốc điện mỗi tháng. Tuần đầu sau khi sốc điện rất tệ, nhưng ông khá hơn vào tuần sau để rồi tuần tới lại rơi vào cơn trầm cảm tồi tệ và tuần sau đó nữa ông lại đi sốc điện tiếp. Ông nói với Andrew Solomon rằng, “Tôi thật không thể chịu đựng nổi khi phải trải qua những tuần như thế này, và tôi đã quyết định rằng tôi sẽ chấm dứt tất cả nếu như tôi không cảm thấy khá hơn. Nhưng, tôi nghe ở Mass General có cuộc giải phẫu não và tôi nghĩ rằng mình nên thử xem như thế nào.” Thời điểm đó Andrew cảm thấy rất ngạc nhiên rằng một người đã trải qua nhiều trải nghiệm tồi tệ như thế với đủ loại chữa trị vẫn cất giữ một chút lạc quan và hy vọng bên trong để thử thêm một lần nữa. Và may mắn làm sao, đợt phẫu thuật ấy đã thành công. Ông kiếm được việc làm, có thể tự chăm sóc bản thân. Khoa học chứng minh những người có chỉ số loạn thần và lối suy nghĩ nghiền ngẫm quá mức (rumination), hoặc tiêu cực dễ mắc các dạng rối loạn cảm xúc. Tuy nhiên, với bản thân mình thì họ cũng là những con người can đảm và tích cực ngay cả khi hoàn cảnh hay trải nghiệm của họ không như thế.

Một nhận thức sai lầm khác là trầm cảm chỉ có ở người lớn và người giàu có. Có không ít trường hợp những đứa trẻ mới tầm độ tuổi 8-9 mắc rối loạn trầm cảm không phản ứng với thuốc nên dùng sốc điện để chữa trị. Và người nghèo có nguy cơ mắc các dạng rối loạn tâm lý cao hơn những người có tài chính địa vị trong xã hội. Mà một trong những nguyên nhân chính của hiện tượng này là người nghèo không có khả năng chi trả phí điều trị, hay không đủ kiến thức để biết được những gì họ đang trải qua là một dạng rối loạn tâm lý. Mỗi tuần mình đi thực tập một ngày ở phòng khám miễn phí dành cho người nghèo và người không có bảo hiểm ở Mỹ, và trong những ngày đó mình quan sát thấy được khoảng từ 3-5 trên tổng số 15 bệnh nhân trong ngày đến khám và xin thuốc để điều trị rối loạn tâm lý. Có những khi phòng khám không còn thuốc để cung cấp miễn phí và đành phải kê đơn để họ mua ở nhà thuốc thì họ cố gắng tiết kiệm đến mức cắt nửa viên thuốc ra uống hoặc uống khi cần kíp, mặc dù biết rằng giảm liều như thế có thể ảnh hưởng đến quá trình hồi phục.

Chúng ta cũng thường bỏ quên những người mắc rối loạn trầm cảm chức năng cao. Bề ngoài, họ có thể luôn vui vẻ, hoàn thành công việc của mình, luôn giúp đỡ người khác, luôn đứng đầu trong các hoạt động, khiến những người xung quanh khó mà nhận ra họ đang vật lộn với những suy nghĩ tiêu cực bên trong. Họ trải nghiệm cuộc sống cứng nhắc như một robot, không thể hưởng thụ niềm vui, cũng như không có mục tiêu gì cả. Họ có thể không cảm thấy đau đớn, buồn bã khó chịu. Nhưng nếu phải miêu tả cảm xúc của họ thì đó là tê dại.

Một người bạn mắc rối loạn trầm cảm chức năng cao đã nói với mình như thế này, “Đầu tiên, tôi từ bỏ việc tìm kiếm thấu hiểu từ gia đình. Sau đó, tôi từ bỏ việc hòa nhập với bạn bè trong lớp. Rồi đến những bạn bè cùng sở thích. Và nhóm bạn “thân”, cùng những cá thể “đặc biệt quan trọng”. Tôi từ bỏ việc thấu hiểu nhân loại cũng như tìm kiếm đồng cảm từ nhân loại. Hằng ngày tôi vẫn đều đặn đi học, và hiện tại thì vẫn đều đặn đi làm. Tôi vẫn chơi game, vẫn vẽ, vẫn viết, vẫn đi cafe hay xem phim ảnh. Nhưng sau mỗi sự buông bỏ kia, cảm giác trống rỗng trong lòng tôi tăng dần lên. Tôi hay nói ở vị trí tim mình là một hố đen sâu hoắm, và khó thở.

Từ năm cấp ba, tôi đã mắc chứng nghiện nhổ tóc, tận giờ vẫn chưa khỏi. Một điều buồn cười là dù biết rằng mình chẳng có lỗi gì khi mắc chứng này, thế nhưng tôi vẫn luôn thấy trong lời nói của người khác có sự trách móc rằng tôi không đủ ý chí kiểm soát cơ thể mình, tư duy ngu ngốc và kỳ quái. Hoặc cũng có đôi khi họ vô tình nói đúng vấn đề, rằng “mày bị thần kinh sao mà nhổ tóc hoài vậy?”. Bởi thế mà tuy hiện tại tôi đã ngừng tự trách cũng như có ý thức giảm bớt hành vi của mình, nhưng tôi vẫn luôn né tránh bàn luận trực tiếp chủ đề đó với những người “bình thường” khác.

Trầm cảm giống như bất kỳ chứng bệnh thể lý nào, ai cũng có khả năng mắc phải và nó không chừa một ai cả.  Trầm cảm không nhất thiết phải biểu lộ ra hết tất cả những triệu chứng có trong DSM, và các triệu chứng biểu hiện khác nhau tùy theo mỗi người. Và điều mà chúng ta nên làm là không nên đóng khung biểu hiện bệnh lý hay tự chẩn đoán và nếu người thân chúng ta nghĩ rằng họ có thể mắc một dạng rối loạn tâm lý nào đấy thì nên hỗ trợ họ tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia càng sớm càng tốt hơn là chối bỏ vấn đề của họ.

Mình muốn kết bài bằng một câu nói mà mình đọc được khi lang thang trên mạng tìm kiếm tư liệu để viết bài, “Không thiếu những lúc chúng ta được nhắc nhở rằng rối loạn tâm lý không phân biệt một ai cả, nhưng rồi chúng ta lại quay trở về với suy nghĩ thiển cận rằng rối loạn tâm lý nên biểu hiện như thế nào. Và điều đó rất là nguy hiểm.”

-Nguyệt-

*Link:
https://beautifulmindvn.com/2017/04/14/mot-vai-dieu-ve-tram-cam/

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top