Khi chiếc hộp pandora trống rỗng
Hải Đường Tĩnh Nguyệt / Tháng Mười Hai 27, 2017
Cảnh báo: Bài viết có nhắc đến một số chủ đề nhạy cảm như tự sát và các chứng rối loạn tâm lý. Cần cân nhắc trước khi đọc. BMVN không lên án hay lãng mạn hóa trầm cảm hoặc tự tử.
.
.
Trong thần thoại Hy Lạp, thần Zeus đã ra lệnh cho thần thợ rèn Hephaestus tạo ra nàng Pandora, người phụ nữ đầu tiên trên trái đất. Khi đưa nàng xuống trần, thần Zeus đã cho Pandora một cái hộp và dặn nàng đừng bao giờ mở nó ra. Một ngày nọ, do không nhịn được tính tò mò nên Pandora đã mở hộp ra. Và từ trong hộp, chết chóc, dịch bệnh, đói kém… và hàng loạt thứ xấu xa khác được giải phóng và tàn phá loài người. Pandora quá sợ hãi nên đã vội đóng hộp nên thứ dưới đáy hộp không kịp thoát ra, đó là hy vọng. Hy vọng ở lại, giúp loài người vượt qua những thứ xấu xa mà Pandora đã vô tình giải phóng.
Nhưng nếu ngay cả hy vọng không còn ở trong cái hộp thì sao?
Đối với những người mắc rối loạn tâm lý và có suy nghĩ tự tử, họ giống như đang giữ một chiếc hộp Pandora trống rỗng, không còn hy vọng để giúp họ vượt qua những thứ khủng khiếp ngoài kia.
Nhận thức của chúng ta cấu thành từ sinh học (các giác quan, các cơ chế sinh hoá trong cơ thể phân tích thông tin từ môi trường), từ xã hội (những chuẩn mực quy tắc, môi trường mà chúng ta sinh sống) và cả từ tâm lý. Nó tạo thành một cái bong bóng bao lấy chúng ta, hình thành một phạm vi nhận thức, một “thế giới” của chúng ta. Và phạm vi nhận thức có khả năng co giãn lạ thường dựa trên sự thay đổi của những yếu tố bên trên. Có bao nhiêu thứ bạn đã từng tin là thật nhưng rồi hoá ra lại là sai lầm?
Hãy nghĩ về một lỗi lầm mà bạn mắc phải. Bạn buồn, bạn tự trách mình, bạn nghĩ giá như mình làm khác đi thì sẽ như thế nào, và rồi bạn sẽ coi đó như là một bài học và tiếp tục bước tới. Nhưng, hãy thử tưởng tượng bạn bị kẹt trong mãi ở đấy, kẹt trong sự tự trách và cả giá như. Đó là nhận thức của người mắc rối loạn tâm lý và muốn tự tử. Nhận thức của họ lúc ấy dần dần bị thu hẹp lại, hy vọng bị siết chặt và dần dần sụp đổ.
Hầu hết các vụ tự tử đều có động lực đến từ cơn lũ cảm xúc mạnh mẽ, không lý trí, không cân đo ưu nhược điểm. Họ chỉ muốn thoát khỏi cơn đau không thể nào chịu nổi nữa. Mà cơn đau này lại bắt nguồn từ những thất vọng về các nhu cầu tâm lý, mà trong đó, quan trọng nhất là nhu cầu được kết nối và chứng tỏ năng lực. Những người nhận thấy rằng họ thất bại ở hai khía cạnh này thường trải nghiệm những trạng thái tiêu cực mãnh liệt, ví dụ như nhục nhã, tội lỗi, giận dữ và đau buồn. Và như đã nói trên, nhận thức của họ bị thu hẹp lại và chỉ tập trung vào những cảm xúc tiêu cực ấy. Họ có tầm nhìn trong đường hầm (tunnel vision), tựa như bạn nhìn một thứ qua một cái ống hẹp và chỉ nhìn thấy một điểm sáng duy nhất, thay vì một khung cảnh rộng lớn. Và với những người có ý định tự tử thì điểm sáng ấy lại là cái chết.
Mong muốn được chết có quan hệ mật thiết với sự tách ly xã hội và niềm tin rằng mình đã trở thành gánh nặng với người khác. Cảm xúc thường thấy nhất ở các vụ tự tử là tuyệt vọng và bơ vơ. Cảm giác tuyệt vọng và cô độc xâm chiếm khiến người đó có cái nhìn tiêu cực về tương lai và họ tin rằng không có gì có thể giúp họ cải thiện tình hình, và không ai có thể giúp cả.
Mặc dù mong muốn được chết, thế nhưng những người có ý định tự tử thường cảm thấy mâu thuẫn với suy nghĩ này. Họ đồng thời mong ước bản thân có thể tìm một cách khác để giải quyết vấn đề. Thế nhưng, bong bóng nhận thức bị siết chặt khiến họ không thể nào tìm được giải pháp khác. Họ tin rằng, chiếc hộp Pandora của họ trống rỗng.
Có lý do sinh học nào giải thích cho tự tử hay không? Câu trả lời là có. Các nghiên cứu về mối quan hệ giữa các chất dẫn truyền thần kinh và tự tử tập trung chủ yếu vào sự giảm thiểu lượng serotonin trong não bộ. Khó khăn trong việc điều chỉnh hệ thống serotonin được tìm thấy giữa những người từng cố gắng tự tử. Các nghiên cứu về sinh đôi và nhận nuôi cho thấy các yếu tố di truyền cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Genes góp phần làm tăng nguy cơ tự tử bằng cách gián tiếp tăng khả năng mắc rối loạn tâm lý, ví dụ như trầm cảm, tâm thần phân liệt hay lạm dụng chất. Đồng thời, genes cũng có liên quan đến nhiều hệ thống chất dẫn truyền thần kinh, và cả điều độ sức ảnh hưởng của các yếu tố môi trường tới hành vi tự tử, ví dụ như những sự kiện áp lực trong cuộc sống, bạo hành thuở nhỏ…
Bạn sẽ làm gì hay sẽ nói gì khi người thân hay bạn bè của bạn có ý định tự tử? Thật ra những gì bạn nói có thể không quan trọng bằng việc bạn lắng nghe. Lắng nghe để hiểu được. Đừng tranh cãi, và cũng đừng đổ lỗi. Họ đang nói về những suy nghĩ và cảm xúc của mình, điều này không có gì sai cả. Chỉ đơn giản bằng việc lắng nghe, bạn có thể là niềm hy vọng trong chiếc hộp Pandora trống rỗng ấy của họ. Nếu bạn nghi ngờ người ấy có ý định tự tử, thì hãy hỏi thẳng họ. Bạn không gieo vào đầu những người có ý định tự tử những ý nghĩ tuyệt vọng bằng cách nói về việc tự vẫn. Điều ngược lại mới đúng – nhắc đến chủ đề tự sát và bàn luận về nó một cách cởi mở có thể là bước ngoặc thay đổi cuộc đời họ.
Tự tử là một hành động phức tạp với nhiều yếu tố như tâm lý, sinh lý, môi trường cấu thành, mà dù có giải thích như thế nào cũng dường như không đủ. Hy vọng rằng bài viết này các bạn ít nhiều hiểu được tâm lý và suy nghĩ của người muốn tự tử. Để tìm hiểu thêm về những dấu hiệu và cách phòng chóng tự tử, các bạn có thể đọc theo link dưới đây: Phòng Chống Tự Tử
Viết: Hải Đường Tĩnh Nguyệt
*Link:
https://beautifulmindvn.com/2017/12/27/khi-chiec-hop-pandora-trong-rong/
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top