dem thu 1

Đêm thu - Chương 1 :

Thu Phong bị đánh thức rất sớm bằng giọng quắt mắt mà gần đây đã trở thành quen thuộc với cộ Cô dụi mắt ngóc dậy, thấy giường bên kia, hai bà chị của mình cũng cùng cảnh ngộ.

Như vẫn chưa thể tỉnh ngủ, chị Xuân Hương mắt vẫn nhắm, ngồi sật sừ nghiêng qua ngã lại, Thu Phong ngó cảnh này không nhịn nổi, cô bụm miệng cười rúc rích:

- Hê ! Coi chị Hai lên đồng kìa, ngộ chưa !

Xuân Hồng ngáp một cái thật to rồi quay lại trừng mắt với cô:

- Hê hê cái gì, nhiều chuyện. Tụi tao chưa tỉnh nổi là vì tối hôm qua thức khuya tâm sự, ai mà như con nhái bên mày chui vào giường là ngủ say như chết.

Thu Phong trề môi:

- Tâm sự? Tâm sinh sự thì có.

- Mày...

Xuân Hồng chớp cái quạt tàu cau ném qua giường cô em gái, cô cười hì hì né tránh rồi nhăn mặt làm ngáo ộp né tránh rồi trêu tức chị.

Vừa lúc đó má quay trở lại với giọng chát chúa:

- Trời ơi ! ba đứa còn ngồi trơ đó hả? Chưa chịu tỉnh nữa sao? Bộ mấy đứa đợi lấy nước tạt nữa sao?

Mấy chị nghe nóihoảng hồn chui khỏi mùng ngay. Thu Phong phóng xuống giường chạy ra lu nước trước, hai bà chị dù nhanh chân cũng đâu kịp cô.

Thế là độc quyền cầm ống kem, cô tha hồ nhỡn nhơ đi tới đi lui bên sàn nước, nhỏ kem chút đầu này chút đầu kia của bàn chải đánh răng để trêu tức họ chơi. Hai bà chị tức tối nhưng không được.

Chị Xuân Hồng trừng mắt với tiếng quát... nhỏ rí:

- Mày còn chưa chịu đưa ống kem tao méc má.

Thu Phong nhái lại như hát:

- Tao méc má... má... má...

Chị Xuân Hương ra vẻ dáng chị Hai hơn một tí với câu đe nạt:

- Em có biết hôm nay nhà có khách không? Chút nữa khách người ta đến nhà rồi, tụi mà trong mấy phút còn chưa đánh rửa mặt xong, là má chửi đó, lúc đó em lãnh.

Phết kem lên bàn chải răng một cách khoan thai và từ tốn như người phết miếng bơ lên bánh mì, Thu Phong tỉnh bơ cười khì trước câu nói dài dòng của bà chị:

- Mắc gì mà em lãnh, má mà chửi lên, em chạy ra hồ, ở nhà hai chị nghe hết.

Xuân Hồng trợn mắt:

- Còn dám giỡn?

Thu Phong còn định trêu tiếp nữa, nhưng bỗng nghe tiếng của mẹ vang lên trong gian bếp, cô hoảng hốt quăng vội ống kem qua mấy bà chị rồi múc ca nước đánh cho xong hàm răng khểnh của mình.

Nước mát lạnh làm Thu Phong tỉng như con sáo ngoài hiên. Máng ca nước lên cọc rồi để nguyên gương mặt còn ướt nước, cô quay lại tìm cách chọc hai bà chị tiếp.

Vòng qua bờ ao, cô ngồi chồm hổm chống hai tay lên cằm ngắm hai chị đánh răng rồi ngoẹo đầu cười hì hì:

- Ê! Chị Ba đánh răng trông ghê rợn quá. Kem chảy nhòe nhoẹt xuống cằm kìa. Ý, coi chừng nó nhỏ xuống ao làm chết cá của ba hết. Trời ơi, cái miệng chị tèm lem giống miệng chú hề như vầy thì làm sao mà người ta chịu.

Chị Xuân Hồng bực quá mắng câu gì đó, nhưng câu mắng của chị bị bọt kem đánh răng và cái bàn chải nằm trong miệng làm cho biến dạng đến khó mà nghe được.

Thu Phong khoái chí nhại nữa:

- Chị nói gì vậy? "Ngon nguỷ! Gát kao không mày biết kay" là cái gì? Chị nói tiếng Campuchia à - Cô gật gù vẻ thông thái - Ừ, chắc là tiếng Campuchia, chứ tiếng Anh hay tiếng Pháp thì em đã nghe và hiểu hết trơn rồi.

Chị Xuân Hồng đã mau mắn rửa xong mặt mũi, bèn lừ mắt với cô:

- Con quỷ nhỏ! Có chịu đi chỗ khác chơi không? Biết hôm nay là ngày gì không mà dám quậy hả?

Thu Phong lè lưỡi nhát ma:

- Hù em hả? Làm như em không biết vậy, hôm nay có người tới coi mắt hai chị chứ gì. Làm như quan trọng lắm.

Phun bọt kem xuống sàn nước. Xuân Hồng hỏi nhanh:

- Sao mày biết?

- Sao lại không biết. Em không để ý nhưng em biết hết.

- Mày nghe lỏm phải không? - Xuân Hồng kêu lên.

Cô hất mặt:

- Em đâu có thèm nghe lỏm. Ai biểu hai chi hôm qua lên giường còn rù rì hoài không cho người ta ngủ. Cái gì mà "không biết "ổng" mặt mũi ra sao, tướng tá thế nào", cái gì mà "nghe nói ổng giàu có lắm, giỏi giang lắm". Toàn là những tâm sinh sự lăng nhăng, nghe mà muốn nóng lạnh.

Thấy hai bà chị nhìn nhau ngượng ngùng. Cô nháy mắt hỏi:

- Hê! Không biết có hai ông ngốc nào đòi xuống đây coi mắt mấy chị vậy ta? Phải chi họ tới sớm, đã thấy cảnh chị Hai quen ngủ nướng nên ngồi ngả nghiêng trên giường như lên đồng, còn chị Ba thì đánh răng bôi như mặt hề rồi. Đến chừng đó chắc mấy ổng vắt giò lên cổ mà chạy ra xa.

Nói xong cô cười vang khoái chí. Tưởng tượng cảnh hai ông tỉnh thành khờ khạo nào đó phải chạy xa tám chục thước để né hai bà chị tiểu thư nửa vời của mình làm cô mắc cười quá xá.

Xuân Hồng đã xúc miệng xong, cô múc gáo nước hầm hè dứ về phía đứa em nhiều chuyện:

- Còn nhiều chuyện giỡn nhây nữa là tao tạt gáo nước này vô người mày đó. Má có hỏi tại sao sáng sớm thay đồ thì đừng đổ thừa tụi tao.

Thu Phong gân cổ định chọc cho chị nổi giận hơn nữa thì giọng của má đã sát bên:

- Hay dữ há, lại còn ngồi đây bàn chuyện thế này? Thật không chịu nổi lũ con gái này. Tại sao cứ phải đợi nhắc, đợi mời không vậy? Trở về phòng cho mau.

Mấy ca nước lập tức được máng vào cọc, mấy cô gái lập tức riu ríu vào nhà. Ngay cả Thu Phong cũng phải xếp càng theo vào.

Vào phòng rồi, cô mới ngạc nhiên nhìn quanh. Giường chiếu khi nãy còn ngổn ngang, giờ đã được xếp dọn lại gọn ghê.

Trên cái bàn gỗ mấy năm trước ba tự tay đóng cho cô để làm bàn học, má đã đặt sẵn một hộp gỗ sơn mài thật to với đủ thứ lỉnh kỉnh bên trong, nào là chai lọ với những hộp phấn màu nho nhỏ, cả chục cây chì và một mớ nữ trang bông tai, kẹp tóc...

"Đồ nghề trang điểm của mấy chị đây chắc", cô le lưỡi tự nhát mình. Vậy là chuyện quan trọng thật rồi.

Với sự bực bội dễ cáu gắt mấy ngày nay mà má lại có thể chủ động xếp mền gối cho các cô, lại còn ngồi trước các hộp này tự tay trang điểm cho nữa thì quả thật là chuyện lớn rồi chứ chẳng phải giỡn chơi như cô nghĩ.

- Lau khô mặt đi chứ mấy đứa, mau ngồi xuống đây, coi chừng người ta tới mà mình vẫn chưa xong.

Giọng má dịu dàng một cách bất ngờ. Chị Xuân Hồng đã lau khô mặt mũi và ngồi xuống đối diện má. Má mở một trong những cái hủ nhỏ, lấy một tí kem thoa lên mặt chị thật đều.

Chị Xuân Hương thì người lớn hơn, chị cũng thò tay vào quệt miếng kem và tự thoa lấy. Khi đã thoa xong kem, chị quay lại bắt gặp cái nhìn hiếu kỳ của Thu Phong, chị cười:

- Lại đây, em cũng trang điểm nhé, chị làm cho.

Cô còn đang nửa ham thích nửa ngập ngừng thì má đã chau mày gạt đi:

- Cứ kệ nó đi, nó còn nhỏ, trang điểm cái gì, con cứ lo làm đi.

Chị Xuân Hương nhúng miếng bông phấn vào cái thau nhỏ đựng nước, vắt khô rồi cười với má:

- Má quên là Thu Phong nó cũng đã mười bảy tuổi rồi à?

- Mười tám - Cô chen vào - Em mười tám mới đúng.

Má nhăn mặt:

- Con gái cái gì mả hở ra là tươm tướp vào miệng người ta, sao không bắt chước mấy chị, đàng hoàng một chút đi.

Thu Phong xịu mặt ngồi yên nhưng không yên được lâu. Chị Xuân Hồng chề môi nhái cô, bị bông phấn của má phết cả vào miệng, chị hết hồn ngậm ngay miệng lại trong giọng cười không thành tiếng của cô.

Chị Xuân Hương vẫn còn đang nói về đứa em út:

- Má à, con Thu Phong cũng lớn rồi, nhưng hình như chưa bao giờ biết làm đẹp và trang điểm, nó quanh năm ở dưới này thì làm sao chững chạc giống tụi con được, má đừng la nó hoài.

Má chắt lưỡi:

- Ừ. Biết sao được, ở với ba mày suốt ngày dang nắng tắm sông riết rồi cứ như là một đứa con trai vậy. Thật tình, nói gì thì nói, ở quê chẳng cách nào bằng được thành phố. Coi con Phong đó, con gái mười tám mà chỉ học lớp mười trường làng. Người thì đen thui gầy nhom, ăn nói thì bồ bã vô ý không chịu được.

Chị Xuân Hồng lên tiếng:

- May mà má cho tụi con ở thành phố, nếu ở dưới này thì chắc tụi con cũng quê trấc giống nó rồi.

Má hừ nhẹ:

- Nói gì vậy? Dù gì nó cũng là em mày, nói vậy mà nghe được à?

Chị Xuân Hương liếc nhìn rèm mi cụp xuống của Thu Phong. Chị bỏ hộp má hồng xuống và nắm tay cô kéo lại gần:

- Đừng bí xị như vậy, thôi để chị thắt bím cho Phong nhé.

Rồi cầm cây lược chải mớ tóc rối bù của cô, thấy cô im lặng, chị nhẹ giọng:

- Chút nữa chị sẽ thoa cho em tí son, chịu chưa?

Dễ hài lòng như một đứa trẻ, cô cười gật đầu.

Tóc của cô loe hoe khét nắng, chị Xuân Hương chỉ tốn ba phút là thắt chúng lại thành hai cái bím thật chặt, chị cười hỏi nhỏ:

- Rồi đó, em của chị đẹp ghê chưa, vậy mới gọn gàng chứ. Giờ thì thoa son, em thích màu son nào?

Thu Phong chúm chím lén chỉ cây son có vỏ ngoài màu đỏ rực thật đẹp trong hộp. Chị Xuân Hương vừa vươn người nhặt lên thì bị má nhìn thấy. Má ngạc nhiên hỏi:

- Sao đánh cái son màu tím bạc này hả Hương? Con nên đánh son đỏ hoặc hồng, dù gì mình cũng đang ở quê, với tình hình này mà đánh son tím bạc thì người ta cười cho, không hợp đâu.

Chị Xuân Hương cười:

- Thu Phong nó thích má à, để con thoa cho em nó một tí.

Má nhăn mặt:

- Lại nữa rồi, con cứ lo phần con đi, cứ lo ra thì không kịp đâu.

- Chừng nào người ta tới vậy hả má? - Thu Phong vụt hỏi.

Hai bà chị muốn nín thở nghe câu hỏi vô ý của cô.

- Người ta nào?

- Dạ, mấy người coi mắt chị Hai, chị Ba đó.

Má ngưng tay cọ, quay nhìn cô kinh ngạc:

- Cái gì mà coi mắt? Ai nói với con như vậy?

Cô gãi đầu:

- Dạ tại... hôm qua con nghe má nói ai đó muốn lấy vợ, bữa nay đến nhà mình chơi, má biểu chị Hai chị Ba chuẩn bị sửa soạn cho đẹp. Hôm trước bên nhà cậu Chín cũng có đám Việt Kiều về coi mắt chị Mùi giống như vậy. Vả lại khuya qua con nghe....

Má chừng mắt nạt:

- Lại nghe lén chuyện người lớn à? Hay quá nhỉ?

Chị Xuân Hương vội chen vào:

- Nhỏ Phong này đừng hỏi lung tung làm má giận. Không có đám coi mắt nào đâu. Có mấy người trên thành phố xuống thăm nhà mình thôi.

Mở cây son và thoa nhanh lên môi cô, chị dặn dò:

- Thoa son rồi đó, ngồi ngoan ở đó chơi đi, nhớ đừng có lên tiếng nữa, son lem hết.

Má cao giọng bực dọc:

- Con nhóc đó đi ra ngoài mà chơi đi, hôm nay cho con đi chơi cả buổi sáng đó. Đừng có ở đây mà nghe chuyện rồi nói chỏ vào làm má bực.

- Kệ nó má, cho nó ngồi chơi đây cũng được, nó không có hỏi nhăng nữa đâu - Chị Xuân Hương can - Má mà cho nó đi, nó lại lên ra cái hồ kia thì mệt.

Má cau mày:

- Ngồi chơi cái gì, đâu phải chuyện đùa, thôi cứ để nó chạy đi chơi đi, ở đây không khéo lại nói nhăng làm khách khứa chưng hửng thì khổ.

Rồi má quay qua cô:

- Má cho con ra hồ đó. Đi chơi đi, nhớ đội nón tránh nắng là được rồi.

Có phép của má, cô mừng rỡ phóng xuống ngay. Hộp phấn của chị Xuân Hương trên giường bị cô quẹt trúng rơi phịch xuống đất. Chị Xuân Hồng kêu lên:

- Con nhỏ này, nó làm hư đồ kìa má.

Sợ bị la, cô vội nhặt lên quăng nhanh vào hộp:

- Ui, xin lỗi, chưa bể đâu. Nó còn y nguyên hà.

Cử chỉ của cô làm má đang nhăn nhó cũng phải lắc đầu cười, má chép miệng:

- Thôi được rồi, đồ khỉ khọt, ra ngoài đi cho má với mấy chị yên thân.

Dạ nhỏ, chạy ra ngoài, cô còn nghe tiếng chị Xuân Hương cười nói:

- Nếu hồi trước má đưa luôn nhỏ Phong lên ở chung với mình thì có lẽ em nó cũng không gầy ốm và con nít như thế này đâu.

Tiếng má thở dài:

- Thu Phong nó phá phách liếng khỉ từ nhỏ, má đem nó theo chịu sao thấu với nó. Vả lại ba tụi bây cũng muốn giữ nó lại.

Thu Phong không nghe nữa, cô chạy xuống bếp lấy chút nước rót vào lồng con chim sáo, tiếp thêm chút thức ăn cho nó. Kiểng chân đứng trên ghế nhái giọng hót của nó một hồi rồi cô mới chịu leo xuống mở cổng chạy ra ngoài.

Sáng hôm nay nắng nhẹ, cô không nghĩ đến nón mê như lời đặn của má, cứ để đầu trần len lỏi qua mấy vạt mía, mấy vườn bưởi của hàng xóm để đến con đường tắt đầy cỏ dại khô cháy.

Đi ngang một bụi bông trang, cô tiện tay ngắt một chùm rồi vừa đi vừa tỉ mẩn xé nhụy hoa hút chút mật ngọt thơm thơm ấy.

Tình cờ, tay cô quệt trúng vết son trên môi, cô tròn mắt ngó xuống ngón tay. Cây son của chị Hai ngộ thât, cái vò bề ngoài màu đỏ tươi mà bên trong lại là màu tím bạc phếch như vậy.

Chẳng biết với màu son này, mặt cô ra sao nhỉ? Thu Phong sờ lên đầu, mớ tóc thắt bím này nữa, không biết thêm hai thứ này, cô trông có... khá lên không? Cô lè lưỡi tự ngạo mình. Chắc là không thể khá hơn đâu, vì từ xưa đến nay cô vốn đen nhẻm và xấu xí mà.

Hơi tiếc vì hồi nãy không liếc mắt nhìn qua cái kính của hộp phấn chị Xuân Hương, cô chắt lưỡi vặt luôn một bông bụp bên bờ giậu nhà chú Chín và tiện tay với thêm một quả quýt ló ra gần đó.

Tiếng con mực khục khục trong sân vườn làm cô thay vì đi phải đổi tốc độ thành chạy. Cô không hiểu sao từ nhỏ đến giờ, đã bao lần cô sang hái trộm ổi nhà chú Chín mà con mực vẫn chưa quen được hơi làm thân với cô.

Thu Phong bĩu môi. Con chú xem vậy mà bủn xỉn hơn chủ nhà. Có cái bông bụp đỏ quạch và trái quít còi thiếu nước mà nó cũng gầm gừ dọa cô nữa.

Con đường cỏ cháy hôm nay có một màu vàng sậm thật đẹp dưới trời sớm nắng, cô chạy một đỗi đã ra được bên bờ hồ.

Đứng giữa trời quang với cái hồ trong vắt một bên, bên kia là một dốc đá thấp mọc những cây hoa dại li ti, cô nở một nụ cười rạng rỡ.

Đây là thế giới của cô, là nơi mà chỉ có với thiên nhiên và sự yêu đời, vui vẻ. Cô đã đặt tên cho hồ là hồ Thanh Vân, vì những đám mây xanh trên bầu trời quang đãng luôn thích soi bóng xuống mặt nước trong vắt như gương của hồ.

Thanh Vân nguyên là một cái đầm nhỏ mà người khai thác đá và cát xưa kia, bây giờ bị bỏ không. Nước chẳng biết đã từ đâu mà đọng lại thành một cái hồ rộng. Hồ vốn không là của ai, nhưng từ khi phát hiện ra nó cách nay bốn năm, nó đã nghiễm nhiên là của cô.

Lũ trẻ chăn trâu quanh vùng cũng thèm thuồng cái hồ, nhưng sự kiện cách đây mấy năm, có một công nhân khai thác cát đá đã uống rượu say ngã chết dưới đáy hồ làm không chỉ bọn trẻ mà ngay cả người cũng sợ khi đến đây. Sự mê tín đôi khi cũng có điều lợi. Nhờ vậy mà Thu Phong làm chủ một vùng đất đẹp có màu sắc hoang sơ này.

Tung tăng men theo bờ cát xuống hồ, cô ngân nga một bài hát mà ba và cô hay cùng nhau hát trong những lúc vui vẻ:

"Vừa gặp anh là tôi mến ngaỵ Hô là hí hô là hô. Vừa gặp anh là tôi thích ngay, hô là hí hế lô hồ la. Anh duyên quá, sao là duyên, hô là hí hô là hô. Ai không thích anh cười duyên, hô là hí hế lô hô là."

Giắt tạm cái bông bụp đỏ rực lên mép tai, cô ngồi phệt xuống bên hồ bóc vỏ quít và lại hát oang oang:

"Vừa thấy cô là tôi mến ngay, hô là hí hô là hô. Vừa gặp cô là tôi thích ngay, hô là hí hế lô hô là. Tôi mến ngay thì tôi bắt tay, hô là hí hô là hô. Cùng bắt tay chúng ta kết bạn, hô là hí hế lô hô là."

Bài hát này do ba dạy cô từ thuở hai cha con dắt nhau về đây sống. Năm ấy cô lên sáu. Tuổi ham chơi không hiểu chuyện nhiều, cô chỉ thích vì ở đây tha hồ cho cô rong chơi.

Ba dạy cô rất nhiều bài, toàn là những bài vui nhộn và dễ nhớ. Sau này bài nào cô cũng đặt thêm một lời thứ hai, tuy không xuất sắc gì mấy, nhưng ba cũng gật gù khen ngợi. Và mỗi đêm trăng sáng, cha con rủ nhau ra hiên nhà uống trà tàu ngắm trăng và cùng hát những bài hát với lời nguyên gốc lẫn lời thứ hai cô đặt thêm, vui ơi là vui!

Múi quít đầu làm cô nhăn mặt. Quít mùa khô thật tội chưa, đèo đẹt thế này. Biết vậy khi nãy cô ra ngắt mớ sấu ngoài bờ sông chấm muối ăn còn đỡ nhạt miệng hơn.

Nhưng chê là chê thế thôi chứ cô cũng nhóp nhép ăn cho hết trái quít, vì ở đây cũng chẳng có gì xơi.

Ăn và ngồi ngắm cảnh trời mây đã chán, cô cong lưng đẩy bè chuối đang dập dềnh gần bờ xuống nước. Bè chuối này hôm trước ba chặt và để sẳn đây cho cô trước khi ra thành phố.

- Để con vẫn có chỗ chơi đùa khi không có ba - Ba nói vậy.

Thu Phong vẫn không hiểu sao dạo này ba cứ đi lên thành phố hoài. Mười mấy năm sống miền đất này, ngoài việc chăm sóc vườn cây, ba rất ít khi đi đâu. Ngoại trừ mỗi năm một đôi lần vào dịp hè, ba đưa cô lên thành phố thăm mẹ mấy ngày.

Tuổi thơ của cô gắn với ba và với cái miền quê nằm sát bờ sông Đồng Nai này. Mười mấy năm cô có ba, cô có vườn bưởi, cô có ruộng mía, và cô có con sông mỗi ngày tắm mắt, cô có cái hồ Thanh Vân nước trong xanh, có bạn bè học chung, dù nhà đứa nào đứa nấy cách nhau xa lắc.

Còn trên thành phố, cô chẳng có gì cả. Cô biết cô có má, má ruột đàng hoàng, nhưng dường như má không thương yêu cô lắm.

Cô có hai chị gái, cả hai chị đều có nước da trắng, đều nhổ chân mày mỏng và đeo bông tay toòng teng. Nhưng ngoại trừ chị Hai có đôi chút tội nghiệp cho bộ dạng quê kệch khác biệt của cô, còn thì cả hai cũng không thú vị gì với sự có mặt mỗi năm mấy ngày của cô.

Nhà của má trên thành phố là một ngôi nhà lầu đẹp và tiện nghi hơn nhà dưới quê của ba. Cô ở lại vài ngày, làm bể vài cái chén đĩa kiểu, làm dơ vài cái áo dài trắng của mấy chị, bán lộn giá vài vỉ kim, vài tép chỉ của má, và nghe mắng, nghe la vài lần rồi cũng đến lúc mong ngóng ba lên đón về.

Những lúc ba lại xuất hiện thật là sung sướng, gom mớ quần áo cũ, cô qua quít chào má và hai chị, tươi cười cầm tay ba trở về quê. Quê mới là nhà của cô, cô về để có thể tiếp tục nấu cơm cho ba ăn, giặt áo ba mặc, chăm sóc con sáo sậu và rong chơi ngoài bờ hồ.

Trời chẳng có chút gió, Thu Phong quăng đống vỏ quít lên bờ rồi phủi tay nhảy ầm xuống hồ. Cô bơi theo bè chuối và lan man nghĩ ngợi.

Từ xưa đến nay vốn đã như vậy, gia đình là hai nhánh, cô và ba, má và hai chị, cứ tưởng cuộc sống thú vị ấy sẽ kéo dài như thế mãi. Vậy mà cách đây hơn tháng, má và mấy chị tự dưng lại xách valy về hết đây.

Cô nhớ đêm hôm ấy ba và má nói chuyện với nhau ngoài hiên lâu lắm, cô mon men ra nhưng đã mấy lần đều bị đuổi trở vào nên chẳng hiểu rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra.

Kể từ dạo đó, phòng của cô được kê thêm cái giường rộng, căn nhà gạch ba gian của nội để lại có thêm ba giọng nói đàn bà. Cô bị quản thúc, bị la rầy. Và ba thì bắt đầu quảy túi lên thành phố.

Cô không thích ba đi, vì ba đi chuyến nào cũng về nhà ngồi lặng lẽ buồn phiền nhưng lần nào cản lại, ba cũng vuốt tóc cô cười nói:

- Có công chuyện quan trọng nên ba mới phải đi, chứ ba đâu có muốn để con ở nhà một mình. Con là cục cưng của ba mà.

Câu nói này của ba làm cô cảm động đến muốn khóc. Trời, có ai hiểu cô như ba nhỉ? Không có ba, dù trong nhà vẫn có mấy người thân, nhưng cô đúng là buồn một mình.

Có ai thích cô cười đùa đâu, những tràng cười của cô, chị Xuân Hồng cứ nói là vô duyên, là dở hơi.

Và đã mấy đêm trăng rồi, chẳng ai thích nghe cô hát hò gì cả. Họ không như ba, lúc nào cũng thương, lúc nào cũng chìu cô, vì như ba nói, cô là cục cưng của ba mà.

Càng nghĩ càng buồn, cô leo lên nằm trên bè dang tay ra ngắm trời mây. Gió đưa bè dập dềnh trôi, một hai luồng gió nhẹ phe phẩy gương mặt đẫm ướt làm cô dễ chịu. Muốn quên những chuyện bực bội, cô lại quay qua hát nghêu ngao một mình:

"Nhảy trong bụi ra một con sói

Xem chú thỏ mày chạy đi đâu, đâu, đâu

Vồ bên đông, thỏ chạy sang tây

Chụp hướng nam thì nhanh chân hướng bắc.

Nhảy trong bụi ra một con cáo

Xem trống choai mà bay đi đâu, đâu, đâu."

Bài hát còn đang được cô ngân nga say sưa, thì bỗng nhiên có tiếng con nít bật cười nho nhỏ đâu gần đó làm cô giật mình ngóc đầu dậy. Quên mất là mình đang nằm trên bè chuối với tư thế như làm xiếc, cô lật nhào cả người xuống hồ trong tiếng kêu hốt hoảng của người nào đó.

Uống hai ngụm nước và quờ quạng một lúc, cô níu được cái bè, trồi đầu lên và ho sặc sụa:

- Trời ơi! Muốn hại tui chết sao? Ai kỳ vậy?

- Nè, em có sao không? Không sao chứ?

Gạt nước mắt mũi kèm nhèm, cô ngóc đầu nhìn.

Trên bờ hồ là một người đàn ông đang cởi giày nửa chừng. Một chiếc sắp lột ra khỏi chân, chiếc kia cũng đã lăn lóc trên nền cát gần đó. Chắc là người ấy tưởng cô sắp chết đuối nên định nhảy xuống cứu cô đây. Tạm không nổi giận nữa, cô nhìn ra mé sau lưng người ấy.

À, không chỉ có một người, ở một chỗ tương đối bằng phẳng dưới dốc đá, còn có thêm một người nữa.

Ủa. Không phải. Thu Phong vuốt mặt nhìn cho kỹ. Không phải một người mà chỉ là .....một chú nhóc. Một thằng nhỏ với đôi mắt tròn xoe đang chòng chọc nhìn cô.

Cô ngó thằng nhóc bỗng dưng nhoẻn một nụ cười. Thằng nhóc ngập ngừng nhìn cô, mon men tiến lại vài bước.

- Ý, đừng, cái hồ này sâu lắm.

Tiếng kêu của cô làm người đàn ông kia sực tỉnh, anh ta quay phắt lại để ngăn thằng nhỏ. Đến phiên anh ta cũng quên rằng chân còn đang vướng chiếc giày, nên chỉ bước thứ hai là ngã nhoài ra đất.

Ôm bè chuối, Thu Phong sặc sụa cười. Khỏi phải nói, cảnh tượng ngô nghê mắc cười như vậy thật hiếm có đối với một người ham vui ham đùa mà lại ở một chỗ thanh tịnh miền quê như cô. Cho nên gặp dịp, cô cười quá xá cỡ.

Trong tràng cười giòn tan của cô, có thêm tiếng cười của đứa nhỏ. Đúng là giọng cười khi nãy làm cô uống nước hồ. Tiếng cười nó góp vào nghe trong trẻo ngân vang, chứ không nham nhở tinh nghịch như giọng cười của cô.

Người đàn ông ngồi lên với bộ mặt và tóc tai dính nhòe nhoẹt đầy đất cát, chiếc giày vẫn còn dính chùm ở cổ chân, bộ dạng thật là khôi hài. Chắc cũng biết vậy, nên anh ta chỉ lắc đầu cười trừ trước những tiếng cười nhạo của cô và chú nhóc.

- Anh có bị trặc chân không? - Cô hỏi khi đã tạm lắng cơn mắc cười.

Gỡ luôn chiếc giày quái quỷ kia ra, người đàn ông xoay xoay cổ chân rồi lắc đầu:

- Không, cám ơn em.

Thu Phong cười thầm. Ơn nghĩa gì đâu. Hỏi có một câu mà cũng được cám ơn.

Không trặc giò thì tốt. Bỏ qua người đàn ông khách sáo kiểu thành thị, cô đẩy bè gần vào bờ và chú mắt nhìn vào đứa nhỏ.

Chà, thằng nhóc này thật đặt biệt. Nó trắng tinh, trắng đến nổi cô tưởng chừng làn da của nó mỏng quá dưới ánh nắng nhạt sáng hôm nay. Gương mặt nó đều đặn dễ thương. Đôi mắt to nhưng lại có cái nhìn e dè như sợ sệt.

"Thằng nhóc này nhát hít", Thu Phong nghĩ bụng. Mà quả thật thằng nhỏ nhát thật. Tiếng cười của nó chỉ ngân lên một chút, rồi nín ngay. Và bây giờ, nó đang ló mặt nhìn cô.

- Ê! Cưng tên gì vậy? - Cô hất hàm hỏi nó.

Thằng nhỏ chạy lại nép bên vài người đàn ông không đáp, ánh mắt nó vẫn chiếu vào cô.

Thu Phong nhìn qua người đàn ông vẫn còn ngồi trên cát quan sát cô:

- Anh là ai vậy?

Người đàn ông mỉm cười đáp:

- Tôi đi ngang qua đây thôi.

- Người thành phố chứ gì.

Anh ta gật.

Cô lại ngó qua thằng nhỏ.

- Con anh hả.

Thêm một cái gật nữa. Cô hỏi:

- Nó tên gì vậy?

Người đàn ông nhìn cô rồi lại nhìn đứa nhỏ bên cạnh, anh ta bỗng cười:

- Sao em không thử hỏi thằng bé xem.

Thu Phong nhướng mày. Bảo cô hỏi thằng nhỏ à? Sao sẵn miệng anh ta không nói phứt cho rồi? Người lớn mà làm biếng dữ.

Như đoán được ý nghĩ của cô, người đàn ông kia cười cười:

- Em cứ hỏi thử xem. Nhưng phải nói trước rằng em bé ít nói lắm, nếu hỏi được, tôi sẽ đãi em ăn kem một chầu.

Thu Phong nhướng mày. Hỏi cái tên đã không chịu nói còn treo giải thưởng nữa. Cái anh người thành phố này dị hợm thật. Nhưng.... cô nhìn lại. Thằng nhóc ngộ quá, thật tình cô cũng muốn nghe lại cái giọng của nó, cái giọng ngân vang nho nhỏ dễ thương. Cô chặc lưỡi. Hỏi thì hỏi. Cô thì ngán gì ai. Đẩy luôn bè chuối vào bờ rồi leo lên ngồi xổm gần đấy, cô nhoẻn miệng ngọt ngào:

- Nè, cưng. Em tên gì vậy ?

Thằng nhỏ vẫn không dời mắt khỏi cô, nhưng chẳng thèm trả lời. Người đàn ông mỉm cười ngụ ý chê cô dở.

Không chịu thua, nước chảy ròng ròng trên người xuống nền cát nhưng cô chẳng buồn gạt đi. Ngồi bệt luôn xuống, cô cười:

- Không chịu nói à? Hay cái tên em đẹp quá, sợ nói ra chị mượn đặt tên cho mình luôn? Thằng nhóc vẫn chong mắt nhìn và....im lặng. Cô gãi đầu gãi tay xoay cách khác:

- Vậy nhé, hay mình làm quen đi. Em nói tên cho chị biết, chị nói tên cho em biết. Tụi mình bắt tay thành bạn, được không?

Vẫn không có tiếng trả lời, Thu Phong vỗ nhẹ vào đầu:

- Ừ nhỉ, chị quên mất. Ba chị vẫn thường dạy câu "tiên chủ, hậu khách" mà. Em là dân thành phố đi ngang qua, vậy là khách. Còn chị là chủ nhân cái hồ này, là chủ rồi. Chị phải giới thiệu tên của mình trước, phải không?

Chìa tay ra, cô hồn nhiên nói:

- Nè, chị tên là Thu Phong, còn em tên gì?

Đôi mắt thằng bé có vẻ tròn hơn. Nó ngập ngừng nhìn bàn tay còn ướt nước đang chìa ra của cô, rồi thật đáng ngạc nhiên khi nó đặt bàn tay trắng trẻo bé xíu của nó vào đó. Cô mỉm cười thú vị:

- A, vậy chúng ta có thể là bạn rồi.

Thằng bé cũng thoáng nét cười. Cô nghiêng đầu hỏi:

- Nhưng chú bạn nhỏ ơi, chị vẫn chưa biết tên em, làm sao mà gọi bây giờ? Chẳng lẽ chị lại phải gọi "ê, nhóc", em thấy không, cái tên nhóc nghe dở òm. Tên thật của em chắc chắn hay hơn nhiều mà, phải không?

Thằng bé nhìn cô rồi liếc qua ba nó với một chút e dè, ngần ngừ. Thu Phong nhíu mày quay qua người đàn ông:

- Này, anh đã thách tôi thì đừng cản trở chứ.

Người đàn ông giơ tay lên phân bua:

- Ồ, tôi có cản trở gì đâu, thật tình tôi cũng mong em hỏi được tên con trai tôi mà.

Không có bằng chứng cáo buộc, Thu Phong hừ nhẹ rồi quay qua thằng bé. Giọng nhỏ nhẻ lại trở về lập tức với cô:

- Nè, em bé. Ngay cả ba em cũng cho phép em nói tên cho chị biết rồi đó, chị không phải là người lạ đâu. Chị đâu phải là con sói hung dữ. Có phải khi nãy em nghe chị hát mà cười phải không? Em thấy đó, cơ thể chị Ốm nhom, xấu hoắc, nhưng chị không phải là con sói đâu. Chị hiền lắm, nếu chị dữ thì em đâu có bắt tay kết bạn với chị, đúng không? Thằng bé tròn mắt nhìn cô rồi gật đầu. Cô đắc thắng reo lên:

- Đó thấy không, em cũng cho là chị hiền, chúng ta đã là bạn rồi mà, có điều em biết tên chị, nhưng chị vẫn chưa biêt tên em. Em nói cho chị nghe nhé.

Thằng bé chớp mắt nhìn cô rồi gật đầu cái nữa. Thu Phong mừng quýnh, cô hỏi ngọt như mía lùi:

- Vậy tên em là gì vậy?

Dường như đứa nhỏ có chút mấp máy môi, cô cười khuyến khích:

- Nói lớn chút xíu cho chị nghe xem. Tên em là....

Giọng thằng nhóc nghe nhỏ rí:

- Khu phông.

Cô cười:

- Ừ, phải rồi, em nhó được tên chị à? Hay quá, nhưng còn tên em, tên em là....

- Khu phông.

- Ồ, không phải đâu. Thu Phong là tên chị, còn tên của em đó, tên mà ba mẹ gọi em đó mà, hiểu không?

Thằng bé trố mắt nhìn cô như không hiểu. Người đàn ông bật cười chen vào:

- Hoan hô em đã làm bạn được với cu Phong, tên của bé đúng là tình cờ lại trùng tên với em.

Cô kinh ngạc:

- Trùng tên?

- Đúng rồi, tên thật của bé là Nguyễn Hoàng Phong, ở nhà tôi vẫn gọi nó là cu Phong.

Cô mở to mắt nhìn lại thằng nhóc, rồi phì cười:

- Ô hô, ngộ quá ha. Em cũng tên Phong nữa à? Ừ phải rồi, xưa nay cái tên Phong vốn là con trai mà, tại ba chị thích con trai nên mới trộm tên em đặt cho chị đó thôi, phải không?

Thằng nhóc không đáp, nhưng vẻ thân thiện hiển hiện rõ trong ánh mắt. Thu Phong chỉ tay một vòng xung quanh khoe:

- Ê, cái hồ này là của chị đó nghen. Tên cái hồ là Thanh Vân, tên đẹp không? Chị đặt cho đó. Nước trong vắt, thấy không? Trong đến nổi in cả mấy trời. Cu Phong có muốn ra hồ không? Chị sẽ để em....

Người đàn ông lên tiếng:

- À, xin lỗi em, cu Phong không biết bơi, đừng rủ em bé ra đó.

Cô ngó qua giải thích:

- Ý tôi là cho nó ngồi trên bè thôi, cu Phong ngồi bè còn tôi đây bè theo ra. Cu Phong không biết bơi nhưng tôi bơi giỏi mà. Vả lại ngồi trên bè đâu có sao đâu?

Người đàn ông lắc đầu:

- Cũng không được đâu. Cu Phong không thể xuống nước.

Cô vẫn cố thuyết phục:

- Tắm mát chút thôi, anh đừng cấm nó. Nếu tôi không lo cho cu Phong được thì còn anh đứng canh trên này nữa chi? Hồ này sâu thật đó, nhưng chẳng lẽ tôi với anh lại không canh được một đứa nhỏ sao? Nhé, tụi tôi ra hồ nhé.

- Đã bảo không được rồi mà - Người đàn ông gắt khẽ.

Giọng gắt gỏng của anh ta làm thằng bé giật mình, vẻ nhát nhúa sợ sệt lập tức trở về trên khuôn mặt nó. Thu Phong trợn mắt:

- Anh làm gì phải phát cáu lên như vậy. Cu Phong bị anh hù kìa.

Người đàn ông quay qua con:

- Đừng xuống nước nhé con, nước sâu lắm, không tốt.

Thu Phong trề môi:

- Đứa con đã nhát mà còn hù nó nữa. Nước sâu thật nhưng ngồi bè chuối chứ bộ.

Người đàn ông cau mày quay qua, nhưng nhớ lại vẻ mặt đang cởi mở lại trở thành im lìm của con, anh ta dịu giọng hơn:

- Này em, tôi đang dạy con trai tôi đó.

Thu Phong nhìn lảng đi nói mỉa mai:

- Dĩ nhiên tui cũng biết nó là con trai anh. Thì là con anh, bị anh suốt ngày đem cái này cái kia ra hù nên mới nhát hít sợ sệt như vậy đó, chứ nếu là con tui....

Câu nói hình như bị hớ thì phải. Thu Phong kịp phát hiện ra nên nín ngang.

Người đàn ông lườm cô:

- Nếu là con em thì sao? Sao lại nói giữa chừng như vậy? Ngon nói hết thử xem.

Đột nhiên, cô muốn nổi sùng:

- Nói giữa chừng bộ không được à? Tôi không thích nói hết, nói giữa chừng vậy cũng đủ hiểu rồi.

Người kia nhướng mày:

- Ai hiểu? Nói giữa chừng thì ai mà hiểu được? Ai lại bảo người miền quê chân chất lắm, ăn nói bộc trực dễ hiểu. Em thì khác một chút, nói không nói hết, thì chuyển qua nói ngang, cứ ngắt ngứ ngắt ngứ như sợ lộ ra cái gì vậy.

Thu Phong trừng mắt:

- Lộ ra cái gì?

Người kia tỉnh bơ:

- Tôi đâu có biết. Em cũng nói nửa chừng thôi nên tôi đoán như vậy.

Thu Phong tức tối:

- Có gì mà tôi sợ đâu. Người miền này thật thà, có gì mả phải giấu diếm, chẳng qua nếu tôi nói thẳng ý, ngại mấy người nghĩ quàng xiên nói tôi con nít quỷ, mới mười mấy tưổi mà mở miệng nói chuyện con cái nên ngưng lại thôi.

Ba của thằng nhỏ nhún vai:

- Tôi cũng chẳng tính, chẳng bao giờ nghĩ quàng xiên gì cả, em có muốn nói gì thì có thể nói thoải mái.

Thu Phong bĩu môi:

- Vậy thì tôi cũng khỏi ngại chứ gì. Thật ra hồi nãy ý tôi muốn nói nếu mai mốt tôi có con, con tôi cũng dễ thương như cu Phong vậy, nhưng nhất định nó sẽ luôn vui vẻ, hay cười, nghịch ngợm, chứ không bao giờ bị hù suốt ngày thành nhút nhát e lệ như vậy đâu.

Sự tưởng tượng luôn phong phú trong đầu nên cô lại diễn giải thêm một cách sôi nổi:

- Con cái tôi đó nhé, nếu là con gái, nhất định nó sẽ vui tính tía lia như tôi vậy, còn nếu là con trai, nó lại càng trực tính, dễ gần. Khi nhỏ nó phải là đứa nghịch ngợm phá phách, phá đến nổi làm tôi mệt phờ nhăn nhó la mắng suốt ngày tôi cũng chịu . Vì con nít mà không vui chơi, chạy nhảy thì phí hoài tuổi thơ của nó.

- Không vui chơi chảy nhảy thì phí hoài tuổi thơ - Người đàn ông lẩm bẩm lập lại.

Thu Phong liếc nhìn anh ta:

- Hay phải không? Câu này không phải của tôi nghĩ ra đâu. Là ba tôi nói đó. Ba tôi hay cười và nói như vậy mỗi khi nghe má tôi than thở về tôi. Mỗi năm nghe má tôi nhăn nhó than vãn một lần là y như rằng, ba tôi lại nói câu này, tôi nghe riết thành nhớ.

Người đàn ông ngó cô:

- Vậy chắc là tuổi thơ của cô không có chuyện phí hoài đâu nhỉ?

Cô cười toe:

- Tất nhiên rồi. Ba cho tôi tha hồ vui chơi. Lúc nhỏ chơi trò con nít, bắt dế, đào giun, câu cá, vớt cá, leo cây hái trái, thứ gì cũng được phép chơi, miễn là khéo đừng để người ta xách tai đem về mắng vốn. Lớn lên rồi thì ngoài công việc nhà, ngoài chuyện học hành, ba vẫn cho tôi có thời gian để vui chơi.

Cô chỉ vào cái bè chuối:

- Bè chuối này ba tôi làm đó. Ba nói tôi không con nít nữa, nhưng vẫn cần nơi giải trí vui đùa. Hồ này là khu vực vui chơi độc quyền của tôi.

- Em bao nhiêu tuổi rồi?

- Mười tám.

Người đàn ông hơi ngạc nhiên nhìn cô:

- Đã mười tám rồi à? Có thật là....em mười tám?

Thu Phong cười:

- Ừa mười tám rồi, thì đã sao. Ba thì có khi nói tôi đã lớn, có khi lại nói tôi còn nhỏ lắm. Bạn trong trường gọi tôi là nhỏ Phong đẹt, tên xấu hoắc, phải không cu Phong? Nhiều khi ba chị không gọi chị là Thu Phong đâu mà gọi cho vui là gió mùa thu. Chị thích ba chị gọi như vậy lắm.

Người đàn ông ngạc nhiên nhìn qua, thấy cu Phong tự bao giờ đứng cạnh cô gái lạ mà mỉm cười nghe chuyện. Anh ta cũng cười.

Thu Phong cũng thật vô tâm. Câu chuyện đang nói với cha bỗng chuyển qua với cậu con từ lúc nào không biết:

- Biết không, hình như tên của chị có trong một bài thơ nào đó mà có lần chị nghe ba chị ngâm ngạ Bài thơ thì dài, nhưng chị nhớ cái câu có tên mình thôi. Câu đó như vầy nè:

"Một trận Thu Phong rụng lá vàng

Lá từ hàng xóm bay sang..."

Thấy chưa, cái tên chị nằm trong đó đó. Còn em, tên của em có trong bài thơ nào không? Là má đặt hay là ba đặt cho em?

Cu Phong nói nho nhỏ gì đó làm Thu Phong nheo mắt cười khì:

- Ồ, không biết thì em có thể hỏi mà. Ba em thì hơi dữ, vậy em có thể hỏi má. Chị thì hay hỏi ba hơn, vì biết không, ba của chị hiền lắm. Không biết gì thì cứ hỏi, ba chị sẽ giải thích cho nghe. Ừa, đúng rồi. Chị ngược với em, ba của chị hiền nhưng má chị thì dữ, không có má thì thôi, có là chị bị rầy liền. Còn ba chị....

Rời mắt, rời tai khỏi hai đứa trẻ cùng tên Phong, người đàn ông đừng lên nhìn ra xa xa bờ hồ trong xanh mà lam man nghĩ ngợi.

Vùng quê này thật lạ, nếu không có giấy tờ chứng minh, anh không khi nào nghĩ mình lại từng được sinh ra ở đây. Nơi đây đẹp thật, dù hơi vắng người.

Mặc dù nơi đây cách Sài Gòn không xa mấy, nhưng anh chưa từng đặt chân trở về chốn này. Ừ phải, nếu không vì cu Phong, anh không nghĩ mình trở về lại nơi đây, nơi xưa kia cha mẹ anh đã phải khổ sở rời đi trong sự buồn tủi, đắng cay.

Giọng thánh thót của cô gái nhỏ vang lên hòa với gọng cười của con trai khiến anh thấy dễ chịu. Cô là người đầu tiên của vùng này mà anh và cu Phong tiếp xúc. Và cũng là người lạ đầu tiên mà thằng bé chịu cười, chịu nói chuyện.

Cô ta không tệ lắm. Mặc dù dân dã, quê mùa, nhưng cách nói chuyện cũng vui vẻ, thân thiện. Anh mỉm cười lắc nhẹ đầu. Thật không ngờ cô lại mười tám tuổi rồi. Ở Sài Gòn, những thiếu nữa mười tám đâu có nhỏ bé vóc dáng và hồn nhiên non nớt như cô vậy. Mười tám tuổi? Anh lại cười thầm.

Từ đầu cứ ngỗ cô chỉ là một cô bé quê mười bốn mười lăm tuổi, nên anh đâu có e dù giữ kẻ khi tiếp xúc. Bây giờ đã biết cô là một cô gái trưởng thành hẳn hoi, có lẽ anh cần phải khách sáo một chút mới được.

Điều lạ là cô gái bé choắt này lại trùng tên vói cu Phong, và càng thêm lạ là cô đã gợi cho con anh nói chuyện cười vui cởi mở như thế. Nếu mà cô ta.... Có lẽ điều đang nghĩ hơi kỳ lạ và không tưởng, nên anh nhướng mày lắc đầu và cười một mình như tự nhạo báng.

Những tiếng cười rúc rích đầy vui thích làm người đàn ông lơ đãng nhìn lại và sững người không tin nổi vào mắt mình.

Thằng cu Phong chẳng nhớ đến bộ quần áo vàng nhạt đang mặc trên người sạch sẽ đến độ nào, nó đang ngồi bệt xuống bên cô gái tên Thu Phong và cùng cô nghịch đất.

- Cu Phong! Con làm gì vậy?

Tiếng kêu lớn của người đàn ông làm cả hai Phong đều giật mình ngẩng lên. Cu Phong hoảng vía đến nỗi đờ người ra ngơ ngác.

Người đàn ông ngồi thụp xuống phủi nhanh hai tay đầy cát của con. Thu Phong nhăn mặt cự:

- Anh làm gì mà la lên làm giật mình vậy?

- Không phải chuyện của cô - Người đàn ông quát lên giận dữ - Ai cho cô đem con tôi ra nghịch dơ như vậy? Bộ hết chuyện chơi rồi hả?

Cu Phong giật mình thêm lần nữa với tiếng quát của ba nó, nó hốt hoảng òa lên khóc.

- Rồi, thấy chưa, anh lại hù con mình cho nó khóc rồi.

Người đàn ông quắc mắt nhìn cô:

- Cô mau im miệng đi. Cu Phong là con tôi mà. Làm con tôi dơ dấy bẩn thỉu mà còn ngồi đó chõ vào nữa hả.

Thu Phong tức tối đứng phắt dậy:

- Ê, đủ rồi nghe, cu Phong là con anh thì anh tha hồ dọa nạt cho nó khóc, nhưng tôi là Thu Phong, là con của... ba tôi , là chủ cái hồ này , tôi có là cái gì của anh đâu mà anh lại lớn tiếng? Anh lấy quyền gì mà nạt nộ tôi?

Sự cự cãi lớn tiếng của Thu Phong làm cu Phong càng sợ hãi khóc già. Ba của nó nhăn mặt:

- Thôi được rồi, không ai dám la cô đâu, ngồi xuống đi. Đừng làm con tôi sợ.

Sự tức giận vẫn chưa làm Thu Phong nguôi, cô ngồi ra xa hơn một tí và bĩu môi nhông lại:

- Nghĩ anh là ai mà định ở đây dọa với nạt? Tưởng nạt một cái là người ta phải sợ quá khóc lên như cu Phong à? Giỡn chơi!

Người đàn ông nhăn mặt:

- Thôi đừng lải nhải nữa! Cô có giỏi miệng thì dỗ thằng bé nín còn hơn.

Nói rồi anh ta quay xuống dịu dàng:

- Nín đi con, đừng khóc! Ba đâu có la con, ba la... chị Phong thôi.

Ngồi bên đây, Thu Phong bĩu môi, nhưng tội nghiệp những giọt nước mắt và gương mặt mếu máo của thằng nhóc nên cô không lên tiếng móc mỉa nữa. Ba cu Phong vỗ về con trai:

- Nín đi nhé, ngoan ba thương. Tại con lại vọc dơ nên ba mới kêu lên thôi. Bây giờ không vọc nữa thì ba đâu có la nữa, đúng không?

Cu Phong đã nín khóc, nhưng em còn thút thít và lấm lét ngó ba, ngó Thu Phong qua màn lệ. Người đàn ông móc túi lấy chiếc khăn tay trắng tinh, nhẹ nhàng lau nước mắt và xì mũi cho bé.

- Thôi đừng khóc con, ba đưa con trở ra xe nhé? Chúng ta về nhà.

Cu Phong cụp mắt xuống đất không đáp. Ba của bé hắng giọng:

- Mình ra xe, chúng ta chơi ở đây một chút cũng được rồi, đến giờ đi rồi đó.

Thằng bé vẫn không lên tiếng, nó ngẩng lên một tí chỉ để liếc nhìn Thu Phong rồi lại cụp mắt xuống lại.

Thu Phong chắt lưỡi:

- Thôi anh để tôi dỗ em cho.

Người đàn ông nhìn cô không lộ vẻ phản đối. Thu Phong rề lại cười với chú bạn nhỏ của mình:

- Cu Phong, đến giờ về rồi hả? Vây hồi nãy bắt tay làm quen, bây giờ chị với em bắt tay tạm biệt, được không?

Thằng bé lại đặt tay mình vào bàn tay rám nắng của cô, Thu Phong gật đầu:

- Em về nhà ngoan nhé. Bữa nào rảnh em nói ba chở em xuống đây chơi với chị. Chị sẽ thường ra cái hồ này chờ em. Hôm nay ra hồ chơi thôi, nhưng mai mốt có thể chị sẽ dạy em bơi, đến chừng đó hồ sâu hồ cạn gì em cũng sẽ không thèm sợ nữa đâu.

Cu Phong liếc nhìn ba rồi nó nho nhỏ với cô:

- Dạy bài hát nữa.

Thu Phong bật cười:

- Ừ há, dạy bài hát nữa, chị có đến cả mấy chục bài hát sẽ dạy hết cho em, là ba chị dạy cho đó, bài nào cũng vui, cũng ngộ như bài khi nãy vậy.

Người đàn ông nhíu mày đứng lên khi nghe có giọng gọi từ xa vọng lại. Thu Phong vẫn say sưa nói chuyện với cu Phong:

- Nhà chị hả? Nhà chị Ở gần đây thôi. Chạy một hơi là tới nhà chị ngay, nếu em mà biết nhà chị vô chơi cũng được. Nhà chị có vườn bưởi nè, có cây ổi nè, đầy sân có cây bồ quân, mùa này đã bắt đầu có trái. À quên nữa, chị còn có con sáo sậu, con sáo là của ba chị bắt về hồi....

Người đàn ông đã đi lên dốc đá, tuy mắt vẫn thỉnh thoảng nhìn chừng về phía con trai.

Đứng từ chỗ cao nhất của dốc thì có thể thấy rõ con đường lộ bằng đất đỏ xa xa. Nơi đó có một chiếc xe du lịch đang đậu, và lố nhố hai ba người đang dáo dác ngó quanh, một người trong số họ còn bắt tay làm loa cất giọng gọi vang:

- Cậu Nguyên ơi!

Ngưòi đàn ông không lên tiếng, chỉ đợi người kia nhìn về hướng mình thì đưa tay lên ra hiệu. Người ấy hì hục chạy lại ngaỵ Đến gần, người kia thở hào hển thông báo:

- Xe sửa xong rồi. Dì Thẩm nói còn cách chừng một hai cây số là tới.

Rồi như chợt nhớ điều gì, anh ta hỏi:

- Ủa, bé Phong đâu rồi cậu Nguyên?

"Cậu Nguyên" hất mặt về phiá dưới. Bảo người tài xế đang tò mò nhìn cảnh trò chuyện vui vẻ của cu Phong và cô gái bé choắt Thu Phong kia ra xe chờ trước, Nguyên đi trở xuóng bờ hồ. Ngay khi cô gái cởi mở vui tính kia ngẩng lên, anh nói ngay:

- Xe của chúng tôi đã sửa xong, đã đến lúc phải đi tiếp rồi, cám ơn cô đã trò chuyện với cha con chúng tôi nãy giờ.

Thu Phong không nói gì, cô nhìn cu Phong với vẻ tiếc rẻ:

- Vậy cu Phong về nhà nhé. Mai mốt có dịp mình sẽ gặp lại.

Nguyên cúi xuống bế con trai lên, anh ngần ngừ một chút khi nhận ra vẻ luyến lưu của con mình đối với cô gái kia. Anh hắng nhẹ giọng hỏi:

- Nhà cô ở đây à?

Thu Phong gật đầu. Nguyên như nhớ ra điều gì, anh nói:

- Khi nãy tôi có hứa sẽ đãi cô một chầu kem. Nhưng... không biết ở đây chỗ nào lại có bán kem để tôi...

Thu Phong bật cười. Cô lắc đầu:

- Dưới quê không có bán kem đâu.

- Vậy... Hay là thế này, không biết cô có tiện đi dạo một vòng lên thị xã với cu Phong không, ở trên thị xã gần đây chắc chắn là có bán.

Thu Phong vẫn lắc đầu:

- Ồ không cần đâu. Anh không để ý rằng tôi áo quần nhàu nát lem luốc à? Tôi thích ăn kem thật đó, nhưng cũng biết ra chợ tỉnh mà ăn mặc như vầy thì đúng là quá khó coi. Thôi anh cứ đưa cu Phong đi ăn đi. Nếu nhớ phần tôi, anh cứ cho cu Phong ăn thỏa thích là được rồi, phải không cu Phong?

Cô cười nháy mắt với cu Phong.

Nguyên cũng đành chịu thua, không thể thuyết phục cô thêm, anh gật đầu:

- Thôi được, cô cho tôi nợ vậy. Nếu có dịp gặp lại, nhất định tôi sẽ tìm cách trả. À, nhà cô ở đâu nhỉ? Nếu cha con tôi có dịp tạt qua đây, làm sao gặp được cô.

Thu Phong khoát tay chỉ xuống hồ:

- Thì... tới đây cũng được nè. Tôi hay ở đây lắm.

Nguyên cười:

- Nhưng nếu không ở đây?

- Thì ở nhà - Cô cũng cười - Thôi được, nếu có dịp mời anh và cu Phong ghé nhà tôi chơi, tên tôi thì anh biết rồi đó. Cứ hỏi nhà ông Hai Trạng mé bến là ai cũng biết.

- Ông Hai Trạng? - Nguyên kêu lên kinh ngạc - Ở khu này có mấy ông Hai Trạng nhỉ?

Thu Phong cười:

- Tên gì thì trùng chứ tên của ba tôi không trùng được đâu. Nguyên cái xã này chỉ có một ông Hai Trạng mà thôi.

Nguyên hỏi dồn:

- Nhà cô gần đây chứ?

- Gần, chạy đường tắt một mạch là tới thôi - Cô ngạc nhiên - Sao vậy? Bộ khát nước muốn vào nhà tôi uống ngụm nước à?

Nguyên không đáp ngay. Anh chỉ chăm chú nhìn cô một lúc thật lâu làm cô cứ tưởng mặt mình có gì khác lạ nữa chứ.

- Chuyện gì vậy?

Nguyên như sực tỉnh:

- À, không. Biết tên cô rồi nhưng tôi lại chưa biết họ. Cô họ Trần à?

- Không, họ Tạ. Nhưng anh biết họ để làm chi. Ở miệt này ai lại biết họ nhau đâu.... Anh chỉ cần hỏi ông Hai Trạng là người ta chỉ liền à.

Nguyên nhướng mày cười một nụ cười hơi lạ.

- Gì vậy? - Cô thắc mắc.

Anh lắc đầu:

- À, không có gì đâu. Thôi, chúng tôi ra xe vậy.

Cúi xuống cu Phong, anh nhắc con:

- Chào chị Phong đi con.

Cu Phong giơ bàn tay nhỏ xíu lên vẫy cô. Cô vẫy lại với nụ cười:

- Chào cu Phong nha. Hẹn gặp lại.

Nguyên ẵm con bước lên dốc đá. Rồi từ trên dốc, không hiểu sao anh lại quay lại và cũng giơ tay chào:

- Chào Thu Phong!

- Chào anh!

- Chào, hẹn chút gặp lại.

Bóng cha con cu Phong đã nhỏ dần rồi khuất trên dốc đá. Còn Thu Phong ngạc nhiên đứng lại bên hồ. Cô đưa tay gãi ót. Ba cu Phong hơi mát chắc, tự nhiên lại chào hẹn chút gặp. Chẳng lẽ chút anh ta bế cu Phong quay lại thật?

Thu Phong vỗ hai tay vào nhau. Ừ há! Có thể lắm chứ, chắc là anh ta sẽ đi đâu đó một chút rồi quay lại đây cho cu Phong chơi với mình đến chiều. Hôm nay chủ nhật trời đẹp lắm mà, quanh quẩn vùng này, có cảnh nào đẹp hơn ở đây đâu?

Bộ đồ mặc trên người đã khô từ bao giờ. Cô nheo mắt ngó mặt trời để định thời gian. Rồi đẩy bè chuối xuống hồ, cô bơi theo. Khi bám bè chuối để leo lên nghỉ mệt, cô lại muốn khuấy động không gian quá yên tĩnh bằng giọng hát của mình:

"Vừa gặp cô là tôi mến ngay, hô là hí hô là hố..."

Giọng hát của cô sao bây giờ.... dở òm vậy không biết. Thu Phong nhăn mặt. Thằng nhỏ trùng tên với cô dễ thương quá sức. Nó đã về nhà mất rồi. Phải chi cô có đủ thời gian dạy nó một bài hát, để ở thành phố mỗi khi hát lên, nó lại nhớ một chút đến cô.

Thu Phong thở dài. Nằm sấp ôm bè chuối để nước mặc tình trôi dập dềnh, cô lẩm nhẩm hát:

"Vừa gặp em là chị mến ngay, hô là hí hô là hố. Chị mến ngay chị xin bắt tay, hô là hí hế lô hô là..."

Bè trôi lơ lửng trên mặt hồ trong xanh. Những gợn sóng nhỏ lăn tăn óng ánh tia nắng mặt trời. Tiếng ngâm nga lẩm nhẩm của Thu Phong bị gió thổi bạt đi bốn phương tám hướng, trong đó chắc chắn có hướng của thành phố không xa.

Thu Phong về đến nhà thì đã quá nửa trưa. Sân nhà cô vắng hoe, con chim sáo nhảy loạn trong lồng hót mừng cô chủ.

Cô chúm môi huýt một tiếng chào lại sáo sậu, rồi nhẹ chân đi vòng bên hè đề xuống nhà sau.

Nhà sau cũng chẳng có người. Thu Phong lỏ mắt nhìn hai cái mâm to được đậy điệm cẩn thận trên bàn. Rón rén bước lại gần, cô nghiêng đầu lên nhà trên nghe ngóng. Hình như im ru. Nhẹ tay ở một nắp lồng bàn, cô trố mắt và tưởng chừng phải nín thở khi nhìn được những món ăn nằm bên trong.

Đĩa bánh hỏi với mỡ hành trải bóng trên mặt, cạnh đó là đĩa thịt heo quay vàng rụm, miếng nào miếng nấy tươm mỡ đến ngon lành. Thêm đĩa rau giá và tô nước mắm ớt... Ôi chao! Thu Phong nuốt nước miếng. Sao mà hấp dẫn quá!

Nhón ngay một miếng thịt quay cho vào miệng, miếng thịt vừa giòn vừa béo đến mê ly, cô tò mò quay qua nhấc luôn cái lồng bàn bên kia.

À, một đĩa gỏi cá, một đĩa bánh phồng tôm, và còn cả một con con cá lóc nướng nguyên vẹn, ngon lành.

Trời! Cô lắc đầu chắt lưỡi. Sao hôm nay lại có thức ăn quá thịnh soạn như vậy kìa? Trước đây cô lãnh nhiệm vụ nội trợ cho bữa ăn hai cha con. Chỉ những buổi giỗ thì mới có bánh hỏi thịt heo quay, còn thì toàn là những món rau đậu dân dã. Khi má và các chị về ở, má giành cái chuyện bếp núc và kể từ đó, thịt thà cũng có mặt thường xuyên mỗi ngày. Nhưng đặc sắc như bữa hôm nay thì chưa bao giờ cô được thấy qua.

Thu Phong chắt lưỡi. Vậy cũng đủ biết khách khứa hôm nay được má coi trọng đến độ nào. Nhưng có một điều hơi lạ, là bây giờ cũng hơn một giờ rồi, vậy mà mấy món ăn này vẫn còn y nguyên.

Thế nhưng lạ gì thì lạ, cái bụng đói than thở quá xá làm cô lại quay qua cái đĩa thịt quay nhón thêm miếng nữa.

Còn đang quay lưng nhóp nhép thưởng thức hương vị béo ngậy của miếng thịt, cô không để ý đến tiếng chân từ nhà trên đi xuống. Cho đến khi cái giọng la chót chét của chị Xuân Hồng vang lên bên tai, kèm thêm cái cú đầu đau điếng, cô mới giật thót mình, đánh rơi luôn cái lồng bàn trên tay xuống đất trúng mắt cá chân bà chị yêu dấu.

Chị Xuân Hồng nhảy loi choi hét lên:

- Trời đất ơi, con quỷ! Đồ khỉ khọt, đau quá, ui da!

Đứng một chân để nắn bóp và suýt sao chỗ đau, chị la ầm:

- Mày dám ăn vụng phải không? Đi chơi cà nhổng suốt buổi còn lẻn về ăn vụng nữa. Tao méc má cho mày coi, ở nhà chưa ai ăn mà mày dám ăn, đã vậy còn quăng lồng bàn vào chân tao. Tính trả đũa cái cú đầu của tao hả?

- Hơ! Đâu có. Em lỡ tay mà.

Lính quýnh lượm lại cái lồng bàn để lên chỗ cũ, sợ cái tiếng la ong óng của bà chị làm má nổi giận, cô lúng túng:

- Tại trưa rồi, em đói bụng quá chừng thấy nhà không có ai nên mới ăn một miếng thôi mà.

Ngồi phịch xuống ghế và nắn chân, chị Xuân Hồng liếc xéo:

- Nhà không ai thì mày làm giặc à? Cho mày biết má với chị Hai vắng thì còn có tao giữ nhà chứ bộ. Mày vô nhà không đi từ nhà trên đàng hoàng mà lại chuồn qua hè. Hên cho mày là tao nhìn kỹ trước, chứ nếu tao mà tưởng trộm thì vác cây đánh u đầu rồi. Lén lén lút lút chỉ để ăn vụng, xấu hổ ghê!

Tin má vắng nhà làm cô yên tâm, Thu Phong cười hì hì giở giọng trêu bà chị dữ tính ngay:

- Thì đồ ăn chút nữa cũng để xơi tái thôi, ăn trước ăn sau gì cũng được mà chị Ba, chị khó như vậy thì sao mà lấy chồng được.

Chị Xuân Hồng trợn mắt chụp trái chanh ném vào cô:

- Còn dám chọc tao nữa hả? Bởi vậy mày mở miệng ra là muốn chọc người ta giận rồi. Hèn gì má cho mày đi khuất, mày mà ở đây thì có nước làm má xấu hổ chứ chẳng chơi.

Né trái chanh, Thu Phong ngồi xuóng cái ghế đẩu góc bên kia cười hì hì:

- Miệng em ghê gớm vậy sao? Vậy khách đâu rồi chị?

Mở lồng bàn kiểm soát lại mấy món ăn, Xuân Hồng đáp:

- Khách hả? Về rồi. Cũng may là vậy.

- Ủa sao mình không mời họ Ở lại ăn cơm?

Xuân Hồng lườm em:

- Sao mày biết không mời? Má và chị Hai làm mấy món này suốt sáng cũng nhọc công lắm chứ bộ. Tại người từ chối không ăn thôi.

- Ủa, sao vậy?

Xuân Hồng phe phẩy quạt:

- Không ăn là không ăn chứ còn sao nữa. Má mời thiệt tình lắm, nhưng họ nói có việc phải trở về, nên món ăn còn y nguyên như vầy nè.

Cô thắc mắc:

- Vậy má với chị Hai đâu rồi chị?

Xuân Hồng chép miệng:

- Đi tiễn người ta ra đầu lộ rồi. Xe họ đậu ngoài đó.

Thu Phong tròn mắt:

- Ô, vậy là họ mới về à?

- Ừ, mới ra khỏi sân tức thì.

Cô chắc lưỡi tiếc rẻ:

- Uổng quá, biết vậy em về sớm một tí.

Xuân Hồng nhìn em:

- Để làm gì?

- Thì để ngó mặt người ta cho biết.

- Ngó mặt cho biết? Mày cần biết mặt người ta để làm gì?

Thu Phong chưa kịp trả lời thì chị Ba đã nhìn cô từ đầu đến chân rồi dài giọng:

- Khách người ta dân thành phố nho nhã lịch sự. Nếu đang lúc nói chuyện mà mày xộc về với bộ dạng như vầy thì chắc má cũng hỡi ơi luôn quá.

Thu Phong bất giác ngó xuống quần áo mặt mũi mình. Ừ nhỉ, cái quần vốn ngắn không ngắn dài không dài, cái áo kẻ sọc bèo nhèo ghê quá. Cô đưa tay sờ lên đầu. Tóc cô vốn không đều và cháy nắng, hai cái bím hồi sáng chị Xuân Hương thắt cho giờ như hai cái bùi nhùi vì hàng mấy liền tung tăng vẫy vùng dưới hồ. Chà, đúng là cô lem luốt thật!

Giọng Xuân Hồng lại vang lên:

- Thấy chưa, tao đâu có nói sai. Mày ngó tệ thật chứ bộ.

Cô lắc đầu cười ruồi:

- Công nhận trông em thì chắc ghê thật, nhưng mấy người đó coi mắt chị mà. Nếu em có xấu xí thì cũng là tôn cái vẻ dẹp của mấy bà chị hơn thôi chứ bộ. Ăn nhằm gì ai đâu. Hồi nhà chú Chín có ông Việt kiều về coi mắt chị Mùi, em cũng chui rào vô coi lại mặt ổng đó chớ.

Chị cô lừ mắt:

- Chui rào coi trộm chuyện nhà người ta mà còn khoe. Thật không biết sao mày đã lớn mà không tỏ ra nết na gia giáo gì hết.

Rồi chị diễn giải:

- Má không để mày ở nhà cũng phải. Đồng ý là mấy chị em mình nhìn khác nhau một trời một vực, và người coi mắt chủ yếu là chị Hai, nhưng trong nhà mà có người xộc xệ bình dân như vậy cũng không được hay lắm. Nhất là cuộc viếng thăm hôm nay là quan trọng và cần kíp như vậy đối với nhà mình.

Quyết định khơi chuyện để bà chị chàu quạu của mình nói phét giết thì giờ. Thu Phong co một chân lên ghế, tay cô chống cằm.

- Coi mắt thì là quan trọng rồi, nhưng có gì mà chị lại nói là cần kíp?

Xuân Hồng trịnh trọng:

- Thì chuyện coi mắt này mới vừa là quan trọng vừa cần kíp đó.

Thu Phong lỏ mắt:

- Ủa, sao vậy chị Ba? Chị hai mươi mốt, chị Hai cũng chỉ hai mươi ba, ở thành phố thì hình như hai mươi ba cũng đâu có gọi là cần kíp để lấy chồng đâu?

Xuân Hồng nhăn mặt nhìn em, cô định nói gì đó nhưng rồi nghĩ sao lại thôi, chỉ nói đơn giản :

- Mày mà biết gì. Thôi đừng hỏi nhăng nữa.

Thu Phong gãi đầu. Lại vậy nữa rồi. Cứ làm ra vẻ bí bí mật mật mãi. Cô không biết tại sao má và mấy chị từ khi về đây cứ hay túm tụm bàn chuyện với vẻ bí mật như vậy. Cô cũng là thành viên trong gia đình, tuy là thành viên hàng... út chót, nhưng dù sao cũng đủ mười tám tuổi rồi chứ bộ, vậy mà ai cũng giấu kín với cô.

Cô xoay cách hỏi dò:

- Vậy... mai mốt hai chị đi lấy chồng một lượt à? Vậy còn ba má với em ở nhà à?

Xuân Hồng lườm cô:

- Ai ở đâu mà hai chị em cùng lấy? Mày đừng có nói bậy, má nghe được lại chửi cho.

Cô nhăn mặt khỉ nịnh nọt:

- Nếu bậy vậy chị kể em nghe chuyện đúng đi. Nếu chị kể em nghe rồi thì em đâu có nói bậy bạ nữa. Cứ bí mật hoài thì cũng có lúc em nghe lỏm được, đến chừng đó...

Xuân Hồng trợn mắt:

- Đến chừng đó thì sao? Thì lại có lúc nghĩ gì hỏi chõ vào làm tụi tao hết hồn như hồi sáng đó hả? Cho mày biết đối với má, chuyện hôm nay quan trọng lắm chứ không phải chuyện giỡn chơi đâu. Muốn tao nói sơ cho mày nghe cũng được, nhưng mày phải hứa là không được bàn về chuyện này trước mặt má, má không thích đâu.

Thu Phong gật đầu lia lịa:

- Em biết, em biết mà.

Đúng như Thu Phong đoán, chị Xuân Hồng hay lườm nguýt khó chịu, nhưng rất dễ gợi chuyện. Chị bắt đầu nghiêm mặt nói:

- Khách sáng nay đến nhà mình là con trai của một người bạn cũ của ba. Cái anh này vợ chết không lâu, gia cảnh hình như rất khá, ảnh muốn tìm một người để về lo lắng chăm sóc việc nhà cho ảnh.

Thu Phong lè lưỡi thắc mắc:

- Vậy anh ta muốn tuyển một quản gia rồi.

Xuân Hồng quạu mặt:

- Cái tật nói leo bậy bạ không bỏ được hay sao? Muốn tao kể hay lại muốn nói càn?

Thu Phong bụm miệng cười:

- Ừ, em quên. Thôi chị nói tiếp đi.

Xuân Hồng lườm em rồi tiếp:

- Ý anh đó là cần một người vợ lo lắng trong ngoài, và là một người mẹ tốt cho đứa con nhỏ.

- Đứa nhỏ nào?

- Đứa nhỏ con ảnh. Tức là con của người vợ đã chết rồi đó.

Thu Phong gật gù:

- À ra vậy. Lấy chồng có sẵn con. Vậy chắc con anh đó phá phách khó dạy lắm.

Xuân Hồng ngạc nhiên nhìn em:

- Sao mày nói vậy?

- Thì em đoán là vậy, chứ nếu không thì anh ta cũng đâu cần chạy về vùng quê này mà tìm mẹ ghẻ cho con. Chắc là quanh chỗ anh đó ở, ai cũng ngán đứa con của ảnh.

Xuân Hồng hếch mũi:

- Vậy là mày đoán sai bét. Thằng nhỏ đó hiền lắm, hiền đến nỗi cả buổi ở đây mà không nói câu nào, cứ nép vào lưng ba nó mà ngó người này người nọ.

Thu Phong bật cười thú vị:

- Ý ngộ, nó nhát dữ vậy à?

- Ừ, nhát lắm. Thấy nó dễ thương, chị Hai cũng thử hỏi chuyện, nhưng mà nó cứ giấu mặt vô người ba nó không chịu quay ra. Ba nó cũng nói là nó vốn nhút nhát từ nhỏ, không ai nói chuyện với nó được. Mà chắc tại nó ru rú suốt ngày ở nhà nên mày biết không, da của nó trắng ơi là trắng, trắng hơn cả tao và chị Hai nữa.

Da trắng? Một thằng nhỏ nhát hít với da trắng? Khách mới đến trong sáng nay? Thu Phong giật mình ngồi ngay lên, vội vàng hỏi:

- Ủa, chị Ba, thằng nhóc đó tên gì vậy?

Xuân Hồng bật cười:

- Ừ, hơi ngộ là nó lại trùng tên với mày đó.

- Cu Phong? - Thu Phong bật dậy kêu lên - Ý! Là cu Phong?

Xuân Hồng nhìn cô ngạc nhiên:

- Làm gì la làng lên vậy? Nó trùng tên với mày thì đã sao? Tên Phong là tên thường thôi mà. Đàn ông con trai tên đó thiếu gì.

- Nhưng thằng cu Phong đó...

- Thằng cu Phong đó thì sao?

Thu Phong ngơ ngác mất một giây, rồi cô lắc đầu:

- À... Không sao. Không có gì.

Cô lại lập tức lãnh một cái lườm của bà chị:

- Đồ vô duyên.

Thu Phong ngồi trở xuống ghế. Chà, cô không ngờ lại có sự tình cờ đến như vậy, vậy là cô đã vô tình gặp khách của má cô và mấy bà chị ở ngoài hồ sáng nay rồi.

Thằng nhóc Phong, Thu Phong thấy mình đang phấn khích quá. Vậy là cái người đàn ông ba cu Phong là người đến coi mắt chị cô sao? Với cỡ tuổi của anh thì... để xem! Có lẽ xứng với chị Hai cô rồi. Đúng rồi, với chị Hai thì xứng đôi lắm.

Thu Phong chợt nhớ đến câu chào "mát dây" lúc sáng của ba cu Phong mà cười thầm cho mình. Cô đã khai tên ba mình, nên anh ta đã biết ngay. Do đó chào là sẽ gặp cô ở nhà. Trời, cô thì lại ngốc đến nỗi tưởng anh ta đưa con quay lại, nên cứ nán ngoài hồ ngóng chờ, hết tắm táp rồi đến ôm bè chuối ngủ cho đến giờ này. Cô mà về sớm một tí ti là sẽ hội ngộ với nhóc Phong rồi. Uổng thật!

Ngẫm nghĩ được một lúc cô thắc mắc:

- Ủa, vậy rốt cuộc ba của thằng nhỏ đó sẽ lấy chị hay lấy chị Hai?

Xuân Hồng đỏ mặt:

- Gì mà hỏi thẳng độp vậy, người ta chỉ mới gặp qua thôi. Ai mà anh đó muốn chọn ai làm mẹ cho con ảnh.

- Vậy... hôm nay khách của mình chỉ là cha con họ sao chị?

Xuân Hồng gật:

- Có thêm dì Thẩm. Dì Thẩm bà con với anh đó, cũng là bạn hàng trước đây của má mình. Chính dì Thẩm đứng ra mai mối vụ này.

Thu Phong khấp khởi mừng thầm:

- Vậy không chừng chị Hai sẽ làm mẹ đứa nhỏ đó.

Xuân Hồng chắt lưỡi:

- Còn sớm để nói chuyện đó, nhưng cũng mong sao như vậy.

Giọng Xuân Hồng đột nhiên chững chạc hẳn:

- Nếu được như vậy thì chuyện nhà cũng đỡ lo, tao hay chị Hai cũng được, hy vọng là mọi chuyện suông sẻ.

Thu Phong không để ý đến lời chị lắm. Viễn cảnh chị Hai cô sẽ là mẹ của nhóc Phong, và cô sẽ là... dì của nó chiếm hết tâm tri.

Trời, cô sẽ là dì của thằng nhóc dễ thương đó sao? Vậy là tương lai quả thật cô sẽ có đệ tử thụ huấn bơi lội bên bờ hồ rồi.

Cô sẽ có bạn để chơi đùa, có bạn để ca hát. Cu Phong nhát hít, nó sẽ là người bạn tốt nhất, chịu nghe lời cô nhất. Nó sẽ không chê là cô vô duyên, nó sẽ không chê là cô đoảng vị, nó sẽ là người bạn thân nhất, là đứa cháu tuyệt vời nhất mà bỗng không cô có được.

Phải đó, chị Hai tính cũng hiền, chắc chắn không là người dì ghẻ trong chuyện xưa kia đâu. Có chị làm mẹ ghẻ, cu Phong sẽ an toàn, sẽ dễ chịu hơn. Và cô nhất định sẽ giúp chị Hai trong chuyện chăm sóc và vui đùa với nó.

Tiếng bước chân và tiếng nói chuyện vẳng vào từ trước sân khiến chị Hồng nhỏm dậy, chị quay lại suỵt cô:

- Ê, nãy giờ biết chuyện rồi, đừng có bép xép tầm bậy mà bị má la đó.

Còn đang ngập đầy thích thú với những tưởng tượng của ngày mai, cô máy móc gật đầu.

Có tiếng má gọi vang nhà ngoài, Xuân Hồng khều Thu Phong bước ra. Má quay lại lơ đãng nhìn rồi như có chút ngạc nhiên khi thấy cô, má hỏi:

- Đã về rồi à? Sáng giờ con đi đâu?

- Dạ Ở hồ?

- Lại ở hồ? - Má nhíu mày.

Cô vội phân bua:

- Hồi sáng má cho con ra chơi hồ mà.

Má chép miệng:

- Ừ, nhớ rồi. Nhưng con làm gì ngoài ấy cả buổi sáng lận?

Cô gãi ót:

- Con chơi ở đó rồi... ngủ quên.

Tưởng chừng má muốn rầy cô, nhưng không hiểu sao má chỉ chép miệng:

- Thôi, cũng trễ rồi, mấy đứa bưng mâm lên ăn cơm đi.

Khệ nệ cùng chị Xuân Hồng bưng thức ăn thịnh xoạn lên nhà trên, Thu Phong còn nghe má nói với chị Xuân Hương:

- Chiều má với con đi công chuyện. Chắc phải ghé bác Thẩm nhờ dò coi ý tứ người ta ra sao.

Chị Xuân Hương dạ nhỏ.

Đặt mâm cơm xuống bàn, Thu Phong lén nhìn chị Hai. Mặc trên người chiếc áo dài màu hoàng yến rực đỏ, chị ngồi khép nép trên phản, đầu hơi cúi không biết có phải vì e lệ.

Với dáng ngồi nhu mì này, cô thấy chị mình sao giống hình ảnh một bà mẹ kế hiền lành đầy nhân ái mà chuyện cổ tích xưa nay đã quên ghi chép lại.

Mỗi cuộc đời có những ngã rẽ, những đổi thay không ai lường trước được. Và Thu Phong cũng vậy.

Vào một buổi chiều trời màu xám xịt, nhà của cô lại có khách. Khách là một bà đứng tuổi ăn mặc sang trọng có cái nhìn vui vẻ, có giọng nói ồn ào.

Sự có mặt của bà khách làm má có vẻ vui mừng. Má mời bà ngồi ở nhà trên, hối chị Xuân Hương lo trà, rót nước. Sau đó má và bà khách nói chuyện, chị Xuân Hương cũng được ngồi lại gần đó.

Nép bên giàn giữa là chị Xuân Hồng. Chỉ cần nhìn sơ dáng chị, Thu Phong cũng đủ đoán được chị đang bắt chước tật nghe lỏm của cô.

Tuy bên cạnh chị còn chỗ trống, nhưng Thu Phong lại không có hứng thú mon men vào. Tính tò mò của cô đi vắng một bữa, chỉ vì hôm nay cô đang buồn, cô đang... nặng nề tâm sự.

Chê câu chuyện của má và bà khách lạ, cô ra ngoài hè, chống tay lên gối ngồi ngắm trời vần chuyển. Rồi cô thở những hơi thật dài.

Buồn quá! Đã tám hôm rồi, ba không về.

Thường ba chỉ đi vắng năm ba bữa, nên sáng nay cô cứ ngỡ ba nhất định sẽ về, vậy mà ba để cô chờ mãi, chờ mãi cho đến bây giờ.

Đã bắt đầu vào mùa mưa rồi, hai ngày nay cứ chiều là trời đổ mưa, và bây giờ trời cũng đang kéo mưa vần vũ. Cô không ra hồ, chỉ loay hoay trong nhà, trước hiên, đùa với con sáo và ngắm đàn cá tham ăn của ba đớp trái bồ quân và ngóng ra cổng. Nhưng rốt cuộc cái bóng gầy gầy của ba vẫn không thấy đâu.

Nhìn trời chuyển hoài cũng mỏi cổ, cô khoanh hai tay ôm gối rồi tì cằm lên đó nghĩ ngợi lan man.

Không biết sao dạo này ba lại đi hoài như vậy, mỗi lần về, cô lại thấy ba như hốc hác hơn, như buồn phiền hơn. Má mấy ngày nay ít la mắng cô. Vì bận lo lắng chuyện lấy chồng cho chị Xuân Hương, có vẻ má không có thời giờ để mắt quản thúc cô nữa. Chị Xuân Hồng thì thích chuyện trò to nhỏ với chị Hai hơn với cô, nên cô càng cô đơn, càng lẻ loi hơn ở trong nhà mình.

Con sáo nhảy nhót trong lồng như nhắc cô trời sắp mưa rồi, cô nheo mắt lẩm bẩm:

- Chưa mưa đâu mà, mày ráng đợi một chút, trong nhà có khách, tao không đem mày vào đó giờ này được đâu. Chịu khó đợi nhé.

Chim sáo không biết trả lời cô, nó chỉ biết nhảy lính quính và nghiêng mắt e ngại ngắm ngó bầu trời. Nó không lên tiếng nhưng có người khác lên tiếng. Chị Xuân Hương hắng nhẹ giọng phía sau làm Thu Phong giật mình quay lại:

- Ủa, chị Hai.

- Sao em lại ngồi đây một mình? - Chị Hai hỏi.

Cô nhoẻn cười, không trả lời chị mà chỉ lên trời nói bâng quơ:

- Sắp mưa rồi đó chị.

Chị Xuân Hương ngồi xuống bên cạnh, nhìn cô một thoáng rồi gật nhẹ đầu:

- Ừ, sắp mưa rồi.

Im lặng một lúc chị nhẹ nhàng gọi:

- Thu Phong nè.

- Dạ?

Chị nắm tay cô:

- Vào nhà đi, má đang tìm em đó.

Cô níu tay chị ngạc nhiên:

- Vào nhà? Cái dì ở thành phố chưa về mà.

Chị Xuân Hương mỉm cười:

- Ừ, chưa về, nhưng má muốn em vào nhà, dì Thẩm chưa biết em đó.

- Dì Thẩm?

Cái tên đã hơi quen trong những ngày gần đây, Thu Phong theo chị vào nhà, trong bụng lạ lùng vì sao hôm nay mình cũng được má cho trình làng với khách khứa của má?

Cái tên dì Thẩm chợt làm cô nhớ ra. Phải rồi, liên quan đến thằng bạn nhỏ của cô đây mà. Dì Thẩm làm mai dong. Bước qua khung cửa, cô lẩn thẩn không biết có thể nhân lúc ai nấy vui vẻ, dễ dãi mà hỏi cái dì Thẩm đó về thằng nhóc Phong một chút không.

Khi Thu Phong và chị bước vào nhà, bà khách bỗng ngưng câu chuyện quay qua ngó cô chằm chằm. Ngồi bên bàn nước tiếp khách, má nhẹ giọng nói:

- Con chào dì Thẩm đi.

Thu Phong cúi chào người khách. Cặp mắt sáng của bà như đang vẻ kinh ngạc làm cô hơi e dè. Má lại ra dấu:

- Ngồi đi Thu Phong.

Chị Xuân Hương kéo cô ngồi trên phản. Bà khách vẫn chăm chú quan sát cô. Má cô cười gượng:

- Chị Thẩm thấy đó. Nó đúng là đứa út của tôi, dù đã mười tám tuổi thật, nhưng nó còn khờ khạo ngốc nghếch lắm.

Bà khách cứ nhìn thật lâu, săm soi cô một lúc nữa rồi ngẩn ra đáp:

- Tôi cũng không biết tại sao lại như vậy. Nhưng tôi thật tình đã hỏi đi hỏi lại, vì thế tin chắc là mình không lầm lẫn.

Má nhìn cô với vẻ buồn rầu:

- Nhưng chị thấy đó, nó đâu đã trưởng thành, nó khờ khạo và vô ý lắm.

Bà Thẩm quay lại lắc đầu:

- Tôi cũng không biết nói sao. Vì Nguyên nó xưa nay vốn ít nói và nghiêm túc, chị nhờ tôi dò ý nhưng nữa tháng rồi nó cứ lặng lờ không trả lời dứt khoát với tôi. Đến sáng nay thì lại trực tiếp đến nhà tôi và đề nghị như vậy đó. Nó nói rất rõ ràng.

Bà chắt lưỡi:

- Tôi biết tình cảnh của chị, cũng biết hoàn cảnh đơn chiếc, bận bịu của nó nên vì hai bên mà đứng ra gánh chuyện mai dong này, nếu một trong hai bên mà không chịu thì cũng đành thôi, chỉ có điều số tiền mà chị đã...

Má cô bối rối:

- Tôi vẫn nhớ mà chị, ngặt vì con Phong nó còn quá nhỏ, không hiểu sao cậu ấy lại...

Bà Thẩm cười nhẹ:

- Chị đã quên rằng cái thời của tụi mình, mười lăm, mười sáu đã chớm yêu, mười tám, mười chín đã có con đầu lòng sao? Con bé con chị dù gì cũng đã mười tám, nó khờ là tại ru rú dưới quê thôi, chứ lên thành phố ăn mặc đàng hoàng, không cần lam lũ thì sẽ chững chạc, trắng da dài tóc ra mà, biết đâu nó ở nhà lầu lại sang cả ra thì sao.

Câu nói của bà Thẩm như đánh vào yếu điểm của má cô, bà nhìn lại vóc dáng còm nhom của đứa con gái út một lần nữa rồi chợt hỏi :

- Thu Phong nè, nghe má hỏi. Con có biết qua cái tên Vĩnh Nguyên lần nào chưa?

Cô lắc đầu, má hỏi gặng:

- Con thật sự chưa nghe qua cái tên này à?

- Dạ chưa.

Má cô cau mày lẩm bẩm:

- Vậy sao họ lại biết đến con nhỉ?

Cô rụt rè:

- Ai biết con hả má?

Má cô lơ đãng trả lời:

- Là cháu họ của dì Thẩm.

Lại cái tính nhanh nhẩu hại cô:

- Là ba thằng cu Phong hả má?

Lập tức má cô lẫn bà Thẩm đều nhìn về cô ngạc nhiên:

- Sao con biết thằng bé?

Hai cặp mắt người lớn khiến cô hơi khớp, cô ngập ngừng trả lời:

- Con... quen cu Phong mà.

- Con quen? Quen ở đâu? Bao giờ? - Má hỏi.

Cô gãi ót:

- Dạ... Ở ngoài hồ.

- Hồi nào? - Má hỏi nhanh.

- Dạ cái bữa mà nhà mình có khách đến coi mắt chị Hai đó.

Má nhìn bà khách, bà ta cũng ngạc nhiên:

- Ngoài hồ nào?

Má lắc đầu như không biết, cô giải thích:

- Là hồ Thanh Vân của con.

Bà Thẩm vội nói:

- Nhưng... vô lý! Người ta làm sao gặp cháu được?

Không thích cách nói của bà, Thu Phong lắc đầu:

- Con không biết. Con chơi ở hồ. Tại cu Phong với ba nó đi ngang qua, chắc thấy hồ Thanh Vân của con đẹp nên ghé lại ngắm cảnh thôi.

- Rồi sao nữa? - Bà Thẩm lại hỏi dồn.

Cô nhát gừng:

- Đâu có gì nữa.

Má nhăn mặt rầy:

- Dì Thẩm hỏi con đàng hoàng mà, con nói rõ ràng đi chứ.

Cô miễn cưỡng:

- Thì con với thằng Phong bắt tay kết bạn chơi, có ba nó làm chứng mà. Một hồi, hình như nghe nói xe sửa xong nên ba nó ẵm nó ra lộ đi tiếp, còn con hẹn bữa nào ẵm nó về đây chơi nữa.

Bà Thẩm kêu lên:

- Sửa xe à? Vậy là lúc xe hư? Lúc đó tôi...

Bà quay nhìn má:

- Lúc đó tôi ở ngoài xe. Phải rồi, xe hư trên lộ cách đây khoảng hai cây số, nên hôm đó đến nhà chị trễ.

Má cô và bà Thẩm nhìn nhau ngỡ ngàng, rồi má thì thở dài, còn bà Thẩm thì lắc đầu, bà nói:

- Vậy cũng chả trách sao nó khai tên họ con nhỏ ra rành mạnh như vậy. Đến tôi cũng không biết chị có đến ba đứa con. Chị có nhớ hôm đó nó cứ hỏi cặn kẽ về tất cả mấy đứa con nhà chị không? Thì ra trong đầu nó đã có chủ đích.

Má thở dài:

- Bây giờ làm sao bây giờ?

Bà Thẩm lại nhìn cô rồi gượng gạo lắc đầu:

- Tùy chị đó, tôi cũng không tiện cho ý kiến nhiều. Nhưng tôi cũng xin nói thành thật rằng Vĩnh Nguyên là một đứa tuy có chút khó tánh, nhưng nó cũng không phải là thằng cục súc, tệ hại.

Liếc nhìn gương mặt bần thần của má Thu Phong, bà Thẩm thở ra rồi đứng dậy:

- Tôi về đây, không thôi trời lại mưa trắng đường. Chị cứ suy tính. Tôi nghĩ để sau vài ngày trả lời Vĩnh Nguyên cũng được. Có gì chị cứ tìm tôi.

Má cô đứng lên tiễn khách với lời cám ơn máy móc. Bà Thẩm đi khuất cổng rào, má mới quay vào.

Thu Phong vẫn ngồi trên phản, cô nhìn qua chị Hai nhưng chưa kịp hỏi gì thì mưa đã lất phất ngoài cửa sổ. Cô bật cười. Thấy ánh mắt ngạc nhiên và tò mò của chị Hai, cô giải thích:

- Cái dì Thẩm đó bị mắc mưa rồi.

Má trở vào, nghe câu nói của cô, lại nhìn chị Xuân Hương lắc đầu. Không trở về ghế bên bàn nước, má ngồi ghé bên phản rồi nhìn cô với cái nhìn chán nản và buồn rầu.

Hơi rùng mình trước cái nhìn của má, cô tụt xuống phản và nói nhanh:

- Để con xuống bếp lấy...

Má giữ lấy tay cô:

- Không cần lấy. Con ngồi đây với má, má có chuyện muốn nói với con.

Chị Xuân Hương định lánh đi, má cản lại:

- Con cứ ngồi đó Xuân Hương.

Và má nhìn vào màn ngoắc chị Xuân Hồng:

- Con cũng ra đây, nhà mình có lẽ không còn gì để giấu giếm mấy đứa. Nếu đứa nào cũng nghe và hiểu tình hình thì... cũng tốt.

Chị Xuân Hồng rón rén khoát màn đi ra, má cũng chỉ tay cho chị ngồi trên phản. Cái phản rộng bây giờ chỉ bốn má con ngồi quay quần vòng tròn. Ai cũng như trầm lắng khác lạ.

Rụt rè co hai chân và thu người lại, Thu Phong không biết có thể viện lý do nào để né cái cuộc họp gia đình độc nhất vô nhị này. Cô nửa tò mò muốn nghe má nói chuyện gì với mình, nhưng nửa lại e ngại vì cái vẻ nghiêm trọng của má và mấy chị.

Trước đây thấy ai cũng bí mật, có hơi chút ức lòng, nhưng bây giờ, khi cái bí mật nào đó sắp hé ra trước cô thì cô lại e dè, ngần ngại khi đón nhận.

Xưa nay chỉ thích vui đùa, và ba vẫn giành hết những lo toan vướng mắc trong cuộc sống để cô thoải mái vô tư, cảnh nghiêm túc chững chạc, ai nấy cứng ngắc mặt mày như vầy làm cô... ớn quá. Nhưng, làm sao trốn được đây?

Má vẫn chưa nói gì vội, cứ nhìn qua song cửa ngắm lớp bụi mưa mờ mờ bên ngoài như tính toán gì đó rồi nhè nhẹ lắc đầu.

Thu Phong ráng ngồi yên, cô muốn nhịp chân như có tật mỗi lúc ngồi không, nhưng lại sợ má cạnh bên lại la rầy nên đành nén nhịn trong sự bồn chồn.

Bẵng đi một lúc, cuối cùng má thở dài nhìn lại cô:

- Má không làm khác được. Đành phải nói cho con biết thôi, Thu Phong. Chắc là ba khi biết được sẽ giận, nhưng... má không còn cách nào khác.

Chị Xuân Hương nãy giờ ngồi im lặng bỗng lên tiếng:

- Hay má để con nói cho em nó nghe.

Má nhìn chị một giây rồi gật đầu:

- Cũng được. Con giải thích từ từ để nó hiểu. Má không muốn nó bị sốc, không suy nghĩ và quyết định được gì.

Được nhường quyền, đến phiên chị Hai làm chủ tọa, chị hắng giọng rồi bắt đầu nhỏ nhẹ nói:

- Em cũng biết rồi đó. Ba má mình sống tách ra đã hơn mười năm naỵ Ba đem em về quê, còn mấy chị thì theo má ở lại Biên Hòa. Tuy chị em mình mỗi năm chỉ gặp nhau một lần vào dịp hè, nhưng chị nghĩ vì mình vốn cùng một cha một mẹ sinh ra nên tình cảm vẫn đậm đà, đầm ấm như mọi gia đình hoàn hảo khác vậy.

Chà, chị rào đón hơi kỹ, nhưng Thu Phong cũng công nhận dù chưa hiểu chị muốn nói gì, cô vẫn thấy chút mũi lòng với câu nói trôi chảy đều đều của chị.

- Chắc em cũng ngạc nhiên vì hơn hai tháng nay, má và các chị lại bỏ căn nhà, căn tiệm ở Biên Hòa về đây sống với ba với em, chắc em cũng thấy ngạc nhiên vì tuần trước nhà mình lo lắng tiếp khách, những người khách thành phố mà em cho rằng đến để coi mắt chị. Và cả nhà đã quan trọng mong ngóng đến thế này về chuyện này. Em thắc mắc nhưng chưa dám hỏi ai, có phải không?

Vẫn chưa hiểu gì, nhưng Thu Phong cũng gật nhẹ đầu. Không phải cô chưa dám hỏi ai. Cô có hỏi chứ, nhưng ai cũng không nói, cứ bảo cô còn nhỏ nhiều chuyện rồi đuổi cô đi chỗ khác chơi.

- Tất cả những thay đổi khác thường đó là vì...

Chị Xuân Hương bỗng liếc nhìn má:

- Là vì... có một sự cố sảy ra trong gia đình mình. Đó là... cách đây vài năm, má chuyển qua làm chủ hụi. Công việc lúc đầu thuận lợi lắm. Nhưng khoảng nửa năm nay thì mình bị người ta dựt hụi bỏ trốn, má đã ráng chèo chống đắp đầu này xoay đầu kia nhưng vô dụng.

Chị cũng thở dài:

- Căn nhà gần chợ mà mấy chị và má sống đã bị tòa án niêm phong.

- Niêm phong? Tòa án? - Thu Phong giật mình.

Chị Xuân Hương gật:

- Xe cộ vật dụng nữa, tất cả cũng bị giữ lại. Má nợ tiền người ta, nên có người đã đưa đơn thưa kiện. Nếu ba không thế chấp giấy tờ căn nhà này và mấy mẩu vườn ruộng cho ngân hàng tính để lấy số tiền bảo lãnh tại ngoại thì má còn bị giữ trên tỉnh để chờ ra tòa.

Thu Phong bàng hoàng quay qua má, rồi lại nhìn chị hai. Thì ra đây là bí mật của nhà cô.

Giọng chị Xuân Hương lại càng dè chừng hơn:

- Dì Thẩm cũng là một trong những người má nợ tiền, dì không kiện má mà còn giúp má bằng cách thuyết phục người cháu trai của dì, một người vừa chết vợ đến đây để chọn một trong hai chị làm vợ.

Cái vụ này lại càng kì quái khó hiểu, Thu Phong bật hỏi ngay:

- Nhà mình mắc nợ người ta mà, nhưng sao má lại muốn con cái lấy chồng lúc này?

Chị Xuân Hương liếc nhìn má:

- Bởi vì... bởi vì cái người cháu họ dì Thẩm khá giả lắm. Anh ta cũng có quen biết ơn nghĩa chút đỉnh với nhà mình xưa kia, anh ta có thể...

Bỗng nhiên má bật khóc. Thu Phong trố mắt nhìn mấy chị rồi nhìn má. Cô chưa từng thấy má khóc. Hình ảnh quen thuộc nhất của má đối với cô là những lần má trợn mắt, la mắng, rầy rà. Chỉ có vậy thôi. Những lần ngọt ngào như hôm nay là hiếm hoi thì làm gì có chuyện cho cô thấy má khóc.

Vậy là lần này quả thật nghiêm trọng lắm, tuy bất ngờ nhưng Thu Phong cũng cảm thấy lòng buồn quá khi nghe tiếng nức nở của má. Mấy chị thì ngồi im và cũng rươm rướm nước mắt. Cô đành lọng cọng vịn cánh tay má:

- Đừng khóc nữa má. Chắc... ba sẽ lo cho má mà. Mình ráng kiếm tiền trả nợ cho người ta thì không sao rồi.

Chị Xuân Hương lắc đầu:

- Đã tính rồi, mình có ráng làm cũng không trả nợ kịp. Phát mãi căn nhà trên Biên Hòa có thể đủ. Nhưng còn tiền án phí, còn tiền lời ngân hàng mà ba mượn khi thế chấp để bảo lãnh má, còn tiền luật sư.... Đợi đến khi xét xử, thì chắc phải bán hết cái nhà này và mấy mẫu vườn, may ra....

- Bán nhà này? Bán vườn? - Cô kêu lên kinh hoàng.

Bán hết ruộng vườn này sao? Đầy là đất nội để lại cho ba. Xưa kia ba đã để căn nhà trên thành phố cho má và mấy chị ở, dẫn cô về vùng quê hẻo lánh này sống rồi mà? Ruộng vườn ông bà để lại có thể ngày hai bữa nuôi sống con người, nhưng nếu bán đi thì có được bao nhiêu đâu đối với người thành phố, đối với án tòa thành phố?

- Không được đâu. Sao lại phải bán đất của nội?

Chị Xuân Hương nói ngay:

- Má cũng không muốn vậy, cho nên để cứu vãn tình thế này, má mới đành để người ta đến đây coi mắt mấy chị. Nếu họ đồng ý, mình có thể nhờ dì Thẩm nói giùm, để người ta giúp mình cho mượn đỡ một số tiền để trả nợ. Chỉ cần trả nợ cho người ta, năn nỉ người ta bãi nại, thì nhà mình sẽ ráng về làm để trả lại. Nếu một trong mấy chị em mình là vợ người ta rồi thì có lẽ người ta cũng không đến nỗi khoanh tay đứng nhìn đâu.

Thu Phong chau mày hiểu ra:

- Thì ra ba cu Phong.... Anh ta có thể giúp nhà mình được.

- Đúng rồi.

- Nhưng.... Nếu đã có cách rồi, thì sao má lại khóc? Cái anh đó không chịu chọn à? Ảnh không thích ai à?

Chị Xuân Hương lắc đầu:

- Không phải. Đã chọn được rồi, anh ta nhờ dì Thẩm đến hôm nay là để ngỏ lời với nhà mình.

Liếc nhìn Thu Phong, chị Xuân Hương chép miệng:

- Chị với Xuân Hồng cũng muốn giúp gia đình mình lắm. Nhưng không ngờ...

Chị nhìn cô với ánh mắt kỳ lạ làm cô thấy bồn chồn không yên. Một nỗi sợ hãi mơ hồ nào đó làm cô muốn ngăn chị đừng nói, nhưng không kịp. Xuân Hương đã buông giọng:

- Không ngờ người mà anh ta chọn không phải là các chị, mà là em.

Điếng hồn, Thu Phong lắp bắp:

- Em cái gì? Cái gì là em?

- Là chọn em để lấy làm vợ! - Chị nói rõ ràng.

- Lấy...lấy làm vợ? - Cô kêu lên kinh hoàng - Sao lại...kỳ cục vậy? Không phải đâu, không phải như vậy chứ.

- Đúng là như vậy đấy Thu Phong. Nghe tin này ngay cả má cũng ngạc nhiên. Dì Thẩm chưa biết em. Được anh ta đưa một mảnh giấy rõ ràng ghi tên họ em và cả số tuổi mười tám, anh ta khẳng định em là con gái thứ ba của má nữa. Mọi chuyện rõ ràng như vậy đó, không có chuyện nhầm lẫn đâu.

Thu Phong ngơ ngác lảm nhảm:

- Chắc... anh đó giỡn cho vui, chắc bữa đó đó em cự cãi làm ảnh ghét nên ảnh... chọc quê em chơi thôi mà.

Chị Xuân Hương lắc đầu:

- Mọi người ai cũng không hiểu sao lại như vậy, nhưng chị nghĩ, có thể anh ta đã gặp qua em, thấy em có nhiều tính tốt phù hợp với ảnh nên...

Thu Phong bật lùi sát vách la lớn:

- Nhưng cái anh đó tới để coi mắt mấy chị mà. Là mấy chị chứ đâu phải em. Mấy chị đẹp, mấy chị dễ thương, mấy chị cũng là dân thành thị giống anh đó. Em đen thui, ốm nhom, xấu hoắc, quê trấc. Chị Ba nói em vô duyên. Má nói em nghịch ngợm, em ham chơi, em liếng khỉ, em nhiều chuyện, có tính tốt gì đâu.

- Nhưng quả thật anh ta đã chọn em.

- Nhưng em đâu thèm anh ta chọn. - Cô kêu lên.

Má đã ngưng khóc, bây giờ lại cầm tay cô nghẹn ngào:

- Má xin con, Thu Phong! Con cũng là con ruột của má mà. Dù mười mấy năm nay má không ở gần con, nhưng lúc nào má cũng nhớ mình có một đứa con út vô tư, khờ khạo. Má vẫn muốn con được vui chơi, vô tư như vậy mãi, nhưng bây giờ....

Má lại khóc nức nở:

- Bây giờ nhà mình lâm vào cảnh ngặt nghèo lắm rồi, con giúp má lấy một lần. Nếu không, má phải vào tù, hai căn nhà phải cầm cố hoặc bán để bán tháo. Mấy chị sẽ lang thang tứ xứ, gia đình mình sẽ không còn gì hết con ơi!

Tiếng khóc của má làm Thu Phong bấn loạn.

Trời ơi! Cô phải làm sao đây? Tự nhiên cô muốn có ba lúc này. Ba là người cô tin tưởng và thương yêu nhất, nếu có mặt, chắc chắn ba sẽ nói cho cô biết mình phải làm gì.

Ba ơi, sao ba không chịu về? Con phải làm gì bây giờ? Con phải giúp má hay cứ bàng quan vô tư như trước nay? Con sợ cái nhìn chờ đợi, nài nỉ của má. Dù mỗi năm chỉ gặp một lần, nhưng má vẫn là má ruột của con. Nếu con giúp má, ưng ba thằng nhóc Phong, thì có gì đáng sợ xảy đến cho con không? Họ đem con lên thành phố, một mình con sẽ ra sao?

Thu Phong càng hoang mang, sợ hãi thì những người thân quanh cô càng thuyết phục, những lời của họ cứ lùng bùng, lùng bùng qua tai cô.

Xuân Hồng cũng lên tiếng:

- Mày phải ráng giúp má, Thu Phong! Mày có biết ở Biên Hòa, chị Hai đã có người yêu, nhưng vì chuyện này cũng phải ra mặt để người ta coi mắt. Ba má mình mới là người thân nhất trên đời, lúc này mà không cố gắng thì sao gọi là hiếu thảo.

Thu Phong mắt đã bắt đầu đỏ hoe nhìn mọi người. Ngay cả bà chị càu cạu suốt ngày như Xuân Hồng cũng nói đến hiếu thảo, vậy còn cô? Cô có đành lòng nhìn thấy ba mình phải bán căn nhà ba gian cũ kỹ của nội, bán mấy miếng vườn mà phiêu bạt nơi khác không?

Nhưng nếu nhận lời lấy chồng để giúp má, thì....Trời ơi, cô đã biết gì về chuyện chồng con đâu? Ba thằng cu Phong, dù chỉ gặp một lần, nhưng cô có thể hiểu anh ta là người khó chịu. Cô phải ở chung nhà với một người khó chịu như vậy sao? Một mình cô làm sao sống được ở nhà người lạ? Một mình cô làm sao đảm đương mọi chuyện mà không có ba bên cạnh chỉ bảo ngọn ngành?

Rối trí quá không biết làm sao để trốn lánh cái bí mật chán chường của má, cái sự thật là trách nhiệm làm đứa con hiếu thảo đang đè nặng lên mình, cô bưng tai bật khóc.

Tiếng khóc của cô không nghẹn ngào nức nở như má, cô khóc hu hu, khóc ồn ào như một đứa con nít bị giật mất đồ chơi, bị nhét vào tay quyển sách ngoại ngữ lạ hoắc, và bị bắt phải đọc to lên.

Má nhìn cô rồi cứ chép miệng đau khổ. Hai bà chị cũng nhìn nhau và lắc đầu.

Ngoài trời mưa đã nặng hạt hơn. Thu Phong khóc to cũng không át được tiếng mưa, tiếng sét ầm ĩ.

Mái nhà này tuy cũ, nhưng cô cùng ba đã sống hơn mười năm nay, ngày mai phải rời xa nó, cô đâu biết mình có sông được không, hay lại phải khóc thét một mình trong cái tiếng sấm chớp của giông bão bên ngoài.

Giúp má, cô phải lấy chồng, một ông chồng thành thị lạ hoắc. Mười tám tuổi thôi, nhưng cô sẽ có một thằng nhỏ ba bốn tuổi gọi là má. Cô rùng mình, nước mắt càng thêm rơi.

Cô chỉ muốn làm bạn nó, chị nó, hoặc quá lắm là dì nó thôi, chứ còn làm má người ta...Trời ơi, làm sao cô làm được.

Ôi, Ba ơi! Ba ơi!

Thu Phong ngồi thừ trên giường, má cạnh bên tỉ tê:

- Vì con sinh vào gần cuối năm, nên còn hơn hai tháng nữa con mới đủ mười tám tuổi, mới làm đám cưới được. Cậu Nguyên thì bận bịu công việc, muốn con về nhà cậu ấy sớm để giúp cậu ấy lo cho thằng bé.

Thấy cô im lặng nghe không nói gì, má nói tiếp:

- Mai người ta đến đây đặt sơ cái lễ hỏi, đưa con lên thành phố, làm quen với trên đó, đợi đủ tuổi mới làm lễ cưới, con chịu không?

Cô đáp ơ hờ:

- Con không biết, sao cũng được má à.

Má gật đầu:

- Con cứ nghĩ đi, mọi việc má và mấy chị lo cho. Quần áo của con hôm qua má đã lục coi, không có cái nào lành lặn và coi được hết. Để má kêu chị Hai con chạy lên Biên Hòa mua vài bộ cho con mặc ngày mai và để đem theo. Rồi má sẽ kêu chị Ba con....

Cửa phòng có bóng người án ngữ che khuất ánh sáng bên ngoài khiến cả Thu Phong lẫn má đều ngước nhìn ra.

- Ba! - Cô kêu lên kinh ngạc.

Ba cô đã về. Thu Phong mừng rỡ bỏ chân định tụt xuống giường. Ba khoát tay:

- Ngồi đó đi.

Rồi ông quay qua má. Má cô có vẻ lúng túng dưới cái nhìn đó, bà ngập ngừng như không biết phải nói gì. Nhưng ông chỉ nhìn bà một phút rồi thở hắt ra quay đi:

- Bà có thể tạm ra ngoài được không? Tôi có chuyện cần nói với con.

Má nhìn ông, rồi lại nhìn Thu Phong với một chút ngần ngừ. Cuối cùng, má miễn cưỡng nói:

- Cũng...được....người ta chuẩn bị trước sau rồi. Mai này con anh Năm Hoa xuống bỏ cọc...

Ba nhăn mặt:

- Tôi biết rồi. Tôi đã biết cách đây ba ngày cả cái miệt này, ai mà không đồn đãi chuyện bà giỏi giang. Chỉ trong vòng một vài tuần đã gả bán con út của mình.

Má trợn mắt cãi:

- Ông... chứ ông muốn tôi phải làm sao? Tôi đâu có muốn gả con sớm, nhất là đứa con cưng của ông. Bộ tôi không buồn lòng à? Thu Phong nó cũng là con tôi vậy?

Mắt ba hằn tia giận dữ:

- Phải, nhưng nó đâu chỉ là con bà? Nó cũng là con tôi. Sao bà gả bán nó mà không hề hỏi qua tôi? Tôi là ba ruột của nó, nuôi nó suốt mười mấy năm trời mà? Nếu tôi không về kịp, nếu tôi không biết, thì có phải mai này bà đưa nó đi mất tăm mất dấu rồi không?

Má la lên:

- Tôi đâu muốn gả nó đâu. Tôi biết ông cưng nó nhất, lo lắng cho nó nhất. Mười mấy năm bỏ nhau, bây giờ tôi hoạn nạn, ông nghĩ tình chồng vợ cũ, đem giấy tờ ruộng vườn thế chấp lo cho tôi, tôi cũng biết ơn mà. Ngặt nỗi người ta chọn nó, tôi biết phải làm sao đây.

Ba định nói gì nhưng má cao giọng át đi:

- Mà con rể ông cũng đâu có xa lạ gì, nó là con trai anh Năm Hoa mà, ngày xưa ông giúp đỡ ba nó hết lòng như vậy, thì chẳng lẽ bây giờ chấp nhận cưới con ông về rồi, nó lại lấy oán trả ơn, đối xử tàn tệ với con gái ông?

Ba quắc mắt:

- Nhưng ít nhất bà cũng đợi tôi về, cũng để nó có tự quyết định có đồng ý thuận tình hay không, bao nhiêu năm bà không hề dòm ngó, quan tâm đến nó, bây giờ có chuyện lại lôi nó ra gả bán là sao?

Má hất mặt:

- Tôi không ép nó, chỉ là nó nghe tôi nói thật tình mới chịu chấp nhận để cứu tôi thôi. Con cứu mẹ ruột thì có gì là sai trái đâu. Nhất là nó cũng đã mười tám tuổi, nó chịu vậy mà. Vả lại biết đâu ở thành phố, nó có điều kiện tốt, sẽ sang trọng, lịch sự hơn là tiếp tục lam lũ ỡ cái xó này.

Ba nhìn má với một vẻ tức giận cố kiềm nén. Ông bảo Thu Phong:

- Con đi với ba ra đây.

Cô lập tức phóng xuống giường. Má định nói gì đó như để ngăn lại, nhưng không hiểu sao lại thôi.

Theo ba ra ngoài hiên, ông đứng dưới lồng con sáo, nhìn nhó nhảy nhót hót chào một thoáng rồi thở dài quay lại bảo cô:

- Ba muốn nói chuyện với con. Con nghĩ ở đâu yên tĩnh?

Cô đưa ngay ý kiến:

- Ra hồ đi ba, ngoài đó yên tĩnh lắm.

Ba gật đầu:

- Ừ, ra hồ.

Con đường ra hồ hôm nay như dài hơn, vì ba đi chậm rãi, lưng như còng xuống, dáng trĩu nặng nghĩ ngợi. Thu Phong đi bên cạnh bạ Cô không dám lên tiếng chỉ trỏ nhí nhảnh như trước mà cũng bước chậm để vẩn vơ nhìn ngó kỹ con đường tắt đang đi quạ Vì biết đâu đây là lân cuối cùng cô còn đi trên lối đi quen thuộc này.

Đây là cái giếng của bà Năm, cái giếng cũ rồi nhưng mới có cái máy bơm hiện đại nằm cạnh làm bạn. Kìa là vườn nhà chú Chín, cái lỗ chó này đã bao lần cô chui vào để hái trộm, cái hàng rào này đã bao nhiêu lần cô bị xước trầy da.

Còn đôi mắt đen đang gườm gườm nhìn cô sau hàng rào kia nữa. Đừng khục khục hăm dọa nữ Mực, tao chào tạm biệt mày đó. Không có tao thì cũng có đứa nhóc muốn vào vườn chủ mày hái trộm, mày có lẽ suốt đời phải khổ nhọc vì canh chừng vườn cho chủ thôi.

Hồ Thanh Vân đã thấp thoáng nơi xa, dưới ánh nắng chiều, hồ có vẻ óng ả lạ thường.

Thu Phong lẩn thẩn nghĩ. Không biết khi cô đi rồi, ai sẽ là chủ nhân kế tiếp của nó. Người ta sẽ đặt cho nó cái tên gì? Có hay bằng cái tên Thanh Vân của cô không? Chắc chắn ngoài cô ra, không ai biết nó có một cái tên mỹ miều như thế.

Ba ngừng bên hồ, cô ngồi xuống một bục đá cạnh chân ba, mắt nhìn cái bè chuối đã mềm mục dưới chân dốc đá.

Ba đưa mắt nhìn quang cảnh một lúc, rồi cũng tìm chỗ cao ráo ngồi xuống. Ông nhìn con gái nhưng ngập ngừng chưa kịp nói gì thì cô lại là người lên tiếng trước với giọng nũng nịu:

- Lần này ba đi lâu quá. Có hơn mười ngày rồi.

Ông cười gượng:

- Con nhớ ba lắm à?

Cô gật:

- Ngày nào con cũng ngóng bà về, con biết ba không có đem áo mưa, cứ sợ ba bị mắc mưa, lại cảm lạnh như cái lần cách đây mấy tháng. Cũng may mà chiều nay không mưa.

Ông nhìn cô:

- Ba về trễ hơn là tại vì...

Hơi ngập ngừng, ông im lặng một chút rồi nói:

- Là vì ba phải trở lên Sài Gòn tìm gặp cho được Vĩnh Nguyên.

Thu Phong nhổm dậy kinh ngạc:

- Vĩnh Nguyên? Anh ta là...

Ba gật:

- Ba biết. Má con định gả con cho nó.

Cô ngạc nhiên:

- Nhưng ba mới về mà, sao ba biết hết hả ba?

Ba thở dài:

- Ba hôm trước, ba có về, ba gặp chú Chín ở đầu xã, chuyện má con có khách thành phố đến hỏi cưới con, cái xã này hình như ai ai cũng đã biết. Má con gây nợ trên Biên Hòa nhiều lắm, tin tức này bả chủ động loa ra để người ta khoan đòi gắt.

Giọng cô chùng xuống:

- Khi con nhận lời với má rồi, má bàn với dì Thẩm kia sao đó mà làm nhanh quá, má nói mai họ tới. Con cứ sợ ba không về kịp, thì mai này con đi sẽ không từ biệt được với ba.

Vươn tay đặt lên đầu cô, ông thở dài:

- Tội nghiệp đứa con gái bé nhỏ của ba.

Mắt cô rơm rớm:

- Vậy ba đã biết mấy ngày trước hả ba?

Mắt ông nhìn ra xa xăm:

- Ừ, nhưng ba không vào nhà, mà quyết định lên Sài Gòn. Vì Vĩnh Nguyên là con của người bạn thân của ba, nên ba muốn đến gặp nó để tìm hiểu cho rõ.

- Và ba đã gặp anh tả - Cô hồi hộp hỏi, lòng hy vọng có ba gỡ rối cho mình.

Ông gật đầu:

- Ba gặp rồi, cũng đã nói chuyện cặn kẽ rồi.

Cô vội hỏi:

- Vậy...con có cần lấy chồng nữa không ba?

Ba ngạc nhiên quay lại nhìn cô. Rồi ông chợt vuốt tóc cô cười:

- Con thật còn khờ khạo mặc dù đã mười tám tuổi rồi còn gì.

Rồi ông lắc đầu tự trách:

- Có lẽ là lỗi của ba, cứ cho con chơi đùa tự do như một đứa con nít, con trẻ con hơn mấy chị quá nhiều. Đúng là con cần có một người khác quan tâm, chăm sóc, chứ ba thì cứ để con lớn theo tự nhiên mà không dạy kỹ con được mọi chuyện.

Thu Phong níu lấy tay ba:

- Con không thích như mấy chị đâu. Sống với ba vui hơn, thoải mái hơn nhiều. Ba dạy con tốt lắm mà, bằng chứng là con đi học cứ được thầy cô khen đó thôi.

- Nhưng với kiểu dạy của ba, con không lớn kịp với xã hội bên ngoài, con không có cách suy nghĩ nhạy bén để thích ứng với thời đại, xã hội bây giờ.

Cô lắc đầu quầy quậy:

- Con không cần. Con không cần cái xã hội bên ngoài gì đó. Vùng này quê mùa, không bằng Biên Hòa, nhưng con thích ở đây, con không cần phải đi đâu để thích ứng với cái xã hội kiểu thành thị đó.

Ba vỗ nhẹ đầu cô mà cười:

- Nhưng sự thật thì con cũng phải đi và phải tập thích ứng, không phải Biên Hòa đâu mà là một thành phố lớn hơn, phức tạp hơn nữa. Đó là Sài Gòn.

Cô trố mắt:

- Sài Gòn? Nhưng ở đây sống thoải mái quá rồi, ba tính bỏ lên Sài Gòn sống sao?

Ba nhìn cô mất một lúc rồi lọng cọng vuốt mái tóc khét nắng của cô mà nói:

- Không phải ba đi mà chỉ có con đi thôi. Ba biết con sống ở đây vui vẻ và thoải mái. Nhưng rốt cuộc con gái lớn lên cũng phải lấy chồng chứ, phải không con?

Giọng ông như khàn lại:

- Con sẽ học cách sống trên đó. Dù bước đầu xa lạ với mọi thứ, nhưng ba tin rằng rồi con gái ba lành tính, dễ thương, người ta sẽ dễ dàng yêu quí con thôi. rồi thỉnh thoảng, con cũng có thể về lại quê chơi và thăm ba mà.

Cô sững người nhìn ba:

- Vậy ý của ba cũng là...

Ông nở nụ cười gượng gạo:

- Ừ, cho dù không đồng ý với cách gả con gấp rút nhằm mượn nợ xoay sở của má con, nhưng...ba gặp qua Vĩnh Nguyên rồi, nó là một đứa tốt tính, gả con cho nó, ba cũng yên tâm.

Cô bàng hoàng hỏi gặng lần nữa:

- Ba thật muốn con lấy chồng bây giờ hả ba? Ba thật muốn con lấy anh đó? Thật sự muốn con xa ba lên sống ở Sài Gòn?

Ông nhìn cô với đôi mắt đục buồn rồi gật đầu:

- Ừ, đừng buồn ba nhé con. Ba nghĩ lấy Vĩnh Nguyên, cũng sẽ tốt cho con.

Thu Phong mím môi im lặng. Tốt gì đâu. Cô chỉ cần ở nhà, chỉ cần sống như cũ với ba mới là tốt nhất. Nhưng biết nói gì bây giờ, khi gia đình cô đang gặp chuyện, má nài nỉ, còn ba cũng đã khuyên cô nên ra đi.

Vậy là ba cũng bó tay, vậy là chỉ còn một cách duy nhất, một con đường duy nhất để cô nhận trách nhiệm với gia đình mình.

Cô thở dài, những lúc gần đây, cô bắt đầu hay thở dài. Những tiếng thở dài đầy ứ buồn phiền, u uẩn. Thứ buồn phiền này xưa nay cô không hề có, không hề để nó trĩu nặng tâm tư mình.

Mười tám tuổi, xưa nay mọi việc lớn nhỏ thường đều được ba quyết định hoặc chỉ vẽ. Đây là lần đầu tiên cô phải quyết định một chuyện liên quan đến vận mệnh gia đình, cũng là quyết định thay đổi cả cuộc sống êm đềm của cô.

- Con sẽ nghe lời ba - Cô nói nhỏ nhẻ mà nghe như giọng của ai từ xa vọng lại.

Ba cô vuốt tóc cô rồi quay đi như cố nén buồn đau. Còn Thu Phong cũng lơ ngơ nhìn mặt hồ đang sẫm màu trước mặt.

Còn nhớ có lần nhà chú Chín gả con, cô háo hức chạy với lũ con nít xem mặt chú rể Việt Kiều trời nóng nực mà diện cái áo vest trắng tinh với cà vạt đỏ.

Đám cưới ấy có đến mười tám mâm quả, đám thanh niên vác mâm quả đi thành hàng mồ hôi mồ kê nhễ nhại, mấy cô gái thành thị mang giày gót nhọn đi đứng túm tụm lọng ngọng với con đường đất lổn ngổn dẫn vào xóm như một đám rước rất vui.

Cô đã chạy về kể cho ba nghe tất cả, kể cả cảnh lén nhìn trộm chị Mùi thút thít khóc trong phòng cô dâu và từ đó thắc mắc hỏi ba lý do chị khóc. Lần đó ba cười giải thích với cô rằng chị khóc vì nỗi hoang mang, nỗi e sợ khi phải rời xa quê nhà để lấy chồng xứ lạ.

Thấy cô như chưa hiểu ra, ba cô đem một câu ca dao, một bài thơ ra đọc cho cô nghe. Câu ca dao thì cô quen thuộc, còn bài thơ lạ tai, nhưng cô nghe rất thích.

Bây giờ cô cũng như chị Mùi, cũng khăn gói để lấy chồng xứ lạ. Cô không biết mình có nước mắt để khóc không khi chính cô ưng thuận, chính má thuyết phục, và chính ba cũng đồng ý. Còn khóc gì nữa chứ, vì nếu không phải là cô, chị Hai hoặc chị Ba cũng phải lãnh trọng trách này.

Làm đứa con hiếu thảo xưa nay cô cứ ngỡ là dễ, nhưng bây giờ biết ra nó cũng khó đến không ngờ.

Nhìn thấy mái tóc bạc của ba lủ rủ trong gió và dáng ngồi trầm tư buồn bã của ông, cô cố gượng quên đi những hoang mang u ám trong đầu, mà hắng nhẹ giọng gọi:

- Ba ơi!

Ba ngẩng lên:

- Gì hả con?

Thu Phong nhoẻn cười mà nước mắt muốn rưng rưng vì tia buồn trong mắt ba:

- Con không biết bây giờ nói chuyện hát xướng thơ ca có kỳ không, nhưng....con muốn ba dạy cho con thuộc một bài thơ.

- Bài thơ - Ba nhíu mày.

- Bài thơ mà hồi đám cưới chị Mùi, ba đã đọc cho con nghe đó. Ba có còn nhớ không?

Ba gật đầu:

- Ba nhớ rồi, đó là "Bài thơ vu qui".

- "Bài thơ vu qui". - Cô lẩm bẩm.

Ba quay nhìn cô chăm chú:

- Con....thật muốn ba dạy con bài này à? Đây là bài thơ, không phải bài hát.

Cô gật:

- Con biết, nhưng con muốn ba dạy con thuộc. Con muốn có một kỷ niệm tinh thần đáng giá ba tặng cho con.

Cô ngập ngừng rồi quyết định nói tiếp những gì mình đã nghĩ đến:

- Con không biết sau này sẽ ra sao nhưng con hứa với ba, con sẽ cố gắng học theo cách sống của nhà người ta, con sẽ cố gắng xử sự đàng hoàng, sẽ là một thành viên tốt trong gia đình của họ. Con sẽ không làm ba thất vọng, không làm ba phải lo lắng buồn phiền vì con đâu.

Ba nhìn cô thật lâu, ánh mắt ngập đầy cảm động và hài lòng:

- Được, vậy mới đúng là con gái cưng của ba, Vĩnh Nguyên cũng không tệ, con hãy cố là một người vợ tốt của nó.

Câu nói của ba không hiểu tại sao lại làm cô có chút thẹn, may mà ba đã vui vẻ trở lại mà nói về bài thơ:

- Ừ, ba sẽ dạy cho con bài thơ đó để làm kỷ niệm. Bài thơ này...ba không nhớ tên tác giả, nhưng xưa kia, từ hồi còn trẻ, ba cũng có một kỷ niệm đẹp với nó, nên bao năm vẫn chưa quên. Có lẽ rồi con cũng sẽ không quên nó đâu.

Cô gật đầu quả quyết:

- Chắc chắn là vậy rồi ba, là chính ba dạy cho con mà.

Ba mỉm cười:

- Vậy ba đọc từng đoạn, con nghe nhớ nhé.

Cô gật đầu. Giọng ba trầm trầm nhè nhẹ ngân vang như thay cho vai trò bà mẹ dạy con một bài thơ nhỏ như khuyên răn trước khi lấy chồng.

"Một lần khép nép

Lạy chào mẹ cha

Phận con là gái

Như hạt mưa sa... "

Gió lộng bên hồ lại một phen được mang âm thanh của kỷ niệm, âm thanh của tuổi vô tư gởi lên mây trời xa lắc.

Bài thơ không dài, nhưng cuộc đời làm vợ, làm mẹ sẽ dài. Hồ Thanh Vân tắt nắng, ủ ê với cảnh chia ly cô chủ nhỏ bé, ngày mai phải lấy chồng chốn thị thành xa lắc.

Thu Phong ngồi yên trên giường để chị Xuân Hương trang điểm. Không hiểu sao mấy thứ son phấn này trước đây luôn làm cô hiếu kỳ. Nhưng bây giờ, khi lần đầu chị Hai tỉ mỉ dùng trên gương mặt cô thì cô lại cảm thấy thờ ơ chán ghét.

Chị Xuân Hồng đóng bộ một chiếc đầm đỏ cứ lăng xăng chạy ra chạy vào từ trong buồng tới ngoài ngõ, và luôn giơ tay nhìn xuống đồng hồ.

Má đã bới đầu xong, đang coi mọi việc trong ngoài cho chu toàn trước giờ đàng trai tới.

Chỉ là một lễ dạm ngõ đơn sơ để mượn cách đón một cô dâu chưa đủ tuổi, nên quang cảnh nhà Thu Phong không nhộn nhịp lắm, bà con và láng giềng cũng chỉ lác đác dăm người chứng kiến.

Cổng không kết hoa, nhà chỉ có bàn trà và mấy dĩa bánh suông. Nếu không có bộ lư hương được đánh bóng sáng loáng, không có những bộ quần áo tươm tất của mọi người thì không ai biết nhà cô đang có chuyện quan trọng. Cái lẽ xin đón dâu sớm này có lẽ lạ lùng và khác thường nhất từ trước đến nay.

Vài người hàng xóm đi ngang nhìn vào một cái, năm ba đứa nhỏ chân trần hiếu kỳ chỉ trỏ ngoài rào. Má phớt lờ những dè bĩu vì cách làm vội vã của mình, còn ba cô thì thẫn thờ đi tới đi lui bên hè, như buồn vì cảnh con gái mình lấy chồng trong thầm lặng tủi hổ.

Đàng trai tới không kèn không trống, không ồn ào pháo rắc, cũng không có lũ con nít hò reo. Bởi vì đàng trai chỉ vỏn vẹn có ba nhân vật, hai người lớn và một đứa con nít.

Đàng trai tới khi chị Hai vừa bím tóc cho Thu Phong xong, mớ tóc làm chị than vãn không ít vì chỉ có bím lại mới dấu được mớ đuôi tóc cháy vàng vì nắng gió.

Khi với tay lấy cái áo dài hồng đã ủi sẵn trên mắc xuống, chị Xuân Hương quay lại và hốt hoảng vì không thấy bóng Thu Phong đâu. Chị tuôn chạy ra cửa phòng, suýt va phải má đang bước vào.

Má giữ lấy tay chị mà nhăn mặt:

- Sao lạ hấp tấp vậy con? Đàng trai đã đến đầu ngõ rồi kìa.

Chị quýnh quáng báo ngay:

- Thu Phong nó đâu rồi má ơi.

Má gạt chị qua nhìn quanh khắp gian phòng trống:

- Sao lại như vậy được?

- Con cũng không biết, mới quay qua lấy cái áo...

Giọng má rít nhỏ:

- Cái con quỷ này, dám bây giờ lại đổi ý có phải chết tao không. Mau đi kiếm nó đi. Tao phải lên nhà trên tiếp khách. Lẹ lên!

Chị Xuân Hương mặt mày tái mét chạy ngó dáo dác khắp nơi. Lòng thầm mong bắt kịp cô em út ngốc nghếch cứng đầu. Đã hấp tấp ra đầu cổng, tiếng xôn xao của khách khứa và má làm cô sực nhớ mà chạy vào trong trước. Tới sau hè, chị thở phào khi thấy lại được bóng cô em gái.

Thu Phong đứng cạnh ba bên bờ ao cá. Cả hai cha con đang lặng lẽ ngắm nhìn những con cá vô tư tung tăng bơi lội trong cái ao tù đọng nhưng đã quen thuộc với chúng từ lâu.

Hai cha con không nói gì, nhưng có lẽ mối đồng cảm còn nhiều hơn cả những lời nói.

Khi thấy Xuân Hương vừa thở dồn vừa trờ tới, ba cười gượng bảo con gái cưng:

- Có lẽ... đã đến giờ rồi, con vào nhà đi.

Thu Phong đưa mắt nhìn ba thật lâu, như cố ghi vào tâm khảm hình ảnh người thân yêu nhất của mình.

Khi quay người theo chị trở vào nhà, cô có nghe một tiếng thở dài của ông vọng lại. Rồi đây khi cô đi rồi, có lẽ ba sẽ cô độc lẻ loi như dáng đứng lúc nãy của ông.

Chị Xuân Hương không nói câu gì, ánh mắt chị như thông cảm với tâm trạng của đứa em nhỏ. Chị đóng cửa phòng, tự thay áo cho em. Tấm áo dài mà mới ngày hôm qua thôi, chị đã chạy lên chợ mua vội về cho nó. Mười tám tuổi, nhưng con bé chẳng hề có cái áo nào lành lặn và tươm tất.

Màu áo hồng làm nước da đen của nó càng thẫm màu, hai tà dài may vụng làm thân hình của nó càng gầy gò hơn. Con bé như non nớt quá với số tuổi mười tám.

Nhưng bù lại, dường như dưới tà áo, con bé lại có cái vẻ dịu dàng, nữ tính mà ngày thường, cái quần cộc và những cái sơ mi cũ, những cái áo thun dầy không thể hiện được điểm này.

Đổi cho em đôi giày cao gót, chị lùi lại nhìn cô rồi mỉm cười rạng rỡ:

- Em không hẳn là một con bé quá nhỏ con đâu Thu Phong, hẳn là em sẽ cao hơn cả Xuân Hồng nếu em bằng tuổi nó.

Thu Phong nhìn chị nhưng như không để tâm hiểu lời chị nói.

Nắm lấy bàn tay nhỏ của em gái, giọng chị nhẹ nhàng:

- Thật đó, mong rằng ở thành phố, em sẽ có cơ hội đổi khác hơn hiện nay.

Chị còn định nói thêm thì Xuân Hồng đã khoát nhẹ màn suỵt nhỏ:

- Má gọi ra kìa.

Chị Xuân Hương quay qua Thu Phong :

- Ra nhé em.

Vịn tay chị, Thu Phong bước lên gian nhà trên.

Trước bàn thờ ông bà nghi ngút khói, Thu Phong thấy có lố nhố người đứng ngồi, nhưng cô không dám nhìn kỹ là ai. Chỉ loáng thoáng nhận rõ giọng cười nói ồn ào vui vẻ của bà Thẩm.

Và cả giọng má hồ hởi giới thiệu:

- À, đây rồi, con gái! Bước lại chào dì Thẩm và anh Nguyên đi con.

Thu Phong máy móc gật đầu về hướng cái giọng cười vui vẻ kia. Rồi quay qua bên này chào Vĩnh Nguyên.

Đôi giày cao gót lạ chân sao mà khó xoay trở quá chừng. Cô chỉ mới nghĩ đến thì đã chuệnh choạng ngã nghiêng trong tiếng kêu của nhiều người. Vĩnh Nguyên ngồi gần nên cũng đứng bật dậy đỡ lấy cô. Ai ngờ anh cũng chả đỡ kịp mà còn bị cô quờ tay lôi theo ngã uỵch xuống sàn đất.

Cả gian nhà im phăng phắc trong một giây bất ngờ. Thu Phong hốt hoảng ngóc đầu dậy trước nhìn quanh.

Mắt cô gặp đôi mắt kinh ngạc trố ra khắp trong ngoài, chỉ trừ một đôi mắt mở to đen thật gần, một đôi mắt trong trẻo vô tư ấy, nhìn cái miệng hé ra ngây thơ của nó, rồi đột nhiên không biết nghĩ sao cô phá lên cười.

Tiếng cười của cô như cùng lúc với tiếng cười của người đàn ông cũng đã ngồi dậy cạnh bên, cùng lúc với tiếng ngân vang như chuông nhỏ của cu nhóc có đôi mắt tròn kia. Tiếng cười của bộ ba này thật sảng khoái, thật vui vẻ làm ảnh hưởng những bộ mặt ngỡ ngàng của những người có mặt.

Họ cũng bật cười theo. Có tiếng thở phào của vài người lẫn trong tiếng cười ấy. Âm thanh vui vẻ lan ra ồn ào và hỉ hả làm không khí trang nghiêm, trịnh trọng nãy giờ cũng tan biến mất luôn.

Thoạt đầu má Thu Phong và bà Thẩm cũng điếng người e ngại, nhưng rồi thấy không khí xoay chuyển thuận lợi như thế, họ cũng nhìn nhau và ngầm gật đầu yên tâm.

Nguyên đỡ Thu Phong ngồi lên ghế của anh, cạnh cu Phong, anh bảo nhỏ:

- Em cứ ngồi luôn ở đây, đi mấy đôi giày không quen cực lắm.

Hành động của anh làm một số người có mặt có thiện cảm, những ánh mắt cũng bớt soi mói hơn.

Có chỗ ngồi cạnh "đứa bạn cũ", Thu Phong thích chí quá chừng. Gương mặt cô từ lúc đó trở nên tươi tắn và đầy thần sắc.

Cô vẫn biết mình đang là nhân vật chính trong một lễ dạm ngõ đơn sơ, nhưng dường như cô đã cảm thấy không có gì phải quá lo sợ nữa.

Nụ cười của cu Phong, cánh tay nhanh nhẹn vươn ra đỡ lấy cô khi nãy của Vĩnh Nguyên, tất cả cho cô mơ hồ một cảm giác an toàn và bình yên. Và một người con gái khi lấy chồng xứ lạ, có còn mong gì hơn vậy đâu.

Nguyên chỉ đem theo một mâm lễ nhỏ nhưng những thứ anh trình ra cũng làm nhiều người trầm trồ.

Lại thêm một cảnh tréo ngoe khi Nguyên đỡ Thu Phong đứng lên để anh đeo mấy món nữ trang cho cô. Sợi dây chuyền mảnh dẻ thì cũng hợp với tuổi cô, chỉ có đôi bông tai là làm anh phải khựng người lỡ ngỡ, vì Thu Phong đâu có xỏ lỗ tai.

Bà Thẩm với trách nhiệm mai dong, đã đỡ lời bằng tiếng cười xòa:

- Dì nghĩ để Thu Phong giữ lấy, chừng làm đám cưới mình đeo cũng không muộn.

"Có nghĩa là trong vòng hai tháng nữa, mình sẽ bị ép phải xỏ lỗ tai rồi", Thu Phong lãng đãng nghĩ.

Nếu chỉ để được đeo mấy thứ tòng teng lấp lánh kia, mà phải đục vành tai mình một cái lỗ đến bật máu thì thú thật, cô không ham chút nào. Nhưng... bây giờ cô đâu còn tự do nữa, ai mà cần cô thích hay không thích. Đành phải vậy thôi.

Chỉ một lúc là cũng đã đến giờ lên đường.

Lạy trước bàn thờ tổ tiên Thu Phong ngậm ngùi. Quay chào má, cô chỉ ngơ ngác tự hỏi sao gả được cô rồi mà má vẫn cầm khăn tay chậm nước mắt? Nhưng khi cô quay qua ba, ông gượng cười, còn cô lại muốn mếu. Nguyên như biết ý, anh bước đến vịn nhẹ vai cô:

- Tôi sẽ đưa em về thăm ba thường, đừng lo Thu Phong.

Cô gật gật đầu cố ngăn mình không hu hu trước, vì cô biết nếu mình tuôn nước mắt, chắc chắn ba ở lại sẽ càng đau lòng hơn nữa.

Ba khàn giọng bảo cô:

- Ngoan nhé con. Hãy là một người vợ tốt.

Cô lại gật đầu nghẹn lời.

Ba bắt tay Vĩnh Nguyên, ánh mắt chứa đầy những dặn dò. Anh khẽ nói:

- Con hiểu ý ba, nhất định con sẽ săn sóc Thu Phong chu đáo.

Chị Hai xách một cái túi nhỏ đựng quần áo, vật dụng của Thu Phong bước ra. Nguyên đỡ lấy cái túi rồi cầm tay con, anh gật đầu với Thu Phong.

Con ngõ thường ngày vắng hoe, bây giờ bắt đầu nháo nhác bóng con nít hàng xóm.

Thu Phong lơ ngơ nghĩ mới năm ngoái đây thôi, cô cũng lăng xăng hiếu kỳ như lũ chúng nó, bây giờ thì lại đến lượt cô đóng vai một chị Mùi xa quê, một chị Mùi nhưng vu qui không rộn ràng đình đám, mà chỉ có một bài thơ nhỏ tiễn chân.

"Thưa ba, con đi đây. Ba ở lại mạnh khỏe. Mong sao con làm đươc. lời mình hứa với ba trước khi ra đi, để mai đây thỉnh thoảng họ có thể cho phép con về lại thăm ba, thăm mảnh đất nghèo này. "

Thu Phong nén cơn cảm xúc để không phải nghẹn ngào.

Nắm tay cu Phong, cô bước thấp bước cao với con đường làng quen thuộc mà nhớ cảnh mấy cô gái thị thành rước dâu hôm nào. Nhưng Nguyên không xa lạ như anh chú rể Việt kiều áo vest trắng và cà vạt đỏ kia.

Anh chỉ mặc chiếc sơ mi trắng đơn giản như hôm đầu tiên gặp cô, thêm cà vạt xanh đậm như chút trịnh trọng, vai anh khoác cái túi xách của cô, tay anh nắm tay kia của cu Phong. Hình ảnh của anh như gần gũi một chút trong mắt mọi người.

Vui sướng và lạ lẫm nhất vẫn là chú nhóc Phong. Dù chẳng hiểu chi, nhưng hôm nay chú cảm thấy rất vui vẻ. Hai tay nắm tay hai người, chú hân hoan ngó nhìn cảnh lạ xung quanh với chút e dè.

Những cái vẫy tay, những lời từ tạ rồi cũng rứt, chiếc xe lăn bánh trên con lộ lầy lội đầu mùa mưa để lại nỗi tiếc nuối của miền đất tuy nghèo nàn, nhưng bao năm in dấu chân hiếu động của cô nhỏ Thu Phong.

Vĩnh Nguyên ngồi băng trước với tài xế. Cu Phong rụt rè đòi anh cho nó ngồi phía sau với Thu Phong. Anh mỉm cười đồng ý ngay.

Xe chỉ vừa chạy một đỗi, anh đã nghe tiếng dì Thẩm nhỏ giọng càu nhàu bảo Thu Phong hãy mang lại giầy. Giọng cô cũng nhỏ, nhưng chỉ để phân trần:

- Đôi giầy này không vừa với con đâu, đau chân và khó đi lắm dì à.

Giọng dì Thẩm như kềm bực dọc:

- Nhưng ít nhất con phải nghĩ đến hôm nay là ngày gì, nghĩ đến con đang là ai chứ. Luôn tuồng thoải mái như ở quê đâu có được. Con bây giờ không phải là con gái út ông Hai Trạng nữa, mà là vợ người ta rồi.

- Dạ con...

Nguyên đành quay xuống can thiệp:

- Không sao đâu dì. Giày cao gót khó đi thật mà, em Phong đi không quen thì cứ cởi ra. Từ đây về Sài Gòn còn xa, thoải mái một chút cũng tốt.

Im lặng một giây, rồi dì Thẩm thở ra dấm dẳng:

- Thôi cũng được. Nhiệm vụ của dì chỉ là mai dong, còn nhiệm vụ của con bây giờ chắc con cũng hiểu, dì không tiện nói nữa.

Nguyên vâng dạ mà cười thầm cho bà dì họ của mình.

Anh cũng hiểu bà dì không thích nét trẻ con chân chất của Thu Phong, nhưng vì không thể dành chỗ ngồi trên với tài xế, nên đành phải nín nhịn khi chứng kiến cảnh cô dâu mới tỉnh bơ tháo giày kiểu ấy.

Xe đến chợ Biên Hòa thì ngừng lại để bà Thẩm xuống. Sau khi dặn dò Vĩnh Nguyên lần nữa về việc tổ chức hôn lễ sắp tới, bà mới có vẻ yên tâm mà vào nhà.

Xe lại tiếp tục về hướng Sài Gòn, băng sau lần này rộng rãi quá cho hai dì cháu. Nguyên không hiểu sao những tiếng cười rúc rích của con cứ nổi lên hoài. Nửa tò mò muốn góp tiếng cười, anh ngoái xuống hỏi:

- Gì vui mà hai dì cháu cười hoài vậy?

Thu Phong không đáp. Nguyên ngạc nhiên khi thấy dường như cô có nét ngượng ngùng xấu hổ.

- Gì vậy cu Phong, kể thử ba nghe xem.

- Đâu có gì đâu. - Thu Phong buột miệng cản lại.

Anh nheo mắt:

- Thật không có gì?

Cô lúng túng:

- Chỉ là... nhắc chuyện cái hồ.

- Vậy à! - Anh gật gù.

Nhưng một lúc, đợi cô không để ý, anh ngoắc cu Phong đứng lại gần và hỏi nhỏ con:

- Hồi nãy có gì mà cười dữ vậy con?

Cu Phong im lìm. Đợi anh hỏi gặng mấy lần nữa nó mới chịu thì thào:

- Con chỉ hỏi sao hồi nãy chị Phong đè ba té.

Nguyên nhướng mày cố nhịn cười:

- Rồi chị Phong nói sao?

Cu cậu lắc đầu, Nguyên giải thích:

- Không phải chị Phong đè ba té, mà tại vì ba dở, không đỡ được chị Phong thôi.

Cu Phong chẳng biết có hiểu không, nhưng nó quay lại chỗ ngồi cạnh "chị" nó. Và một lúc lại vang lên tiếng cười. Lần này thì là hai giọng cười, giọng nào cũng thánh thót, cũng nắc nẻ thật hồn nhiên. Nguyên lại ngoái nhìn xuống.

Trời! Cả hai đều đang quỳ gối trên nệm, đưa lưng về phía anh. Cô vợ mới của anh đang chỉ trỏ gì đó với nhóc Phong và thằng nhóc cũng gật gù. Cảnh về nhà chồng ngộ như vậy sao? Nguyên lắc đầu cười.

Anh chợt nghe tiếng con mình líu lo nói gì đó. Nguyên tưởng mình như nghe lầm, anh chắc lưỡi thán phục. Quả là một thành tích vượt bậc của Thu Phong khi làm nhóc Phong hào hứng đến như vậy.

Quay lên nhìn con đường trải rộng trước mặt, anh mỉm cười.

Đường trước mắt dẫu còn thênh thang và nhiều ngã rẽ, nhưng anh mong mình không lầm khi đã cố tâm thực hiện cái quyết định mà tin rằng có nhiều người dè bĩu là điên rồ.

Sài Gòn thật quá mới mẻ đối với Thu Phong. Cô cứ nghệt mặt ngó cảnh đường phố nội thành với xe cộ chạy như mắc cửi.

Ngày trước một năm đôi ngày cô lên ở với mẹ trên phố chợ, nhưng Biên Hòa dù trù phú cũng không sao bằng Sài Gòn, nhất là Sài Gòn với một ngày thứ bảy như hôm nay.

Ngôi nhà xe chạy vào là một dạng biệt thự hai từng với vườn cây cảnh bao bọc ba hướng. Khi Nguyên mở cửa xe, Thu Phong bước xuống với nhóc Phong, cặp mắt cô nhìn quanh đầy vẻ ngỡ ngàng.

Trên bậc thềm gian nhà chính, đón họ là một thiếu phụ ngồi trên chiếc xe lăn, Thu Phong ngập ngừng bước tới. Nguyên định đưa tay để cô bám, nhưng thấy cô bước chắc chắn và thản nhiên, anh tròn mắt ngó xuống chân cô.

Chà! Anh lắc đầu cười. Cô dâu mới kiểu gì mà đi chân không thế này. Hèn gì mà con đường trải sỏi cô nhỏ cứ xem như pha.

Một tay dắt tay cu Phong, một tay cầm đôi giầy cao gót, Thu Phong bước lên bực tam cấp mà mắt mở to nhìn người trước mặt. Ánh mắt cô e dè, còn ánh mắt của thiếu phụ lại có chút đánh giá, dò xét.

Còn một bậc thềm, cô đứng lại và ngập ngừng khi cúi đầu:

- Chào... dì!

Người đàn bà nhướng mắt rồi mỉm cười. Cầm túi xách của Thu Phong, Nguyên vội bước lên theo đỡ lời:

- Em hãy gọi là cô. Đây là cô Minh, cô ruột của tôi.

Thu Phong lại cúi đầu:

- Dạ, cô Minh.

Lờ đi đôi giày trên tay cháu dâu, bà Minh gật đầu:

- Thu Phong phải không?

- Dạ đúng ạ.

Cô Minh quay xe lại và cười nhẹ:

- Thấy cu Phong chịu cầm tay là tôi có thể đoán ra.

Nguyên bước lên đẩy xe cho cô, anh cười tự nhiên với Thu Phong:

- Vào đi em. Đây là nhà mình rồi.

Thu Phong lọng cọng dắt tay cu Phong theo vào.

Sân nhà bằng gặt xâm trắng, độ bóng của nó làm Thu Phong tưởng tượng có thể soi mặt được. Cô mừng vì mình đang đi chân không, chứ nếu còn cà khệu với đôi giày của chị Xuân Hồng, thế nào cô cũng xoặc chân té lăn quay ra cái sàn bóng loáng này thôi.

Phòng khách rộng có một bộ salon nệm màu vàng nhạt, một cái tivi to đùng trong góc phải, thêm một bộ bàn ghế cao bên trong. Nguyên chỉ xuống ghế và bảo cô ngồi. Ngoái vào trong, anh gọi lớn:

- Dì Tư ơi!

Có tiếng dép từ bên trong khuông cửa nhỏ. Quay lại cô, anh vỗ vỗ vào cái túi và nói:

- Để tôi đem hành lý của em lên phòng trước. Em ngồi đây nói chuyện với cô Minh nhé.

Thu Phong dạ nhỏ và nhìn anh bước nhanh lên thang lầu.

Một người đàn bà mập mạp mặt có vẻ phúc hậu từ nhà sau bước lên với khay nước. Không có mặt Nguyên, bà Minh giới thiệu vắn tắt với cô:

- Đây là dì Tư, dì lo việc cơm nước và dọn dẹp trong nhà.

Thu Phong chào dì, dì Tư cũng cười đáp lễ:

- Chào cô!

Bà Minh nói:

- Thu Phong trùng tên với cu Phong, nên để tiện, chị Tư nên gọi là cô Hai.

Giọng bà có vẻ nghiêm trang và cách biệt khiến Thu Phong hơi lạ lùng. Dì Tư sửa lại thật nhanh:

- Cô Hai !

Bà Minh hắng giọng:

- Đã có cơm chưa hả chị Tư?

Dì Tư gật đầu:

- Đã có rồi, để tôi vào bày bàn.

Bà quay vào trong với vẻ kính cẩn. Còn lại Thu Phong ngồi trước bà Minh, cô e ngại trước vẻ dò xét của bà, tay cô đan vào nhau mà mấy đầu ngón tay dường như muốn lạnh. Cu Phong ngồi cạnh bên cũng im thin thít như tính nhát nhúa trước đây.

Bà Minh hắng giọng hỏi:

- Cháu là con thứ ba của anh Hai Trạng à?

Cô ngẩng lên nhìn bà với chút ngạc nhiên. Gật nhẹ đầu, cô đáp:

- Dạ, cô biết ba con?

Bà Minh nhìn xuống ly nước:

- Có biết qua.

Im lặng một lúc, rồi bà hắng giọng hỏi:

- Nguyên có nói hai tháng nữa cháu mới đủ mười tám, có phải không?

Cô lại gật đầu:

- Dạ, con sanh vào tháng chín, cuối thu.

Bà nhìn cô chăm chú:

- Cháu đã học đến đâu rồi? Ở quê vẫn còn đi học chứ?

- Dạ, năm nay con mới đậu vào lớp mười. - Ngập ngừng một chút, cô nói - Nếu không lên đây, tháng chín con vào lớp mười trường tỉnh.

- Lớp mười? - Bà Minh ngạc nhiên - Sao lại học trễ như vậy?

Thu Phong đáp vắn tắt:

- Năm con đến tuổi đi học, nhà con có vài chuyện nên con trễ hai năm.

Cô không nói rõ ra vài chuyện ấy chính là giai đoạn ba và má ly dị. Ba đưa cô về quê nội sống, mấy năm liền ông quên bẵng chuyện cho con đến trường.

Bà Minh cũng không để ý đến chi tiết cặn kẽ, bà gật đầu:

- Nguyên nó bận công chuyện rất nhiều, nên quyết định đón cháu về sớm để tập làm quen với mọn chuyện trong nhà. Nó có nhờ tôi trong mấy tháng ở đây giúp đỡ, chỉ vẽ cho cháu.

Bà nhìn thẳng vào mắt cô và trang nghiêm nói:

- Vì ngày xưa tôi với ba cháu cũng là bạn cũ, nên việc này, tôi đã nhận lời. Có điều tính tôi vốn nguyên tắc, mong là cháu cố gắng nắm bắt những gì tôi chỉ bảo, để công sức mấy tháng về Việt Nam của tôi không bị phí hoài.

- Mấy tháng về Việt Nam? - Thu Phong ngạc nhiên lập lại.

Nguyên trở xuống trong chiếc áo sơ mi mới, đầu tóc chải gọn. Đặt chiếc cặp táp nặng chịnh lên bàn, anh giải thích:

- Cô Minh ở Pháp về đây chơi mấy tháng. Nên tôi cũng nhân dịp mà nhờ cô giúp đỡ trong công việc tế nhị và cần thiết này.

Thu Phong hiểu ra. Bà Minh còn định nói gì đó thì dì Tư đã bước lên:

- Tôi đã dọn cơm rồi, mời bà Minh và cậu Nguyên, cô Hai vào dùng cơm.

- Cô Hai? - Nguyên ngạc nhiên nhìn bà cô.

Bà Minh nói ngay:

- Để khỏi trùng tên với thằng bé.

Nguyên nhướng mày, nhưng không nói gì.

Mọn người lục đục đứng lên. Thu Phong bước được vài bước, bỗng khựng người quay lại. Nguyên chận hỏi :

- Gì vậy Thu Phong?

- Còn cu Phong nữa.

Mọi người bỗng quay nhìn cô một thoáng, Nguyên liền khoát tay:

- Chúng ta cứ vào ăn, cu Phong đã có dì Tư săn sóc.

Săn sóc? Thu Phong không hiểu lắm. Dáng chú nhóc lọt tõm giữa bộ salon rộng, mắt cụp xuống im lìm khiến cô cảm thấy bất nhẫn:

- Đi vào Thu Phong ! - Nguyên nhắc lần nữa, tay anh đẩy khuỷu tay cô.

Dù muốn dắt chú bạn nhỏ theo, nhưng ánh mắt bà Minh cho cô thấy mình đành phải theo chân những người lớn vào nhà trong.

Phòng ăn cũng tương đối rộng với một gia đình ít người như gia đình này. Cái bàn ăn hình oval làm cô lọng cọng không biết ngồi vào đâu. May mà Nguyên biết ý đã kéo chiếc ghế cạnh anh cho cô. Bà Minh cũng được anh đỡ lên ghế bên kia.

Bữa ăn có các món ăn lạ, những món ngon và đặc biệt, Thu Phong vẫn không thấy ngon miệng lắm vì nhiều nguyên do. Trên bàn, bà Minh đang hỏi chuyện Nguyên:

- Mai con đi Hà Nội phải không?

Gắp cho Thu Phong miếng sườn chua ngọt, anh gật đầu:

- Dạ, đi hơi sớm.

- Mấy giờ?

- Chuyến bay bẩy giờ rưỡi. - Nguyên đáp - Năm giờ rưỡi con phải có mặt ở sân bay rồi.

- Vậy thì chiều nay...

Nguyên ngắt lời:

- Chiều nay con có cuộc họp, cũng không quan trọng lắm, con sẽ cố về nhà sớm.

Bà Minh gật đầu:

- Ừ, về sớm được thì tốt.

Bà chắt lưỡi:

- Công việc cũa con sao bận rộn quá chừng, tốc độ làm việc bên Pháp cũng căng, nhưng cô thấy cũng không bằng con ở đây.

Nguyên mỉm cười:

- Tại công ty đang nhận thầu một lúc mấy công trình lớn, nên con mới tất bật như vậy, vài năm dần ổn định và khuếch trương, con nghĩ sẽ đỡ hơn.

Bà Minh nhướng mày:

- Những vài năm nữa ư? Cô chỉ sợ với kiểu làm việc bất kể thời gian như thế, con sẽ bạc tóc trước ba mươi thôi.

Nguyên bật cười không đáp. Anh quay qua Thu Phong:

- Thật sự là công việc của tôi bận rộn lắm. Em cố gắng ở lại nhà, học hỏi mọi chuyện từ cô Minh nhé. Tôi nghĩ vài tháng nữa, em sẽ quen với cuộc sống mới thôi.

Cô gật đầu không đáp, lòng thấy trĩu nặng vì hiểu rằng với kiểu tất bật công việc như của Nguyên, chắc khó mà anh thực hiện lời hứa đưa cô thường xuyên về thăm nhà, thăm ba rồi.

Cuộc nói chuyện lại tiếp tục trong bàn ăn với những câu hỏi, những câu phàn nàn của bà Minh. Nguyên chỉ đáp gọn để trả lời bà.

Thu Phong đã để ý dì Tư từ đầu bữa đã sắp sẵn một cái khay với một vài món ăn và chén cơm nhỏ, rồi bưng ra phòng khách. Có lẽ là dành cho cu Phong, cô thầm đóan.

Bữa ăn rồi cũng qua, Nguyên đứng dậy nói :

- Cô lo cho em Phong dùm con, con đến giờ họp rồi.

Cô Minh gật đầu:

- Ừ, cô biết, con cứ đi đi.

Anh vừa nắn lại nút cà vạt vừa nói với cô:

- Em ở nhà nhé. Có gì cứ hỏi cô Minh, tôi bận việc. Tối ta gặp lại.

Thu Phong dạ nhỏ.

Nguyên đi với vẻ hơi hấp tấp. Tiếng xe của anh nhỏ dần theo tiếng đóng cửa của dì Tư.

Khi dì Tư trở vào, bà Minh nói:

- Đã cho cu Phong ngủ chưa, chị Tư?

Dì Tư đáp:

- Dạ rồi. Cu Phong đã lên phòng trước khi cậu Nguyên đi.

Bà Minh gật đầu quay qua cô:

- Đi đường chắc cũng mệt, vậy cháu có muốn lên phòng nghỉ một chút không? Dì Tư sẽ chỉ phòng cho cháu.

Cô lắc đầu:

- Dạ con không quen ngủ trưa.

Bà Minh cười:

- Vậy cũng tốt, tôi ở Pháp lâu năm, về đây cũng không ngủ trưa được. Vậy tôi và cháu ra phòng khách nói chuyện.

Trở ra phòng khách, cu Phong đã không thấy. Dì Tư đặt lên cái bàn thấp một đĩa trái cây mới và bộ ấm tách trà mới pha. Thu Phong ngồi đối diện bà Minh.

Thấy cô thỉnh thoảng nhìn cái xe lăn của mình, bà nói ngay:

- Tôi bị tai nạn ở bên Pháp. Đã mấy năm rồi.

Thu Phong đỏ mặt:

- Con xin lỗi.

Bà nhìn cô với vẻ thản nhiên :

- Không sao. Tôi đã quen với những cái nhìn hiếu kỳ như thế. Nhưng tôi muốn nhắc cho cháu nhớ, là con gái ông Hai Trạng, cháu có thể hiếu kỳ nhìn ngó những cái gì khác thường, nhưng đã là vợ thằng Nguyên, cháu cần phải chững chạc và đừng để người đối diện phải lạ lùng cho phong cách của mình.

Thu Phong nhướng mày ngồi im. Bà nói có vẻ dễ hiểu, nhưng làm sao mà có thể không nhìn và tò mò về những gì mình thấy lạ được nhỉ?

Trước đây có lần ba cô đã bảo cô tương tự như bà, nhưng cô thật tình khó mà che dấu suy nghĩ của mình được.

Bà Minh nhìn cô một lúc rồi nói:

- Cháu đang nghĩ gì?

Cô giật mình ngẩng lên:

- Hơ ! Con...

- Cứ nói thật ra, tôi cho phép.

Cô ngập ngừng:

- Con chỉ đang nghĩ... Con biết tính quá tò mò có thể chạm đến tự ái hay mặc cảm của người khác nhưng cũng hơi khó khi phải che dấu cảm xúc của mình.

Bà Minh gật gù:

- Tôi hiểu. Vậy tôi thử hỏi cháu nhé. Cháu sắp mười tám có phải không?

Cô dạ nhỏ. Bà lại hỏi:

- Vậy cháu muốn mình là người lớn hay muốn mình mãi là một đứa trẻ con chỉ biết vui không biết buồn?

Trời, nếu mà câu hỏi này bà đặt ra trước cái ngày hôm nay, chắc chắn cô sẽ trả lời bà rằng mình thích mãi là con nít chỉ biết vui không biết buồn. Nhưng bây giờ trên cổ cô có sợi dây chuyền ràng buộc, cô đã có mấy cái lạy chung với một người trước bàn thờ tổ tiên trong sự chứng kiến của gia đình, họ hàng, làm sao mà cô trả lời theo ý được đây.

Thấy cô ngập ngừng không nói, bà nói :

- Nguyên có nói qua, nên tôi hiểu cháu là một cô gái nhỏ dù đã mười tám nhưng chưa chịu trưởng thành.

Thu Phong ngẩng nhìn bà ngạc nhiên. Thật sự anh ta nhận xét về cô như vậy sao nhỉ?

Bà Minh vẫn đang nói:

- Cuộc hôn nhân này được tiến hành vì nhiều lý do. Một trong những lý do là vì thằng Phong con nó. Nhưng lý do khác là Nguyên nó cũng muốn giúp cháu, muốn giúp gia đình cháu trong tình hình hiện nay.

Thu Phong buột miệng hỏi:

- Sao lại chủ yếu vì cu Phong hả cô?

- Vì mẹ thằng Phong đã mất hai năm trước, Nguyên nó quá bận rộn, thằng Phong cần một người mẹ chăm sóc.

- Nhưng... Anh Nguyên có thể tìm cô gái khác hiền hậu, dịu dàng làm mẹ kế cho con ảnh cũng được mà.

Bà Minh hơi cau mày vì kiểu nói lý lẽ chen ngang của cô, nhưng bà kiên nhẫn giải thích:

- Cu Phong từ nhỏ là đứa tính khí nhút nhát khó gần. Không ai có thể cậy miệng hay làm nó vui vẻ được, ngoại trừ ba nó, Nguyên sợ con sẽ như vậy mãi, vì nó không có nhà, thằng bé lại càng co mình không dám quan tâm đến ai hay cái gì.

Bà nhìn cô:

- Chỉ có cháu, không hiểu với mối liên hệ nào mà cháu đã làm nó thích thú và yêu mến.

Thì ra là vậy. Thu Phong nghĩ đến buổi sáng hôm nào bên hồ. Cô không ngờ đó là một sáng định mệnh làm cho người đàn ông thành thị kia có quyết định lạ lùng, và đứa con gái quê như cô bị cuốn vào một cuộc phiêu lưu không tưởng.

Bà Minh nói:

- Để đưa cháu về sớm hơn lễ cưới, Nguyên nó đã thuận theo điều kiện nào đó để giúp đỡ mẹ cháu. Coi như là chúng tôi đã tỏ thành ý trước, vậy tôi mong cháu cũng sẽ vì chuyện tế nhị này mà giúp đỡ nó trong việc chăm sóc đứa con và coi sóc gia đình.

Cô ngập ngừng:

- Con đã hứa với ba con là sẽ là một người vợ tốt, một người mẹ tốt, nhưng... con thú thật rằng cho đến bây giờ, con vẫn không biết phải làm sao.

Bà Minh nhìn cô thật lâu như dò xét trong câu nói thành thật kia có gì đáng ngờ, rồi bà chậm rãi nói:

- Tôi ở lại đây một vài tháng, tôi sẽ chỉ vẽ đôi chút cho cháu.

Cô khẽ gật:

- Con xin cám ơn cô.

Bà Minh khoát tay:

- Khoan cám ơn tôi. Cháu có thể thay đổi sao cho xứng hợp với nhà này, đó, đã là tốt lắm rồi.

Cô rụt rè hỏi:

- Nhà ta... có nhiều bà con không cô?

Bà Minh gật :

- Khá nhiều. Và bạn bè của nó nữa, đa số là những người có tên tuổi. Cho nên tôi không muốn cháu phải trình diện họ quá sớm.

Nhìn hai cái bím tóc của cô, rồi nhìn xuống đôi chân không từ nãy giờ, bà Minh thở dài:

- Chắc là công việc của tôi không nhẹ đâu. Hôm nay cứ để cháu quen với phòng ốc, với nhà cửa đi đã. Mai chúng ta bắt đầu bắt tay vào công việc cũng không muộn.

Thu Phong im lặng. Cô đã biết từ lâu rằng nhiệm vụ của cô cũng không nhẹ gì. Mai bắt đầu ư? Cũng được, như vậy ít nhất cô còn được một buổi tối yên tĩnh của riêng mình, để mai đây sẽ trở thành một "cô Hai" với vai trò mới.

Thu Phong bước theo Nguyên ra sân thượng. Một bóng đèn thật to và đẹp được treo trên cao, chiếu tỏ vài chậu cảnh và một bộ bàn ghế màu trắng.

Ngồi xuống ghế đối diện anh, cô hít một hơi dài khoan khoái.

- A! Mùi ngọc lan. Thì ra dưới vườn nhà anh có hoa ngọc lan.

Nguyên mỉm cười:

- Đúng rồi. Nó nằm sát mé tường bên phải.

- Thơm ghê ! - Cô hít hà.

Nguyên định cầm ấm trà dì Tư mới pha, nhưng Thu Phong đã nhổm lên dành lấy:

- Anh để tôi.

Anh ngồi yên ngắm cách cô tráng tách và rót trà một cách quen thuộc, cô cười:

- Ở quê, tôi thỉnh thoảng cùng ba tôi uống trà nên cũng không tệ với mấy chuyện này.

- Chắc là vào những lúc trăng sáng.

Thu Phong trố mắt nhìn anh:

- Sao anh biết hay vậy? Bộ ba tôi kể cho anh nghe à?

- Không - Nguyên lắc đầu cười - Tôi chỉ đoán vậy, vì một trong những thú vui tao nhã và dân dã là uống trà tàu ngắm trăng. Những thi sĩ ngày xưa của các triều đại vua chúa bên tàu cũng có thú vui đó. Họ uống trà ngắm trăng và làm thơ, ngâm thơ.

Thu Phong đặt nhẹ tách trà bốc khói trước mặt anh :

- Tôi là người miền quê, ba chỉ dậy tôi sơ sơ về nghệ thuật uống trà, ba và tôi uống trà, ngắm trăng, nhưng không ngâm thơ mà lại ca hát.

- Ca hát? - Nguyên hơi ngạc nhiên.

- Ừ, ba dậy tôi nhiều bài hát lắm, toàn là những bài vui nhộn.

Hớp một ngụm trà Nguyên vỡ lẽ:

- Thì ra là vậy. Tôi biết rồi, những bài hát mà có lần chúng ta gặp nhau bên hồ, em vô tình hát lên làm cho tôi phải bật cười đó phải không?

Thu Phong cười gật đầu:

- Ừm đúng rồi, là những bài đó.

Nguyên gật gù, im lặng một lúc, anh chợt nói:

- Thu Phong nè, có những điều tôi cần góp ý với em, nhưng cũng mong là em không lấy đó làm buồn bực.

Đã nâng tách trà lên, nhưng cô khựng người bỏ xuống và ngồi thẳng lên e dè:

- Anh nói đi.

Nguyên hắng giọng mở lời:

- Tôi đi bước nữa cũng chỉ vì muốn con trai mình có người mẹ tốt, tôi mong em hãy vì chuyện này bỏ những chữ "ê", "ừ" đi, có được không? Tôi nhớ khi nói chuyện với cô Minh, em cũng "dạ" ngọt ngào lắm mà.

Thu Phong đỏ mặt:

- Tôi... xin lỗi anh, tôi quá vô ý.

- Không cần xin lỗi tôi, chỉ mong là em có thể sửa.

Cô gật đầu:

- Tôi biết rồi. Tôi sẽ sửa.

Anh nhìn cô:

- Còn nữa, vì cu Phong chỉ chịu tiếp xúc với em là người thứ hai ngoài tôi ra, nên em hãy cố làm một tấm gương sáng cho nó soi vào.

- Tấm gương sáng? - Cô tròn mắt.

- Phải, tôi biết việc này cũng không dễ vì có mấy ai được hoàn hảo đâu, nhưng tôi nghĩ nếu cố gắng, em có thể là người mẹ tốt nhất, thích hợp nhất đối với con trai của tôi.

Thu Phong im lặng. Nghĩ ngợi một lúc, cô thắc mắc:

- Sao anh lại chọn đúng tôi nhỉ? Tôi dù có thể làm cu Phong vui vẻ một tí, nhưng cái tính nhút nhát này cũng đâu phải là mãi mãi, tại vì nhóc Phong cứ ru rú ở trong nhà, tôi nghĩ nếu đến tuổi đi học, vào trường có thầy cô, bạn bè thì em có thể bình thường hồn nhiên và vô tư ngay như bao đứa trẻ khác thôi mà.

Nguyên lắc đầu:

- Thoạt đầu tôi cũng tưởng như thế.

- Thoạt đầu tôi cũng tưởng như thế, nhưng tôi đã cố tìm mọi cách rồi. Cu Phong từ năm ngoái, năm kia, tôi đã thử gửi bé đi nhà trẻ, nhưng chỉ được nữa buổi thì đành phải đem về.

- Tại sao?

Nguyên chắt lưỡi:

- Đầu tiên, nó không chịu vào lớp, tôi cố gắng tách khỏi nó để đi làm, thì nó khóc vang trời. Vào công ty, chỉ được hơn một tiếng, nhà trẻ đã gọi đến, bảo nó cứ khóc mãi cho đến khi ngất đi phải đi cấp cứu.

Thu Phong cau mày:

- Có thể tại lần đầu đến trường, quang cảnh lạ làm nó quá sợ thôi.

Đốt một điếu thuốc, Nguyên phân trần:

- Tôi đã thử nhiều lần rồi, nhà trẻ công, nhà trẻ tư, nhà trẻ tốt nhất thành phố này, tất cả tôi đều đưa nó đến, thậm chí tôi còn mướn mấy lượt gia sư giữ trẻ nhưng vô hiệu.

Thở ra một luồn khói nhạt, anh trầm giọng:

- Em cũng hiểu công việc của tôi rất bận. Hai năm gần đây nó làm tôi thật chật vật khổ sở, tôi đã từng có nhiều cơ hội thành công hơn nữa, nhưng vì thương con nên đành chịu để vuột khỏi tay.

- Đến nỗi vậy sao? - Cô đăm chiêu.

Nguyên nhún vai:

- Chắc em chưa nhìn thấy cảnh tôi ngồi trong phòng làm việc, còn nó ngồi ở góc nhà, im lìm ngồi bên đồng hồ chơi hàng tiếng đồng hồ. Tôi mải mê với công việc tất bật, lâu lâu nhớ ra nhìn lại, thấy nó vẫn ngồi y nguyên như thế, mắt cứ nhìn lặng lờ như kẻ bị bịnh trầm cảm hạng nặng, đồ chơi đầy đó nhưng vẫn không đụng đến.

Anh thở dài:

- Em coi, có một đứa con trai duy nhất, nó xinh đẹp, dễ thương là vậy, mà sao lại có tính nhút nhát ngược ngạo lạ đời, tôi cũng khổ tâm lắm chứ. Nhìn thấy nó như vậy thì còn lòng dạ nào bỏ nó lại nhà mà đi hoài được.

Thấy cô thừ người như đồng cảm, anh kể tiếp:

- Dì Thẩm có biết chuyện của tôi, nên đã đề nghị tôi lấy vợ kế, để mong thời gian tôi bận bịu, người ta sẽ thay tôi mà lo lắng chăm sóc cho cu Phong.

Thu Phong ngẩn lên:

- Cho nên hôm ấy anh đã đến nhà tôi?

Nguyên gật:

- Theo tôi biết, người mà dì Thẩm định mai mối cho tôi là hai chị lớn của em, nhưng không hiểu tình cờ sao tôi và cu Phong lại gặp em bên cái hồ đẹp đó.

Và anh cười:

- Những câu hát vui và cái dáng em nằm giữa hồ hát nghêu ngao có lẽ làm nó có ấn tượng thú vị, nên tôi thật sự rất ngạc nhiên khi thấy nó cười. Và lại càng ngạc nhiên hơn nữa khi chứng kiến cảnh nó bắt tay nói chuyện với em.

Thu Phong thẫn thờ:

- Cho nên anh đã nghĩ đến tôi cho vai trò lạ lùng này. Nhưng sao anh không nghĩ là chị hai tôi sẽ thích hợp với nhiệm vụ này hơn. Chị Hai hiền hậu, chững chạc, hợp với vai trò làm vợ, làm mẹ hơn tôi nhiều.

Nguyên lắc đầu:

- Không được. Tôi chưa kịp chọn thì con tôi đã chọn rồi. Nó đã chọn em thì tức là chỉ có em mới có thể gần gũi nó, tôi lấy vợ lần này cũng chỉ vì cần người mẹ cho con trai thôi, việc gì phải tìm người thích hợp với tôi.

Thu Phong nhìn anh. Lời khẳng định của anh làm cô thấy lạ tai. Cô im lặng một chút rồi hỏi:

- Năm nay cu Phong bao nhiêu tuổi rồi hả anh Nguyên?

- Bốn tuổi.

- Xưa nay nó cứ như vậy à? Ý tôi là nhát hít và lúc nào cũng như vậy?

Nguyên lắc đầu xác nhận:

- Nó ít nói, ít cười. Và dường như càng ngày càng nặng hơn. Những khi tôi đi công tác xa, thậm chí nó không chịu ăn cơm.

Thu Phong chợt nhớ đến bữa cơm chưa và cả bữa cơm tối vừa xong, cô hỏi:

- Sao anh lại cho nó ăn riêng?

Anh nhìn cô:

- Em không biết đâu. Nó rất kén ăn. Tôi đã cố gắng lắm mới rèn nó ăn riêng kiểu ấy.

- Vậy cái mâm cơm của dì Tư hôm nay, cu Phong chịu ăn hết không?

Nguyên cười:

- Không, nó không ăn hết đâu. Dì Tư cũng gian khổ lắm trong công việc đút cơm cho nó. Nhưng xưa nay nó cứ ngậm hoài không chịu nhai, không chịu nuốt. Chỉ được một phần ba chén cơm là hay lắm rồi.

Thu Phong nhíu mày lặng thinh. Nguyên nhìn cô một lúc rồi hắng giọng hỏi :

- Thật ra tôi cũng không biết rõ về hoàn cảnh nhà em lắm. Hình như em quí ba hơn má phải không?

Chợt giật mình trước câu hỏi quan tâm của anh, cô gật đầu:

- Đúng rồi. Bởi vì tôi từ nhỏ đến lớn sống với ba.

- Tại sao chỉ sống với ba? Còn má em?

Thấy cô ngần ngừ, anh nói :

- Thôi không sao. Em không nói rõ cũng được.

Thu Phong vụt thở hắt:

- Không phải tôi muốn giấu diếm anh, chỉ là vì... từ lâu ba má tôi đã ly dị, vì vậy ba tôi đem tôi về quê sống cho đến giờ.

Nguyên có vẻ chú ý :

- Ly dị? Đã bao lâu rồi?

- Hồi tôi sáu bảy tuổi. Tuy mỗi năm ba có đưa tôi lên ở chung với má và mấy chị vài ngày, nhưng tôi... có sự cảm nhận là họ không thích sự có mặt của tôi lắm, nên thật tình mà nói, tôi không thích lên đó.

Nguyên cau mày:

- Vậy tại sao má em lại còn đem gả em cho tôi?

Thu Phong nhún vai:

- Má muốn gả chị Hai, chị Ba thôi, mà tại anh lại khai tên tôi ra, nên má mới quay qua thuyết phục tôi.

Nguyên hiểu ra, anh nhìn cô:

- Em gan thật, nhưng cũng... có hiếu lắm chứ? Tôi biết em vì sự khó khăn của má mà nhận lời.

Thu Phong cười gượng:

- Nói đúng hơn là tôi thoạt đầu vì lời thuyết phục của má, nhưng tôi không gan góc gì đâu. Chỉ vì sau đó ba tôi cũng thuận lòng với chuyện này, ba tôi bảo đã tìm gặp anh, còn nói... anh là người tốt, ba bảo tôi đừng quá sợ.

Nguyên nhướng mày rồi bật cười :

- Tôi thường ngày cũng chẳng tốt gì lắm, nhưng nếu em đã tin tưởng tôi như vậy, thì tôi sẽ cố đóng chọn vai trò người tốt một phen.

Im lặng ngẫm nghĩ giây lát, rồi anh nói :

- Tôi đã có chút dự tính như thế này, nói rõ với em luôn để em hiểu rõ tình hình của chúng ta.

Anh hắng giọng nói nghiêm chỉnh:

- Như tôi đã nói qua, tôi lấy vợ là để con tôi có người chăm sóc, có thể em cho tôi là ích kỷ, nhưng thú thật mà nói, để có em về nhà, tôi đã không nề hà chuyện tốn kém và cả việc bảo lãnh số nợ nần của bà mẹ vợ.

Câu nói trần trụi của anh làm cô đỏ mặt tủi hổ, nhưng cô biết đó cũng là sự thật, làm sao cô ngăn anh đừng nói ra.

Ánh mắt anh sắc bén khi nhìn cô:

- Xin lỗi em vì cách nói này, chúng ta chỉ nói hôm nay thôi, em cũng đừng ngại là tôi sẽ đay nghiến hoặc nhắc lại chuyện này. Vì từ khi em về đây, chúng ta đã là người nhà.

Thấy cô im lặng lắng nghe, anh nói :

- Thứ nhất, tôi muốn em hiểu chách nhiệm và vai trò của em chủ yếu là ở cu Phong. Em hãy làm mẹ, hoặc làm bạn nó cũng được, làm sao cho nó vui vẻ cởi mở như em đã từng thành công khi kết bạn với nó bên hồ. Đừng để nó lớn lên với tính nhút nhát làm tôi khổ tâm ấy.

Giọng anh đều đều:

- Thứ hai, em cũng đừng e ngại chuyện chồng vợ. Tôi hứa sẽ không bao giờ làm em khó xử hay sợ hãi trong chuyện tế nhị này. Còn nữa, vì em đã cho tôi là người tốt, nên tôi đã nghĩ thêm một chuyện vì em.

Nhìn vẻ tò mò của cô, anh buông giọng:

- Đó là nếu em chăm sóc cu Phong chu đáo. Khi đủ tuổi đến trường, nó chịu đi học như những đứa trẻ khác, coi tình hình, tôi sẽ giúp em học tiếp trung học.

- Học tiếp? - Cô ngẩng đầu kêu lên - Anh nói thật chứ?

Nguyên gật :

- Thật. Dĩ nhiên là phải xem tình hình lúc ấy nữa. Nếu cu Phong đến trường bình thường, vui vẻ như bao đứa trẻ bằng tuổi nó, thời giờ nó đi học, cũng là thời giờ em đi học.

Thu Phong ngập ngừng rồi gật nhẹ đầu:

- Vậy... thì cũng tốt. Tôi nhất định sẽ cố gắng thuyết phục để cu Phong đến trường đúng tuổi.

Nguyên mỉm cười trước sự vui thích của cô :

- Không ngờ em ham học như vậy.

Thu Phong cười gượng:

- Được học tất nhiên là ham rồi, ru rú ở nhà mới chán chứ. Anh đừng lo, tôi sẽ ảnh hưởng cu Phong cả cái tính này. Thích học, thích bạn, chứ không thích nhốt mình hoài trong nhà như thế. Nhất là con trai như em.

Rồi cô nhắc :

- Nãy giờ anh nói hai điều rồi, còn điều thứ ba, thứ tư gì không, anh nói luôn đi.

Nguyên nhìn cô chăm chú rồi chợt gật đầu:

- Có, điều thứ ba này tôi vừa mới nghĩ ra đây thôi. Đó là mong em vì cu Phong mà hạn chế chuyện bạn bè.

Cô ngơ ngác :

- Bạn bè? Tôi có bạn bè với ai đâu. Tôi chỉ mới đến cái đất này hôm qua. Nếu có thể nói mới chỉ có một người trùng tên thôi.

Nguyên bật cười :

- Không. Ý tôi không phải bạn bè suông kiểu đó.

Anh ngừng một lúc để tìm lời giải thích :

- Tôi cũng hiểu tình cảm của tuổi trẻ thì... không biết lúc nào sẽ đến, nhưng tôi muốn nói... Nếu mai mốt em có gặp người vừa ý, tôi nhất định sẽ thành toàn cho em. Có điều tôi mong là chuyện đó xảy ra muộn muộn một chút, để cu Phong lớn và không còn đáng lo như hiện tại.

Thu Phong chớp mắt mấy cái. Rồi cô chợt hiểu. Cô có vẻ hơi nhợt nhạt, nhưng vẫn gượng cười :

- Chuyện đó thì xa xôi quá. Nhưng... tôi cũng cám ơn anh đã nghĩ điều này giùm tôi. Đến chừng đó hãy tính đi.

Nguyên gật đầu. Rồi trầm ngâm như nghiền ngẫm điều gì nữa. Tách trà như nguội lạnh nhưng Thu Phong không màng đến. Ngập ngừng một lúc, rồi cô nói :

- Tôi cũng có chút điều cần giao hẹn với anh.

- Em nói thử nghe xem. - Nguyên ngẩng lên.

Cô bậm môi suy nghĩ rồi nói :

- Tôi thật tình cũng rất quý mến cu Phong, tôi sẽ cố gắng lo lắng cho em, nhưng tôi cũng xin phép anh cho mình có chút quyền hạn để thay đổi vài thói quen của em.

- Thay đổi thói quen? - Nguyên ngạc nhiên nhìn cô - Thay đổi vì quyền lợi của nó chứ?

Thu Phong gật:

- Tất nhiên là vậy, nếu anh đã đồng ý thì điều trước tiên tôi muốn thay đổi là mong anh cho cu Phong được ngồi vào bàn ăn như mọi người trong gia đình.

- Nhưng nó...

- Tôi biết là em biếng ăn và có thể có vài tật xấu nào đó, nhưng tôi sẽ từ từ sửa cho em, anh hứa với tôi đi, nếu cu Phong ngoan ngoãn ăn uống chững chạc, bình thường hơn thì anh cho em ngồi chung bàn mỗi buổi ăn chứ?

Nguyên nhìn cô đăm đăm, cuối cùng anh gật đầu:

- Thôi được, nhưng đó là nếu nó ngoan hơn.

- Dĩ nhiên rồi, tôi hứa với anh là sẽ kèm em.

Nguyên có vẻ thú vị với chuyện cô vừa đề nghị, anh cười nói:

- Thì ra đây là điều em lo nghĩ trước nhất, có thể cho tôi biết là tại sao không?

Cô nhún vai :

- Chẳng có gì đặc biệt, tôi thấy cảnh một đứa bé nhạy cảm và nhát nhúa như em mà mỗi bữa ăn bị bắt ăn riêng kiểu đó thật như một kiểu kỳ thị trẻ em, tôi thấy buồn cho em. Mọi người hòa đồng nhất là lúc quay quần bên mâm cơm mà. Em bị tách biệt như vậy chắc là rất tủi thân.

Anh lắng nghe rồi chợt đăm chiêu với điếu thuốc. Chờ một lúc, không thấy anh nói gì, cô hỏi :

- Yêu cầu của tôi chỉ có một thì đã nói xong, anh còn điều gì căn dặn nữa không?

Nguyên dụi điếu thuốc vào gạt tàn:

- Chỉ mới có bấy nhiêu thôi, tất cả những gì cần giao ước với nhau, tôi cũng đã nói hết rồi. Nếu có thêm gì nữa, chúng ta sẽ bàn lại sau.

Thu Phong gật đầu, anh nhìn đồng hồ rồi nói :

- Cũng không còn sớm nữa, em vào ngủ đi. Mai tôi đi Hà Nội, có đến mấy ngày mới về, cho nên mọi việc em cứ theo lời cô Minh. Tuy cô có chút khắc khe, nhưng cô rất tốt.

Thu Phong gật đầu:

- Tôi hiểu rồi, vậy chào anh.

- Chào em.

Xuống đến phòng, Thu Phong ngồi trước bàn lục ra quyển sổ nhỏ bìa vàng của mình, cô lật mặt sau của quyển sổ. "Bài thơ vu quy" cô đã nắn nót chép vào đây.

Cô thờ thẫn đọc lại bài thơ. Cảm giác tương lai chông chênh quá trước mặt. Có cô dâu mới nào gặp một hoàn cảnh lạc lối như cô hiện giờ không? Ngay ngày đón cô về, người ta đã rất thành thật nói rõ vị trí của cô trong nhà, đã thành thật phân định ranh giới tình cảm.

Cô chỉ là một đứa con gái nhỏ, chưa kịp yêu ai thật, nhưng những lời nói thẳng và có vẻ trần trụi, những nụ cười tự chủ cùng vẻ khinh mạn tình cảm kia là chút e ấp ban đầu của cô như bị tạt một gáo nước lạnh đến hụt hẫng.

Cô chưa kịp kêu thì bị nếm trải uất ức cao vời vợi của tự ái con gái. Cô không muốn khóc, nhưng bài thơ vu quy trước mặt sao lại quá mờ mịt, nhạt nhòa.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #education