Chương 7
Chương 7: Khó nói
Ngày 25 tháng Chạp, Trần Tinh nhận được điện thoại của Vu Như, Vu Như muốn cô về nhà vào ngày mai.
Trần Tinh hỏi có việc gì.
Vu Như khó chịu nói: "Nghỉ lâu lắm rồi mà con cứ ru rú ở trường là sao hả? Không biết về dọn nhà à? Cuối năm rồi, không có người dọn nhà đây này."
Thật ra Trần Tinh đang ru rú ở ký túc xá, chỉ là Vu Như quen mồm nói ở trường mà thôi.
Trần Tinh không muốn nghe những lời càu nhàu không hồi kết của mẹ nên vội nói: "Con biết rồi, lát nữa con sẽ về."
Vu Như nói: "Thôi đợi con về thì cũng dọn xong rồi. Mẹ đang mua đồ trong chợ Bách Hối, nhiều đồ quá không xách được, con qua xách giúp mẹ đi."
Trần Tinh không nghĩ gì nhiều liền nhanh chóng đồng ý, cô hỏi địa chỉ cụ thể sau đó thay đồ rồi ra ngoài. Sợ Vu Như đợi lâu sẽ lại càu nhàu, nên đã gọi taxi đi cho nhanh.
Tới cổng chợ nơi Vu Như chỉ định, Trần Tinh không thấy mẹ đâu, cô đi một vòng quanh quảng trường đài phun nước trước mặt để tìm kiếm nhưng vẫn không thấy Vu Như, thế là chỉ đành gọi điện thoại: "Mẹ đang ở đâu thế?"
"Con đến rồi à? Đi vào trong, bên trong có một quán cafe, tên là Võng Lai gì đó."
Trần Tinh tìm tới quán cafe: "Cafe Võng Lai à mẹ?" Cô đang suy nghĩ tại sao mẹ mình lại tới đây, lại nghe Vu Như nói sự thật: "Con nhìn thấy cậu trai mặc sơ mi caro, đeo kính, trắng trắng chưa?"
Trần Tinh: "..."
Trần Tinh nhanh chóng hiểu ra. Nào chỉ là nhìn thấy, mà cô đã từng gặp người đàn ông này ở trường học, cũng là đồng nghiệp của cô, có lẽ đối phương tên là Tống Hạo.
Vu Như nói: "Mẹ nghe ngóng rồi, cậu ấy 28 tuổi, giáo viên trường con đấy, dạy Lịch sử. Cậu ấy có một anh trai và một em gái, gia đình còn có một ngôi nhà, bố mẹ ở tầng một, tầng còn lại chia cho các con, điều kiện kinh tế khá lắm. Mà cậy ấy cũng gọn gàng sạch sẽ, lại là đồng nghiệp của con, chắc chắn hai đứa có nhiều chủ đề nói chuyện với nhau."
Trần Tinh vừa bất lực vừa buồn cười.
Vu Như dốc hết tâm tư tìm hiểu từ gia đình, nghề nghiệp đến ngoại hình của Tống Hạo, lại nói một cách hợp tình hợp lý đến vậy, còn lừa cả cô đến đây, hiện tại cô có muốn từ chối cũng không còn cơ hội.
Trần Tinh hít thật sâu, nuốt hết buồn phiền vào lòng, bày ra nụ cười gượng gạo nhưng không thất lễ với người đồng nghiệp đang vẫy tay với mình.
Cô dồn hơi xuống bụng, chậm rãi bước tới. Lúc ngồi xuống, cô còn mừng thầm vì hôm nay bản thân ăn mặc tuỳ tiện, đầu tóc hai ngày chưa gội lại không trang điểm.
Hai người cũng coi như người quen, sau chào hỏi liền hàn huyên mấy câu về tình hình trường học.
Tống Hạo cũng rất biết quan sát tình hình, nói bản thân cũng bị mẹ ép đi xem mắt, khi hỏi đối tượng xem mắt được biết là Trần Tinh nên mới đồng ý đến đây.
Tống Hạo cười nói: "Nhờ cô Trần giúp tôi nhé, chúng ta nói chuyện đủ nửa tiếng, về nhà cũng có chuyện để báo cáo với phụ huynh."
Trần Tinh bị Tống Hạo chọc cười, tâm tình cũng thả lỏng hơn. Nếu mọi người đã cùng chung nỗi khổ, nửa tiếng này cũng không quá khó khăn.
Hai người làm giáo viên chung một trường nên có rất nhiều chủ đề chung, chỉ cần tránh đi những vấn đề riêng tư của cả hai. Cả hai nói về chuyện học sinh, và cả những tin tức nóng hổi gần đây, cứ thế thời gian nhanh chóng trôi đi, nhiệm vụ cũng được hoàn thành.
Sau đó Trần Tinh và Tống Hạo lịch sự trao đổi WeChat cho nhau.
Mọi việc xong xuôi, Trần Tinh liền đứng dậy chào hỏi ra về.
"Tôi cũng phải về ký túc xá rồi, cô cũng về à?" Tống Hạo thân thiện hỏi.
Trần Tinh lập tức huỷ bỏ dự định ban đầu, cười đáp: "À chưa, tôi còn phải giúp mẹ mua ít đồ đã."
Tống Hạo cười nói mình phải về trước.
Trần Tinh cười lịch sự, vẫy tay với đối phương.
Vì để lý do này càng thêm chân thực, Trần Tinh suy nghĩ một hồi, sau đó quyết định đi siêu thị.
Khi đang xem đồ ở khu đông lạnh trong siêu thị, Trần Tinh lại nhận được điện thoại của Vu Như.
"Mẹ à, có chuyện gì thế? Mẹ muốn con về dọn nhà à?" Trần Tinh nửa thật nửa giả trêu mẹ.
Vu Như nói muốn cô về nhà ăn bữa cơm.
Trần Tinh không có hứng, đang định từ chối.
Vu Như như đoán được ý định của con gái, liền tranh nói trước: "Bố con bảo mẹ gọi con về, còn cả con nhóc Mạnh Đông nữa, suốt ngày cứ làu bàu bảo sao con còn chưa về."
Khi nghe Vu Như nhắc đến "bố con", Trần Tinh đã không còn tâm trạng, nên cô cũng không còn sức nghe những lời sau đó của Vu Như.
"Mai con về, tối nay con có việc rồi."
"Có việc gì? Mẹ Tống Hạo nói cậu ấy về nhà rồi mà."
Trần Tinh không muốn nói gì thêm: "Con không thể có chuyện của riêng mình à?"
"Đã nói là bố con nhớ con nên bảo con về nhà ăn cơm còn gì. Mẹ cũng đâu bắt con nấu nướng hay mắng mỏ con, cả nhà đã làm sẵn cơm canh chỉ chờ con về thôi. Người lớn đã có lời, sao con còn không biết ý thế?"
Lần này Trần Tinh thực sự tức giận, cô nghiến răng nghiến lợi, cố gắng kiềm chế không để bản thân nói ra những lời khó nghe.
"Con nói gì đi chứ? Sao lại im lặng thế? Hả?"
Trần Tinh nhẫn nhịn, đưa điện thoại ra xa, sau đó hít thở sâu, ép ngược nước mắt đang dâng trào trong hốc mắt trong: "Con biết rồi. Con mua ít đồ rồi về."
"... À đúng rồi, nhớ mua chút gì đó cho bố con đấy, biết chưa? Mua rượu ông ấy thích uống nhé."
Cơn giận của Trần Tinh sục sôi: "... Ông ta lại uống rượu?"
Vu Như: "... Năm mới uống chút thôi mà."
Trần Tinh hít thở sâu.
Vu Như: "Sao con không hiểu chuyện thế? Năm mới mà không biết mua cho bố bao thuốc lá hay chai rượu hả?"
Trần Tinh thực sự không nhịn được nữa: "Ông ta không phải bố con."
Vu Như: "... Sao lại không phải?"
Trần Tinh: "Ông ta là bố Mạnh Đông, không phải bố con. Nếu thật sự là bố con, sao lại để ý tới việc con không mua rượu hay mua thuốc cho ông ta? Hơn nữa rượu hay thuốc có phải là thứ bổ béo gì cho cam."
Vu Như: "Sao con lại gào lên với mẹ?"
Trần Tinh nói: "Năm mới con không gửi lì xì cho ông ta à? Sau khi đi làm, năm nào con cũng gửi tiền cho ông ta, con làm vậy còn chưa đủ sao? Mẹ đừng vô lý thế được không?"
Vu Như mắng: "Con nhóc chết tiệt này, mày nói gì thế hả? Tao làm vậy là vì ai? Tao vì mày đấy, mày hiểu không? Mày có hiểu thế thái nhân tình không? Vì ông ấy không phải bố ruột mày..."
Trần Tinh không nhịn được nữa liền to tiếng: "Rốt cuộc mẹ có phải mẹ ruột của con không?"
Cô tức giận, thẳng tay cúp điện thoại.
Trần Tinh quay về ký túc xá, cuối cùng cảm giác bị đè nén cũng được giải phóng. Cô cuộn mình trên sofa, cắn môi, nước mắt lã chã rơi.
Tới cuối năm, khắp nơi đều được giăng đèn kết hoa vô cùng náo nhiệt, chỉ có mình cô, đau lòng cũng không có ai bày tỏ. Cô bỗng cảm thấy trống rỗng cùng nỗi cô đơn vô tận dâng trào khác xa với trước kia.
Cô vùi mình trên sofa một lúc lâu. Không biết qua bao lâu, tầm mắt bỗng dừng trên tay vịn sofa – hoa văn kẻ sọc trên tấm len đang toát ra hơi thở tĩnh mịch dưới ánh đèn.
Năm bốn Đại học, Trần Tinh tham gia buổi tuyển dụng của các trườngg, ngoại trừ trường cấp Ba Phúc Thanh, còn có một trường cấp Hai ở Thâm Quyến Quảng Đông và một trường cấp Ba ở Hạ Môn. Thực ra trong ba ngôi trường ấy, nơi khiến cô hứng thú nhất là trường ở Thâm Quyến, còn trường ở Hạ Môn có tỷ lệ chọi rất cao, vì trường Đại học của cô có rất nhiều sinh viên có xu hướng đi làm ngay tại quê nhà. Xét về vị trí địa lý, đến lương lâu hay phúc lợi, trường ở Hạ Môn là nơi tập hợp các điều kiện tốt nhất.
Nhưng Vu Như khăng khăng muốn cô chọn cấp Ba Phúc Thanh, nói là gần nhà, còn là trường cũ của cô, biết rõ ngọn nguồn cũng tốt hơn nơi xa lạ.
Trần Tinh biết ý định của Vu Như, bà muốn cô trợ cấp kinh tế cho gia đình, trợ cấp học phí cho cô em gái cùng mẹ khác cha. Cô cũng cảm thấy Vu Như rất vất vả, cộng thêm tình cảm của cô dành cho trường cũ, thế là xuôi theo lựa chọn này.
Trần Tinh chầm chậm nắm lấy tay vịn sofa, lông đã xù cả lên, mới chớp mắt mà đã gần 5 năm.
Chiếc sofa này là của giáo viên ở trước đó cũng là đồng nghiệp hiện tại nhượng lại cho cô vào ngày đầu tiên cô tới nhậm chức, có thể coi là gần như mới, đủ để làm hài lòng một cô sinh viên nghèo khó vừa tốt nghiệp như cô.
Năm thứ hai sau khi tốt nghiệp, cũng là thời điểm quan hệ của cô và Vu Như thân thiết nhất.
Vu Như luôn miệng nhắc đến cô, "Con gái lớn nhà tôi, ừ, dạy ở trường cấp Ba đấy, là trường sư phạm tốt nhất ở Phúc Kiến chúng ta đấy, có thể dạy ở trường cấp Ba tốn nhất bên Hạ Môn kìa."
"Chẳng qua là con bé muốn chăm sóc gia đình, nên mới về đây. Đúng đúng, lớn rồi cũng hiểu chuyện."
"Dạy môn chính, Ngữ văn đấy. À thím ba, cháu thím cũng học cấp Ba đúng không? Ôi, dễ thôi mà, chắc chắn phải quan tâm rồi."
"Đúng đúng, mới năm đầu đi làm đã làm giáo viên chủ nhiệm đấy... Nó thực tập xong lâu rồi."
Vu Như kể với hết người này đến người kia, bạn bè thân thích hàng xóm láng giềng cũng cho bà nở mày nở mặt, ai cũng bảo Vu Như có phúc, khổ tận cam lai.
"Con gái làm giáo viên thì còn gì bằng, mấy gia đình có của ăn của để thích nhất con dâu làm giáo viên đấy. Mẹ Đông Đông cuối cùng cũng được ngồi hưởng phúc rồi."
"Chứ còn gì nữa. Tôi nói chị nghe, có con gái thật tốt, chị xem mẹ Đông Đông có hai cô con gái xinh như hoa kìa. Đông Đông còn nhỏ thì không nói, nhưng nhìn Tinh Tinh mà xem, mặt mày trong trẻo quá."
Khoảng thời gian ấy Vu Như được nở mày nở mặt, lúc nào cũng tươi roi rói, còn gọi điện cho Vu Quyên khen cô.
Thấy Vu Như vui, Trần Tinh cũng vui theo, thậm chí cô còn có cảm giác thành tựu khi cuối cùng cũng được mẹ công nhận. Nhưng lâu đần, những lời khen ấy còn kèm theo cả cảm giác hư vinh, khiến cô quên mất rằng, Thâm Quyến mới mục tiêu ban đầu của cô.
Hai ba năm đầu đi làm là khoảng thời gian mẹ con tình cảm nhất.
Đợi tới khi cô 25 tuổi, tình cảm ấy đột nhiên thay đổi.
Vì Vu Như bắt đầu giục cô kết hôn.
Ban đầu được bao quanh trong không khí "mẹ hiền con hiếu", Trần Tinh thật sự ngỡ rằng bản thân và mẹ đã gần gũi hơn. Cô còn có những suy nghĩ ngây thơ rằng mình có thể bày tỏ những suy nghĩ thật sự trong lòng cho mẹ nghe.
Cô nói với Vu Như rằng cô không muốn kết hôn, cô cũng cảm thấy cô không cần thiết phải kết hôn, đương nhiên cũng sẽ không sinh con đẻ cái.
Cả đời này Trần Tinh sẽ không quên vẻ mặt của Vu Như khi ấy.
Vu Như nhìn cô với ánh mắt không thể tin nổi, giống như đang nhìn một thứ khác loài không thuộc về thế giới này.
"Con không kết hôn không sinh con, thế về già thì tính sao? Người khác sẽ nhìn con thế nào? Người khác sẽ nhìn mẹ ra sao? Kiến thức con học được ném đi đâu hết rồi? Sao lại muốn làm chuyện ê mặt thế hả?"
"Một mình con vẫn có thể sống tốt."
"Con sống tốt kiểu gì? Chút tiền lương ít ỏi của con có mua được nhà không? Cho dù có mua được, thì nào có người phụ nữ nào tự bỏ tiền ra mua nhà? Mua nhà là chuyện của đàn ông, đàn ông phụ trách việc kiếm tiền nuôi gia đình, phụ nữ phụ trách việc sinh nở chăm con. Điều kiện của con tốt thế này, chắc chắn có thể gả cho một gia đình có điều kiện tốt như nhà bác con, sống thoải mái cả đời. Sinh viên Đại học như con mà đến đạo lý này cũng không hiểu à?"
"Mẹ muốn tốt cho con thôi. Mẹ biết bây giờ con còn trẻ, thích tự do, không muốn kết hôn sớm, con cứ từ từ xem mắt, từ từ chọn lựa..."
Trần Tinh im lặng, cũng đã hiểu ý đối phương.
Kể từ đó Vu Như càng quá đáng hơn, vừa giục Trần Tinh kết hôn, vừa nhờ người giới thiệu giúp, khiến hàng xóm đều đồn cô "muốn lấy chồng". Trần Tinh vô cùng xấu hổ nên đã về nhà cãi nhau to với mẹ, từ đó về sau cô không thường về nhà nữa.
Vu Như cũng không bỏ thói, thậm chí có lần bà còn giới thiệu đồng nghiệp của mình cho con gái.
Trần Tinh cảm thấy bản thân sắp không thở nổi nữa.
Cô cũng từng tâm sự với đồng nghiệp, không nhắc tới ý định không kết hôn sinh con, chỉ nói gia đình giục kết hôn, cứ ngỡ người trẻ sẽ đồng cảm với nhau, nhưng mọi người đều nói "Nào có dễ tìm được người thích hợp để kết hôn chứ". Suy cho cùng, mỗi người sẽ có cho mình một quan điểm sống khác nhau.
Trần Tinh có cảm giác bản thân thật sự là kẻ khác loài, không thể hoà nhập được với mọi thứ xung quanh, thậm chí còn không có ai để cô có thể trải lòng.
Trần Tinh cứ nghĩ mãi cho đến khi sức cùng lực kiệt, cô thấy mình trở nên trống rỗng khi có áp lực vô hình đè nặng trên vai. Cô giống như một chiếc vỏ rỗng, giữa trời đất bao la lại chỉ có đúng chiếc sofa này là chốn dung thân.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top