Chiều Tối (Mộ)- Hồ Chí Minh
I.Tác giả và tác phẩm:
Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới. Người không chỉ là một nhà cách mạng kiệt xuất mà còn là một nhà văn, nhà thơ lớn. Người để lại một khối lượng sáng tác lớn với nhiều tác phẩm có giá trị. Một trong số đó là bài thơ "Chiều tối".
II. Khái quát về bài thơ:
Bài thơ thuộc tập thơ "Nhật kí trong tù" – viết trong khoảng thời gian người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam và giải đi khắp các nhà lao ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). "Chiều tối" là bài thứ 31 trong 134 bài của tập thơ, được gợi cảm hứng trong lần Người bị giải đi từ nhà lao Tĩnh Tây sang nhà lao Thiên Bảo. Bài thơ được viết bằng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt. Để ca ngợi tập thơ, nhà thơ Xuân Diệu từng viết " Cái hay vô song của tập thơ là chất người cộng sản Hồ Chí Minh"
III.Nội dung và nghệ thuật:
Hai câu đầu: khung cảnh thiên nhiên núi rừng Quảng Tây buổi chiều tối.
"Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không".
("Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không".)
Bằng bút pháp chấm phá trong thơ cổ, chỉ với vài nét vẽ "chim" và "mây", Bác đã vẽ ra bức tranh núi rừng Quảng Tây buổi chiều tối. Trong thơ ca cổ, hình ảnh cánh "chim" thường tượng trưng cho thời gian chiều tối:
"Chim bay về núi tối rồi" (Ca dao)
"Chim hôm thoi thót về rừng" ("Truyện Kiều" – Nguyễn Du)
Thế nên, ngay đầu bài thơ, dù không có một từ chỉ thời gian nhưng người đọc vẫn cảm nhận được không gian sắp về tối. Tuy nhiên, thi liệu cổ ấy ("chim") đã được Bác vận dụng sáng tạo. Trong thơ xưa, hình ảnh cánh chim thường được miêu tả qua trạng thái bên ngoài của nó (bay). Còn trong thơ Bác, Người cảm nhận sâu sắc trạng thái bên trong của nó : "chim mỏi" sau một ngày kiếm ăn vất vả. Tấm lòng thương yêu vô bờ bến của con người "chỉ biết quên mình cho hết thảy" đã đồng cảm với cánh chim mỏi mệt ấy. Bức tranh núi rừng buổi chiều muộn còn có "mây". Đây cũng là thi liệu quen thuộc trong thơ ca cổ điển:
"Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt" ( Thu điếu – Nguyễn Khuyến)
"Cô vân độc khứ nhàn" (Lưng trời thơ thẩn đám mây một mình –
Thơ Lí Bạch)
Nếu như hình ảnh đám mây trong thơ ca xưa thường gợi ra sự nhàn tản, thoát tục của một nhà nho tìm về với chốn làng quê ẩn dật thì trong thơ Bác, nó là hình ảnh của hiện thực. Trên đường chuyển lao, ánh mắt Bá hướng lên cao và bắt gặp đám mây trôi chầm chậm, lơ lửng ("mạn mạn") trên bầu trời. Đám mây ấy gợi ra không gian tĩnh lặng nhưng cũng thanh bình, thơ mộng của vùng rừng núi buổi chiều muộn.
Những cụm từ "quyện điểu" (chim mỏi) và "cô vân" (đám mây lẻ) vừa gợi tả cảnh, vừa gợi lên tâm trạng của con người. Sau một ngày bị giải đi bộ vất vả trên đường rừng núi gập ghềnh, chân tay lại bị xiềng xích, chờ đợi phía trước lại là một nhà lao khác chật chội, bẩn thỉu; lại đang ở nơi đất khách quê người nên Bác cũng cảm thấy mệt mỏi, cô đơn. Tuy vậy, ánh mắt Bác vẫn hướng lên bầu trời, đồng cảm với cánh chim "mỏi", thả hồn theo đám mây lẻ trôi lững lờ. Phải có một tấm lòng yêu thiên nhiên tha thiết và một phong thái ung dung, tự tại, vượt lên trên hoàn cảnh thì mới có thể chan hòa cùng với thiên nhiên như thế. Hai câu đầu vừa đậm màu sắc cổ điển với bút pháp chấm phá và những hình ảnh thơ cổ; vừa đậm tính hiện đại với vẻ đẹp tâm hồn của người tù cộng sản Hồ Chí Minh. Đó cũng chính là "chất tình" dào dạt và chất "thép" cứng cỏi thường gặp trong thơ Người.
Hai câu sau: Bức tranh cuộc sống con người miền sơn cước:
"Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết lò than đã rực hồng".
("Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng".)
Trên con đường chuyển lao, ánh mắt người tù cộng sản nhận ra người lao động trong công việc: cô gái xóm núi xay ngô. Cũng như các nhà thơ, nhà văn xưa, tấm lòng nhân đạo của họ hướng về những con người yếu đuối: người phụ nữ có số phận bất hạnh (Thúy Kiều trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du; nàng Vũ Nương trong truyện "Người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ; nàng chinh phụ lẻ loi chờ chồng trong "Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn...); Bác cũng hướng tới người phụ nữ, nhưng trong thơ Bác, đó lại là một người phụ nữ lao động bình thường, giản dị trong lao động. Đó chính là tình yêu thương của một chiến sĩ cộng sản đối với con người thuộc giai cấp vô sản, nhân dân lao động – đối tượng mà người dành cả cuộc đời mình đấu tranh vì họ. Điệp ngữ "ma bao túc" ở cuối câu ba được lặp lại ở đầu câu bốn, gợi tả những vòng xoay liên tục, liên tục của cái cối xay ngô. Những vòng xoay liên tục ấy gợi ra không khí làm việc miệt mài, chăm chỉ và vẻ đẹp khỏe khoắn trong lao động của cô gái xóm núi. Cuối bài thơ là chữ "hồng", được xem là "nhãn tự" của bài thơ. Một chữ "hồng" gợi không gian sáng rực, gợi không khí ấm áp, tươi vui. Thế đấy, dù đang mệt mỏi, cô đơn là thế, chỉ cần nhìn thấy người lao động cần cù, chăm chỉ trong cuộc sống đời thường, tâm hồn Bác đã rực lên niềm vui, ấm áp trở lại. Không như quy luật thông thường, chiều rồi chuyển dần về tối, cuối bài thơ lại là không gian sáng rực. Cái tài tình của Bác cũng là ở chỗ này. Cả bài thơ không có một chữ "tối", thế mà người đọc vẫn thấy thời gian đã về tối rồi. Chính cái ánh lửa đỏ rực của lò than khiến người ta nhận ra điều đó, bởi trời có tối thì nhìn từ xa mới thấy được ánh lửa đỏ rực lên. Cùng với sự vận động của thời gian là sự vận động trong tư tưởng của Người: từ buồn sang vui, từ lạnh lẽo cô đơn sang ấm nóng tình người. Bác là thế đấy: dạt dào tình yêu – yêu con người, yêu cuộc sống mà vẫn luôn cứng cỏi, kiên cường, luôn lạc quan, yêu đời, luôn hướng về ánh sáng, tương lai. Hình ảnh con người trở thành trung tâm của bức tranh thiên nhiên và mạch thơ vận động hướng về sự sống, về ánh sáng ấy khiến hai câu sau đậm tính hiện đại.
Cả bài thơ chỉ với hai mươi tám chữ mà chứa đựng biết bao nhiêu cảm xúc, ý nghĩa. Người đọc không thể nào quên được một tâm hồn thi sĩ chan chứa tình yêu thiên nhiên, tình yêu con người, yêu cuộc sống và cũng không thể nào quên được bản lĩnh "thép" của người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh – dù trong hoàn cảnh nào vẫn luôn ung dung tự tại, lạc quan, yêu đời, vượt lên trên tất cả để vui với niềm vui của người lao động, để hướng về phía ánh sáng, tương lai.
Tóm lại, "Chiều tối" là một trong những bài thơ tiêu biểu của tập "Nhật kí trong tù". Sự kết hợp giữa bút pháp cổ điển và tinh thần hiện đại làm bài thơ vừa có dáng dấp của một bài thơ tứ tuyệt cổ kính vừa mang đậm tinh thần thời đại. Bài thơ vẽ ra bức tranh thiên nhiên và cuộc sống con người miền sơn cước mà Bác thấy trên đường chuyển lao, từ đó người đọc thấy được tình yêu thiên nhiên, cuộc sống; tinh thần lạc quan yêu đời, luôn hướng về ánh sáng, tin tưởng vào tương lai, vận mệnh đất nước của Hồ Chí Minh. Bài thơ là minh chứng tiêu biểu cho "những vần thơ thép" mà vẫn "mênh mông bát ngát tình" của Bác.
Nghệ thuật cả bài thơ:
Với hệ thống từ ngữ cô đọng, hàm súc, thủ pháp đối lập, điệp từ liên hoàn...bài thơ bộc lộ vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách của 1 nghệ sĩ , 1 nhà cách mạng vĩ đại.
IV. Tổng Kết
Bài thơ Chiều tối đã để lại ấn tượng trong lòng độc giả về những bức tranh thiên nhiên và con người miền Sơn cước, qua những nét vẽ vừa cổ điển, vừa hiện đại. Bài thơ đã làm cho người đọc xúc động trước tình cảm nhân ái, bao la của người tù chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh. Dù phải sống trong hoàn cảnh tù đầy nơi đất khách quê người, nhưng Bác vẫn vượt lên trên tất cả sự khổ đau, đọa đầy về thể xác, để đem đến cho người đọc những vần thơ tuyệt bút. Tâm hồn của Người đã vượt lên trên cái khổ hạnh, vươn ra khỏi song sắt để hướng đến hình ảnh những con người lao động.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top