Đề văn số 2 - A1 royal
Đã bao giờ, bạn thử đặt bút, phân tích và khám phá bản thân, để xác định hướng đi phù hợp nhất cho mình? Đã bao giờ bạn dành khoảng 1 tiếng trong 1 buổi, hoặc 1 buổi trong 1 ngày của quỹ thời gian bận rộn cắm đầu vào những buổi học thêm, luyện thi... để nghĩ cho việc lựa chọn nghề nghiệp.Mỗi người trong chúng ta đều trải qua những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Khi rời ghế nhà trường, ai cũng phải tính đến việc đi làm để tạo cho mình một cuộc sống tự lập. Tìm một nghề để làm là chuyện không đơn giản: Bạn chọn nghề gì? Liệu bạn có đủ điều kiện theo đuổi nghề đó không? Bạn có yêu nghề đó và mãi mãi gắn bó với nó không? v.v… Những câu hỏi như vậy không dễ trả lời.
Tôi là ai trong môi trường và những mối quan hệ xã hội? Tôi có thế mạnh trong những môn học nào? Tôi có những tố chất và khả năng cá nhân gì? Mong ước và khát vọng của cuộc đời tôi như thế nào? Xu hướng nghề nghiệp những năm tới của xã hội sẽ ra sao?
Bạn đang là học sinh lớp 12? Bạn điền vào hồ sơ đăng ký dự thi ở mục "mã ngành, mã trường" chỉ vì: nhiều bạn trong lớp năm nay cũng chọn ngành này; vì "nghe nó hấp dẫn và đang sốt"; vì "bố mẹ muốn thế"; vì "điểm chuẩn năm ngoái thấp, có nhiều khả năng trúng tuyển"; hay đơn giản chỉ vì "thời gian nộp hồ sơ đã hết nên phải làm đại cho kịp"?
Bạn từng thi ĐH một lần và đang quyết chí đèn sách năm nữa để ứng thí? Hay bạn đang học lớp 12 nhưng băn khoăn liệu có nên thi ĐH hay còn những lựa chọn khác phù hợp hơn với mình?
Bạn đang là học sinh lớp 10, 11? Đã bao giờ bạn nghĩ tới chuyện học xong THPT, sẽ chọn tiếp con đường tương lai của mình như thế nào? Hay đơn giản "đến năm cuối cấp...rồi sẽ tính"?
Chúng ta đang ở thập niên đầu của thế kỷ XXI. Ngày nay, nghề nghiệp trong xã hội có những chuyển biến nhiều so với những giai đoạn trước đây. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đang tạo điều kiện để nhân loại tiến từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức. Đó là nền kinh tế được xây dựng trên cơ sở sản xuất, phân phối và sử dụng tri thức, thông tin, trong đó máy tính và các công nghệ truyền thông, viễn thông là những yếu tố tạo ra lợi thế so sánh của mỗi quốc gia. Nếu con người không chiếm lĩnh được tri thức, không sáng tạo và sử dụng được thông tin trong các ngành sản xuất, dịch vụ thì không thể làm ăn được trong sự cạnh tranh quyết liệt của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Muốn có một cuộc sống tương lai hạnh phúc, mỗi người chúng ta cần có trong tay ít nhất một nghề và biết được nhiều nghề, có khả năng di chuyển nghề nghiệp, có năng lực tự tạo được việc làm trong bất kỳ hoàn cảnh sống nào. Không chủ động được trong việc chọn nghề, không đủ tri thức, học vấn để theo học nghề v.v…là những điều mà các bạn không nên để xảy ra với mình.
Điểm tựa chủ yếu của quá trình xây dựng một sự nghiệp không phải nằm ở nghề nghiệp hay ở “tam bảo” (thiên thời, địa lợi, nhân hòa). Nó nằm tại cõi sâu trong lòng người lập nghiệp. Cái “cõi sâu” ấy tự mình phải biết khám phá, biết khai phá và biết vận dụng, mới thành công. Nếu bạn chưa tự khám phá được “cõi sâu” đó, hãy tìm đến chuyên viên trắc nghiệm hoặc tư vấn tâm lý để được giúp đỡ.
(Thông điệp của một tổ chức hướng nghiệp ở Đài Loan)
Chọn nghề không nên chỉ căn cứ vào sở thích hay nguyện vọng. Sở thích (dù là thích đến tột đỉnh) cũng chưa hẳn là sở trường đích thực. Mặt khác, nếu có sở thích mà chỉ nuôi dưỡng nó bằng sự đam mê chứ không bằng sự dày công luyện tập và chí thú học hỏi, thì sớm muộn sở thích đó cũng sẽ bị “giã từ”
(Nguyễn Khắc Viện)
Quan điểm chọn nghề của các bạn trẻ hiện nay đa phần là chạy theo mốt,chạy theo thành tích và bằng cấp.Nhiều bạn còn ảo tưởng, bị "hớp hồn" bởi "mác đại học" trong khi khả năng của mình hạn chế.
Chọn một nghề nghĩa là chọn cho mình một tương lai. Chọn nghề sai lầm là đặt cho mình một tương lai không thật sự vững chắc.
Để xác định bản thân mình phù hợp với ngành nghề nào, bạn hãy bắt đầu từ sở thích, tính cách và điều kiện của mình. Chọn ra những nghề nào thích hợp nhất để nghiên cứu và loại bỏ dần. Bạn có thể thực hiện những bài trắc nghiệm về nghề nghiệp. Dựa trên cơ sở năng lực, sở thích, quan điểm, nguyên tắc sống của bạn..., các trắc nghiệm sẽ đưa ra những tư vấn và dự đoán về nghề nghiệp hoặc nhóm ngành nghề phù hợp với bạn.
Tuy nhiên, không nên tuyệt đối hóa việc chọn nghề qua việc làm bài trắc nghiệm. Việc chọn nghề còn phải xét đủ những điều kiện vật chất, xã hội, kinh tế... ở xung quanh ta, và phối hợp với nhiều phương pháp khác để đạt được hiệu quả cao nhất.
Bạn hãy tận dụng các cơ hội để làm một số công việc liên quan tới nghề mình lựa chọn để khám phá năng lực, sở thích, tính cách bản thân mình có phù hợp với nghề đó hay không.Ví dụ: làm báo tường, viết bài gửi cho các báo... để xem mình có phù hợp với nghề báo không; làm thủ quĩ cho lớp để xem mình có phù hợp nghề kế toán không...
Bạn có thể tới các công ty, trung tâm tư vấn về tâm lý, giáo dục, nơi đó họ có đủ sách, tài liệu, kiến thức về các nghề nghiệp để tư vấn cho bạn. Hãy tham khảo ý kiến của thầy cô, người nhà, bạn bè... để đánh giá các sở thích và khả năng của mình phù hợp với ngành nghề nào.
Hãy tham dự các buổi thuyết trình của các báo cáo viên thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Hãy đến thư viện, lên Internet để tìm hiểu thêm về các lĩnh vực mà mình quan tâm. Tranh thủ nhiều nhất những điều kiện đang có để tham quan thực tế nghề nghiệp, tìm hiểu thêm thực tế nghề nghiệp qua một số cá nhân đang làm nghề.
Trao đổi với những ai đã thành công trong lĩnh vực bạn sắp chọn. Hỏi về cách sống, cách làm việc, tìm hiểu cả môi trường làm việc, những thách thức nghề nghiệp, những khó khăn và thuận lợi trong nghề nghiệp, điều kiện phát triển...
Khám phá xem công việc này phù hợp với những tính cách nào. Bạn đã có gì và cần phải trang bị thêm những gì, để từ đó có những định hướng hợp lý nhất và có thể điều chỉnh khi phù hợp.
Hãy để sự lựa chọn của mình mở ra với nhiều nghề nghiệp khác nhau.
ĐỪng biến mình thành cỗ máy cứng nhắn,biến mình thành con rối phải nghe theo sự sắp đặt của người khác.DŨng cảm và quả quyết,bản lĩnh và tự tin tìm cho mình 1 nghề thích hợp.Bởi đó là cái nghiệp mà bạn sẽ mang theo suốt đời.
2.1
Kính thưa các vị đại biểu, các thày cô giáo và toàn thể các đồng chí!
Hiện nay, vấn đề lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai đối với tất cả chúng ta, đặc biệt là những học sinh cuối cấp như chúng tôi quả thật là rất khó. Tương lai đang mở ra trước mắt, phía trước có biết bao con đường để lựa chọn. Song, để chọn được một con đường thích hợp với khả năng của mỗi người thì đó là cả một vấn đề.
Như chúng ta đã biết, nghề nghiệp đóng một vai trò hết sức quan trọng trong sự ổn định cuộc sống của mỗi con người. Là những Đoàn viên chi đoàn khối 12, đối với chúng tôi, sự lựa chọn cho mình một nghề nghiệp cho tương lai là hết sức quan trọng. Đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, chúng tôi phải có sự lựa chọn thật đúng đắn nghề nghiệp tương lai sao cho công việc ấy phải phù hợp với năng lực, trình độ của bản thân và phải giúp ích cho đất nước.
Khi nhìn vào thực tế, chúng ta đã thấy không ít các bạn trẻ đã có sự lựa chọn rất rõ ràng, đó là: "Sau 12 năm học tập, rèn luyện vất vả trên ghế nhà trường, con đường tiếp theo sẽ là cổng trường Đại học!" . Vâng, "Cổng Trường Đại Học" đó vừa là ước mơ, vừa là cái đích của biết bao học sinh chúng ta. Vào được Đại học nghĩa là 12 năm đèn sách không hề bị uổng phí. Vào được Đại học cũng có nghĩa là bạn đã đền đáp được phần nào công lao vào sự vất vả của cha mẹ, thầy cô....
Vậy thì điều đáng quan tâm ở đây là gì? Vào Đại học là phải thi vào các trường Kinh tế quốc dân, Học viện tài chính, Ngoại thương, Bưu chính viễn thông, Bách khoa... Đó quả thực là những suy nghĩ hết sức tiêu cực và thực dụng. Mặt khác, không phải ai ai trong mỗi chúng ta cũng đều có khả năng bước qua được cánh cổng trường Đại học. Mỗi người đều có những hạn chế riêng của bản thân. Và đâu phải chỉ có mỗi con đường Đại học là duy nhất?! Chúng ta còn có rất nhiều con đường khác để lựa chọn sao cho phù hợp với trình độ và năng lực bản thân như vào các trường Cao đẳng, trung cấp, các trường hướng nghiệp dạy nghề... Vậy, điều quan trọng ở đây là gì? Quan trọng là bạn phải có sự say mê, hứng thú với nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn! Có niềm say mê, bạn sẽ làm được những điều mình muốn!
Một điều đáng nói nữa ở đây, đó là một số phụ huynh coi việc con cái mình thi đỗ các trường Đại học nổi tiếng là danh dự của cả gia đình. Có trường hợp còn bắt buộc con mình phải thi trường nọ, trường kia mà không hề nhìn vào thực lực học tập của con cái. Đây đúng là một vấn đề mà tất cả chúng ta cần phải nhìn nhận và xem xét lại một cách nghiêm túc và khách quan hơn.
Chỉ mới đây vài năm thôi, chúng ta đã thấy tình trạng là rất nhiều bạn trẻ đổ xô vào các trường như: Đại học Luật, Đại học Bách Khoa, Đại học Kinh tế... Họ ngày đêm học tập, dùi mài kinh sử. Kẻ trượt thì không nói làm gì, nhưng những người đỗ thì cũng thật đau xót không kém khi mà suốt bao năm miệt mài đèn sách, để rồi cầm tấm bằng tốt nghiệp loại ưu trong tay, nhưng vẫn thất nghiệp, không xin được việc làm.
Kính thưa các vị đại biểu, các thày cô giáo cùng toàn thể các đồng chí! Tôi thiết nghĩ các bạn trẻ phải có một sự lựa chọn nghề nghiệp cho đúng đắn, cho phù hợp với bản thân. Lựa chọn được một con đường đúng có nghĩa là bạn đã bắt đầu bước vào một cuộc hành trình mới, "một cuộc hành trình không khởi đầu với bước chân đầu tiên mà khởi đầu với lòng khát khao muốn đi tới nơi mà bạn chưa từng đặt chân đến"...
Đất nước ta hiện nay đang trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, rất cần phải có những người có lòng say mê, nhiệt tình với công việc mà mình lựa chọn. Bác Hồ đã từng nói: "Trong xã hội ta, không có nghề nghiệp thấp kém, chỉ có những kẻ lười biếng, ỷ lại mới đáng xấu hổ.... Tất cả những lao động có ích cho xã hội đều là vẻ vang". Như vậy, câu hỏi đặt ra là: Thế hệ trẻ chúng ta liệu có nhất thiết cứ phải thi vào các trường Đại học mới là tốt hay không?
Hiện nay, tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" đã trở nên khá phổ biến trong xã hội. Tại sao lại như vậy? Bởi vì những học sinh sau khi tốt nghiệp cấp III phần lớn đều lao vào các trường Đại học. Ai cũng muốn thử một lần thi cho biết thế nào là "mùi thi Đại học". Vâng, mới nghe thì các bạn có thể cho là buồn cười, song đó là sự thật!
Ước tính cứ khoảng 100 người thì có tới 97 học sinh "lều chõng" đi thi Đại học. Còn lại 3 người thì nộp đơn vào các trường Cao đẳng, trung cấp hay các trung tâm hướng nghiệp dạy nghề. Nếu như 97 người đó đều đỗ vào Đại học, đều say mê với nghề nghiệp mình lựa chọn thì đó quả thật là điều hết sức đáng mừng cho sự phát triển của đất nước, góp phần đưa nước ta trở thành một cường quốc hùng mạnh. Song, điều đáng nói ở đây là gì? Trên thực tế, trong 97 người đó, thì chỉ có không đầy 12 người thi đỗ đại học. Vâng, một con số hết sức "khiêm tốn"!
Và, một vấn đề nữa lại mở ra trước mắt: Những người trượt Đại học, họ sẽ làm gì trong khi cuộc sống vẫn tiếp diễn? Câu trả lời ở đây là "Nộp đại đơn xét tuyển vào một trường nào khác, bất kì, không cần biết mình thích hay không, miễn là ĐỖ!". Một số khác không đủ điểm xét tuyển thì sự lựa chọn duy nhất của họ là: "Ở nhà!". Hoặc họ sẽ lao vào những công việc kiếm tiền như buôn bán, chợ búa; Hoặc họ sẽ lại tiếp tục con đường trau dỗi kiến thức, chuẩn bị cho kì thi năm sau.
Vậy thì thử hỏi, chỉ không đầy 3 năm sau thôi, họ sẽ trở thành những con người như thế nào? Trong khi 3% bé nhỏ kia đã trở thành những người công nhân, những người thợ lành nghề, đã và đang đóng góp sức mình để xây dựng đất nước?
Các bạn ạ, là một người thợ không có gì phải xấu hổ cả. Đó cũng là một cái nghề đáng kính trọng trong xã hội như bao nghề khác. Nó cũng phục vụ đất nước, góp phần tạo nên nền tảng cho nền kinh tế nước nhà. Có người nói rằng: "Mỗi lần bạn lựa chọn một cách có ý thức là bạn đã học được một bài học tự tin" và "Khi không làm được những điều bạn muốn, hãy làm những điều bạn có thể làm". Vâng, điều đó có nghĩa là gì ạ? Chúng ta không nhất thiết là cứ phải thi vào các trường Đại học. Càng không nên chạy theo "mốt" thi vào trường nọ trường kia. Hãy tự tin và lựa chọn con đường mà mình cho là phù hợp nhất với bản thân!
Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang rất chủ trương đầu tư cho việc dạy nghề, đào tạo những người thợ giỏi, có kĩ năng làm việc và tinh thần trách nhiệm cao, có lòng say mê với công việc của mình. Đó chính là một đường lối mới cần được phát huy hiện nay. Và phải chăng, đó cũng chính là một cánh cửa khác để chúng ta lựa chọn?!
Nhưng để đảm bảo cho bản thân có một nghề nghiệp trong tương lai, trước hết, mỗi chúng ta đều phải luôn học hỏi, không ngừng rèn luyện, nâng cao trình độ của chính mình. Không những chúng ta học cho bản thân, cho tương lai của chính mình, mà còn học để góp phần xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp hơn.
.....
Các bạn ạ, tương lai đang mở rộng và dang tay chào đón tất cả chúng ta. Các bạn hãy mạnh dạn lựa chọn cho mình một con đường, một nghề nghiệp phù hợp với trình độ và khả năng của bản thân để sau này, khỏi phải hối tiếc khi nghĩ về sự lựa chọn của mình.
Kính thưa các vị đại biểu, các thày cô giáo và toàn thể các đồng chí, chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết:
"Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông
Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công"
Mỗi Đoàn viên chúng ta hãy ra sức tự rèn luyện bản thân mình để nâng cao phẩm chất và đạo đức của người Đoàn viên thanh niên. Từ đó tạo cho mình một vốn tri thức để vững vàng đi lên trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chúng ta hãy tự tin hơn trong cuộc sống, hãy lựa chọn một nghề nghiệp thích hợp cho tương lai của chính bản thân mình và cũng là cho chính dân tộc mình.
"Để bay cao trong cuộc đời, bạn phải cất cánh với chính đôi cánh của bạn". Đó là một quan điểm sống rất đúng đắn mà cũng ta cần phải tiếp thu và học tập.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top