Đề 2

Phân tích nét đẹp ân tình, thủy chung của con người Việt Nam qua hai bài thơ  “ Bếp lửa” ( Bằng Việt ) và “ Ánh Trăng”  ( Nguyễn Duy ).
Nhà thơ Tố Hữu đã từng khẳng định:
“ Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay
Ra sông nhớ suối có ngày nhớ đêm”
Vâng! Giọng thơ vẫn cứ nhẹ nhàng miên man nhưng lại thấm đẫm nỗi buồn tư lự, gợi ta nhớ về một nét đẹp trong truyền thống văn hóa “ Uống nước nhớ nguồn “ của dân tộc tự bao đời nay. Chung mạch nguồn cảm hứng ấy, cả Bằng Việt và Nguyễn Duy đều có cho mình đứa con tinh thần để truyền tải trọn vẹn vẻ đẹp đó theo những cách rất riêng. “Bếp lửa” và “Ánh trăng” ra đời như để tái hiện lại nét đẹp ân tình, thủy chung của con người đối với những tháng năm đã qua, bày tỏ suy nghĩ, chiêm nghiệm về triết lý nhân sinh cũng như đi tìm lại cái đẹp tinh khôi của đạo lý ân nghĩa với quá khứ mà những tưởng nó đã ngủ ngon vào trong quên lãng.
Thật vậy! “ Bếp lửa” là đứa con tinh thần đầu tiên của Bằng Việt được ông viết vào năm 1963 khi đang là sinh viên học đại học ở nước ngoài. Còn “Ánh trăng” là câu chuyện riêng của Nguyễn Duy được ông sáng tác vào năm 1978, lúc bấy giờ, nhà thơ đã rời khỏi quân ngũ và đang làm công tác văn nghệ. Hai người thi nhân đều là người đã từng sống, từng trải qua những năm tháng khó khăn, thiếu thốn đến khốc liệt của chiến tranh và được cưu mang, giúp đỡ. Vì thế, khi viết những tác phẩm này – hai con người năm cũ đều  đã được hưởng cuộc sống hòa bình, hiện đại – đã bày tỏ lòng biết ơn, thương nhớ, mang ơn tạo thành một nét đẹp nhân văn trong lối sống nghĩa tình của dân tộc Việt Nam.
Đến  với “ Bếp lửa”, ta như được giọng thơ thủ thỉ, tâm tình đưa vào cõi mộng, đến với một thế giới khác, thế giới của những hồi tưởng, của những ân tình thầm lặng mà lớn lao của người bà đối với đứa cháu nhỏ. Vì thế, mãi tận sau này, sau khi đã trưởng thành, khôn lớn, ở nơi đất khách quê người, nhà thơ vẫn ôm trong mình nỗi nhớ đau đáu về bà, về tình cảm của bà, về những tháng năm tuy nghèo khó vật chất nhưng đủ đầy thương yêu.
Nỗi nhớ bà của Bằng Việt được khơi gợi từ những điều rất đỗi bình dị, thân thương:
“ Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”
Ba tiếng “một bếp lửa” được nhắc lại hai lần, trở thành điệp khúc da diết ngay từ những dòng đầu tiên.  “Bếp lửa chờn vờn sương sớm” là hình ảnh quen thuộc đối với mỗi gia đình Việt Nam trước đây. Gợi cái lạnh của sương sớm, hình ảnh bếp lửa hiện lên càng có sức bật mạnh mẽ, trữ tình và sâu lắng hơn, khiến ta cảm thấy dường như nó đang tỏa ra hơi ấm để xua tan lạnh lẽo. Từ đó, biết bao tình cảm thân thương, “ ấp iu nồng đượm” ùa về trong dòng suy nghĩ miên man. Từ láy “chờn vờn” rất thực, như gợi nhớ, gợi thương đến dáng hình bập bùng của ngọn lửa, mờ ảo, rung rinh, in bóng hắt hiu lên vách nhà, líp cửa. “Ấp iu” lại gợi bàn tay kiên nhẫn khéo léo và tấm lòng tỉ mẫn chăm chút của người nhóm bếp. Hình ảnh “bếp lửa” hiện lên huyền ảo trở thành cái nền để chân dung người bà tần tảo, chịu đựng gian khó, “nắng mưa” trở nên nổi bật. Nhớ về bà là nhớ về những cảm xúc chân thực, rõ ràng, về một thời ký ức xa xôi đã được cháu gọi thành tên: “ cháu thương bà”. Trong tâm tưởng của người cháu xa quê, hồi tưởng về biểu tượng bếp lửa là mở đầu cho biết bao nhớ thương, yêu mến, biết bao nghẹn ngào, thiết tha của cả một thời tuổi thơ ở cạnh bà.
Ánh sáng được thắp lên từ “bếp lửa” đã lan tỏa khắp các vần thơ, mở đường soi lối cho biết bao ngẫm nghĩ, suy tư về côi nguồn của yêu thương, nguồn gốc của biết bao vất vả trăm bề:
“ Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ “
Chất trữ tình, biểu cảm vẫn bao bọc, ôm ấp nơi đầu bút. Thế nhưng dòng suy tưởng đã phần nào nhuốm màu nghị luận. Từ láy “lận đận” gợi cả một cuộc đời vất vả, thăng trầm “nắng mưa”, càng nêu bật đức tính hy sinh cao cả của bà. Trải qua ngần ấy khó khăn, hình ảnh người bà vẫn song hành cùng biểu tượng bếp lửa.”Mấy chục năm rồi”, lời thơ như chực chờ lay động, len lỏi, một trường đoạn dài ký ức bỗng vụt qua trước mắt. Quả thật, đây chính là phép gợi thời gian hoàn hảo nhất, gợi mà như đếm, đếm những lo toan khó nhọc, đếm những khi khói bếp làm mắt cay xè. Hơn thế, điệp từ “nhóm” cứ ngân lên lay động câu thơ, trĩu lòng độc giả. Mỗi hình ảnh lại là một dòng suy ngẫm nối liền, mạch cảm xúc được chấp nối qua những vần thơ tạo nên trường liên tưởng kéo dài, triền miên. Bà nhóm bếp lửa, Bằng Việt lại nhóm hoài niệm, suy tư trong lòng người. Bà là người giữ lửa, cũng là người truyền lửa, truyền hy vọng, sức sống. Hình ảnh người bà tuy giản dị mà mang đậm chiều sâu tư tưởng, để rồi từ đó, mạch cảm xúc chực chờ dồn nén bỗng vỡ tung qua câu cảm thán:
“Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa”
Kì lạ? Tại sao kì lạ? Phải chăng là những yêu thương, suy tưởng đã chất chứa lâu ngày, những tưởng đã chìm vào quên lãng nay bỗng vực dậy, làm sống lại cả một hồn thơ, một tâm hồn con trẻ.
Đan xen giữa những hồi tưởng mông lung, bỗng nhiên nhà thơ lại đưa độc giả trở về với hiện tại:
“ Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu

Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”
ở chân trời xa xôi, nơi mà “bếp lửa” bám đầy bụi khói đã được thay thế bằng bếp điện. Ấy vậy mà đứa cháu vẫn không nguôi lòng ngóng trông về quê nhà. Bút pháp liệt kê, lặp cấu trúc “có…trăm” đã mở ra một chân trời rộng lớn, hiện đại. Thế nhưng, bếp lửa bập bùng vẫn là nỗi niềm đau đáu trong lòng cháu. Trong dáng hình tần tảo của bà ấp ủ một nghị lực phi thường, một “niềm tin dai dẳng”. Lòng kính yêu, trân trọng bà đã trở thành sự gắn kết với gia đình, quê hương, đất nước cũng như lòng biết ơn và ghi khắc của tác giả đối với cội nguồn che chở ấy.
“ Bếp lửa” chính là một niềm tin ấm lòng, niềm cảm xúc thiêng liêng giữa những kỉ niệm tuổi thơ đang ngày càng xa tầm với. Thông qua đó, nhà thơ bộc lộ tình yêu nước nhà, quê hương. Ngọn lửa của tình bà cháu luôn sưởi ấm, soi rọi cho tác giả trên suốt mọi nẻo đường. “Bếp lửa” đã không dừng lại ở một bài thơ, vì thông điệp Bằng Việt muốn truyền tải lớn hơn như thế, nó là nơi ấp ủ, chở che, là lời nhắc dù trên chuyến hành trình nào của cuộc đời, con người ta có thể lãng quên nhiều thứ, nhưng tuyệt đối không bao giờ được quên những ân tình thủy chung này. Đây là điều khiến hồn thơ tác giả luôn nặng lòng trong xuyên suốt tác phẩm đầu tay.

Còn đến với Nguyễn Duy, “Ánh trăng” tựa như cuốn hồi ký hồi tưởng về những tháng năm đã qua. Từ xưa đến nay, trong văn học, “trăng” luôn là một hình tượng muôn thuở nhưng không bao giờ cũ. Trăng là chứng nhân cho lời thề nguyện của đôi lứa tự tình:
“ Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai mặt một lời song song”
( Truyện Kiều )
Là hình ảnh lãng mạng pha nỗi trầm buồn, xót xa trong thơ Hàn Mạc Tử:
“ Hôm nay có một nửa trăng thôi
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi”
Hay “ Mở cửa nhìn trăng, trăng tái mặt
Khép phòng đốt nến, nến rơi châu”
Vậy đấy! Thế mà trăng đến với thơ Nguyễn Duy lại có chút gì đó vội vã, không mang vẻ văn chương, mĩ miều, giọng thơ nhanh, mang dáng vấp tâm tình thủ thỉ. Nhờ vậy, lời nhắn gửi của tác giả đến người đọc cũng trở nên gần gũi, thân thương hơn: “Không bao giờ được quên đi những giá trị tinh thần quý giá đã từng đồng hành và gắn bó với mình”.

Thật vậy! Và điều này được thể hiện rõ nhất ở hai khổ thơ cuối. Sự trở lại đột ngột của vầng trăng – những tưởng đã chìm sâu vào quên lãng – tạo nên một cuộc gặp gỡ bất ngờ. Lúc này, con người không muốn chạy trốn trăng, chạy trốn chính mình nữa:
“ Ngửa mặt lên nhìn mặt

đủ  cho ta giật mình”
Tư thế “ngửa mặt lên nhìn mặt” là tư thế đối diện, “mặt” ở đây là chỉ mặt trăng tròn và khuôn mặt con người. Tác giả nhìn thấy trăng  mà như trông thấy người bạn tri kỉ năm nào. Cách viết thật lạ mà cũng thật sâu sắc.  Những cảm xúc nghẹn ngào bất chợt trào ra từ câu chữ. Cuộc hội ngộ không ngờ đến của Nguyễn Duy và “người quen cũ” khiến mạch thơ trở nên vội vã và hối hả hơn. Niềm hạnh phúc của nhà thơ trào dâng, như đứa trẻ  vui mừng khi tỉnh dậy khỏi chiêm bao. Sự xuất hiện đột ngột, không báo trước của người bạn “ngỡ không bao giờ quên” làm ùa dậy trong tâm trí tác giả biết bao kỉ niệm quá khứ tốt đẹp khi cuộc sống còn lắm nghèo nàn, gian lao. Lúc ấy, con người với thiên nhiên còn là người bạn, người “tri kỉ”. Đối mặt với vầng trăng và đối mặt với cuốn phim ký ức tua chậm trước mắt, đối mặt với tuổi thơ gắn bó cùng “sông”, cùng “bể”. Làm cho người lính trào dâng nỗi niềm và những giọt nước mắt tự nhiên, không khiên cưỡng. Điều này phần nào làm cho tâm hồn nhà thơ thanh thản hơn, nội tâm trong sáng lại. Một lần nữa, hình tượng tuổi thơ và chiến tranh được láy lại làm sáng tỏ những điều mà con người không cảm nhận được. Tâm hồn ấy, vẻ đẹp mộc mạc ấy sẽ không bao giờ bị mất đi bởi nó luôn lặng lẽ sống trong thâm tâm mỗi người và sẽ lên tiếng khi con người đứng trước nguy cơ bị che mắt bởi những phù hoa danh vọng. Hình ảnh “trăng tròn vành vạnh” là vẻ đẹp của sự viên mãn, đủ đầy, không bị suy suyễn dù cho trải qua biết bao thăng trầm. Trăng “im phăng phắc”, không nói gì, mà chỉ nhìn, lặng lẽ nhìn. Nhưng cái nhìn đủ làm con người ta giật mình thức tỉnh. Ở đây có sự đối lập giữa hình tượng “tròn vành vạnh” và “kẻ vô tình”, giữa cái “im phăng phắc” của trăng và “giật mình” của người lính. Vầng trăng có ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Hình ảnh “trăng tròn vành vạnh” ngoài ý nghĩa là vẻ đẹp thủy chung, nhân hậu, bao dung của thiên nhiên, của con người, nhân dân, đất nước. Hình ảnh “ánh trăng im phăng phắc” có ý nghĩa nhắc nhở nhà thơ và cả mỗi người chúng ta: con người có thể vô tình, có thể lãng quên thiên nhiên, nghĩa tình quá khứ nhưng thiên nhiên, nghĩa tình quá khứ thì vẫn luôn tròn đầy, bất diệt. Sự trách móc, hờn giận trong cái im lặng của vầng trăng chính là sự tự vấn lương tâm  dẫn đến cái “giật mình” ở câu thơ cuối. “Giật mình” là cảm giác và phản xạ tâm lí của một hành động thật, chân thực của một con người biết suy nghĩ, chợt nhận ra sự vô tình, bạc bẽo và nông nổi trong cách sống của mình. Nó còn thể hiện sự ăn năn, tự trách, tự thấy phải có sự thay đổi trong lối sống. Ngoài ra, cái “giật mình” còn nhắc nhở bản thân không bao giờ đươc làm người phản bội quá khứ, thiên nhiên, sùng bái hiện tại mà coi rẻ nhưng tháng năm đã qua. Thiên nhiên thật nghiêm khắc, lạnh lùng trừng trị mà cũng thật ân tình, độ lượng. Vầng trăng nghĩa tình và thiên nhiên là bất diệt, tồn tại vĩnh cữu. Ánh trăng chính là tấm gương soi phản chiếu để ta nhìn thấy mặt thật của mình, kéo ta dậy khỏi những ngổn ngang, bộn bề của cuôc sống để trở lại đúng với chính mình.
Từ đó có thể thấy, tuy được sáng tác cách nhau gần hai thập kỉ, thế nhưng ta vẫn tìm thấy được nét tương đồng giữa hai bài thơ. Cảm hứng chủ đạo của cả Bằng Việt và Nguyễn Duy đều được khơi gợi từ những hình ảnh gắn bó, gần gũi, quen thuộc. Từ đó, khái quát lên thành hình tượng thơ giàu ý nghĩa. Hơn thế, nó còn xuất phát và gắn liền với những ký ức sâu đậm mà nay đã xa xôi. Cùng được thể hiện bằng giọng thơ tự sự, giải bày, “Bếp lửa” và “Ánh trăng” đã tạo nên một câu chuyện thấm thía về việc nhớ ơn nguồn cội. Từ đó đưa đến những suy nghĩ, chiêm nghiệm thấm thía mang tầm triết lí nhân sinh sâu sắc.
Tuy vậy, ở mỗi bài thơ ta lại cảm nhận được một nét trữ tình rất khác. Nếu “Bếp lửa” được khơi nguồn từ một hình ảnh trong đời sống sinh hoạt ấm áp, thường nhật của gia đình thì “Ánh trăng” lại bắt đầu bằng một hình tượng hùng vĩ của thiên nhiên, lớn lao cao cả. Hồn thơ Bằng Việt gắn liền với những năm tháng tuổi thơ, còn trang viết Nguyễn Duy lại mang nặng cái tình người lính cùng với những tháng năm chiến đấu gian khổ mà nghĩa tình. Gợi tình bà cháu, tình cảm gia đình, quê hương, đất nước, “đứa cháu năm xưa” biến nó thành nguồn sống, nguồn di dưỡng tâm hồn mình trong suốt cuộc đời. Còn đối với người lính của Nguyễn Duy thì lại khác, ông gợi hình ảnh ánh trăng đại diện cho nguồn sáng lay thức, soi thấu vào lương tri để từ đó con người ta thức thức tỉnh , suy ngẫm, nhận ra chính mình. Soi vào quá khứ để điều chỉnh sự lệch lạc của hiện tại, rút ra bài học đắt giá cho mỗi người.
Dù vậy, với nét đẹp nào thì mỗi tác phẩm cũng đều có ý nghĩa thấm thía và ghi dấu ấn sâu đậm với độc giả trong dòng chảy văn học mênh mông của nước nhà.           
" Bếp lửa" của Bằng Việt và " Ánh trăng" của  Nguyễn Duy đã gợi cho ta nhiều suy nghĩ về lẽ sống ân tình thủy chung với cuộc đời. Hai bài thơ đã kết thúc nhưng biết bao suy nghĩ, chiêm nghiệm thì vẫn còn đó – như để níu giữ, soi tỏ  những ngổn ngang nơi lòng người, thức tỉnh những tâm hồn đang chìm đắm trong phù hoa, tìm lại chính mình. Vẫn biết rằng người ta không thể nào mãi đắm mình trong quá khứ mà phải bước tiếp cho hiện tại. Nhưng hiện tại cũng không thể nào tiếp bước nếu không có bước đệm của quá khứ. Nên nhớ rằng: Không ai có quyền lãng quên quá khứ! 
“ Xin đừng tham đó bỏ đăng
Thấy lê quên lựu, thấy trăng quên đèn”

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top