Văn hóa: Học hành - Thi cử
1. Chuyện học
1.1. Giáo dục trong cung đình
Trong cung đình việc học tập của các Hoàng tử, Hoàng thân đã được tiến hành từ rất sớm. Thời đầu, ngay khi còn chưa lập triều nhưng hoàng tử vừa lên ngôi Đông Cung, vua cho dựng nhà Thái Học, sai văn sĩ làm Phụ đạo, thêm vào đó là 2 thị giảng, 8 Hàn lâm viện thị học, 6 Quốc tử giám thị học. Hàng ngày 2 buổi sáng chiều giảng dạy, việc học hành, lời ăn tiếng nói của thái tử đều được báo lên cho Vua hàng tháng.
Sau này, khi Lạc Hoàng Đại Đế tái thống nhất đất nước, vừa lên ngôi đã có chiếu cho các hoàng tử , thái tử vào học tại Hữu Phương Đường, lấy các Đại học sĩ sung chức giảng quan, Bộ Lại chọn thêm 8 người có tài, siêng năng cho làm thư đồng hầu các hoàng tử, hoàng thân.
Định ra quy chế giảng dạy ở nhà học Dục Đức như sau:
- Cho phép thầy dạy được dùng roi để phạt các hoàng tử, 2 viên giáo đạo sẽ được đem roi mây để thi hành.
- Chính giữa nhà học để án sách, gian phía Tây đặt chỗ cho người giảng bài, 2 viên giáo đạo cùng ngồi một chiếu.
- Gian bên Đông đặt chỗ nghe giảng bài của các hoàng tử, phải đặt thấp hơn chiếu của giáo đạo.
- Hàng năm, trước ngày khai giảng, Khâm Thiên Giám sẽ chọn ngày báo cho Bộ Lễ mang lễ vật. Sáng sớm hôm đó, một viên giáo đạo ăn mặc chỉnh tề làm lễ dâng rượu 3 lần, viên giáo đạo thứ 2 làm lễ 4 lễ, các Hoàng tử và các viên Giảng tập đều làm lễ 4 lễ.
Ngoài Thái tử, Hoàng tử, việc dạy dỗ cho các con em khác trong Hoàng tộc cũng được chú trọng.
Vua ra chiếu chọn lấy 60 con em nhỏ tuổi thuộc hàng Tôn thân từ 3 đời trở xuống cho vào vào nhà Thái học tu tập, gọi là "Tôn sinh", lại cấp thêm cho lương tháng và mũ áo riêng.
Bộ Lễ xin định ra Tôn học khóa trình như sau:
- Học quan dạy các Tôn sinh phải khảo xét xem các học sinh ai chăm ai lười, ai hay nghỉ, văn lý, kinh nghĩa hay dở ra sao...sau đó tâu lên. Nếu ai được hạng Ưu thì được tăng gấp đôi lương bổng, ai hạng Bình thì giữ nguyên lương bổng, hạng Thứ bị cắt 1/3, hạng Liệt bị cắt một nửa.
- Lệ xin nghỉ học: Giỗ song thân (Cha mẹ) được nghỉ 5 ngày, giỗ tổ tiên được nghỉ 3 ngày, bị bệnh nặng nghỉ ốm 10 ngày, nếu bị nặng hơn nữa có thể gia hạn them, còn như vô cớ nghỉ học sẽ bị đánh đòn.
Năm Càng Thịnh thứ 154, triều đình lại ban cho các Tôn sinh mỗi người một bộ Tứ thư cùng giấy, nghiên, bút, mực. Lại ra thêm quy định những người sát hạch định kỳ nếu được Ưu hạng thì ngoài được tăng lương bổng cũng được thưởng thêm bút và sách.
Không chỉ những hoàng thân quốc thích, đối tượng là con em quan lại cũng có chương trình giáo dục.
Con các quan được cho vào Quốc Tử Giám dạy được gọi là Ấm sinh, đều phải tuyển người thông minh hiếu học, qua một kỳ khảo hạch rồi được nhập học. Việc dạy cho các Ấm sinh bắt đầu được đặt ra.
Về sau, định ra lệ chu cấp lương bổng cho Ấm sinh, người nào cha đã mất hay nghỉ thì lương vẫn như lệ cũ. Nếu còn tại chức thì phải qua xét hạch, được hạng ưu và bình thì cấp 3 cân dầu 2 quan tiền giấy bút, chưa qua xét hạch hạng nhất và nhì vẫn được 3 cân dầu 2 quan tiền, hạng 3 được 2 cân dầu 2 quan tiền. Còn lại gạo lương đều cấp phát như nhau theo quy định triều đình.
1.2. Trong dân gian
Việc giáo dục trong cả nước được đặt dưới sự quản lý của Bộ Lễ, dưới đến cấp tỉnh thì quan Đốc học , cấp phủ là Giáo thụ, cấp huyện châu là Huấn đạo đều do triều đình bổ nhiệm.
Các sĩ tử học ở trường tư khá thì sẽ được đến học ở trường công của các quan Giáo thụ, Huấn đạo, Đốc học đợi khoa thi Hương.
Ra điều lệ thưởng phạt học quan các địa phương :
- Các sĩ tử trong địa phận học quan chịu trách nhiệm nếu trong 50 người trở xuống có một người đỗ Phó Bảng thì các học quan tại chức đã đủ 3 năm được thăng 1 cấp, nếu có 1 người đỗ Tiến sĩ thì được thăng 1 cấp và tăng lương thêm 1 bậc.
- Từ 60 – 100 người, có một người đỗ Phó Bảng thì tăng lương 2 bậc, 1 người đỗ Tiến sĩ thì tăng lương 3 bậc.
- Từ 600 - 1000 người, có 1 người đỗ Phó Bảng, tăng lương 1 bậc, có 1 người đỗ Tiến sĩ tăng lương 2 bậc.
- Tùy theo số người mà thưởng thêm, học trò nơi khác nhưng đến địa phương tu học mà đỗ đtạ, học quan cũng được thưởng.
- Về phạt: Nếu sĩ tử trong địa hạt đẫ được đi thi Hội mà bị hỏng thi thì học quan sở tại gồm Giáo thụ, Huấn đạo và quan Thượng ty đã tại chứ 1 năm trở lên bị phạt 3 tháng lương. Tại chức 2 năm bị phạt 9 tháng lương, tại chức 3 năm thì 1 năm lương.
2. Chuyện thi
Về đối tượng dự thi, cấm người:
- Đang có tang cha mẹ, tang ông bà nội (Nếu mình là cháu thừa trọng);
- Kẻ bất hiếu, bất mục loạn luân, vô đạo...
- Gia đình có người phạm tội giảo (treo cổ), chém và tội đi đày, sung quân (dù cho tội phạm đã mãn hạn bị phạt vẫn được tính).
- Thân thuộc với giặc phản nghịch, chia ra các cấp:
+) Thân thuộc với hạng trọng phạm đầu sỏ phản nghịch, thì 3 đời từ con đến chắt và tất cả những ai thuộc hàng chịu tang từ 3 năm tới 9 tháng đều bị cấm thi. Còn với những người thuộc hang chịu tang 5 tháng và đối tượng phản loạn đã chết thì vẫn cho thi. Tuy nhiên, thường kể cả những hạng chịu tang 5 tháng đi thi cũng không mấy người được lấy đỗ hay đỗ cao.
+) Thân thuộc với hạng thứ phạm phản nghịch, thì con cháu và người thuộc hàng chịu tang 1 năm đều bị cấm thi dù đối tượng phản loạn đã chết hay còn sống. Hàng chắt và người chịu tang hàng đại công (9 tháng) trở xuống vẫn được thi, nếu người phản loạn đã ra hang, rồi lập công chuộc tội thì con cháu vẫn không được đi thi nhưng người chịu tang hàng 1 năm thì được đi thi.
+) Thân thuộc với người tòng phạm cam tâm theo giặc nhưng ở chức thấp hoặc không có chức vụ thì con cháu bị cấm thi, người thuộc hàng chịu tang 1 năm được thi. Nếu người làm phản đã đầu thú, lập công chuộc tội hoặc khi người tòng phạm làm phản mà cháu còn nhỏ (6 tuổi trở xuống) thì đời cháu vẫn được đi thi.
+) Thân thuộc với hạng tòng phạm nhưng bị giặc ép buộc phải theo, không có chức tước gì thì đời con bị cấm thi nhưng cháu thì được. Nếu tòng phạm ra đầu thú lập công chuộc tội hoặc khi làm loạn con còn nhỏ (6 tuổi trở xuống) thì con được đi thi.
+) Theo đạo Công giáo thì bản thân bị cấm thi, nếu bỏ đạo thì được đi thi.
- Con cháu người làm nghề thấp hèn như xướng ca, mõ...
Sĩ tử đi thi cũng phải làm tờ cung khai tam đại được sự xác nhận của hương chức sở tại.
Sau đó lại vượt qua thi Khảo và thi Hạch tại cấp huyện châu rồi tỉnh, sau khi đã qua được thi Khảo, hương chức sở tại phải nộp danh sách và thong tin sĩ tử cho cấp tỉnh, trong đó ngoài việc báo về lý lịch ba đời còn phải khai rõ sĩ tử này học ở đâu, với thầy nào.
Danh sách này nộp lên cấp tỉnh rồi sẽ được sao ra làm 3 bản, một bản để lưu ở tỉnh, một bản chuyển vào kinh cho Bộ Lễ làm danh sách lưu trữ lúc cần sẽ đưa lên cho Vua, một bản thì giao cho quan chức giáo dục tại địa phương. Người đỗ đầu thi Khảo được gọi là "ông đầu xứ", những người đỗ khác được gọi là thầy khóa, ông khóa....
2.1. Thi Hương
Đầu thời Phù Nam, hoàng đế quy định cả nước có 6 trường thi Hương đặt ở 6 trấn:
- Trường Sài Gòn
- Trường Cần Thơ
- Trường Hà Tiên
- Trường Đà Lạt
- Trường Nha Trang
- Trường Mỹ Tho
Sau đó, mở thêm 2 trường là Bảo Lộc. Thứ 2 là Bạc Liêu.
Sau còn mở thêm trường Châu Đốc, Đồng Xoài.
Thời gian tổ chức thi Hương tại các trường cũng không giống nhau.
a) Tổ chức trường thi
- Mỗi vi trong trường thi có thể có 2 cửa.
- Trường quy không cấm sĩ tử mang giấy tới trường thi, nhưng chỉ được mang giấy trắng vào dùng làm nháp hoặc để thay quyển thi mới nếu quyển trước bị hỏng. Ai mang giấy dù chỉ là có 1 chữ trên đó cũng bị coi như phạm trường quy, bị đuổi đi.
- Trước đó sĩ tử nộp tiền, quan trường sau đó sẽ làm quyển thi, ghi thông tin sĩ tử tới ngày thi thì phát cho thí sinh. Sau đó, thì sĩ tử sẽ tự làm quyển thi, sau đó trước 1 tháng nộp cho quan trường để được đóng dấu, tới ngày thì nhận quyển thi, thông tin bản thân thì khi vào trường sĩ tử tự ghi lên quyển thi.
- Tại kinh thành Sài Gòn trường thi Hương sau đó lại được dùng luôn cho thi Hội, vì thế trường thi Hương tại Sài Gòn được xây cố định chắc chắn, địa điểm thì tùy thời kỳ mà thay đổi.
Về tổ chức nhân sự có sự phân công công việc chặt chẽ:
- Phần Ngoại liêm có:
+) Đội Thể sát: là các võ quan có chức vụ Cai đội và Suất đội lo an ninh và kiểm tra trong các vi. Trong đội Thể sát còn có các lính cơ, lính lệ và thư lại.
+) Đội Mật sát: có thành phần như trên nhưng lo việc an ninh và kiểm tra tại khu vực nội trường nơi các khảo quan làm việc
+) Quan Ngự sử: chịu trách nhiệm chỉ huy 2 đội Thể, Mật sát. Giám sát chung toàn trường thi và báo về triều thong tin khi cần. Có 2 viên Ngự sử, 1 lo khu Ngoại liêm và Ngoại trường, một chịu trách nhiệm Nội trường.
+) Các Lại điển: là các nha lại cấp thấp làm việc giấy tờ ghi chép số lượng từ 20 tới 40 người
+) Quan Đề điệu: lấy quan Ngũ phẩm trở lên sung vào, cho thêm 4 viên Lại điển theo giúp việc. Số lượng 2 người.
- Phần Nội liêm có:
+) Các khảo quan Sơ, Phúc: trước đó thường lấy các quan cấp Phủ, huyện sung làm chức này, sau đó triều đình thay đổi, cho lấy các Cử nhân đã đỗ đạt nhưng chưa ra làm quan hoặc đang học tại Quốc tử Giám, các quan Huấn đạo ngoài kinh và Giáo thụ các nơi.
+) Quan Giám khảo: lấy quan văn ngũ phẩm trở lên bổ vào.
+) Quan Phân khảo: lấy quan văn tứ phẩm trở lên.
+) Quan Chánh chủ khảo: lấy từ tam phẩm trở lên.
Ngày nhập trường đầu tiên các quan từ Chánh chủ khảo đều chia vị trí ngồi tịa các cổng vào trường thi.
b) Thể thức thi
Đầu thời Phù Nam thế thức thi là thi 4 trường với các mục kinh nghĩa; thơ phú; chế chiếu biểu; văn sách.
Sang tới năm Ất Mùi, ntriều đình đổi phép thi Hương và Hội. Theo đó:
- Kỳ nhất: thi Kinh nghĩa làm bài kinh nghĩa theo thể bát cổ, đề lấy 5 bài kinh từ Ngũ kinh (Thi, Thư, Lễ, Dịch, Xuân Thu) và 2 bài truyện từ Tứ thư. Thí sinh phải làm ít nhất một bài kinh, một bài truyện; nếu muốn làm tất cũng được. Bài làm tối thiểu phải trên 300 chữ.
- Kỳ thứ 2: Làm một bài thơ thể ngũ ngôn, một bài phú, hạn từ 300 chữ trở lên.
- Kỳ thứ 3: Làm bài văn sách, đề bài ra trên dưới 300 chữ, bài làm hạn từ 1600 chữ trở lên.
- Kỳ thứ 4: còn gọi là kỳ "phúc hạch", thi viết chế chiếu biểu cáo (gọi chung là thể văn tứ lục); các đời sau có khi thay bằng hình thức lấy cả thơ phú, văn sách, kinh nghĩa gộp lại cho thi, tuy nhiên đề ngắn và chấm rất dễ. Nhìn chung, tới kỳ 4 thì việc thi chỉ còn là khảo hạch qua cho đủ thủ tục, sĩ tử đã vào tới đây thì chắc chắn đỗ Tú Tài hoặc Cử Nhân.
Dù sau này có lúc được chỉnh sửa ít nhiều, nhưng về căn bản thể thức vẫn giống như trên. Nó được duy trì tới khi giao lưu với phương Tây đã cải cách thể thức thi như cho thêm phần viết chữ quốc ngữ, dịch tiếng Pháp...
Về lối chấm thi Hương, quan Sơ khảo khi chấm thi dùng mực son, quan Phúc khảo dùng mực màu xanh.
Kết quả thi Hương cũng được yết lên Bảng Hổ và Bảng Mai, người đỗ thi Hương (đỗ 4 trường) gọi là Cử nhân (舉人), đỗ 3 trường gọi là Tú tài (秀才) nhưng trong giấy tờ và cách xưng hô hành chính vẫn gọi Cử nhân bằng lối cũ là Cống sĩ.
Ngày yết bảng nếu tên người đỗ, lính sẽ cầm loa đi khắp các phố phường xướng danh người đỗ Cử nhân, Sĩ tử đến trường thi nghe xướng danh, lính gọi tới tên ai người đó tiến lên nhận, rồi vào trong thay áo mũ, sau đó đi vào rạp dựng ở nhà Thập đạo ngồi theo thứ tự trên dưới để dự yến tiệc dành cho Cử nhân tân khoa gọi là yến Lộc Minh (祿明).
Dự yến xong, hôm sau các Cử nhân lại mặc áo mũ chỉnh tề đến hành cung vua tại tỉnh để bái tạ ân điển.
Ai đã đỗ cử nhân thì các quan tỉnh sau đó sẽ báo về làng xã quê quán của ông Cử, ông Tú để lệnh cho họ chuẩn bị làm lễ rước, theo quy định đỗ Cử nhân cả tổng phải tổ chức đi rước, đỗ Tú tài thì xã đi rước. Hương chức địa phương sẽ cử người ra bàn với ông Cử định ngày đón rước. Định xong thời gian, đến ngày ấy chức sắc và dân làng sẽ mũ áo tươm tất mang theo nghi trượng, võng lọng, cờ trống đến dinh huyện đón ông Cử về làng, vừa đi vừa trống dong cờ mờ, về đến làng thì đốt pháo ăn mừng. Rồi trong làng sẽ mở tiệc khao vọng, hát xướng linh đình mừng đỗ đạt cho ông Cử và vinh dự cho làng.
2.2. Thi Hội
a) Tổ chức trường thi
Thi Hội định rõ danh sách các thí sinh thành 3 bảng Giáp, Ất, Bính; sau đó sao ra 3 bản một cho Bộ Lễ lưu lại, một cho Văn Thư phòng (sau này là Nội Các), một bản giao cho quan trường để lo việc thi.
Trường thi Hội chỉ có 2 vi còn lại như thi Hương.
Thi Hội năm đầu tiên vẫn theo lệ cũ là 4 trường nên các Cử nhân vẫn phải nộp giấy cho đủ 4 trường thi để đóng quyển thi, trường nhất tới 3 nộp mỗi trường 20 tờ, trường 4 nộp 30 tờ.
Sau đó, quy định thi Hội chỉ còn 3 trường, nên Cử nhân chỉ cần nộp giấy trường nhất và nhì 20 tờ, trường 3 thì 40 tờ.
Sau đó, lại quay lại lối thi 4 trường như cũ, tới năm Càng Thịnh thứ 134 thì thí sinh phải tự đóng quyển thi.
Trong quyển thi ngoài việc phải khai thông tin giống thi Hương, Cử nhân còn phải ghi thêm mình là Cử nhân khoa nào vào dòng ghi thông tin cá nhân.
Về tổ chức nhân sự cho kỳ thi:
- Quan Chủ khảo 1 người , không câu nệ phẩm bậc cao thấp.
- Quan Phó Chủ khảo 1 người, cũng như trên.
- Quan Tri cống cử 2 người, dùng quan Tham tri trong các Bộ.
- Quan Ðề điệu Chánh và Phó 2 người, dùng chức Thiêm sự các Bộ
- Quan Ðồng khảo có 6 người, dùng quan Hàn lâm tự, ngũ phẩm.
- Các quan Giám Di phong, Soạn hiệu, Giám Ðằng lục, Giám Ðối độc. Tất cả đều lấy 1 người, lấy trong các Lang Trung và chủ sự 6 Bộ.
- Lấy các thư lại nhỏ hàng bát, cửu phẩm ở các Bộ làm người chép quyển và viết bảng. Mỗi loại chừng 20 - 25 người.
- 2 Giám thí, Tuần sát, dùng Thị vệ nhị, tam phẩm
- Quan Giám thí Nội liêm và Tuần sát Ngoại liêm, đều lấy mỗi chức 4 người chọn trong Phó vệ úy quân Thị trung và Thị nội.
- Cuối cùng cử lấy 20 lính coi giữ hòm ấn, hòm quyển ở Thí viện và 300 biền binh tuần phòng ngoài trường thi.
b) Thể thức thi
Thể thứ thi Hội đã được chúng tôi trình bày ở phần trước, ở đây xin không nói lại. Trong bài thi Hội và cả thi Đình sau này các Cống sĩ không xưng mình là sĩ nữa mà xưng là thần.
Việc chấm điểm thi Hội thì lúc đầu vẫn dùng lối chấm Ưu, Bình, Thứ, Liệt như trong thi Hương. Tới năm Càng Thịnh thứ 123 mới đổi phép sang chấm điểm phân.
Cụ thể hơn thứ tự tính điểm sẽ là:
- Hạng Ưu: Từ 10 tới 7 phân điểm.
- Hạng Bình: Từ 6 tới 3 phân điểm.
- Hạng Thứ: 1,2 phân điểm.
- Hạng Liệt: Không đủ 1 phân điểm (bất cập phân). Coi như là trượt thi Hội.
Có thể nói thi Hội thì 10 phần chỉ đỗ được nửa phần, còn đâu đều trượt cả. Cử nhân muốn được trúng cách vào thi Đình thì không được có bất cập phân và tổng số phần điểm 4 bài thi ở 4 trường cộng lại phải trên 10. Tuy nhiên, nếu có 1 trường bất cập phân nhưng tổng điểm vẫn hơn 10 hoặc tổng cả 4 kỳ được từ 4 tới 9 phân điểm thì được cho vào hàng Phó bảng.
Học vị Phó bảng là do đặt thêm ra chứ các thời trước chưa có, nó dành cho người tuy không xuất sắc để vào được thi Đình nhưng cũng không kém tới nỗi trượt hẳn thi Hội, vẫn đáng hưởng chút ân điển triều đình. Và Phó Bảng thì ngoài những người điểm thấp trong thi Hội như trên còn dành cho người có điểm thấp trong thi Đình nữa.
Quy định về số điểm để được trúng cách vào thi Đình cũng có thay đổi nhất định qua các thời ví dụ năm Càng Thịnh thứ 89 định rằng tổng phân điểm từ 8 trở lên là trúng cách.
Cống sĩ đi thi Hội và sau đó là thi Đình nếu phạm trường quy cũng các lỗi khiếm tỵ, khiếm đài.... sẽ bị xử tội cực kỳ nặng.
Các Cử nhân thi Hội cũng có chế độ bổ dụng riêng:
- Quy định các Cống sĩ hỏng thi Hội nếu muốn có thể xin về nguyên quán. Đợi một thời gian đến đợt tuyển chọn quan chức triều đình sẽ lập danh sách xem xét bổ dụng.
- Số còn lại nếu có nguyện vọng muốn thi tiếp sẽ được cho vào Quốc tử giám học.
- Tới thời Càng Thịnh 212 cũng vẫn có lệ như trên, nhưng bổ sung thêm là nếu các Cống sĩ đã vào Quốc Tử Giám học, ai tình nguyện học để đợi khoa khác thì chuẩn y, còn nếu không thì sau 3 năm triều đình cho họ vào danh sách chờ bổ nhiệm.
- Các chức mà các Cử nhân thường được bổ vào là Huấn đạo, Giáo thụ các huyện, phủ. Sau này, đến khi khuyết các chân tri huyện, tri châu thì cũng dùng các Cử nhân bổ vào nhưng ưu tiên cho ai đã từng giữ chức Huấn đạo, Giáo thụ.
- Năm Càng Thịnh 234, định điều lệ cứ sau mỗi kỳ thi Hội các khảo quan phải lập danh sách các thí sinh trượt thi Hội, chọn ra số đó ai văn lý khá điểm cao mà xếp theo thứ tự để bổ nhiệm.
- Tới năm Càng Thịnh 286 lại ra chỉ dụ như sau:
+) Các Cử nhân tình nguyện vào Quốc Tử Giám chờ khoa sau thì miễn bổ nhiệm.
+) Cử nhân trượt thi Hội nhưng tổng điểm cao được bổ làm Giáo thụ, Huấn đạo.
+) Các Cử nhân đã trên 40 tuổi bất kể dự thi bao nhiêu kì, Cử nhân 35 tuổi trở lên đã dự qua 2 kỳ thi Hội, muốn được bổ nhiệm, nếu ở địa phương thì quan địa phương lập danh sách, nếu ở Quốc Tử Giám thì Giám quan lập, đều nộp lên cho Bộ Lại để được bổ dụng.
Nếu các Cử nhân chỉ thi Hương không thi Hội thì quy định bổ dụng không có các điều trên mà chỉ cho vào danh sách chờ bổ nhiệm. tuy nhiên, như đã nói ở trên sĩ tử xưa ai đã đỗ thi Hương rồi thì hầu như đều tiếp tục đi thi Hội chứ không dừng lại.
2.3. Thi Đình
Thi Đình tổ chức tại sân điện trong Đại Nội Sài Gòn, thời Càng Thịnh 76 tổ chức ở sân điện Cần Chánh, thời Càng Thịnh 134 đổi sang điện Khâm Văn trong vườn Cơ Hạ, tới năm Càng Thịnh 156 thì lại đổi về điện Cần Chánh. Các phòng hoặc lều thì được dựng sẵn tại nhà Tả Vu và Hữu Vu.
Mỗi người trúng cách được Bộ Lễ phát cho một quyển thi 30 tờ và 20 tờ giấy trắng làm nháp. Trước ngày thi 5 hôm sĩ tử phải đến trụ sở Bộ Lễ khai kĩ lại thong tin lần nữa, rồi cung khai tam địa lên mặt quyển thi, sau đó quan Bộ Lệ niêm phong quyển thi tới ngày thi phát cho sĩ tử.
Ngày thi Đìnhdo các quan trong Khâm Thiên Giám chọn ngày lành tháng tốt rồi tâu lên Vua, hạn tối đa là phải trong vòng nửa tháng từ khi thi Hội xong.
Về tổ chức nhân sự cho thi Đình:
- 1 quan võ hàng nhị phẩm trở lên làm Giám thí
- 2 quan Độc quyển, 1 quan truyền lô đều lấy quan văn từ tam phẩm trở lên.
- 2 viên quan Duyệt quyển lấy quan văn tam tứ phẩm trở lên.
- 2 quan Tuần la kiêm Hộ bảng dùng Quản vệ của đội túc vệ.
- 2 viên Tuần sát lấy từ các Thị trung, Thị nội, Cai đội.
- 2 quan Kinh dẫn dùng quan tứ phẩm thuộc Bộ Lễ.
- 1 viên Di phong, 2 viên Thu chưởng, 1 viên Ấn quyển và Thụ quyển.
- 2 viên Điền bảng và làm nhiệm vụ cấp quyển thi, dùng quan văn tứ ngũ phẩm trở lên.
- 6 viên đảm nhiệm việc cấp quyển thi và ghi chép đều lấy các lại viên ở Nội các.
Dù đời sau có biến đỏi ít nhiều nhưng đại thể nhân sự thi Đình là vậy
Tổ chức thi Đình như sau:
- Trước ngày thi 1 ngày qaun trông coi điện sẽ sẽ mang 2 án sơn son thiết vàng ra bày, 1 cái đặt giữ chính điện, một cái đặt giữa thềm điện.
- Tới ngày thi từ canh 5 (gần 3 giờ sang) các quan Giám thí, Đội quyển đều mặc triều phục chờ sẵn ở sân điện.
- Các thí sinh trúng cách mặc áo mũ chỉnh tể đứng đợi ở Tả và Hữu Túc Môn (sau là Đại Cung Môn).
- 2 quan Bộ Lễ đứng tại cổng lần lượt đọc tên thí sinh, số lẻ vào cử trái, số chẵn cử phải. Quan Tuần sát đứng ngay gần cửa và kiểm tả các sĩ tử rồi mới cho qua.
- Quan Kinh dẫn sau đó dẫn sĩ tử vào chờ tại nhà Tả, Hữu Vu tại sân điện Cần Chánh.
- Đến giờ thi quan Thượng bảo mang tờ chế sách đến đặt ở Hương án giữa điện.
- Các quan Giám thí, Độc quyển cùng các quan coi thi khác vòa hành lễ 5 lạy 3 vái.
- Các viên Thư tả tiến hành sao chép đề thi cho mỗi thí sinh một bản.
- Quan Bộ Lễ dẫn các thí sinh vào điện hành lễ 5 lạy 3 vái, rồi quay lại chỗ cu đứng.
- Các viên Thư tả mang quyển thi, giấy nháp và bản sao đề thi cấp cho thí sinh.
- Nhận quyển xong thí sinh theo thứ tự lui về nhà Tả - Hữu vu ngồi vào phòng có ghi tên mình bắt đầu làm bài.
- Các quan sẽ lui hết về Duyệt Thị Đường, chỉ còn lại các quan Tuần la, Tuần sát cùng lính đi kiểm tra ở hành lang Tả - Hữu Vu. Tuy nhiên, đã vào đến thi Đình rồi thì họa chăng chính Vua bảo các sĩ tử gian lận họ mới dám làm, còn không thì chả to gan mà liều cả. Vì gian lận thi Đình mà được phát giác ra có thể bị khép vào tội rất nặng thậm chí tử hình.
- Làm bài xong, thí sinh đem nộp quyển cho các viên Tuần la, Tuần sát rồi theo thứ tự về.
- Các quan Giám thí, Độc quyển từ nhà Duyệt Thị Đường quay lại Tả - Hữu vu nhận quyển, đem đóng dấu rọc phách, bỏ vào hòm niêm phong.
- Sáng hôm sau Vua cùng các quan ngự triều thì đem dâng lên để được chấm.
- Chấm xong, tên tuổi người đỗ sẽ được lập danh sách sao ra 2 bản, một bẩn đưa cho Bỗ Lễ để dùng vào việc xướng danh, yết bảng; bản kia lưu trong tủ hồ sơ Nội các.
Về việc chấm thi, thì vào tới thi Đình rồi thí sinh chỉ còn phải làm đúng 1 bài thi, vẫn lấy số điểm phân mà tính cao thấp:
- Đệ nhất giáp:
+) 10 phân điểm: Đỗ Trạng nguyên.
+) 9 phân điểm: đỗ Bảng nhãn.
+) 8 phân điểm: đỗ Bảng nhãn.
- Đệ nhị giáp:
+) 7 tới 6 điểm: đỗ Hoàng giáp.
+) 5 điểm trở xuống: đỗ Tiến sĩ.
+) 5 điểm trở xuống đỗ Phó bảng.
Chỉ được 1, 2 phần điểm thì trượt.
3. Lễ truyền lô, xướng danh và ban yến
3.1. Lễ truyền lô
Lễ truyền lô, được tổ chức tại điện Thái hòa hoặc Ngọ môn.
Nếu tổ chức tại điện Thái Hòa, thì nghi thức như sau:
- Đầu canh năm, người ta nổ một loạt pháo mừng rồi kéo cờ vàng lên kỳ đài, tiếp đó kéo một lạt cờ xí nghi lễ lên.
- Trên điện Thái Hòa thiết lễ đại triều. Giữa gian thứ nhất bên phải điện đặt 2 án sơn son thiếp vàng.
- Ngoài cửa Ngọ môn bá quan mặc triều phục đứng theo thứ tự đứng chờ.
- Quan Thượng bảo mang danh sách Tiến sĩ tân khoa đặt lên án thứ nhất, quan Thư tả đặt bàng vàng lên án thứ 2.
- Quan Giám thí, Độc quyển dẫn các Cống sĩ vào Văn công thự lãnh mũ áo mặc và đứng chờ ngoài sân điện.
- Đến giờ làm lễ, Vua ngự giá ra điện Thái Hòa, các quan tiến vào hành lễ 5 lạy 3 vái rồi sau đó theo thứ bậc đứng sang 2 bên.
- Quan Khâm mệnh tiến vào làm lễ phục mệnh, các viên chức khác trong thi Đình cũng vào hành lễ 5 lạy 3 vái. Các tiến sĩ ở ngoài cũng hành lễ 5 lạy 3 vái.
- Thị vệ Đại thần đến quỳ ở gian thứ nhất bên trái của điện rồi tâu xin làm lễ truyền lô.
- Lãnh được chỉ Vua ban xong thì dập đầu tạ ơn rồi đi sang bên thềm gian thứ 2 bên trái điện xướng lên : "Truyền lô".
- Quan truyền lô mang danh sách người đỗ xuống, quan Bộ Lễ xướng: "Truyền lô".
- Quan truyền lô theo danh sách độc những người đỗ, xong thì giao lại cho quan Bộ Lễ tiếp nhận.
- Các tiến sĩ đồng loạt phủ phục xuống làm lễ 5 lạy.
- Thị vệ Đại thần lại đến bền thềm gian thứ nhất bên trái tâu xin được niêm yết bảng.
- Lĩnh chỉ xong, rập đầu đứng lên. Các Thư tả mang bảng vàng trao xuống cho quan Hộ bảng, bảng vàng được đặt lên Vân bàn tức là chiếc mâm lớn vẽ mây. Rồi quan Hộ bảng dẫn thị vệ ,đội nhã nhạc, nghi trượng với đầy đủ cờ, tán lọng...theo thứ tự mà ra cửa Ngọ Môn. Đem đặt lên Long đình.
- Trong điện khi vua hồi cung thì ngoài cửa Ngọ Môn người ta mang bảng đến Phu Văn lâu niêm yết trong 3 ngày, rồi giao cho Quốc Tử giám giữ.
3.2. Lễ ban yến
- Nếu ban yến ở công đường Bộ Lễ thì sẽ dựng rạp ngoài sân công đường, gian giữa để hương án các gian còn lại để ván, kỷ dọn yến.
- Ban yến tại hoa viên như vương Thư Quang, vương Thường Mậu thì rạp dựng ở cổng vườn, cũng giăng đèn hoa bày hương án và kỳ.
- Cỗ yến cũng chia ra làm 2 hạng, hạng trên nhất là cho quan Giám thí, Độc quyển, Truyền lô...và các quan coi thi, hạng dưới là cho tiến sĩ tân khoa và quan coi thi nhỏ. Các tiến sĩ tân khoa được ngồi mâm riêng để tỏ rõ sự trọng thị.
3.3. Ân tứ vinh quy.
Theo lệ sau khi kết thúc buổi ban yến tại vương thượng uyển hay công đường Bộ Lễ. Các tiến sĩ tân khoa được vào ngắm vương thượng uyển.
Tranh trong sách Kỹ thuật của người Phù Nam miêu tả cảnh Tiến sĩ được cưỡi ngựa đi chơi các phố trong kinh thành.
Tiếp đến, mỗi người được cấp một lọng đen, một hồ lô đen, cùng 4 người lính hầu quân phục trang trọng và 1 con ngựa tốt, rồi các quan dẫn các tiến sĩ cưỡi ngựa đi các phố chính trong kinh đô, lính đi trước gọi loa xướng danh.
Mấy hôm sau, chọn ngày lành tháng tốt, các tiến sĩ được dẫn vào Văn Minh Điện để dâng biểu tạ ơn lên vua. Nhà Vua sẽ hỏi han, úy lạo các tiến sĩ. Đến hôm khác, các Tiến sĩ lại được đưa đến Văn Miếu để làm lễ tế.
Việc Ân tứ vinh quy về quê của các tiến sĩ được quy định: mỗi người được 2 phu gánh võng, 2 người cầm biển, 1 người mang đồ, tổng cộng 5 người. Sau đó lại chia rõ làm 2 hạng, đỗ nhất giáp tiến sĩ mới được 5 người như trên, đỗ nhị giáp chỉ được cấp 4 người hông có phu mang đồ đạc. Còn nếu tân khoa tiến sĩ muốn tự dùng tiền riêng thêm bao nhiêu người nữa thì tùy ý.
Về nghi trượng các tân khoa tiến sĩ được ban:
- Đỗ đệ nhất giáp được ban cờ lụa Lục nam màu đỏ có thêu chữ bằng tơ vàng nêu rõ học vị đạt được.
- Đỗ đệ nhị và tam giáp cờ bằng tơ thêu chữ vải nêu học vị.
- Tất cả các tiến sĩ được ban bảng son thếp hàng chữ vàng "Ân tứ vinh quy" (恩賜榮歸).
Các tiến sĩ về đến huyện rồi thì cả làng cả tổng lại chuẩn bị lễ rước như khi đi thi Hương về.
Về bổ dụng
- Đỗ đệ nhất giáp được vào hàm Chánh lục phẩm, thuộc nghạch Hàn lâm viện hàm Trước tác.
- Đỗ đệ nhị và đệ tam giáp được bổ vào hàm Tòng lục phẩm hoặc Chánh thất phẩm, nghạch Hàn Lâm Viện hàm Tu soạn hoặc Hàn Lâm Viện hàm Biên tu.
- Từ các phẩm hàm trên các tiến sĩ sẽ được nhận chức như Tri phủ, Thự tri phủ, Đồng Tri phủ...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top