Chương 168: Dạy học
Edit: Alice
Beta: Alice
Khi hai triều đại hoàng đế đầu tiên nắm quyền Đại Tĩnh, triều đình bị thế gia quý tộc thao túng, Sùng Văn các chỉ là nơi các đại học sĩ nghiên cứu kinh văn điển tích, mặc dù bao gồm những bộ não thông minh nhất Đại Tĩnh, nhưng ngoại trừ nhàn rỗi biên soạn lịch sử trong Sùng Văn các, những người thông thạo chính trị vô cùng thông minh này hoàn toàn không được thực dụng. Theo cách nói của Đế Tử Nguyên, mấy năm nay Đại Tĩnh đã lãng phí một nhóm lão sư giỏi nhất.
Sau khi Đế Tử Nguyên làm chủ triều đình, cứ ba ngày nàng lại bảo viện chính của Sùng Văn các chọn ra một vị đại học sĩ để dạy con cháu thế gia ở hậu đường Sùng Văn các. Ban đầu khi mệnh lệnh này được ban xuống, các thế gia vô cùng vui mừng, nhưng rất nhiều lão học sĩ lại không vui, nghĩ rằng bọn họ học tập gian khổ mười mấy năm, cuối cùng lại phải dạy cho một đám nhóc con, cho dù là con cháu thế gia thì vẫn thấy mất giá. Đế Tử Nguyên đã quen làm thủ lĩnh thổ phỉ, vô cùng cường đạo, vì thế liền tổ chức một bữa yến tiệc rồi triệu toàn bộ thế gia trong triều và đại học sĩ của Sùng Văn các vào cung, vừa đãi thế gia vừa đãi học sĩ Sùng Văn các, nâng chén rượu lên rồi nhẹ nhàng nói với hai bên: "Phàm là con cháu thế gia vào Sùng Văn các học, ngoại trừ bái sư thì mỗi năm đều phải trả một ngàn lượng bạc làm học phí cho sư trưởng."
Lúc này các đại học sĩ tôn quý trong triều đều không dám hé răng nữa, vừa trịnh trọng vừa cung kính nói "Tương lai của hoàng triều đều nằm trên người những đứa trẻ thông minh này, nên bồi dưỡng nhiều hơn", vừa nghe theo sắp xếp của Đế Tử Nguyên.
Phần lớn quan văn đều xuất thân từ thường dân, vẫn luôn đứng đắn đáng kính, một ngàn lượng bạc đã bằng bổng lộc ba năm, còn rất danh chính ngôn thuận, vừa được tiếng vừa được lợi, cớ sao không làm. Hơn nữa những đại học sĩ này đều là Trạng nguyên và Thám hoa năm đó, mỗi người đều có một sở trường riêng, không ai muốn đệ tử mình dạy bị thụt lùi, vì thế người nào cũng rất dốc sức chỉ dạy.
Đương nhiên, chỉ những người có học lực tú tài và dưới mười hai tuổi mới có thể vào Sùng Văn các bái sư, yêu cầu này rất nghiêm khắc, sau khi sàng lọc, trong đế đô cũng chỉ có tám học trò được đưa vào Sùng Văn các học. Sau một năm, tám người này như được thay da đổi thịt trên phương diện học thức, danh tiếng vang khắp đế đô, nhất thời trở thành giai thoại của toàn bộ Đại Tĩnh.
Vương hầu tôn quý từ khắp nơi nghe tin liền ồ ạt dâng tấu đến điện Hoa Vũ, mong muốn con cháu ưu tú nhà mình được đưa vào Sùng Văn các học. Sau khi thi hành các biện pháp để cắt giảm lợi ích của thế tộc cho dân, việc Đế Tử Nguyên vực dậy Sùng Văn các cuối cùng cũng xem như lấy lại được chút lòng người trong các thế tộc.
Khi còn nhỏ Đế Tẫn Ngôn từng theo học lão học sĩ trong Sùng Văn các, gần đây trong lúc nói chuyện phiếm nghe bọn họ nói nhiều về việc dạy đệ tử trổ tài, cậu nhất thời ngứa nghề nên đã xin Đế Tử Nguyên cho vào Sùng Văn các dạy học, Đế Tử Nguyên liếc mắt liền đồng ý với cậu, ngày hôm sau liền đẩy cho cậu học trò đầu tiên -- Hàn Vân.
Thái tử Hàn Vân mới có sáu tuổi, mặc dù được Hữu tướng dạy vỡ lòng, nhưng học thức của nó rõ ràng chưa đủ để vào Sùng Văn các, có điều cái cửa sau này đi quá dứt khoát, khiến người khác không còn gì để nói.
Khi mệnh lệnh của Nhiếp Chính Vương truyền đến Sùng Văn các, mấy đại học sĩ tính cách kiêu ngạo đã phát sầu mấy ngày, từ trước tới giờ Thái tử Đại Tĩnh luôn được thầy dạy ở trong cung, chưa từng bị đưa ra khỏi cung học khi còn nhỏ, bây giờ tiểu Thái tử mới sáu tuổi lại bị Nhiếp Chính Vương thô bạo đưa ra khỏi cung, rốt cuộc bọn họ nên âm thầm chăm sóc tốt, hay là dạy dỗ trên lớp cho tốt? Là dạy dỗ tốt, hay là dưỡng béo cho Thái tử tốt? Viện chính của Sùng Văn các, Chu Ngạn thực sự không dám suy đoán tâm tư của Nhiếp Chính Vương. Trong lòng ông ta xoay vòng, âm thầm sắp xếp thầy dạy tiết đầu tiên cho Hàn Vân trong Sùng Văn các là Đế Tẫn Ngôn.
Nếu Nhiếp Chính Vương đã để Thế tử Tĩnh An Hầu làm thầy của Thái tử, vậy thì cùng nhìn xem Thế tử Tĩnh An Hầu có cách dạy gì chứ nhỉ?
Hàn Vân mới có sáu tuổi, hai năm nay ngoại trừ được Cẩn quý phi đưa đến biệt viện ở ngoại thành để thỉnh an vua Gia Ninh thì chưa từng rời khỏi hoàng cung, cũng chưa từng rời khỏi sự bảo vệ của Cẩn quý phi. Lần này nếu không phải vì quyền lực của Đế Tử Nguyên, cho dù nàng ta nói gì thì cũng sẽ không đưa nhi tử của mình vào Sùng Văn các.
Ngày Hàn Vân rời khỏi cung nhập học, Cẩn quý phi đã dắt Hàn Vân vào điện Hoa Vũ bái kiến Đế Tử Nguyên, vốn muốn đích thân giao Hàn Vân cho Đế Tử Nguyên trước con mắt của mọi người, nhân tiện chính thức yết kiến vị Nhiếp Chính Vương kiêu ngạo này.
Nào ngờ nàng ta đợi bên ngoài điện Hoa Vũ rất lâu, cuối cùng chỉ nhận được một câu trả lời "Sáng sớm Nhiếp Chính Vương đã rời cung đi săn, đến đêm mới về" của Phúc Hải rồi bị đẩy về.
Cho dù trước giờ tính cách của Cẩn quý phi ôn hoà chừng mực, nhưng nghe nói khi ra khỏi điện Hoa Vũ thì vẻ mặt cũng lạnh đi.
Cẩn quý phi đứng trên Sùng Dương các, nhìn thị vệ Cấm cung hộ tống Hàn Vân đến Sùng Văn các.
"Đế Tử Nguyên ức hiếp người quá đáng." Cẩn quý phi không quay đầu lại, trầm giọng nói với người đứng phía sau: "Chuyện lần trước ngươi nói với bổn cung..." Nàng ta xoay chiếc nhẫn trên tay, vẻ mặt nghiêm nghị có chút giống vua Gia Ninh: "Cứ làm theo lời người nói."
"Vâng, nương nương." Đế Thừa Ân đứng sau nàng ta hai bước, hơi cúi người, đáy mắt thoáng qua ý cười lạnh lẽo.
Hành dinh của tiểu Thái tử hùng dũng rời khỏi hoàng cung, dừng trước phủ học sĩ của Sùng Văn các. Viện chính Chu Ngạn của Sùng Văn các dẫn theo một đám học sĩ ra ngoài nghênh tiếp, trong đội ngũ chỉ thiếu Thế tử Tĩnh An Hầu Đế Tẫn Ngôn.
Mặc dù Đế Tẫn Ngôn được Đế Tử Nguyên lệnh làm thầy của Thái tử, nhưng suy cho cùng vẫn không phải là thầy dạy danh chính ngôn thuận của Thái tử, ngày đầu tiên Thái tử rời cung đã không ra đón, đủ để thấy quyền thế của Đế gia trên triều đình hiện nay.
Các thế gia khắp đế đô đều đoán rằng với tính cách của Đế Tử Nguyên, nếu không cẩn thận thì rất có khả năng đoạt lấy giang sơn cho đệ đệ ruột ngồi, quả thực chưa thể nói rõ tương lai thân phận của ai sẽ cao quý hơn.
Mấy người nghênh tiếp đều thầm tặc lưỡi, không biết tiểu Thái tử trong hành dinh rốt cuộc sẽ làm thế nào?
Hàn Vân vén rèm vải lên, Chu Ngạn dẫn theo đám người tiến lên hành lễ. Nó liếc nhìn đám người đang nghênh tiếp, biết vị Trạng nguyên lang trẻ tuổi nhất Đại Tĩnh trong truyền thuyết không xuất hiện.
Thị vệ đi theo bên cạnh là một kẻ không có mắt, thấy tiểu Thái tử đứng trên khung xe thì định tiến lên ôm, nhưng lại bị tiểu Thái tử nghiêm nghị ném cho một khuôn mặt lạnh. Thị vệ im lặng lui sang một bên, coi như đã hiểu tiểu Thái tử đóng giả mèo con trong cung thực ra là một người có tính khí.
"Chu đại nhân, lão sư của ta đâu?" Hai bàn tay nhỏ của Hàn Vân chắp ra sau, nhìn Chu Ngạn nghiêm nghị hỏi.
Chu Ngạn nheo mắt, thầm nghĩ tiểu Thái tử mới sáu tuổi cũng không phải là người dễ chọc, nếu trả lời không tốt trước mặt mọi người, nói không chừng trong buổi triều ngày mai sẽ có người dâng tấu nói rằng Đế Tẫn Ngôn coi thường hoàng gia.
Chu viện chính đã làm đại học sĩ Sùng Văn các nửa đời, phong thái vô cùng ổn định, cúi người về phía Hàn Vân, đáp: "Hôm nay là ngày đầu tiên Thế tử vào Sùng Văn các dạy học, đang chuẩn bị bài giảng cho điện hạ ở sau các. Điện hạ, mời vào các."
Chu Ngạn trả lời rất điềm tĩnh, dù sao thì Hàn Vân mới sáu tuổi, còn rất non nớt, trong lúc bất cẩn đã bị Chu Ngạn thuận lợi bắt vào Sùng Văn các.
Chu Ngạn và một đám đại học sĩ Sùng Văn các dẫn Hàn Vân về phía Cổ Kim đường. Cổ Kim đường nằm ở hậu viện Sùng Văn các, liền kề với Tàng Thư các. Khi đám người hùng hổ đến, những con cháu bình thường đến học đều đã ngồi vào chỗ. Mười sáu người đã đủ mười lăm, vị trí ở chính giữa còn trống hiển nhiên là để cho Hàn Vân.
Đế Tẫn Ngôn cầm một quyền sách trong tay, mặc một bộ Tấn phục thêu lá trúc ngồi ở đầu, gió nhẹ từ ngoài cửa sổ thổi bay ống tay áo cậu. Khi mọi người bước vào thì cậu vừa hay ngẩng đầu lên, mỉm cười dịu dàng, quả thực xứng với thanh danh Ôn Sóc công tử "ôn nhu nhã nhặn, sóc lãng tinh thần" năm đó.
Hàn Vân đi đầu đám người ngơ ngẩn đứng ở cửa, thất thần nhìn Đế Tẫn Ngôn.
Nó biết Đế Tẫn Ngôn, nói cách khác, nó biết Ôn Sóc của ba năm trước.
Không chỉ Hàn Vân, Đế Tẫn Ngôn khi nhìn thấy dung mạo của Hàn Vân cũng ngẩn ra, ánh mắt ấm áp thoáng qua một tia dao động vô hình mà mãnh liệt.
"Thế tử, đây là..." Hàn Vân đã bước vào Cổ Kim đường, Đế Tẫn Ngôn vẫn chưa hành lễ, dù sao cũng khá vô lễ. Chu Ngạn tốt bụng lên tiếng nhắc nhở Đế Tẫn Ngôn.
Đế Tẫn Ngôn hoàn hồn, thu lại vẻ khác thường rồi nhìn về phía Hàn Vân: "Thập Tam điện hạ, thần Đế Tẫn Ngôn, hổ thẹn làm thầy dạy cho điện hạ."
Thập Tam điện hạ? Cách xưng hô của Đế Tẫn Ngôn khiến mọi người im lặng. Hàn Vân là Thái tử do vua Gia Ninh sắc phong, trữ quân danh chính ngôn thuận của Đại Tĩnh, vì thế gọi Hàn Vân bằng thứ bậc trong hoàng gia quả thực rất bất kính. Nhưng tất cả mọi người đều biết Đế Tẫn Ngôn xưng hô như vậy không phải cố ý xem thường hoàng gia và Hàn Vân.
Thái tử Đại Tĩnh, đối với Thế tử Tĩnh An Hầu mà nói, có lẽ vĩnh viễn chỉ có vị đó.
Mọi người lo lắng nhìn phản ứng của Hàn Vân, kỳ lạ là lần này người bắt bẻ trước Sùng Văn các vì Đế Tẫn Ngôn không đến lại im lặng bất thường. Nó rũ mắt, sau đó hành lễ học trò với Đế Tẫn Ngôn từ xa: "Hàn Vân tham kiến lão sư."
Đế Tẫn Ngôn nhướng mày, đêm qua Cát Lợi phái người đưa thư đến, nói rằng Hàn Vân là đứa bé có tính khí, nhưng hôm nay lại hoàn toàn ngoài dự liệu. Cậu áp xuống sự nghi hoặc trong lòng, nói: "Đã đến giờ học, vào đi."
Hàn Vân gật đầu, bước vào chỗ ngồi. Chu Ngạn thấy cửa ải gặp mặt giữa hai người đã thông qua liền dẫn đám người định rời đi, nào ngờ Cấm vệ đi theo Hàn Vân lại cố chấp canh giữ ở cửa Cổ Kim đường, không hề có ý rời khỏi.
Cấm vệ mà Cẩn quý phi phái đến đều là cao thủ trong cung, sát khí lạnh lẽo xông vào khiến đám học trò trong Cổ Kim đường run sợ.
"Sùng Văn các là phủ đại học sĩ, không được lệnh vua thì không được mang đao vào. Tẫn Ngôn lấy phủ Tĩnh An Hầu để đảm bảo, chỉ cần có ta ở trong Sùng Văn các, Thập Tam điện hạ nhất định sẽ an toàn."
Đế Tẫn Ngôn liếc nhìn Cấm vệ quân ở trước cửa, nhàn nhạt mở miệng. Cái liếc mắt này quá đáng sợ, mang theo cả khí thế sát phạt trên chiến trường.
"Vâng, Thế tử." Thị vệ đứng đầu toát một tầng mồ hôi lạnh, vẻ mặt bối rối. Hắn thấy Hàn Vân không có ý phản đối liền hành lễ với Đế Tẫn Ngôn, dẫn theo Cấm vệ quân và đám người Chu Ngạn rời khỏi Cổ Kim đường.
Sau một hồi lộn xộn, Cổ Kim đường cuối cùng cũng chỉ còn lại Đế Tẫn Ngôn và mười sáu học trò.
Đế Tẫn Ngôn là Trạng nguyên ba khoa trẻ nhất trong lịch sử Đại Tĩnh, vừa được Hữu tướng dạy dỗ vừa được tiền Thái tử nuôi lớn, còn là đệ đệ ruột của đương kim Nhiếp Chính Vương Đế Tử Nguyên. Cuộc đời ly kỳ phức tạp như vậy, cũng xem như là trường hợp đầu tiên từ khi Đại Tĩnh lập triều.
Mấy chục năm trước hai nhà Hàn Đế cùng lập nên Đại Tĩnh, mấy chục năm thăng trầm ân oán đan xen, người duy nhất được thừa hưởng học thức hai nhà mà lớn lên chỉ có Đế Tẫn Ngôn. Cho dù hiện giờ hai nhà Hàn Đế đối chọi gay gắt trên triều đình thì cũng không có con cháu hoàng gia nào dám bày tỏ sự bất mãn với Đế Tẫn Ngôn. Có lẽ đối với hoàng gia mà nói, Đế Tẫn Ngôn hiện giờ vẫn là Ôn Sóc do một tay Thái tử nuôi lớn.
Một kỳ thi ba năm trước đã khiến thanh danh của Đế Tẫn Ngôn vang khắp thiên hạ, từng được triều thần ca ngợi là nhân tài trị quốc trăm năm khó gặp của Vân Hạ. Sau khi tin tức cậu dạy học được truyền ra, các học trò của Sùng Văn các vừa tò mò vừa mong chờ, một Thế tử Tĩnh An Hầu mới mười tám tuổi quả thực danh xứng với thực như vậy sao?
Mọi người đều muốn xem thử, tiết học này rốt cuộc Đế Tẫn Ngôn sẽ dạy cái gì? Quốc sách? Nho học? Dân luận? Bất luận là gì thì các đại học sĩ trong Sùng Văn các cũng đều rất giỏi, cậu dạy thì có gì khác biệt?
"Nghe nói các lão sư ở Sùng Văn các chúng ta có một quy tắc?" Đế Tẫn Ngôn đặt quyển sách trên tay xuống, nhìn các học trò thế tộc trong lớp, cười nói: "Tiết đầu tiên các lão sư sẽ đặt ra câu hỏi, người trả lời đúng sẽ có thưởng?"
Đế Tẫn Ngôn dung mạo tuấn tú có tiếng, khi cười lên rất dịu dàng, nhất thời khiến các học trò đang im lặng nín thở thả lỏng người, một thiếu niên hoạt bát lập tức hét lên: "Thế tử, người nói không sai, Triệu phu tử và Chu viện chính đều đã chuẩn bị đồ tốt cho chúng ta! Không biết hôm nay Thế tử đã chuẩn bị gì?"
Học trò trong lớp đều xuất thân từ các thế gia trong kinh thành hoặc biên cương, không phải con nối dõi thì là đích tử, có đồ tốt nào mà chưa từng thấy? Có thể khiến chúng hưng phấn như vậy, xem ra các đại học sĩ khi mở lớp dạy học quả thực đã phải cắn răng lấy ra vài thứ đồ quý.
Đế Tẫn Ngôn phất tay, hạ nhân đứng hầu bên cạnh đặt một hộp mực lên trên bàn.
Tiếng hộp mực đặt xuống như chuông buổi sớm, đủ để thấy đồ trong hộp rất nặng.
Đám trẻ trong lớp đều có mắt nhìn, thấy ngay cả hộp mực cất đồ cũng được khắc từ gỗ Nam Hải thì hai mắt lập tức sáng lên, rướn cổ nhìn lên trên bàn.
Không hổ là Thế tử Tĩnh An Hầu, ngay từ buổi học đầu tiên đã lấy ra được đồ vật quý hiếm như vậy.
Ngay cả Hàn Vân cũng mở to mắt nhìn Đế Tẫn Ngôn, dù sao nó cũng chỉ là đứa bé sáu tuổi, mấy buổi học trong cung đình ngày thường rất tẻ nhạt, còn chỉ có một mình nó, vì thế phương pháp giảng dạy và bầu không khí trong lớp bây giờ khiến nó thấy rất mới lạ, đã sớm quên mất ý chí cứng cỏi đối đầu với Đế gia của mình.
Hộp mực được đặt ở đầu bàn, Đế Tẫn Ngôn thu lại nụ cười đùa giỡn, đứng thẳng người, vươn hai tay lên mở nắp hộp mực. Hình lá trúc xanh biếc được thêu trên tay áo di chuyển theo, chỉ một động tác đã khiến phong thái nhã nhặn càng hơn lời đồn.
Vì điệu bộ thận trọng của Đế Tẫn Ngôn, đám trẻ trong lớp đều bất giác ngồi thẳng lưng, ánh mắt càng tập trung hơn.
Hộp mực được mở ra, bên trong đặt một thanh thiết kiếm đen tuyền đang yên lặng ngủ say.
Thiết kiếm có cán hình đầu rồng, thân kiếm được điêu khắc hình rồng uốn lượn, đơn giản mạnh mẽ, thu hút tất cả mọi người.
"Kiếm Thượng Long!" Ngay khi thiết kiếm đập vào mắt mọi người, một học trò lập tức đứng bật dậy kinh hô, bày ra vẻ mặt vô cùng khó tin.
Con rồng trên thanh kiếm được làm bởi bậc thầy rèn kiếm trên Vân Hạ, Chá Nghiêu từ ba trăm năm trước, kiếm nặng tựa ngàn cân, sắc đến mức gọt được núi đá, là một thanh kiếm danh bất hư truyền. Năm đó khi Đại Tĩnh lập nước, Đông Khiên đã tặng cho Thái tổ làm quà chúc mừng, nghe nói sau đó Thái tổ đã ban lại cho hoàng thái tôn, không ngờ hiện giờ lại ở trong tay Thế tử Tĩnh An Hầu.
Đế Tẫn Ngôn gật đầu với học trò nói được tên "Thượng Long", vẻ mặt tán thưởng: "Kiếm này tên là Thượng Long, là quà điện hạ tặng ta trong sinh thần mười tuổi, cùng ta đến Tây Bắc tắm máu sa trường, là thanh kiếm tuỳ thân của ta." Cậu ngẩng đầu nhìn các học trò trong lớp đang nhìn chăm chú: "Hôm nay ai có thể trả lời đúng câu hỏi của ta, thanh Thượng Long này sẽ thuộc về người đó."
Đồ Thái tử Hàn Diệp đích thân tặng! Chỉ một câu nói này, đám trẻ trong lớp đã nóng mắt hơn gấp mười lần.
Cho dù đã qua hai năm, nhưng khi nhắc đến Thái tử Đại Tĩnh, người khắc sâu trong lòng mọi người toàn triều vẫn chỉ có vị đó.
Nhân hậu khiêm tốn, cứu tế thiên hạ, đánh lui quân địch nơi cửa ải, bảo vệ giang sơn của bách tính. Thái tử Hàn Diệp dùng thân phận trữ quân để ba nước đình chiến, nhảy xuống núi Vân Cảnh đã trở thành niềm tiếc nuối và nỗi đau thương nặng nề nhất của bách tính và triều thần Đại Tĩnh.
Nếu có được "Kiếm Thượng Long" mà người ấy ban... Trong Cổ Kim đường yên tĩnh, tiếng hô hấp của đám học trò đều trở nên nặng nề.
Dường như không ai nhìn thấy khuôn mặt nhỏ trịnh trọng căng cứng và ngọn lửa lặng lẽ bùng lên trong đáy mắt Hàn Vân ngồi phía trước, mà tất cả điều này đều bị Đế Tẫn Ngôn thu vào tầm mắt.
• Hết chương 168 •
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top