Chương Bảy
Ông già râu dài vẻ mặt hơi khẩn trương, nhanh chóng đặt lại cây cung lên bệ gỗ rồi dẫn Thân xuống tầng trệt.
Khi này, Thân mới thấy rõ ông già này tuổi đã gần bảy mươi nhưng thân thể vẫn còn rất tráng kiện. Lúc ông nắm tay Thân dẫn xuống tầng trệt, cậu nhận ra bàn tay của ông già vô cùng thô ráp, chai sạn.
Tới chỗ án thư, ông lấy ra một miếng vải băng bó vết thương ở tay Thân. Ông xắn tay áo lên cho đỡ vướng víu làm lộ ra hai cánh tay cơ bắp gân guốc vô cùng rắn chắc. Thân thầm nghĩ ông già này hẳn là một người luyện võ lâu năm.
Nhưng Thân cũng chỉ để ý sơ sơ thế thôi, vì tâm trạng cậu bé lúc này rối bời, chẳng khác nào đứa ăn cắp bị bắt quả tang.
Cậu nhớ lại chuyện cách đây không lâu, ở trường phủ có học sinh đi lung tung vào phòng thầy đốc học, bị thầy giáo phát hiện phạt cho năm hèo, sưng hết cả mông.
Lại nghe đồn xạ trường kỷ luật rất nghiêm, e là tội của mình chắc sẽ không đơn giản là năm hèo. Đang suy nghĩ tới cây roi nó to thế nào thì ông già râu dài đã băng bó xong.
Ngoài lúc ở trên lầu ông có vẻ gấp gáp thì từ lúc xuống tầng trệt đến giờ ông đã trở lại dáng vẻ bình thản. Không bộc lộ cảm xúc, ông hỏi :
"Mi là học sinh của thầy mô ở trường phủ?"
Thân liền vòng hai tay thưa:
"Dạ thưa là thầy Phó ạ!"
Ông già nghe xong thì thoáng vẻ đăm chiêu, nhưng rất nhanh vẻ đăm chiêu biến mất. Ông hỏi:
"Thì ra là học trò của Nhật Tài! ...Thằng nhóc nớ dạo ni ra răng, có mạnh khỏe không?"
(Chi: Gì / Răng: Sao/ Rứa: Thế / Ni: Nay, Này ngược với Nớ: Đó, Kia)
Ở thời đại này, các sĩ phu ngoài tên do cha mẹ đặt thì thường tự đặt cho mình một cái tên tự, chỉ những người thân quen mới gọi tên tự của nhau. Thầy giáo của Thân thật ra không phải tên "Phó". Chẳng qua do ông làm chức phó Đốc học nên mọi người thường gọi là thầy Phó. Tên thật của ông là Đặng Trí, tự là Nhật Tài. Khi nghe ông già râu dài gọi tên tự của thầy giáo và kêu thầy là "thằng nhóc" thì hẳn ông già là trưởng bối rất thân thuộc với thầy Phó.
Thân tò mò hỏi:
"Thưa cụ, thầy con vẫn mạnh. Ni chính thầy dẫn bọn con qua đây tập cung! ...Mà cụ có quen thầy con phải không ạ?"
"Nói ra thì nó cũng từng học của ta vài trò..."
Ông già vừa vuốt râu, vừa trả lời một cách mơ hồ. Sau ông lấy ấm trà rót cho Thân một chén trà. Ông kêu Thân uống, rồi ông hỏi :
"Nói ta nghe tại răng mi lại vào phòng thờ?"
Lúc này, giọng nói của ông già tăng thêm mấy phần nghiêm nghị. Bất giác, nó khiến Thân sinh ra một cảm giác kính sợ trong lòng. Tính tình Thân trước giờ dũng cảm, dù với cha hay thầy giáo cậu cũng chưa bao giờ có cảm giác này.
Không dám dấu diếm, Thân nuốt ngụm nước trà xuống bụng rồi liền kể hết tất cả quá trình từ lúc đi ngang qua sân trước nghe tiếng đánh nhau, đến cuộc chiến ở bãi lau... Ông già ngồi nghe chăm chú, lâu lâu lại vuốt bộ râu dài.
Nghe xong, ông không nói gì về chuyện cây cung, chỉ đứng lên dẫn Thân về sân tập xạ nghệ của học sinh.
Thầy giáo thấy ông già dẫn Thân ra thì rất bất ngờ. Thầy liền chắp tay khom người cúi chào ông già rất lễ độ. Thân nghe được thầy gọi ông già là "Thầy Hợp".
Thầy Phó mới chào, còn chưa kịp hỏi chuyện gì thì cụ Hợp đã ra hiệu ngăn lại. Sau cụ bảo Thân ra với các bạn, rồi kéo thầy Phó ra một góc xa.
Một lát sau, hai người đi vào lại sân tập. Cụ Hợp vẫn dáng vẻ bình thản, nhưng thầy Phó thì lại rất đăm chiêu. Thầy kêu Thân lại, bảo Thân lấy cung bắn vào tấm bia cách đó ba mươi trượng cho thầy xem.
Ở sân tập cung này, thầy giáo thường cho các học sinh tập bắn các mức từ mười đến ba mươi trượng. Ba mươi trượng là tầm bắn hiệu quả nhất cho loại cung nhẹ, được làm bằng tre. Tầm bắn tối đa có thể lên đến năm mươi trượng nhưng với khoảng cách xa thì lực tên cũng yếu đi nhiều.
Thân lấy cung ra, lắp tên vào. Khi kéo cung ngắm bắn thì vết thương ở cánh tay vẫn đang đau nên tay cậu liền bị run.
Thân cố gắng cắn răng chịu đau để ổn định tay bắn, máu ở vết thương cũng rịn ra. Thân thả tay, mũi tên bay đi trúng ngay hồng tâm. Sự kiên trì chịu đựng này cùng thiên phú bắn tên của Thân đều đã lọt vào mắt cụ Hợp, ông hơi mỉm cười.
Xem xong ông cụ dặn dò Thân:
"Sắp tới nếu có chuyện chi lạ thì cứ đến xạ trường tìm ta. Khi qua cửa cứ nói là học trò thầy phó!"
Dặn xong một câu này, ông cũng đi vào lại khu nhà. Nửa canh giờ sau thì Thân cùng các học sinh khác về lại trường phủ.
Từ bữa đó, nhiều chuyện kỳ lạ cũng bắt đầu xảy ra y như lời nói của cụ Hợp.
Mới đầu, Thân thường ngủ mơ thấy cảnh tượng trận chiến ở bình nguyên hôm đó. Mỗi lần nằm mơ Thân lại cố gắng dùng ý thức bản thân trong giấc mơ để thay đổi diễn biến, nhưng kết cục bao giờ cũng là cậu bị mũi tên lạc kia bắn trúng. Mấy đêm liền Thân giật mình choàng tỉnh giữa đêm khuya.
Đó là ban đêm, còn ban ngày thì Thân lại hay nghe thấy âm thanh đánh nhau như hôm đi ngang qua tòa nhà ở xạ trường. Tuy nó chỉ là những âm thanh nhỏ và nhanh chóng biến mất, nhưng lần nào nó cũng tạo ra một cảm giác thôi thúc khó hiểu.
Nó khiến Thân muốn quay lại tìm cây cung đó và được một lần bắn thử. Càng kỳ lạ là những ngày Thân qua xạ trường tập xạ nghệ thì liền không bị hiện tượng này đeo bám.
Thân có đem chuyện này nói với thầy Phó. Thầy rất lo lắng nhưng cũng không có cách giúp Thân. Thân có cảm giác thầy biết chuyện gì đó nhưng mấy lần thầy định nói nhưng lại thôi.
Thời gian sau, Thân bắt đầu trốn sang xạ trường tập cung thường xuyên hơn. Việc này giúp Thân tránh những âm thanh kia quấy rầy, dù sao đang học mà bị mất tập trung thì cũng không học được.
Hơn nữa, mỗi lần bắn cung trong thâm tâm Thân liền trỗi dậy một cảm giác hưng phấn khó tả. Bằng một cách vô tình, hiện tượng kỳ lạ kia đã khơi dậy hoàng toàn niềm đam mê mãnh liệt trong cậu bé Phạm Thân.
Mỗi ngày vào lúc chập choạng tối, các học sinh ở trường phủ sau khi cơm nước, tắm rửa thì lục tục trở về chỗ ngủ.
Chỗ ngủ của học sinh ở trường phủ là những gian nhà dài, được dựng bằng gỗ, lợp mái tranh. Mỗi gian nhà là nơi sinh hoạt tập thể của mười học sinh, thường là cùng độ tuổi.
Vào một buổi tối, Phạm Thân trở về gian nhà cùng các học sinh khác. Tất cả đều leo lên sập tre, trải chiếu, chuẩn bị đi ngủ. Nhưng thường thì một số học sinh sẽ không ngủ ngay mà nằm trò chuyện, trong đó có Thân.
Thân đang nằm kế bên nghe các bạn học nói với nhau đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, thì bỗng nhiên lời nói của các bạn học im bặt, thay vào đó là âm thanh đánh nhau nổi lên bên tai. Đi kèm với âm thanh này như mọi khi là cảm giác thôi thúc Thân tìm đến với cây cung ma mị kia.
Có kinh nghiệm mấy lần trước, Thân cố gắng cưỡng lại, câu tin là trong chốc lát nó sẽ hết. Nhưng không, lần này âm thanh mỗi lúc một lớn, cảm giác thôi thúc lại càng mãnh liệt, nó đã phá vỡ sự chống chế của cậu bé.
Thân không cưỡng lại được nữa liền leo xuống sập, đi ra cửa. Thấy cậu đi ra, các bạn học vẫn nghĩ là Thân đi vệ sinh. Nhưng đâu ai biết sau đêm đó, số phận Thân bắt đầu lao vào một lối rẽ khác.
Thân leo qua hàng rào gạch, trốn ra khỏi trường. Với một ngọn đèn dầu, Thân lầm lũi trong đêm, đi về phía xạ trường phủ Thăng Hoa cách đó năm dặm.
Đến khuya,Thân tới được xạ trượng, âm thanh đánh nhau cũng dần nhỏ lại. Bốn góc xạ trường đều có tháp canh, trên bậc thềm ngay trước cổng chính còn có hai người lính canh đang ngồi trò chuyện hút thuốc lào.
Thân nhớ tới lời dặn của cụ Hợp hôm trước, nhưng nghĩ lại giờ là nửa đêm, tự dưng có đứa nhỏ mười tuổi tới xạ trường đòi gặp người thì lính nào lại cho qua, chắc chắn là sẽ bị bắt lại, rất phiền phức.
Nghĩ đoạn, Thân quyết định lẻn vào. Mấy lần trước Thân vào xạ trường có thấy một nơi trên hàng rào gỗ bị hỏng, để lộ một lỗ vừa cho đứa trẻ chui qua. Nhưng lỗ này lại nằm ngay dưới một tháp canh.
Suy tính một lát, Thân quyết định thổi tắt ngọn đèn dầu rồi men theo hàng rào đi về phía lỗ hổng. Gọi là đèn dầu nhưng thật ra nó chỉ là một chén gốm đựng dầu có một cọng bấc cắm vào.
Khi đến gần lỗ hổng, Thân ném chiếc đèn dầu ra xa. Cái chén gốm vỡ toang trên mặt đất ở phía xa tạo ra một tiếng động nhỏ. Nhưng giữa đêm khuya tĩnh mịch, âm thanh vang lên rất rõ ràng.
Nghe động, người lính trên tháp cành liền ném ngọn đuốc về hướng tiếng chén vỡ, dõi mắt quan sát. Nhân lúc này, Thân như một con mèo liền chui vào lỗ hổng.
Sau khi đi qua các sân tập, tránh một nhóm lính canh đi tuần, thì Thân cũng đến được tòa nhà ở giữa sân trước. Khi Thân đến đây thì âm thanh đánh nhau lúc này cũng hoàn toàn biến mất. Trong Thân chỉ còn lại cảm giác thôi thúc mãnh liệt.
Trong sân trước không đốt đèn, cảnh vật chỉ có thể nhìn mờ mờ dựa vào ánh trăng. Thân bước tới gần tòa nhà thì bất thình lình một cánh cửa mở ra. Thân giật thót khi thấy bóng người đen thui ngay cửa tòa nhà.
Người nọ đốt lên một ngọn đuốc, Thân liền nhận ra cụ Hợp. Lúc này, ông đang mặc một bộ viên lĩnh ngắn tay, thêu hình hổ vàng hai bên vai.
Toàn thân ông cụ nai nịt gọn gàng, chân đi giày đen, đầu đội nón sơn. Trên nón viết ba chữ vàng nhưng Thân nhìn không rõ. Bên hông ông cụ có treo một bao đựng cung, trong bao chính là cây cung sơn son thếp vàng ma quái ở phòng thờ.
Vừa nhìn thấy ông cụ cùng cây cung bước ra, cảm giác thôi thúc cũng tan biến. Thân như vừa trút được một gánh nặng, vội vàng vòng tay chào cụ Hợp. Trong lòng tự hỏi:
"Đêm hôm khuya khoắt, ông cụ không ngủ lại ăn mặc thế ni, không biết là định đi đâu?"
Thân vừa cúi người chào thì xung quanh xuất hiện ba người đàn ông. Ai cũng mặc viên lĩnh màu đỏ, đội mũ đinh tự, mang binh khí như võ sĩ, tay cầm đuốc. Họ tiến vào rất nhanh và không hề gây ra bất kỳ tiến động nào. Trong ba người đàn ông trung niên, Thân nhận ra thầy Phó.
Ông cụ đi qua sân thi đấu ở ngay kế bên. Thân cùng thầy Phó và hai võ sĩ cũng đi theo.Cụ Hợp ngồi trên ghế, đặt cây cung trên bàn trà, sau lưng là ba võ sĩ, còn Thân đang đứng giữa sân. Cụ Hợp hỏi Thân:
"Đêm ni cây cung kêu hồi lâu, ta đoán đã đến lúc nó chọn người tiếp theo... Có phải mi đến vì cây cung ni?"
"Thưa, phải ạ" - Thân thừa nhận.
"Ta phải nói cho mi biết, cây cung ni là một ma vật của người Nguyên. Trước kia nó từng có bốn người chủ, nhưng chỉ có hai người khiển được, còn hai người khác đã bị hại cho hóa điên, kết cục không lành."
Ông cụ dừng lại một lát rồi nói tiếp.
"Nhưng nó đã chọn mi thì sợ rằng chỉ có cách phải bỏ đi thật xa may ra nó mới không theo ám được. Còn không thì phải chịu qua thử thách, điều khiển nó thành vật của bản thân."
Thân nghe thì cũng sợ nhưng ham muốn chiếm hữu cây cung này cũng tăng lên mấy phần. Cậu hỏi:
"Làm răng để điều khiển được nó ạ?"
"Mi phải mạnh hơn nó. Phải có được bản lĩnh kéo cung trăm trượng thì may ra mới qua được!" - Cụ Hợp nói giọng quả quyết.
Sau ông ôn tồn hỏi Thân:
"Đã từng nghe qua Kim Khái Môn chưa? (1)"
Thân lắc đầu, ông cụ tiếp:
"Kim Khái Môn là môn phái của chiến tranh, mở ra vào những năm chiến tranh chống giặc Minh. Chưởng môn đầu tiên là Cương quận công Nguyễn Xí (2). Đến thời Hồng Đức thì chia hai nhánh. Một là Bắc Kim Khái và Nam Kim Khái. Ta là chưởng môn của Nam Kim Khái đời thứ hai, Nguyễn Văn Hợp!"
Ông dừng lại uống một ngụm trà, rồi nói tiếp:
"Nhưng trước giờ môn phái chúng ta không truyền bá rộng, chỉ chọn người có duyên. Đến năm ni Nam Bắc cũng chỉ còn lại mười một môn đồ... Thời gian gần đây, ta có quan sát thì thấy mi là đứa trẻ có tài, lại có duyên với ta nên ta muốn nhận mi là đồ đệ. Mi có bằng lòng? "
Hơi bất ngờ, Thân liền phân vân, nhưng cậu nghĩ, nếu muốn có được cung ma thì phải mạnh lên, hiện thì chỉ có Kim Khái Môn này là một sự lựa chọn tiềm năng, lại rất kỳ bí. Sự bí hiểm này đúng là kích thích tính tò mò của Thân. Cuối cùng Thân cũng bằng lòng vào Kim Khái Môn.
Trước sự chứng kiến của ba vị sư huynh, đêm đó Thân làm lễ bái sư với cụ Hợp. Từ giờ cậu là môn đệ thứ năm của Nam Kim Khái môn.
Chú Thích:
Khái - nghĩa là con hổ, con cọp.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top