Tiêu đề phần
c- Chương Thứ Hai: Phần Giáo-Lý
Hỏi. – Tôi đã hiểu thân-thế và hành-trạng của Đức Huỳnh Giáo-Chủ, nhưng tôi chưa hiểu giáo-lý của Ngài như thế nào. Vậy xin quí ông giải cho tôi rõ.
Đáp. – Như chúng tôi đã cho biết Ngài lâm-phàm là có sứ-mạng hưng-truyền giáo-pháp của Phật Thích-Ca như Ngài đã từng thuyết:
Rút trong các Luật các Kinh,
Tùy lòng không ép làm in giảng này.
Câu này đủ minh-chứng Ngài đã rút tỉa tinh-lý của Phật trong Tam-tạng tức là Kinh-tạng, Luật-tạng và Luận-tạng mà nêu rõ trong Sám-giảng của Ngài.
Đồng thời, vì phương-tiện thích-ứng với trình-độ của nhơn-sanh, Ngài xiển-minh đạo Thánh Hiền để đem con người trở lại với phong-hóa thiện-mỹ cổ-lai, như Ngài đã phổ-biến:
Ta dạy thế mượn lời Phật Thánh,
Nên truyền ban cho chúng-sanh tường.
Hay là:
Khuyên trai gái học theo Khổng Mạnh,
Sách Thánh Hiền dạy đạo làm người.
Như thế chúng ta có thể tóm lược giáo-lý của Ngài gồm có hai quan-điểm: Nhơn-đạo và Phật-đạo.
H. – Về nhơn-đạo, Ngài chủ-trương như thế nào?
Đ. – Đứng trước xã-hội hiện-nay, cái xã-hội tiêm-nhiễm theo văn-minh vật-chất mà đa số gia-đình đã bại hoại, phong-hóa đã suy-đồi, đạo Nho đã thất bổn, Ngài lấy làm đau-đớn cho thế-đạo nhơn-tâm mà chẳng ngớt cực-lực bài-xích những thói hư tật xấu của người đời.
I. – Về gia-đình, việc loạn-luân cang-kỷ càng ngày càng thêm chất-ngất, như giữa cha con thì mất cả hiếu từ, giữa chồng vợ thì mất cả ân nghĩa, giữa anh em thì mất cả kính thuận, giữa bè-bạn thì mất cả thành thật, giữa chủ tớ thì mất cả trung tín...
Ngoài ra, giữa tôi chúa không còn trung nghĩa, giữa thầy trò mất cả kỉnh-thành. Nói tóm lại đạo luân-thường đã hư-hèn bại-hoại:
Gẫm nhiều người bội-bạc thâm ân;
Nào kể chi là đạo quân thần,
Tôi giết chúa, con đành sát phụ,
Lúc nguy cơ tớ mong hại chủ,
Trò giết thầy tội ấy đáng không?
Thêm chồng giết vợ, vợ giết chồng,
Niềm huynh đệ cùng nhau xâu-xé.
Cũng hiếm lúc con còn giết mẹ,
Giành của tiền cốt nhục giết nhau.
Tranh lợi danh giết lẫn đồng-bào,
Tình nhân-loại phân chia yểm-bách.
II. – Về phong-hóa thì xã-hội càng ngày càng đồi-bại, nảy sanh ra nhiều hạng người: đàng-điếm chơi-bời, gian-phi hung-ác, ích-kỷ sâu dân...
1.-Hạng đàng-điếm chơi bời không lúc nào thạnh hành bằng từ khi có ngọn gió vật-chất thổi mạnh vào làm cho con người say mê:
a) Quen thói chè chén say-sưa vất-mả, la ó đánh đập, sanh ra lắm việc tồi-tàn;
b) Đàng-điếm đĩ-thỏa, son phấn lả-lơi, trêu hoa cợt nguyệt, bày trò dâm-loàn khả-ố;
c) Đấu kê đổ-bác, dối gạt lận lường, thua thiếu nợ-nần sanh ra cướp giựt;
d) Hút xách ghiền-gập, cạo ống vét nồi, cầm quần bán áo, làm những điều hèn-hạ nhuốt-nhơ.
Về vần-đề này, Đức Huỳnh Giáo-Chủ đã khéo trách thiện trong mấy vần thơ dưới đây:
Ở thị-thiềng đua chen xướng-khởi,
Những tuồng hư cho bọn gái lẫn trai.
Nào hút thuốc phiện hội ve chai,
Nào trùm đĩ, ma-cô, nghề hút máu,
Ai để mắt xem đời châu đáo,
Chẳng khỏi than giùm dân-tộc hư hèn.
Diện áo quần, son phấn lấn chen,
Miễn cho mình được lên xe xuống ngựa.
Mảng điểm-tô huy-hoàng nhà cửa.
Ai khốn cùng để mặc đất Trời xoay.
2o Hạng gian-phi là những kẻ:
a) Chuyên sống về nghề khoét vách đào tường, năm này tháng nọ chẳng chịu ra sức làm ăn; ngoài ra còn bày mưu này kế nọ lường gạt kẻ làm ăn chơn chất mà lòng không chút ăn-năn cải-hối.
b) Chuyên sống về nghề mua giựt bán giành, buôn lậu đầu-cơ, lường cân tráo đấu, hại kẻ quê mùa dốt nát vì mình mà sống cơ-cực thiếu thốn.
Về hạng này, Đức Huỳnh Giáo-Chủ thường xuyên:
Việc bán buôn phải giữ ngang cân,
Chớ tập tánh lận lường tráo đấu.
Các công cuộc của người tánh xấu,
Ta giữ gìn chớ có nhiễm vào.
c) Chuyên sống về nghề cho vay cắt cổ, vốn một lời mười, thi-hành phát-mãi, ở đợ nát lời gây nên một cảnh-trạng bức hiếp thê-thảm cho kẻ cô thân bần tiện.
3o Hạng hung ác là những người:
a) Chưởi cha mắng mẹ, rủa xả chòm riềng, không kiêng già cả, kêu réo Thánh Thần, miệng không ngớt lời độc ác với kẻ trong nhà cũng như người ngoài ngỏ.
b) Ỷ khôn lanh húng-hiếp những người hiền lương khờ-khật, từ miếng ăn cho đến thức mặc đều đặt trên lẽ hung tàn ác-độc.
4o Hạng ích-kỷ là hạng người chỉ biết sống riêng, ngày tháng cứ bo-bo giữ của, không lòng bố-thí. Chẳng những thế mà lại còn tham-lam vùa hốt của người một cách sâu hiểm.
5o Hạng sâu dân là hạng người giá áo túi cơm, phỉnh gạt dân-chúng bằng ngòi viết ngọn roi khiến cho đám dân đen phải sống dưới sự đàn-áp bóc-lột mà họ vẫn ngang-nhiên không biết xấu-xa hổ-thẹn.
Về hạng này, Đức Huỳnh Giáo-Chủ đã lắm phen thống-trách như mấy vần thơ dưới đây:
Đời cũng lắm bao người giá áo,
Nương bã vinh nhiều hạng túi cơm;
Thấy dân ngu trong dạ sẵn hờm,
Quyết kiếm thế đặng toan lừa dối.
6o Hạng người ngợm là hạng người:
a) Vô-ích trong xã-hội, sống một cách trơ-trẻn dưới sự ám-ảnh của nhục-dục, chỉ biết ăn với ngủ, không khác gì đời sống của con vật.
Về hạng này trong Sám-Giảng có đoạn tả như vầy:
Đời lắm kẻ đầu trâu mặt ngựa,
Coi sự sống như Tiên nưa-nửa;
Mê mồi thơm như cá lục-châu.
Sao chẳng lo thức tỉnh quầy đầu,
Cho khỏi thẹn với người Thượng-cổ.
b) Vô liểm-sỉ, chỉ vùi đầu óc trong cuộc truy hoan dật-lạc, lo chưng diện hình vóc lả-lơi, bày trò bướm ong hoa nguyệt một cách nhơ-nhuốc tối-tăm. Chẳng những thế mà lại còn tự-phụ vào mớ học văn-minh cặn bã, trở lại phỉ-báng ông cha, khinh chê cổ-tục, không chút liêm-sỉ thẹn-thùa.
Về hạng này, Đức Huỳnh Giáo-Chủ không ngớt than phiền như mấy câu thơ dưới đây:
Văn-minh sửa mặt sửa mày,
Áo quần láng mướt ngày ngày ăn chơi.
Dọn xem hình vóc lả-lơi,
Ra đường ăn nói những lời nguyệt hoa.
Trong tâm chứa những điều tà,
Lời ăn tiếng nói thiệt là quá lanh.
Xưng là đầu trẻ tuổi xanh,
Chẳng trau hiền đức học hành làm chi.
Khôn ngoan thời những chuyện gì,
Cũng là lừa dối vậy thì dân quê.
Người xưa nó lại khinh chê,
Ông cha hủ bại u-mê hơn mình.
Tự-do trai gái kết tình,
Với lo trau sửa cho mình đẹp tươi.
Gái trai đến tuổi hai mươi,
Chẳng kiêng cha mẹ nói cười lả lơi.
So hình sửa sắc chiều mơi,
Đặng làm những chuyện trái đời vô-liêm.
Cớ sao chê cổ trọng kim,
Phụ cha phản chúa lỗi niềm tôi con.
Thấy đời trần hạ thon-von,
Ai nuôi cho lớn mà còn khinh-khi.
Ông cha thuở trước ngu-si,
Mà ngay mà thảo hơn thì đời nay.
Học hay lợi-dụng tiền tài,
Lên quan xuống huyện ăn xài lả-lê.
Gặp ai đói rách cười chê,
Miệng kia hễ mở chưởi thề vang rân.
Chẳng lo rèn trí lập thân,
Để làm xảo trá khổ thân sau này.
III. – Về đạo Nho thì thuyết tu tề trị bình, nền tảng luân thường đạo nghĩa của ngàn xưa, đã đến hồi suy-vi hủ-bại. Kẻ học Nho ngày nay không còn mấy người được phong-độ quân-tử, đem đạo Thánh Hiền truyền-bá trong dân-gian, chấn-chỉnh cang thường đạo nghĩa, gây nên một học-phong sĩ-khí, mà chỉ đem cái sở học ra áp-dụng vào những việc buôn y bán lễ, làm thơ cợt nhã trêu đời, coi như dưới mắt không ai, hiêu hiêu tự đắc.
Về hạng hủ nho này, Sám-Giảng có đoạn biểu-trạng như vầy:
Đàng nhu thầy lễ cũng kỳ,
Mắc phải chuyện gì phủ phục bình hưng.
Lại thêm đờn-địch từng-tưng,
Đem con heo sống mà dưng làm gì.
Chủ gia kẻ lạy người quì,
Làm chuyện dị-kỳ giả dối hay không?
Nếu không thì trả lời không,
Bằng mà có dối thì hòng sửa đi.
Thương đời Ta luống sầu bi,
Học nho cứ mãi làm thi ngạo đời.
Rung đùi ngâm chuyện trên Trời,
Tình duyên cá nước vậy thời dỗ con.
Thấy đời Ta cũng héo-von,
Học trò mà chẳng làm tròn nghĩa nhơn.
Khoe mình mà chẳng có ai hơn,
Nhờ làm thuốc bắc đỡ cơn túng nghèo.
Hiền nhơn chẳng chịu làm theo,
Đợi ai có bịnh túng nghèo chẳng tha.
Hốt thời cắc bảy, cắc ba, (1)
Chúng đòi năm cắc người ta hoảng hồn.
Lành bay còn ác lại tồn,
Đến chừng lập hội xác hồn lìa xa.
_____________________
(1) Giá tiền hồi năm 1939
Nói tóm lại, đứng trước hiện-tình gia-đình bại-hoại, phong-hóa hư-hèn, đạo Nho suy-đốn vì làn sóng vật-dục lôi cuốn ồ-ạt, Đức Huỳnh Giáo-chủ đầy lòng trắc-ẩn, trước khi đem nền đạo-lý chánh-đáng đặt lên xã-hội loài người, Ngài cực-lực bài bác những phần-tử có thói hư tật xấu ấy để cách-chánh luân-thường đạo-lý.
H. – Vậy Ngài cách-chánh bằng phương-pháp nào?
Đ. – Để đối trị cái bịnh của thời-đại quá đắm say dục-lạc, trước hết Ngài đem con người trở lại với bản tâm lương thiện, bằng cách chấn-phục đạo ngũ-luân ngũ-thường và tam tùng tứ-đức đã có từ xưa.
1o Ngũ-luân.
a) Đạo quân thần là mối đạo vua tôi. Lúc bình thời thì lo củng-cố cho đất nước được phú-cường, khi có giặc phải đem thân ra ngăn đỡ cho nước nhà khỏi lọt vào tay kẻ địch, dù phải hy-sanh tánh-mạng. Hãy xem đó là cơ-hội độc nhứt cho mình đáp ơn đất nước, không hề vì quá tham sanh úy tử làm mất sự trung,
b) Đạo sư đệ là mối đạo giữa thầy trò. Phận làm trò phải kính và vâng lời dạy bảo của thầy. Đứng trước mặt thầy, lúc nào cũng giữ dung-mạo đoan-nghiêm lễ phép. Khi thầy vắng mặt cũng vẫn giữ lòng thành kính như khi có mặt.
c) Đạo phụ-tử là mối đạo giữa cha con. Làm con phải hết lòng hiếu dưỡng cha mẹ, từ món ăn thức mặc đều phải cung-phụng cho đầy đủ, chí đến việc hành-xử cũng phải làm cho cha mẹ vừa lòng.
Việc làm chánh-đáng của cha mẹ không nên trái cãi, hãy gìn giữ như vàng ngọc. Thảng như ở trong cảnh nghèo-hèn hay giàu-có cũng phải giữ lòng thờ kính cha mẹ làm gốc. Không nên để ngoại-cảnh chi-phối đến nỗi làm cho mình mất hẳn sự hiếu.
Về bổn-phận làm con trong Sám-Giảng có khuyên:
Nếu ai biết chữ tu trì,
Cha mẹ còn sống vậy thì cho ăn.
Không làm để ở lung-lăng,
Chưởi cha mắng mẹ lăng-xăng thiếu gì.
Ở cho biết nhượng biết tùy,
Vui lòng cha mẹ vậy thì mới ngoan.
Trái lại, kẻ làm cha mẹ cũng có bổn-phận trước hết là nuôi dưỡng cho con khôn lớn; đến khi khôn lớn phải gia-tâm giáo-dục những điều đạo nghĩa, cốt tạo nên con người hữu dụng trong xã-hội ở tương-lai. Khi còn lầm lỗi, hãy dùng cách khéo-léo mà cảm-hóa, chớ không nên đánh đập chưởi rủa mà làm cho con khinh-lờn và bắt chước theo, gây thành ác-tập.
Về bổn-phận làm cha mẹ, trong Sám-Giảng có dạy:
Dạy rồi những việc đức ân,
Phận làm cha mẹ xử-phân lẽ nào.
Lỗi lầm chớ có hùng-hào,
Đừng chưởi đừng rủa đừng cào đừng bươi.
Đem lời hiền đức tốt tươi,
Đặng mà giáo-hóa vàng mười chẳng hơn.
Cũng đừng gây-gổ giận hờn,
Cho con bắt chước sạ duơn mới là...
d) Đạo phu thê là mối đạo giữa chồng vợ. Giữa chồng vợ phải ăn ở với nhau cho có ân nghĩa, đối đãi với nhau cho có nhã độ và dám liều chết để cứu nhau trong lúc khốn nàn cho trọn nghĩa thỉ chung. Không nên vì hoàn-cảnh sang hèn mà thay đổi tâm ý đen bạc cho mất hẳn chữ tình.
e) Đạo huynh đệ là mối đạo giữa anh em. Phải thương yêu lẫn nhau, dạy dổ cho nhau những điều hay lẽ phải, hầu bảo-vệ danh-giá gia-đình và làm cho vui lòng cha mẹ. Hơn nữa khi gặp việc nguy biến đều phải hết lòng tương cứu tương trợ, chớ vì quyền lợi mà xâu xé lẫn nhau, gây nên thảm-trạng giữa tình cốt nhục mà để tiếng chê bai trong thiên-hạ.
Về đạo huynh đệ, trong Sám Giảng có khuyên:
Anh em đừng có đổi dời,
Phụ-phàng dưa muối se lơi nghĩa tình.
Tuy là Trời đất rộng thinh.
Có Thần xem xét phân minh cho người.
Ngoài ra còn đạo bằng hữu là mối đạo giữa bè-bạn. Phải tương thân tương tín, sửa cho nhau những điều lỗi lầm, dạy cho nhau những việc chánh-đáng. Ngộ khi gặp việc bất thường, phải tận tâm cứu hộ, giúp đỡ lẫn nhau. Hơn nữa đối với gia-đình của bạn cũng tôn-trọng như của mình.
Nói tóm lại về ngũ-luân, Đức Huỳnh Giáo-Chủ có khai-thị như vầy:
Đạo tôi chúa chặt gìn câu chung thỉ,
Đạo thầy trò khắc cốt với ghi xương.
Đạo cha con chặt-chẽ chữ miên-trường,
Đạo chồng vợ thuận hòa cho đến thác.
Biết lễ nghĩa kính yêu cùng cô bác,
Nội tông cùng ngoại tổ với cậu dì;
Thêm kính nhường anh chị kẻ cố tri,
Mắt chẳng thấy lũ gian phi xảo trá.
Đạo bè bạn bất phân nhơn với ngã,
Chữ nghĩa tình sắt đá mãi bền gan.
2o Ngũ thường
a) Nhân là lòng hiếu-đạo hay thương người mến vật mà tận tâm cứu hộ cho được mọi việc lợi-ích, không hề chán-nản hối tiếc.
b) Nghĩa là có tánh công-bằng ngay thẳng, biết tôn trọng lẽ phải, thọ ân huệ nơi người không hề quên, ra chẩn-tế người chẳng đợi trả, thấy của người không động lòng tham, giúp cho người mà không tiếc mạng và luôn luôn đối xử với bà con thân tộc có ân hậu đầy đủ.
c) Lễ là có lòng kính người trên, nhượng kẻ dưới xem người dưng như kẻ ruột thịt, dối người giàu-có cũng như kẻ nghèo-hèn, vẫn giữ cách hỏi thưa khuôn phép như nhau. Và xem thân danh của người cũng như của mình, chẳng hề có ác ý phá hoại nghĩa là không khi nào rù quến vợ con người làm những việc tồi bại cho hư thân mất tiết lỗi đạo nhơn-luân.
d) Trí là có óc minh-mẫn phân-tách rõ việc phải quấy; nói lựa lời lành, làm trọn việc chánh, sống trong tiền bạc mà không đổi tánh, ngồi giữa tiệc rượu mà chẳng loạn ngôn và lúc nào cũng được bình tỉnh sáng-suốt để phán-đoán mọi việc của người khác hay của mình, chẳng hề có sự tư-vị lầm lỡ.
e) Tín là có lòng tin thật, miệng nói thẳng, lòng xét ngay, tin người thì dụng, nghi người thì thôi, không hề để cho mình thất hứa, chẳng muốn gần gũi những kẻ sai lời và đối với người trong nhà cũng như ngoài ngỏ đều lấy lòng ngay thật chắc-chắn bày tỏ hoặc hứa-hẹn. Dù lúc nào cũng lấy chữ tín ra dò người xét việc để đi tới mục-đích.
Những phần đã kể trên đây về ngũ-luân và ngũ-thường là bổn-phận hàng tu-mi nam-tử phải suất-sử cho tròn. Đến như phận thuyền-quyên thục-nữ thì có tam-tùng và tứ-đức.
3) Tam-tùng.
a) Tùng-phụ là trong lúc chưa chồng tức là thời-kỳ trả ơn cha mẹ, phận làm gái phải lo hầu hạ một bên cha siêng năng và vâng giữ các việc của cha mẹ dạy bảo.
Mỗi việc chi cũng đều phải dọ hỏi cha mẹ rồi sẽ làm, riêng mình không được quyền định-đoạt một việc nào cả; nhứt là những việc có quan-hệ đến gia-tộc thì càng phải đãi lịnh của cha mẹ.
Phải biết kính trọng thân danh của cha mẹ và của mình trong một ngày kia mà hiện giờ mình phải gắng lo trau-giồi đức-hạnh hiền-lương trinh-bạch. Việc làm phải khéo-léo lẹ-làng để cho cha mẹ trông vào đẹp ý và sau khi có chồng không làm cho ngưới chê mình là kẻ hư-hèn
Không nên học thói cợt gió cười trăng, lả-lơi tánh nết, ngủ trễ ăn bừa, vụng-về biếng-nhác gieo sự tủi nhục cho tổ-tiên cha mẹ mang tiếng sanh con bất-hiếu và thân mình sau nầy cũng chẳng ra gì.
b) Tùng-phu là sau khi về nhà chồng, mình đã thuộc quyền của chồng, mọi công ăn việc làm trong ngoài đều do người chồng chỉ bảo.
Mình phải hiểu cái nào chồng không thích để mà tránh hẳn, đừng làm hoặc nói đến điều đó. Và những khi chồng nóng giận nên tránh đi để khỏi phải sự gây-ó. Cũng như các việc quấy của chồng mình đã gặp, hãy tùy lúc vắng người dùng lời dịu-ngọt khuyên can khiến cho chồng nghe mà chừa bỏ; không nên nói đường-đột sỗ-sàng mà thêm sự rầy-rà.
Chớ giấu-giếm chồng một việc nào và tự lịnh làm điều chi, nếu điều ấy có tánh cách hệ-trọng cho gia-đình.
Tự mình phải siêng-năng và có thứ-tự ở mọi việc trong nhà, đừng để phiền đến chồng những việc quá nhỏ mọn.Nhứt là phải cho sạch-sẽ hạp vệ-sanh và đừng vì chồng quá yêu mà khinh-lờn.
Nên cẩn-thận trong khi người bạn của chồng đến thăm, nhằm khi chồng mình đi vắng, phải cho lễ-độ nghiêm-chỉnh để tiếp-đãi chào hỏi tử-tế.
c) Tùng tử là chẳng may người chồng qua đời thì mình nên thủ-tiết để bảo dưỡng con-cái cho đến ngày mình nhắm mắt theo chồng.
Thay cho chồng mà làm-lụng nuôi con cho được cơm no áo ấm và dạy-dỗ cho nó được khôn-ngoan ngay thảo. Rủi phải chạm việc khó-khăn mình cũng vẫn giữ lòng cứng-rắn để lướt qua cho trọn sự tốt lành.
Và khi con mình trưởng-thành, hãy lập cho nó cái nghề-nghiệp chánh-đáng hợp thời để nó bảo thân. Khi muốn cưới vợ gả chồng cho con đừng kén chọn chỗ giàu sang mà hãy chọn nơi cha lành con thảo là được, song cũng phải hỏi ý con, nếu như nó bằng lòng mới lo, chớ không nên ép.
Bổn-phận làm mẹ là phải treo gương tốt cho con học theo. Không nên sau khi chồng chết, chẳng những mình không giáo-dục con-cái cho nó có căn-bản nghề-nghiệp sanh sống, đạo-đức đối-xử, mà còn tha-hồ chuốc lấy mọi việc tồi-tệ hư-hèn cho con bắt chước để miệng thế khinh chê một cách nhục-nhã. Như thế sẽ làm khổ con sau này và mình cũng có lỗi với tổ-tiên trong việc khói hương.
4. – Tứ-Đức
a) Công là nấu nướng, vá may cho sắc-xảo, khéo-léo, mọi việc làm-lụng được thứ lớp và thu-xếp gọn-ghẽ kỹ-càng, không được phào-phẹt bừa-bãi.
b) Dung là trạng-mạo đằm-thắm, cử-chỉ hòa-huỡn và mỗi lúc đi đứng nằm ngồi phải dòm ngó trước sau một cách cẩn-thận. Thân-thể phải cho sạch-sẽ và hình dáng phải đoan-trang, cách ăn thức mặc giữ được chừng mực gọn-ghẽ, không được hở-hang, cách điệu quá lẽ.
c) Ngôn là thưa thốt dịu-dàng, nói-năng lễ nghĩa không hay dùng lời láo-xược chưởi rủa tục-tằn.
d) Hạnh là nết-na hiền-hậu, tánh ý ôn-hòa, hay tha-thứ kẻ lầm lỗi, giúp đỡ kẻ thiếu hụt. Chốn khuê phòng thường trau-giồi giá gương trong sạch, không xem những loại sách bất chánh cũng không gần kẻ lả-lơi trây-trúa hỗn-ẩu tham-gian để ngừa hại đến danh thể.
Ở với cha mẹ đầy lòng hiếu-thuận, với ông bà cô bác anh chị thân quyến cũng giữ mực cung kính khiêm-từ đáo-để.
Về bổn-phận làm gái, Đức Huỳnh Giáo-Chủ có khuyên dạy như vầy:
Lớn lên phận gái cần chuyên,
Làm ăn thì phải cho siêng mới là...
Phải gìn dục-vọng lòng tà,
Đừng chìu theo nó vậy mà hư thân.
Nghe lời cha mẹ cân phân,
Tam-tùng vẹn giữ lập thân buổi nầy.
Tình duyên chẳng kíp thì chầy,
Chớ đừng cãi lịnh gió mây ngoại tình.
Đi thưa về cũng phải trình,
Công dung ngôn hạnh thân mình phải trau.
Công là phải giữ làm sao?
Làm ăn các việc tầm-phào chẳng nên.
Mình là gái mới lớn lên,
Đừng cho công việc hớ-hênh mới là.
Chữ dung là phận đàn-bà,
Vóc hình tươi-tắn đứng đi dịu-dàng.
Dầu cho mắc chữ nghèo-nàn,
Cũng là phải sửa phải sang mới mầu.
Ngôn là lời nói mặc dầu,
Cũng cho nghiêm-chỉnh mới hầu khôn ngoan.
Đừng dùng lời tiếng phang-ngang,
Thì cha với mẹ mới an tấm lòng.
Hạnh là đức-tánh phải không?
Ở cùng chòm xóm đừng cho mất lòng.
Bốn điều nếu đã làm xong,
Cũng gìn chữ hiếu phục-tòng song thân.
Nhưng về mặt đạo nhân, ngoài ngũ-luân ngũ-thường tam-tùng tứ-đức, Đức Huỳnh Giáo-Chủ còn khuyên hãy hành thêm bát-nhẫn là một phương trợ-lực giúp cho người bền chí lướt qua mọi trở-ngại khó-khăn như:
Mùi đạo-diệu chúng-sanh rán kiếm,
Trễ thời-kỳ khó gặp được Ta.
Rồi hành luôn bát-nhẫn mới là,...
Thì muôn việc điều an bá tuế.
Chữ thứ nhứt nhẫn năng xử thế,
Là người hiền khó kiếm trong đời.
Lập thân danh từng trải nơi nơi,
Chờ thời-đại mới là không khéo.
Chữ nhẫn giái kỳ tâm trong-trẻo,
Khuyên dương trần giữ phận làm đầu.
Nhẫn hương-lân cùng khắp đâu đâu,
Trên cùng dưới đều hòa ý hỷ
Nhẫn phụ-mẫu gọi trang hiền-sĩ,
Phận xướng tùy chồng vợ nhịn nhau.
Nhịn xóm chòm cô bác mới cao,
Nhẫn tâm nọ ngày ngày an-lạc.
Nhịn tất cả những người tuổi-tác,
Nhẫn-tánh lành yên tịnh dài lâu.
Giữ một lòng hiền hậu mới mầu,
Quanh năm cũng bảo toàn thân-thể.
Chữ nhẫn-đức kể ra luôn thể,
Thì trong đời vạn sự bình an.
Chữ nhẫn-thành báu quí hiển vang,
Khắp bá-tánh được câu hòa-nhã.
Khái-yếu, phương chấn-phục đạo-nhân của Đức Huỳnh Giáo-Chủ là như thế. Có chấn-phục đạo-nhân thì mới có bước sang qua nền Phật-đạo.
H. – Vậy về phương diện Phật-đạo, Ngài chủ-trương như thế nào?
Đ. – Đồng một cảnh-ngộ với đạo Nho, đạo Phật xứ ta hồi thời Đinh, Lê, Lý, Trần rất thạnh, sức tin-tưởng của toàn dân mạnh-mẽ; song từ sau ngày các vị tổ bên Trung-hoa bặt truyền y bát, phái Thần-Tú nổi lên truyền mạnh qua xứ ta, làm cho chánh tín của chúng sanh ngày càng lu mờ, họ trở lại hướng mạnh về âm thinh sắc tướng của Thần-Tú nhiều hơn. Vì thế cho nên chánh-giáo của Phật bị suy-đồi, lòng người quay theo dị-đoan tà-kiến, thành-thử trong việc tu-hành không được bao nhiêu người đắc đạo. Trái lại thấy nhiều người bị tà-thần ám-ảnh dẫn-đắt đến chỗ lầm-lạc tai-hại thảm-khốc.
Để đi đến chỗ xương-minh đạo Phật, trước nhứt Đức Huỳnh Giáo-Chủ đả-phá những lưu-tệ do phái Thần-Tú bày ra, như: làm thầy đám, bày chuông mõ, lầu phướn xá bạc, làm trai đàn mà Ngài đã chỉ tạc chỗ giả dối của họ trong một đoạn Sám-Giảng dưới đây:
Lũ thầy đám hay bày trò khỉ,
Mượn Kinh luân tụng mướn lấy tiền.
Chốn Diêm-đình ghi tội liên miên,
Mà tăng-chúng nào đâu có rõ.
Theo Thần-Tú tạo nhiều chuông mõ.
Từ xưa nay mấy có ai thành,
Phật từ-bi độ tử độ sanh.
Là độ kẻ hiền lương nhơn-ái.
Xá với phướn làm trò kỳ-quái,
Làm trai đàn che miệng thế gian.
Kẻ vinh hoa phú quí giàu sang,
Mướn tăng-chúng đặng làm chữ hiếu.
Thương bá-tánh vì không rõ hiểu,
Tưởng vậy là nhơn-nghĩa đã tròn;
Thấy lạc lầm đây động lòng son,
Khuyên bổn-đạo hãy mau tỉnh-ngộ.
Ngoài những lưu-tệ này, còn nhiều sai lầm khác nữa, như khoác áo thầy tu làm nhưn-bông tụng mướn, bày việc đốt giấy tiền vàng bạc, tượng cốt phết vàng, cúng kiếng chè xôi, bày trò hát Phật mà trong Sám-giảng của Ngài không dứt cảnh-tỉnh:
Kinh với sám tụng nghe thảnh-thót,
Lũ nhưn-bông tập luyện đã rành.
Đẩu với đờn kèn trống nhịp-sanh,
Làm ăn rặp đặng đòi cao giá.
Tâm trần-tục còn phân nhơn ngã,
Thì làm sao thoát khỏi luân-hồi.
Những giấy tiền vàng bạc cũng thôi,
Chớ có đốt tốn tiền vô-lý.
Xưa Thần-Tú bây điều tà-mị,
Mà dắt-dìu bá-tánh đời Đường.
Thấy chúng-sanh lầm-lạc đáng thương,
Cõi âm-phủ đâu ăn của hối.
Đúc Phật lớn chùa cao bối-rối,
Mà làm cho Phật-giáo suy-đồi.
Tu vô-vi chớ cúng chè xôi,
Phật chẳng muốn chúng-sanh lo lót.
Tăng với chúng ưa ăn đồ ngọt,
Nên bày ra cúng kiếng hoài-hoài;
Ỷ nhiều tiền chẳng biết thương ai,
Cúng với lạy khó trừ cho đặng,
Kẻ nghèo khó tu-hành ngay thẳng,
Không cầu siêu Phật bỏ hay sao?
Lập trai đàn chạy chọt lao-xao,
Bôi lem mặt bày tuồng hát Phật.
Nay nhằm lúc mùa màng ngập thất,
Vậy hãy mau bỏ bớt dị-đoan.
Nó tóm lại, đứng trước hiện-tượng Phật-pháp suy đồi do phái Thần-Tú gây ra, Đức Huỳnh Giáo-Chủ nối chí Phật Thích-Ca mà hưng-truyền chánh-giáo.
H. – Ngài hưng-truyền bằng cách nào?
Đ. – Muốn đưa chúng-sanh đi đến một mức cao-rộng của đạo Phật đúng theo chơn-truyền của Đức Phật Thích-Ca. Ngài dạy cho tín-đồ phải hành bốn trọng ân trước nhứt.
H. – Bốn trọng ân ấy thế nào?
Đ. – Về bốn trọng ân, Đức Huỳnh Giáo-chủ có chỉ như vầy:
"Đức Thầy Tây-An thuở xưa thường khuyến-khích các môn-nhơn đệ-tử rằng: Muốn làm xong Hiếu-Nghĩa, có bốn điều Ân ta cần phải hy-sinh gắng-gổ mới mong làm trọn:
– Ân tổ-tiên cha mẹ,
– Ân đất nước,
– Ân tam-bảo
– Ân đồng-bào và nhơn-loại (với kẻ xuất-gia thì ân đàn-na thí-chủ).
Ân tổ tiên cha mẹ. – Ta sanh ra cõi đời được có hình-hài để hoạt-động từ thuở bé cho đến lúc trưởng-thành đủ trí khôn-ngoan, trong khoản bao nhiêu năm trường ấy, cha mẹ ta chịu biết bao nhiêu khổ nhọc: nhưng sanh ra cha mẹ là nhờ có tổ-tiên, nên khi biết ơn cha mẹ cũng có bổn-phận phải biết ơn tổ-tiên nữa.
Muốn đền ơn cha mẹ, lúc cha mẹ còn đang sanh tiền, có dạy ta những điều hay lẽ phải, ta rán chăm-chí nghe lời, chớ nên xao-lảng làm phiền lòng cha mẹ. Nếu cha mẹ có làm điều gì lầm-lẫn trái với nhân-đạo, ta rán hết sức tìm cách khuyên-lơn ngăn cản. Chẳng thế, ta còn phải lo nuôi dưỡng báo đền, lo cho cha mẹ khỏi phải đói rách, khỏi bệnh hoạn ốm đau, gây sự hòa-hảo trong đệ huynh, tạo hạnh-phúc cho gia-đình đặng cha mẹ vui lòng thỏa-mãn. Rán cầu cho cha mẹ được hưởng điều phước-thọ. Lúc cha mẹ quá vãng, hãy tu cầu cho linh-hồn được siêu thăng nơi miền Phật cảnh thoát đọa trầm-luân.
Còn đều ơn tổ-tiên, đừng làm điều gì tồi-tệ điếm-nhục tông-môn, nếu tổ-tiên có làm điều gì sai-lầm gieo họa đau thương lại cho con cháu, ta phải quyết chí tu cầu và hy-sinh đời ta làm điều đạo-nghĩa rửa nhục tổ-đường.
Ân đất nước. – Sanh ra, ta phải nhờ tổ tiên cha mẹ; sống, ta cũng nhờ đất nước quê-hương. Hưởng những tấc đất, ăn những ngọn rau, muốn cho sự sồng được dễ-dàng, giống nòi được truyền-thụ, ta cảm thấy có bổn-phận phải bảo-vệ đất nước khi bị kẻ xăm-lăng dày-đạp. Rán nâng đỡ xứ-sở quê-hương lúc nghiêng nghèo và làm cho trở nên được cường thạnh. Rán cứu cấp nước nhà khi bị kẻ ngoài thống-trị. Bờ cõi vững lặng thân ta mới yên, quốc-gia mạnh giàu mình ta mới ấm.
Hãy tùy tài tùy sức, nỗ-lực hy-sinh cho xứ-sở.
Thảng như không đủ tài lực đảm-đương việc lớn, chưa gặp thời-cơ giúp đỡ quê-hương, ta phải rán trách đừng làm việc gì sơ-suất đến đỗi làm cho nước nhà đau khổ và đừng giúp sức cho kẻ ngoại địch gây ra sự tổn hại đến đất nước.
Đó là ta đền ơn đất nước vậy.
Ân tam bảo – Tam bảo là gì?
Tức Phật, Pháp, Tăng.
Con người nhờ tổ-tiên cha mẹ sanh ra nuôi dưỡng nhờ đất nước tạo kiếp sống cho mình. Ấy về phương-diện vật-chất.
Về phương-diện tinh-thần, con người cần nhờ đến sự giúp đỡ của Phật, Pháp, Tăng khai mở trí óc cho sáng suốt. Phật là đấng toàn thiện, toàn mỹ, bác ái vô cùng, quyết cứu vớt sanh linh ra khỏi vòng trầm-luân khổ-hải. Thế nên, Ngài mới truyền lại giáo-pháp, tức là những lời chỉ dạy cho các chư-tăng đặng đem nền đạo của Ngài ban-bố khắp trần-thế. Các chư tăng chẳng ai lạ hơn những đại đệ-tử của Đức Phật vậy. Bởi vì Đức Phật luôn luôn chỉ-dẫn và cứu vớt quần-sanh thoát miền mê khổ, nên ta hãy kính trọng Phật, hãy tin tưởng và tín-nhiệm vào sự-ngiệp cứu đời của Ngài, làm theo những điều chỉ dạy do các chư tăng cho biết. Tổ-tiên ta đã hiểu rõ sự nhiệm mầu, lòng quảng-ái của Phật đối với chúng sanh, đã kính trọng sùng-bái Ngài đã hành-động đúng theo khuôn-khổ Ngài đã dạy và đã vun trồng bồi đắp cho nền Đạo được phát-triển thêm ra, xây dựng một tòa lầu đài đạo-hạnh vô-thượng vô song roi truyền mãi mãi với hậu thế.
Nên bổn-phận chúng ta phải noi theo chí-đức của tiền-nhơn hầu làm cho trí huệ minh-mẫn đặng đi đến con đường giải thoát, dẫn-dắt giùm kẻ sa cơ và nhứt là phải tiếp-tục khai thông nền đạo-đức đặng cái tinh-thần từ-bi bác-ái được gieo rải khắp nơi nơi trong bá-tánh. Như thế, mới chẳng phụ công trình vĩ đại của Đức Phật và của tiền-nhân để lại và không đắc tội với kẻ đời sau vậy.
Ân đồng-bào và nhân-loại. – Con người vừa mở mắt chào đời, đã thấy mình phải nhờ đến sự giúp đỡ của những kẻ ở xung-quanh và cái niên-kỷ càng lớn thêm bao nhiêu, sự nhờ-nhõi càng tuần-tự thêm nhiều chừng nấy.
Ta nhờ hột cơm của họ mới sống, nhờ miếng vải của họ mới ấm thân, nhờ cửa nhà của họ mới tránh cơn phong-vũ. Vui sướng, ta đồng hưởng với họ. Hoạn-nạn họ cùng chịu với ta. Họ và ta cũng chỉ một màu da, cùng nói một thứ tiếng. Ta và họ hợp nhau thì thành lại làm một, ấy quốc-gia đó. Họ là ai? Tức những người, ta thường gọi bằng đồng-bào vậy.
Đồng-bào ta và ta cùng chung một chủng-tộc, cùng một nòi giống roi-truyền cũng có những trang lịch-sử vẻ-vang oanh-liệt, cùng tương-trợ lẫn nhau trong cơn nguy-biến, cùng chung phận-sự đào-tạo một tương-lai rực-rỡ trong bước tiền-đồ của giang-san đất nước. Đồng-bào ta và ta có một liên-quan mật-thiết, không thể rời nhau, chẳng thể chia nhau và chẳng khi nào có ta mà không có đồng-bào hay có đồng-bào mà không có ta. Thế nên, ta phải rán giúp đỡ họ hầu đền-đáp cái ơn mà ta đã thọ trong muôn một.
Chẳng như thế thôi, ngoài đồng-bào ta còn có thế-giới, người đang cặm-cụi cần-lao cung-cấp những điều nhu-cầu cần-thiết. Họ là nhân-loại, là những người đang sanh sống với chúng ta trên quả địa-cầu. Nếu không có nhân-lọai, thử hỏi dân-tộc ta ra như thế nào? Ta có đủ vật-liệu cần dùng chăng? Ta có thể tự-túc một cách đầy đủ chăng? Nói tóm lại, ta có thể lẻ-loi đương đầu với những khi phong-vũ nhiệt-hàn, với những lúc ốm đau nguy-biến, giữ những cuộc sống còn này chăng? Hẳn không vậy. Thế nên, dân-tộc ta phải nhờ đến Nhân-loại, nghĩa là nhờ đến dân-tộc khác và phải biết ơn họ. hãy nghĩ đến họ cũng như mình nghĩ đến mình và đồng-chủng mình vậy.
Vả lại, cái tình từ-bi bác-ái của Đức Phật mà ta đã nhận-thức rất thâm-huyền quảng-huợt. Cái tình ấy, nó không bến không bờ, không phân-biệt màu da không phân-biệt chủng-tộc; nó cũng không luận sang hèn và xóa bỏ hết các từng lớp xã-hội mà chỉ đặt vào một: Nhân-loại chúng-sanh.
Thế, ta không có lý-do gì chánh-đáng để vì mình hay vì đồng-bào mình mà gây ra tai-hại cho các dân-tộc khác. Trái lại, hãy đặt vào họ một tư-tưởng nhân-hòa, một tinh-thần hỉ-xả và hãy tự xem mình có bổn-phận giúp đỡ họ trong cơn hoạn-nạn.
Đối với những kẻ xuất-gia qui y đầu Phật, phụ vào những ân-huệ đã thọ như đã nói trên, họ còn phải trực-tiếp chịu ân của các đàn-na thí-chủ, nghĩa là những thiện-nam tín-nữ có hảo-tâm cung-cấp những vật-dụng cần-thiết cho họ. Họ nhờ đến hột cơm, đến miếng vải, đến thuốc-men đặng sanh sống. Rốt lại, họ phải nhờ đến sự nuôi dưỡng hoàn-toàn của kẻ tốt lòng.
Với quần-sanh, họ mang cái ân rất nặng. Cho nên họ phải dìu-dắt sanh linh đi tầm chân lý đặng đáp tạ tấm lòng chiếu-cố của thiện-tín."
H. – Ngoài bốn điều ân phải hành, còn yếu-pháp nào nữa không?
Đ.- Vẫn biết thiệt-hành xong bốn điều ân thì tín-đồ nhà Phật đã tiến được một bước khá xa trên con đường đạo, nhưng như thế cũng chưa đủ, còn cần phải trừ xong tam-nghiệp, vì nó là nguồn gốc của tội-lỗi.
H. – Thế nào gọi là tam-nghiệp?
Đ. – Về tam-nghiệp, Đức Huỳnh Giáo-Chủ có mở đầu như vầy:
"Sanh ra ở đời, con người dầu muốn hay dầu không cũng phải chịu dưới sự chi-phối của định-luật thiên-nhiên. Định-luật ấy gồm vào một chữ Đạo. Đạo của con người kêu bằng đạo nhân và nó là một con đường đi trúng thì sống, bước trật tất chết.
Muốn làm tròn nhân-đạo phải vẹn Tứ-ân. Nhưng trước hết hãy tránh tam-nghiệp và chừa thập ác, cũng như muốn làm giàu, phải tránh đừng cho thiếu nợ.
Mỗi người đều có ba nghiệp chướng như sau đây:
1o Thân-nghiệp, tội lỗi do xác thân gây nên,
2o Khẩu-nghiệp, tội lỗi do miệng lưỡi gây nên.
3o Ý-nghiệp, tội lỗi do ý tưởng gây nên.
H. – Tội lỗi của thân-nghiệp như thế nào?
Đ. – Thân-nghiệp gây ra ba điều ác:
1o Sát-sanh.
"Những khi rượt bắt con vật để mà làm thịt, ta sẽ thấy nó chạy trốn một cách thương hại, nó sợ chết và muốn sống như ta. Ta há nỡ lòng giết nó một cách vô cớ ư!
"Trong khi ta chưa trì trai được, vì lẽ lúc này ta còn phải làm việc sóc-vác theo khuôn-khổ của đạo nhơn nhiều hơn, thành thử buộc ta dùng một ít cá thịt vừa với sự nhu cầu để giúp cho sức khỏe của ta được có nhiều để làm công-việc khỏi bị chậm-chạp vậy thôi. Chớ ta không gì lấy miếng ăn làm thú-vị. Rồi đây ta sẽ lần-lượt từ chỗ tâm chay tiến đến thực-chay một cách tròn vẹn nếu trình-độ và hoàn-cảnh của ta cho phép ta đến đó.
"Đối với loài vật cũng như loài người, lúc nào ta cũng phải xem-xét từ cái tít-tắc trong việc làm của ta không để phải hại đến mạng sống của nó, và ta không nuôi ý muốn giết, hoặc là vui thấy hay nghe cho kẻ khác giết nó một cách vô-cớ. Lại ta cũng không nên nuông chìu cái khẩu dục sát hại loài vật một cách quá đáng hơn sự như-cầu thường-lệ của ta ". (1)
______________________________________________________________
(1) Dẫn theo "Những bài thuyết-pháp ứng-khẩu trong năm Quí-tỵ " quyển thứ nhứt của Thanh-Sĩ.
Về sát-sanh, trong Sám-Giảng có giải như vậy:
Giết sanh vật đầy lòng kiêu-cách,
Tưởng rằng mình như thế là ngoan.
Khuyên bá-gia bá-tánh việt-đàn,
Chớ sát hại mạng người như thế.
Bớt giết vật đặng mà cúng tế,
Gẫm Thánh Thần đâu có tư riêng.
Rủi ốm đau bởi tại căn tiền,
Hoặc hiện kiếp làm điều bạo ác.
Phải ăn-năn phước-điền tạo-tác,
Lo thuốc thang khẩn vái Phật Trời;
Nguyện sửa lòng ắt Phật giúp đời,
Xuống phước rộng từ-bi hỉ-xả.
2o Đạo-tặc.
" Phải làm lấy việc để cung vào sự sống, phải có sanh-kế để nuôi vững xác thân, song trước khi làm những việc này, ta phải kiểm-soát lại nhiều lần, thấy rằng chơn-chánh rồi sẽ thi-thiết sau.
" Giàu có không được bê-tha xa-xí cho phải nghèo cũng như người nghèo chẳng được dựa vào chỗ thiếu hụt chẳng chịu nỗ-lực làm ăn, lại sanh ra biển-lận trộm cướp của người về nuôi sống cho mình, mà quên rằng kẻ đã làm ra được của ấy họ đã phải đổ ra không biết bao nhiêu mồ-hôi công khó mới tạo ra. Nay ta lấy của họ, ta sung sướng, họ đau khổ, mà họ là đồng-bào ta, không thì cũng loài người vẫn muốn sung-sướng, sợ đau khổ và biết tiếc của như ta thì lẽ phải ta nên giúp họ nhiều hơn chớ lòng ta đâu vui xài của họ bằng cách gian-tặc như vậy được.
" Tóm lại, bất luận như thế nào, nếu không phải của ta thì nhứt định không được lấy, và ta cũng không xúi cho kẻ khác lấy, ví dầu thiếu món đó mà phải chết đi nữa thà là ta chết chớ không đành làm việc phi nghĩa có hại cho đạo-đức của ta và người khác ". (1)
Về đạo-tặc, Đức Huỳnh Giáo-Chủ có thuyết-hóa như vầy:
Lấy của người sắm ăn sắm mặc,
Chẳng kể công nước mắc mồ-hôi,
Phá lương dân dạ luống bồi-hồi,
Ngày làm –lụng đêm lo gìn giữ.
Trốn pháp-luật tập-tành đủ thứ,
Nào đào tường khoét vách khuân đồ;
Tội chập-chồng đâu biết ở mô,
Trốn người khỏi trốn Trời sao khỏi.
Nay đuốc huệ từ-bi đã rọi,
Vào thâm-tâm những kẻ gian-phi,
Hãy tu thân chừa thói vô-nghì,
Của phi-nghĩa làm chi xong chuyện.
Luật nhơn-quả thật là cao viễn,
Suốt cổ kim chẳng lọt một ai.
Vậy ta nên làm việc thẳng ngay,
Cứ bền chí có ngày thong-thả.
________________________________________________________________
(1) Dẫn theo "Những bài thuyết-pháp ứng-khẩu trong năm Quí-tỵ " quyển thứ nhứt của Thanh-Sĩ.
3o Tà-dâm
" Sắc đẹp là món ưa thích nhứt của cả một thế-giới loài người, trái lại nó cũng chẳng kém gì hầm lửa biển sóng, giết được người dễ-dàng. Kẻ tu-hành phải tránh nó đừng đợi nó tránh mình. Thắng được nó là một việc rất khó, song không phải là không thắng được. Mà hễ khi thắng được nó rồi sẽ được nửa phần chướng ngại của sự tu học.
" Cho nên sắc đẹp đối với kẻ tu-hành lúc nào cũng cần phải thắng phục được nó đừng để nó sai khiến lại mình. Dù nam hay nữ cũng vậy, đều phải chú-trọng lẽ trinh-chánh làm gốc, sẽ coi nó là việc quan-hệ đến đời sống hiện-hữu và tương-lai của mình rất nhiều mà hết sức bảo-vệ cho trong sạch. Kẻ thắng được sắc đẹp là hạnh-phúc, bại vì sắc đẹp là khổ nhục vậy.
" Cả đến sự nằm, ngồi, đi, đứng, nghe thấy, nghĩ tưởng có thể phạm vào tội dâm được, nếu trong lúc đó nơi mình có chỗ quấy. Mà điều này, bề trái của nó rất dễ phạm tội dâm vì nó không hình và rất hại cho trí tưởng phải mờ-ám điên-đảo.
" Cho nên luật đạo răn ta không nên ve-vãn vợ con người, phải giữ sự trinh-chánh cho ta và cho kẻ khác để trách khỏi cái nhơn quả hỗn-loạn của ngày mai. Việc này dù phải nát thây cũng gắng làm cho được mới đạt đến quả phẩm siêu-việt của đạo Phật." (1)
Về tà-dâm, Đức Huỳnh Giáo-Chủ có thuyết-hóa như vầy:
Ác tà-dâm thứ năm càng tệ,
Chúa hôn-mê chiếm đoạt thê thần:
Thì đảo-huyền tất cả quốc-dân,
Tôi bất chánh hoàng-cung dâm loạn.
Tội ác ấy diễn nhiều thảm-trạng,
Từ xưa nay Trời đất đâu dung;
Giàu của nhiều dâm hiếp bần cùng,
Quan lấn thế dâm-ô dân khó.
Trai liều-lĩnh điều này nên rõ,
Đừng phá trinh hại tiết nữ-nhơn.
Gái lẳng-lơ tiếng quyển lời đờn,
Hoa có chủ đèo-bòng tình mới.
Cất tiếng gọi nữ nam ơi hỡi!
Bỏ những điều điếm-nhục tông-môn.
Đấng nam-nhi học lấy điều khôn,
Lòng trung hiếu gìn theo đạo-lý.
Hàng phụ-nữ gương xưa nối chí,
Những mẹ hiền dâu thảo roi truyền.
Niệm Phật mà gây lấy thiện-duyên,
Cho đẹp mắt tổ-tiên nòi giống.
_________________________________________________________________________
(1) Dẫn theo " Những bài thuyết-pháp ứng-khẩu trong năm Quí-tỵ ". quyển thứ nhứt của Thanh-Sĩ.
H. – Còn tội lỗi của khẩu-nghiệp như thế nào?
Đ. – Khẩu-nghiệp sanh ra bốn điều-ác:
1o Lưỡng-thiệt.
Thường thấy người đời căm-thù nhau vì một phần lớn do tánh đâm-thọc mà ra. Tánh đâm-thọc là đến người này đem chuyện người kia mà khêu-khích, rồi khi đến người kia thì đem chuyện người này mà thêu-dệt, khiến cho hai đàng hiểu lầm nhau mà đâm ra oán hờn chia rẽ, dẫn đến sự giết hại nhau. Cái tai hại chẳng những gieo trong thứ dân mà còn gây họa đến hàng quan tướng. Nước này nước nọ sanh giặc cũng đều do tội ác mồn-mép của kẻ du-thuyền bày điều đâm-thọc.
Cả đến hạng tu hành cũng vì nó mà hư cả đức-hạnh, mất luôn cả tình thân-ái giữa người đồng đạo với nhau.
Vì thế cho nên, muốn tránh khỏi mọi sự hiểu làm vì ác lưỡng-thiệt, ta phải tập nói những lời chơn-thật chánh-đáng. Nếu trừ được điều này thì trong gia-đình chẳng những được hòa thuận mà đến cả trong hương-đảng cũng không thường xảy ra việc gấu ó rầy rạc.
Về ác lưỡng-thiệt, Đức Huỳnh Giáo-Chủ có giải-giáo như vầy:
Ác nơi khẩu nhứt là lưỡng-thiệt.
Với người này dùng lời tha-thiết,
Đến kẻ kia đâm thọc cho gây.
Khá chừa đi hương-đảng bớt rầy,
Dùng sự thiệt giải bày tâm trí.
Người choảng nhau tại mình gia vị,
Mà cũng không hưởng được lợi-danh.
Sau rõ ra chúng lại ghét ganh,
Chiêu-cảm quả bất lành thêm nữa.
2o Ỷ-ngôn.
Con người hay có tánh tự cao tự đắc về tài-lực của mình mà miệt-thị khinh-khi hạng người kém sức hơn. Như kẻ giàu sang thì khi dễ nghèo hèn, người trí-thức thì hủy-nhục kẻ ngu-muội, hạng quyền thế thì áp-chế đám dân đen, người khôn lanh thì nhiếc xài kẻ khờ-khật. Thậm chí đến người tu-hành cũng có kẻ ỷ mình đức nhiều trí rộng mà chê-bai kẻ kém nhân thiểu phước.
Những điều này là nguyên-do gây ra sự phản-ứng thê-thảm giữa xã-hội. Thế cho nên muốn san bằng nhơn ngã, cần phải trừ diệt cái ác ỷ-ngôn. Kẻ hữu phước được no ấm, khôn lanh thông-thái, có oai quyền, phải thương đến hạng người phước mỏng nghệp dày chịu điều nghèo khó, ngu-muội dốt-nát, yếu hèn mà dùng những lời êm đềm dịu-ngọt để an-ủi giáo-hóa họ.
Về ác ỷ-ngôn, Đức Huỳnh Giáo-Chủ có thuyết hóa như vầy:
Ác thứ nhì ỷ-ngôn chất-chứa,
Đợi cho người lầm-lỗi xéo vày.
Của tiền nhiều tự-phu rằng hay.
Chủ ỷ thế nhiếc xài kẻ dưới.
Lắc-lẻo chi có ba tấc lưỡi,
Quan ỷ khôn mạt sát dân ngu.
Nghèo ỷ lanh láo-xược lu-bù,
Ôi! nghĩ thế lòng đau tợ cắt.
Khuyên bá-tánh giữ lòng cho chặt,
Đừng để cho quỉ dắt đường cong.
Dùng từ-ngôn nói tận đáy lòng,
Dầu trên dưới cũng không mấy khác.
Chúng vô phước đời này dốt nát,
Người khôn ngoan chỉ dẫn mới là...
Lời trang-nghiêm êm-ái thốt ra,
Đừng bao-biếm mới là nhơn thiện.
3o Ác-Khẩu
Điều mà làm cho người ta khi nghe đến căm-tức nhứt là những lời ác-độc. Xưa nay nó thường diễn ra trong xã-hội, như con hỗn-ẩu với cha mẹ, vợ mắng nhiếc chồng, mẹ nguyền rủa con cái. Kẻ thất-phu thì chưởi gió mắng mưa, kêu réo Trời Phật, thề-thốt Thánh Thần, mời thỉnh ngũ-vị mà trù-ẻo. Người bán-buôn thì hay dùng lời xiên xỏ gay cạnh mà chống báng nhau. Đứa du-đảng khi mở miệng ra là chưởi thề nói tục không ngớt. Những hạng này làm cho mọi người nhờm gớm và gây ra một cảnh-trạng bỉ ổi trong xã-hội.
Thế cho nên, kẻ đã được giác-ngộ bao giờ cũng tránh những tiếng tục tằn thô-lỗ. Trong gia-đình đối với cha mẹ cô bác, ngoài xã-hội đối với mọi người, phải có lễ-độ và nghiêm-chỉnh trong lời ăn tiếng nói.
Về ác-khẩu, Đức Huỳnh Giáo-Chủ có giảng-giải như vầy:
Tới ác-khẩu thứ ba bày biện,
Tiếng tục-tằn thô-lỗ hung-hăng.
Nào chưởi cha mắng mẹ lăng-xăng,
Chẳng kể đến luân-thường thảo-hiếu.
Ham đánh giết những người hèn yếu,
Hiếp xóm chòm cô bác chẳng kiêng;
Trong gia-đình chưởi rủa liên-miên,
Hết dương-thế kêu sang Thần-Thánh.
Chẳng kiêng nể Phật Trời thượng cảnh,
Cõi long-cung mời thỉnh tối ngày.
Đời âm-u tội-trạng thảm thay!
Khuyên bá-tánh bá-gia rán bỏ.
Gương tổ-phụ còn roi lại đó,
Sao không theo nề-nếp gia-phong?
Chư Thánh Thần đâu có mất lòng,
Mà kêu réo Tây Đông Nam Bắc.
Mấy câu trên toàn là ròng rặc,
Những đàn-bà khe-khắc cháu con.
Kể từ nay phải giữ cho tròn,
Không chừa dứt ắt mang tai ách.
Lựa lời tiếng dịu-dàng trong sạch,
Khi thốt ra đoan-chánh hiền từ.
Tích thiện thì thường có phước dư,
Bằng tích ác họa ương đeo-đắm.
4o Vọng-ngữ
" Cái lỗ miệng là một tai trong tam tai (Ngó, nghe, nói). Việc nói láo là một tội ác trong bốn tội ác của lỗ miệng. Ch
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top