Bài 3. Bộ máy nhà nước CHXHCN VN
BÀI 3
BỘ MÁY NHÀ NƯỚC CỘNG HOÀ XHCN VIỆT NAM
Nhà nước là một tổ chức do giai cấp thống trị lập nên để bảo vệ sự thống trị giai cấp của mình. Nhà nước xã hội chủ nghĩa là tổ chức quyền lực của nhân dân, đại diện cho nhân dân thống nhất quản lý tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Để thực hiện nhiệm vụ này, Nhà nước phải lập ra hệ thống các cơ quan Nhà nước, mỗi cơ quan nhà nước đảm nhận chức năng, nhiệm vụ nhất định của Nhà nước theo nguyên tắc tổ chức do Nhà nước quy định.
Bài này sẽ giới thiệu về bộ máy Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên tắc tổ chức bộï máy nhà nước và các cơ quan nhà nước trong bộ máy Nhà nước. Qua đó nhận biết được cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ của mỗi cơ quan trong hệ thống các cơ quan nhà nước.
MỤC TIÊU
Nội dung đề cập trong chương này giúp các bạn:
- Phân biệt được khái niệm Bộ máy Nhà nước với khái niệm Nhà nước.
- Hiểu được nguyên tắc tổ chức và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan nhà nước trong bộ máy nhà nước Việt Nam.
- Địa vị pháp lý của mỗi cơ quan nhà nước trong bộ máy nhà nước Việt Nam.
YÊU CẦU
Pháp luật hình thành và phát triển gắn bó chặt chẽ với Nhà nước. Trong xã hội chỉ có Nhà nước mới được phép ban hành Pháp luật. Pháp luật được phân thành đầy đủ các ngành luật áp dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống là do Nhà nước. Do đó để học tốt phần 2 những vấn đề chung về Pháp luật và phần 3 các ngành luật trong hệ thống Pháp luật Việt Nam đòi hỏi các bạn phải có kiến thức đầy đủ về Nhà nước.
NỘI DUNG CHÍNH
1. Khái niệm Bộ máy Nhà nước Việt Nam
Bộ máy Nhà nước Việt Nam là hệ thống các cơ quan Nhà nước từ trung ương đến địa phương, được tổ chức theo nguyên tắc chung, thống nhất tạo thành một cơ chế đồng bộ để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Bộ máy Nhà nước là tập hợp các cơ quan Nhà nước nắm giữ toàn bộ các quyền về chính trị, kinh tế và tinh thần. Do vậy trong bộ máy Nhà nước có các cơ quan như: Quân đội, Cảnh sát, Tòa án... và các cơ quan quản lý về kinh tế, văn hóa, giáo dục và xã hội. Mỗi cơ quan Nhà nước trong bộ máy Nhà nước đều chịu trách nhiệm về công việc được phân công.
2. Các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước là những tư tưởng chỉ đạo tạo nền tảng cho việc tổ chức và hoạt động của hệ thống các cơ quan Nhà nước trong bộ máy Nhà nước.
Các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Nhà nước ta hiện nay là:
• Nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng: Được thể hiện trong Hiến pháp 1992. Đảng đề ra đường lối chính trị, chủ trương, chính sách lớn cho hoạt động của Nhà nước. Đảng lãnh đạo nhưng không làm thay công việc của Nhà nước
• Nguyên tắc tập trung dân chủ: Là nguyên tắc thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của cơ quan Nhà nước cấp trên với việc mở rộng dân chủ để phát huy tính chủ động sáng tạo của cấp dưới nhằm đạt hiệu quả cao trong tổ chức quản lý Nhà nước.
• Nguyên tắc đảm bảo sự tham gia của nhân dân vào quản lý Nhà nước: Nguyên tắc này một mặt tạo khả năng phát huy sức lực và trí tuệ của người dân vào công việc quản lý Nhà nước, mặt khác là một trong những biện pháp hạnchế ngăn chặn bệnh quan liêu, cửa quyền ở các cơ quan Nhà nước.
• Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa: Nguyên tắc này đòi hỏi việc tổ chức và hoạt động của các cơ quan Nhà nước phải tiến hành theo đúng Pháp luật. Các công chức, viên chức Nhà nước phải triệt để tuân thủ Pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Từ đó đảm bảo cho sự hoạt động của bộ máy Nhà nước đồng bộ, tạo hiệu quả trong quản lý Nhà nước.
Tất cả các nguyên tắc tổ chức và hoạt động trên đây đều được ghi nhận trong Hiến pháp 1992 của Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Địa vị pháp lý của các cơ quan Nhà nước trong bộ máy Nhà nước Việt Nam
Bộ máy Nhà nước Việt Nam là hệ thống các cơ quan Nhà nước được tổ chức gồm: Chủ tịch nước, hệ thống cơ quan quyền lực Nhà nước, hệ thống cơ quản lý Nhà nước, hệ thống cơ quan xét xử và hệ thống cơ quan kiểm sát.
Chủ tịch Nước
Điều 91 Hiến pháp 1992 quy định: "Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước về đối nội và đối ngoại".
Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong các đại biểu Quốc hội, có nhiệm kỳ theo nhiệm kỳ của Quốc hội, Chủ tịch nước có quyền hạn bao quát nhiều lĩnh vực của đời sống chính trị xã hội.
Hệ thống cơ quan quyền lực Nhà nước
Gồm Quốc hội và Ủy ban thường vụ quốc hội (UBTVQH), được gọi là cơ quan quyền lực trung ương và Hội đồng nhân dân các cấp (tỉnh, thành phố thuộc trung ương; quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; phường, xã, thị trấn), được gọi là các cơ quan quyền lực địa phương.
• Quốc hội
Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất nước, do nhân dân cả nước bầu ra, thể hiện ý chí, nguyện vọng của toàn dân.
Là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp, có quyền quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, có quyền tổ chức bộ máy Nhà nước và giám sát các cơ quan Nhà nước.
Quốc hội nước ta được tổ chức theo hình thức một viện, với số đại biểu tùy yêu cầu thực tế từng khóa do nhân dân bầu ra qua một cuộc bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và kín với nhiệm kỳ là 5 năm. Quốc hội hoạt động theo các kỳ họp (2 kỳ/năm).
Cơ cấu tổ chức của quốc hội gồm: Ủy ban thường vụ quốc hội, Hội đồng dân tộc, Các ủy ban quốc hội, đoàn đại biểu quốc hội và các đại biểu quốc hội.
• Ủy ban Thường Vụ Quốc hội (UBTVQH)
Là cơ quan thường trực của Quốc hội, với chức năng này UBTVQH sẽ thay mặt Quốc hội thực hiện một số nhiệm vụ quyền hạn của Quốc hội khi Quốc hội không họp.
UBTVQH gồm Chủ tịch (do Chủ tịch Quốc hội kiêm nhiệm), các Phó Chủ tịch và một số ủy viên do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội, có nhiệm kỳ 5 năm, không được kiêm nhiệm thành viên Chính phủ.
• Hội đồng Nhân dân các cấp
Hội đồng nhân dân các cấp là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan Nhà nước cấp trên.
Hội đồng Nhân dân được tổ chức ở 3 cấp (cấp tỉnh, thành phố thuộc trung ương; cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; cấp phường, xã, thị trấn), được bầu trong cuộc bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và kín.
Hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước
Gồm: Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ (cơ quan quản lý Nhà nước trung ương); Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp và các Sở, Phòng, Ban chuyên môn thuộc UBND (cơ quan quản lý Nhà nước địa phương).
• Chính phủ
Điều 109 của Hiến pháp 1992 quy định: Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội và là cơ quan hành chính cao nhất của nước CHXHCNVN.
Cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm: Bộ và các cơ quan ngang Bộ.
Thành phần nhân sự của Chính phủ gồm: Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. Thủ tướng là người lãnh đạo chính phủ có quyền trực tiếp điều hành, chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ do Quốc hội phân công cho chính phủ. Thủ tướng phải là đại biểu Quốc hội do Quốc hội bầu theo đề nghị của Chủ tịch nước. Các thành viên khác do Quốc hội phê chuẩn theo đề nghị của Thủ tướng (không nhất thiết là Đại biểu Quốc hội). Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội.
• Bộ và cơ quan ngang Bộ
Là tên gọi chỉ các cơ quan của Chính phủ.
Bộ hoặc cơ quan ngang Bộ có chức năng quản lý Nhà nước đối với ngành, lĩnh vực quan trọng trên phạm vi cả nước.
Bộ quản lý theo ngành thực hiện chức năng quản lý nhà nước những ngành kinh tế, kỹ thuật hoặc sự nghiệp như: công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, y tế, giáo dục...
Bộ quản lý theo lĩnh vực thực hiện chức năng quản lý theo từng lĩnh vực lớn như: tài chính, công nghệ, khoa học, đầu tư, lao động...
Bộ, cơ quan ngang Bộ được tổ chức theo nguyên tắc thủ trưởng do Bộ trưởng lãnh đạo. Bộ trưởng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và cùng Thủ tướng chịu trách nhiệm trước Quốc hội.
• Cơ quan thuộc chính phủ
Ngoài Bộ và cơ quan ngang Bộ, còn có một số cơ quan khác cũng quản lý về ngành, lãnh vực chịu dưới sự chỉ đạo, quản lý của Chính phủ nhưng được xem là các ngành, lĩnh vực kém quan trọng hơn so với các ngành, lãnh vực do Bộ và cơ quan ngang Bộ quản lý (có vị trí pháp lý thấp hơn), đó là các cơ quan thuộc Chính phủ.
Các cơ quan này có bộ máy tổ chức giống như Bộ, cơ quan ngang Bộ và mang các tên gọi như: Cục, Tổng cục, Viện, Trung tâm, Ban...
Việc thành lập hoặc bãi bỏ các cơ quan này thuộc quyền quyết định của Chính phủ và Thủ trưởng các cơ quan này do Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm.
• Uỷ ban nhân dân các cấp
Uỷ ban Nhân dân do Hội đồng Nhân dân bầu ra, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân.
Là cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp.
Uỷ Ban Nhân dân được tổ chức ở 3 cấp như Hội đồng Nhân dân, làm việc theo chế độ kết hợp trách nhiệm của tập thể với trách nhiệm của cá nhân Chủ tịch Uỷ ban nhân dân.
• Các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân
Là các cơ quan chuyên môn được thành lập ở địa phương để giúp Uỷ Ban Nhân dân cùng cấp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước ở địa phương, bảo đảm sự thống nhất quản lý của ngành, lãnh vực từ trung ương đến cơ sở. Có tên là sở, phòng, ban...
Về mặt tổ chức các cơ quan này chịu sự chỉ đạo và quản lý về tổ chức, biên chế, công tác của Uỷ ban nhân dân cấp mình đồng thời chịu sự chỉ đạo về nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn cấp trên (nguyên tắc 2 chiều trực thuộc).
Hệ thống cơ quan xét xử
Hệ thống các cơ quan xét xử theo quy định tại điều 127 của Hiến pháp 1992: "Tòa án nhân dân tối cao, các tòa án nhân dân địa phương, các tòa án quân sự và các tòa án khác do luật định là những cơ quan xét xử của nước CHXHCNVN".
Ở trung ương, cơ quan xét xử có Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC). Trong TANDTC có Tòa án quân sự trung ương, là một bộ phận (Tòa chuyên trách) của TANDTC.
Ở địa phương có các TAND địa phương và các Tòa án quân sự (TAQS)
địa phương.
Hệ thống cơ quan kiểm sát
Gồm các cơ quan kiểm sát được tổ chức thành hệ thống từ cấp trung ương đến địa phương.
Theo điều 137 Hiến pháp 1992, hệ thống Viện kiểm sát nhân dân các cấp có 2 chức năng chính, đó là kiểm sát các hoạt động tư pháp và thực hiện quyền công tố, bảo đảm Pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Tổ chức hệ thống Viện kiểm sát nhân dân gồm có: VKSND tối cao, các VKSND địa phương (cấp Tỉnh, thành phố thuộc trung ương; cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh); Viện kiểm sát quân sự (gồm VKSQS trung ương; VKSQS quân khu, quân chủng, quân đoàn, tổng cục và cấp tương đương; VKSQS tỉnh và khu vực) được đặt dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của VKSNDTC.
TÓM LƯỢC
1. Bộ máy Nhà nước Việt Nam là hệ thống các cơ quan Nhà nước từ trung ương đến địa phương, được tổ chức theo nguyên tắc chung, thống nhất để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước Việt Nam.
2. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước Việt Nam gồm 4 nguyên tắc chủ yếu là: đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, tập trung dân chủ, đảm bảo sự tham gia của nhân dân vào quản lý Nhà nước và nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa.
3. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất nước, do nhân dân cả nước bầu ra, thể hiện ý chí, nguyện vọng của toàn dân.
4. Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội và là cơ quan hành chính cao nhất của nước CHXHCNVN.
5. Tòa án nhân dân tối cao, các tòa án nhân dân địa phương, các tòa án quân sự và các tòa án khác do luật định là những cơ quan xét xử của nước CHXHCNVN.
6. Viện kiểm sát nhân dân các cấp có 2 chức năng chính, đó là kiểm sát các hoạt động tư pháp và thực hiện quyền công tố.
CÂU HỎI TỰ LUẬN
1. Bộ máy Nhà nước và Nhà nước có phải là một không ? Giải thích
tại sao?
2. Theo bạn, tổ chức Đảng Cộng sản có tham gia quản lý xã hội cùng với Nhà nước hay không ? Nếu có thì hình thức tham gia như thế nào?
3. Theo bạn Uỷ ban nhân dân là cơ quan cấp dưới của Chính phủ hay của Hội đồng nhân dân cùng cấp?
4. Căn cứ vào chức năng của Tòa án và Viện kiểm sát bạn hãy xác
định mối quan hệ giữa các cơ quan này khi thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao.
CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM
1. Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của Nhà nước Việt Nam là
a.Đảng Cộng sản. b.Quốc hội.
c. Chính phủ.
d. Mặt trận tổ quốc Việt Nam.
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh được bầu hay được bổ nhiệm bởi:
a.Tổng bí thư Đảng.
b.Thủ tướng.
c. Chủ tịch quốc hội.
d. Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố thuộc trung ương.
3. Cơ quan thường trực của Quốc hội là:
a. Chính phủ
b. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
c. Hội đồng nhân dân các cấp.
d. Uỷ ban nhân dân các cấp.
4. Cơ quan quản lý Nhà nước địa phương là
a. Uỷ ban nhân dân các cấp.
b. Hội đồng nhân dân các cấp.
c. Toà án nhân dân cấp tỉnh, thành phố thuộc trung ương.
d. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, thành phố thuộc trung ương.
5. Cơ quan quản lý Nhà nước cấp Trung ương là:
a. Toà án nhân dân tối cao.
b. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
c. Bộ và cơ quan ngang Bộ.
d. Viện kiểm sát nhân dân tối
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top