Quy luật giá trị


a. Nội dung của quy luật giá trị

Quy luật giá trị là quy luật kinh tế cơ bản của sản xuất hàng hóa. Nội dung, yêu cầu của quy luật là:

Sản xuất và trao đổi hàng hóa phải dựa trên cơ sở hao phí lao động xã hội cần thiết và trao đổi phải ngang giá.

Trong sản xuất, quy luật giá trị buộc người sản xuất phải làm sao cho mức hao phí lao động cá biệt của mình phải phù hợp với mức hao phí lao động xã hội cần thiết, có như vậy họ mới có thể tồn tại được. Còn trong trao đổi, (lưu thông) phải thực hiện theo nguyên tắc ngang giá; tức giá cả bằng giá trị.

Cơ chế tác động của quy luật giá trị được thể hiện thông qua sự vận động của giá cả trên thị trường. Giá trị quyết định giá cả. Giá cả có thể lên xuống nhưng chỉ xoay quanh trục giá trị mà thôi.

b. Tác động của quy luật giá trị

* Một là, điều tiết sản xuất và lưu thông hàng hóa.

- Điều tiết sản xuất:

+ Nếu mặt hàng nào đó có giá cả cao hơn giá trị trong thời gian dài, hàng hóa bán chạy, lãi cao thì những người sản xuất hàng hóa đó sẽ mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm tư liệu sản xuất và sức lao động. Mặt khác, những người sản xuất hàng hóa khác (nhưng thu được lãi ít hơn hoặc không có lãi) sẽ chuyển hướng sang sản xuất hàng hóa này để thu lãi cao. Do đó, tư liệu sản xuất và sức lao động ở ngành này tăng lên, quy mô sản xuất càng được mở rộng.

+ Ngược lại, nếu mặt hàng nào đó có giá cả thấp hơn giá trị trong thời gian dài, người sản xuất sẽ bị lỗ vốn. Tình hình đó buộc người ta phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc chuyển sang sản xuất mặt hàng khác có lãi hơn, làm cho tư liệu sản xuất và sức lao động ở ngành này giảm đi.

Như vậy, quy luật giá trị sẽ tự động điều tiết tỷ lệ phân chia tư liệu sản xuất và sức lao động vào các ngành sản xuất khác nhau, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

- Điều tiết lưu thông hàng hóa, thu hút hàng hóa từ nơi có giá cả thấp đến nơi có giá cả cao, nhờ đó, góp phần làm cho hàng hóa giữa các vùng có sự cân bằng nhất định.

* Hai là, kích thích cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm.

- Trong nền sản xuất hàng hóa, những người sản xuất hàng hóa có trình độ tay nghề, công cụ lao động, điều kiện lao động... khác nhau nên hàng hóa mà họ sản xuất ra có giá trị cá biệt khác nhau. Tuy nhiên, thị trường chỉ thừa nhận tất cả các hàng hóa trao đổi theo giá trị xã hội. Người nào sản xuất hàng hóa có giá trị cá biệt nhỏ hơn giá trị xã hội thì sẽ thu lãi, những người sản xuất hàng hóa có giá trị cá biệt lớn hơn giá trị xã hội thì sẽ phải chịu lỗ. Do vậy, muốn tồn tại thì người sản xuất hàng hóa phải không ngừng tìm mọi cách để cải tiến kỹ thuật, nâng cao trình độ chuyên môn, ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới vào sản xuất, cải tiến phương thức tổ chức và quản lý sản xuất... nhằm làm hạ thấp giá trị cá biệt.

- Xu hướng này diễn ra liên tục vì do tất cả mọi người đều cố gắng hạ giá trị cá biệt xuống thì kéo theo giá trị xã hội cũng giảm theo và người sản xuất lại phải hạ giá trị cá biệt xuống tiếp nữa, cứ như thế kỹ thuật được cải tiến không ngừng, năng suất lao động tăng lên, giá thành sản phẩm hạ xuống... Thông qua sự nỗ lực tối ưu hóa sản xuất như vậy mà lực lượng sản xuất xã hội không ngừng phát triển.

* Ba là, phân hóa những người sản xuất hàng hóa thành giàu, nghèo.

- Trong nền sản xuất hàng hóa, những người sản xuất hàng hóa có hao phí lao động cá biệt khác nhau nhưng lại trao đổi theo hao phí lao động xã hội cần thiết.

+ Những người sản xuất hàng hóa nào có mức hao phí lao động cá biệt thấp hơn mức hao phí lao động xã hội cần thiết, khi bán hàng hóa theo mức hao phí lao động xã hội cần thiết thì sẽ thu được nhiều lãi, sẽ giàu lên qua đó tạo điều kiện để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất.

+ Ngược lại những người sản xuất hàng hóa nào có mức hao phí lao động cá biệt cao hơn mức hao phí lao động xã hội cần thiết thì sẽ chịu thiệt, bị thu hẹp sản xuất dần dần và kết quả là bị nghèo đi.

Như vậy, quy luật giá trị hoạt động đã phân chia xã hội thành hai cực, một cực gồm những người giàu có, một cực gồm những người nghèo khổ bao gồm người lao động và các chủ sản xuất bị phá sản... Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm xuất hiện quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, cơ sở ra đời của chủ nghĩa tư bản.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #decuong