Chương 3: Hội xuân - Gia hòa vạn sự hưng
Hội xuân năm ấy, cảnh sắc vạn phần tươi đẹp, có lẽ là hội xuân tấp nập nhất, đông vui nhất trong kí ức thời niên thiếu của Tống Giai Hy...
Một sớm tinh mơ trên đất Nam Sơn hạ. Chim én chao liệng trên bầu trời ngát xanh, không khí quang đãng, trong lành, oanh oanh yến yến ríu rít gọi nhau, mai rừng Thanh Trà rực rỡ, thu hút ánh nhìn của khách vãng lai, vạn vật cỏ cây tươi tốt, non xanh mơn mởn. Đường xá tề tựu đông đủ yến anh, có giai nhân xúng xính váy áo, phấn hoa điểm tô sắc xuân, có tài tử áo quần nho nhã, quạt xếp thanh tao. Cả con phố bừng lên sức xuân, trải dài nhựa sống.
Hội xuân ở Nam Sơn hạ tập trung ở thành Nam Sơn là chính, thế nhưng dòng người ngược về chùa Thiên Trượng trên đỉnh Trọng Sinh cũng tấp nập không kém. Núi Trọng Sinh quanh năm sương mù vây đỉnh, chỉ có khi xuân đến mới hé lộ phật quang. Chùa Thiên Trượng nằm ở vị trí Phật khí ngút ngàn, hương khói tích lũy từ trước khi Diệp Tổ Đế xưng vương Tĩnh Vu, nghe nói nhờ sự kiện gắn liền với Tổ Đế nên sau khi ngài xưng vương liền truy phong Tĩnh Vu Đệ nhất Tự viện. Trải qua bao thời đại thăng trầm từ khi lập quốc, chùa Thiên Trượng vẫn một bề thanh tịnh, hầu như không bị quấy nhiễu bởi sóng tanh gió nồng ngoài nhân gian.
Dưới chân núi Trọng Sinh có hồ Thanh Trà, hai bên hồ là hàng mai rừng đặc trưng tạo thế quây vòng, ngay cuối hồ có đình Trà được thiết kế theo kiến trúc của triều đại trước - Cổ Quốc. Mái đình lợp ngói vảy, mái đao cong ở bốn góc, bốn bên thoáng đãng, vị trí rất thuận lợi để ngắm mọi quang cảnh rừng núi và bao quát toàn bộ rừng mai. Đường lên chùa Thiên Trượng ngược với lối đến hồ, hầu hết mọi người đều chọn khi xuống núi mới tản mát quanh nơi này. Thế nhưng hiện tại, lúc dòng người đang tấp nập lên chùa nhất, bên đình Trà lại thấp thoáng bóng người ẩn hiện.
Tống Giai Hy ban đầu hứng khởi, chuẩn bị váy áo lên chùa thắp hương lễ bái bao nhiêu thì bây giờ lại mất hết ý chí bấy nhiêu. Các tự viện ở Nam Sơn hạ có điểm rất riêng so với những nơi khác của Tĩnh Vu Quốc, đó là tất cả các chùa đều ở trên núi, đường lên được lát đá, xây bậc nhưng chỉ vừa đủ người đi. Xe ngựa của nhà Tống Đại tướng quân cũng chỉ có thể dừng ở phía dưới, báo hại Tứ công tử và Ngũ tiểu thư lắm chiêu lắm trò trên đường cứ than vãn mãi không thôi.
Do đã có hẹn trước với phương trượng, đoàn người phủ Tống tướng khởi hành từ rất sớm. Chùa Thiên Trượng thực ra chỉ ở lưng chừng núi, còn trên đỉnh lại là chùa Bảo Thước, vốn là nơi thanh tu của phương trượng khi về cõi niết bàn. Đường đi vốn cũng không gian khổ, nếu không có hai cái miệng nhỏ líu lo không ngừng kia.
Lúc ở trên chùa, Tống Giai Hy kéo tay Tam công tử Tống Bình Chi chạy nhảy khắp nơi, khiến Tứ ca Tống Thanh muốn chạy theo chơi cùng cũng phải đứt hơi mới đuổi kịp. Lại nói lúc xuống núi, Tam ca và Tứ ca phải kéo mãi, cục bông nhỏ nào đó vẫn không chịu đi, cuối cùng bị Bình Chi một tay xốc lên ôm đi. Tống Thanh lại rất biết phối hợp, còn lè lưỡi trêu ngươi ở phía sau. Sau khi đến được đình Trà, tiểu cô nương thừa hoạt bát, thừa năng động mới giây trước còn xị lại như cái bánh bao ngâm nước, giây sau đã tung tăng như chưa từng có chuyện gì. Ngũ tiểu thư ưa chạy náo loạn, Tứ công tử lại ưa thích việc đuổi theo muội muội, khiến huynh trưởng Tống Dương nhức óc một phen.
Phu nhân Thượng Dư khẽ cười nhẹ. Nhan sắc như họa dù đã điểm một vài dấu vết của thời gian nhưng vẫn khiến ánh xuân thêm lấp lánh. Gia đình yên ấm, quây quần bên nhau, tựa như bức tranh 'gia hòa vạn sự hưng', nhẹ nhàng mà lay động.
- Chi, con không ra chơi với Tiểu Hy và Thanh Tử sao?
Bà nhẹ nhàng xoa đầu thiếu niên đang trầm lặng nhìn ngắm một muội muội, một đệ đệ của mình đằng xa. Thiếu niên tuy lớn hơn Tống Thanh có một năm nhưng lại mang nét trầm lặng hiếm có. Ai cũng biết nhà Tống tướng quân Tống Hiên Viên rất náo nhiệt, cũng biết Tống Dương là một võ tướng oai dũng như cha, biết Tống Thanh là văn nhân nho nhã, có tài văn chương hiếm có, biết Tống Thanh là người duy nhất có được hết tinh hoa nhan sắc từ mẹ, lại biết tiểu thư Tống Giai Hy hoạt bát, nhanh nhẹn, dí dỏm khiến không ai không yêu - thế nhưng, lại không hề hay biết, có một Tống Bình Chi dịu dàng, điềm tĩnh, chính xác hơn là hình dáng hoàn hảo nhất của Thượng Dư năm xưa.
Bà với đứa con này không đủ sự khắt khe như Dương Tử hay Trường Tử, cũng không đủ yêu chiều như Thanh Tử và Tiểu Hy. Ngược lại, mỗi lần nhìn vào Bình Chi, Thượng Dư thấy đâu đó bản thân hồi niên thiếu. Có thứ gì đó toát ra từ đứa trẻ này khiến bà rất đỗi an tâm, có lẽ là vì tính cách Bình Chi quá đỗi trầm lặng, lại từ sớm đã thấu hiểu lí lẽ, nhân sinh chăng?
Tống Bình Chi khẽ mỉm cười, nụ cười nhẹ thoáng qua như mặt hồ gợn sóng lăn tăn, tưởng có mà như không, bình lặng. Cậu không nói gì, chỉ có ánh mắt là vẫn chăm chú dõi theo hai bóng dáng nhỏ xinh đang nô đùa, rượt đuổi nhau bên bờ hồ.
Thượng Dư chậm rãi ngồi xuống bên cạnh Bình Chi. Bà cũng lặng yên theo con, bởi lẽ hơn ai hết, bà hiểu nụ cười và ánh mắt của cậu chính là câu trả lời minh bạch nhất. Bình Chi không nói nhiều, nhưng cũng không phải là người khô khan. Trong năm đứa trẻ, nếu để Thượng Dư nói bà ưng thuận ai nhất, có lẽ bà sẽ phân vân giữa Tiểu Hy và Bình Chi.
Dương Tử mặc dù là một người cương trực, ngay thẳng, nhưng cứng quá thì gãy, nếu không phải mang họ Tống, chắc chắn đã bị hãm hại không biết bao nhiêu lần. Trường Tử thì lại trái ngược, quá gian giảo, phàm là những thứ cần phải cân đo đong đếm, nhất định sẽ không để sót dù chỉ một chút. Thế nhưng bản thân đứa trẻ này lại không có chí tiến thủ, chỉ cần thích thì sẽ đạt được, còn nếu không thích nhất định sẽ không quan tâm. Đó cũng là lí do, bề ngoài người khác nhìn sẽ thấy Tống Trường hiền lành, nho nhã, nhưng đứa trẻ này quá thâm sâu, chức quan tứ phẩm so với Trường Tử có lẽ chưa bằng một phần thực lực thật.
Thanh Tử lại khác. Đứa trẻ được phú cho nhan sắc như họa của mẹ, nhưng về phần mưu trí, văn võ đều quá mờ nhạt, không nổi bật. Thêm một phần nữa, Tống Thanh quá dễ tin tưởng, phàm chỉ cần ai đối xử tốt thì cậu đều có thể đặt lòng tin vào họ. Đó là lí do Thượng Dư luôn muốn Dương Tử để tâm đến đứa trẻ này nhiều hơn. Bà không có lòng tin có thể bảo vệ Thanh Tử khỏi những sóng tanh gió nồng ngoài thiên hạ đến suốt đời, chỉ có thể dùng sự yêu thương của người mẹ, những lí lẽ, kinh nghiệm của mình truyền giảng cho con.
Có hai đứa trẻ Thượng Dư thể hiện rõ sự chiều chuộng nhất, một là Thanh Tử, một là Tiểu Hy. Mà lí do bà cực kì ưng thuận Tiểu Hy, một phần cũng vì con bé là nữ. Giai Hy trong mắt người ngoài chỉ là một tiểu cô nương trong sáng, tinh nghịch, không ai không yêu mến, còn trong mắt của người nhà Tống tướng quân, không ai là không biết, đứa trẻ này ẩn chứa bên trong mình những khả năng vô cùng kinh ngạc.
Lí do bà phân vân giữa Bình Chi và Giai Hy, cũng một phần vì hai đứa trẻ này quá giống bà và Hiên Viên năm xưa. Tống Giai Hy bề ngoài ôn thuận, không tranh giành, nhưng nội tâm mạnh mẽ, tính cách có ngay thẳng nhưng cũng mềm dẻo, tạo được cảm giác đáng tin. Tống Bình Chi mặc dù văn không thông, thể chất cũng không tốt nhưng tính cách lại điềm tĩnh, chắc chắn, làm việc gì cũng suy tính chu toàn, lại có trực giác rất mạnh.
Thượng Dư đăm đăm nhìn về phía Tống Giai Hy đằng xa, lại nhìn Tống Bình Chi bên cạnh, chợt khẽ thở dài. Tiếng thở dài nhẹ tựa lông hồng nhưng lại mang sức nặng như nhiều quả núi gộp với nhau.
Chỉ tiếc là, một đứa là nữ nhân, còn một đứa, vốn dĩ suốt đời cũng không thể bước khỏi Tống gia một bước.
Bức tranh 'gia hòa vạn sự hưng' hóa ra cũng có góc khuất. Mùa đoàn viên, hóa ra lại chẳng như mong muốn. Thượng Dư liếc nhìn về phía cây mai lớn nhất ở chếch bên tay trái, nơi luôn có một cặp mắt dõi theo gia đình Tống tướng quân từ lúc mới bắt đầu khởi hành. Tống Bình Chi nhìn theo, từ tốn nói:
- Mẹ, có cần gọi Nhị ca đến đây không?
Thượng Dư lắc đầu, nhàn nhạt cười:
- Không cần, mẹ cũng là muốn xem, Trường Tử sẽ diễn màn kịch gì...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top