Đây Thôn Vĩ Dạ
Mang trong mình bệnh phong quái ác, một căn bệnh truyền nhiễm lúc bấy giờ khiến bao người đời xa lánh, hất hủi- nhà thơ Hàn Mặc Tử, một nhà thơ tài năng, có sức sáng tạo mãnh liệt trong phong trào thơ mới đã dùng những chuỗi ngày đớn đau của cuộc đời ông tại trại phong Quy Hòa mà viết nên thi phẩm “ Đây Thôn Vĩ Dạ’’ trích trong tập thơ “ Đau thương “. ‘’ Đây Thôn Vĩ Dạ” là một tác phẩm tài tình vì bài thơ không chỉ thể hiện tình cảm sâu sắc của nhà thơ dành cho người con gái ở thôn Vĩ, mà còn là một tình yêu mãnh liệt đối với cảnh vật và tình người xứ Huế.
Ở bài thơ, cái tình mặn nồng trong sáng đã hòa quyện với thiên nhiên tươi đẹp, mối tình riêng đã ở trong mối tình chung nhưng hồn thơ vẫn đượm vẻ buồn đau. Mở đầu bài thơ, nhà thơ Hàn Mặc Tử đã sử dụng câu hỏi tu từ mang nhiều sắc thái:
“ Sao anh không về chơi thôn vĩ”
Câu thơ là một lời trách móc nhẹ nhàng pha chút nuối tiếc của nhân vật trữ tình,nhưng đằng sau lời trách móc đó là một lời mời gọi tha thiết muốn khách đến thăm ,thưởng thức vẻ đẹp bình yên, tươi sáng nơi thôn Vĩ.Và đồng thời câu thơ cũng là lời tự vấn của tác giả,ông tự hỏi bản thân rằng tại sao mình không về chơi thôn vĩ, dù rất nhớ thương người con gái và cái xứ mộng mơ ấy. Ông không muốn sao? Muốn chứ, nhưng không thể, điều đó đã trở nên quá xa vời với hoàn cảnh thực tại của chính ông. Câu thơ sử dụng nhiều thanh bằng tạo cảm giác chơi vơi, lạc long kết hợp với thanh sắc ở cuối câu gợi cảm giác đớn đau,nỗi đau ấy như kim đâm vào lòng,không ác liệt như dao, như kiếm, nhưng lại nhói đau dai dẳng từng ngày. Âm điệu thơ nhẹ nhàng, lời thơ mượt mà, dung dị, nhà thơ Hàn Mặc Tử đã bày tỏ sâu sắc nỗi lòng muốn quay về thăm thôn vĩ,về để được nhìn thấy:
“Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên “
Nhà thơ Hàn Mặc Tử đã mong muốn dùng thị giác của mình để nhìn thấy “ nắng hàng cau”,một cái nắng tinh khôi, trong trẻo vào buổi ban mai, hàng cau phải sống dưới ánh nắng đó, và chính vào thời gian đó mới làm bừng sáng lên vẻ đẹp của thôn Vĩ lúc bình minh.Nhà thơ Hàn Mặc Tử đã nhắc đến cây cau đầu tiên mà không phải bất kì loài cây nào khác, phải chăng rằng bởi cau là một loài cây thanh nhã, thân dài thẳng tắp gợi ngay cho sự chung thủy mà nhà thơ muốn muốn ngầm gửi gắm chăng? Sự chung thủy ấy hòa quyện với ánh sáng dịu nhẹ lúc ban mai càng thêm trân quý,rực rỡ.Ngoài ra hình ảnh “hàng cau” và “ nắng mới lên” còn cho ta cảm nhận được sự thân quen, mộc mạc của làng quê đến lạ.
“vườn ai mướt quá xanh như ngọc”
Sử dụng đại từ phiếm chỉ “ ai” nhà thơ Hàn Mặc Tử đã tạo cho chúng ta một cảm giác mơ hồ không xác định về một vẻ đẹp bí ẩn không thể chiếm hữu. Từ “ mướt “ cộng với thán từ “ quá “ thể hiện sự trầm trồ, say mê đến ngất ngây về khung cảnh đẹp như tranh vẽ của khu vườn thôn Vĩ, một khu vườn xanh mướt mang đầy sắc ngọc của thiên nhiên hoa lá đầy tươi mát.Đứng trước vẽ đẹp của thiên nhiên kì vĩ, thì bóng dáng của con người lại thấp thoáng đâu đây “ lá trúc che ngang mặt chữ điền”
“ lá trúc” là một hình ảnh ẩn dụ cho một người con gái mảnh mai, mang một khuôn “mặt chữ điền”, biểu tượng của nét đẹp phúc hậu, hiền lành. Người con gái lúc ẩn, lúc hiện sau những cành lá trúc kia phải chăng là người con gái ở thôn Vĩ mà nhà thơ hằng mong nhớ? Sử dụng hình ảnh hư thực, nhà thơ Hàn Mặc Tử đã khiến cho hình ảnh cô gái ấy mang một vẻ đẹp kín đáo và dịu dàng- vẻ đẹp đặc trưng của người con gái xứ Huế mộng mơ.
Nếu ở khổ thơ thứ nhất là vẻ đẹp của cảnh ban mai và tình người thôn Vĩ thì ở khổ tiếp theo chính là vẻ đẹp cảnh hoàn hôn và đêm trăng thôn Vĩ, đồng thời cũng là những lời thơ mang tâm trạng đau khổ, chia lìa.
‘’ Gió theo lối gió, mây đường mây
dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”
Hai câu thơ tả cảnh nhưng thấm đẫm tình người. Gió và mây là những hình ảnh trôi nổi tạo cho chúng ta cảm giác chơi vơi, lạc lõng, không có điểm dừng nhưng lại càng bi kịch thêm khi nhà thơ đã đẩy gió và mây ra đôi đường ngăn cách gợi cảm giác buồn, chia lia, tan tác lòng người. Phải chăng trong sự chia li của gió và mây, cũng chính là sự chia li có thể là vĩnh viễn của nhà thơ Hàn Mặc Tử với người thương? Một sự xa cách, chẳng thể chung đường, chung lối. . Và ngay đến dòng nước vô tri kia cũng trở nên mang nét u sầu cùng với hoa bắp hiu hắt khẽ “lay”trong gió, những bông hoa bắp màu xám tẻ nhạt, ảm đạm như màu khói lại lay lắt bên dòng sông bao la, rộng lớn gợi nỗi buồn cô đơn, lẻ bóng của nhà thơ trước cuộc đời. Hai câu thơ trên không chỉ tả cảnh và tình trong cảnh, mà dường như còn muốn tả cái nhịp điệu của cảnh. Đó là cái nhịp điệu êm đềm, lững lờ, nét trầm tư rất điển hình không nơi nào có được của Huế.
Ở trong các thi phẩm của nhà thơ Hàn Mặc Tử chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp được hình ảnh của trăng.Như trong bài thơ “ cô gái đồng trinh” nhà thơ Hàn Mặc Tử đã viết rằng :
‘’Đêm qua trăng vướng trong cành trúc
Cô láng giềng bên chết thiệt rồi
Trinh tiết vẫn còn nguyên vẹn mới
Chưa hề âu yếm ở đầu môi.’’
Nếu ánh trăng trong bài thơ trên là tượng trưng cho cuộc đời ngắn ngủi, bất hạnh của một cô gái. Thì “trăng” trong bài thơ “ Đây thôn Vĩ Dạ” là biểu tượng cho thiên nhiên, cho cái đẹp và một hạnh phúc mà tác giả mong muốn trong đời:
‘’ Thuyền ai đậu bến sông trăng đó?
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Nếu ở khổ 1 nhà thơ Hàn Mặc Tử sử dụng đại từ phiếm chỉ “ai” tạo cho chúng ta cảm nhận được một vẻ đẹp bí ẩn không thể sở hữu, thì ở hai câu thơ này, nhà thơ lại gợi cho chúng ta cảm giác mơ hồ,không xác định, liệu rằng có ai sẽ “chở trăng về kịp” cũng như đem hạnh phúc trở về bên nhà thơ một lần nữa? “ sông trăng” là một hình ảnh hết sức thú vị và tài ba vì nó đã khiến cho cảnh dòng nước buồn thiu đã hoá thành dòng sông trăng lung linh, con thuyền khách đã trở thành thuyền trăng đầy lãng mạng trôi giữa hai bờ hư thực. Sử dụng câu hỏi tu từ kết hợp với từ ‘’kịp’’ cho thấy thái độ hối hả và sự mong ngóng, hi vọng, khát khao đến nỗi muốn chạy đua với thời gian để giành cho bản thân ánh trăng kia cũng như hạnh phúc của đời mình. Câu thơ khiến ta cảm nhận được sự lo sợ, hối hả của nhà thơ về một hiện tại ngắn ngủi của mình bởi hơn ai hết ông hiểu được căn bệnh phong quái ác sẽ sớm mang ông rời xa trần thế, rời xa người con gái mà ông thường và cả xứ huế này nữa. Vầng trăng trong hai câu thơ này còn là vầng trăng nguyên vẹn của thi nhân trước mảnh tình yêu chưa bị phôi phai.
Có thể nói nhà thơ Hàn Mặc Tử là một người luôn biết ước mơ, luôn hướng về tương lai tươi sáng dù cho ông đang sống trong một thực tại đớn đau, ngày ngày giằng xé với bệnh tật :
‘’ Mơ khách đường xa, khách đường xa”
Điệp ngữ “khách đường xa” vừa thể hiện tâm trạng khác khoải nhớ mong tha thiết vừa diễn tả cái khoảng cách xa vời của mối tình đơn phương vô vọng. Vì vậy, “mơ khách đường xa” tác giả chỉ thấy “áo’’ nhưng “nhìn không ra”. Cô gái này là ai? Một cô gái Huế nào đó hay chính là cô gái thôn Vĩ chập chờn trong cõi mộng của nhà thơ khiến cho tác giả có cảm giác bâng khuâng hư thực? Chỉ biết đây là một hình ảnh vừa rất đỗi gần gũi tha thiết vừa xa xôi. Gần gũi vì nó đã trở thành một hoài niệm thường trực, xa vời vì khoảng cách thời gian, không gian và làn khói sương của một mối tình chưa có lời ước hẹn “Áo em trắng quá nhìn không ra” là một câu thơ khá đặc sắc. Màu trắng là màu áo dài của nữ sinh xứ Huế và cũng là màu gợi về sự thanh khiết trắng trong rất phù hợp với cô gái trong mộng tưởng. Cái màu trắng cả không gian, làm nhập nhòa cả thị giác của tác giả. Và “áo trắng quá” lại càng khó nhận ra khi lẩn vào sương khói hư ảo của Huế lắm nắng, nhiều mưa và sương khói của mối tình chưa có ước hẹn.
Vì vậy, tình cảm của người con gái thôn Vĩ hôm nào có bền chặt cho chăng? “Ai biết tình ai có đậm đà?”.
Trong đau thương tột cùng mà nhà thơ vẫn có những phút giây thả hồn trong trẻo để hướng về một miền quê thân thiết và một mối tình đây mộng ảo để tạo nên một “viên ngọc thơ tuyệt vời, chói lọi nghìn năm” Chế Lan Viên .
Bài thơ cố nhiên có một xuất xứ, có một nguồn cảm hứng cụ thể, nhưng qua việc phân tích, ta thấy, tác phẩm đã vượt xa ranh giới của những gì cụ thể, đạt tới sự khái quát hóa nghệ thuật cao độ để đến với cuộc đời bao la.
Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mạc Tử không chỉ là một bài thơ thể hiện tình yêu với một người con gái xứ Huế, thậm chí không chỉ dành riêng cho một thôn Vĩ cụ thể mà còn là lời tâm sự thiết tha, là lời trăng trối của thi sĩ một Hàn Mạc Tử về tình yêu day dứt và quá đỗi sâu nặng đối với cuộc đời này.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top