Đây-Giang
Từ thuở hồng hoang cho đến ngày nay, con người và thiên nhiên luôn gắn bó khắn khít với nhau, luôn mang đến cho nhau những điều mới mẻ, thú vị, và có lẽ vì vậy mà các thi nhân vẫn luôn lấy thiên nhiên làm đề tài cho thơ văn của họ cho đến tận ngày nay. Cho dù trong thập kỷ thứ ba của thế kỹ trước, khi phong trào thơ mới phát triễn, thì những ngòi bút đại tài ấy vẫn không hề lãng quên thiên nhiên. Ví như Hàn Mặc Tử đã khắc hoạ bức tranh thôn Vĩ Dạ thật xinh đẹp nên thơ qua bài Đây Thôn Vĩ Dạ, lại còn có hình ảnh một dòng sông đẹp đẽ rộng lớn mênh mông mà Huy Cận nói đến trong tác phẩm Tràng Giang.
Dù là những ngòi bút suất sắc của phong trào thơ mới, nhưng các tác phẩm của Hàn Mặc Tử lẫn Huy cận lại mang trong mình chất riêng, một thứ tình cảm họ gửi gắm vào từng vầng thơ của mình, là nét đặc sắc của cá nhân họ, như là một dấu ấn để khi ta thoáng nghe đâu đó một câu thơ cũng đủ nhận ra đó là thơ của ai. Hàn Mặc Tử là một nhà thơ đầy sức sáng tạo, ông đã vẽ nên một cố đô Huế với phong cảnh thiên nhiên toát lên vẻ đẹp huyền ảo, nên thơ nhưng cũng nhuốm màu hoài niệm, cùng sự u ám xót xa trong tác phẩm Đây Thôn Vĩ Dạ.
Ngay đoạn mở đầu ta đã có thể thấy được vẻ đẹp của thôn Vĩ Dạ vào một buổi sớm tinh mơ, khi từng vạc nắng chiếu xuyên qua hàng cau, như đang vẫy tay gọi mời Hàn Mặc Tử đến với khu vườn xanh thẫm, mời chàng đến "nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên" trong giấc mơ của mình. Từng chiếc lá thấm đẫm những giọt sương làm cho khu vườn như khoác lên mình một chiếc áo màu xanh ngọc bích, khiến tác giả phải thốt lên: "vườn ai mướt quá, xanh như ngọc", thốt lên trong sự vui sướng khi được thưởng thức cảnh đẹp nên thơ, hữu tình. Rồi ông lại chợt thấy bóng dáng người thiếu nữ với khuông mặt phúc hậu "chữ điền", lấp ló phía sau "lá trúc" thanh thoát, xanh ươm của khu vườn, hình ảnh "lá trúc che ngang mặt chữ điền" làm cho lòng càng bồi hồi xao xuyến trong phút giây tương phùng với người con gái xứ Huế đôn hậu, nghĩa tình trong lòng tác giả. Nhưng phút giây ấy chẳng kéo dài bao lâu, rồi giờ chia ly cũng đến, đã đến lúc "gió theo lối gió, mây đường mây", tác giả thật tinh tế khi dùng nhịp 3/4 để cắt đôi đường đi của mây và gió, để cho hai con người phải xa cách nhau muôn trùng. Rồi cơn gió ấy phiêu du đến dòng sông Hương thơ mộng, cơn gió bắt gặp cảnh "dòng nước buồn thiu hoa bắp lay", dòng sông Hương đã được nhân hoá để cùng chia sớt nỗi buồn với tác giả, cũng như đại thi hào Nguyễn Du có nói "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Nỗi buồn chia phôi đau thương mất mát là vậy, nhưng cũng dần phai nhạt khi trời đất chuyển mình sang đêm. Một cảnh đêm tuyệt đẹp trên sông hương: "thuyền ai đậu bến sông trăng đó", ánh trăng vàng lan toả khắp không gian, đầy ấp trong khoang thuyền đơn độc lặng lẽ đậu bên bờ, tan chảy trong dòng sông Hương hờ hững êm trôi, ánh trăng cũng trải dài, dát vàng cả một bến bờ đất Huế. Hàn Mặc Tử đã yêu trăng, say trăng đến điên dại mới có thể sáng tạo ra một khung cảnh tuyệt đẹp, cực kỳ thơ mộng như thế! Bất chợt một câu hỏi tu từ vang lên: "có chở trăng về kịp tối nay?", câu hỏi như chất chứa nỗi niềm ưu tư trong lòng tác giả, tại sao lại phải chở ánh trăng ấy ngay "tối nay", mà không phải là những ngày khác? Chắc có lẽ hơn ai hết, chính bản thân Hàn Mặc Tử đã hiểu được căn bệnh của mình, và có lẽ trước khi ra đi thì ông cũng muốn nhìn lại ánh trăng vàng, nhìn lại người bạn tri kỹ đã bao ngày cùng ông ôm ấp bao nhiêu sầu muộn! Và ánh trăng cũng là những tia sáng, những hy vọng cuối cùng, những hoài bảo của tuổi trẻ trong ông, nên ông mới khao khát, mong đợi "thuyền ai" nhanh chóng "chở trăng về kịp tối nay".
Qua bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ, tuy ngắn gọn súc tích, nhưng cũng giàu tính tượng trưng, đầy tính gợi hình, gợi cảm kết hợp với những biện pháp nghệ thuật: nhân hoá, điệp từ, sử dụng câu hỏi tu từ và tả cảnh ngụ tình... Vô cùng tinh tế, điêu luyện. Đã bộc bạch hết tâm tư, tình cảm thấm đẫm nỗi sầu muộn, ưu phiền của tác giả. Cho ta hiểu nhiều hơn về nhà thơ Hàn Mặc Tử tài hoa, cũng như khiến cho ta yêu đất nước, yêu thiên nhiên xinh đẹp huyền ảo, nên thơ của chúng ta hơn nhiều. Cũng với nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, nhưng khác với bức tranh thiên nhiên xứ Huế đẹp huyền ảo, nên thơ của Hàn Mặc Tử, dòng Tràng Giang của Huy Cận là hình ảnh một dòng sông dài rộng mênh mông với vẻ đẹp bao la hùng vĩ, nhưng cũng chất chứa rất nhiều nỗi niềm ưu tư triền miên của ông.
Ở ngay đề bài, ta cũng thấy được sự khéo léo của Huy Cận khi gợi tả nét đẹp cổ điển nhưng cũng rất hiện đại của dòng sông, cách nói chệch "Tràng Giang" đầy sáng tạo của tác giả đã gợi tả cho ta thấy được một dòng sông Trường Giang dài rộng bao la của Trung Quốc. Tiếp đó là câu đề tự hết sức mộc mạc, giản dị chỉ gói gọn trong bảy chữ, nhưng cũng đủ thể hiện hết cảm xúc chủ đạo cả bài thơ: "bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài", cho ta thấy được hình ảnh một con người nhỏ bé đứng trước thiên nhiên hùng vĩ của "trời rộng" "sông dài", làm cho lòng người không khỏi dấy lên một cảm giác "bâng khuâng" nhung nhớ. Từ láy "bâng khuâng" thể hiện trọn vẹn cảm xúc trong lòng tác giả, một cảm giác lẻ loi, u sầu, buồn bả khi một mình ông cô đơn lạc lõng giữa thiên nhiên rộng lớn bao la ấy. Đến khổ đầu của bài thơ ta có thể thấy được một dòng Tràng Giang hiện lên với những nét đẹp cổ thi: dòng sông, con thuyền, và những gợn sóng... Nhưng nét đẹp ấy lại lan toả một nỗi buồn da diết. Qua hai câu thơ: "sóng gợn Tràng giang buồn điệp điệp, con thuyền xuôi mái nước song song", ta có thể thấy một "con thuyền" đã "xuôi mái" giữa dòng sông, con thuyền không còn chèo nữa, một hình ảnh tĩnh trên một dòng sông tĩnh, và khung cảnh thiên nhiên được những từ láy mở rộng ra theo hai chiều: một chiều rộng "điệp điệp" bao la, một chiều dài "song song" đằng đẳng. Có lẽ trong một khoảnh khắc, con sóng của Tràng Giang, con sóng của thiên nhiên hùng vĩ ấy đã hoá thành con sóng lòng của tác giả với nỗi buồn trùng điệp vô tận. Chắc hẳng ai cũng biết, từ trước đến nay nước và thuyền luôn song hành cùng nhau, luôn là nước đẩy thuyền trôi, nhưng hình ảnh con thuyền và dòng nước qua đôi mắt của Huy Cận lại không như thế. Thuyền và nước đối với ông cũng như mây và gió của Hàn Mặc Tử, đều là xa cách chia lìa nhau, xa cách nhau: "Thuyền về nước lại", một đi một đến, khoảng cách xa dần xa dần. Nỗi buồn ấy đã đưa tâm trạng của tác giả đi đến nỗi "sầu trăm ngả", một nỗi sầu miên man không hề có điểm tận cùng. Nỗi buồn miên man trong lòng của tác giả đã nhuốm lên thiên nhiên một nỗi buồn tan tác, khiến cho ông nhìn đâu cũng thấy một màu sắc u ám, rồi nỗi u sầu cứ như vậy mà thấm vào từng lời thơ. Nỗi buồn thôi thúc ông tuôn trào ra những vầng thơ, ông đã chắc lọc từ ngữ, kết hợp thật khéo léo biện pháp đảo ngữ, để diễn tả một cách sống động hình ảnh: "củi một cành khô lạc mấy dòng". Từ "một" gợi cho ta thấy sợ ít ỏi, sự đơn độc lẻ loi của "cành khô" đã cạn kiệt nhựa sống như cuộc đời tác giả, ông đã trôi lăn rất nhiều trong dòng đời, ông cảm thấy đời mình cứ lênh đênh vô định "mấy dòng", chưa hề tìm ra chân lí sống của ông, chưa nhìn thấy con đường tươi sáng cho ông, cho những người bạn của ông, và hơn hết là cho đất nước mến yêu của chúng ta. Nối tiếp nỗi buồn là cảnh "lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu", thể hiện một khung cảnh rời rạc, u sầu của thiên nhiên trong mắt tác giả; từ láy "lơ thơ" và "đìu hiu" nói lên sự thưa thớt, của những "cồn nhỏ", vừa nhỏ bé lại còn thưa thớt, diễn tả một cơn gió buồn hắt hiu nhè nhẹ thổi, làm cho khung cảnh đặc một màu cô quạnh. Bổng dưng tác giả nghe ở "đâu", ở một nơi không thể xác định được phương hướng, tác giả không hề nhìn thấy mà chỉ nghe thấy ở đâu đó có "tiếng làng xa vãn chợ chiều", đã đến lúc xế tà, chợ đã vãn thưa người, bỏ lại khu chợ vắng tênh buồn bã ở lại bầu bạn với tác giả, một nét đẹp buồn rất hiện đại trong mắt ông. Đến hai câu kế: "nắng xuống trời lên sâu chót vót, sông dài trời rộng bến cô liêu", Huy Cận đã đặt để tâm tình của mình hết cả vào đó, một cảm giác đối nghịch nhau của "nắng xuống trời lên", chúng đang cách xa nhau, rồi ánh nắng sẽ tắt hẳn, bầu trời đêm đen sẽ chiếm ngự không gian, để lại một khoảng trống "sâu chót vót", ông sử dụng từ "sâu" để diễn tả độ cao của khoảng trời đất bao la hùng vĩ, và cũng thể hiện sự nhỏ bé lạc lõng của hồn người giữa khoảng không gian ấy. Vũ trụ tuy rộng lớn bao la là thế, xinh đẹp là thế, nhưng giữa "sông dài trời rộng" lại có một "bến cô liêu", nơi mà tác giả đang đứng, ông như hoà vào làm một với bờ bến, để cùng thấu cảm cho sự "cô liêu", đơn độc của nó. Sự cô liêu của bờ bến cũng vơi đi, khi một đám bèo "hàng nối hàng" trôi qua bờ bến, như những lữ khách tha hương, như những mãnh đời chưa tìm được phương hướng cho đời mình, vẫn cứ mãi "trôi về đâu", về một nơi nào đó mà ngay cả cánh bèo, ngay cả những người lữ khách cũng không thể xác định được, tất cả chỉ thể hiện qua một câu: "bèo dạt về đâu hàng nối hàng" mà thôi. Tác giả muốn tìm cho mình một con đường đúng đắn để vượt qua muôn trùng khó khăn, vượt qua con sông to lớn ấy, thế nhưng "mênh mông không một chuyến đò ngang, không cầu gợi chút niềm thân mật", giữa "mênh mông" ông thốt ra hai từ "không" cũng như hai cái lắc đầu oán thán là không có con đường nào cả, không có "chuyến đò ngang" nào để qua sông, cũng "không cầu" nối giữa hai bờ để cho thấy chút "niềm thân mật", một chút quan hệ của đôi bờ với nhau, phũ định hoàn toàn cơ hội qua sông của ông. Tác giả cố găng ngó quanh để tìm một con đường để băng qua sông, nhưng chỉ có "lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng", thiên nhiên như đang rũ mình ngủ quên, để lại một mình ông cô đơn, làm cho nỗi buồn càng tăng gấp bội. "Lớp lớp mây cao đùn núi bạc", chỉ với bảy chữ mà Huy Cận như vẽ lên một bức tranh thủy mặc trước mắt chúng ta, một vẻ đẹp cổ điển với bút pháp xảo diệu cho ta thấy cảnh tượng mây núi chập chùng nối tiếp "đùn" đẩy nhau thành từng lớp từng lớp. Chim trời quay về chỗ trú ngụ trong ánh nắng vàng cam, hoàng hôn như đang đè nặng lên đôi cánh bé nhỏ mỏi mệt, không khỏi làm tác giả nghĩ đến thân phận của chính mình, vừa nhỏ bé lại vừa đơn độc trong không gian đầy ấp nỗi u buồn, cũng lại bảy chữ "chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa" đã thể hiện hết tâm hồn của tác giả lẫn khung cảnh của thiên nhiên. Một khung cảnh cổ thi nhưng cũng gợi cho đọc giả thấy nét quen thuộc của quê nhà, giữa nơi đó tác giả đột nhiên có cảm xúc trào dâng: "lòng quê dợn dợn vời con nước", từ láy nguyên "dợn dợn" mà tác giả sáng tạo ra đã gởi tả "con nước" trong lòng của ông đang dạt dào dậy sóng, lòng nhớ quê đang hối hả cuộn trào dù ông đang đứng trên mãnh đất quê hương của mình, nhưng mãnh đất quê hương ấy đã mất đi rồi. Dựa vào làn khói ở câu thơ "trên sông khói sóng cho buồn lòng ai" trong tác phẩm Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, mà Huy Cận đã viết ra một làn khói khác, một làn khói trong tưởng tượng của ông; nếu người ta nhìn khói hoàng hôn mới nhớ về quê nhà, thì nỗi nhớ trong lòng Huy Cận to lớn đến độ "không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà".
Hai tác phẩm đều được sử dụng những biện pháp nghệ thụaat voi cùng tinh tế để khắc hoạ thiên nhiên đẹp mê mẫn lòng người bằng lối thơ thất ngôn, và trong mỗi một câu chữ tả cảnh sắc thiên nhiên cũng đều ngụ tình cảm, tâm tư của tác giả, họ đều chắt chiu từng lời từng chữ cho tác phẩm của mình. Nhưng hai tác phẩm không hề trùng lặp nhau, một là bức tranh cố đô Huế thơ mộng huyền ảo nhuốm đầy hoài niệm và nỗi u sầu của Hàn Mặc Tử, một dòng sông quê hương bao la rộng lớn với vẻ đẹp hùng vĩ nhưng phản phất sự cô độc của thân phận con người khi đứng trước vũ trụ bao la của Huy Cận. Ắt hẳn sẽ làm cho đọc giả càng yêu quê hương đất nước của mình hơn, càng trân trọng thiên nhiên xinh đẹp của chúng ta hơn, và bên cạnh đó là thấu hiểu được nỗi lòng của Hàn Mặc Tử khi lìa đời, nhìn thấy tầm quan trọng của con đường đúng đắn mà Huy Cận đã chọn cho mình để vượt qua.
Sau khi hiểu rõ ý nghĩa của hai bài thơ trên, nỗi buồn của họ cũng như đọng lại trong lòng mỗi chúng ta, và cảnh đẹp huy hoàng của thiên nhiên Việt Nam khiến ta càng yêu thương mãnh đất mà ta sinh ra nhiều hơn. Với tình yêu ấy, chúng ta nên cố gắng nhiều hơn trong công việc và học tập, để đất nước này càng lớn mạnh hơn, phát triễn hơn. Ta nên cảm ơn những người đi trước, những người đã tìm ra con đường đúng đắn để giúp đời sống của ta hiện tại ấm no, hạnh phúc, và chúng ta cũng phải hứa với lòng rằng sẽ noi theo tấm gương của họ, phải dốc sức bảo vệ quê hương non nước hữu tình mà ta đang có.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top