đây thôn vĩ dạ
Mở đầu bài thơ là khổ thơ viết về thiên nhiên thôn Vĩ với những vẻ đẹp đầy thơ mộng qua dòng hồi tưởng của nhà thơ. Câu thơ đầu có một khả năng gợi mở rất lớn:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?
Câu thơ là lời mời, lời trách hay sự nuối tiếc ? Có lẽ là cả ba. Đó là lời mời của cô gái nào đó đang trách hờn "anh" chủ thể trữ tình của bài thơ hay câu thơ chính là sự phân thân của nhân vật trữ tình để bộc lộ tâm trạng nuối tiếc của mình vì không được trở lại thôn Vĩ nữa. Ba câu sau được nối với câu trước bởi nghệ thuật "vắt dòng" của câu hai. Nhìn nắng hàng cau là lời giải thích "sao anh không về để nhìn nắng" còn nắng mới lên tồn tại độc lập. Đây là lời của cô gái hay chàng trai. Lời của cô gái nhưng bắt đầu có sự xuất hiện của nhân vật trữ tình. Cảnh và người thôn Vĩ hiện lên rõ dần. Bắt đầu là hình ảnh hàng cau một loại cây quen thuộc trong những khu nhà vườn xứ Huế. Ta đã từng gặp hình ảnh hàng cau trong Nhớ của Hồng Nguyên :
Có nắng chiều đột kích mấy hàng cau
Đây là hàng cau trong nắng chiều còn ở Đây thôn Vĩ Dạ là hình ảnh hàng cau trong nắng sớm ban mai, giữa những vườn mướt "xanh như ngọc" một hình ảnh trong sáng, thân thuộc đến bất ngờ. Câu thơ như một cái ngước nhìn đầy thú vị. Nắng ban mai êm dịu xen giữa những thân cau thẳng tắp lá còn ướt đẫm sương đêm tạo ra cho cảnh vật một nét đẹp rất thơ mà cũng rất đời thường. Khi nhớ đến thôn Vĩ, nhớ đến xứ Huế mơ mộng người ta không thể không nhắc đến những khu nhà vườn xinh đẹp dưới ánh nắng mai.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Vẻ đẹp của thôn Vĩ đã được cảm nhận bằng nỗi nhớ của nhân vật trữ tình (tác giả) chứ không phải là của cô gái nữa. Nhân vật trữ tình đã hiện ra bằng lời trầm trồ thán phục trước vẻ đẹp của thôn Vĩ. Chữ mướt gợi màu xanh non tơ, mềm mại đầy xuân sắc và màu "xanh như ngọc" là màu xanh như có ánh sáng từ bên trong. Ngọc vừa có màu vừa có ánh, vừa toả mát ánh sáng, vừa rười rượi sắc xanh, mướt quá là trầm trồ chứ không phải là nhận xét "quá mướt". Đọc thơ Hàn Mặc Tử, Hoài Thanh có nhận xét : "có những câu thơ đẹp một cách lạ lùng, đọc lên như rưới vào hồn một nguồn sáng lạ". Nhận xét này thật đúng với câu thơ trên. Có lẽ những giọt sương đêm vẫn còn đọng trên lá và khi ánh bình minh soi xuống đã tạo cho khu vườn vẻ đẹp lung linh huyền ảo. Câu thơ cho thấy Hàn Mặc Tử yêu Vĩ Dạ, yêu Huế biết bao nhiêu. Ai có thể tin rằng câu thơ đầy sức sống này lại là của một thi sĩ không còn cơ hội trở lại với đời thường. Ta cũng từng gặp cảnh thiên nhiên như thế ở thi sĩ Xuân Diệu khi anh còn trẻ và đang tràn đầy nhựa sống : “Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá”.
Tình yêu Vĩ Dạ của thi nhân bắt nguồn từ tình yêu cuộc sống, từ tình yêu với người con gái xứ Huế. Vì vậy con người xứ Huế trong cảm nhận của nhà thơ trong khung cảnh thật gợi :
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Câu thơ viết theo hướng cách điệu hoá. Cách điệu từ đường nét "lá trúc che ngang" đến hình ảnh "mặt chữ điền". Mặt chữ điền từng xuất hiện trong những câu ca dao xứ Huế :
Mặt em vuông tựa chữ điền,
Da em thì trắng, áo đen mặc ngoài.
Lòng em có đất có trời,
Có câu nhân nghĩa, có lời thuỷ chung.
Với biện pháp nghệ thuật cách điệu hoá, tác giả đã diễn tả được vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng, hoà hợp với thiên nhiên của người Vĩ Dạ. Người Huế vốn rất yêu thiên nhiên, cây cỏ là bạn với họ. Họ chăm sóc cây cối giống như chăm sóc con người. Và những ngôi nhà truyền thống của người Huế bao giờ cũng ẩn sau những mảnh vườn mướt xanh. Bốn câu thơ đã tạo nên một vẻ đẹp lung linh huyền diệu cho thôn Vĩ.
Khổ thơ thứ hai có sự thay đổi về không gian và cảm xúc nhưng vẫn là dòng hồi tưởng của nhân vật trữ tình, kỉ niệm lúc này tràn về mãnh liệt đến nỗi từng bước của chàng trai lan toả, xen đầy cả không gian :
Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Mạch cảm xúc không dứt mà tạo một dư âm :
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay ?
Có lẽ cấu tứ của đoạn thơ này được bắt nguồn từ nỗi nhớ về dòng sông Hương êm đềm. Cảnh vật trong khổ thơ buồn da diết, vừa hiện thực vừa hư ảo. Nó khiến người đọc như vừa gặp một ảo giác, cụ thể đấy mà cũng thật mơ hồ. Gió mây thường có mối quan hệ gắn bó khăng khít, "gió thổi mây bay", nhưng ở đây gió mây lại theo hai đường, thậm chí ngăn cách nhau quyết liệt :
Gió theo lối gió mây đường mây
Gió mây ở đây không phải là hiện thực mà nó mang tâm trạng của người trong cảnh chia lìa. Nhớ Vĩ Dạ nhưng không thể trở về nơi ấy được nữa nên buồn và nỗi buồn đã tràn ra cảnh vật:
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Trong hồi tưởng của nhân vật trữ tình, dòng Hương giang hiện lên thật buồn. Nhớ Hương giang lại nhớ đến những đêm trăng huyền diệu. Trăng gợi vẻ đẹp huyền ảo song trăng cũng dễ gợi sự cô đơn, lạnh lẽo :
Trăng sáng, trăng xa trăng rộng quá
Hai người nhưng chẳng bớt cô đơn.
(Xuân Diệu)
Trăng từng xuất hiện rất nhiều trong thơ Hàn Mặc Tử với đủ hình dạng, trạng thái khác nhau :
Trăng nằm sóng xoãi trên cành liễu
Đợi gió thu về để lả lơi.
Còn ánh trăng ở đây lại là một ánh trăng huyền ảo, một không gian tràn đầy trăng và thơ :
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay ?
Sáng tạo độc đáo của Hàn Mặc Tử là ở hình ảnh "sông trăng". Trăng tràn đầy không gian từ dòng sông đến cõi mộng. Hàn Mặc Tử chịu ảnh hưởng của trường phái thơ siêu thực và tượng trưng Pháp, có lẽ câu thơ này là kết quả của những ảnh hưởng đó. Hai câu thơ hay mà không thể lí giải cụ thể. Đó cũng chính là bí mật hấp dẫn của thi ca. Ai có thể chở được ánh trăng. Câu thơ gợi lên vẻ đẹp huyền ảo của xứ Huế và thể hiện tâm hồn thơ lãng mạn của thi nhân.
Đến khổ thơ thứ ba cảnh vật không còn nữa, kỉ niệm trở về ngập hồn nhân vật trữ tình. Và lúc này những rung động của anh đối với Vĩ Dạ đã tập trung ở hình ảnh người con gái "mờ mờ nhân ảnh".
Mơ khách đường xa, khách đường xa
áo em trắng quá nhìn không ra
ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà ?
"ở đây" là ở đâu ? Dù ở đâu thì cũng đã bị bao phủ bởi sương khói của thời gian. Ai là một đại từ phiếm chỉ. Một đại từ phiếm chỉ được sử dụng hai lần trong một câu thơ, gợi lên bao ý nghĩa. Câu thơ tha thiết một khát khao, một ước nguyện muốn có người hiểu được tâm sự của mình. Đồng thời thể hiện tâm trạng hoài nghi. Trong bài thơ có tới bốn lần tác giả sử dụng đại từ ai, và "anh" và "em" đã hoà nhập trong từ ai ấy, hoà nhập trong tâm tưởng của thi nhân. Câu thơ cuối cùng thoáng chút hoài nghi ấy xuất phát từ lòng khát khao sống, khát khao giao tiếp với cuộc đời ; xuất phát từ niềm khao khát thuỷ chung. Vượt lên nỗi đau riêng, thơ Hàn Mặc Tử nói lên tâm trạng chung của bao lứa đôi xa cách…
"Thơ đi từ cái thực tới cái ảo ảnh, từ ảo ảnh đi tới cái huyền diệu, từ huyền diệu đi tới chiêm bao. Bao trùm cả bài thơ là thế giới mơ", đó là lời của Hàn Mặc Tử về thơ và có lẽ là về chính Đây thôn Vĩ Dạ.
Đây thôn Vĩ Dạ thể hiện tình yêu tha thiết của tác giả đối với xứ Huế, nơi nhà thơ đã từng có nhiều kỷ niệm ngọt ngào, đồng thời thể hiện khát khao được sống, được yêu của một con người. Nhà thơ đã vẽ nên một bức tranh phong cảnh thật đẹp về thiên nhiên xứ Huế, từ đó thể hiện tình yêu và khát vọng sống mãnh liệt.
Hình ảnh độc đáo giàu sức gợi, giàu giá trị thẩm mĩ, ngôn ngữ ngữ cực tả luôn trong trong sáng, súc tích. Cách sử dụng xuyên suốt những câu hỏi tu từ đã tạo nên mạch cảm xúc của toàn bài. Ba khổ thơ không được sắp xếp theo tuyến tính của thời gian và tính duy nhất của ko gian, có bước nhảy cảm xúc giữa các khổ thơ tạo nên mạch liên kết đứt-nối độc đáo. Nhịp điệu của bài thơ bị chi phối bởi cảm xúc ẩn chứa ở mỗi khổ thơ: có khi là nhịp điệu tha thiết đắm say, có khi là nhịp điẹu chậm rãi buồn tẻ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top