Partie 17
CHƯƠNG 17: MỘT NGƯỜI NỮA NHẬP CUỘC
Mải chìm đắm trong suy nghĩ, tôi tông phải ai đó và cả hai cùng ngã. Tôi vội đứng dậy phủi đất cát và nhặt tập giấy vừa đánh rơi lên và cúi đầu xin lỗi, chìa tay ra giúp. Người mà tôi vừa tông phải là một quý cô, có lẽ cũng trung lưu, tầm tuổi tôi nhưng trông trẻ hơn một chút.
- Xin thứ lỗi, tôi không để ý...
Tôi cúi đầu và định quay đi, nhưng bị ngăn lại bởi một câu hỏi:
- Em cũng xin lỗi, em mới tới London, không biết đường nhiều. Và cho em hỏi, nhà Holmes ở đâu trên phố Baker?
- Ý em là nhà của tên thám tử cố vấn đứng sau công lao của mấy gã thanh tra dở hơi mà chả khi nào thấy mặt? - Tôi đùa.
- À... Em có nghe người đó hình như được gọi là Justitia..., thì phải...?
Gã thám tử tư hàng xóm nhà tôi chả ai gọi hắn là Justitia, tôi chắc chắn điều đó. Mà, tôi có quen người này không?
- Em... sao biết được Justitia?
Tôi cười nhạt và lắc đầu, bước về phía cửa định lên với Clara và nếm thử hôm nay Jack làm món nước chanh limonade như thế nào, thì bị một phen bất ngờ bởi lời đáp đó:
- Người hay lui tới Scotland Yard mà không mặc đồng phục màu xanh Scotland Yard thì đó là Justitia. Nói cách khác, người vừa tông phải em vừa nãy.
Mắt tôi mở to vì kinh ngạc. Đây thuần tuý chỉ là điều người ta biết qua báo hay từ một sự suy luận mà ra?
- Rất hân hạnh được gặp "nữ thần công lý" lừng danh. Em là Ilisa Traveritt, nhà trinh thám, tập sự.
Như tôi thấy, London này bắt đầu có hơi nhiều quý cô theo chân nữ thần công lý rồi đó.
- Rất hân hạnh, vâng, thật ngạc nhiên đó. Tôi là Sherline, Sherline Victoria Holmes; thật ra tên tôi vốn không phải vậy nhưng đó là cái tên người ta gọi nhiều nhất.
- Em không tin. - Đồng sự mới của tôi cười.
- Khi rửa tội mang tên Françoise de Beaudelaire, khi thành danh mang trên Sherline Holmes.
- Em không tin đây là Sherline Holmes đồng hương của em.
Tôi quay đầu lại và nhìn thấy một nụ cười tươi như hoa păngsê tím.
- Quê nhà em xứ Calais, nhưng em không sinh ra ở nơi đó.
- Tuổi thơ tôi gửi lại xứ Reims. Chắc cũng có thể gọi là đồng hương... - Tôi cười - Giờ em đi đâu?
- Em mới tìm về London để hy vọng nhờ trinh thám mà kiếm sống, trừ nhà ra cũng chẳng biết đi đâu.
- Vậy, mời em.
Tôi dẫn đường trước lên trụ sở phòng chuyên án, lòng tự hỏi không biết Clara có để phần limonade cho tôi không. Khi tôi lên đó, Clara vẫn ngồi ở bàn làm việc, đang tự thưởng mình một cốc nước chanh và một góc bánh scone việt quất.
- Chào Vixey, biết thể nào cũng mò về đây mà. Con cáo bông xù nhà mình làm gì chối từ được bánh scone! Và... ai kia đó?
- Đồng sự mới. Trinh thám tư.
Tôi để Ilisa đứng ở cửa và tới bàn của Clara rót cho mình một ly limonade ngọt lịm và nếm thử một miếng bánh scone. Tôi đoán là của cô vợ chàng John Dawson, bởi tôi chưa bao giờ nghĩ tôi, Clara hay Harriette từng động tay vào chuyện nấu nướng... một cách nghiêm túc.
- Cô đây là...?
- Ilisa Traveritt, trinh thám tư— tập sự— ở góc phố Dorset.
- Vâng, "tập sự". Giống Harriette mười tám năm trước, cô ta cũng tự gọi mình là "pháp y tập sự". - Clara đùa.
- Tập sự thì tập sự, có làm được việc hay không mới là vấn đề. - Tôi nói, tự hào về cả mình và Harriette ngày đó.
- Phải đó! - Ilisa cũng họa vào, cười cười.
Vậy là, một người nữa nhập cuộc, dù là tôi không quen người mới này lắm. Ilisa Traveritt là người mà Tom nhắc tới cũng theo đuổi vụ này ngoài Scotland Yard sao?
- Thanh tra Craker đâu?
- Không biết. Hôm nay không nghe tiếng ông ta, chắc lại lang thang với mấy vụ trộm rồi.
- Tôi đang muốn mời ông ta cốc trà và bắt ông ta khai ra thế quái nào ông ta lại tìm ra được danh tính của nạn nhân thứ hai. Một cái tên cũng có thể moi ra thêm nhiều điều lắm.
- Quên đi Vixey. Mười tám năm ở Scotland Yard này, ghế ngồi đã mòn quần chân đi giày đã mòn gót, thanh tra thám tử nào cũng từng biết qua chỉ có mặt lão tiền bối Graham Craker là chưa từng thấy.
Nghe Clara nói vậy tôi cũng nản. Thôi thì bỏ cuộc, mặc kệ ông ta đi điều tra ở đâu mà ra, tôi phó mặc đó vậy. Tôi cầm tập hồ sơ lên kẹp vào giữa cánh tay, quay người ra cửa và không quên thó thêm miếng bánh nướng, nói với Ilisa:
- Chúng ta về phố Baker, tôi có chuyện cho em làm đây.
Tôi rót cho mình thêm một ly limonade, đúng là hôm nay Jack làm ngon thật, cả bánh nướng nữa. Hôm nay là một ngày Chủ Nhật đẹp với một chút lo lắng, nhưng nhìn chung thì... cũng một ngày như mọi ngày, một màu xanh phủ xám sương mù trong mắt tôi.
Chúng tôi - tức tôi và Ilisa Traveritt - cùng đi bộ về phố Baker. Thật lạ, tôi hiếm khi thân thiết ai, trừ những người tôi thật quen biết; nhưng Traveritt, thú thật là tôi có cảm giác như tôi đã gặp đâu đó, một cảm giác rất quen thuộc... Có lẽ, nếu mai này tôi vội về chốn cửu tuyền khi còn chưa kịp an tâm với con đường chưa đi được hết, thì cũng có người để kế nghiệp tôi. Ilisa Traveritt, tôi sẽ nhớ cái tên này, người có lẽ sau này sẽ là "Athène phố Baker", đệ nhị. Tôi mỉm cười, một nụ cười an lành; tôi có thể không "bất tử" như người ta mệnh danh, nhưng sự nghiệp của tôi, tiếng tăm của tôi là nữ thần công lý, sẽ bất tử với đời sau. Chỉ có điều tôi không chắc chắn là sự nghiệp tôi sẽ đi tiếp được bao lâu sau khi tôi về chốn cửu tuyền...
Trên đường về, Ilisa kể tôi nghe về những năm trước kia. Rằng Ilisa có mấy năm ở trường nữ Saint-Helen rồi sau đó là Saint-Agnes. Tôi sau đó theo đuổi công lý, đồng sự bé nhỏ của tôi tìm thấy mối tình đầu tuy nhiên chẳng có bao lâu; những năm tôi lánh đi với cái danh nhà văn trinh thám, đồng sự bé nhỏ của tôi học y tá, cùng lúc đó cố tìm kiếm một quý ông xứng đáng để yêu thương và để nương tựa nhưng tới giờ vẫn chưa được ai để mắt đến. Câu chuyện này làm tôi thấy thú vị, và bất ngờ hơn cả là khi tôi biết chúng tôi đã từng gặp nhau. Mười tám năm trước.
- Thì ra khi đó em nói em không tin đây là Sherline Holmes em biết... Sherline Holmes bé nhỏ ngày xưa đâu có gì gọi là tiếng tăm đúng không?
Dưới màu đỏ nhuốm rêu phong bức tường Saint-Helen mười tám năm trước, tôi quen đứa hậu bối dưới một năm, Hannelia Duynie Traveritt. Nghe thì khó tin nhưng, Ilisa bây giờ và Hannelia Duynie mười tám năm trước là một. Lý do vì sao Hannelia Duynie nên Ilisa tôi không biết, chắc cũng giống Françoise de Beaudelaire với Sherline Holmes; nhưng thôi, nó không quan trọng. Tôi cũng không biết vì sao Ilisa chọn trinh thám thay y tá, nhưng ít ra tôi cũng biết có ai để tôi để lại sự nghiệp cho nếu một ngày tôi đi xa...
Ở đầu phố Baker, chúng tôi gặp Alberto, thằng bé giao điện tín bạn Rémy, xin tôi thêm một đồng farthing trước khi đưa tôi tờ điện.
- Một đồng farthing thôi ạ, một đồng thôi.
- Chẳng phải hai xu như thường à?
- Tháng sau em cháu được bốn tuổi, cháu muốn để dành...
Tôi cảm thấy... từ khi bước chân vào vụ này, những tờ điện tín trở nên tốn kém hơn hẳn thì phải?
Chà, người gửi tờ điện này đã lâu lắm rồi tôi mới được gặp lại. Ngài là người bảo hộ cho tôi những ngày đầu hành luật, một thẩm phán có danh tiếng, Armand Garner. Ngài Garner là một người bạn cũ của bác tôi, tôi nợ ơn ngài khá nhiều cho danh tiếng Justitia ngày hôm nay.
"Shirley này,
Ta biết cháu có chuyện để bận rộn, nhưng là Justitia, ta nghĩ cháu sẽ không từ chối việc ra toà. Cháu biết vụ án mạng hôm kia? Tốt. Scotland Yard tìm được một người nghi là hung thủ, sống trong căn nhà gần đó và lúc vụ án xảy ra chỉ có ông ta không có bằng chứng chứng minh được mình vô tội. Hai ngày nữa ông ta sẽ bị đưa ra toà, và đây là điều ta muốn nhờ cháu: bảo vệ ông bạn già của ta trước toà được không?
Cái lúc xảy ra vụ án đó, ông ta không có bằng chứng ngoại phạm vì không ai thấy mặt ông ta đã mấy ngày, người ta nghi ông chạy trốn sau khi giết người. Sự thực là... thôi để khi cháu nghe lời khai của ông bạn ta trước toà. Nếu cháu chấp nhận, hai ngày sau hãy tới toà, ta sẽ nhờ chuyển hồ sơ cho.
Quan toà Armand Garner."
Có dấu hỏi to tướng đang bay vòng trên đầu tôi. Rốt cuộc, tôi bây giờ là cái gì đây? Điều tra viên hay thẩm phán hay luật sư biện hộ? Tôi tránh việc ra toà đã nhiều năm vì không muốn thấy bất công ở nơi công lý phán xét, vậy mà giờ vị thẩm phán đỡ đầu tôi trong ngành luật lại "nhờ" tôi ra toà. Những năm đầu thập niên 1880 là thời hoàng kim và đáng tự hào của giới luật sư biện hộ với tên của một bông hồng xuất hiện nhiều hơn ai hết trong các tập hồ sơ kiện tụng. Chà, hồi đó tôi hai tư mùa xuân còn tươi mới, lại chăm ra toà. Không biết hồi đó tôi nghĩ gì nữa, nhưng may mắn là tôi không bị cuốn vào dòng nước ô nhục "công lý vì tiền"; dù người ngoài chẳng thấy có gì là nhục nhã, nhưng trước toà, ranh giới danh dự giữa luật sư "trong sạch" và luật sư vì tiền khá là rạch ròi, và họ thường là cho nhau những cái lườm sắc như dao găm. Chà, mà, cũng lâu rồi không ngồi ghế biện hộ, tôi không chắc là sẽ không bị gã công tố nào đó ăn hiếp như một tên lính mới.
- Có chuyện gì à?
- Không. Chuyện cần câu cơm của tôi, ý tôi là, lại phải ra toà...
- Trinh thám tư cũng phải ra toà?
- Không, trinh thám tư là cái nghề kiếm cơm gần đây thôi. Đâu phải tự nhiên người ta gọi tôi Justitia, phải không? Và... cũng đâu phải tự nhiên người ta gọi tôi là Athène của giới điều tra viên.
- Athène của giới thám tử tư chứ?
- Đâu, tôi chỉ toàn làm ba cái vụ...
Ừ, trinh thám tư, tôi tự nhận mình vậy. Nhưng mấy gã thám tử tư ở London này thường chỉ lo những chuyện nhỏ nhặt người ta thuê như điều tra tính xác thực di chúc để đảm bảo có một phần tài sản của cha mẹ hay điều tra nếu có kẻ bám đuôi. Với mấy vụ khá nghiêm trọng, hoặc người ta tìm đến cảnh sát và cảnh sát tìm đến gã thám tử tư hàng xóm nhà tôi, hoặc người ta tìm đến tôi hay gã thám tử tư hàng xóm nhà tôi. Chúng tôi rõ có duyên với án mạng, cái duyên của mấy gã điều tra viên. Mà, hồi là luật sư tôi toàn lo ba chuyện án mạng, nên... cũng không có gì lạ.
- Quên chuyện đó đi, cũng chả quan trọng mấy. Mà, tôi cũng chẳng hiểu sao thiên hạ còn gọi tôi Athène khi cái tên Justitia đã được gán cho vị thẩm phán chả bao giờ chịu ra toà này...
Đồng sự bé nhỏ của tôi nhíu mày.
- Thẩm phán?
- Tôi tưởng khi em gọi tôi Justitia thì em đã biết tôi là gì rồi chứ. Người ta đâu gọi một điều tra viên là "nữ thần công lý", phải không?
- Cũng đúng. - Ilisa cười trừ.
- Nghe lời ông cụ thẩm phán đỡ đầu tôi đi học lên thẩm phán, nhưng kiểu này thì cũng chẳng kiếm thêm được bao nhiêu so với cái nghề điều tra.
Trước khi cuộc trò chuyện nhỏ đó dứt thì chúng tôi đã tới nhà. Ngôi nhà bé nhỏ của tôi, hồi nào chỉ là nơi tôi ghé về để ngủ, bây giờ quyến luyến lạ. Có lẽ vì không còn Helen trông nom, nhà cửa tôi phải chăm chút, dù tôi biết mình vụng về việc nhà. Tôi nghĩ tôi có thể mời Ilisa về sống cùng để con bé trông giùm căn nhà khi tôi đi điều tra xa, nhưng ngay sau đó lại nhanh chóng gạt nó ra khỏi đầu. Không nên kéo người ta vào đống bừa bộn nhà tôi, không nên. Tôi khẽ rút chìa mở cửa và đứng sang một bên mời khách vào, sau khi chắc chắn không có kẻ theo dõi, tôi mới vào. Tôi lo lắng cái gì thế? Kẻ nào theo dõi chúng tôi đâu...
- Chị có việc gì cho em?
Tôi dẫn Ilisa lên phòng khách cho tiện làm việc vì trên đó có một cái bàn cà phê cũng rộng rãi ( dù hơi bừa bộn ). Từ khi con bé cộng sự Helen đi, nhà vắng vẻ hẳn. Tôi biết nó cũng đã lâu, không gặp nhau cũng đã nhiều, nhưng hai năm Helen trọ lại đây đã khiến đời tôi vui hơn hẳn với những trò chơi xứ Nga xa xôi con bé bày cho tôi. Giờ hết rồi, chỉ còn cây vĩ cầm và những tập bản thảo của một thời nhà văn thi thoảng tôi đọc lại và cười một mình. Những gì Helen để lại cho tôi làm quà là con búp bê matryoshka màu xanh ngọc để trên lò sưởi và một căn phòng chưa dọn. Tôi sẽ quên cái thứ hai đó đi.
Tôi dọn dẹp mấy chồng sách và đẩy khay trà trên bàn cà phê qua một góc rồi trải tập hồ sơ ra xem. Chu đáo thật, có hình chụp nạn nhân và hiện trường khi phát hiện bà ta, tôi nghĩ chắc là do Harriette và mấy trợ lý của cô ta ở nhà xác làm. Có cả chiếc nhẫn đồng tôi tìm thấy gần nạn nhân, còn nó có thuộc về bà ta hay không, tôi không biết. Harriette, cô vất vả rồi, bây giờ phần này để tôi.
- Có việc gì chị muốn em làm?
Tôi nhìn chằm chằm vào chiếc nhẫn và một bức hình chụp thi thể đang được khám nghiệm, hỏi:
- Nói tôi nghe, em thấy được gì bất thường trong những tấm hình khám nghiệm?
Ilisa ban đầu ngần ngại không dám nhìn, nhưng rồi không biết vì sự can đảm hay vì tôi giục quá mà cuối cùng con bé cầm những tấm hình lên xem xét, dù trong đôi mắt đó thoáng vẻ sợ hãi. Mười tám năm trước tôi cũng có đôi mắt đó khi lần đầu tiên theo Scotland Yard lang thang khắp London điều tra một vụ án. Không biết tại sao hồi xưa tôi lại liều tới vậy, nhưng Harriette đi được thì tôi cũng đi được, phải không?
- Em chưa nhìn thấy xác chết bao giờ, tôi nói đúng không?
Ilisa gật đầu. Sao tôi lại đi với một kẻ nghiệp dư biết phán đoán suy luận nhưng chưa bao giờ có kinh nghiệm xem xét xác chết này vậy? À, tại tôi...
Giờ tôi phải làm sao với đứa đồng sự nghiệp dư này đây? Tôi đâu thể bắt con bé xem cái thứ đáng sợ nó chưa bao giờ xem? Hay có thể, tôi không biết. Nghiệp trinh thám quả khó nhằn, nếu không phải vì ham thích giờ này tôi đã là một luật sư, một quan toà, một hiện thân của Justitia trước toà được kính trọng chứ không phải một Athène lang thang.
- Tôi tưởng một y tá đâu có sợ xác chết...?
- Hồi ở trường làm gì có xác chết mà thực tập!
- Đi theo phòng chuyên án với Harriette, tha hồ có xác chết mà ngắm mà thực tập! - Tôi đùa.
- Harriette?
- À phải, hôm nay ngày nghỉ của cô ta, em không thấy. Harriette Copporet, pháp y của phòng chuyên án, cũng khá có tiếng đó.
Ilisa vẫn chăm chú nhìn mấy bức hình, thi thoảng nhắm mắt và lắc đầu. Có lẽ tôi không nên bắt con bé làm những việc chúng tôi đã quen làm... Tôi định bảo con bé thôi, để đó mai tôi gọi hỏi Claramenthe nếu Ilisa có giúp được gì, nhưng bị một thoáng bất ngờ. Ilisa chỉ vào bức chụp hiện trường, nói:
- Tên hung thủ chắc là một nhà giải phẫu.
Một nhà giải phẫu, nói thật là tôi chưa tính tới nước này. Tôi không nghĩ một nhà giải phẫu đã ra tay, bởi vì cách mổ xác của hắn có phần nghiệp dư, so với Harriette một người đã có thể là một nhà giải phẫu đại tài ( nếu cô ta từ đầu không đi mổ xác chết ). Vả lại, một nhà giải phẫu chắc sẽ không đi giết người, trừ phi đó là Victor Frankenstein. Không, tôi nghĩ lại rồi, bác sĩ Frankenstein chỉ có đi đào mộ thôi.
- Em không nghĩ đó là một người đồ tể?
- Không.
- Cả London đều nghĩ một tên đồ tể điên đã giết những người này.
- Họ chỉ đọc báo mà hiểu lầm.
- Sao em chắc chắn được?
- Đâu có đồ tể nào lại mở phanh bụng người ta ra chi li như vậy? Đồ tể thường "chặt", chứ không "rạch" hay "mổ", đúng không?
- Tôi không tin tôi phải nhờ một đứa hậu bối chỉ dạy. - Tôi chau mày, miệng khẽ cười.
- Tin điều đó đi, người mười tám năm "nhìn xác chết" chứ chưa "xử lý xác chết" bao giờ. - Ilisa đùa lại.
- Có hai lần rồi.
- Hai lần là chưa đủ. Chưa bao giờ đủ.
- Tôi chịu thua, em nói tiếp đi.
- Sao một luật sư lại dễ nhường người vậy?
- Không phải tự nhiên một luật sư lại sống qua ngày bằng đi theo Scotland Yard đâu em.
Tôi rót tách trà và cười. Ừ đúng là cả London không có luật sư nào như tôi, và tôi cũng thú nhận là, nếu không có sự bảo hộ của ngài Garner, chắc bây giờ tôi đang viết lách cho qua ngày tháng hay sắp xếp quần áo cho nữ hoàng trong điện Buckingham. Ngày xưa có Helen là bác sĩ với Harriette, tôi không lo về chuyện khám nghiệm; giờ Helen không còn ở nước Anh, Harriette cũng có lẽ là sắp bỏ nghề về với chồng, ai sẽ cáng đáng việc khám nghiệm tử thi bây giờ? Hoặc là tôi, người chút ít có kinh nghiệm ( tôi nhấn mạnh "chút ít" ), hoặc Claramenthe, từng mấy năm học y tá. Hoặc Johnny Dawson hoặc em trai cậu ta, hoặc Thorton hoặc anh chàng gì đó tôi quên tên rồi. Mặc kệ là ai đi nữa, cũng có một điều tôi chắc chắn, đó là phòng chuyên án chúng tôi sẽ khốn đốn lắm khi Harriette về với chồng. Cám ơn cuộc đời đã cho Hannelia Traveritt, ý tôi là, Ilisa Traveritt, chạm mặt tôi sau từng đó năm trước cửa Scotland Yard; và cám ơn cuộc đời vì nó có học y tá ( dù không phải là thứ y khoa chúng tôi cần lắm, nhưng có còn hơn không ).
Chắc ngày mai tôi sẽ đi gặp ông ấy, người bị tình nghi, và trở lại hiện trường nếu ở đó có gì tôi bỏ sót chứng minh được ông vô tội...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top