Phần 5: Những điều nên biết, nên làm và bắt đầu không bao giờ là muộn (ii)
* Vài lời tâm huyết: Trước khi tiếp tục trình bày tôi xin có vài lời với các bạn trên F319, những người đã dành chút thời gian để đọc và theo dõi những quan điểm của tôi:
- Đầu tiên tôi xin cảm ơn những bạn đã đọc các phần trước, đã tham gia trao đổi, đã ủng hộ và động viên tôi, điều đó tiếp cho tôi thêm động lực để hoàn thành nốt những gì mình định chia xẻ với mọi người. Tôi cũng cảm ơn những bạn đã đọc nhưng không cùng quan điểm đã tôn trọng không 'ném đá' hay comment bừa bãi trong các topic về chủ đề này. Tôi cũng xin cáo lỗi với các bạn đã PM cho tôi mà tôi chưa trả lời được do thời gian này tôi đang bận tập trung hoàn thành nốt các phần tiếp theo của bài viết này.
- Rút kinh nghiệm các phần trước, tôi sẽ trình bày dàn ý trước khi đi vào chi tiết từng phần để các bạn có cái nhìn tổng quát hơn hay các bạn có thể xem xem bài viết có đề cập đến những vấn đề mình quan tâm hay không một cách nhanh chóng.
Lần này, tôi xin được đề cập tới các việc làm mà Nhà Đầu tư theo giá trị DN cần thực hiện để có được một khoản đầu tư của mình theo trình tự sau:
1. Mục tiêu của nhà Đầu tư – Xây dựng Tài sản dưới dạng Danh mục Chứng Khoán (DMCK)
2. Công việc xây dựng DMCK
- Xác định mã chứng khoán
- Xác định số lượng cp
- Xác định khoảng thị giá có thể thực hiện giao dịch mua cp
- Thực hiện giao dịch mua cp
3. Những việc cần làm sau khi mua cp (quản lý DMCK)
Sau đây, chúng ta sẽ đi vào chi tiết từng phần.
III. Các công việc Nhà đầu tư theo giá trị DN cần làm
1. Mục tiêu của nhà Đầu tư – Xây dựng Tài sản dưới dạng Danh mục Chứng Khoán (DMCK)
Sẽ là một thiếu sót lớn nếu chúng ta bàn về công việc đầu tư mà không làm rõ: mục tiêu hay nói cách khác là cái đích mà nhà Đầu tư nhắm đến là gì.
Khi tham gia ttck, mỗi chúng ta đều tìm kiếm lợi nhuận cho mình từ vốn mà chúng ta có. Tuy nhiên để trả lời cho câu hỏi: Làm thế nào để có được lợi nhuận trên ttck? Chúng ta sẽ thấy có 2 cách để thu về lợi nhuận trên ttck, đó là:
- Cách 1: Tìm kiếm lợi nhuận qua giao dịch mua – bán, hoặc là mua ck với giá thấp rồi bán với giá cao hơn (chu trình tiền – hàng – tiền), hoặc bán ck với giá cao hơn rồi sau đó mua lại với giá thấp hơn (chu trình hàng – tiền – hàng)
- Cách 2: Tìm kiếm lợi nhuận qua việc hưởng cổ tức của các ck đang nắm giữ
Nói chung, trên thực tế hầu hết mỗi người đều thu lợi nhuận qua cả 2 cách trên. Nhưng việc lựa chọn cách kiếm lợi nhuận chính theo cách nào lại dẫn tới những khác biệt rõ ràng cho hành động trên ttck. Những người chọn việc tìm kiếm lợi nhuận qua giao dịch mua – bán ck (cách 1) là chủ yếu về bản chất là những nhà kinh doanh ck hay còn gọi là những nhà đầu cơ theo thị giá cp. Đối với nhóm người này cp chính là hàng hóa trao đổi và điều quyết định thắng thua chính là việc xác định chính xác xu thế biến động thị giá của cp.
Những người chọn việc kiếm lợi nhuận theo cách 2 được gọi là những nhà đầu tư, họ góp vốn của mình cho các DN qua hình thức mua lại cp DN. Đối với nhóm người này cp được xem như chứng chỉ xác nhận việc tham gia góp vốn của họ với DN và làm căn cứ để tính lợi nhuận mà họ được hưởng mỗi khi DN chia lợi nhuận qua hình thức cổ tức. Số lượng cp và tỉ lệ cổ tức mới là các tham số quyết định lợi nhuận mà nhà đầu tư được hưởng từ DN, thị giá cp lúc mua chỉ được dùng để tính hiệu quả đầu tư chứ không đóng bất cứ vai trò nào trong cách tính lợi nhuận được hưởng. Ví dụ: Nhà đầu tư A mua 1000 cp X với giá 20k/cp (vốn đầu tư là 20triệu đồng). Khi DN X chia cổ tức 20% chẳng hạn tương đương với 2000đ/cp (vì mệnh giá cp là 10000đ) thì nhà đầu tư A sẽ nhận được lợi tức 2triệu đồng cho 1000cp. Hiệu suất đầu tư sẽ là 2triệu/20triệu = 10%. Còn về phía DN X, giá mua cp 20k/cp của nhà đầu tư A sẽ mang lại 10triệu vốn cho DN tương đương 1000cp. Nếu nhà đầu tư A mua cp trực tiếp từ DN qua đợt phát hành công khai thì DN X sẽ nhận thêm được 10triệu (20triệu – 10triệu), số tiền này sẽ được ghi nhận qua mục thặng dư vốn cổ phần trên sổ kế toán DN. Nếu nhà đầu tư A mua cp X của nhà đầu tư khác qua giao dịch trên ttck thì DN X sẽ chỉ ghi nhận nhà đầu tư A góp vốn 10triệu đồng tương đương 1000cp mà thôi.
Tỉ lệ cổ tức là không cố định và phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh của DN. Định kỳ sau khi kết thúc một năm tài chính, kết quả sxkd của DN sẽ được tổng kết và làm cơ sở cho việc quyết định chia cổ tức. Do đó mặc dù kế hoạch chia cổ tức đã được lập ra và thông qua nhưng không thể chắc chắn 100% là nhà đầu tư sẽ nhận được cổ tức như kế hoạch vạch ra. Để giảm thiểu rủi ro không nhận được cổ tức, nhà đầu tư thường chia vốn của mình đầu tư vào nhiều DN khác nhau và lập nên Danh mục chứng khoán (DMCK) cho riêng mình.
Tóm lại: mục đích của nhà đầu tư là dùng vốn của mình xây dựng nên một tài sản dưới dạng DMCK, đảm bảo thường xuyên mang lại lợi tức hàng năm.
2. Xây dựng DMCK:
Để có được một DMCK tốt đảm bảo hiệu suất đầu tư cao thì DMCK phải bao gồm những cp của các DN làm ăn tốt và song phẳng trong việc chia lợi nhuận cho cổ đông. Vì thế nhà đầu tư cần tránh tư tưởng dễ dãi trong việc thực hiện từng hạng mục đầu tư trong danh mục.
2.1. Lựa chọn mã CK cho DMCK:
* Chỉ chọn những DN có lãi : Điều này là dĩ nhiên vì chỉ các DN có lãi mới có chia cổ tức và qua đó mới đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư. Để biết KQKD của DN nhà đầu tư tìm hiểu qua BCTC của các thời gian trước. BCTC của quí gần nhất là hết sức quan trọng. Nếu hoạt động của DN không mang tính thời vụ thì KQKD của quí gần nhất sẽ phản ánh sát nhất tình hình hoạt động của DN. Thực tế, nhiều nhà đầu tư có năng lực (cả về kiến thức và vốn) có thể tham gia đầu tư vào các DN làm ăn thua lỗ hoặc bên bờ vực phá sản. Họ sẽ đầu tư vốn và góp phần xây dựng lại DN. Những khoản đầu tư như vậy nếu thành công sẽ cho lợi nhuận rất lớn nhưng không phù hợp với các nhà đầu tư nhỏ và càng không phải đối tượng để đưa vào một DM nhằm thu lợi nhuận bằng cổ tức.
* Nên ưu tiên chọn những DN hoạt động trong lĩnh vực mà nhà đầu tư có hiểu biết nhất định: Các kiến thức chuyên môn sẽ giúp nhà đầu tư đánh giá tốt hơn tình hình hoạt động của DN qua các báo cáo định kì. Nhưng chúng ta cũng cần lưu ý là việc thiếu kiến thức chuyên môn một ngành nghề nào đó hoàn toàn có thể được khắc phục qua thời gian và bằng cách tham khảo ý kiến phân tích, nhận định của các chuyên gia. Khi quan tâm tìm hiểu về 1 DN nào đó, nếu có thể nhà đầu tư cần thực hiện việc so sánh với các DN cùng ngành nghề để thấy rõ điểm mạnh điểm yếu của DN.
* Hãy dùng kiến thức phân tích tài chính DN để đánh giá một cách khách quan và chi tiết các yếu tố có ảnh hưởng tới hoạt động DN, ví dụ: qui mô vốn, vốn vay, các chỉ số EPS, P/E, ROA, ROE, ROI, biên lợi nhuận, vòng quay vốn, ... Tuyệt đối tránh việc quyết định đầu tư vì "nghe anh A, hay chị B nói DN đó tốt". Các thông tin giới thiệu chỉ dùng làm thông tin tham khảo định hướng cho việc xem xét đánh giá tìm tòi cơ hội đầu tư mà thôi.
* Cần biết rõ nguồn gốc lợi nhuận của DN: Lợi nhuận cao thì luôn tốt vì nó là tiền đề giúp nhà đầu tư có được cổ tức cao. Tuy nhiên độ ổn định mới là quan trọng nhất. Những khoản lợi nhuận bất thường có được qua, ví dụ như định giá lại hay thanh lý TSCĐ, sẽ khó lặp lại trong tương lai. Nếu không tìm hiểu rõ, rất có thể nhà đầu tư đánh giá sai về DN. Hơn nữa những khoản lợi nhuận bất thường sẽ kéo theo dòng tiền đầu cơ làm tăng thị giá cp là tiền đề cho việc giảm hiệu suất đầu tư.
* Lịch sử chi trả cổ tức của DN phản ánh thái độ của HĐQT và Ban điều hành đối với cổ đông đại chúng. Có không ít doanh nghiệp, mặc dù hoạt động tốt, lợi nhuận cao nhưng việc chi trả cổ tức không song phẳng. Lý do thường là những người lãnh đạo nắm giữ cp ít nên về cơ bản chia cổ tức thế nào họ cũng không được quyền lợi gì đặc biệt. Điển hình nhất cho nhóm DN này là các DN nhà nước vẫn nắm quyền chi phối, lãnh đạo DN là những người đại diện cho phần vốn nhà nước. Một lý do khác cho việc không trả cổ tức song phẳng là sự tư lợi của lãnh đạo DN. Họ muốn trì hoãn việc trả cổ tức để chiếm dụng và sử dụng vốn vào các mục đích riêng. Trong nhiều trường hợp khi việc đầu tư riêng thua lỗ, họ thậm chí còn dùng quyền của mình biến những khoản lỗ này thành khoản lỗ của DN dưới hình thức lỗ do đầu tư tài chính. Vì thế việc xem xét các khoản đầu tư của DN và kết quả từ hoạt động tài chính cũng hết sức quan trọng.
* Nên tránh các DN có cấu trúc phức tạp, ví dụ như có quá nhiều công ty con hoặc công ty liên doanh lien kết. Do thông tin DN ở VN còn thiếu minh bạch nên việc sở hữu chéo giữa các DN với nhau nói chung là một biểu hiện không tích cực lắm. Khi đó nhà đầu tư nhỏ sẽ rất khó biết được những rủi ro có thể xảy đến với DN mà mình tham gia đầu tư. Những DN tham gia quá nhiều lĩnh vực thậm chí các lĩnh vực không có mối liên quan mật thiết với nhau cũng nên tránh. Khi Đầu tư ta góp vốn vào nhiều DN khác nhau để phòng tránh rủi ro, đó là điều nên làm, còn đối với 1 DN thì lại ngược lại. Việc tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau (nhất là lại không có mối liên hệ mật thiết) thường làm tốn rất nhiều tài nguyên của DN về vốn, con người, ... dẫn tới hệ quả tất yếu là hiệu quả thấp, không tạo được sự phát triển đột phá ở một ngành nghề nào cả. Thực tế những năm qua ở các tập đoàn Nhà nước đã chứng minh điều đó rất rõ và ngay cả châm ngôn ngày xưa cũng khẳng định "một nghề cho chín còn hơn chín nghề"
2.2 Xác định số lượng cp:
Sauk hi đã xác định được những mã ck nên tham gia đầu tư, nhà đầu tư cần căn cứ trên vốn cá nhân, sự hiểu biết về DN, thị giá cp, ... để quyết định tỷ trọng của các khoản đầu tư trong danh mục của mình. Thực tế cho thấy khó có thể tìm được tỷ trọng tối ưu cho một hạng mục đầu tư ngay từ đầu, vì thế thay vì quyết định một con số cụ thể nào đó, nhà đầu tư chỉ nên ước tính số lượng cp tối đa cho mỗi hạng mục và bắt đầu mua vào từ một lượng nhỏ hơn.
2.3 Xác định khoảng giá cp có thể mua vào:
* Đặt ra tỷ suất lợi nhuận định mức theo yêu cầu phù hợp với cá nhân nhà đầu tư: Để đảm bảo cho việc thu được lợi nhuận ưng ý từ DMCK, nhà đầu tư cần xác định mức lợi nhuận tối thiểu (hay còn gọi là tỷ suất lợi nhuận định mức) cho mỗi hạng mục đầu tư trong DM. Việc đặt ra tỷ suất lợi nhuận quá cao sẽ làm giảm cơ hội đầu tư và như vậy rất có thể chúng ta lại bỏ qua những cơ hội đầu tư có hiệu quả nhất. Kinh nghiệm thực tế nói rằng những khoản đầu tư có hiệu quả tốt nhất thường đến một cách ngẫu nhiên chứ không hề xuất phát từ những tính toán chi tiết hay những suy luận logic ban đầu. Ngược lại nếu đưa ra tỷ suất lợi nhuận định mức quá thấp sẽ làm cho việc lựa chọn cơ hội đầu tư quá dễ dãi, tăng độ rủi ro gặp phải những khoản đầu tư không tốt hoặc làm cho DMCK của nhà đầu tư trở lên quá lan man không phù hợp với qui mô vốn cũng như năng lực quản lý, theo dõi của cá nhân nhà đầu tư. Hệ quả tất yếu là hiệu quả đầu tư thấp, nguy cơ gặp rủi ro tăng lên. Hiện nay gửi TK tại NH được LS 10%/năm, nhà đầu tư nên đưa ra tỷ suất lợi nhuận định mức trong khoảng 12-15%/năm. Khoảng chênh 2-5%/năm đó có thể nhiều người cho là nhỏ không bõ cho việc phải vất vả đầu tư theo DMCK, tuy nhiên chúng ta phải thấy rằng 12-15%/năm đó là lợi nhuận tối thiểu DMCK có được. Thực tế nhà đầu tư còn có cơ hội thu được lợi nhuận khi cp tăng thị giá và rất nhiều cơ hội để tăng hiệu quả đầu tư trong suốt thời gian 1 năm tài chính (về vấn đề này chúng ta sẽ bàn chi tiết ở phần sau).
* Sau khi có tỷ suất lợi nhuận định mức và tỷ lệ chia cổ tức theo kế hoạch, ta có thể xác định được thị giá cp nhà đầu tư có thể mua để nhận được mức lợi nhuận định mức:
Thị giá cp (max) = Cổ tức * 10000/Tỷ suất lợi nhuận **
Ví dụ: ck DIH có kế hoạch chia cổ tức là 30%, nếu tỷ suất lợi nhuận định mức =15% thì Thị giá cao nhất nhà đầu tư có thể mua là: 30%*10000/15%=20000. So với thị giá hiện tại là 16.5k cho thấy nhà đầu tư có thể mua vào cp.
* Thị giá cp cao nhất theo tính toán như trên ngoài việc cho ta một khoảng giá cp có thể mua còn giúp ta cân nhắc việc tham gia đầu tư. Nếu thị giá cp hiện tại thấp hơn quá nhiều so với thị giá cao nhất thì nhà đầu tư cần xem xét tìm hiểu rõ nguyên nhân. Việc cp bị thị trường định giá quá thấp chắc chắn phải có nguyên nhân nào đó, nhà đầu tư chỉ nên tham gia đầu tư khi biết được nguyên nhân này và đã cân nhắc lợi hại của vấn đề. Trong trường hợp không tìm được nguyên nhân cụ thể, nhà đầu tư có thể tham gia thận trọng bằng việc giảm tỷ trọng nắm giữ.
2.4 Thực hiện giao dịch mua cp:
Sau khi đã có đầy đủ các tham số: mã ck, số lượng định mua, khoảng thị giá cho phép nhà đầu tư bắt đầu tiến hành mua cp để hiện thực việc tham gia đầu tư. Việc mua được cp với giá tốt luôn là tiền đề cho sự thành công của khoản đầu tư, vì thế nhà đầu tư nếu có điều kiện về thời gian nên tối ưu hóa việc giao dịch mua cp. Có một số "lỗi" giao dịch mà nhà đầu tư thường hay mắc phải như sau:
*Đua lệnh để mua bằng được cp: Quan điểm cá nhân tôi thì thấy nhà đầu tư giá trị nên hạn chế việc đua lệnh để sở hữu cp. Đối với bất cứ cp nào thì khi thị giá tăng lên có nghĩa là tỷ suất lợi nhuận trong tương lai đều có nguy cơ giảm xuống, do đó tính hấp dẫn của khoản đầu tư cũng ngày càng kém hơn. Trong nhiều trường hợp nhà đầu tư bị cuốn theo giao dịch sôi động của thị trường thường dễ dàng chấp nhận mua cp với giá cao hơn (một chút) cả giá cho phép đã tính toán. Điều này là tối kị vì hành động đó đã làm giảm tỷ lệ lợi nhuận của cả DMCK. Nói chung với gần 1000 DN niêm yết và sự biến động thị giá lên xuống hàng ngày thì cơ hội tốt luôn hiện hữu, chẳng có bất kì lý do nào để buộc nhà đầu tư phải sở hữu một cp nhất định. Hôm nay chưa mua được biết đâu trong tương lai ta lại mua được với giá tốt hơn?
* Mua cp theo giới thiệu của người khác mà chưa xem xét cân nhắc kỹ: Tiêu chí tốt hay xấu của mỗi nhà đầu tư nói chung là có khác biệt tùy theo khả năng (về tài chính, về hiểu biết ngành nghề, ...) và kỳ vọng lợi nhuận, vì thế 1 cp có thể là chấp nhận đầu tư được theo nhận định của 1 nhà đầu tư chưa chắc đã phù hợp cho nhà đầu tư khác. Do đó hãy lấy lời giới thiệu của người khác là mục tiêu theo dõi tìm hiểu xem có phù hợp với tiêu chí đầu tư của mình hay không trước khi mua cp ấy.
* Tăng số lượng cp một cách vội vã: Từ quan điểm rằng cơ hội đầu tư tốt luôn hiện hữu nên tôi cho rằng không nên "tất tay" cho một lần mua. Ngay cả khi chúng ta chưa tìm thấy mã ck khác tốt hơn thì vẫn còn cơ hội mua được những cp trong danh mục với giá tốt hơn nếu thị giá cp giảm xuống sau khi chúng ta mua cp. Việc tăng tỷ trọng nắm giữ một cách vội vàng có thể làm nhà đầu tư mất đi cơ hội đầu tư tốt hơn trong tương lai. Lúc nào cũng nên có một tỷ lệ tiền nhất định giống như thanh khoản ngắn hạn của 1 DN để có thể ứng phó tốt với diễn biến của thị trường.
Tóm lại: Khi mua cp nhà đầu tư cần tuân thủ tốt các tính toán chuẩn bị từ trước, tránh quyết định vội vàng. Đối với những nhà đầu tư không có nhiều thời gian theo dõi bảng điện thì tốt nhất đặt lệnh mua theo tiêu chí của mình từ đầu giờ đến cuối giờ kiểm tra kết quả khớp lệnh, có thể đặt mua với giá cao một chút (miễn sao vẫn trong khoảng giá cho phép) để tăng khả năng khớp lệnh.
Kỳ sau: 3. Quản lý DMCK – những việc cần làm sau khi mua cp
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top