dau&tam
Câu 1: Đặc điểm hình thái của cây dâu.
* Rễ dâu
Rễ dâu có chức năng hấp thu, dự trữ các chất dinh dưỡng và giữ cho cây bám chắc vào đất. Rế dâu không ngừng tăng trưởng về chiều dài lẫn chiều rộng để đảm bảo những nhiệm vụ trên.
Bộ rễ dâu bao gồm: Rễ chính (rễ cái, rễ cọc), rễ bên và rễ tơ. Hình thái và cấu tạo của bộ rễ thay đổi theo phương thức nhân giống:
- Rễ dâu trồng bằng hạt (nhân giống hữu tính)
Rễ được mọc ra từ trục phôi gọi là rễ chính (rễ cọc hoặc rễ cái), từ rễ chính phát triển ra các rễ bên và từ rễ bên phát triển ra các rễ cấp 1, cấp 2. Từ đầu các rễ cấp 1, cấp 2 phát triển thành các rễ nhỏ hơn gọi là rễ lông tơ, rễ lông tơ có đường kính nhỏ hơn 1mm, đầu các rễ lông tơ có hệ thống lông hút màu trắng trong làm nhiệm vụ hút nước và các chất dinh dưỡng. Loại rễ này thường ăn sâu, thời gian sinh trưởng dài và có khả năng chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh bất lợi, đặc biệt là điều kiện khô hạn.
- Rễ cây trồng bằng hom (nhân giống vô tính)
Rễ được mọc ra từ những mô sẹo (được hình thành từ nhát cắt của hom) và từ gốc mầm gọi là rễ bất định. Trong trường hợp này bộ rễ không có rễ cái và sự sắp xếp của rễ có dạng như rễ chùm. Bộ rễ của cây thường ăn nông, khả năng chống chịu kém, tuổi thọ ngắn.
Rễ dâu có khả năng tái sinh rất lớn. Trong trường hợp nào đó khi rễ bị đứt sẽ là nguyên nhân kích thích cho các rễ mới phát triển, tăng cường khả năng hấp thu của bộ rễ (trong điều kiện canh tác nếu rễ dâu bị tổn thương do cày bừa xới xáo thì chỉ 3-5 ngày sau là bộ rễ có khả năng phục hồi).
Rễ dâu không ngừng tăng trưởng về chiều dầi và đường kính. Sự sinh trưởng của rễ dâu ở trong đất luôn có sự tương quan với sự sinh trưởng của thân lá ở trên mặt đất và tuân theo một tỷ lệ nhất định đó là tỷ lệ T/R. Một bộ rễ phát triển có khả năng hấp thu dinh dưỡng mạnh sẽ xúc tiến cành lá phát triển xum xuê, còn cành lá xum xuê sẽ kích thích trở lại cho bộ rễ phát triển. Sự phân bố của rễ dâu trong đất theo chiều sâu và chiều rông tuỳ thuộc vào đặc điểm của giống, tính chất đất, phương thức trồng, tuổi cây và các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, đốn tỉa và thu hoạch lá. Sự phân bố của rễ theo chiều sâu và rộng trong đất có tương quan với chiều cao cây và độ rộng của tán lá. Cây cao tán rộng thì bộ rễ ăn sâu và rộng hơn cây thấp tán nhỏ. Nhìn chung sự phân bố theo chiều rộng của rễ bằng 1,5 lần chiều rộng tán lá, còn sự phân bố của rễ theo chiều sâu tuỳ thuộc vào giống dâu, tuổi cây, tính chất đất...
* Mầm dâu (chồi dâu)
Mầm là thể ban đầu của cành lá và hoa. Tuỳ theo cách phân loại mà chia ra các loại mầm khác nhau.
- Theo vị trí mầm có: mầm đỉnh và mầm nách.
Mầm đỉnh hay còn gọi là mầm tận cùng là mầm nằm ở tận cùng của thân hoặc cành, là yếu tố quyết định chiều cao cây hoặc độ dài cành.
Mầm nách nằm ở nách lá và là yếu tố quyết định số cành cấp 1 của cây.
Trong quá trình sinh trưởng của cây dâu, mầm đỉnh thường khống chế mầm nách, khi mầm đỉnh bị tổn thương hoặc bị ngắt thì mầm nách mới phát triển và trở thành mầm chính. Vì vậy mầm nách là yếu tố quyết định khả năng tạo tán của cây.
- Theo trạng thái mầm có: mầm ẩn và mầm hiện
Mầm ẩn là những mầm nằm ẩn dưới vỏ cây không hiện ra ngoài, mầm này chỉ nảy khi cây bị đốn đau hoặc bị tổn thương nghiêm trọng.
Mầm hiện là những mầm hiện rõ ra ngoài vỏ cây, mầm này phát triển trước mầm ẩn và là yếu tố quyết định số cành kinh tế của cây.
Theo hoạt động sinh lý có: mầm ngủ và mầm hoạt động
Theo chức năng mầm có: mầm cành, mầm lá, mầm hoa và mầm hỗn hợp. Theo mùa có: mầm mùa xuân, mầm mùa hè và mầm mùa thu.
Nhìn chung mầm là cơ sở của các cấp cành, tuỳ theo từng mùa mà mầm sinh trưởng mạnh hay yếu cho năng suất lá cao hay thấp.
* Thân dâu
Thân, cành và cành con gọi chung là thân dâu. Chức năng cơ bản của thân dâu là vận chuyển nước và muối khoáng từ đất đi lên và vận chuyển các sản phẩm quang hợp và các chất hữu cơ từ trên mặt đất đi xuống; là cơ quan dự trữ dinh dưỡng cho cây; thân cành còn như một cái khung để duy trì các cơ quan của cây. Cây dâu là loại cây có khả năng chịu đốn tỉa, nếu đốn tỉa thường xuyên, hợp lý sẽ kích thích cho thân cành phát triển. Tuy nhiên khả năng này còn phụ thuộc vào giống dâu, tuổi cây và điều kiên chăm sóc.
* Lá dâu
Lá dâu là cơ quan thực hiện quá trình quang hợp dưới tác dụng của ánh sáng mặt trời
để tạo ra các chất hữu cơ; là nơi điều hoà thân nhiệt bằng quá trình hô hấp và thoát hơi nước.
Lá dâu thuộc loại lá đơn mọc cách, có lá kèm. Lá dâu có 3 phần: Cuống lá, lá kèm và phiến lá. Hình thái và cấu tạo của lá thay đổi tuỳ theo giống dâu và điều kiện môi trường.
- Cuống lá là bộ phận nối liền giữa phiến lá với thân hoặc cành. Giữa cuống lá và thân hoặc cành có hệ thông tầng rời. Khi lá già hoặc gặp điều kiện ngoại cảnh bất lợi thì tầng rời hoạt động mạnh gây hiện tượng rụng lá
- Tai lá (lá kèm) mọc ở hai phía của cuống lá, quá trình chuyển đổi màu sắc của tai lá có liên quan với độ thành thục của lá (ví dụ khi 1/3-1/2 đoạn đầu ngọn của tai lá chuyển sang màu nâu thì hái lá dâu đó băng tằm là vừa, mùa xuân thì hái lá dâu ở dưới vị trí có tai lá chuyển màu 1-2 lá là vừa). Khi lá dâu già thì tai lá rụng đi.
- Phiến lá: Có hai dạng chính là lá nguyên và lá xẻ thuỳ
Lá nguyên có thể hình ô van, hình trứng hay hình tim.
Lá xẻ thuỳ có thể phân ra 2, 3, 4 điểm xẻ thuỳ và có hình thái lá khác nhau.
Hình thái của ngọn lá, gốc lá và mép lá của các giống dâu khác nhau thì khác nhau. Kích thước, độ dày và màu sắc lá dâu thay đổi phụ thuộc vào giống dâu và điều kiện môi trường.
* Hoa, quả và hạt dâu.
- Hoa dâu thường là hoa đơn tính, có rất ít hoa lưỡng tính. Hoa dâu có dạng hoa chùm gồm nhiều hoa nhỏ mọc xung quanh một trục hoa chính và hơi rủ xuống dạng đuôi sóc. Giới tinh của hoa phụ thuộc vào giống, thường hoa đực và hoa cái mọc trên hai cây khác nhau. có một số giống thì trên một cây có cả hai loại hoa (giống goshoerami phần dưới của thân ra hoa cái, phần trên ra hoa đực). Hoa dâu thụ phấn nhờ gió.
- Quả dâu thuộc loại quả kép, màu sắc của quả thay đổi theo quá trình phát triển, khi mới hình thành quả có màu xanh sau dần chuyển sang màu hồng, màu đỏ và cuối cùng có màu tím sẫm là lúc quả dâu đã đạt độ chín sinh lý.
- Hạt dâu có màu vàng hoặc vàng sáng hình trái xoan dẹt
Câu 2: Ảnh hưởng của một số yếu tố sinh thái đến sinh trưởng phát triển của cây dâu.
Cây dâu cũng như các cây trồng khác sống trong điều kiện tự nhiên, chúng có liên quan chặt chẽ với môi trường xung quanh và chịu sự tác động của các yếu tố môi trường như ánh sáng, nhiệt độ, không khí, đất và nước. Những nhân tố này có liên quan với nhau, tác động lẫn nhau và tác động một cách tổng hợp lên cây dâu. Tuỳ theo thời kỳ sinh trưởng, phát triển khác nhau của cây dâu mà ảnh hưởng của các yếu tố môi trường tới chúng có khác nhau. Trong các yếu tố sinh thái tác động lên cây dâu có những nhân tố cần thiết và không thể thay thế giữa chúng với nhau được. Ví dụ sự tăng nhiệt độ không thể thay thế cho sự thiếu ánh sáng. Song cũng có một số yếu tố có liên quan với nhau, tác động tương hỗ lẫn nhau. Ví dụ cường độ chiếu sáng có liên quan đến nhiệt độ, tỷ lệ nước trong đất có ảnh hưởng đến độ thoáng của đất.
Nghiên cứu tác động của các yếu tố sinh thái tới cây dâu giúp chúng ta đề ra những giải pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc dâu dựa trên những yêu cầu sinh thái đối với sinh trưởng của cây. Một số yếu tố sinh thái tác động đến sinh trưởng của cây dâu như sau:
a. Ánh sáng
Đối tượng thu hoạch của cây dâu là lá dâu mà 90-95% chất khô trong lá dâu là sản phẩm của quang hợp nên ánh sáng có liên quan chặt chẽ với năng suất và chất lượng lá dâu. Trong điều kiện chiếu sáng đầy đủ, cây dâu sinh trưởng tốt, cành khoẻ và mập, lá dày, có màu xanh đậm, năng suất và chất lượng lá cao. Ngược lại trong điều kiện chiếu sáng không đầy đủ thì cành nhánh thường mềm, lá mỏng, màu xanh nhạt, hàm lượng nước trong lá cao, chất khô giảm, dinh dưỡng trong lá thấp (ở 30oC với ngày nắng cường độ quang hợp của cây dâu là 2mg chất khô/100cm2 lá 1giờ, ngày trời râm cường độ quang hợp chỉ bằng 50% ngày nắng còn ngày mưa chỉ bằng 30%).
Khả năng tiếp nhận ánh sáng của vườn dâu không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào cường độ chiếu sáng mà còn phụ thuộc vào cấu trúc tán lá. Vì vậy cần có biện pháp kỹ thuật chăm sóc vườn dâu (kỹ thuật đốn tỉa hợp lý) để giúp cho cây dâu có bộ khung tán hợp lý tăng khả năng sử dụng ánh sáng mặt trời của cây dâu.
b. Nhiệt độ
Nhiệt độ là yếu tố sinh thái tác động tương đối mạnh đến quá trình sinh trưởng của cây dâu bởi lẽ các hoạt động sinh lý của cây dâu như quang hợp, hô hấp, trao đổi chất... đều thay đổi theo nhiệt độ. Khoảng nhiệt độ thích hợp cho cây dâu sinh trưởng là 25-30oC. Nhiệt độ cao hơn 40oC sẽ kìm hãm sự sinh trưởng của cây và ở nhiệt độ dưới 12oC cây dâu ngừng sinh trưởng.
c. Nước
Trong quá trình sinh trưởng của cây trồng nói chung và cây dâu nói riêng nước rất cần thiết cho việc hấp thụ, hoà tan, vân chuyển dinh dưỡng, quang hợp, trao đổi chất... Cây dâu chứa tới 60% là nước, tuy nhiên ở các bộ phận khác nhau thì tỷ lệ nước khác nhau: ở lá tỷ lệ nước là 75-82%, ở cành là 58-61%, ở rễ là 54-59%. để tổng hợp được 1 gam chất khô cây dâu cần hút 280-400ml nước.
Trong vườn dâu hàm lượng nước trong đất quá cao hoặc quá thấp đều làm cây cằn cỗi, không phát triển được và dễ nhiễm bệnh. độ ẩm đất thích hợp cho quá trình sinh trưởng của cây dâu là 70-80%. Nếu trong đất quá nhiều nước, cây dâu sinh trưởng không tốt, tỷ lệ Protein và hydrat cacbon sẽ giảm, chất lượng lá thấp, nuôi tằm bằng loại lá này, tằm dễ bị bệnh. đất có mực nước ngầm cao hoặc úng ngập, thiếu không khí sẽ ảnh hưởng đến hô hấp của rễ và tiêu hao dinh dưỡng của cây. Nhiều nước trong đất sẽ thiếu oxy, các vi sinh vật háo khi giảm còn vi sinh vật yếm khí tăng lên, sản sinh một số chất khử làm rễ bị ngộ độc, cây sinh trưởng kém. Dâu là cây có rễ ăn sâu, do vậy phải tìm cách hạ thấp mực nước ngầm xuống thấp hơn 1m nhằm nâng cao tuổi thọ cho cây.
d. Đất
Dâu là cây trồng thích ứng với nhiều loại đất: đất cát, đất thịt, đất sét, đất chua mặn... và có khả năng sinh trưởng được ở độ pH đất là 4,5-9, song đất cát pha và đất thịt nhẹ có độ pH từ 6,5-7 là loại đất thích hợp nhất cho cây dâu sinh trưởng và phát triển.
e. Không khí
Không khí cũng là yếu tố sinh thái không thể thiếu được cho sự sinh trưởng của cây dâu, oxy và cacbonic trong không khí rất cần thiết cho quá trình quang hợp và hô hấp của cây. Cacbonic trong không khí là nguyên liệu cần thiết cho quá trình quang hợp, hàm lượng cacbonic tăng trong phạm vi 0,03-0,1% thì cường độ quang hợp của lá dâu tăng dẫn đến năng suất lá tăng. Qua nghiên cứu cho thấy cứ 100cm2 lá dâu trong 1 giờ sản sinh ra 10 gam chất khô thì cần 15mg CO2. Vườn dâu đảm bảo thông thoáng hoặc tăng cường bón phân hữu cơ sẽ làm tăng hàm lượng CO2 tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình quang hợp của cây.
Ngoài ra, trong không khí còn chứa một số khí độc như bụi, khói than, khí thải do các nhà máy như : SO2, fluoride... Tằm ăn phải lá dâu có bám dính những loại khí này sẽ bị ngộ độc. Vì vậy không nên quy hoạch vườn dâu gần các nhà máy, đường quốc lộ lớn và đặc biệt là không nên gần khu lò gạch.
Câu 3: Chu kỳ sinh trưởng hàng năm của cây dâu.
Trong một năm chu kỳ sinh trưởng của cây dâu chia làm 2 thời kỳ: Thời kỳ sinh trưởng và thời kỳ nghỉ đông. Hoạt động sống của cây ở 2 thời kỳ này rất khác nhau.
* Thời kỳ sinh trưởng.
Thời kỳ sinh trưởng của cây dâu bắt đầu từ mùa xuân khi cây dâu nảy mầm đến mùa đông khi cây rụng lá. độ dài của thời kỳ sinh trưởng phụ thuộc vào điều kiện sinh thái và giống dâu. Ở những vùng khí hậu ấm áp thời kỳ sinh trưởng của cây dâu dài hơn ở vùng khi hậu lạnh và những giống dâu nảy mầm sớm thường có thời kỳ sinh trưởng dài hơn những giống dâu nảy mầm muộn. Thời kỳ sinh trưởng của cây dâu có thể chia làm 3 thời kỳ nhỏ: Thời kỳ nảy mầm (đâm chồi), thời kỳ sinh trưởng mạnh và thời kỳ sinh trưởng chậm dần.
- Thời kỳ nảy mầm được tính từ lúc mầm dâu bắt đầu sinh trưởng, các mầm mùa đông nhú ra, mô phân sinh đỉnh hoạt động, tế bào phân chia, bao mầm bị phá vỡ, đến khi xuất hiện lá thật thứ nhất thì kết thúc thời kỳ nảy mầm.
- Thời kỳ sinh trưởng mạnh: Sau khi ra lá thật tốc độ sinh trưởng của cây dâu tăng dần, đặc biệt sau khi ra lá thật thứ tư, lúc này nhiệt độ không khí tăng dần, mầm dâu sinh trưởng nhanh hơn và cây dâu đi vào thời kỳ sinh trưởng mạnh.
- Thời kỳ sinh trưởng chậm dần: Thời kỳ này thường xảy ra vào giai đoạn cuối thu đầu đông khi nhiệt độ không khí giảm dần, các mô phân sinh ở đỉnh sinh trưởng hoạt động yếu, tốc độ phân chia tế bào chậm, kích thước tế bào tăng chậm, tại đỉnh sinh trưởng các chất sinh trưởng được sản xuất ra ít, tốc độ vận chuyển chậm, kìm hãm sự hoạt động của các mô phân sinh dẫn đến hiện tượng sinh trưởng chậm dần ở tất cả các bộ phận của cây dâu.
* Thời kỳ nghỉ đông.
Thời kỳ nghỉ đông của cây dâu được tính từ khi kết thúc rụng lá ở mùa đông đến khi bắt đầu nảy mầm ở vụ xuân năm sau. Trong thời kỳ nghỉ đông mọi hoạt động của cây như các quá trình trao đổi chất, các hoạt động sinh lý, thoát hơi nước... của cây giảm đi rõ rệt. Do đó cây dâu gần như ngừng sinh trưởng. Song thực tế cây dâu vẫn duy trì các hoạt động sinh lý yếu ớt và hiện tượng nghỉ đông ở cây dâu gọi là "nghỉ đông tương đối".
Hiện tượng nghỉ đông ở cây dâu thuộc loại nghỉ đông bắt buộc, nó xảy ra khi gặp điều kiện bất lợi cho sự sống của cây và khi gặp điều kiện thuận lợi thì lại hoạt động trở lại. đó là sự phản ứng thích nghi của cây trong điều kiện bất lợi. Người ta có thể phá vỡ hiện tượng nghỉ đông của cây dâu bằng nhiều biện pháp sau:
- Tăng cường dinh dưỡng cho cây trước khi cây vào thời kỳ nghỉ đông: Bón phân hợp lý kết hợp với làm cỏ, xới xáo, tưới nước...
- Đốn tỉa cây dâu hợp lý: Dùng hình thức đốn phớt, đốn đau, đốn trẻ lại vào những thời gian thích hợp.
- Gum dâu: Vào tháng 10 tiến hành đốn phớt, sau đó gum dâu để phá vỡ sự tập trung chất auxin ở đầu ngọn cành.
- Sử dụng các chất hoá học: Có thể dùng một số hoá chất như etylen, gibberellin, chlohydrin... để phá vỡ trạng thái nghỉ đông của cây.
b. Các mối tương quan trong sinh trưởng của cây dâu.
Trong cây dâu, chức năng sinh lý của mỗi cơ quan, bộ phận khác nhau đã được chuyên môn hoá ở một mức độ nào đó, song chúng có mối liên hệ qua lại và hợp tác với nhau một cách mật thiết hợp thành một thể thống nhất. Mối liên hệ giữa các cơ quan thúc đẩy lẫn nhau và cần thiết cho nhau được gọi là mối tương quan trong sinh trưởng của cây. Có 3 mối tương quan chính như sau:
* Mối tương quan giữa bộ phận trên mặt đất và bộ phận dưới mặt đất
Trong mối tương quan này, bộ rễ làm nhiệm vụ hấp thu nước, chất dinh dưỡng và muối khoáng cần thiết đáp ứng cho nhu cầu sinh trưởng của các bộ phân trên mặt đất. Bộ phận trên mặt đất cung cấp trở lại cho rễ các sản phẩm quang hợp, hormon sinh trưởng, vitamin... Sự trao đổi nước và chất dinh dưỡng giữa bộ phận trên mặt đất và bộ phận dưới mặt đất tạo nên một dòng đi lên và đi xuống liên tục ở trong cây, giữ cho quá trình sinh trưởng của cây luôn tồn tại ở trạng thái cân bằng động ổn định hay nói cách khác sự sinh trưởng của bộ phận trên mặt đất (thân, cành, lá) phải cân bằng với sư sinh trưởng của bộ phân dưới mặt đất (rễ) và tuân theo một tỷ lệ nhất định đó là tỷ lệ T/R.
* Mối tương quan giữa sinh trưởng mầm đỉnh và mầm nách.
Trong mối tương quan này, mầm đỉnh thường mọc nhanh hơn mầm nách, rễ cái mọc nhanh hơn các rễ bên gọi là ưu thế đỉnh hay ưu thế tận cùng. Bấm ngọn là phá đi ưu thế đỉnh. Trong sản xuất, khi cây dâu đạt được đến độ cao nhất định người ta thường bấm ngọn tạo điều kiện cho các mầm nách phát triển giúp cây có bộ khung tán hợp lý. Cây con khi bứng khỏi vườn ươm đem trồng thường được cắt bớt rễ cái để phá vỡ ưu thế tận cùng, kích thích cho các rễ bên phát triển, giúp cây nhanh có bộ rễ ổn định, tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng từ đất.
* Mối tương quan giữa sinh trưởng sinh dưỡng và sinh trưởng sinh thực.
Mối tương quan này thực chất là tương quan giữa sự sinh trưởng của cành lá và sự phát triển của hoa quả. Cành lá cung cấp dinh dưỡng cho hoa và quả phát triển. đồng thời chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của hoa và quả cũng chính là dinh dưỡng cần thiết cho sư sinh trưởng của thân lá. Chính vì vậy, sự sinh trưởng của cành lá trực tiếp tác động cho sự hình thành hoa quả đông thời cũng có tác động cản trở hình thành hoa quả. Trồng dâu nhằm mục đích lấy lá nuôi tằm, nếu cây dâu có quá nhiều hoa quả sẽ tiêu hao nhiều chất dinh dưỡng. Vì vậy, trong kỹ thuật trồng dâu cần hạn chế sinh trưởng sinh thực bằng các biện pháp đốn tỉa, ngắt bỏ hoa cái, hoặc chọn tạo các giống dâu không có hoa hoặc ít hoa.
Câu 4: Trình bày các phương pháp nhân giống ở cây dâu. Ưu nhược điểm của từng phương pháp.
Hiện nay có 2 phương pháp nhân giống dâu: Nhân giống hữu tính và nhân giống vô tính.
a. Nhân giống hữu tính
Hạt dâu được hình thành là do quá trình thụ phấn giữa hoa đực và hoa cái, vì vậy nhân giống bằng hạt được gọi là nhân giống hữu tính. Cây con mọc từ hạt gọi là cây thực sinh.
* Ưu nhược điểm của phương pháp nhân giống hữu tính
- Ưu điểm của phương pháp nhân giống hữu tính:
+ Cây dâu trồng bằng hạt có bộ rễ phát triển mạnh, ăn sâu nên có khả năng chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh bất lợi nhất là điều kiện khô hạn. Tuổi thọ của cây dài hơn so với phương pháp nhân giống vô tính.
+ Hệ số nhân giống cao, vận chuyển gọn nhẹ, tỷ lệ sống của cây con cao. Mỗi cây dâu nếu để sinh trưởng tự do có thể thu được 10kg quả. Tỷ lệ hạt trong quả thường đạt 2-3%. Trong 1 gam hạt có 500-700 hạt.
- Nhược điểm của phương pháp nhân giống hữu tính:
Do cây dâu thụ phấn nhờ gió nên tính di truyền của cây con thường rất phức tạp, khó
thuần.
* Các bước tiến hành khi nhân giống hữu tính.
- Thu hạt: Tiến hành thu quả ở những cây sinh trưởng tốt, cây khoẻ, không sâu bệnh, phiến lá to và năng suất lá cao. Quả dâu có đặc điểm chín hình thái trước chín sinh lý, vì vậy phải dựa vào màu sắc của quả để xác định độ chín. Quả chín thường qua giai đoạn từ màu hồng sang màu tím đen, khi quả dâu có màu tím đen thì phôi của hạt đạt đến độ chín sinh lý.
Sau khi thu quả cần xát bỏ phần thịt quả để lấy hạt, không nên bảo quản quả dâu sau khi thu hoạch quá dài dễ làm cho hạt mất sức nảy mầm.
- Làm khô hạt: Sau khi đã chà xát để tách phần thịt quả, tiên hành rửa sạch hạt, loại bỏ
hạt lép và phơi hạt ở nơi thoáng gió trong thời gian từ 2-3 ngày để hạt khô và mang đi bảo quản.
- Bảo quản hạt: Có hai phương pháp bảo quản hạt dâu là bảo quản khô và bảo quản lạnh.
+ Bảo quản khô: Hạt phơi khô đạt tiêu chuẩn thì cho vào túi vải, buộc chặt miệng túi và đặt vào trong bình kín, đáy bình có lót một lớp vôi cục. Tỷ lệ trọng lượng hạt dâu và vôi cục là 2:1 hoặc 1:1. Như vậy, trong bình có 1/3 thể tích là hạt dâu, 1/3 thể tích là vôi cục còn lại là khoảng trống. Bảo quản theo phương pháp này thì sau 1 năm hạt dâu vẫn đảm bảo nảy mầm 90%.
+ Bảo quản lạnh: Hạt dâu phơi khô được đựng vào trong các túi kín không thấm nước
(túi nilon) rồi đưa vào bảo quản lạnh ở nhiệt độ 3-5oC.
- Gieo hạt
Chọn đất: đất làm vườn ươm phải đảm bảo gần nguồn nước, thuận tiện cho việc tưới tiêu. đất phải bằng phẳng, thông thoáng, có kết cấu tốt, đất cát pha hoặc thịt nhẹ là thích hợp nhất. Nếu là vùng đất mặn cần chọn loại đất có hàm lượng muối nhỏ hơn 0,2%, độ pH≥5. đất làm vườn ươm tránh sử dụng liên tục nhiều năm.
Làm đất:
+ Cày đất: đất cần được cày ải càng sớm càng tốt, độ sâu cày đất là 20-25cm. Bón lót
25-30 tấn phân hữu cơ và 250kg lân cho 1 hecta.
+ Làm luống: Trước khi làm luống đất phải được bừa tơi rồi mới lên luống. Chiều rộng của luống là 1-1,2m, cao 20cm. Nếu ở vùng mưa nhiều thì luống cần phải làm cao hơn.
Gieo hạt:
Thời vụ gieo hạt chủ yếu là vụ xuân và vụ hè. Trường hợp đặc biệt có thể gieo ở cả vụ thu. Khi nhiệt độ đất đạt tới 20oC thì có thể gieo hạt được, có 2 phương pháp gieo hạt là gieo vãi và gieo hàng.
+ Gieo vãi: Hạt được vãi đều trên mặt luống với số lượng là 2-3 gam hạt/1m2 (nếu hạt
đạt tỷ lệ nảy mầm trên 80%). Sau khi gieo xong, phủ một lớp đất mỏng và trên cùng cho một lớp trấu rồi tưới nước.
+ Gieo hàng: Có thể gieo theo chiều dọc hoặc chiều ngang của luống. độ sâu gieo hạt là 2cm, hàng cách hàng 30cm. Gieo hàng có ưu điểm là tiết kiệm được hạt, lượng hạt chỉ bằng
1/3-2/3 lượng hạt gieo vãi, mật độ thưa, dễ chăm sóc.
Quản lý và chăm sóc cây con
Việc quản lý chăm sóc cây con chia ra 3 giai đoạn:
Giai đoạn nảy mầm kể từ khi gieo hạt đến khi cây con có hai lá mầm. Trong thời kỳ này, hạt cần hút lượng nước khá lớn, hoạt động sinh lý của cây rất mạnh, tế bào phôi liên tục phân chia để hình thành các bộ phận của cây. Cây con sinh trưởng nhanh, vì thế nước là nhu cầu chủ yếu cho hạt nảy mầm. Cần đảm bảo đất luôn ẩm. Khi cây con đã mọc phải kịp thời bỏ những vật che phủ ra.
Giai đoạn sinh trưởng chậm kể từ khi cây có 2 lá mầm đến khi cây có 4-5 lá thật. Thời kỳ này cây con yếu ớt, rễ ăn nông nên sức chống chịu với điều kiện bất lợi yếu. Vì vậy công việc chủ yếu ở giai đoạn này là tưới, tiêu nước, làm cỏ kết hợp bón phân với liều lượng nhỏ. Dùng nước tiểu pha loãng 8-10 lần hoặc hoà phân đạm với nồng độ 0,3-0,5% để tưới.
Giai đoạn sinh trưởng mạnh: Khi cây con có 4-5 lá thật thì bộ rễ và bộ phận trên mặt đất phát triển nhanh, cây bước vào giai đoạn sinh trưởng mạnh. Giai đoạn này chiếm 3/4 tổng thời gian trong vườn ươm. công việc chủ yếu ở thời kỳ này là tưới nước và bón phân đầy đủ. Lượng phân bón trong cả thời kỳ là 3kg phân chuồng và 0,3kg đạm cho 1m2. Kết hợp bón phân với làm cỏ và tỉa định cây để khoảng cách cây cách cây là 15cm.
b. Nhân giống vô tính.
Nhân giống vô tính là sử dụng một bộ phận của cơ quan sinh dưỡng như thân, cành,
.... để tạo nên một cây mới. Phương pháp nhân giống vô tính có những ưu nhược điểm sau:
- Ưu điểm: Nhân giống vô tính duy trì được đặc tính tốt của cây mẹ. Thời gian từ
trồng đến khi cho sản lượng lá ổn định nhanh.
- Nhược điểm: Tỷ lệ sống của hom và cành ghép không cao, tuổi thọ ngắn và khả năng chịu hạn kém.
Nhân giống vô tính ở cây dâu bao gồm phương pháp chiết, ghép và giâm cành. ở Việt Nam chủ yếu là nhân giống bằng phương pháp giâm cành, còn phương pháp chiết và ghép chỉ áp dụng với những giống dâu khó nảy mầm.
Câu 5:Trình bày Kỹ thuật trồng dâu
a. Làm đất.
* Chọn đất trồng dâu.
Cây dâu là cây có khả năng thích ứng rộng với nhiều loại đất như đất đồi, đất bãi ven sông, ven biển, đất thịt ven đê... song khi thiết kế vườn dâu phải chú ý đủ ánh sáng và độ thông thoáng. Trồng dâu nên trồng tập trung vào một khu vực để dễ quản lý, không nên trồng xen với các cây trồng khác như : lúa, màu..... đất trồng dâu không được gần nhà máy, đường quốc lộ, nơi môi trường bị ô nhiễm và đặc biệt là không được gần lò gạch.
Nếu những nơi nuôi tằm tập trung có thể thiết kế ruộng dâu nuôi tằm con riêng, diện tích này chiếm khoảng 10-15% tổng diện tích trồng dâu. Ruộng dâu nuôi tằm con cần bố trí ở gần khu vực nhà tằm, trên loại đất tốt, tưới tiêu thuận lợi.
* Làm đất.
Đất trồng dâu phải được cày sâu, bừa nhỏ, độ sâu cày là 25-40 cm hoặc sâu hơn càng tốt. Cày xong, bừa tơi nhỏ, nhặt sạch cỏ và san đất cho phẳng.
* Đào rãnh hoặc hố trồng dâu.
Tuỳ theo mật độ trồng và phương thức trồng mà đào hố hoặc đào rãnh. Nói chung ở gần vùng đất đồi, đất cao nhuyên thì đào hố còn ở đất bãi ven sông, đất thịt thì đào rãnh. Kích thước hố là 40x40 cm, còn độ sâu của rãnh là từ 25-30 cm. đào hố xong bón phân hữu cơ và lấp đất luôn để giữ ẩm cho đất. Lượng phân hữu cơ cần bón lót là 20 tấn, phân lân 400-500kg cho 1 hecta, nếu đất chua cần bón thêm vôi.
b. Kỹ thuật trồng dâu
* Thời vụ trồng:
Tuỳ theo phương thức nhân giống và điều kiện khí hậu từng vùng mà thời vụ trồng có khác nhau. Nếu trồng bằng cây con gieo từ hạt thì có thể trồng từ vụ xuân đến cuối vụ hè. Nếu trồng bằng hom thì phải dựa vào thời kỳ sinh trưởng của cây và điều kiện thời tiết. Vùng đồng bằng Bắc bộ đến Duyên hải miền Trung trồng vào tháng 11-12, vùng cao nguyên Bảo Lộc, Lâm đồng trồng vào tháng 4 trước mùa mưa.
* Chọn hom dâu:
Ruộng dâu để lấy hom phải đạt từ 2 năm tuổi trở lên, không sâu bệnh, không lẫn giống, không gum, không đốn phớt. Chọn những hom dâu đủ tiêu chuẩn bó thành từng bó, để nơi khuất gió bảo quản 3-5 ngày rồi tiến hành chặt hom.
* Chặt hom dâu
Chỉ dùng những hom có đường kính từ 1cm trở lên, bỏ phần ngọn và gốc cành rồi chặt thành những đoạn hom dài 20-25cm, chặt vát 2 đầu và đảm bảo hom không bị dập, sau đó bó thành từng bó để vào nơi mát, tưới ẩm.
* Mật độ trồng:
Tuỳ thuộc điều kiện đất đai, giống dâu, phương pháp tạo hình, hệ thống trồng xen và các điều kiện khác mà mật độ trồng khác nhau. Theo Kanarev Petkov, ở các nước Nhật Bản, Nam Triều Tiên, ấn độ đều trồng dâu theo mật độ: 1,5-2,5x0,5(m). ở Trung Quốc, phần lớn các vùng trồng theo mật độ: 1,6x0,7(m) hoặc 1,8x1,0(m). ở Việt Nam, vùng đất đồi và cao nguyên thường bị hạn cần phải tạo hình cao nên trồng với mật độ: 2,0x0,8-1,2(m), ở vùng đất bãi ven sông, đất đồng bằng nếu không trồng xen thì có thể trồng với khoảng cách: 1,8x0,4(m), nếu có trồng xen thì trồng với khoảng cách: 2,5x0,4(m).
* Phương pháp trồng:
Tuỳ theo trồng bằng cây con hay trồng bằng hom mà có phương pháp trồng khác nhau:
+ Trồng bằng cây con (nhân giống hữu tính): Tuỳ theo đất đai, giống và điều kiện khí hậu khác nhau mà độ sâu trồng có khác nhau. Ví dụ giống khoẻ, đất đai màu mỡ, mực nước ngầm thấp thì có thể trồng sâu hơn và ngược lại. Thông thường độ sâu trồng từ 10-20cm (tính từ cổ rễ). Khi trồng đặt cây con vào rãnh hoặc hố theo mật độ quy định, sau đó lấp đất, nén chặt và san phẳng. Sau khi trồng, cây con được đốn cho bằng nhau, chiều cao vết đốn tuỳ thuộc vào kiểu tạo hình ; nếu tạo hình thân thấp hoặc trung bình thì đốn cao 15-25cm, còn nếu tạo hình thân cao thì cố định thân chính cao 0,8-1m.
+ Trồng bằng hom: Tuỳ theo trồng hố hay trồng hàng mà có phương thức đặt hom khác nhau. Nếu trồng hàng có 2 cách đặt hom: Có thể đặt hom nằm trên mặt rãnh thành 2 hàng song song theo kiểu nanh sấu sau đó lấp đất (ở nơi đất có mực nước ngầm cao) hoặc cắm hom xiên một góc 45o để chừa một mắt nổi lên mặt đất cho hom nảy mầm. Nếu trồng hố thì cắm 2-3 hom/hố, cắm xiên 45o và cắm về 3 góc của hố.
Câu 6:Trình bày kĩ thuật chăm sóc Quản lý và chăm sóc vườn dâu.
a. Bón phân.
Mục đích trồng dâu là để lấy lá nuôi tằm. Mỗi năm ruộng dâu phải đốn 1-2 lần và thu hái 8-10 lứa lá. Do vậy chất dinh dưỡng từ trong đất đã được cây dâu sử dụng nhiều. Kết quả tính toán cho thấy cứ thu hoạch 1500kg lá dâu thì trong đất đã mất đi 20,5 kg đạm, 3,68kg lân và 10,6kg kali. Do đó cần phải bón phân để không ngừng bổ sung dinh dưỡng cho đất và duy trì sản lượng lá dâu ổn định.
* Thời kỳ bón phân
Để xác định thời kỳ bón phân cho dâu cần dựa vào quy luật sinh trưởng hàng năm của cây. Thường một năm chia làm 4 thời kỳ bón phân.
- Bón phân vụ xuân: Bón phân vụ này thúc đẩy cho cây dâu đâm chồi nảy lộc và tạo cơ sở cho thu hoạch lá ở vụ hè. Bón phân ở vụ xuân cần sử dụng các loại phân có hiệu quả nhanh, dễ tiêu, thời kỳ này cần bón 2 lần: lần thứ nhất bón khi cây nảy mầm được 3-5cm, lần thứ 2 bón trước khi thu lá 20 ngày.
- Bón phân vụ hè: Vụ hè là vụ cây dâu sinh trưởng mạnh nhất trong năm (lượng sinh trưởng của cây bằng 70% tổng lượng sinh trưởng của năm). Thời kỳ này cây cũng hấp thu dinh dưỡng mạnh nhất vì vậy bón phân vụ hè có tác dụng làm tăng sản lượng lá vụ hè và vụ thu. Vụ này thường bón các loại phân dễ tiêu. Mặt khác, mùa hè thường có mưa nhiều nên cần bón chia ra nhiều lần để tránh bị rửa trôi.
- Bón phân vụ thu: Ở vụ thu, cây dâu sinh trưởng chậm dần và là thời kỳ tích luỹ dinh dưỡng của cây. Bón phân vụ thu không chỉ kéo dài thời kỳ sinh trưởng của cây trong năm, làm chậm quá trình cứng của lá mà còn có tác dụng làm tăng năng suất lá ở vụ xuân. Thời tiết vụ này thường khô hanh. Do vậy, bón phân vụ này phải kết hợp với tưới nước để kéo dài thời kỳ sinh trưởng của cây và nâng cao hiệu quả hấp thu phân bón.
- Bón phân vụ đông: Vụ đông là vụ cây dâu ngừng sinh trưởng, bộ rễ hoạt động yếu, thời kỳ này cần bón phân có hiệu quả chậm như: phân chuồng, phân rác, phân xanh. Vụ này cần bón toàn bộ lượng phân hữu cơ, phân lân và 50% lượng phân kali của cả năm.
* Liều lượng và tỷ lệ bón
- Liều lượng phân bón có liên quan chặt chẽ đến năng suất và chất lượng lá dâu. Xác định liều lượng bón cần căn cứ vào điều kiện khí hậu, đất đai, tuổi cây, mật độ trồng, biện pháp đốn tỉa và thời kỳ sinh trưởng của cây. Nhìn chung, ở những vùng có tưới nước, trồng dày có thể bón 10-25 tấn phân chuồng/ha, phân vô cơ là: 150-250kg N, 60-100kg P2O5, và 60-100kg K2O/ha.năm. Ở Việt Nam qua các thí nghiệm cho thấy bón với liều lượng 200kg N, 100kg P2O5 và 100kg K2O/ha.năm.
- Tỷ lệ bón: Tỷ lệ bón phân phối cho các thời vụ trong năm như sau: Vụ xuân: 25-30%. Vụ hè 35-40%. Vụ thu 15-20%. Vụ đông 10-15% và 100% lượng phân hữu cơ.
Lượng phân bón còn thay đổi theo tuổi cây: Cây trồng năm thứ nhất thì bón bằng 50%, năm thứ 2 bón bằng 70% lượng phân bón cho cây dâu đã định hình .
* Phương pháp bón
Bón phân cho cây dâu có thể bón qua đất hoặc bón qua lá nhưng bón qua đất là chủ yếu.
- Bón qua đất: Nguyên tắc của bón qua đất là bón vào tầng đất mà mật độ rễ cây tập trung nhiều để nâng cao hiệu quả hấp thu phân bón của cây. Vì vậy, độ sâu khi bón cần dựa vào tuổi cây, loại đất và điều kiện khí hậu. Phương pháp bón gồm bón rãnh và bón hốc. Trong đó, bón hốc là phương pháp sử dụng chủ yếu đối với phân vô cơ, bón vào khoảng cách giữa 2 cây dâu hoặc giữa 2 hàng dâu. Kích thước hốc thay đổi tuỳ theo tuổi cây, thường kích thước hốc là 20x25cm. Bón rãnh thường bón theo 2 phía của hàng dâu và sử dụng cho bón phân hữu cơ, phân xanh. Dù bón hốc hay bón rãnh đều phải thay đổi vị trí bón qua các lần bón, tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển đều.
- Bón qua lá: Theo tình toán tổng diên tích bề mặt của lá trong một cây gấp 15-20 lần diện tích đất mà cây che phủ. Do vậy, diện tích để tiếp thu phân bón qua lá lớn hơn rất nhiều so với bón qua đất. Mặt khác, bón qua lá, hiệu quả hấp thu phân bón cao và nhanh hơn, chỉ sau khi phun 60 phút thì lá đã hấp thu được phân và vân chuyển đến các đỉnh sinh trưởng. Phun phân vào mặt dưới của lá hiệu quả hấp thu phân bón cao hơn 4 lần so với phun vào mặt trên của lá. Thời gian phun tốt nhất là vào buổi sáng hoặc chiều muộn. Nồng độ phun với một số loại phân như sau: đạm urê là 0,5%, đạm sulphat 0,4%, supe lân 0,5-1%, kali sulphat 0,5%. Lượng phun 100-120kg dung dịch/1 sào. Khoảng cách giữa các lần phun là 5-6 ngày.
b. Cày đất và làm cỏ trong vườn dâu
* Cày đất
Biện pháp cày đất trong vườn dâu bao gồm cày bừa, xới xáo... làm cho đất tơi xốp, thông thoáng, có lợi cho hoạt động của vi sinh vật và sự sinh trưởng của bộ rễ dâu. Do cày đất cắt đứt các mao quản ở tầng canh tác, hạn chế sự bốc hơi nước của đất, tăng khả năng giữ ẩm cho đất. đối với đất chua mặn, cày đất còn hạn chế lượng muối bốc lên bề mặt đất giảm độ chua mặn của đất. Cày đất còn có tác dụng diệt cỏ dại và một số sâu bệnh tồn tại trong đất. đặc biệt đối với cây dâu bộ rễ có khả năng tái sinh mạnh nên cày đất còn có tác dụng cắt đứt một số rễ già, kích thích cho rễ non phát triển, tăng khả năng sinh trưởng của cây.
Mỗi năm thường tiến hành cày đất 2 lần ở vụ đông và vụ hè thu. Nhưng vụ đông là quan trọng, chủ yếu nhất.
Cày đất vụ đông: Tiến hành lúc cây dâu đã ngừng sinh trưởng, độ sâu cày từ 15-20cm. ở giữa luống cày sâu, phía gần hàng dâu cày nông hơn.
Cày đất vụ hè: Tiến hành sau khi đốn dâu ở vụ hè kết hợp với bón phân làm cỏ. Thời kỳ này cày nông hơn ở vụ đông. Cày đất vụ hè cần tiến hành kịp thời ngay sau khi đốn dâu, nếu cày muộn sau khi cây dâu đã nảy mầm thì ảnh hưởng không tốt tới sinh trưởng của cây.
Ngoài ra người ta còn có thể tiến hành cày đất vào vụ thu, thường tiến hành vào tháng 8-9 kết hợp với bón đạm để kéo dài thời vụ cho lá vào cuối năm. Nhưng chú ý cày xong phải bừa ngay để giữ ẩm cho đất.
* Làm cỏ
Thời kỳ và số lần làm cỏ tuỳ thuộc vào thời tiết, khí hậu và quy luật sinh trưởng của cỏ dại. Nói chung 1 năm thường tiến hành làm cỏ 3-5 lần.
- Làm cỏ vụ xuân: Thực hiện trước khi cây dâu nảy mầm để kịp thời diệt những cỏ của năm trước còn lại và một số cỏ mới nảy mầm.
- Làm cỏ vụ hè: Sau khi đốn dâu vụ hè, ruộng dâu thông thoáng, nhiệt độ và ẩm độ cao cho nên cỏ dại phát triển mạnh vì vậy ở vụ này làm cỏ kịp thời là rất quan trọng.
- Làm cỏ vụ thu: ở vụ thu, cỏ bắt đầu ra hoa kết hạt. Vì vậy, phải làm cỏ trước khi cỏ kết hạt để tránh lây lan của cỏ cho năm sau.
- Phương pháp làm cỏ: Có thể tiến hành bằng phương pháp thủ công hoặc sử dụng thuốc trừ cỏ.
c. Tưới và tiêu nước cho vườn dâu
* Tưới nước
Nhu cầu nước của cây dâu: Dâu là loại cây trồng tương đối chịu hạn, nhưng không có nghĩa là thiếu nước không ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Vì cây dâu cũng giống như các cây trồng khác, nước là điều kiện sinh tồn của cây, nước cần thiết cho các hoạt động quang hợp, vận chuyển, trao đổi chất... 1kg lá dâu trong một ngày tiêu hao 8,46kg nước để phát tán. Lượng nước cần cho cây dâu phát tán và lượng nước chứa trong cây đều lấy từ đất. Do đó, nước trong đất không đủ sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động sinh lý bình thường của cây.
- Kỹ thuật tưới nước
+ Xác định nhu cầu cần tưới nước của cây: để xác định nhu cầu cần tưới nước của cây dâu có thể dựa vào những căn cứ sau:
Quan sát trạng thái sinh trưởng của cây. Khi thấy sinh trưởng của cây yếu dần, 2-3 lá ở phía ngọn héo và co lại, một số lá phía dưới chuyển sang màu vàng thì đó là dấu hiệu cây dâu bị thiếu nước. Nếu mầm đỉnh ngừng sinh trưởng là cây dâu đang ở thời điểm khô hạn nghiêm trọng.
Dựa vào lượng mưa trung bình hàng tháng. Nếu lượng mưa chỉ đạt 100-150mm/tháng thì cần phải tưới cho dâu.
+ Chu kỳ tưới: Tuỳ thuộc vào giai đoạn sinh trưởng của cây, loại đất và điều kiện khí hậu. Thường với đất cát 8-10 ngày tưới nước một lần, đất sét 15 ngày tưới một lần.
+ Phương pháp tưới: Tưới phun hoặc tưới rãnh. Phương pháp tưới phun đơn giản và tiết kiệm lao động nhưng tiêu phí nhiều nước. Tưới rãnh thì tiết kiệm được nước, phù hợp với tưới cho diện rộng.
* Tiêu nước:
Việc tiêu nước cho ruộng dâu được tiến hành thiết kế các mương tiêu khi quy hoạch ruộng dâu. Thường cứ 4-6 hàng dâu thì có một mương tiêu nước. Xung quanh ruộng dâu cần có mương lớn và sâu để chứa và tiêu nước cho toàn ruộng.
d. Đốn dâu
Cây dâu sau khi trồng được một năm cần phải đốn để tạo cho cây có hình dạng nhất định, tiện lợi cho việc quản lý chăm sóc và thu hoạch. Trong kỹ thuật đốn dâu người ta chia ra đốn tạo hình và đốn hàng năm.
* Phương pháp đốn tạo hình: Đốn tạo hình là phương pháp đốn tạo cho cây dâu có hình dạng nhất định, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu và điều kiện canh tác. Hiện nay có 3 kiểu tạo hình là: Tạo hình cao, tạo hình trung bình và tạo hình thấp. Sự khác nhau giữa 3 kiều tạo hình này là ở chiều cao thân chính và số cành có trên cây. Tạo hình thấp thì chiều cao thân chính là 20-25cm, tạo hình trung bình chiều cao thân chính là 30-40cm và tạo hình cao chiều cao thân chính là 80-90cm.
* Phương pháp đốn hàng năm.
Cây dâu sau khi đã ổn định tạo hình hoặc không đốn tạo hình thì hàng năm vẫn phải tiến hành đốn để làm trẻ hoá cây dâu và điều chỉnh cho lá theo thời vụ nuôi tằm. Hiện nay ở nước ta có các thời vụ đốn như sau:
- Đốn vụ hè: Sau khi thu hoạch lứa lá cuối cùng ở vụ thu, cây dâu được để lưu cành lại chỉ đốn phớt 1/5 chiều dài cành về phía ngọn. Ở vụ xuân năm sau sẽ thu hoạch 2 lứa lá rồi tiến hành đốn sát. Thời vụ đốn vào khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5. Chậm nhất là đến ngày 10-5 phải kết thúc. Ưu điểm của phương pháp đốn hè là giảm được sản lượng lá ở vụ hè, tăng sản lượng lá ở vụ xuân, thu. Tuy nhiên, ở vụ hè đốn dâu vào lúc cây dâu sinh trưởng mạnh nên sẽ ảnh hưởng nhiều tới sinh trưởng tự nhiên của cây. Vì vậy, cần phải chú ý: Thời vụ đốn không nên kéo dài sang cuối tháng 5 và cần luân phiên giữa 2 loại hình đốn đông và đốn hè để có thời gian cho cây dâu phục hồi tổn thương.
- Đốn dâu vụ thu: Vụ thu thường nhiệt độ xuống thấp, thời tiết khô hanh nên cây dâu sinh trưởng chậm lại. Nhưng vụ thu là vụ nuôi tằm thích hợp nhất trong năm. Do đó để có nhiều lá ở vụ thu thì biện pháp đốn thu có tác dụng mạnh nhất. Thời vụ đốn thu thường vào đầu tháng 8, đốn cách mặt đất 70-80cm. Sau khi đốn cần kết hợp với tưới nước và bón phân để đạt được hiệu quả cao.
- Đốn vụ đông: Ở vụ đông cây dâu hầu như ngừng sinh trưởng. Do đó đốn dâu ở vụ này ít ảnh hưởng đến sinh trưởng tự nhiên của cây so với các thời vụ đốn ở trên. Nhưng đốn dâu vụ đông lại có nhược điểm là sản lượng lá tập trung chủ yếu ở vụ hè là vụ rất khó nuôi tằm. Do đó cần điều chỉnh diện tích giữa các loại hình đốn một cách thích hợp để phục vụ mục đích nuôi tằm. Thời vụ đốn động thường tiến hành đốn trước đông chí và đốn sát đất.
Câu 7:Trình bày các kĩ thuật Thu hoạch và bảo quản lá dâu.
a. Thu hoạch lá dâu.
* Các phương thức thu hoạch lá dâu.
- Thu hoạch lá dâu bằng phương thức hái lá: Đây là phương thức thu hoạch phổ biến nhất. Trong phương thức này dâu được hái từng lá một, vì vậy có thể chọn được lá dâu phù hợp với tuổi tằm và thu hoạch được nhiều lứa trong năm. Nhưng phương thức này có nhược điểm là tốn công và dễ xước vỏ cây, làm tổn thương các chồi nách.
- Thu hoạch bằng phương thức hái cành nhỏ: Trong phương thức này, người ta cắt những đoạn cành có lá để nuôi tằm tuổi 4-5. Phương thức này có ưu điểm là áp dụng thuận lợi cho dâu tạo hình bụi thấp và trung bình, có thể cơ giới hoá trong thu hoạch dâu, tiết kiệm được công lao động thu hoạch lá và đảm bảo dâu tươi lâu.
- Thu hoạch lá dâu bằng phương thức cắt cả cành: Ở phương thức thu hoạch này,
cành dâu được cắt sát gốc hoặc sát thân chính trên dâu đốn tạo hình . Thường dùng cành dâu để nuôi tằm tuổi 4-5. để tập trung dinh dưỡng cho lá và tạo điều kiện cho lá ngọn thành thục người ta thường bấm ngọn trước khi cắt cành 7-10 ngày.
* Các phương pháp thu hoạch lá dâu:
- Thu hoạch lá dâu vụ xuân: Tuỳ theo loại hình đốn dâu khác nhau mà có phương pháp thu hoạch lá dâu khác nhau.
+ Ruộng dâu đốn hè: Kết hợp hái lá và hái mầm. Lứa thứ nhất hái lá và mầm ở nửa đoạn cành phía dưới. Lứa thứ 2 hái toàn bộ số lá còn lại ở phía trên hoặc cắt toàn bộ cành có lá để nuôi tằm sau đó đốn hè.
+ Ruộng dâu đốn đông: Sau khi thu hoạch lá nuôi tằm vụ cuối thu (tháng 11-12), tiến hành đốn sát gốc. đến vụ xuân năm sau chỉ thu được một lứa lá nuôi tằm xuân muộn hoặc bắt đầu mùa hè mới cho lá nuôi tằm. Phương pháp thu hoạch lá trên loại hình dâu này là hái lá và chỉ hải 20-30% số lá trên cành.
- Thu hoạch lá dâu vụ hè:
+ Trên ruộng dâu đốn đông thu hoạch bằng phương thức hái lá kết hợp với tỉa mầm và cành tăm.
+ Trên ruộng dâu đốn hè: Trên diện tích này thường đốn dâu vào cuối tháng 4 đầu tháng 5. Sau khi đốn 60-70 ngày sẽ cho thu lá nuôi tằm hè. thu hoạch lá dâu vụ này bằng cách hái lá và chỉ nên hái 20-30% số lá trên cây.
- Thu hoạch lá dâu vụ thu.
+ Trên ruộng dâu đốn thu thì đến trung tuần tháng 9 bắt đầu thu hoạch lá nuôi tằm thu lứa thứ nhất bằng cách hái lá và mầm ở nửa đoạn cành phía dưới. Cuối tháng 10 đầu tháng 11 có lá nuôi tằm thu lứa thứ 2, ở lứa này có thể hái lá hoặc cắt nửa cành còn lại để nuôi tằm.
+ Trên ruộng dâu không đốn thu: Trên loại ruộng dâu này sau khi nuôi lứa tằm hè cuối cùng vào cuối tháng 8 cần hái sạch toàn bộ số lá trên cây và bấm ngọn để kích thích các mầm nách nảy vào mùa thu. Sau 25-40 ngày sẽ có lá nuôi lứa tằm thu thứ nhất và sau 25-40 ngày tiếp theo sẽ có lá nuôi tằm thu lứa thứ 2. Thu hoạch lá bằng phương pháp hái lá kết hợp với hái mầm.
b. Bảo quản lá dâu.
Tuỳ theo số lượng lá dâu cần bảo quản mà có thể áp dụng một trong các phương pháp bảo quản lá dâu sau:
* Bảo quản trong sọt hoặc trong cót quây:
Phương pháp này được áp dụng khi bảo quản lá dâu với số lượng ít cho nuôi tằm con. Sọt cần có chân cách mặt đất 10-12cm, cót quây trên nong hay nia đặt trên giá có chân cao 12-15cm. Xếp lá dâu vào sọt hoặc cót, lần lượt thành từng lớp, cuống lá hướng ra phía ngoài, để một lỗ hổng ở chính giữa. Miệng sọt hay miệng cót phủ bằng vải ướt hoặc nong nia có dấp nước.
* Bảo quản trong bể nước:
Xây một bể nước trong phòng bảo quản dâu, đáy bể có một lớp nước 10-12cm, đặt một giá gỗ vào trong bể có chiều cao cao hơn mặt nước, trên giá đặt một tấm phên tre hoặc nứa, lá dâu được bảo quản trên tấm phên đó. Dùng vải ướt hoặc nong dấp nước đậy kín bể.
* Bảo quản trong màn Polyetylen:
Dán Polyetylen thành màn giống như màn chống muối rồi treo vào trong phòng bảo quản dâu, đỉnh màn cách trần nhà 1m còn đáy màn tiếp xúc với đất, lá dâu được rũ tơi và bảo quản trong màn. Phương pháp này đơn giản, dễ làm và có thể bảo quản được số lượng dâu lớn.
Câu 9: Trình bày Một số đặc điểm sinh vật học của tằm dâu.
A. Vòng đời của tằm dâu.
Tằm dâu là côn trùng biến thái hoàn toàn. để hoàn thành vòng đời của mình, tằm dâu phải trải qua 4 giai đoạn phát dục là trứng, tằm, nhộng, ngài. Thời gian hoàn thành 1 vòng đời thay đổi tuỳ theo giống tằm và điều kiện môi trường. Những giống tằm không nghỉ đông, thời gian hoàn thành một vòng đời là 6-8 tuần. Trong đó thời gian phát dục các pha như sau:
Pha trứng : 9-12 ngày
Pha tằm : 20-24 ngày Pha nhộng: 10-12 ngày Pha ngài : 3-6 ngày.
B. Một số đặc điểm sinh vật học của tằm dâu.
* Hệ tính và tính ngủ.
- Hệ tính: là khái niệm chỉ số thế hệ trải qua trong một năm của một giống tằm:
+ Trong điều kiện tự nhiên, có những giống tằm chỉ sinh ra một thế hệ trong một năm. Trứng thường nở vào mùa xuân, sau khi nuôi tằm kết thúc đời thứ nhất, sinh ra trứng đời 2 thì trứng này đi vào nghỉ đông đến mùa xuân năm sau mới nở gọi là giống tằm độc hệ.
+ Những giống tằm trải qua 2 thế hệ trong một năm: Trứng đời thứ nhất nở vào mùa xuân, sau khi nuôi tằm kết thúc đời thứ nhất đẻ ra trứng đời 2 thì trứng này không nghỉ đông mà nở bình thường. Sau 10-12 ngày trứng nở, tiếp tục nuôi tằm kết thúc đời thứ 2, sinh ra trứng đời thứ 3 thì trứng này có nghỉ đông và chỉ nở vào mùa xuân năm sau. Những giống tằm này gọi là giống lưỡng hệ.
+ Những giống tằm sinh ra nhiều hơn 2 thế hệ trong một năm, trứng không nghỉ đông,
đời này phát triển kế tiếp đời kia liên tục, một năm có thể trải qua 7-8 thế hệ gọi là giống đa hệ.
- Tính ngủ: Trong pha tằm, từ khi mới nở đến lúc nhả tơ kết kén, tằm phải trải qua một số lần lột xác, ở mỗi lần lột xác tằm thường ngừng ăn gọi là tằm ngủ. Tằm thường trải qua 4 lần ngủ ứng với 5 tuổi. Nhưng cũng có một số giống ngủ 3 lần và một số giống ngủ 5 lần.
* Ngủ và biến thái.
- Ngủ: ở mỗi tuổi tằm, sau khi đã đồng hoá thức ăn và đạt được sự tăng trưởng tối đa của tuổi đó, lúc này da tằm đã căng hết cỡ và không còn khả năng lớn thêm về thể tích, tằm mất dần sự thèm ăn, lượng dâu ăn ít dần rồi tiến đến ngừng ăn, chuẩn bị cho quá trình lột xác gọi là tằm ngủ. Biểu hiện của tằm ngủ: đầu và ngực ngóc lên, da căng bóng và có màu trắng hoặc trắng xanh đối với giống kén trắng, màu vàng nhạt đối với giống kén vàng; tằm cố định chân bụng và chân đuôi vào các điểm bám đồng thời nhả một ít tơ để cố định thân tằm vào các điểm bám. Sau một thời gian, tằm trút bỏ lớp da cũ và hình thành lớp da mới nhăn nheo và nhạt màu hơn kết thúc quá trình ngủ.
Thời gian ngủ ở các tuổi từ 15-30 giờ tuỳ theo giống tằm và điều kiện sinh thái. Thời gian ngủ tuổi 2 là ngắn nhất sau đó đến tuổi 1, tuổi 3 và tuổi 4.
- Biến thái: Trong cả vòng đời của mình, tằm dâu phải trải qua một số lần lột xác. Trong đó, những lần lột xác ở giai đoạn tằm chỉ giúp tằm tăng trưởng về kích thước mà không có sự thay đổi về hình thái và cấu trúc của các cơ quan bên trong sau mỗi lần lột xác gọi là lột xác sinh trưởng.
Những lần lột xác sau: tằm-nhộng, nhộng-ngài thì sau mỗi lần lột xác, cơ thể có sự thay đổi hoàn toàn về hình thái cũng như cấu trúc các cơ quan bên trong gọi là lột xác biến thái
* Tằm chín:
Ở tuổi 5, khi tằm đã ăn dâu và đạt được sự tăng trưởng tối đa của tuổi đó. Lúc này trọng lượng cơ thể tằm tăng 9000-10000 lần so với lúc tằm mới nở. Tằm ngừng ăn dâu và chuẩn bị cho quá trình nhả tơ kết kén gọi là tằm chín. Thời gian tuổi 5 kéo dài 5-6 ngày đối với giống đa hệ và 7-9 ngày đối với giống lưỡng hệ và độc hệ.
Biểu hiện của tằm chín là: Tằm ngừng ăn dâu, thải phân mềm, ướt, thân tằm căng bóng (như lúc ngủ ở các tuổi trước) và trở nên trong suốt, có màu trắng trong đối với giống kén trắng và màu vàng ươm đối với giống kén vàng. đầu tằm ngẩng cao, lắc qua lắc lại bên phải bên trái theo động tác nhả tơ, tằm thường có xu hướng bò tản ra xung quanh để tìm vị trí nhả tơ.
* Quá trình nhả tơ kết kén:
Khi tằm chín, cho tằm lên né, quá trình nhả tơ kết kén diễn ra theo 4 giai đoạn như sau:
- Hình thành khuôn kén: Sau khi cho tằm chín lên né, tằm thường có tập tính bò lên phía cao của né để tìm vị trí nhả tơ, khi đã tìm được nơi thích hợp tằm bắt đầu nhả tơ kết kén ở giai đoạn đầu. đầu tằm lắc qua lắc lại bên phải và bên trái để nhả tơ lên các điểm bám và hình thành nên khuôn kén. Lúc này dao động của đầu tằm không theo quy luật nên tơ nhả ra thường rối và lớp tơ này không ươm được.
- Hình thành áo kén: Tằm tiếp tục nhả tơ không theo quy luật, các mảng tơ dần dần được dày lên. Tằm từ chỗ bò liên tục lên khuôn kén tiến tới ít bò và nằm yên; khi tằm nằm yên, hoạt động của đầu tằm từ chỗ không có quy luật tiến tới có quy luật và nhả ra các khuyên tơ có dạng hình chữ s hoặc số 8 tạo thành lớp tơ mỏng không đồng đều và hình thành nên áo kén.
- Hình thành cùi kén: Tằm tiếp tục nhả tơ theo một quy luật nhất định, sợi tơ nhỏ dần đều, không gian trong khung kén bị thu hẹp dần. đầu và đuôi tằm uốn cong về phía lưng. Khuyên tơ do tằm nhả ra chuyển từ dạng chữ s và số 8 đứng sang chữ s và số 8 nằm ngang hình thành nên lớp cùi kén. Lớp này khi ươm sẽ cho tơ nõn - nguyên liệu giá trị nhất của kén để dệt những mặt hàng cao cấp.
- Hình thành áo nhộng: Lượng tơ do tằm nhả ra ít dần và tiến tới hết, toàn thân tằm co nhỏ lại và nhả tơ không theo quy luật, sợi tơ mảnh và mịn. Trước lúc ngừng nhả tơ, tằm nhả một lớp tơ xốp ở phía đỉnh, lớp này không ươm được nhưng có tác dụng bảo vệ nhộng.
Câu 10: Các yếu tố Sinh thái học tằm dâu (ảnh hưởng của một số yếu tố sinh thái đến quá trình sinh trưởng phát dục của tằm dâu).Trong các yếu tố đó thì yếu tố nào quyết định.Tại sao?
a. Ảnh hưởng của nhiệt độ.
Tằm là động vật biến nhiệt nên nhiệt độ giữ vai trò quan trọng trong quá trình sinh trưởng của tằm. Nhiệt độ tác động trực tiếp tới mọi hoạt động sinh lý của tằm. Tằm có thể phát dục được trong khoảng nhiệt độ 7,5-37oC. Trong đó nhiệt độ thích hợp nhất cho phát dục của tằm là 20-30oC, trong phạm vi nhiệt độ này, khi nhiệt độ càng tăng thì quá trình sinh trưởng phát dục của tằm càng tăng.
Khả năng thích nghi với điều kiện nhiệt độ thay đổi tuỳ thuộc vào giống tằm, tuổi tằm và điều kiện nuôi dưỡng. Các giống tằm đa hệ thích hợp với nhiệt độ cao hơn các giống lưỡng hệ và độc hệ, giống tằm lai thích hợp với nhiệt độ cao hơn giống nguyên 1-2oC. Tằm con thích hợp với nhiệt độ cao hơn tằm lớn. Nuôi tằm ở điều kiện ẩm độ cao, thông gió cần nhiệt độ thấp hơn.
Nhiệt độ còn ảnh hưởng đến sự hình thành hệ tính của tằm. đối với giống tằm lưỡng hệ, nếu ấp trứng và nuôi tằm con ở nhiệt độ cao (27-28oC), nuôi tằm lớn và bảo quản nhộng, ngài ở nhiệt độ thấp (23-25oC) thì ngài sẽ đẻ ra trứng đời sau có nghỉ đông và ngược lại. Vì vậy, đối với giống tằm lưỡng hệ có hệ tính chưa sâu sắc, người ta có thể dùng nhiệt độ để điều chỉnh tính hệ của giống.
b. Ảnh hưởng của ẩm độ.
Cũng như nhiệt độ, ẩm độ có ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng và phát dục của tằm. ẩm độ tác động tới sinh trưởng phát dục của tằm thông qua tác động trực tiếp và tác động gián tiếp.
- Tác động trực tiếp: ẩm độ ảnh hưởng tới mọi hoạt động sinh lý của tằm như tiêu hoá, tuần hoàn, trao đổi chất...
- Tác động gián tiếp: ẩm độ ảnh hưởng đến độ tươi héo của lá dâu và đặc biệt là sự phát sinh phát triển của các vi sinh vật gây bệnh. ẩm độ quá thấp, lá dâu nhanh héo, ảnh hưởng đến khả năng ăn dâu của tằm, làm tằm sinh trưởng chậm đồng thời gây lãng phí lá dâu, đặc biệt đối với tằm con nếu nuôi trong điều kiện ẩm độ thấp tằm sẽ còi cọc. Mặt khác nếu ẩm độ quá cao, đặc biệt là trong giai đoạn tằm lớn sẽ tạo điều kiện thích hợp cho các vi sinh vật phát triển, tằm dễ bị nhiễm bệnh.
Khả năng thích nghi với ẩm độ của tằm thay đổi tuỳ theo giống tằm, tuổi tằm và điều kiện nuôi tằm. Giống tằm đa hệ thích hợp với ẩm độ cao hơn giống tằm lưỡng hệ và độc hệ. Giống tằm Viết Nam yêu cầu ẩm độ cao hơn giống tằm Trung Quốc và Nhật Bản. Tằm con thích hợp với ẩm độ cao hơn tằm lớn. Nuôi tằm trong điều kiện dinh dưỡng tốt, thông gió yêu cầu ẩm độ cao hơn trong điều kiện dinh dưỡng kém và thông gió không tốt.
Trong điều kiện bình thường, ẩm độ thích hợp ở các tuổi tằm như sau: Tuổi 1-2: 80- 85%; tuổi 3: 75-80%, tuổi 4-5: 70-75%; lên né 65-70%.
c. Ảnh hưởng của không khí và gió.
* Không khí:
Cũng như các động vật khác tằm cần có không khí trong lành để thực hiện các chức năng sinh lý. Trong phòng tằm, ngoài các thành phần khí O2 và CO2 còn tồn tại thêm một số loại khí khác như CO, NH3, SO2... sản sinh ra do quá trình đốt than tăng nhiệt trong phòng tằm, do sự lên men của phân tằm. Những khí này không có lợi cho quá trình sinh trưởng phát dục của tằm. Tuy nhiên, tuỳ loại khí mà ngưỡng gây hại có khác nhau. Yêu cầu không khí trong phòng tằm phải đảm bảo như sau: CO2≤1,5%; CO ≤0,5%; SO2 ≤0,02%. Biện pháp điều chỉnh hàm lượng khí độc trong phòng tằm dưới ngưỡng gây hại như sau:
+ Thường xuyên mở cửa thông gió phòng tằm.
+ Nuôi tằm với mật độ vừa phải, tránh nuôi quá dày
+ Thay phân thường xuyên và kịp thời.
+ Thiết kế nhà tằm đảm bảo hệ thống thông khí tốt.
+ Chọn nhiên liệu đốt sưởi.
* Gió:
Gió có tác dụng 2 mặt đối với tằm:
+ Tác dụng tốt của gió: Phát tán hơi nước điều hoà thân nhiệt cho tằm, bài trừ khí độc ra khỏi phòng tằm; điều hoà nhiệt, ẩm độ trong phòng tằm.
+ Tác động xấu: Gió làm lá dâu mau héo ảnh hưởng đến khả năng ăn dâu của tằm; gió làm tiêu hao nhiệt lượng trong cơ thể tằm đặc biệt khi nhiệt độ thấp và ẩm độ thấp. Khi tằm ngủ, gió mạnh sẽ phát sinh tằm không lột xác hoặc lột xác một nửa. Khi tằm lên né gặp gió mạnh tằm sẽ làm kén phân tầng, làm giảm chất lượng kén.
Tốc độ gió thích hợp với tằm nhỏ là 0,02m/s, với tằm lớn là 0,1-0,3m/s.
d. Ảnh hưởng của ánh sáng.
Mức độ ảnh hưởng của ánh sáng đối với tằm không sâu sắc như nhiệt độ và ẩm độ. Nhìn chung tằm không thích ánh sáng mạnh và cũng không thích che tối hoàn toàn; tằm nhỏ thích ánh sáng hơn tằm lớn. để đảm bảo tằm phát dục đồng đều, lột xác thuận lợi thì cần ánh sáng tán xạ ban ngày là đủ hoặc thời gian chiếu sáng 16 giờ/ngày. Tránh ánh sáng mạnh hoặc ánh sáng chói chang đối với tằm.
Câu 11:Trình bày các phương pháp Vệ sinh và sát trùng nhà cửa, dụng cụ nuôi tằm.
Cũng như các loài vật nuôi khác, tằm dâu thường bị nhiễm một số loại bệnh trong quá trình nuôi. Hơn nữa, việc nuôi tằm thường tiến hành liên tục nhiều lứa kế tiếp nhau trong năm. Vì vậy, để phòng ngừa sự lây lan của bệnh từ lứa tằm trước sang lứa sau thì công tác vệ sinh sát trùng nhà cửa và dụng cụ nuôi tằm trước, trong và sau khi nuôi tằm là vô cùng quan trọng. Khi vệ sinh và sát trùng nhà cửa để nuôi tằm có thể sử dụng các tác nhân vật lý và các tác nhân hoá học.
a. Sát trùng bằng tác nhân vật lý.
Các tác nhân vật lý thường được sử dụng như: ánh sáng mặt trời, nước sôi và hơi nước
nóng.
* Sát trùng bằng ánh nắng mặt trời:
Đây là biện pháp đơn giản, rẻ tiền, khi nhiệt độ ánh nắng lên tới 40oC thì hiệu quả sát trùng đạt cao nhất. đối với bào tử bệnh gai, khi nhiệt độ ánh nắng đạt 40oC, chiếu sáng liên tục 5-7 giờ thì có thể tiêu diệt được bào tử. Ở nhiệt độ 40oC ánh sáng có khả năng tiêu diệt được đa số các tác nhân gây bệnh tằm.
Tuy nhiên, việc sát trùng bằng ánh sáng mặt trời cũng còn một số hạn chế: Tác dụng khử trùng phụ thuộc nhiều vào thời tiết, chúng ta không thể khống chế được cường độ ánh sáng mặt trời. Mặt khác, ánh sáng mặt trời chỉ có tác dụng sát trùng trên bề mặt của dụng cụ mà không có tác dụng đi sâu vào phía trong. Vì vậy, khi sát trùng bằng ánh nắng mặt trời phải thường xuyên đảo trở dụng cụ để các mặt của dụng cụ đều được tiếp xúc với ánh nắng. Phương pháp này chỉ được sử dụng như một biện pháp bổ sung khi phối hợp với các biện pháp khác mà không thể coi là biện pháp duy nhất.
* Sát trùng bằng phương pháp đun sôi:
Phương pháp này đơn giản, tiện lợi và có hiệu quả cao nhưng chỉ tiến hành được với những dụng cụ nhỏ như: dụng cụ làm giống; lưới, đũa thay phân...Tiến hành rửa sạch dụng cụ rồi nhúng ngập vào trong nước đang sôi khoảng 10-30 phút thì có thể tiêu diệt được các mầm bệnh.
* Sát trùng bằng hơi nước nóng:
Phương pháp này được áp dụng với những phòng nuôi có diện tích nhỏ và kín. Tiến hành xếp dụng cụ cần xử lý vào phòng, đóng kín cửa phòng, giữa phòng đặt một nồi nước sôi cho nước bốc hơi trong phòng trong thời gian khoảng 40 phút. Nếu có nồi hấp cỡ lớn, tạo áp suất cao, có thể tiến hành hấp dụng cụ trong nồi hấp trong thời gian 20-30 phút thì hiệu quả sát trùng tương đối cao.
b. Sát trùng bằng tác nhân hoá học.
Trong sản xuất hiện nay, người ta sử dụng một số hoá chất để sát trùng phòng nuôi tằm và dụng cụ trước khi nuôi tằm như: Clorua vôi, formon,...
* Sát trùng bằng Clorua vôi Ca(OCl)2.
- Tính chất: Clorua vôi là chất bột màu trắng, có mùi hắc. Khả năng sát trùng của Clorua vôi dễ bị giảm dưới ánh sáng và nhiệt độ cao. Vì vậy, Clorua vôi thường được bảo quản trong bình kín, để nơi râm mát. Clorua vôi có hiệu lực diệt khuẩn nhanh mạnh, chỉ sau khi phun 30-60 phút là đã tiêu diệt được mầm bệnh.
- Sử dụng: Trong nuôi tăm Clorua vôi được sử dụng sát trùng dưới 2 dạng:
+ Dạng dung dịch: Clorua vôi được sử dụng với nồng độ 1%, phun với liều lượng 225-250ml/m2 nhà cửa và dụng cụ nuôi tằm. Sau khi phun, dụng cụ phải được giữ ẩm trong thời gian 30 phút để đảm bảo tác dụng sát trùng.
+ Dạng bột: Thường được sử dụng kết hợp với vôi bột theo tỷ lệ Clorua vôi/vôi bột = 1/17-1/21 để sát trùng mình tằm chống lây lan của bệnh trong quá trình nuôi tằm.
* Sát trùng bằng formon (HCHO).
- Tính chất: Formon là dung dịch có màu xám tro, có mùi hắc, có khả năng hoà tan trong rượu hoặc nước tạo thành hỗn hợp dễ khuếch tán. Formon có tác dụng phòng trừ đối với phần lớn các tác nhân gây bệnh cho tằm.
- Sử dụng: Có 2 phương pháp sử dụng formon để sát trùng:
+ Phun cho nhà cửa và dụng cụ nuôi tằm bằng dung dịch formon 2%, liều lượng 180ml/m2 nhà cửa và dụng cụ nuôi tằm. Tác dụng của formon là tác dụng xông hơi nên sau khi phun phải giữ kín phòng trong thời gian tối thiểu là 24 giờ.
+ Trộn formon với than trấu rắc lên nong tằm để phòng tránh sự lây lan của bệnh.
- Những điểm cần chú ý khi sử dụng formon:
+ Sát trùng bằng formon phải tiến hành trước khi nuôi tằm 7-10 ngày và mùi của formon lưu lại sẽ có hại cho sự phát dục của tằm.
+ Nếu phòng tằm không đảm bảo kín tuyệt đối thì phải tăng nồng độ formon xử lý lên 3%.
+ Formon chỉ phát huy tác dụng mạnh ở điều kiện nhiệt độ 24-25oC. Vì vậy, ở những thời điểm xử lý có nhiệt độ thấp cần tăng nhiệt độ phòng xử lý lên 24-25oC trong thời gian tối thiểu là 5 giờ.
Câu 12: Trình bày Kỹ thuật ấp trứng tằm. Ưu nhược điểm của từng phương pháp.
Ấp trứng là khâu quan trọng đầu tiên quyết định đến sự thành bại của lứa tằm. Quá trình ấp trứng là quá trình đảm bảo các điều kiện sinh thái thích hợp cho phôi thai của trứng phát dục. Phôi thai phát dục tốt, trứng nở đều sẽ cho tằm khoẻ, tiền đề để cho năng suất tơ kén cao. Hiện nay có một số phương pháp ấp trứng như sau:
a. Phương pháp ấp trứng ở nhiệt độ không đổi.
Trứng sau khi xuất kho lạnh, giữ ở nhiệt độ trung gian 13-13,5oC trong 1-2 ngày, sau đó tăng lên 21oC và duy trì ở nhiệt độ này cho đến trước khi trứng nở 1-2 ngày (trứng ghim) thì tăng lên nhiệt độ 23-23,5oC. Phương pháp ấp trứng này đơn giản, dễ làm, tằm kiến nở ra to nhưng yếu, dễ mắc bệnh. Cho nên phương pháp này không áp dụng cho những giống tằm châu Âu và Trung Quốc.
b. Phương pháp ấp trứng ở nhiệt độ tăng dần.
Sau khi đưa trứng ra khỏi kho lạnh, cần giữ ở nhiệt độ trung gian 13-13,5oC, sau đó mỗi ngày tăng nhiệt độ lên 0,5oC; một tuần sau, mỗi ngày tăng lên 1-1,5oC, tăng đến 23,5oC thì dừng. Ngày cuối cùng trước khi trứng nở tăng nhiệt độ lên 24-25oC. Phương pháp này rất khó điều chỉnh nhiệt độ nhưng lại thích hợp với phát dục của phôi thai, tằm kiến nở ra khoẻ.
c. Phương pháp ấp trứng hợp lý.
Phương pháp này dựa vào tiến độ phát dục của phôi thai để điều chỉnh nhiệt độ ấp trứng cho phù hợp.
Câu 13: Trình bày Kỹ thuật băng tằm.Và các phương pháp băng tằm.
Băng tằm là khâu kỹ thuật đầu tiên trong nuôi tằm, là việc tập trung tằm kiến mới nở để chuyển đến các nong hoặc khay nuôi tằm và cho ăn bữa dâu đầu tiên.
a. Thời gian băng tằm thích hợp.
Tằm kiến mới nở thường nằm yên, sau 1-2 giờ sẽ đòi ăn, thời gian lúc này băng tằm là thích hợp nhất. Nếu băng tằm sớm, tằm chưa nở hết, những con nở sau cơ thể còn yếu, miệng còn non, dễ bị tổn thương. Nhưng nếu băng tằm muộn quá, tằm sẽ bị đói. Thời gian băng tằm thích hợp nhất là vào 9-10 giờ sáng đối với vụ xuân, 8-9 giờ sáng đối với vụ hè thu.
b. Phương pháp băng tằm.
* Băng tằm bằng lá dâu thái nhỏ:
Thái lá dâu nhỏ như sợi thuốc lào, rắc trực tiếp lên trên tờ trứng có tằm mới nở, tằm ngửi thấy hơi dâu sẽ bò lên ăn. đợi 15 phút sau, khi tằm đã bò lên hết, tiến hành úp ngược tờ trứng lên trên nong tằm và dùng lông gà để quét chuyển toàn bộ tằm cùng lá dâu xuống nong, dùng đũa và lông gà san phẳng mô tằm và rắc một lớp dâu mỏng cho tằm ăn bổ sung. Phương pháp này chỉ áp dụng được đối với trứng dính.
* Băng tằm bằng hơi dâu:
Phương pháp băng tằm này được áp dụng khi cần xác định trọng lượng tằm kiến: đặt một tờ giấy mỏng lên tờ trứng có tằm mới nở, rắc lá dâu lên trên tờ giấy. Tằm ngửi hơi dâu sẽ bò lên và bám vào mặt dưới của tờ giấy. Sau 10-15 phút, khi toàn bộ tằm đã bám vào tờ giấy, nhẹ nhàng nhấc tờ giấy lên, rũ bỏ lá dâu, cuộn giấy cùng tằm lại đưa đi cân trọng lượng. Sau khi cân xong lại mở giấy ra và rắc dâu cho tằm ăn.
* Băng tằm bằng lưới hoặc giấy đục lỗ:
Phương pháp này có thể áp dụng cho cả trứng dính và trứng rời: đặt lưới hoặc giấy đục lỗ có đường kính lỗ mắt lưới hoặc lỗ đục là 0,15cm lên trên tờ trứng có tằm mới nở, thái dâu sợi nhỏ rắc lên trên giấy hoặc lưới, tằm sẽ chui qua lỗ mắt lưới hoặc lỗ đục của tờ giấy lên ăn dâu, sau đó nhấc lưới hoặc giấy sang nong hay khay nuôi tằm, dùng đũa và lông gà điều chỉnh mô tằm đồng thời rắc thêm một lượt dâu mỏng cho tằm ăn.
* Băng tằm bằng phương pháp khía lá dâu:
Hái lá dâu đúng tuổi băng tằm, ép phẳng, rồi dùng dao sắc khía lá dâu thành 8-10 rãnh khía theo chiều dọc của lá, đặt lá dâu đã khía lên tờ trứng có tằm mới nở, tằm sẽ bò theo các rãnh khía lên ăn dâu. đợi cho tằm bò hết lên lá dâu, nhẹ nhàng nhấc cuống lá chuyển tằm sang các nong và rắc dâu cho tằm ăn bổ sung.
* Những điều cần chú ý khi băng tằm:
-Thao tác băng tằm phải thật tỉ mỉ, nhẹ nhàng tránh để mất tằm hoặc gây sát thương cho tằm; khi điều chỉnh mô tằm, phải dùng đũa và lông gà, tránh dùng trực tiếp bằng tay.
- Thao tác băng tằm phải thật khẩn trương và kết thúc trong thời gian ngắn, nếu thao tác chậm, tằm sẽ bị đói và phát dục không đều. Trong trường hợp phải băng với số lượng lớn thì phải chia lô cho tằm nở thành nhiều đợt bằng cách điều chỉnh thời gian bật đèn.
Câu 14: Kỹ thuật cho tằm ăn.
Tằm cần được cho ăn đầy đủ về số lượng và đồng đều về chất lượng để giúp tằm sinh trưởng tốt và đồng đều.
a. Thái dâu cho tằm ăn.
* Mục đích của thái dâu:
- Tạo điều kiện cho tằm ăn dâu được dễ dàng, phù hợp với tuổi tằm và ít phải vận động
(thái dâu cho vừa miệng tằm).
- Đảm bảo đồng đều về chất lượng lá dâu ở các vị trí khác nhau trên nong tằm.
* Phương pháp thái dâu:
- Thái lá dâu hình sợi:
Lá dâu được thái thành từng sợi nhỏ giống như sợi thuốc lào. Kích thước lát thái cho tằm từ tuổi 1-3 là: chiều rộng 0,2-0,8cm và chiều dài bằng chiều rộng của lá dâu, đối với những giống dâu có lá lớn thì cần cắt đôi chiều rộng của lá. Thái lá dâu hình sợi tạo được độ thông thoáng trên nong tằm nhưng do chiều rộng lát thái nhỏ nên lá dâu nhanh héo. Vì vậy, phương pháp này được áp dụng ở những vùng khí hậu ẩm ướt.
- Thái lá hình vuông:
Lá dâu được thái thành những lát thái hình vuông, độ lớn mỗi cạnh hình vuông là 1,5-2 lần chiều dài cơ thể tằm. Khi thái dâu hình vuông thường xếp 5-10 lá thành 1 tệp ép phẳng, dùng dao thái theo chiều dọc lá, sau đó dùng một lá nguyên bao ở ngoài và tiếp tục thái theo chiều ngang của lá. Phương pháp này thường được áp dụng để thái lá nuôi tằm tuổi 1-2. Thái dâu theo phương pháp này, lá dâu tươi lâu hơn nhưng không tạo được độ thông thoáng trên nong tằm. Vì vậy, phương pháp này thường được áp dụng ở những vùng có ẩm độ thấp.
- Thái lá hình chữ nhật:
Phương pháp này khắc phục được nhược điểm của cả 2 phương pháp trên. Kích thước lát thái cho tằm tuổi 1 là 4x0,4cm, kích thước thái tăng dần theo kích thước cơ thể tằm. Thường chiều dài của lát dâu bằng 3 lần chiều dài cơ thể tằm và chiều rộng bằng 2 lần chiều rộng cơ thể tằm.
b. Số bữa cho tằm ăn và lượng dâu cho ăn.
- Số bữa cho tằm ăn:
Số bữa cho tằm ăn thay đổi tuỳ theo tuổi tằm và phương thức nuôi tằm. Tằm tuổi nhỏ nếu nuôi bình thường, không che đậy thì cho ăn 7-8 bữa/ngày, nếu nuôi có che đậy thì chỉ cần cho ăn 3-4 bữa/ngày. Tằm tuổi lớn nếu nuôi bằng dâu lá thì cho ăn 5-6 bữa/ngày, nếu nuôi bằng dâu cành chỉ cần cho ăn 4-5 bữa/ngày.
- Lượng dâu cho tằm ăn:
Lượng dâu cho tằm ăn thay đổi tuỳ theo giống tằm, tuổi tằm và thời kỳ ăn dâu của tằm. Giống độc hệ thường lượng dâu cho ăn lớn hơn các giống lưỡng hệ và giống đa hệ. Giống lai ăn nhiều hơn giống nguyên. Tằm tuổi lớn cần lượng dâu nhiều hơn tằm tuổi nhỏ. Trong cùng một tuổi, ở thời kỳ ăn dâu khác nhau yêu cầu lượng dâu khác nhau. Trong mỗi tuổi mức độ ăn dâu của tằm chia làm 4 thời kỳ:
- Thời kỳ ăn ít: Là thời gian bắt đầu băng tằm hoặc khi tằm mới ngủ dậy ở các tuổi. Thời kỳ này bằng 1/4 thời gian ăn dâu của mỗi tuổi. Giai đoạn này, cơ thể tằm còn yếu, miệng tằm chưa cứng cáp. Vì vậy, thời kỳ này nên cho ăn lá dâu non hơn một chút, lượng dâu cho ăn bữa đầu tiên của tuổi sau bằng lượng dâu cho ăn lớn nhất của tuổi trước.
- Thời kỳ ăn tốt: Thời kỳ này, cơ thể tằm cứng cáp dần, khả năng ăn dâu tăng dần. Thời gian thời kỳ này bằng 1/4 thời gian ăn dâu của cả tuổi.
- Thời kỳ ăn mạnh: Thời kỳ này chiếm 3/8 thời gian ăn dâu của mỗi tuổi. Khả năng ăn dâu của tằm rất mạnh, cần đảm bảo cho tằm ăn no bằng cách tăng dần lượng dâu cho ăn ở mỗi bữa. Khi thấy trên nong còn một ít lá dâu thì cho ăn bữa tiếp theo, không để tình trạng lá dâu hết kiệt mới cho tằm ăn bữa sau.
- Thời kỳ ăn giảm: Thời kỳ này chiếm 1/8 thời gian ăn dâu của mỗi tuổi. Trong thời kỳ này tằm mất dần sự thèm ăn và ăn rất ít, lượng dâu cho ăn cần căn cứ vào lượng dâu bữa trước mà giảm đi cho phù hợp, tránh lãng phí dâu.
c. Phương pháp cho ăn:
Lá dâu sau khi thái phải được rũ tơi và trộn đều trước khi cho tằm ăn, khi cho ăn một tay rắc dâu, một tay dàn đều dâu trên nong. Khi cho tằm ăn phải đảm bảo nguyên tắc chỉnh tằm trước khi cho ăn và chỉnh dâu sau khi cho ăn. Cho ăn đến đâu được đến đó, cho ăn nong nào xong nong đó. Trước khi cho tằm ăn nếu gặp thời tiết quá ẩm cần rắc vật liệu hút ẩm lên nong tằm như vôi bột hoặc trấu rang.
Câu 15:Phân tích những biện pháp kĩ thuật càn tác động khi tằm ngủ.
Tằm ngủ, nhìn bề ngoài dường như bất động nhưng thực chất hoạt động thay da lột xác đang được diễn ra trong cơ thể tằm. Trong thời kỳ tằm ngủ cần tạo điều kiện sinh thái thuận lợi cho tằm lột xác thì ở tuổi sau tằm mới phát dục tốt và phát dục đồng đều. Chăm sóc tằm ngủ bao gồm các khâu kỹ thuật chăm sóc trước khi tằm vào ngủ, trong khi tằm ngủ và khi tằm mới ngủ dậy.
Cho tằm ăn trước khi tằm vào ngủ: Trước khi tằm ngủ 1-2 bữa là thời kỳ tằm ăn giảm nhưng lại là thời kỳ tích luỹ dinh dưỡng cho quá trình lột xác. Vì vậy, ở thời kỳ này cần cho tằm ăn lá dâu non hơn, ngon hơn bình thường, thái dâu hình sợi và thái nhỏ hơn.
Thay phân cho tằm trước khi tằm vào ngủ: Cần xác định thời điểm thay phân thích hợp trước khi tằm vào ngủ để nong tằm được khô ráo, sạch sẽ. Nếu thay phân sớm quá, tằm sẽ ngủ trên lớp dâu dày, sau khi lột xác, tằm dễ bị nhiễm bệnh. Nếu thay phân muộn quá, khi một số cá thể tằm đã vào ngủ sẽ ảnh hưởng đến quá trình lột xác của tằm.Tốt nhất là khi thay phân xong cho tằm ăn 1-2 bữa tằm vào ngủ là vừa. để xác định được thời điểm thay phân thích hợp cần phải căn cứ vào những biều hiện của tằm ngủ (cơ thể tròn trịa, da căng bóng, vận động chậm chạp, đầu và ngực ngóc cao, tằm có xu hướng quần tụ thành từng đám).
Phân loại riêng tằm ngủ muộn: đây là khâu kỹ thuật rất quan trọng trong chăm sóc tằm ngủ, nếu khâu này thực hiện không tốt, ở những tuổi sau tằm sẽ phát dục không đều. Khi đa số tằm đã vào ngủ, tiến hành tách riêng tằm ngủ muộn bằng cách đặt lưới rồi rắc dâu, tằm chưa ngủ sẽ bò lên ăn dâu, tiến hành nhấc lưới để chuyển tằm ngủ muộn sang nong khác. Trong trường hợp không có lưới phải bắt bằng tay.
Chăm sóc tằm trong khi tằm ngủ: Thời gian ngủ ở các tuổi là 15-30 giờ tuỳ theo giống tằm , tuổi tằm và nhiệt ẩm độ khi tằm ngủ. Trong khi tằm ngủ cần tạo điều kiện sinh thái thích hợp cho quá trình lột xác của tằm:
+ Nhiệt độ: Khi tằm mới vào ngủ, cần tăng nhiệt độ phòng nuôi lên 0,5oC so với bình
thường để kích thích cho tằm ngủ đều. Khi tất cả tằm đã vào ngủ thì giảm nhiệt độ phòng nuôi xuống 0,5-1oC so với cùng tuổi.
+ Ẩm độ: Thời gian đầu tằm ngủ cần để ẩm độ khô hơn một chút để lá dâu nhanh héo, nong tằm được khô ráo, ẩm độ là 70%. Thời gian cuối của quá trình ngủ cần tăng ẩm độ cao hơn một chút để tằm lột xác được dễ dàng, ẩm độ là 75-80%.
+ Ánh sáng và không khí: Khi tằm ngủ cần đảm bảo yên tĩnh, ánh sáng tán xạ vừa phải và đồng đều; không khí lưu thông nhẹ nhàng. Tránh va chạm mạnh vào nong tằm khi tằm ngủ.
Cho ăn bữa dâu đầu tiên khi tằm mới ngủ dậy: Tiến hành cho tằm ăn bữa dâu đầu tiên khi 90% số cá thể tằm đã dậy. Không nên cho tằm ăn sớm quá khi cơ thể tằm và miệng tằm còn non sẽ ảnh hưởng đến phát dục của tằm, cũng không nên cho tằm ăn muộn quá, tằm sẽ bị đói.
Phân loại riêng tằm dậy muộn: Nếu tằm dậy không đều phải tiến hành tách riêng tằm dậy muộn sang nong khác, thao tác giống như phân loại tằm ngủ muộn.
Thay phân sau khi tằm ngủ dậy: Sau khi tằm ngủ dậy cho ăn được 2 bữa thì tiến hành
thay phân. Nếu thay phân bằng lưới phải tiến hành đặt lưới trước khi cho ăn bữa dâu đầu tiên.
Câu 16:Trình bày Các phương thức nuôi tằm nhỏ và tằm lớn. Thế nào là nuôi tằm kinh tế.
a. Nuôi tằm bằng phương thức che phủ.
Ở phương thức này, khi nuôi tằm tuôi 1-3 người ta dùng những loại vật liệu không thấm nước như: Giấy dầu, Polyetylen che phủ lên nong tằm, làm giảm quá trình thoát hơi nước từ nong tằm ra ngoài giúp lá dâu tươi lâu, giảm được số bữa cho ăn và lượng dâu cho ăn. Phương pháp này được tiến hành như sau:
* Che phủ bằng giấy dầu:
Giấy dầu là loại giấy được tráng một lớp Parafin mỏng. Sau mỗi lứa nuôi tằm có thể dùng khăn ướt lau khô, phơi nắng hoặc tráng lại bằng một lớp Parafin mỏng để dùng nhiều lần. Phương pháp sử dụng giấy dầu: Trải một tờ giấy dầu xuống đáy nong hoặc khay nuôi tằm, đưa tằm vào nuôi trên tờ giấy này và phía trên được phủ bằng một tờ giấy dầu khác. Gấp 4 mép của tờ giấy dầu phía trên và phía dưới để mô tằm nằm gọn trong 2 lớp giấy dầu. Nếu thời tiết quá khô, có thể đặt thêm các miếng mút thấm nước vào xung quanh mô tằm. Khi tằm tuổi 3 thì bỏ tờ giấy dầu lót dưới, chỉ dùng một tờ giấy đậy trên. Nuôi tằm bằng phương thức này, trước khi cho tằm ăn 30 phút và trong thời gian tằm ngủ cần mở tờ giấy dầu đậy trên.
* Che phủ bằng Polyetylen:
Phương pháp tiến hành giống như che phủ bằng giấy dầu nhưng không dùng giấy lót dưới mà chỉ đậy trên.
Nuôi tằm bằng phương thức có che phủ chỉ cần cho ăn 3-4 bữa/ngày do vậy sẽ tiết kiệm được công lao động và lượng dâu ăn.
b. Nuôi tằm trong hộp.
Hộp dùng để nuôi tằm có thể làm bằng gỗ, bằng nhựa hoặc bằng kim loại. Kích thước hộp tuỳ ý nhưng phải đảm bảo độ sâu của hộp là 10-15cm. Các hộp này có thể có nắp đậy hoặc không có nắp.
* Nuôi tằm trong hộp có nắp đậy:
Khi nuôi tằm bằng phương thức này, dưới đáy hộp có lót một tờ giấy dầu, sau đó đưa tằm về nuôi; phía trên đậy một tờ giấy dầu khác. đậy nắp hộp lại và đặt lên trên các giá hoặc đũi. Khi tằm tuổi 3 thì mở nắp hộp. Phương thức nuôi cũng giống như nuôi tằm trong giấy dầu.
* Nuôi trong hộp không có nắp:
Dùng các hộp có kích thước đồng đều nhau. Khi nuôi, các hộp được xếp chồng lên nhau và đặt trên nền nhà, đáy của hộp phía trên sẽ là nắp của hộp phía dưới. Tằm tuổi 1 có thể chồng khít các hộp lên nhau, đến tuổi 2-3 cần tạo ra khe hở giữa các hộp bằng cách đặt vào giữa các hộp những thanh che hoặc thanh gỗ dày 2-3cm. Phương pháp nuôi giống như nuôi tằm trong hộp có nắp.
3.8. Các phương thức nuôi tằm lớn.
a. Nuôi tằm trên nong hoặc khay.
Tằm được nuôi trên các nong hoặc khay nuôi tằm và được đặt trên các giá hoặc đũi 5-
10 tầng. Phương pháp này có thể tận dụng được không gian trong phòng nuôi nên tiết kiệm được diện tích phòng nuôi. Nuôi tằm bằng phương thức này, cho tằm ăn dâu lá hoặc các đoạn cành cắt nhỏ 10-12cm, mỗi ngày cho ăn 5-6 bữa, thay phân 1 lần/ngày vào tuổi 4 và 1-2 lần/ngày vào tuổi 5. Nhược điểm của phương thức này là khi thay phân và cho ăn phải lấy nong hoặc khay từ trên đũi xuống nên tốn nhiều công lao động hơn và chi phí cho mua sắm nong đũi cũng tốn kém hơn.
B. Nuôi tằm trên nền nhà.
Đây là phương thức nuôi tằm ở vị trí cố định, tuỳ theo điều kiện ở từng nơi mà áp dụng một trong hai hình thức sau.
Ở những nơi có diên tích phòng nuôi rộng, nền nhà cao ráo thì có thể nuôi tằm trực tiếp trên nền nhà: Rải tằm xuống nền nhà thành những băng rộng 1,3-1,6m, dài 5-7m tuỳ theo kích thước của phòng, giữa các băng chừa một khoảng rộng 0,6m để đi lại cho tằm ăn và chăm sóc tằm hoặc có thể rải tằm khắp nền nhà và bắc cầu nổi lên trên để đi lại chăm sóc và cho tằm ăn.
Ở những nơi nền nhà thấp, phòng nuôi hẹp thì có thể nuôi trên giá 2-3 tầng, tầng thứ nhất cách mặt đất 0,4-0,6m, khoảng cách giữa các tầng trên là 0,6-0,8m. Giá có thể làm bằng gỗ hoặc tre nứa sau đó trải các tấm phên rồi đưa tằm lên nuôi.
Nuôi tằm bằng phương thức này, cho ăn bằng dâu lá hoặc các đoạn cành cắt nhỏ, cho ăn 4-5 bữa/ngày, thay phân 2 lần ở tuổi 4 và 3 lần ở tuổi 5.
c. Nuôi tằm bằng dâu cành.
Nuôi tằm bằng dâu cành được tiến hành trên nền cố định, cho ăn bằng cả cành dâu (không cắt). Khi cho ăn, xếp cành dâu thành 2 hàng ngược chiều nhau. Nuôi tằm bằng phương thức này, cành dâu tạo được độ thông thoáng trên mô tằm nên có thể tăng mật độ nuôi thêm 50% so với bình thường, thay phân 1 lần ở tuổi 4 và 2 lần ở tuổi 5. Nuôi tằm bằng phương thức này giảm được số bữa cho ăn và số lần thay phân đáng kể. Vì vậy, giảm được 60% công lao động ở tuổi 4, 50% công lao động ở tuổi 5. Tiết kiệm được 25% lượng lá dâu ở tuổi 4 và 10% lượng lá dâu ở tuổi 5. đây là phương thức nuôi tằm phổ biến ở Trung Quốc và Bungari.
Ngoài các phương thức nuôi tằm lớn ở trên, một số nước còn có phương thức nuôi tằm trên hào nông, nuôi tằm ngoài trời nhưng với điều kiện ở những vùng khí hậu khô, ít mưa, chú ý phòng chim, chuột và các loại côn trùng ăn hại tằm.
Câu 17:Trình bày Kỹ thuật cho tằm lên né và trở lửa né tằm. Tại sao phải trở lửa né tằm.
a. Kỹ thuật lên né.
* Né tằm:
Né tằm là nơi cho tằm nhả tơ kết kén. Một né tằm tốt phải đảm bảo những yêu cầu sau: Thuận tiên cho quá trình nhả tơ kết kén của tằm, hạn chế lãng phí tơ, có nhiều điểm bám để cho tằm nhả tơ. Hiện nay ở nước ta có sử dụng nhiều loại né như: né rơm, né sâu róm, né các tông, né Bảo Lộc.
* Thời gian cho tằm lên né thích hợp:
Để xác định thời gian cho tằm lên né thích hợp, người ta dựa vào 2 căn cứ sau:
+ Biểu hiện của tằm chín: ở tuổi 5, khi tằm đã đồng hoá được một lượng chất dinh dưỡng và đạt được sự tăng trưởng tối đa trong thời gian 5-6 ngày đối với giống đa hệ, 7-9 ngày đối với giống lưỡng hệ và độc hệ.Lúc này tằm ngừng ăn dâu, thải phân mềm và ướt, toàn thân căng bóng và trong suốt, có màu trắng trong đối với giống kén trắng và màu vàng ươm đối với giống kén vàng. đầu và ngực tằm ngẩng cao, đưa qua đưa lại bên phải bên trái để nhả tơ. Lúc này cho tằm lên né là vừa.
+ Dựa vào việc quan sát số viên phân còn lại ở cuối bụng tằm: Tằm chín, sau khi thải hết phân thì tằm mới bắt đầu quá trình nhả tơ. Vì vậy người ta dựa vào việc quan sát số viên phân còn lại ở cuối bụng tằm để quyết định thời điểm cho tằm lên né. đối với tằm sản xuất kén ươm, khi cuối bụng còn lại 2-3 viên phân thì cho tằm lên né là thích hợp. đối với tằm giống thì thời điểm cho lên né thích hợp là cuối bụng tằm còn lại 1-2 viên phân. Không nên cho tằm lên né quá sớm hoặc quá muộn.
* Phương pháp lên né:
Có thể lên né bằng tay hoặc lên né tự động.
+ Lên né bằng tay: Dùng tay để bắt tằm lên né.
+ Lên né tự động: Phương pháp này dựa vào đặc điểm của tằm chín là thường có xu tính với ánh sáng màu da cam và có xu hướng bò lên phía trên để nhả tơ. Khi tằm đã chín đồng loạt, tiến hành úp né lên nong tằm, sau 30 phút tằm chín bò hết lên né thì dựng né lên và nhặt bỏ những con tằm xanh bị lẫn trên né. Phương pháp này tiết kiệm được công lao động bắt tằm lên né, nhưng né phải cài chắc và tằm phải chín đồng đều.
* Mật độ lên né:
Mật độ lên né khác nhau tuỳ theo giống tằm, loại né và điều kiện khí hậu. Nếu lên né với mật độ quá dày sẽ làm tăng tỷ lệ kén đôi, kén bẩn, giảm tỷ lệ lên tơ của kén và giảm chất lượng kén. Mật độ lên né thích hợp của một số giống tằm như sau:
Giống đa hệ Việt Nam: 900-1000 tằm/m2 né.
Giống đa hệ Trung Quốc: 800-900 tằm/m2 né. Giống lưỡng hệ Việt Nam: 600-700 tằm/m2 né.
Giống lưỡng hệ Trung Quốc: 500-600 tằm/m2 né.
b. Bảo quản né và sấy né, trở lửa.
Thời gian nhả tơ của tằm là 2-3 ngày tuỳ theo giống tằm và điều kiện nhiệt độ khi lên né. Trong thời gian này cần đảm bảo điều kiện môi trường thích hợp cho tằm nhả tơ. Quá trình bảo quản né có ảnh hưởng quyết định đến chất lượng tơ. Bao gồm các khâu sau:
- Cách chống né: Giai đoạn đầu khi tằm mới lên né, trong 1-2 giờ đầu tằm thường thải phân và bài tiết nước tiểu, do vậy lúc này phải chống né nghiêng một góc 20-25o để toàn bộ phân và nước tiểu thải xuống đất. Khi tằm đã tìm được vị trí thích hợp và bắt đầu nhả tơ thì chống né nghiêng một góc 70-75o để ở nơi bóng râm hoặc ánh sáng tán xạ, tránh chống né thẳng hướng mặt trời.
- Điều kiện nhiệt ẩm độ thích hợp cho tằm nhả tơ: Kén ươm giống đa hệ là 30-35oC, giống lưỡng hệ và độc hệ là 27-28oC, ẩm độ 65-70%. Kén giống nhiệt độ là 22-26oC, ẩm độ 60-70%, sau khi hoá nhộng ẩm độ là 75%.
- Trở lửa né tằm: Trở lửa là biện pháp điều tiết nhiệt ẩm độ thích hợp cho tằm nhả tơ kết kén. Phương pháp này tiến hành như sau: Những ngày trời nắng, sau khi lên né, dựng né ngoài trời để cho tằm nhả tơ, chiều tối đưa né vào phòng trở lửa, đốt lửa để tăng nhiệt độ và giảm ẩm độ.
+ Cách xếp né trong phòng trở lửa: Né được xếp thành 2 hàng xung quanh bếp theo chiều dọc và chiều ngang, né nọ cách né kia 20-25cm, dựng nghiêng sườn né về phía lò than, khoảng cách từ chân né đến lò than khoảng 1,2m; cần đảo né thường xuyên để đảm bảo đồng đều về nhiệt độ.
+ Nhiệt ẩm độ trong quá trình trở lửa: Từ 17-21 giờ nhiệt độ là 30-32oC.
Từ 22-24 giờ nhiệt độ là 33-35oC.
Từ 1-5 giờ nhiệt độ là 35-37oC. Từ 6-14 giờ nhiệt độ là 30-32oC. ẩm độ trong quá trình trở lửa là 65-75%.
+ Thời gian trở lửa:
Với giống đa hệ: Thời gian nhả tơ là 24-36 giờ, trở lửa một đêm. Với giống lưỡng hệ: Thời gian nhả tơ 48-60 giờ, trở lửa 2 đêm.
c. Thu hoạch kén.
Thời gian thu kén thích hợp: Sau khi nhả tơ xong, tằm tiến hành lột xác hoá nhộng. Thời gian thu kén thích hợp là khi tằm đã hoá nhộng và nhộng có màu vàng. Không nên thu kén quá sớm khi tằm chưa hoá nhộng hoặc nhộng còn non, cơ thể mềm dễ bị dập khi va chạm mạnh làm bẩn kén, ngược lại cũng không nên thu hoạch kén quá muộn, không vận chuyển nhanh đến nơi ươm tơ nhộng sẽ hoá ngài, không ươm được. Thời gian từ khi lên né đến khi thu kén tuỳ thuộc vào giống tằm và điều kiện nhiệt, ẩm độ trong thời gian bảo quản né. Thông thường thời gian từ khi lên né đến thu kén của các giống như sau:
Giống đa hệ Việt Nam: 3-4 ngày.
Giống đa hệ Trung Quốc và lưỡng hệ Việt Nam: 4-5 ngày.
Giống lưỡng hệ Trung Quốc 5-7 ngày.
Phương pháp thu hoạch kén: Trước khi thu kén cần nhặt sạch những xác tằm chết trên né, kén mòng, kén nhộng chết và kén bẩn. Khi thu kén, dùng tay nhẹ nhàng gỡ kén ra khỏi né và đặt lên nong thành lớp mỏng tránh ném mạnh làm nhộng bị dập.
Có thể thu hoạch kén bằng máy nếu sử dụng né các tông.
Câu 18:; Một số bệnh chính và côn trùng hại tằm. Biện pháp phòng trừ tổng hợp bệnh hại tằm.
4.1. Bệnh bủng và phương pháp phòng chống
a). Bệnh bủng virus nhân đa diện : NPV ( Nuclera polyhedrosis virus )
b). Bệnh virus tế bào chất đa diện CPV ( Cytoplasmic polyhydrosis virus )
4.2. Bệnh vi khuẩn và phương pháp phòng trừ
a). Bệnh vi khuẩn đường ruột (Bacterial+gastro enteric deseases)
b). Bệnh vi khuẩn độc tố
4.3. Bệnh nấm cứng trắng và phương pháp phòng trừ
4.4. Bệnh tằm gai
4.5. ruồi kí sinh tằm và phương pháp phòng trừ
Câu 19:Trình bày các khâu Kỹ thuật sản xuất trứng giống tằm. Sự khác nhau trong sản xuất giống lai và giống nguyên.
a). Giống cấp II
Giống tằm cấp II áp dụng trong sản xuất của nước ta thường là những giống tằm lai nhị nguyên, tam nguyên, tứ nguyên hoặc ngũ nguyên.
b). Điều chỉnh cặp lai.
Để ghép lai 2 giống, hoặc 1 giống với F1, hoặc 1 F1 với nhau ta phải điều chỉnh cho chúng ra ngài (vũ hoá) cùng ngày. Vì thế điều chỉnh hai vế lai ra ngài cùng ngày là 1 biện pháp kỹ thuật rất quan trọng.
Điều chỉnh cặp lai có thể tiến 1,2,3 hoặc cả 4 giai đoạn: trứng, tằm, nhộng, ngài.
A/. Điều chỉnh giai đoạn trứng:
Điều chỉnh giai đoạn trứng là quan trọng nhất, hữu hiệu nhất.
Muốn điều chỉnh giai đoạn trứng phải nắm được thời gian phát dục các giai đoạn và cả vòng đời của của 2 cặp ghép lai.
B/. Điều chỉnh giai đoạn tằm:
- Có thể hãm lạnh tằm kiến ở 7-100 C không quá 2 ngày.
- Dùng nhiệt độ cao, thấp trong phạm vi thích hợp nuôi tằm để thúc đẩy tằm phát dục nhanh (đối với vế muộn) hoặc làm tằm phát dục chậm lại (đối với vế nhanh).
C/. điều chỉnh giai đoạn nhộng:
- Có thể hãm lạnh nhộng đực ở 50 C không quá 5 ngày, 10-150 C không quá 3 ngày.
- Dùng nhiệt độ cao trong phạm vi thích hợp để thúc đẩy nhộng phát dục nhanh đối với vế muộn.
- Có thể hãm lạnh ngài đực ở 50 C không quá 3 ngày.
D/. Điều chỉnh giai đoạn ngài:
- Có thể hãm lạnh ngài đực ở 10-150 C không quá 3 ngày.
c). Kiểm tra và tuyển chọn kén giống
Thu kén giống: Kén dùng để nhân giống cần được tuyển chọn từ lứa tằm sạch bệnh, chín tập trung, năng suất kén cao đạt tiêu chuẩn làm giống. Lượng thu kén làm giống các vế để ghép lai là bao nhiêu phải căn cứ vào nhu cầu trứng giống. Ngoài ra còn phải căn cứ trọng lư- ợng kén và tỷ lệ nhộng sống - tức là hệ số nhân giống.
Ví dụ:
* Nhu cầu cần sản xuất 1000 vòng trứng lai thuận nghịch 7532 x 932 và 932 x 7532:
- Giả sử hệ số nhân giống cả 2 vế thuận nghịch đều là 10 vòng trứng/kg kén.
- Lượng kén giống cần thu là 50 kg kén 7532 và 50 kg kén 932.
* Nhu cầu cần sản xuất 1000 vòng trứng lai thuận đSK x lưỡng Quảng2:
- Giả sử hệ số nhân giống của đSK là 15 vòng trứng/ kg kén; trọng lượng kén lưỡng Quảng 2 là 1,5 gam, sức sống nhộng,ngài vũ hoá là 80 %.
- Lượng kén giống đSK cần thu là 67 kg, lượng kén giống lưỡng Quảng 2 cần thu là (20.000 x 2 x 1,5 x 100) : 80 = 75 (kg).
d). Phân biệt đực cái.
Muốn ghép lai 2 giống (2 vế ghép lai) cần phải tách riêng đực, cái từng giống. Khi ra ngài lấy cái giống này lai với đực giống kia và ngợc lại có thể lấy cái giống kia lai với đực giống này.
Người ta phân biệt đực cái giai đoạn trứng, tằm hoặc kén-nhộng.
* Phân biệt đực cái giống tằm đánh dấu giới tính: đối với giống tằm đánh dấu giới tính người ta dựa vào đặc trưng màu sắc trứng, hoặc tằm, hoặc kén khác nhau nên tách riêng đực, cái rất dễ dàng. Tuy nhiên những giống này yếu, nuôi tằm rất khó khăn nên ít ứng dụng trong sản xuất.
* Phân biệt đực cái giống tằm thông thường:
+ Phân biệt đực cái giai đoạn tằm:
Dựa vào đặc điểm biểu hiện bên ngoài cơ quan sinh dục đực cái khác nhau của tằm tuổi 5 để phân tách đực cái. đặc điểm tằm cái: Mặt bụng đốt bụng thứ 8,9 ở hai bên trái phải, mỗi bên có 1 đôi chấm trong, Trung quốc gọi là tuyến "thạch độ thị". đặc điểm tằm đực: Mặt bụng giữa đốt bụng thứ 8,9 có 1 chấm tròn trong hình túi gọi là tuyến "thích thị".
Khi phân biệt tằm đực cái cần chú ý:
- Tiến hành phân đực cái từ ngày thứ 2 tuổi 5 đến ngày tằm ăn mạnh cực đại. Bắt tằm lật ngửa bụng, banh 2 chân mông và quan sát nhanh đặc trưng cơ quan sinh dục.
- Nơi phân biệt đực cái cần có ánh sáng đầy đủ.
- Phân biệt nhanh, bắt con nào quan sát con đó, không nên bắt giữ 1 nắm tằm trong tay.
- Cần có nhiều người cùng phân biêt đực cái 1 nong để thời gian kết thúc nhanh, tằm không bị đói.
- Sau khi tằm ăn dâu 1 giờ mới phân đực cái. Tằm đói hoặc nhiệt độ quá cao không nên phân đực cái.
Phân biệt đực cái thời kỳ tằm có u điểm sớm tách riêng đực, cái nên nuôi tằm sinh trư- ởng đồng đều, thuận tiện tăng giảm nhiệt độ, ẩm độ hoặc chế độ ăn để tăng cường hay làm chậm tằm phát dục khi cần thiết điều chỉnh cặp lai.trường hợp nhân giống lai chỉ cần 1 vế thì vế ngược lại có điều kiện kịp thời xử lý lên né lấy kén ươm tơ.
+ Phân biệt đực cái thời kỳ kén- nhộng:
- Phân biệt đực cái thời kỳ kén:
Dựa vào đặc điểm trong cùng 1 giống, cùng ngày chín lên né thông thường kén cái nặng hơn kén đực nên người ta có thể dùng phương pháp cân trọng lượng để tách riêng kén đực và kén cái. ở 1 số nước người ta dùng máy cân trọng lượng phân biệt đực cái. Những xí nghiệp sản xuất trứng giống của nước ta thường dùng cân thiên bình tự tạo để phân biệt đực cái.
Dùng cân phân biệt đực cái cần xác định trọng lượng kén tiêu chuẩn
* Trọng lượng tiêu chuẩn kén cái = (Trọng lượng BQ kén đực cái + trọng lượng BQ kén cái) / 2 , hoặc:
* Trọng lượng tiêu chuẩn kén đực = (Trọng lượng BQ kén đực cái + trọng lượng BQ kén đực) / 2
Giả sử dùng trọng lượng tiêu chuẩn kén cái thì những quả kén nặng hơn hoặc bằng trọng lượng tiêu chuẩn kén cái là kén cái; những kén nhẹ hơn rõ rệt trọng lượng tiêu chuẩn kén cái là kén đực. Những kén có trọng lượng xấp xỉ hoặc hơi nhẹ hơn trọng lượng tiêu chuẩn kén cái là kén trung gian chưa rõ đực hay cái cần để riêng, cắt kén phân biệt nhộng đực cái.
- Phân biệt đực cái thời kỳ nhộng:
Dựa vào đặc trưng nhộng: Nhộng cái to, thân bầu, các đốt bụng lớn, khoảng cách giữa các đốt dài, đuôi tù. Mặt bụng giữa đốt bụng thứ 8 và ranh giới đốt trên, đốt dưới có ngấn X trong suốt. Nhộng đực thân nhỏ, các đốt bụng nhỏ, đuôi thót lại, xít nhau, màu thân tối hơn nhộng cái. ở giữa mặt bụng đốt bụng thứ 9 có 1 chấm lõm trong suốt.
Khi phân biệt đực cái phải cắt kén quan sát đặc trưng nhộng. Có thể dùng lưỡi dao bào, dao con sắc cắt kén. Tuỳ kén to hay nhỏ mà cắt nhát vát 30-45 độ ở đoạn có khoảng cách chừng 2/5 chiều dài kén, không cần cắt đứt vỏ kén .
e). Bảo quản kén giống.
Kén đã tuyển chọn xong, phân đực cái xong cần giàn đều 1 lớp kén trên nong. Các giống (vế lai) để riêng đũi. Nếu số lượng nhiều cần để kén bảo quản riêng phòng cho từng cặp ghép lai. Kén cái để tầng trên, kén đực để tầng dưới sao cho không bị lẫn ngài khi vũ hoá.
Nhiệt độ bảo quản kén giống 24-25 C đối với giống lưỡng hệ, 25-26 C đối với giống đa hệ; ẩm độ 75-80 %.
Hằng ngày kiểm tra ngài phát dục và dự tính ngày ra ngài
g). Điều tiết ngài vũ hóa, cho ngài giao phối và đẻ trứng
- Dùng nhiệt độ cao thấp trong phạm vi thích hợp để điều tiết ra ngài khớp cặp lai.
Ngài vũ hoá buổi sáng. Ngài có xu tính ánh sáng nên để ngài ra tập trung cần bật đèn sáng sớm.
- Ngài vũ hoá ra khỏi vỏ kén sau 5-10 phút là có thể giao phối được ngay.
- Nếu do phân biệt đực cái không chính xác, trong nong kén cái có lẫn kén đực cùng Giống cần phát hiện sớm những con ngài đực lẫn để loại ra. Nếu chúng đã ghép đôi mà thời gian không lâu quá 10 phút có thể tách đôi và vẫn dùng ngài cái đó được. Nếu thời gian giao phối quá 10 phút thì ngài cái đó phải loại bỏ.
Người ta không để cho ngài giao phối tự do mà cần bắt cho ngài giao phối. đối với sản xuất giống lai người ta bắt ngài đực giống này giao phối với cái giống kia và ngược lại.
Bắt ngài cái tốt rải đều trên nong sao cho ngài cái không chạm thân, chạm cánh vào nhau. Loại bỏ ngài xấu bụng phệ, cánh quăn, cánh không cân đối, ngài không có phấn. Sau đó ngài đực được rải đều trên nong ngài cái với số lượng nhiều gấp 1,2 lần số lượng ngái cái.
Sau khoảng 15-20 phút hầu hết ngài đã được ghép đôi. Những ngài "độc thân" được nhặt chuyển sang nong khác cho ghép đôi tiếp. Nong ngài đã ghép đôi giao phối được bảo quản trên đũi yên tĩnh, ánh sáng tán xạ yếu.
- Thực tế ngài khoẻ mạnh giao phối khoảng 30 phút là đã có rất nhiều trứng được thụ tinh nhưng nếu dứt đôi cho đẻ sớm thời gian bắt đầu đẻ trứng và thời gian đẻ trứng kéo dài dẫn đến lô trứng phát dục không đồng đều. Ngược lại nếu để ngài giao phối quá lâu trên 5 giờ sẽ có nhiều ngài tự dứt đôi và đẻ trứng trên nong ngài giao phối gây lãng phí trứng. Thông thường ngài giao phối đủ thời gian 4-5 giờ cần dứt đôi cho ngài đẻ trứng.
Khi dứt đôi dùng tay trái giữ nhẹ thân ngài cái, tay phải túm gọn đôi cánh ngài đực dứt chếch lên 1 góc 20-30 độ. Công việc dứt đôi phải nhẹ nhàng để tránh gây tổn thương cơ quan sinh dục của chúng. Ngài đực đã giao phối loại bỏ hoặc có thể giữ lại để giao phối lần 2.
h). Thu trứng.
Các giống tằm ở nước ta ngài đẻ 1 đêm là xong nên thu trứng 1 lần. Các giống tằm châu Âu ngài đẻ phải 2 ngày. Người ta đã nghiên cứu thấy rằng trứng do ngài đẻ ngày đầu to và nặng hơn trứng đẻ ngày sau. Kết quả nuôi tằm từ trứng đẻ ngày đầu tốt hơn nuôi tằm từ trứng ngài đẻ những ngày sau.Vì thế người ta phải thu trứng riêng từng ngày.
Khi thu trứng giống gốc, cấp I úp ổ đơn cần ghi tên giống, số tờ trứng, đánh số ổ trứng theo thứ tự qui định và bắt từng con ngài cho vào hộp ngài có ngăn ô theo trình tự tương ứng với số trên tờ trứng để sau này chiếu kính kiểm tra ngài bệnh. Nếu là trứng cấp II bắt ngài theo mầu ngẫu nhiên với số lượng khoảng 5 %/ vòng trứng. Ngài cái để chiếu kính kiểm tra bệnh được phơi nắng hoặc sấy khô cho ngài chết từ từ ở nhiệt độ 54-56 0C. Ngài đực loại bỏ hoặc giữ lại để giao phối đợt sau.
Ở nước ta thường thu trứng vào buổi sáng sớm. Sau khi thu trứng xong khoảng 2-4 giờ tiến hành xử lý sát trùng mặt trứng bằng foocmol 2% trong thời gian 20 phút rồi rửa sạch foocmol, hong khô. Nếu sản xuất trứng rời cần đãi rửa trứng trước khi xử lý foocmol. Trứng rời trước khi đưa vào xử dụng phải đóng vào hộp trứng theo số lượng qui định 1-2-3 vòng/hộp tùy theo cơ sở sản xuất hoặc theo yêu cầu người sử dụng.
k). Kiểm tra ngài mẹ.
Chiếu kính ngài mẹ để kiểm tra chủ yếu bệnh gai vì bệnh này có thể truyền nhiễm qua phôi. Cách làm mẫu tiêu bản để chiếu kính như đã trình bày ở chương bệnh tằm.
Các cấp giống khác nhau yêu cầu giới hạn tỷ lệ trứng bị bệnh gai khác nhau. Trứng giống gốc phải đảm bảo tỷ lệ bệnh gai là 0%, trứng cấp I không quá 1%, trứng cấp II không quá 3%. Nếu tỷ lệ trứng nhiễm bệnh gai vượt quá mức qui định phải cắt bỏ ổ bệnh và hạ cấp giống hoặc loại bỏ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top