Chương 27

Trí Tú đứng một mình ở trước cửa phòng bà cả, bàn tay cô đặt lên trên cánh cửa gỗ dày cộm mà lưỡng lự một hồi lâu, song lát sau thì mới dám lấy can đảm gõ gõ vài tiếng mạnh. Cánh cửa phòng mở ra, bà cả vừa nhìn thấy cô thì tự dưng mặt mày tối sầm lại, thái độ giận hờn cứ như là không muốn nói chuyện với cô.

Vẻ mặt bà hậm hực bực mình toan đóng cửa.

- Má! Má đừng giận, nghe con tỏ rõ ngọn ngành đi mà má.

Trí Tú vịn vội cánh cửa phòng không cho bà cả đóng lại, vẻ mặt van cầu xuống giọng nài nỉ với má mình.

- Tỏ gì? Định xin tui cho mấy người ra Hà Nội học tiếp chớ chi?

- Má.

Trí Tú nhẹ giọng nỉ non gọi bà một tiếng, cô xuống nước chỉ mong bà chịu nghe lời cô nói.

- Con biết là mấy năm rồi má trông con mà giờ con còn đòi đi nữa nên má buồn, má giận. Nhưng mà má, con mà đi học chuyến này cũng chỉ mất thêm có vài năm, khi nào thi đậu Kinh lý rồi con sẽ về luôn với má. Má chịu cho con đi đi mà má. Nha má?

Bà cả liếc mắt lườm cô, vì mong con nên bà lại càng không nhân nhượng.

- Biết tui trông mà cậu ba chưa về đã lại đòi đi tiếp, cái bằng tú tài sắp tới cậu đem về còn chưa đủ vẻ vang sao? Tội tình gì phải đem thân ra ngoài đất bắc xa xôi mần chi cho cực thân cậu, cực thân tui phải mòn mỏi mong con?

Bà cả giận lắm, giận ở đây là giận cái hoàn cảnh éo le của chính bản thân mình. Sống ở trên đời bà sợ nhất là nỗi sợ mất con, đã hai lần rồi bà phải tận mắt nhìn thấy con mình rời xa vòng tay mẹ, đứa thì mất, đứa lại bị người ta bắt đem đi sống chết thế nào không rõ. Tới Trí Tú thì bà mới được nuôi nấng cô tới tận ngày khôn lớn. Năm đó cho cô đi học dầu là đồng ý nhưng bà cũng đã đắn đo rất nhiều, song vì thương con, muốn cho cô được toại cái chí học hành cho nên mới bấm bụng để cô rời xa tầm mắt. Cứ tưởng là hết năm sau cô sẽ trở về nhưng bây giờ cô còn đòi đi xa hơn. Bà lại phải sống trong lo lắng thêm mấy năm trường đăng đẵng, làm sao mà bà chịu?

- Thôi cậu ba đi về đi, tui không có muốn nghe cậu nói chuyện này nữa đâu. Chừng nào mà cậu bỏ cái ý định đó đi rồi hẵng tới nói chuyện với tui.

Nói rồi bà cả đóng sầm cửa lại, bỏ mặc Trí Tú ở bên ngoài gõ cửa gọi bà. Nhưng dầu cô có gọi nhiều bao nhiêu cũng vô dụng, xem ra lần này bà cả kiên quyết thiệt rồi, ngay cả lúc nói chuyện bà cũng gọi cô là "cậu ba" này, "cậu ba" nọ, không phải là giận cô ra mặt thì là gì? Gọi hoài không được nên Trí Tú mới thở dài thậm thượt, thôi thì chỉ đành tạm gác lại việc nỉ non mà vác cái vẻ mặt buồn thiu thỉu đi về phòng mình chớ biết làm sao.

Trân Ni cầm cây chổi chà đứng nép ở phía cuối hàng ba, lặng lẽ nhìn theo bóng lưng gầy buồn bã của Trí Tú. Mọi chuyện vừa nãy vì vô tình mà em đều nghe thấy hết cả....


Trí Tú diện áo sơ mi quần tây tươm tất, trông tư chất lại nho nhã thư sanh vừa nhìn vào đã biết ngay là người có ăn có học. Cô chầm chậm dắt chiếc xe đạp mới từ dưới nhà sau ra sân, vừa định leo lên thì lại nghe tiếng cậu hai Minh í ới từ trong nhà gọi lại.

- Tú, Tú! Mày định đi đâu đó?

- Dạ? Em định ra tiệm sách một lát, anh hai hỏi có chuyện chi?

- Tiệm sách lớn ở ngoài chợ huyện hả?

- Dạ đúng rồi.

- Vậy sẵn mày chở tao ra chợ giùm đi.

- Anh hai ra chợ làm chi vậy? Anh muốn mua gì để em mua giùm luôn cho.

Cậu hai xua tay từ chối.

- Có mua cái giống gì đâu, tao ra ngoải chơi chút thôi, đi ngựa rườm rà quá nên sẵn mày ra ngoải thì cho tao đi nhờ.

- Dạ, vậy thì anh lên xe em chở luôn.

Nói rồi Trí Tú xoay người trèo lên xe đợi sẵn, cậu hai Minh thấy vậy cũng vội đi tới ngồi lên cái ba ga xe, còn đang loay hoay nhớm tới nhớm lui tìm thế ngồi sao cho êm thì xớn xác thế nào cậu lại vịn tay vào ngay hông Trí Tú. Trí Tú giật bắn người hót luôn xuống khỏi xe, bỏ cậu hai Minh ngồi ở trên xe tự chống chân một mình nhìn cô mà ngơ ngác.

- Cái gì mà mày giật mình dữ vậy?

- Tự... tự dưng anh hai vịn eo em mần chi?

- Thì tao vịn đặng kiếm thế ngồi cho khỏe thôi chớ chi?

Cậu hai nhìn cô cứ dụ dự đứng đó xớ rớ thì mới tò mò, nhếch môi cười hỏi.

- Đừng nói có vậy thôi mà mày phóng xuống xe đó nghen?

- Đâu... đâu có.

- Hông có thì leo lên lẹ coi, nôn đi chơi mà đợi mày lâu lắc quá.

Trí Tú nghe cậu hối mới rục rịch trèo lại lên xe, nhưng thái độ vẫn còn dè chừng ghê lắm. Cậu hai thấy cô như vậy thì bĩu môi chán chường, thầm mắng cô là đờn ông con trai gì mà cứ khép nép như tụi con gái. Cậu nào có biết Trí Tú vậy mà mới thở phào nhẹ nhõm đâu. Cũng may vừa rồi cậu hai chưa kịp chạm tới lớp vải bó ngực nằm ẩn dưới áo sơ mi của cô, tay của cậu chỉ cần đặt cao lên tí nữa thì có khi là bí mật của cô đã bị cậu phát hiện ra rồi.

- Anh hai đừng có vịn em nữa nghen, em nhột em buông tay là té hết hai đứa đó.

- Biết rồi mày ơi, lèm bèm mệt quá.

Trí Tú ngồi trên yên xe bắt đầu hì hục đạp, cũng phải chật vật một hồi thì cô mới có thể làm cho chiếc xe lăn bánh được đó đa. Cô mệt, thở phù phù nhìn mà thấy tội, vừa đạp lại vừa ráng cất giọng hỏi cậu hai đang ung dung ngồi ở đằng sau.

- Sao mà anh hai nặng dữ vậy?

- Tao to cao vầy thì nặng là phải rồi, chớ ai mỏng dánh như mày?

- Anh to cao vậy sao hông chở em đi mà bắt em chở anh?

- Tao có tập xe hồi nào đâu mà biết chạy. Tao mà chạy được thì cũng chở mày luôn rồi chớ ai thèm để mày chở mần chi, đồ con trai gì đâu mà yếu nhớt.

- Ờ, chê cho dữ vô. Cái đứa yếu nhớt này đang còng lưng ra chở anh đây nè.

- Nói nhiều quá, lo đạp xe đi mày! Nói nữa tao đập mày giờ.

- Người ta chở đi mà còn đòi đánh nữa hả trời. Sao mà anh hai ngang ngược vậy?

- Chở thì chở, đánh thì vẫn đánh. Ai kêu làm em thì ráng chịu.

Hai anh em chí chóe suốt cả đoạn đường dài từ nhà ra tới tận ngoài chợ huyện, có lẽ do lâu ngày gặp lại nên hai cái miệng cứ tía lia như là hai con chim chích. Đạp xe thì chẳng mệt là bao nhiêu nhưng cãi qua cãi lại một hồi mới có cái đặng cho hai anh em nhà này mất sức. Tuy miệng thì Trí Tú cằn nhằn vậy đó chớ mà vẫn cố gồng cơ chân lên đặng chở cậu hai Minh. Đi được tới chỗ quán rượu thì cậu hai mới kêu cô dừng xe lại.

Trong quán đầy rẫy những kẻ say sưa chè rượu, cái không khí huyên náo của những người tỉnh lẫn người say hết thảy tạo nên một khung cảnh ồn ào hỗn loạn.

Cậu hai bước xuống xe, phủi phủi quần áo cho gọn gàng rồi chuẩn bị bước vào trong. Còn chưa kịp nhấc chân đã liền có người phụ nữ nào từ bên trong chạy ra mà niềm nở, trông có vẻ như là bà chủ của nơi này.

- Cậu hai tới chơi. Mấy cậu đợi cậu nãy giờ ở trong đó.

Người phụ nữ xởi lởi chào cậu hai xong lại ghé mắt nhìn thấy Trí Tú diện mạo đường hoàng, da trắng mặt đẹp thì mỉm cười ưng ý hỏi.

- Cậu đẹp trai này là ai vậy, bạn mới của cậu hai chăng? Miễn có rảnh thì mời vô trong chơi cùng cậu hai một bữa... cho vui.

Ả ta vừa nói cũng vừa đặt khuỷu tay mình lên cổ xe của Trí Tú mà tựa người ngả ngớn, hai mắt lúng liếng đưa tình nhìn cô mà bày ra vẻ lẳng lơ, bàn tay ả còn không đàng hoàng mà mon men muốn nhích lại gần tay Trí Tú. Trí Tú nhìn thì đã không ưa, mới vội rút tay về rồi nét mặt lộ ra điều khó chịu.

Cậu hai Minh bên này chợt lại khẻ vào mu bàn tay ả đờn bà kia một cái chát như răn đe. Cậu hất mặt, kiêu căng nhìn ả ta bằng nửa con mắt mà cất giọng.

- Em tui đi học Sài Gòn về chơi dăm ba bữa, là đứa đứng đắn, không phải hạng sỗ sàng mà muốn làm gì thì làm.

Dứt lời chỉ thấy ả ta phụng phịu xoa xoa bàn tay mình rồi bĩu môi hờn dỗi, biết cậu hai là đang nhắc nhở mình không xứng với người ta nên sau đó tự khắc cũng rụt tay về không bày trò trêu ghẹo Trí Tú nữa.

Cậu hai bấy giờ mới quay qua nhìn Trí Tú, giọng cậu cứng cỏi.

- Có đi đâu thì đi đi, tao chơi tới trưa tao về.

Trí Tú gật đầu, vừa định rời khỏi đây thì lại thấy người đờn bà kia ỏng ẹo đá mắt với mình nên mặt liền trở lạnh mà đâm đầu đi thẳng. Cô thiệt tình không hiểu, thân đờn bà ở cái xã hội này còn chưa đủ thấp kém hay sao mà lại có người tự hạ thấp mình bởi cái tánh trăng hoa trắc nết. Ả ta thì như vậy, nếu đem đi so thì rõ ràng là thua xa Trân Ni ở nhà cô, em ngoan hiền đức hạnh biết bao nhiêu mà nói. Không biết cậu hai nghĩ gì mà cứ chê bai em trong khi bản thân lại có thể qua lại với hạng người như vậy.

Thiệt tình không nói nổi.

.............

Cũng lâu rồi ông đốc tờ Liêm mới có dịp ghé chơi nhà ông hội. Nhân buổi đẹp trời, ông Liêm mang theo giỏ trái cây ngọt lành tới nhà thăm gia đình ông bạn, được ông hội đồng hẳn hoi tiếp đón nồng hậu. Trà nước đàng hoàng, hai ông đờn ông thong thả ngồi ở bàn dài nhâm nhi miếng trà miếng bánh mà trò chuyện với nhau. Đoạn ông hội đồng cười nói.

- Lâu nay mới có dịp ông ghé nhà tui, thiệt cũng là chuyện vui hiếm có.

- Mấy năm này tui cứ chạy đi chạy lại trên Sài Gòn nên nhiều khi không có ở đây, thành ra mới không thể thường xuyên tới thăm ông cùng gia đình cho đặng. Nói mong ông tỏ để mà đừng trách giận tui.

Ông Liêm nói rồi mỉm cười đôn hậu. Tuy hai người trạc tuổi với nhau nhưng ông hội đồng sống ở thôn quê riết rồi cũng quen nề nếp của thôn quê, mặc áo bà ba rồi đi guốc mộc. Còn ông đốc tờ lại ăn mặc theo lề lối của phương Tây, áo trắng quần âu mang giày Tây lịch lãm, cằm thì láng o không có lấy một cọng râu nên nhìn có vẻ trẻ hơn ông hội đồng ít nhất là vài tuổi.

- Tui nào dám trách giận chi đâu mà ông phải sợ. Cũng nhờ ông mấy năm nay lên xuống Sài Gòn nên thằng ba nhà tui mới có người để ý thăm nom, tui biết ơn ông còn chưa hết nữa là.

Ông hội tươi cười thoải mái trò chuyện với người bạn lâu năm, chợt lại nghe ông Liêm thở dài tỏ rõ.

- Thiệt ra bữa nay tui tới trước là để thăm ông và gia đình, sau là để từ biệt.

Ông hội nhíu mày thắc mắc.

- Ông định đi đâu sao?

- Ngoài Hà Nội người ta mới gởi tin vào cho tui, họ đang thiếu người nên chừng mai mốt đây tui phải ra ngoải đặng mà dạy nghề y cho mấy đứa nhỏ. Chắc là sắp tới không để mắt tới cậu ba giùm ông được nữa rồi.

- Ông nói thiệt vậy sao?

Ông hội đồng ngạc nhiên song lại vui mừng khi nghe bạn mình báo tin, thấy như vậy ông Liêm cũng tò mò đôi chút.

- Có chuyện chi mà coi ông vui mừng lung vậy?

- Nói nào ngay, mấy bữa trước thằng nhỏ vừa mới thưa tui là nó học xong chuyến này thì cho nó ra ngoài Hà Nội học nghề Kinh lý. Tui mới vừa ưng xong, giờ thì nghe ông báo ông cũng sắp phải ra ngoài đó.

- Thiệt vậy đa? Vậy thì coi ra tui với thằng nhỏ cũng thiệt có duyên.

- Ờ, phải, phải.

Ông hội đồng gật gù công nhận, nhưng chỉ một lúc sau thì đã chuyển sang thở dài không biết là lo nghĩ chuyện gì.

- Sao mới cười đó rồi lại rầu đó vậy?

Nghe ông đốc tờ hỏi, ông hội đồng vẻ mặt trầm tư rồi nói thiệt.

- Thiệt ra chuyện đi học của thằng nhỏ tui thì ưng rồi, còn có má nó, bả mong nó về nhà ở cả mấy năm nay, giờ nó xin đi nữa nên thành ra bả hông chịu, rồi bả hờn luôn thằng nhỏ.

Nghe ông hội đồng kể vậy thì ông Liêm cũng thở dài. Tánh tình bà cả xem ra vẫn như hồi đó, rõ ràng rất hiểu chuyện nhưng khi bướng rồi thì chẳng chịu nghe ai. Quen biết lâu rồi nên ông cũng hiểu, mấy ngày nay chắc là Trí Tú cũng khó xử với bà.

- Thiệt tình thì qua lại bấy lâu nay tui cũng quý Trí Tú nhiều lắm, thời gian vừa rồi cũng mến tay mến chân, phải mà hông gặp nữa thì tui cũng buồn. Không biết thằng nhỏ bây giờ đâu rồi đa?

- Nó nói là ra ngoài tiệm sách mua đồ đạc chi đó nên xách xe đi từ sớm rồi. Thấy cũng tội nghiệp, về chơi có mấy bữa đâu mà bị má nó hờn hông thèm nói chuyện.

Ông Liêm tai nghe mà óc lại suy nghĩ thử một hồi, khuôn mặt chữ điền thoáng vẻ trầm ngâm xong rồi thì đưa ra quyết định.

- Ông cho phép tui xin gặp bà lớn, dầu gì cũng chỗ thâm tình, để tui thử thuyết phục bà ấy một lần coi sao.

Ông đốc tờ Liêm sau khi được phép thì thủng thẳng đi ra phía sau vườn. Số là ông hội đồng có việc phải ra ngoài nên trò chuyện với bạn xong cũng kiếu mà đi trước, chuyện thuyết phục bà cả đều trông chờ vào ông Liêm cả. Ông đi được vài bước băng qua khoảng sân lát gạch tàu sạch bóng, vừa ngước mắt đã nhìn thấy cái nhà thủy tạ bắt ra giữa cái hồ ở sân nhà sau, bà cả đang thong dong ngồi thêu khăn ở đó.

Ông khẽ khàng cất bước, mũi giày Tây hướng về phía nhà thủy tạ mà âm thầm đi tới chỗ của bà cả. Đứng nhìn bóng lưng bà cả từ phía sau, ông Liêm thấy nó sao mà gầy gò nặng nhọc tựa như chở những u buồn không thể san sẻ cùng ai, chợt ông mới khẽ thở dài mà dịu giọng.

- Thương!

Bà cả đột nhiên dừng ngay lại mũi kim đang thêu dỡ, trong lòng như vừa bị đánh động bởi tiếng gọi thân quen, một cái tên mà đã từ rất lâu rồi bà chưa từng nghe lại.

- Anh Liêm ghé chơi đó đa? Ông hội không có trong nhà hay sao mà anh ra tận ngoài này vậy?

Bà cả đưa mắt ngó vào trong nhà, ông Liêm nghe rồi mới cười đáp.

- Tui với ông hội đã nói chuyện xong rồi, ra đây cốt là để kiếm Thương có chuyện muốn nói.

- Kiếm tui?

- Phải.

Ông Liêm gật đầu điềm đạm, bà cả ngờ ngợ một hồi xong cũng nhẹ giọng đáp.

- Anh ngồi đi rồi mình nói.

- Cám ơn Thương.

Ông Liêm chủ động đi tới ngồi xuống đối diện bà cả, bà cả dẹp qua mớ chỉ vải mà rót cho ông Liêm một ly trà cho phải phép, ôn tồn hỏi.

- Không biết có chuyện chi mà nhọc công anh phải ra tận ngoài này?

Ông Liêm cười phớt qua, đáp lẹ.

- Tui tìm Thương để nói chuyện cho cậu ba Tú đi học nghề Kinh lý.

Bà cả nghe xong cười nhàn nhạt, ánh mắt chẳng có chút bất ngờ như là bà sớm đã đoán trước được mục đích ông đốc tờ tìm tới đây.

- Ông hội đã nói cho anh nghe rồi đa?

- Phải. Mới vừa nói khi nãy thôi.

Ông Liêm nhìn gương mặt bà cả không biến sắc thì mới hắng giọng mở lời.

- Chắc Thương đang nghĩ là tui nhiều chuyện, nhưng thiệt tình tui coi Trí Tú cũng như con cháu trong nhà nên mới mạo muội. Nó rất sáng dạ, Thương có nghĩ mình nên để thằng nhỏ học cao hơn nữa mới đáng với nó không?

Bà cả lại cười hời hợt, có vẻ như lời ông đốc tờ nói vẫn chưa thể thuyết phục được bà.

- Anh thương Trí Tú thì tui biết ơn nhiều lắm, nhưng còn chuyện cho nó đi học thì thứ cho tui không thể đồng tình.

- Vướng mắc chi mà Thương cương quyết vậy?

- Chắc anh cũng biết Trí Tú nó quan trọng với tui tới chừng nào, thân nó ốm yếu hay bệnh, để nó đi xa như vậy tui thiệt hổng có yên tâm. Nhà này cần một ông quan Kinh lý để đánh bóng mặt mày chớ tui thì chỉ cần Trí Tú con tui nó về với tui thôi.

Bà cả thẳng thắn trải lòng với người bạn cũ, người mà bà đã coi quý như là anh ruột của mình suốt mấy mươi năm. Ông Liêm nghe thì cũng hiểu lòng bà nhưng thiệt tình ông cũng muốn giúp cho Trí Tú được thỏa lòng mong ước.

- Nhưng mà thằng nhỏ học thêm cũng chỉ mất có vài năm, Thương thiệt là hông muốn suy nghĩ lại hay sao?

- Vài năm hay vài ngày cũng có khác chi đâu? Anh là đốc tờ thì chắc cũng biết mà, lỡ một giây thôi thì cũng đã đi xa rồi.

Nói xong rồi bà cả mới đứng dậy, xách cái giỏ kim chỉ của mình rồi đon đả mỉm cười với ông Liêm, dịu giọng.

- Anh thủng thẳng ở chơi, chắc lát nữa thôi là ông hội về tới. Tui vô trong coi gói chút mứt dừa biếu anh đem về bên nhà uống nước.

Nụ cười bà cả tuy ngọt nhưng sao lại xa vời quá, lời nói của bà trầm lặng không còn giống như ngày trước lúc nào cũng trong trẻo vui tươi. Ông Liêm không biết liệu có phải thời gian đã khiến cô hai Thương ngày nào thay đổi.

- Thương....

Ông đứng dậy nhìn theo bóng bà cả mà day dứt, chợt thấy bà cũng tạm thời nán lại, nhưng rồi bà cả không hiểu sao lại cong môi cười chua chát.

- Anh Liêm đừng kêu tui bằng tên nữa, bởi cô hai Thương ngày trước.... đã chết rồi.

Bà cả một bước quay đi bỏ lại ông đốc tờ đứng tần ngần trong cái nhà thủy tạ. Gió dưới hồ thổi lên rõ ràng mát mẻ nhưng ông lại thấy lạnh lẽo vô cùng, bụng dạ ông ngổn ngang, vừa rồi lòng ông chợt nhói lên như là dao cứa. Phải rồi, cô hai Thương mà ông quen biết từ lâu đã không còn nữa, người trước mặt ông khi nãy chẳng qua là bà cả của nhà hội đồng tỉnh mà thôi....













____________

Rồi luôn, má giận rồi. Dỗ má đi thôi.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top