Dau hieu sinh ton

1

1

THEO DÕI DẤU HIỆU SINH TỒN
1. TẦM QUAN TRỌNG
- Giúp cho Điều dưỡng lập kế hoạch chăm sóc toàn diện cho từng bệnh nhân.
- Giúp Thầy thuốc chẩn đoán và điều trị bệnh toàn diện.
- Giúp Điều dưỡng viên phát hiện sớm biến chứng, cấp cứu kịp thời và dự phòng tai biến.
- Tạo mối quan hệ gần gũi, cảm thông giữa bệnh nhân và Điều dưỡng. Tăng lòng tin tưởng của bệnh nhân với Điều dưỡng.
2. NHIỆT ĐỘ
2.1. Khái niệm về thân nhiệt:
· Thân nhiệt là nhiệt độ của cơ thể. Nó khác nhau tùy theo từng vùng của cơ thể: cao nhất là nhiệt độ của gan - là trung tâm quan trọng của chuyển hóa các chất trong cơ thể; máu có nhiệt độ thấp hơn - là trung gian vận chuyển nhiệt trong cơ thể; cơ có nhiệt độ thay đổi tùy theo mức độ hoạt động; da có nhiệt độ thấp nhất của cơ thể.
· Cân bằng thân nhiệt:
- Quá trình sinh nhiệt và quá trình thải nhiệt.
- Trung tâm điều hòa nhiệt nằm ở vùng dưới đồi.
- Quá trình sinh nhiệt và quá trình thải nhiệt hoạt động bình thường khi trung tâm điều hòa nhiệt, các vùng cảm thụ nhiệt, đường dẫn truyền thần kinh toàn vẹn.
2.2. Nhiệt độ bình thường
- Nhiệt độ bình thường: Giới hạn bình thường: 36o - 37oC.
- Thân nhiệt trung tâm: Đo ở những vùng nằm sâu trong cơ thể. Là nhiệt độ trực tiếp có ảnh hưởng tới tốc độ các phản ứng sinh học xảy ra trong cơ thể, là mục đích của hoạt động điều nhiệt và ít thay đổi theo nhiệt độ của môi trường.
· Thân nhiệt trung tâm thường đo ở:
- Đo ở hậu môn: thường hằng định nhất, bình thường chỉ dao động trong khoảng 36o3 - 37o1 C.
- Nhiệt độ đo ở miệng thường thấp hơn nhiệt độ đo ở hậu môn từ 0,2- 0,6oC.
- Nhiệt độ đo ở nách thường thấp hơn nhiệt độ đo ở hậu môn từ 0,5-1oC
· Thân nhiệt ngoại vi: đo ở da chịu ảnh hưởng của nhiệt độ môi trường nhiều hơn, có thể dùng để đánh giá hiệu quả của hoạt động điều nhiệt. Thân nhiệt ngoại vi cũng thay đổi theo vị trí đo:
- Nhiệt độ đo ở trán khoảng 33o5 C
- Nhiệt độ đo ở lòng bàn tay khoảng 32o C
- Nhiệt độ đo ở mu bàn chân khoảng 28o C
2.3. Những yếu tố ảnh hưởng đến nhiệt độ (Những thay đổi sinh lý)
· Nhiệt độ trong ngày:
- Buổi sáng lúc ngủ dậy thì nhiệt độ thường thấp hơn nhiệt độ bình thường (thấp nhất lúc 3-6 giờ sáng) chưa có sự hoạt động của cơ, chuyển hoá cơ bản thấp khi ngủ, nhiệt độ môi trường thấp.
- Buổi chiều nhiệt độ thường cao hơn nhiệt độ bình thường (cao nhất lúc 14-16giờ) do vận cơ, chuyển hóa của cơ thể, nhiệt độ môi trường cao.
· Theo tuổi:
- Người già nhiệt độ thường thấp (do giảm hoặc mất các tổ chức dưới da, lưu lượng máu giảm do thay đổi tổ chức thành mạch xơ cứng, hoạt động của cơ thể người già hạn chế, tạo nhiệt ít đi vì vậy thân nhiệt hạ thấp.
- Trẻ nhỏ < 1 tuổi, đặc biệt trẻ đẻ non, thường có sự dao động đáng kể về thân nhiệt và dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ môi trường.
· Theo chu kỳ kinh nguyệt và thời kỳ mang thai: (ảnh hưởng của nội tiết)
- Trước khi rụng trứng nhiệt độ hơi giảm một chút và tăng lên 0,3-0,5o C khi trứng rụng.
- Trong tháng cuối khi mang thai, thân nhiệt tăng 0,5o - 0,8o C.
· Hoạt động thể lực, lao động, thể dục thể thao, làm việc nặng, xúc động, ăn uống nhiệt độ cao hơn bình thường (do sự hoạt động của các cơ lớn nên sinh một lượng nhiệt nhiều hơn, do sự đốt cháy glucose và mỡ của các tổ chức, cơ hoạt động đã tạo ra nhiệt nên khi bị lạnh vận động để cơ thể ấm lên.
· Nhiệt độ môi trường cũng ảnh hưởng tới thân nhiệt: trong môi trường quá nóng hoặc quá lạnh, thân nhiệt cũng có thể tăng lên hoặc giảm đi nhưng không nhiều.
2.4. Nhiệt độ không bình thường
2.4.1. Tăng thân nhiệt: Sốt
Định nghĩa: Sốt là tình trạng tăng thân nhiệt do rối loạn trung tâm điều hoà nhiệt, trước tác dụng của các yếu tố có hại, thường nhất là yếu tố nhiễm khuẩn. Đó là một phản ứng thích ứng toàn thân của động vật máu nóng và của người.
- Trên lâm sàng: Sốt là tình trạng nhiệt độ của cơ thể lên cao quá mức bình thường (trên 370C đo ở trực tràng).
- Sốt cao > 41,1oC : Tổn thương hệ thần kinh.
- Sốt cao > 42oC: Nếu không điều trị kịp thời tử vong sau vài giờ.
· Nguyên nhân:
- Nhiễm khuẩn toàn thân hoặc cục bộ.
- Rối loạn nội tiết: như bệnh cường tuyến giáp trạng...
- Rối loạn thần kinh: tổn thương trung tâm điều nhiệt (chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, đau đớn quá mức).
- Sốt do protein lạ: đưa từ ngoài vào như sữa, xác vi khuẩn...
- Protein nội sinh (xuất huyết mô, hoại tử tổ chức...).
- Sốt do tác dụng của thuốc kích thích trung tâm điều nhiệt, hạn chế thải nhiệt như cafein, phenamin...
· Phân loại sốt:
* Theo mức độ: Sốt nhẹ : 37o5 - 38o C
Sốt vừa : 38o5 - 39o C
Sốt cao : 39o - 40o C
Sốt quá cao: > 40oC
* Theo diễn biến: Dựa trên biểu đồ theo dõi nhiệt độ gợi ý tìm nguyên nhân của sốt.
- Sốt liên tục: biểu diễn nhiệt độ hình cao nguyên, nhiệt độ cao suốt ngày, buổi sáng và buổi chiều chênh lệch < 1o C (thường gặp trong bệnh thương hàn, viêm phổi...).
- Sốt dao động: biểu diễn nhiệt độ thành đường có hình tháp trong đó quá trình sốt gồm có nhiều cơn, giữa các cơn có thể:
˚ Nhiệt độ không xuống hẳn bình thường mà 37o2 - 37o5 C: nhiễm trùng máu.
˚ Nhiệt độ xuống hẳn bình thường: từng cơn rõ ràng, ngoài cơn nhiệt độ bình thường người bệnh cảm thấy khoẻ mạnh. Sốt cơn theo giờ nhất định P. flacifarum, sốt cách nhật P. Vivax.
- Sốt hồi qui: sốt thành từng đợt, mỗi đợt kéo dài 7-10 ngày. Kế tiếp một đợt như vậy không sốt. Sau đợt này lại có một đợt sốt khác kế tiếp. Điển hình bệnh sốt hồi qui.
· Các giai đoạn của quá trình sốt.
- Giai đoạn sốt tăng: quá trình sinh nhiệt tăng và quá trình thải nhiệt giảm. Bệnh nhân có triệu chứng run rẩy, sởn da gà, rung cơ và da tái nhợt, tư thế co quắp, không tiết mồ hôi.
- Giai đoạn sốt đứng: quá trình sinh nhiệt vẫn tăng và quá trình thải nhiệt cũng tăng. Do giãn mạch toàn thân nên da bệnh nhân trở nên đỏ và nhiệt độ ngoại vi tăng.
- Giai đoạn sốt lui: quá trình thải nhiệt chiếm ưu thế. Bệnh nhân ra nhiều mồ hôi, thở sâu, thở nhanh, mạch ngoại vi giãn
2.4.2. Giảm thân nhiệt
· Định nghĩa: là tình trạng nhiệt độ cơ thể dưới mức bình thường < 36oC (đo ở trực tràng).
· Nguyên nhân giảm thân nhiệt:
- Bệnh nhân hậu phẫu.
- Toát mồ hôi nhiều
- Mất máu nhiều
- Cơ thể quá yếu (suy kiệt)
- Hệ thần kinh bị ức chế quá mức
- Trong các trường hợp bệnh lý rối loạn chuyển hóa nghiêm trọng như các bệnh xơ gan, đái tháo đường, suy dinh dưỡng.
- Do nhiệt độ môi trường bên ngoài quá thấp gây nên sự chênh lệch nhiệt độ quá khả năng sản nhiệt cơ thể bị nhiễm lạnh quá lâu.
2.5. Đo nhiệt độ cơ thể:
· Dụng cụ: nhiệt kế Y học.
- Cấu tạo và nguyên tắc hoạt động của nhiệt kế thủy ngân:
˚ Cấu tạo gồm một ống thủy tinh chân không nhỏ nối liền với bầu thủy ngân.
˚ Một bầu đựng đầu thủy ngân.
˚ Đằng sau ống thủy tinh nhỏ ấy có gắn bảng chia độ được giới hạn từ 35o đến 42o theo độ bách phân. Có vạch chia từ 1/10 - 1/5 độ.
˚ Ngoài cùng là một ống thủy tinh bao bọc.
- Hoạt động: khi đặt nhiệt kế (bầu thủy ngân) vào chỗ nóng, thủy ngân trong bầu bị nở ra tràn vào ống thủy tinh nhỏ. Sau một thời gian lấy nhiệt kế ra, thủy ngân không tụt xuống bầu được dù nhiệt bên ngoài đã thay đổi (nhờ cấu trúc giữa bầu thủy ngân và ống thủy tinh có một chỗ thắt nhỏ).
- Các loại nhiệt kế:
˚ Loại bầu thủy ngân tròn: đo nhiệt độ ở nách
˚ Loại bầu thủy ngân mảnh và dẹt: đo nhiệt độ ở hậu môn.
˚ Loại bầu thủy ngân hình quả lê: đo nhiệt độ ở miệng
˚ Nhiệt kế hóa học, nhiệt kế điện tử.
· Vị trí đo nhiệt độ: (Hố nách, miệng, hậu môn)
- Miệng: bệnh nhân tỉnh táo. Trừ các trường hợp hôn mê, trẻ nhỏ.
- Nách: cho tất cả mọi người trừ trẻ nhỏ.
- Hậu môn: thường dùng đối với trẻ em (trừ tiêu chảy, táo bón, tổn thương ở hậu môn).
· Đơn vị đo nhiệt độ:
- Chúng ta thường đơn vị đo nhiệt độ cơ thể là: Độ bách phân (0C–Centigrade) hoặc đơn vị độ 0F (Fahrenheit)
- Công thức chuyển đổi giữa hai đơn vị đo nhiệt độ như sau:
+ Từ độ C sang độ F: 0C9/5 +32 =0F
+ Từ độ F sang độ C: (0F – 32) 5/9=0C

3. NHỊP THỞ
3.1. Nhịp thở và thay đổi sinh lý
· Trao đổi khí: chức năng của bộ máy hô hấp là đem ôxy cung cấp cho các mô, các tổ chức và thải khí cacbonnic từ trong cơ thể ra ngoài.
· Động tác hô hấp:
- Động tác hít vào: Hít vào thông thường
Hít vào gắng sức
- Động tác thở ra: Thở ra thông thường
Thở ra cố gắng
· Điều hòa chức năng hô hấp:
- Trung tâm hô hấp nằm ở hai bên của hành não. Mỗi trung tâm gồm 3 phần nhỏ: trung tâm hít vào, trung tâm thở ra, trung tâm điều chỉnh. Trung tâm hô hấp hoạt động có tính tự động.
· Các yếu tố ảnh hưởng đến điều hòa hoạt động của trung tâm hô hấp:
- Vai trò của CO2: khi nồng độ CO2 tăng trong máu, phản xạ hô hấp tăng. Khi CO2 với nồng độ bình thường có tác dụng kích thích và duy trì hô hấp. Khi nồng độ CO2 trong cơ thể thấp quá sẽ gây ngừng thở.
- Vai trò của O2: khi làm giảm phân áp oxy trong không khí thở, phân áp oxy trong phế nang cũng giảm theo, nhưng khi phân áp oxy trong không khí thở còn cao ở mức xấp xỉ 100 mmHg, tương đương với nồng độ oxy 14% hoặc áp suất không khí ở độ cao 2000m thì độ bão hòa oxy của máy chỉ giảm ít (từ 95% xuống 90%) và sự thiếu oxy lúc này ít có tác dụng làm tăng thông khí. Chỉ khi phân áp oxy trong không khí giảm <60 mmHg nó có tác dụng lên trung tâm hô hấp, làm tăng thông khí, lúc đầu làm tăng độ sâu của thở, sau đó làm tăng tần số thở. Đồng thời phân áp oxy thấp cũng làm tác động vào các cảm thụ hóa học của tiểu động mạch cảnh và quai động mạch chủ, qua đó làm trung tâm hô hấp tăng tính mẫn cảm với CO2 nó có tác dụng điều hoà hô hấp.
- Vai trò của thần kinh cảm giác:
˚ Kích thích những dây thần kinh cảm giác nông, nhất là dây V sẽ có tác động làm thay đổi hô hấp. Kích thích nhẹ làm thở sâu, kích thích mạnh làm ngừng thở.
˚ Cử động khớp dù tích cực hay thụ đồng đều làm tăng hô hấp xuất phát từ cơ, gân, khớp và có ý nghĩa tăng thông khí khi vận cơ.
- Vai trò của dây X: qua nhiều thí nghiệm người ta chứng minh răng dây X có tác dụng trung gian quan trọng trong cơ chế tự duy trì hoạt động nhịp nhàng của trung tâm hô hấp tức là duy trì sự kế tục giữa hai thì hít vào và thì thở ra (phản xạ Hering-Breure).
- Vai trò của các trung tâm thần kinh:
˚ Trung tâm nuốt: khi trung tâm nuốt hưng phấn sẽ ức chế hô hấp, do đó khi nuốt ta nín thở. Phản xạ này làm cho thức ăn khi nuốt không đi vào đường dẫn khí được.
˚ Vùng dưới đồi : thay đổi nhiệt độ của môi trường xung quanh sẽ thông qua phản xạ vùng dưới đồi gây những biến đổi hô hấp, góp phần điều hòa thân nhiệt.
- Vai trò của vỏ não, hoạt động ý thức và xúc cảm: vỏ não có tác động chi phối hoạt động tự động của trung tâm hô hấp, cắt bỏ vỏ não sẽ làm thở chậm lại. Trong biểu hiện cảm xúc: cười, khóc, thở dài, hô hấp đều có những biến đổi rõ rệt.
3.2. Nhịp thở bình thường
- Bình thường hô hấp êm dịu, khoan thai đều đặn, không có cảm giác gì cả và thực hiện qua mũi một cách từ từ và sâu.
- Khi nghỉ ngơi nhịp thở trung bình của người lớn khoẻ mạnh 16-20 lần/phút nhịp đều, biên độ trung bình.
- Khi hít vào cường độ hô hấp mạnh hơn nhưng thời gian ngắn hơn so với thì thở ra.
· Trẻ em nhịp thở thay đổi theo lứa tuổi:
˚ Trẻ sơ sinh 40-60 lần/phút
˚ Trẻ < 6 tháng 35-40 lần/phút
˚ Trẻ 7-12 tháng 30-35 lần/phút
˚ Trẻ 2-3 tuổi 25-30 lần/phút
˚ Trẻ 4-6 tuổi 20-25 lần/phút
˚ Trẻ 7-15 tuổi 18-20 lần/phút
· Kiểu thở:
- Kiều ngực trên: hay gặp ở nữ do phần trên của lồng ngực hoạt động mạnh hơn.
- Kiểu sườn hay gặp ở thiếu niên xương sườn mềm dễ co giãn, lồng ngực giãn nở theo chiều ngang rõ khi hô hấp.
- Kiểu hoành gặp ở trẻ em và nam giới trưởng thành cơ hoành đóng vai trò chủ yếu, xương sườn thứ yếu.
· Thay đổi sinh lý
- Nhịp thở nhanh và sâu: gặp trong lao động nặng, thể dục thể thao, trời nóng bức, xúc động.
- Nhịp thở chậm: khí công, thần kinh căng thẳng, ý muốn thở chậm.
3.3. Nhịp thở bất thường (khó thở):
· Định nghĩa: Bình thường người ta không có ấn tượng đặc biệt (cảm giác) gì khi thở, khi động tác thở trở nên nặng nề, khó khăn buộc phải chú ý thì đó là hiện tượng khó thở.
· Phân loại:
- Khó thở diễn ra từ từ hay đột ngột.
- Khó thở ban đêm hoặc ban ngày: do cường thần kinh phế vị
- Khó thở do thay đổi tỉ lệ hít vào và thở ra: thở ra dài hơn hít vào "Đảo ngược nhịp hô hấp": hen phế quản, giãn phế quản.
- Khó thở do thay đổi nhịp thở:
Tần số nhanh liên tục: viêm phổi, lao kê...
Tần số chậm: rối loạn hành tủy, hôn mê...
* Kiểu thở đặc biệt:
Cheyne-stokes:
- Bao gồm khó thở và tạm ngừng thở luân chuyển nối tiếp nhau, mỗi chu kỳ kéo dài chừng 1 phút chia làm 2 thì:
˚ Thì 1: Ngừng thở chừng 15-20 giây do ức chế trung tâm hô hấp.
˚ Thì 2: Bắt đầu bằng thở nông, nhẹ, rồi trở nên nhanh, sâu và mạnh. Sau đó lại chuyển thành nhẹ, nông rồi lại ngừng thở để bắt đầu một chu kỳ khác. Các chu kỳ tiếp theo lặp lại như vậy.
Gặp trong chấn thương sọ não, suy tim, suy thận, ngộ độc, nhiễm độc, urê máu cao...
Kussmaull:
- Gồm 4 giai đoạn hít vào sâu, ngừng thở ngắn tiếp theo thở ra nhanh rồi ngừng thở kéo dài sau đó lặp lại như vậy.
- Gặp trong hôn mê do đái tháo đường.
Kiểu thở tăng thông khí:
Tăng cả về tần số và biên độ gặp trong nhồi máu phổi giai đoạn đầu, tắc mạch phổi, gắng sức quá mức, lo lắng sợ hãi, sốt cao.
4. MẠCH
· Định nghĩa: Cảm giác đập nẩy nhịp nhàng theo nhịp tim nhận biết được khi ta ép nhẹ nhàng trên động mạch.
4.1. Yếu tố ảnh hưởng đến tần số mạch
- Tuổi tần số giảm dần từ khi sinh - trưởng thành.
- Giới: Nữ tần số mạch (TSM) thường tăng hơn nam từ 7-8 nhịp/phút
- Tập luyện, vận động, lao động TSM tăng, khi nghỉ ngơi thì TSM trở về bình thường.
- Tăng thân nhiệt: tăng 1oC tần số tăng 10 nhịp.
- Thuốc: Kích thích giao cảm: tần số tăng.
An thần, giảm đau: tần số giảm.
- Xúc động mạnh, sợ hãi, tức giận: tần số tăng.
4.2. Chỉ số bình thường tần số mạch đập trong 1 phút:
Sơ sinh: 140-150 5-15 tuổi: 80-95
1 tuổi: 110-120 Người lớn: 60-80
2-4 tuổi: 95-110
4.3. Khi bắt mạch ta thu được một số thông tin sau:
- Tần số mạch phản ánh tần số tim đang đập (trong trường hợp bình thường) thường hợp bệnh lý tần số tim và tần số mạch không tương đương như ngoại tâm thu - mạch nhanh gặp trong các bệnh nhiễm khuẩn, bệnh basedow - mạch chậm gặp trong ngộ độc thuốc digitalin, vàng da ứ mật...
- Nhịp tức là khoảng thời gian giữa các lần đập của tim đều hay không đều. Bệnh lý: loạn nhịp ngoại tâm thu, loạn nhịp hoàn toàn...
- Độ căng: thành ĐM bình thường thì mềm và đàn hồi khi ta sờ bằng đầu ngón tay cảm nhận thấy. Xơ cứng, ngoằn nghèo trong xơ vữa mạch.
- Thể tích hay cường độ của mạch đập: ép vào ĐM với áp lực vừa phải làm ngừng chảy máu, độ nén ép của mạch máu cho biết tình trạng HA và trạng thái của thành mạch.
˚ Mạch đều: các lần đập có sức mạnh và đều như nhau, gặp trong basedow, thiếu máu.
˚ Mạch yếu đều: các lần đập có sức đập yếu nhưng đều nhau gặp trong xuất huyết, mất nước...
˚ Mạch như sợi chỉ: vừa yếu, vừa không đều gặp trong hấp hối.
˚ Mạch nảy: mạch nảy mạnh và xẹp nhanh gặp trong hở van động mạch chủ (mạch Corrigan).
˚ Cường độ lúc mạnh, lúc yếu: thường gặp khi có loạn nhịp hoàn toàn.
4.4. Đếm mạch:
· Dụng cụ: Đồng hồ, bút chỉ đỏ, bảng hoặc sổ theo dõi.
· Vị trí bắt mạch: động mạch quay, động mạch cánh tay tại nếp gấp khuỷu, động mạch thái dương, động mạch đùi, động mạch khoeo động mạch chày sau, động mạch mu chân.
5. HUYẾT ÁP
5.1. Định nghĩa
- Huyết áp là áp lực hoặc áp suất mà máu ép lên thành mạch.
- Huyết áp động mạch (HA) là kết quả của sự tống máu từ thất trái vào động mạch chủ đang đầy máu.
5.2. Các chỉ số:
- Huyết áp tâm thu (HA tối đa) khi tim co bóp (thất trái co) và tống máu vào động mạch chủ. Bình thường chỉ số HA tối đa ở người lớn 95-140 mmHg.
- HA tâm trương (HA tối thiểu) sau khi tim giãn thời kỳ tim giãn toàn bộ áp lực trong mạch máu xuống tới mức thấp nhất. Bình thường chỉ số HA tối thiểu ở người lớn 60-90 mmHg.
- HA ở trẻ em: 80+2n (n là số tuổi)
- HA hiệu số: đó là mức chênh giữa HA tối đa và HA tối thiểu là điều kiện cho tuần hoàn máu diễn ra bình thường chỉ số HA hiệu số ở người lớn 30 mmHg.
5.3. Yếu tố cơ bản tạo nên HA
- Sức co bóp của tim
- Độ đàn hồi của động mạch
- Trở lực ngoại vi:
Khối lượng máu
Độ quánh của máu
Sức cản thành mạch.
5.4. Yếu tố ảnh hưởng HA
5.4.1. Thay đổi sinh lý
- Tuổi: HA thấp ở trẻ nhỏ và tăng dần ở người lớn. Người già HA thường cao hơn người trẻ.
- Phụ nữ HA thường thấp hơn nam giới.
- Khi hoạt động, lao động: khi lao động nặng, gắng sức HA thường tăng, nghỉ ngơi HA trở về bình thường.
- Khi mang thai HA thường tăng, sau khi đẻ HA trở về bình thường.
- Ảnh hưởng thần kinh: cảm xúc mạnh, đau đớn, lo lắng HA thường tăng.
- Ảnh hướng của tiêu hao sau khi ăn HA tăng, đã tiêu hóa xong thức ăn HA trở về bình thường.
- Ảnh hưởng của thuốc co mạch, thuốc kích thích: HA tăng, thuốc giãn mạch, thuốc ngủ HA giảm.
- Tư thế HA khi đứng thường cao ohưn khi nằm từ 10-20 mmHg
- HA thay đổi theo vị trí đo: khi đo 2 tay chênh nhau 5 mmHg, chi trên thấp hơn chi dưới 20-40 mmHg.
5.4.2. Thay đổi bệnh lý
· Tăng HA: Khi HA tối đa > 140 mmHg hoặc HA tối thiểu >90 mmHg.
- Gặp trong bệnh cầu thận, suy thận, bệnh mạch thận: hẹp động mạch thận. Bệnh nội tiết cường aldosterol tiên phát, hội chứng cushing, phì đại tuyến thượng thận.
- Nguyên nhân khác như hẹp eo động mạch chủ, nhiễm độc thai nghén...
· Giảm HA: khi HA tối đa < 90 mmHg hoặc HA tối thiểu < 60mmHg.
- Gặp trong shock do bất kỳ nguyên nhân nào, chảy máu, giảm khối lượng tuần hoàn, suy tim, suy tuyến thượng thận, cơ thể quá yếu do mắc các bệnh gây suy kiệt như: lao, xơ gan...
· HA kẹt: khi HA hiệu số < 20 mmHg khi đó tuần hoàn máu bị cứ trệ gặp trong tràn dịch màng tim, shock...
· HA chênh nhiều gặp trong hở van chủ: huyết áp tối đa và tối thiểu cách xa nhau nhiều.
5.5. Đo huyết áp
· Dụng cụ: Máy đo huyết áp, ống nghe, bút chì đỏ, bảng hoặc sổ theo dõi.
· Máy đo huyết áp có nhiều loại: Huyết áp kế thủy ngân, huyết áp kế đồng hồ, huyết áp kế điện tử...

· HA kế gồm 1 dải băng cuốn. Đầu dải băng cuốn này có khóa cài để cố định sau khi cuốn vào nơi để đo HA. Bên trong của dải băng cuốn có 1 túi hơi. Túi hơi này có 2 ống cao su, một ống nối với bóng cao su để bơm khí vào túi hơi. Một ống cao su nối với áp lực kế đồng hồ hoặc áp lực kế thủy ngân hoặc bằng điện tử. Ở đầu của phóng cao su có 1 van. Khi vặn van này ngược chiều kim đồng hồ là xả khí từ túi hơi ra. Khi vặn van này cùng chiều kim đồng hồ là để bơm khí vào túi hơi và giữ khí ở đó.
· Kích thước của túi hơi phụ thuộc vào đường kính của đoạn chi cần đo. Kích thước của túi hơi phụ thuộc vào chu vi của chi dùng để đo HA.
- Chiều rộng của túi hơi bằng 40% của chu vi hoặc rộng hơn 20% đường kính của đoạn giữa các chi dùng để đo HA.
- Chiều dài thích hợp của túi hơi là phải cuốn được 60-100% chu vi của chi ở điểm định đo HA.
- Người lớn chu vi tay khoảng 24-32 cm thì kích thước của túi hơi có chiều rộng là: 13 cm, chiều dài là: 24 cm.
· Cách xác định chỉ số HA tối đa: khi nghe tiếng đập đầu tiên.
· Cách xác định chỉ số HA tối thiểu: khi nghe tiếng thay đổi âm sắc hoặc không nghe thấy tiếng đập nữa.
6. NGUYÊN TẮC CHUNG KHI ĐO NHIỆT ĐỘ, NHỊP THỞ, MẠCH, HUYẾT ÁP:
- Trước khi đo bệnh nhân nghỉ ngơi 15 phút, không dùng các chất kích thích 30 phút, không lao động gắng sức.
- Kiểm tra phương tiện và dụng cụ trước khi đo.
- Khi tiến hành đo các dấu hiệu sinh tồn không tiến hành bất cứ thủ thuật gì khác.
- Thông thường đo các dấu hiệu sinh tồn 2 lần/ngày cách nhau 8h.
- Khi thấy kết quả không bình thường phải kiểm tra lại và báo cáo bác sỹ để xử lý kịp thời.
- Ghi kết quả vào bảng theo dõi:
˚ Mạch và huyết áp: màu đỏ.
˚ Nhiệt độ: màu xanh
˚ Nhịp thở: màu đen hoặc xanh.
Qui trình đo thân nhiệt ở nách
1. Rửa tay thường quy
2. Chuẩn bị dụng cụ đầy đủ
3. Chuẩn bị bệnh nhân ( tư thế, tinh thần, lau hố nách )
4. Vẩy nhiệt kế ( < 35 độ )

5. Đặt nhiệt kế vào nách và khép cánh tay sát ngực ( khoảng 10- 15 phút)
6. Lấy nhiệt kế ra (không cầm vào bầu thuỷ ngân ),cầm nhiệt kế ngang tầm mắt, đọc và ghi kết quả.
7. Lau nhiệt kế, để vào lọ đựng
8. Giúp bệnh nhân trở lại tư thế thoải mái.
9. Ghi kết quả vào hồ sơ và báo bác sĩ
10. Thu dọn dụng cụ

Qui trình đếm nhịp thở
1. Rửa tay
2. Chuẩn bị dụng cụ đầy đủ
3. Chuẩn bị bệnh nhân (giải thích, tư thế )
4. Đếm: đặt đồng hồ ở vị trí thuận lợi vừa quan sát được đồng hồ vừa quan sát được vị trí chọn đẻ đếm nhịp thở ( thường là đếm trong 1 phút )


5. Giúp bệnh nhân trở lại tư thế thoải mái (nếu cần )
6. Ghi kết quả và báo bác sĩ ( nếu cần )
7. Thu dọn dụng cụ

Qui trình đếm mạch
1. Rửa tay thường qui
2. Chuẩn bị dụng cụ
3. Chuẩn bị bệnh nhân (giải thích tư thế )
4. Đếm mạch : Đặt nhẹ 3 ngón tay ở vị trí rãnh quay và tiến hành đếm trong 1 phút.
5. giúp bệnh nhân trở lại tư thế thoải mái
6. Ghi kết quả và báo bác sĩ nếu cần
7. Thu dọn dụng cụ

Qui trình đo huyết áp đông mạch cánh tay( tư thế nằm )
1. Rửa tay thường qui
2. Chuẩn bị dụng cụ đầy đủ( xác định cỡ băng áp lực phù hợp với bệnh nhân )
3. Chuẩn bị bệnh nhân, giải thích, tư thế, xác định vị trí cuốn băng
4. Quấn vong băng áp lực xung quanh cánh tay. Đặt đồng hồ áp lực kế ở vị trí dễ quan sát.
5. Bắt mạch cánh tay hoặc mạch quay, văn chặt van và bơm hơi đến điểm mất mạch X.
6. Xả hết hơi trong băng áp lực và nghỉ 15 giây
7. Đeo ống nghe vào tai, đặt loa ống nghe vào vị trí mạch nảy ở trên nếp gấp khuỷu
8. Bơm hơi đến điểm X, rồi bơm tiếp 30mmHg
9. Mở van,xả hơi từ từ. Lắng nghe tiếng đập và quan sát kim đồng hồ để xác định HA tối đa và HA tối thiểu
HA tối đa: khi nghe tiếng đập đầu tiên
HA tối thiểu khi nghe tiếng thay đổi âm sắc hoặc khi không còn nghe tiếng đập nữa
10. Xả hết hơi đến mức số 0. Nghỉ 1-2 phút. Làm lại lần 2 từ bước 7. Kết quả là trung bình cộng 2 lần đo
11. Khoá van, tháo băng áp lực. Giúp bệnh nhân trở lại tư thế thoải mái
12. Ghi kết quả vào hố sơ và báo bác sĩ nếu cần
13. Thu dọn dụng cụ

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: