Dâu bộ tứ chương 7

Câu chuyện chiếc thùng tô-nô

Cảnh sát có đưa đến một chiếc xe; tôi dùng xe đó đưa cô Morstan về nhà.

Theo cung cách thật là dễ thương của giới phụ nữ, mãi đến lúc này, nàng đã chịu đựng tất cả trong khoảng thời gian dài cần thiết để an ủi người yếu đuối hơn nàng. Tôi đã thấy nàng vẫn điềm tĩnh và tươi cười bên cạnh bà lão giúp việc chưa hoàn hồn sau nỗi kinh hãi. Nhưng lúc ngồi vào xe, nàng kiệt sức và òa lên khóc, bởi những sự cố xảy ra trong đêm đã kích động đến nàng quá độ. Nàng bảo tôi từ lúc nàng thấy tôi lạnh lùng và xa cách trong chuyến đi này thì... ấy thế mà nàng đâu có hay trong tim tôi cuộc chiến đấu đã xảy ra như thế nào đâu! Và tôi đã cố gắng ra sao mới dằn lòng được. Tình cảm yêu thương của tôi dồn về nàng, y như hồi nào, trong vườn, tay tôi tìm kiếm tay nàng. Biết bao năm quen sống theo quy ước che dấu bản chất dịu dàng và dũng cảm của nàng cho bằng mấy tiếng đồng hồ kỳ diệu đó. Tuy nhiên những ngôn từ âu yếm không thoát khỏi miệng tôi: hai suy nghĩ buộc tôi phải câm nín. Trước hết là nàng yếu đuối, không người che chở, tâm trí lại hoang mang lạc lõng. Vào một lúc như thế này mà áp đặt cho nàng mối tình của tôi liệu có đứng đắn không? Mặt khác, nàng lại giàu! Nếu công cuộc truy tìm của Holmes đem lại kết quả nàng sẽ là người thừa kế được mọi người ganh tị. Trong hoàn cảnh đó, một bác sỹ phẫu thuật hưởng nửa lương nhân một sự ngẫu nhiên lại đi lợi dụng một mối quan hệ thân mật như thế này thì có công bằng, vinh dự gì cho tôi không? Biết đâu nàng lại không xem tôi chỉ là một tay phiêu lưu hạ cấp? Chỉ một ý trong đó mà thoáng qua đầu óc nàng cũng đủ khiến tôi không chịu nổi. Giữa nàng và tôi, sừng sững một chướng ngại không tài nào vượt qua nổi: kho báu Arga.

Chúng tôi đến nhà bà Cecil Forrester khoảng 2 giờ sáng. Gia nhân đã đi nghỉ từ lâu, nhưng bức thư cô Morstan nhận được đã gợi trí tò mò của bà nên bà vẫn còn thức. Bà tự ra mở cửa cho chúng tôi. Đó là một phụ nữ duyên dáng đứng tuổi; bà tiêp đón cô gái bằng giọng đằm thắm như giữa mẹ và con, bà âu yếm đưa tay choàng lấy thân nàng. Tôi thích thú nhận ra rằng nàng không đơn thuần chỉ là cô quản gia hưởng lương, mà còn là một người bạn được bà chủ trọng nể. Tôi được giới thiệu, và ngay sau đó, bà Forrester mời tôi vào và yêu cầu thuật lại những chuyện phiêu lưu của chúng tôi. Tôi giải thích rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ của tôi và hứa sẽ thông báo với bà những tiến triển chúng tôi đạt được. Cỗ xe lăn bánh xa dần, tôi ngoảnh lại nhìn theo hai người. Dường như tôi vẫn còn trông rõ dưới cửa hiên dáng hai người quấn quít lấy nhau, cửa ra vào hé mở, ánh đèn lối vào chiếu qua khung kính màu, chiếc phong vũ biểu và lan can cầu thang bóng loáng. Hình ảnh ấy, dẫu chỉ thoáng qua, của mọi nội thất yên tĩnh của một gia đình người Anh cũng đem đến cho tôi những phút ấm áp, dễ chịu trong lúc đang

vướng vào vụ án âm u này.

Vả chăng, càng suy nghĩ tôi lại thấy nó càng phức tạp. Tôi điểm lại các sự cố theo thứ tự thời gian của chúng. Về những gì có liên hệ đến bài toán lúc ban đầu, bây giờ khá rõ ràng rỗi. Cái chết của đại úy Morstan, việc gửi những viên ngọc, mục rao vặt trên báo, lá thư, đó là một số chi tiết đã phăng ra được rồi. Tuy nhiên chúng tôi lại bị đưa đến một bí hiểm: sâu sắc hơn và bi thiết hơn. Cái kho báu Ấn Độ, tấm bản đồ kỳ quặc tìm thấy trong hành lý của đại úy, việc thiếu tá Sholto xuất hiện vào lúc đại úy Morstan chết, việc tìm thấy lại kho báu tiếp liền theo sau

là án mạng của người tìm ra nó, những hoàn cảnh thật lạ lùng bao quanh tội phạm này, dấu chân, vũ khí chưa từng thấy, mấy chữ trên mảnh giấy phù hợp với tấm bản đồ của viên đại úy, toàn là những sự kiện mà một người kém thiên tư hơn Shelock Holmes không thể giải đoán ra nổi.

Hẻm Pinchin vốn là một dãy những ngôi nhà gạch hai tầng xập xệ, nằm gần cuối khu Lambeth. Tôi phải đập cửa khá lâu ở căn số ba mới có kết quả. Ánh ngọn nến rồi cũng lọt qua ô cửa kéo và một khuôn mặt nhìn qua cửa sổ bên trên.

- Thôi, thôi đi, tên bợm bãi, chẳng có gì đâu! - Một giọng thét ầm lên. Nếu cậu không ngừng đập phá ta sẽ thả 43 con chó của ta cắn cậu đấy.

- Đó chính là điều tôi tìm kiếm đấy ạ. Nếu bác chịu thả một chú ra thì...

- Thôi xéo đi nơi khác, cha ơi! Giọng ấy đáp lại - Ta có sẵn đây một mảnh gang ngon lành lắm, quỷ tha ma bắt ta nếu ta không ném nó lên đầu anh.

- Nhưng tôi cần một con chó - Tôi la lớn.

- Thôi, không nói dông dài - Ông Sherman thét lên - Cút đi không nào? Ta đếm đến ba và ta quăng mảnh gang xuống đó...

- Dạ, ông Shelock Holmes... - Tôi lên tiếng.

Cái tên đó có tác dụng đến là thần kỳ. Cửa sổ đóng lại ngay, có tiếng rút then cài và cửa mở ra ngay trong chốc lát...

Ông Sherman là một ông lão cao lêu nghêu, đôi vai buông tuồng, cổ gân guốc, mắt đeo kính màu xanh lơ.

- Bạn bè của ông Shelock Holmes luôn luôn được hoan nghênh? Ông nói - Mời ông vào đi. Đừng đến gần con chồn xù ấy, nó cắn đấy. Ái chà, dữ quá ha! Mày muốn bắt ông đây, hả?

Câu nói sau này dành cho chú chồn trắng đang thò cái đầu thèm thuồng với cặp mắt đỏ ngầu qua chấn song chuồng.

- Đừng bận tâm đến con kia! - Ông lão nói tiếp - Đó chỉ là con thằn lằn thôi, nó không có nhanh đâu, lão cho nó tự do để bắt bọ rầy. Xin đừng để tâm giận nếu lúc nãy lão tiếp không được đàng hoàng lắm. Với đám trẻ con xóm này lão như là cái gai và chúng nó thường đến quấy rầy lão. Ông Shelock Holmes cần gì nào?

- Một trong những con chó của bác.

- Toby chứ gì, phải không nào?

- Vâng, đúng là con Toby đấy ạ.

- Nó ở số 7, đây này, bên trái đấy.

Nâng cao ngọn đèn cày lên, ông lão từ từ bước lên giữa đám thú mà ông đã tập trung quanh mình. Dưới ánh lửa mập mờ nhảy múa của ngọn đèn, xuyên qua khe hở hoặc từ một xó xỉnh nào đó, những cặp mắt tinh anh chăm chăm nhìn chúng

tôi. Ngay cả những cây xà ngang trên đầu chúng tôi cũng được trang hoàng bằng những chú chim bị quấy rầy trong giấc ngủ, chúng đổi thế đứng từ chân này qua chân kia với dáng oai vệ uể oải.

Chú Toby quả thật là xấu tướng: Đôi tai buông thòng, lông thì dài, dáng đi núng nính trông chẳng được mắt tí nào! Nửa là giống chó xù, nửa là giống béc-giê, với bộ lông trắng pha hung. Sau một hồi do dự, Toby cũng chấp nhận mẩu đường mà nhà tự nhiên học già nua đã trao cho tôi. Và sau khi đã kết thúc thỏa ước, nó theo tôi ra xe và chẳng gây khó dễ gì. Đồng hồ Hoàng cung đổ ba tiếng khi tôi về lại biệt trang Pondicherry. Tôi được biết là McMurdo đã bị bắt vì tội đồng lõa, cả ông Sholto lẫn y đã được đưa đến Sở cảnh sát. Hai cảnh sát viên đang giữ lối ra vào chật hẹp, nhưng họ để tôi qua cùng với con chó khi tôi nêu tên nhà thám tử.

Holmes đứng dưới vòm cửa miệng phì phèo ống điếu tay đút túi quần.

- A! Anh đã đưa nó đến đấy à? - Anh nói - Một chú chó khôn đấy! Anh chàng Athelney Jones đã đi rồi. Lúc anh vừa ra khỏi đây, đã diễn ra một cảnh náo nhiệt sôi nổi ghê khiếp thật. Anh ta ra lệnh bắt chẳng những ông bạn Thaddeus của chúng ta, mà cả người gác cửa, bà quản gia và anh gia nhân người Ấn. Giờ đây chúng ta tha hồ hành động, chỉ còn một nhân viên cảnh sát trên kia thôi. Ta để con chó dưới này và lên đó.

Tôi buộc con chó vào chiếc bàn ở lối ra vào và bước theo anh. Căn phòng vẫn y nguyên như lúc chúng tôi rời khỏi, ngoài một tấm khăn trải giường đã được phủ lên mình nạn nhân. Một viên đội cảnh sát vẻ mệt mỏi đứng tựa vào góc tường.

Trung sĩ làm ơn cho tôi mượn chiếc đèn lồng của anh một tí - Bạn tôi nói - Bây giờ, nhờ anh buộc nó vào cổ tôi bằng đoạn dây này để nó đong đưa trước ngực tôi. Cám ơn. Tôi chỉ còn phải tháo giày và gỡ bít tất ra. Nhờ anh bạn Watson đem hộ xuống dưới. Tôi sắp sửa phải leo trèo đây. Nhúng giùm chiếc khăn tay tôi vào chất mộc du. Tốt lắm. Bây giờ mời anh lên với tôi trên rầm thượng trong chốc lát.

Chúng tôi đu mình lên qua lỗ hổng. Holmes xích ngọn đèn lại gần dấu chân trong lớp bụi một lần nữa.

- Phiền anh hãy xem kỹ những dấu vết này - anh nói - anh có nhận thấy có gì đáng chú ý không?

- Những dấu vết này là của một đứa bé hoặc của một người đàn bà nhỏ con - Tôi bảo.

- Nhưng ngoài tầm vóc ra? Chẳng còn gì khác nữa sao?

- Thì chúng vẫn giống bất cứ dấu chân nào khác thôi.

- Tuyệt nhiên không phải thế đâu! Anh cứ xem kỹ vào đây này! Đây là dấu bàn chân phải. Bây giờ tôi in bàn chân tôi vào lớp bụi, bên cạnh đấy nhé. Anh thấy có gì khác biệt sâu sắc không nào?

- Những ngón chân của anh thì dính chặt vào nhau. Còn ở dấu chân kia thì những ngón chân lại tách rời nhau một cách rõ rệt.

- Đúng thế đấy. Đó là điều chủ yếu? Anh hãy nhớ lấy nhé. Bây giờ, anh vui lòng đến gần bên cửa sổ kia và ngửi ở bậu cửa xem. Tôi phải đứng đây vì chiếc khăn tôi đang nắm có thể làm mất mùi.

Tôi làm theo lời anh yêu cầu, và tôi nhận ra ngay mùi dầu hắc rất nặng.

- Vậy chính tại nơi đó hắn ta đã đặt chân khi đi ra. Nếu anh có thể đánh hơi được dấu vết của hắn, thì chú Toby sẽ chẳng gặp phải khó khăn gì. Bây giờ, anh xuống đi; thả chó ra và đến mà xem vận động viên nhào lộn biểu diễn.

Tôi vừa bước ra đến vườn thì Shelock Holmes đã lên được mái nhà, và tôi có thể nhìn theo anh đang bò chầm chậm dọc theo nóc nhà - hệt một con sâu khổng lồ bóng loáng. Có lúc anh mất hút sau hàng cột ống khói, nhưng sau đó lại hiện ra để rồi biến mất ở phía bên kia. Tôi đi vòng quanh khu nhà và thấy anh ngồi ở mép góc mái nhà.

- Anh đấy hả, Watson? Anh hỏi lớn.

- Vâng, tôi đây.

- Tôi đã tìm ra chỗ kia rồi. Thế còn cái khối đen ngòm ngay bên dưới là gì thế?

- Cái thùng tô-nô đựng nước.

- Có cái nắp đậy bên trên chứ?

- Vâng.

- Không thấy dấu vết cái thang sao?

- Không.

- Con người cừ khôi thật? Cả một đoạn đường khiến ta phải gãy cổ đến cả vài chục lần chứ chẳng chơi. Nhưng tôi phải tìm cách leo xuống theo đúng lối mà hắn đã leo lên. Dầu sao, cứ thử xem!

Tôi nghe có tiếng bàn chân xát vào nhau, và chiếc đèn lồng bắt đầu hạ thấp từ từ theo bức tường. Rồi bằng một cái nhảy nhẹ nhàng, anh đáp xuống mặt thùng, rồi nhảy xuống đất luôn.

- Tìm ra dấu vết cũng dễ thôi - Anh vừa nói vừa mang lại giầy. - Những viên ngói bị xê dịch dọc theo đường hắn di chuyển. Trong lúc vội vàng, hắn đã đánh rơi vật này, nó xác nhận cách chẩn đoán của tôi, nói theo giọng nhà nghề bác sỹ của anh.

Vật anh đưa tôi xem trông giống một cái ví nhỏ hoặc một cái bao đạn đan bằng lác được sơn phết và trang điểm bằng mấy viên đá màu. Cứ trông hình dáng và kích thước, thì nó giống hộp đựng thuốc điếu. Bên trong, có khoảng sáu bảy cây kim bằng gỗ sẫm, một đầu nhọn, đầu kia tròn. Cây kim đã giết Bartholomew trông cũng giống hệt như thế.

- Quả thật là những vũ khí hiểm độc? - Anh nói - Cẩn thận kẻo chích vào tay đấy. Tôi rất mừng được nắm giữ chúng trong tay, vì có lẽ đây là tất cả số dự trữ còn lại. Như vậy ta khỏi phải e ngại có kẻ nào trong chúng ta nhận lãnh một mũi vào da. Về phần tôi, tôi thích một viên đạn hơn. Anh có còn đủ phong độ để làm một chuyến đi mười cây số không, Watson?

- Hẳn nhiên - Tôi đáp.

- Chân anh có thể đi đến cùng chăng?

- Ô vâng.

- À, chào anh bạn, con chó của tôi. Khá lắm đấy, chú Toby? Đánh hơi đi nào. Hít mạnh lên nào, Toby!

Anh dí chiếc khăn tay tẩm đầy chất mộc du dưới mũi con Toby. Toby đứng yên, cẳng dang rộng, đầu nghiêng về một bên một cách thật buồn cười, như một tay sành đời đánh hơi mùi rượu quý. Sau đó, Holmes ném khăn tay ra xa, buộc một sợi dây thật chắc vào cổ chó, và dắt nó về phía thùng tô-nô. Lập tức, con chó rít lên một hồi ăng ẳng the thé rồi chúi mũi xuống đất, đuôi vểnh cao, lần theo đường hơi với một tốc độ chúng tôi khó lòng theo kịp, dầu đã bị buộc vào một đầu dây.

Phía đông, bầu trời dần dần bừng sáng và qua một khoảng ánh sáng xám lạnh, chúng tôi có thể trông rõ được khá xa. Ngôi nhà đồ sộ vuông vắn hiện ra sừng sững đằng sau chúng tôi, với những khung cửa sổ cao và trống rỗng cùng những hàng hiên trơ trụi. Con đường đưa chúng tôi thẳng qua một đám đất dọc ngang đầy hầm hố mà chúng tôi phải vượt qua. Với những mô đất, rải rác đây đó và những bụi cây khô cằn, biệt trang này đượm một vẻ sầu thảm bi đát rất phù hợp với tấm thảm kịch đang đổ ập lên nó.

Vừa đến chân tường rào, chú Toby vừa rảo dọc theo, vừa lên tiếng rên ư ử nôn nóng trong bóng tối. Rồi sau cùng nó dừng lại ở một góc vườn, khuất dưới bóng cây dẻ. Ở góc hai bức tường, có nhiều viên gạch bị gỡ ra, tạo thành những bậc thang, chắc đã được dùng đến nhiều lần vì đã mòn nhắn. Holmes leo lên đầu tường, bắt lấy con chó tôi chuyển cho anh, rồi buông nó xuống phía bên kia tường.

- Đây là dấu bàn tay của gã đàn ông có chân gỗ - Anh nhận xét, trong khi tôi leo theo anh lên đầu tường - anh có trông thấy những vết máu lờ mờ trên lớp vôi trắng kia không? Thật may là từ hôm qua đến nay không có trận mưa lớn nào! Mùi mộc du vẫn còn phảng phất trên đường dầu bọn chúng đã đi trước chúng ta những 28 tám tiếng đồng hồ rồi. Riêng tôi, tôi phải thú nhận rằng tôi vẫn còn ngờ vực.

Trên con đường trong thành phố London này biết bao xe cộ đã chạy qua trong khoảng thời gian đó. Song, mối hoài nghi của tôi cũng nhanh chóng tan biến đi. Không chút do dự, cũng không hề lệch hướng, chú Toby vẫn thong thả rảo bước theo cung cách ưỡn ẹo nhún nhảy của nó; mùi mộc du vất vưởng quanh đây chắc lấn át tất cả những mùi khác đi.

- Anh chớ tưởng rằng - Holmes nói - Sự thành công của tôi là do ngẫu nhiên thuần túy; theo chúng ta đã thấy, một trong những tên kia đã bước chân vào chất mộc du. Bây giờ thì tôi biết khá nhiều cách để có thể tìm ra dấu vết của chúng. Cách này là cách dễ nhất, và tôi sẽ phạm sai lầm lớn nếu bỏ qua nó, vì dịp may đã đặt nó vào tay ta. Tuy nhiên, cũng vận may ấy làm cho nội vụ mất hẳn một vấn đề tri thức nho nhỏ khá lý thú mà lúc này nó suýt đặt ra cho tôi. Phải thú nhận rằng nếu không có vết chỉ dẫn quá hiển nhiên thế này thì chọc thủng được bí ẩn kia mới là công lao lớn!

- Nhưng chỗ công lao, mà rất nhiều công lao là đằng khác, là ở phương pháp anh lý giải nội vụ chứ! - Tôi nói - Nói thật với anh là trong vụ này tôi lại còn kinh ngạc hơn trong vụ Jefferson Hope nữa kia. Tôi thấy vụ này còn sâu sắc và khó giải hơn nữa kia. Chẳng hạn như làm sao anh lại có thể mô tả nhân dạng chỉ của gã đàn ông chân gỗ một cách tin tưởng chắc chắn như vậy?

- Thì có có gì đâu, đơn giản thôi, anh bạn tôi ơi! Nào tôi có kiếm cách làm trò ảo thuật gì đâu! Tất cả đều hiển nhiên rõ ràng, tất cả đều nằm trong các sự việc đã xảy ra thôi. Có hai sĩ quan trông coi một trại tù biết được một bí mật quan trọng liên quan đến một kho báu cất giấu đâu đó. Một người Anh tên Johnathan Small họa giúp cho hai người này tấm bản đồ. Xin anh nhớ lại là chúng ta đã đọc được tên này trên họa đồ tìm thấy trong mớ đồ đạc của đại úy Morstan. Johnathan Small đã nhân danh bản thân và nhân danh những người cộng sự ký tên vào tấm bản đồ: "Dấu Bộ Tứ", đó là chỉ danh hiệu có vẻ hơi khoa trương mà y đã chọn. Nhờ tấm họa đồ đó, hai sĩ quan kia, mà không chừng là một trong hai người thôi, đã đoạt lấy kho báu đưa về nước Anh, nhưng không làm đầy đủ ta hẳn cho là như thế đi, một số nghĩa vụ để đánh đổi lấy bức họa đồ đã được giao cho họ. Thế bây giờ còn câu hỏi này là tại sao đích thân Johnathan Small không đoạt lấy kho báu? Câu trả lời thật hiển nhiên. Bức họa đồ có từ thời Morstan có liên hệ với đám tù khổ sai. Johnathan Small không chiếm được kho báu vì cả y lẫn những cộng sự của y, tất cả đều là tù khổ sai, đã không thể đến nơi cất giấu để lấy.

- Nhưng đó đơn thuần chỉ là một giả thiết thôi.

- Ấy thế mà đó là giả thiết hiện nay ăn khớp với các sự kiện. Vậy đây là hơn cả giả thiết nữa đấy. Ta hãy thử xem giả thiết ấy có phù hợp với phần kế tiếp không. Này nhé, trong vài năm, thiếu tá Sholto sống trong bình yên hạnh phúc nhờ nắm

giữ kho báu. Nhưng sau đó ông ta nhận được thư từ Ấn Độ gửi sang và lá thư này đã khiến ông kinh hoảng. Thế nội dung lá thư ấy như thế nào? Nó báo cho ông ta biết là những người mà ông ta phản bội đã được trả tự do, phải thế chăng?

- Hay là chúng đã vượt ngục được? Tình huống này có thể đúng hơn, bởi vì ông biết rõ thời hạn lưu đày của chúng, và, nếu chúng mãn hạn tù thì ông không lấy gì làm ngạc nhiên đâu. Giả thiết ngược lại ông ta sẽ làm gì? Tất nhiên là sẽ tìm cách để tự vệ. Có điều là ông ta sợ nhất là gã đàn ông chân gỗ: một người da trắng, xin anh nhớ kỹ cho điều này, bởi vì ông ta đã bắn lầm vào một nhân viên chào hàng người Anh!... Xong rồi nhé. Trên mặt này, chỉ còn lại một cái tên, mấy tên khác đều là Ấn Độ hoặc dân Hồi giáo. Bởi lẽ đó nên ta có thể quả quyết dứt

khoát là gã đàn ông chân gỗ và Johnathan Small chỉ là một mà thôi. Lối lập luận của tôi anh thấy có gì sai sót chăng?

- Không Nó rất sáng suốt và chính xác.

- Tốt. Thế bây giờ ta hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh của Johnathan Small. Ta hãy nhìn sự việc diễn biến theo quan điểm của hắn ta. Hắn đến Anh quốc với hai mục đích: thu hồi lại những thứ mà hắn xem như là thuộc quyền sở hữu của hắn, và trả thù kẻ đã phản bội hắn. Hắn đã tìm ra nơi ăn chốn ở của Sholto và rất có thể hắn đã làm quen với một ai đó trong nhà. Chẳng hạn như Lal Rao anh chàng đầu bếp nọ. Bà Bernstone đã mô tả anh chàng này với tôi bằng những lời lẽ không mấy tốt đẹp cho lắm. Tuy nhiên, Johnathan Small không tìm ra được nơi cất kho báu, vì chẳng ai biết được nơi ấy cả: chẳng ai cả, ngoại trừ viên thiếu tá và một gia nhân trung thành đã chết từ thuở ấy. Bỗng nhiên Small hay tin thiếu tá Sholto đang nằm trên giường chờ chết. Phát hoảng bởi ý nghĩ là bí mật của kho báu có thể bị chôn vùi xuống mồ cùng với viên thiếu tá, Small lọt được qua vòng kiểm soát canh giữ của đám gia nhân và tìm cách đến cạnh cửa sổ mà bên trong viên thiếu tá đang hấp hối; chỉ vì sự hiện diện của hai người con nên hắn không đột nhập vào nhà được. Lòng căm thù đối với người chết khiến hắn nổi điên. Hắn đột nhập vào phòng trong đêm, lục lọi mớ giấy tờ bí mật với hy vọng phát hiện ra một tài liệu nào đó có liên quan đến kho báu. Sau cùng, hắn ghi lại vài chữ trên tấm thiếp để nhắc nhở cuộc viếng thăm của hắn. Chắc hẳn là hắn dự kiến rằng, nếu có phải hạ sát viên thiếu tá thì hắn để lại vết tích kiểu này chỉ cho thấy đây không phải là một vụ án mạng tầm thường, mà là một hành vi tái lập công lý, ít ra cũng là đứng trên quan điểm của bốn người cộng sự. Những ý nghĩ lạ lùng kỳ quặc như thế cũng khá thông thường trong các lịch sử "tội phạm" thường thì nó cho ta nhiều chỉ dẫn rất hữu ích về cá tính tên tội phạm. À, mà anh có theo tôi kịp không đấy?

- Rất tốt.

- Bây giờ thì Johnathan Small có thể làm gì nào? Y chỉ có thể tiếp tục một cách kín đáo những cố gắng để tìm ra kho báu. Có thể hắn ta đã rời khỏi nước Anh để thỉnh thoảng trở về lại. Nhưng lại xảy ra việc phát hiện ra rầm thượng. Hắn được thông báo về việc này ngay lập tức. Một lần nữa, ta lại thấy có sự hiện diện của một kẻ đồng lõa ở hiện trường. Với cái chân gỗ, Johnathan không tài nào leo lên đến căn phòng quá cao của Bartholomew. Thế là hắn đem theo một tên đồng phạm khá bí mật, tên này có thể leo trèo dễ dàng nhưng lại dẫm chân trần vào chất mộc du. Do đó, mới nhờ đến chú Toby, và nhờ đến một bác sỹ hưởng nửa lương với gót chân bị hỏng phải khập khiễng đi dạo 6 dặm đường.

- Thế thì chính tên tòng phạm, chứ không phải Johnathan đã phát khùng lên, nếu tôi cứ xét theo phong cách mà hắn ta đã đi đi lại lại trong căn phòng khi đã vào được. Hắn chẳng có thù oán gì với Bartholomew Sholto, có lẽ hắn ta chỉ muốn nhét giẻ vào miệng và trói ông này lại. Thật tình thì anh chàng này chẳng muốn tự mắc dây thòng lọng vào cổ tí nào! Nhưng hắn đã không thể ngăn ngừa những bản năng man rợ của tên tòng phạm bùng ra; và sau đó thuốc độc đã có tác dụng. Thế là Johnathan để lại chữ ký của mình, đem kho báu xuống và thoát ra cũng bằng lối như trước. Đó là diễn biến các sự cố đã xảy ra mà tôi có thể giải đáp được. Còn nói về dáng đi của hắn ta, thì chắc là hắn cũng đã có tuổi và nước da khá sẫm vì phải thọ án trong một lò lửa như vùng Andaman. Còn tầm thước của hắn thì tôi có thể tính ra dễ dàng theo chiều dài bước sải của hắn, và ta cũng được biết là hắn có để râu cằm. Bộ râu này là điều duy nhất khiến Thaddeus Sholto phải hoảng sợ khi trông thấy hắn ở cửa sổ. Ngoài ra...

- Thế còn tên tòng phạm?

- Ồ, chẳng có gì là bí ẩn cả? Nhưng rồi thì anh cũng sẽ biết thôi... Chà, không khí ban mai mới dịu mát làm sao? Kìa anh hãy nhìn lên xem đám mây nhỏ bé kia: nó bồng bềnh trông tựa chiếc lông hồng nhô ra từ một con chim hồng hạc khổng lồ nào đó. Giờ đây, viền đỏ của đĩa mặt trời đang nhô ra khỏi lớp mây trùm lên thành phố London. Mảnh mặt trời nay chiếu sáng cho khá nhiều người đấy, nhưng chẳng có ai, tôi dám đánh cuộc như thế, lại nhận lãnh một sứ mạng lạ lùng như chúng ta! Chúng ta mới nhỏ bé làm sao, với những tham vọng thấp hèn cũng như những sức mạnh to lớn sơ khai của thiên nhiên. Sao, thế nào, anh đã tiến bộ gì trong việc nghiên cứu Jean Paul[1]?

- À cũng tạm. Tôi đã trở lại gặp ông ấy qua Carlyle[2].

- À, thế là lần theo con suối lên đến nguồn. Ông này đã nêu ra một nhận xét khá lạ lùng song rất sâu sắc: bằng chứng đầu tiên về tầm vóc vĩ đại của con người là sự nhận thức về mức độ hèn kém của mình. Đấy, anh thấy không, điều này hàm ngụ một khả năng so sánh và đánh giá mà chính tự bản thân nó cũng đã là một bằng chứng về tính cao quý của con người. Richter[3] khiến ta phải suy nghĩ nhiều đấy! Chắc là anh không có súng ngắn?

- Tôi có chiếc gậy.

- Có khả năng là ta sẽ cần dùng đến một dụng cụ đại loại như thế, nếu ta vào được tận hang ổ của chúng. Tôi giao Johnathan cho anh, còn tên kia, nếu có tỏ ra hung dữ, tôi sẽ hạ hắn ngay tại chỗ!

Vừa nói anh vừa lấy khẩu súng ngắn của mình ra, cho hai viên đạn vào rồi nhét lại trong túi áo vét bên phải.

Trong lúc đó, chú Toby hướng dẫn chúng tôi dọc theo những con lộ, hai bên là làng mạc đưa về London. Và giờ đây, chúng tôi đi vào những đường phố thật sự với đám phu bến tàu và công nhân đi đến nơi làm việc. Mấy bà nội trợ ăn mặc xuềnh xoàng mở những ô cửa kéo và quét bậc thang lối ra vào. Từ những quán rượu, người ta đã thấy bước ra những đám đàn ông dáng đi thô bạo, vừa đi vừa lấy tay áo quệt hàm râu sau chầu nhậu buổi sáng. Mấy con chó thảm hại lang thang ngạc nhiên nhìn chúng tôi nhưng Toby cứ bước lên tới trước chẳng ngó ngang ngó dọc, múi chúi xuống đất, thỉnh thoảng lại rít lên báo hiệu một mùi mới đâu đây.

Chúng tôi đã băng qua khu Streatham, Brixton, Camberwell, và bây giờ chúng tôi đang ở khu hẻm Kennington; thế là chúng tôi đã đi qua những con đường ngang, về phía đông khu Oval. Những kẻ chúng tôi săn đuổi dường như đã dùng một lộ

trình ngoằn ngoèo quanh co, có lẽ là để tránh bị tìm ra. Không một lần nào chúng dùng con đường chính nếu có đường nhỏ song song. Đầu khu hẻm Kennington, chúng rẽ trái băng phố Bond và phố Miles. Chú Toby dừng lại nơi phố Miles, rẽ vào Quảng trường Hiệp sĩ. Rồi nó chạy lui chạy tới, một tai dựng lên, tai kia kụp xuống, đúng là hình ảnh của sự bất định ở loài chó? Sau cùng, nó lại rảo bước vòng quanh, thỉnh thoảng lại ngẩng đầu nhìn chúng tôi, như thể mong chúng tôi hiểu giùm cho nỗi bối rối của nó.

- Con chó mắc dịch này sao thế - Holmes càu nhàu - Chắc chắn là chúng không dùng xe mà ít ra chúng cũng không cỡi khinh khí cầu rồi!

- Có lẽ chúng đã dừng lại đây trong chốc lát? - Tôi gợi ý.

- À được lắm: kìa nó lại bước đi tiếp! - Bạn tôi nói giọng nhẹ nhõm.

Thật thế, Toby lại tiếp tục lần theo dấu vết đánh hơi. Nó còn đi quanh thêm một vòng nữa, khịt khịt mũi, rồi bỗng tỏ ra quả quyết. Giờ đây nó phóng tới trước bằng một sức mạnh và quyết tâm mà trước đó nó chưa hề có. Mùi mộc du có vẻ rõ rệt hơn trước, bởi nó chẳng cần đánh hơi mặt đất. Nó giật mạnh dây xích lên và tìm cách chạy đi. Cứ nhìn ánh mắt sáng rỡ của Holmes là cũng có thể biết được rằng anh đang nghĩ là cuộc hành trình của chúng tôi sắp sửa chấm dứt.

Giờ đây lộ trình của chúng tôi dắt chúng tôi qua phố Nine Elms. Chúng tôi đến xưởng gỗ "Broderick và Nelson", nằm ngay sau quán rượu "White Eagle". Đến đó, chú chó dưới cơn kích động dữ dội, chạy bổ vào xưởng mộc bằng lối bên hông, nơi đây thợ cưa đã bắt tay vào việc rồi. Không ngừng kéo sợi dây xích lên, Toby chạy băng qua đống mạt cưa và dăm bào, đâm bổ vào một lối đi, len lỏi giữa hai đống gỗ. Sau cùng rít lên một tiếng đắc thắng, nó nhảy phốc lên cái thùng lớn đang còn nằm trên chiếc xe vừa mới đưa đến. Lưỡi thõng xuống, mắt long lanh, Toby ngồi chễm chệ trên nắp thùng, nhìn chúng tôi hết người này qua người khác, rõ ràng muốn tìm một sự tán đồng ở chúng tôi. Ván thùng tô-nô và bánh xe của chiếc goòng được phết lên bằng một thứ nước đen ngòm, và bầu không khí quanh đó nồng nặc mùi mộc du.

Shelock Holmes và tôi nhìn nhau chưng hửng, rồi đột nhiên bật cười không sao nhịn được.

---

[1] Jean Paul Ritchter: tên một nhà văn Đức

[2] Nhà sử học và nhà phê bình người Anh.

[3] Tức nhà văn Jean Paul, gọi theo họ một cách kính trọng

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #chuong#dau