Chương 3: Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng (2)

Mùa xuân năm Kiến Gia thứ mười bốn (Giáp Thân-1224), bệnh tình của Huệ Tông đã thuyên giảm nhiều nhưng Trần Thủ Độ lấy cớ nhà vua vẫn còn ốm nên cho dọn vào ở trong một gian hậu cung. Quan ngự y là Chử Nhiệm Khai can rằng:

- Bệnh tình của hoàng thượng mười phần đã đỡ được bảy tám rồi, nên đi lại ra ngoài cho sảng khoái mới mau hồi phục chứ sao lại bắt hoàng thượng ở trong hậu cung như vậy?

Thủ Độ quắc mắt, quát:

- Nhà ngươi là ngự y mà không thông y lý hay sao? Trong ngũ ố thì tâm ghét nhiệt. Ngươi vẫn nói bệnh của hoàng thượng là ở nội tâm, nay đã qua mùa xuân, tiết trời nóng bức, để hoàng thượng ra ngoài được không?

(Ngũ ố: Năm điều ghét là tâm ghét nhiệt, phế ghét hàn, can ghét phong, tỳ ghét thấp, thận ghét táo)

Chử Nhiệm Khai không dám nói gì, lắc đầu đi ra. Từ đấy Huệ Tông bị giam chặt nơi hậu cung, đêm ngày có lính hổ bôn thân tín của Trần Thủ Độ canh giữ, các triều thần không được bén mảng, chỉ có một thị nữ A Nhi ra vào đưa cơm nước hầu hạ. Một hôm nhà vua muốn ra vườn chơi. Bọn lính canh không cho đi, nói:

- Hoàng thượng điên dại thế này, đi ra ngoài nhỡ xảy ra chuyện gì, chúng tôi chết cả.

Huệ Tông rầu rĩ nói với thị nữ:

- Giá như cứ điên thật lại hay, khốn nạn thay bây giờ ta không còn điên nữa mới khổ chứ.

Trần Thủ Độ từ khi giam chặt được nhà vua, thường lấy cớ có việc cơ mật cần bàn với hoàng hậu, ra vào nơi cung cấm mà không ai dám nói gì. Hoàng hậu Trần Thị Dung tuy yêu Thủ Độ nhưng vẫn cảm cái ơn Huệ Tông có lòng bao dung đối với mình nên bảo với Thủ Độ rằng:

- Chị nay là người của họ Lý, như đoá hoa đã tàn héo mất rồi. Thiếu gì người đẹp trong thiên hạ. Cậu quyến luyến tôi làm chi cho uổng một đời trai?

Thủ Độ nói:

- Chị quên lời nguyện ước bên bến sông nơi quê nhà năm xưa rồi hay sao? Nếu kiếp này không được sống cùng chị mới là uổng một đời trai.

Cuối cùng tình yêu tự nhiên đã thắng lòng biết ơn gượng ép. Từ đấy hai người thường tư thông với nhau ngay nơi cung cấm. Một hôm trong khi ân ái, Thủ Độ bảo Trần Thị Dung:

- Bệnh tình của Huệ Tông không thể chữa trị được, chẳng lẽ để triều đình không có vua mãi. Chi bằng ta nên lập vua mới.

Trần Thị Dung hỏi:

- Hoàng thượng không có con giai, cậu định lập ai đây. Vả lại lập vua mới tất phải phế truất vua cũ. Có phải vì tôi mà cậu muốn phế bỏ Huệ Tông hay không?

Câu hỏi bất ngờ của Trần Thị Dung làm Thủ Độ hơi chột dạ nhưng bản lĩnh của một vị tướng can trường đã giúp ông ta bình tĩnh lại ngay. Thủ Độ trả lời tự nhiên, không hề lúng túng.

- Không có con trai à! Vô nam tắc dụng nữ, việc chi phải lập người ngoài. Phế hay không phế, Huệ Tông cũng còn có ý nghĩa gì nữa đâu.

Hoàng hậu thở dài, giây lâu mới nói:

- Quyền bính ở trong tay cậu. Cậu muốn làm sao thì tuỳ, miễn đừng để đến mức mẹ con tôi không có chỗ dung thân là được.

Thủ Độ nói:

- Ơ kìa! Con chị làm vua, giang sơn này vẫn là của nhà chị, sao lại bảo không có chỗ dung thân? Vả nữa tình cảm của tôi đối với chị như thế nào? Chẳng lẽ tôi lại làm tổn hại chị hay sao?

Thấm thoắt đã đến tháng mười, rét sớm, Huệ Tông ở hậu cung một mình, chăn đệm sơ sài lạnh lắm, lại không có củi sưởi. Thị nữ A Nhi xin lĩnh thêm chăn cho vua. Thủ Độ bảo:

- Mới tháng mười, đã rét lắm đâu mà cần nhiều chăn chiếu.

Đêm ấy Huệ Tông bị lạnh, không sao ngủ được, ôm ngực ho rũ rượi. A Nhi thương vua, ôm ngài vào lòng ủ cho đỡ lạnh. Huệ Tông ứa hai hàng nước mắt bảo A Nhi:

- Ta có vợ, có con, có cả triều thần văn võ, vậy mà bị giam ở đây đã gần một năm, không ai lai vãng thăm hỏi. Bây giờ tình cảnh đã đến nước này cũng chỉ có một mình nhà ngươi ở bên cạnh. Nhà ngươi thật là một bầy tôi trung, tiếc rằng ta không thể làm gì cho ngươi được nữa. Ôi! Ta có ngờ đâu anh em thằng thuyền chài lại tàn ác thế này.

A Nhi không nói gì, chỉ ôm vua mà khóc. Hôm sau A Nhi đi lấy thức ăn sáng cho vua nhưng không được, liền giấu một miếng bánh của mình mang vào nhưng bị bọn lính canh khám lấy mất, cả nước uống cũng không cho. Huệ Tông phải nhịn đói, nhịn khát đến ngày thứ ba lả đi. A Nhi phải bế nhà vua vào lòng mà mớm nước bọt, ngài mới tỉnh lại. Nước mắt A Nhi rơi ướt mặt nhà vua. Vừa lúc đó Trần Thủ Độ đến, nói:

- Bệnh tình hoàng thượng đã đến nước này, sao không lo việc lập tự?

Huệ Tông bảo:

- Nhà ngươi hãy cho ta uống nước đã rồi muốn nói gì hẵng nói.

Thủ Độ sai lính lấy nước đến nhưng không cho Huệ Tông uống ngay, rút trong tay áo ra hai tấm lụa vàng, nói:

- Thực ra việc lập tự, triều đình đã lo giúp nhà vua cả rồi. Ngài chỉ việc ký tên vào hai chiếu thư này, xong hẵng uống nước.

Huệ Tông cố lấy chút hơi tàn, nói như thét lên:

- Chiếu thư gì? Đưa nước đây cho ta đã!

Thủ Độ cười lớn, nói:

- Đây là một chiếu thư nhường ngôi cho công chúa Chiêu Thánh và một chiếu thư thoái vị của nhà vua. Nếu nhà vua không phê cũng chẳng còn nước đâu mà dâng nhà vua nữa.

Huệ Tông gục mặt xuống, miệng lẩm bẩm:

- Chẳng còn nước! Chẳng còn nước nữa rồi!

Trần Thủ Độ nói:

- Nhà vua dẫu không còn nước nhưng trăm họ còn nước, việc gì mà lo.

Lịch sử ghi rằng: Mùa đông, tháng 10, xuống chiếu lập công chúa Chiêu Thánh làm Hoàng thái tử để truyền ngôi cho. Vua xuất gia ở chùa Chân Giáo trong đại nội. Chiêu Thánh lên ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ nhất, tôn hiệu là Chiêu Hoàng.

Lý Chiêu Hoàng sinh tháng chín năm Mậu Dần (1218), đến tháng mười năm Giáp Thân (1224) lên ngôi, nếu tính tuổi đã bảy tuổi nhưng tính năm mới được sáu năm một tháng. Mọi việc trong ngoài đều do Trần Thủ Độ cắt đặt, phong Phùng Tá Chu làm thái phó. Nữ hoàng từ khi lên ngôi phải chịu nhiều lễ nghi phiền toái, có buổi thiết triều các quan bàn việc lâu quá, làm người tè cả ra long bào, lúc ngơi việc học hành cứ tha thẩn buồn bã một mình như người mất hồn. Một hôm Trần Thủ Độ vào thăm, nữ hoàng bảo:

- Cậu Độ ơi! Cháu chẳng muốn làm vua nữa đâu.

Thủ Độ nói:

- Bệ hạ sao lại nói vậy? Giang sơn này là của bệ hạ. Bệ hạ không làm vua thì ai giữ gìn xã tắc.

Nữ hoàng cười, nói:

- Xã tắc, xã tắc là cái gì? Cậu cứ giữ hộ cháu có được không?

Thủ Độ nói:

- Xã tắc của bệ hạ! Thần không giữ được.

Nữ hoàng hỏi:

- Xã tắc có nặng không mà cậu không giữ được?

Thủ Độ trả lời:

- Nặng lắm! Nặng lắm!

Nữ hoàng nói:

- Nặng thế cho ai giữ thì giữ! Cháu chả làm vua nữa, buồn lắm, chẳng ai chơi với cháu. Cháu còn phải đánh rải gianh.

Những câu nói ngây thơ của Lý Chiêu Hoàng đã gợi ý cho Trần Thủ Độ hoàn thiện bước thứ hai trong kế hoạch đổi giời. Ngay tối hôm đó Thủ Độ nói với thái hậu Trần Thị Dung:

- Tôi thấy hoàng thượng còn nhỏ tuổi mà phải chịu nhiều nghi lễ phiền hà ở chốn cung đình, thật là quá sức. Bọn nội nhân toàn là người nhớn, hoàng thượng chẳng có ai mà kết bạn chơi đùa, xem ra buồn bã lắm, sợ lâu ngày sinh bệnh cũng chưa biết chừng.

Thái hậu Trần Thị Dung hỏi:

- Cậu bảo phải làm sao bây giờ?

Thủ Độ nói:

- Có lẽ phải chọn một số nội nhân ít tuổi, con nhà gia thế để hoàng thượng có bạn.

Thái hậu bảo:

- Cậu xem thế nào có lợi thì làm. Chiêu Thánh bây giờ có khác gì con của cậu.

Trần Thủ Độ liền về chọn một số con em trong tôn tộc họ Trần còn nhỏ tuổi để đưa vào làm sắc dịch trong nội cung như: Lục hoả thị cung ngoại (Lục hoả thị cung ngoại: Sáu đội lính hầu ngoài cung (Theo ĐVsktt)), chi hậu, nội nhân thị nội (Chi hậu, nội nhân thị nội: Các chức hầu ở bên trong (Theo ĐVsktt)). Trong số đó có Trần Bất Cập là cháu gọi Thủ Độ bằng bác, làm cận thị thự lục cục chi hậu (Cận thị thự lục cục chi hậu: Hầu cận bên cạnh nhà vua (Theo ĐVsktt)), Trần Thiêm làm chi ứng cục, Trần Cảnh làm chính thủ (Theo ĐVsktt). Trần Cảnh cùng tuổi với nữ hoàng nhưng sinh trước ba tháng, mặt mũi khôi ngô xinh đẹp, thông minh đĩnh ngộ, tuy nhỏ tuổi mà học đâu nhớ đấy, ăn nói mực thước, đi đứng đường hoàng. Trần Cảnh thường đứng hầu bên ngoài, một hôm bưng nước vào cho nữ hoàng rửa nên được đứng hầu bên cạnh. Nữ hoàng thấy Trần Cảnh chỉ nhỉnh hơn mình một chút, thích lắm, té nước đùa bỡn, lại truyền cho vào hầu bên trong để được chơi với nhau. Nữ hoàng thường đùa với Cảnh nhưng Cảnh không dám đùa lại chỉ giữ lễ nhún nhường. Được ít ngày, nữ hoàng đòi Trần Cảnh buổi đêm cũng phải vào chơi trò đuổi bóng rồi ném khăn trầu cho Cảnh, lại bắt Cảnh ngủ trong cung với mình. Trần Cảnh về nói lại với Trần Thủ Độ. Thủ Độ nói:

- Nếu thực như thế thì họ nhà ta thành hoàng tộc hay bị diệt tộc đây?

(Theo ĐVsktt)

Rồi Thủ Độ lại dặn:

- Lần sau hoàng thượng còn làm vậy, cháu cứ thế này... mà nói nhé. Hoàng thượng bảo sao về nói lại với chú, chớ để ai biết mà mang vạ đó.

Đúng là hôm khác, nữ hoàng lại lấy khăn trầu ném cho Cảnh. Cảnh lạy rồi nói:

- Bệ hạ có tha tội cho thần không? Thần xin vâng mệnh.

Nữ hoàng cười, nói:

- Tha tội cho ngươi. Nay ngươi đã biết nói khôn rồi đó.

Trần Cảnh về nói với Thủ Độ. Thủ Độ sợ bị lộ chuyện mới đem cả gia quyến vào cung cấm, sai đóng cửa thành và cửa cung, cho người canh giữ, không để các quan vào chầu, loan báo rằng: "Bệ hạ đã có chồng rồi". Các quan đều vâng lời xin chọn ngày vào chầu. Trần Thủ Độ không ngờ sự việc diễn ra trót lọt và êm thấm đến thế, liền vào nói với thái hậu Trần Thị Dung:

- Nhà vua phải lòng thằng Cảnh. Hai đứa đã trao khăn trầu cho nhau. Tôi công bố việc này với các quan, ai cũng lạy mừng cả rồi. Chị nghĩ thế nào?

Thái hậu nói:

- Chiêu Hoàng là con tôi, thằng Cảnh là cháu ruột tôi, việc đến như thế mà bây giờ cậu mới cho tôi biết! Thật tệ quá! Chúng nó còn bé cả, đã biết gì mà trao khăn mới trao túi.

Thủ Độ cười, bảo:

- Chị không nhớ chuyện của chúng mình ngày trước đó sao? Bọn trẻ bây giờ được nuôi dưỡng tử tế, chúng chóng khôn lắm, lại chả ranh mãnh bằng mấy chúng mình ấy chứ. Theo tôi, nên lo cho chúng càng nhanh càng tốt.

Thái hậu nói:

- Chả lo còn biết làm sao nữa!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top