Chương 3: Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng (1)
Năm Kiến Gia thứ mười ba (Quý Mùi-1223), thế quân của Nguyễn Nộn càng mạnh. Phía Đông, Đoàn Thượng cũng chiếm hết châu Hồng, châu Đằng. Trần Tự Khánh biết thế nhưng không làm sao được. Tháng mười hai, Tự Khánh ốm nặng, cho mời nội thị phán thủ Trần Thừa đến dặn:
- Em không thể cùng anh lo việc thiên hạ nữa. Nay họ Trần ta đã ở ngôi cao tột đỉnh trong triều. Đó là phúc lớn của tổ tông, nhưng chốn quan trường đầy những chông gai, không khéo sẽ thành đại hoạ, mong anh cẩn trọng.
Lại dặn Trần Thủ Độ:
- Chú là người vừa có tài, vừa có sức. Tương lai họ Trần nhà ta ắt phải nhờ tay chú lo liệu cả. Hiềm cái, chú chẳng được học hành, khi nắm quyền lớn cần phải tìm người kiến thức trợ giúp mới được.
Thủ Độ hỏi:
- Đỗ Kính Tu có là người kiến thức không ?
Tự Khánh bảo:
- Đỗ thái phó tuy tài cao, học rộng, thông kinh, bác sử, nhưng quá gò mình vào lễ nghĩa mà kém quyền biến, như vậy chưa thể coi là người kiến thức.
Thủ Độ lại hỏi:
- Phan Lân, Vương Lê có phải là người kiến thức không ?
Tự Khánh bảo:
- Phan, Vương hai người ấy trung dũng có thừa nhưng chỉ giỏi việc quân tình chứ việc trị nước chăn dân thì hai ông ấy không thể làm được nên cũng không coi là người kiến thức.
Thủ Độ hỏi tiếp:
- Đỗ Nguyên Bá bên Nguyễn Nộn thế nào ?
Tự Khánh thở dài mà rằng:
- Ta có biết Đỗ Nguyên Bá. Tiếc thay người ấy có tài nhưng đoản mệnh.
Thủ Độ định hỏi nữa nhưng Tự Khánh đã đi rồi.
Vua Lý Huệ Tông truy phong cho Trần Tự Khánh làm Kiến Quốc Đại Vương; phong Trần Thừa làm phụ quốc thái uý, vào chầu không phải xưng tên; phong Phùng Tá Chu làm thái phó. Một mình chỉ huy sứ Trần Thủ Độ quản lĩnh các quân điện tiền hộ vệ trong ngoài cấm đình.
(Theo ĐVsktt)
Trần Thừa bàn với Trần Thủ Độ:
- Nay nhà vua tuy bệnh có thuyên giảm nhưng vẫn không thể trông coi việc triều chính. Dân tình đói khổ. Giặc cướp khắp nơi. Bọn Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng không chịu quy phục. Khi lâm chung, chú hai có dặn phải tìm người kiến thức giúp đỡ nhưng không nói rõ là ai. Vậy chú nghĩ thế nào?
Thủ Độ nói:
- Em nghe nói có ông Kiều Hoàng Minh, hậu duệ đời thứ mười hai của Kiều Tam Chế, là người học rộng, tài cao nhưng không ra làm quan, nay đến ẩn dật ở Sài sơn, hái thuốc, luyện đan, hay cứu người nên được dân vùng đó coi như vị tiên, thường gọi là Kiều chân nhân. Đỗ Nguyên Bá biết là người tài, mấy tháng trước đã đến mời ra giúp Nguyễn Nộn nhưng bị chối từ.
(Kiều Tam Chế: Tức Kiều Công Hãn, trong thời kì 12 sứ quân cát cứ (966-967), ông chiếm đất Phong châu, sau bị Đinh Bộ Lĩnh đánh bại)
Trần Thừa bảo:
- Vậy ta cũng nên đến xem sự thể thế nào.
Thủ Độ nói:
- Để chọn ngày tốt, em sẽ đi ngay.
Trần Thừa bảo:
- Chú chuẩn bị lễ vật. Ba ngày nữa là ngày đại cát, nên đi.
Thủ Độ về sắm lễ vật, trai giới ba ngày, bỏ võ phục, mặc áo đại trào, đem theo một tiểu đồng hầu cận và ba người vệ sĩ, sáng sớm mở cửa Tây thành, cưỡi ngựa nhằm hướng Sài Sơn thẳng tiến. Mặt trời lên khỏi ngọn tre, năm thầy trò vào đến đất Sài Sơn. Qua một khoảng rừng thưa, thấy hiện ra dãy núi đá cao chất ngất. Dưới chân núi, thấp thoáng mấy nếp nhà tranh của sơn dân. Thủ Độ cho người hỏi thăm. Sơn dân chỉ đường đi tiếp vào trong. Năm thầy trò dắt ngựa đi sâu vào núi. Chỉ thấy:
Tầng tầng đá dựng
Lớp lớp cây dày.
Bên trên, lá chen kín lá
Phía dưới, dây quấn khít dây.
Vài chú chim giọng cất véo von
Dăm cô bướm cánh xoè rực rỡ.
Hoa thơm chờ ong tới
Quả ngọt đợi khỉ sang.
Đầu ngọn núi lộ ra một khoảng trời, mây trắng vờn chỏm đá lấp lánh tựa thấy bóng kim ô.
Giữa cánh rừng giấu kín mấy lòng khe, nước xanh xiết bờ rêu nhập nhoà như hiện hình ngọc thỏ. Càng đi sâu vào rừng, khí trời càng trong lành, yên ả. Trần Thủ Độ bảo mấy người tuỳ tùng:
- Quang cảnh nơi này đẹp đẽ u tịch, hẳn nào chẳng có bậc thần tiên đến ở. Ta thường quen việc chinh chiến, không ngờ lại có một nơi thanh bình thế này.
Đi vào một đoạn nữa, rừng mở ra. Trên khoảng đất vồng lên, rộng đến mấy mẫu, có một trang viên nhỏ, rào giậu sơ sài, đứng từ xa cũng có thể thấy hết được quang cảnh trang viên. Khi tới gần, trên cổng có một tấm biển lớn bằng gỗ rất chắc chắn nhưng không có chữ. Cánh cổng to dày không đóng. Nhìn qua cổng ấy vào trong là một sân đất rộng rồi đến ngôi nhà chính mái lá, vách nứa, cửa chắn bằng tấm liếp có mành mành che. Trần Thủ Độ cho buộc ngựa vào gốc cây, bảo mọi người đứng đợi. Lúc sau có một bé gái chừng tám chín tuổi ra mời khách. Thủ Độ hỏi:
- Đây có phải nhà Kiều chân nhân không cháu?
Bé gái đáp:
- Vâng ạ! Kiều chân nhân là ông nội cháu.
Thủ Độ hỏi tiếp:
- Hôm nay ông cháu có nhà không?
Bé gái đáp:
- Ông cháu đang ngủ trong nhà ạ. Mời các bác vào.
Thủ Độ bảo bọn tuỳ tùng ở ngoài, chỉ cho một mình tiểu đồng đem lễ vật cùng theo bé gái vào. Khi mở bức mành mành, Thủ Độ thấy một ông già nhỏ bé, ngắn ngủn, có lẽ không cao quá bốn thước rưỡi (Thước cổ có độ dài ~0,333 m), tóc bạc trắng búi củ hành, nằm dưới đất, gác hai chân trên chiếc chõng tre, đậy cuốn sách lên mặt mà ngủ, cốt cách nửa như tiên thánh nửa như kì nhân quái dị, chỉ hương thơm của các vị thuốc bay khắp nhà là dễ chịu. Để tỏ ra tôn trọng chủ nhà, Thủ Độ lui lại vài bước, đứng ngoài hè đợi bé gái vào đánh thức ông. Một lát bé gái bước ra, bảo:
- Ông cháu dậy rồi, mời bác vào.
Thủ Độ bước vào, trông vẻ mặt ông già, lại càng thất vọng. Ông già da đen, trán dô, má hóp, răng vổ, chỉ được đôi mắt sáng kéo lại. Thủ Độ chắp tay, lên tiếng:
- Kẻ phàm tục xin kính chào chân nhân.
Tuy nói vậy nhưng Thủ Độ lại nghĩ "Chẳng biết là chân nhân hay quái nhân đây". Kiều chân nhân cũng chắp tay cười nói:
- Không dám! Chẳng biết đại quan đến đây tìm chân nhân hay tìm quái nhân vậy?
Thủ Độ giật nảy mình, không hiểu vì sao ông già lại biết được ý nghĩ của mình, vội quỳ xuống làm lễ, nói:
- Tôi người trần mắt thịt, không được học hành, tính tình thô lỗ, có điều sơ suất, xin tiên lão thứ lỗi cho.
Kiều chân nhân vội đỡ Thủ Độ dậy, nói:
- Xin đại quan chớ đa lễ. Tôi hủ lậu, ở chốn rừng xanh núi đỏ. Chẳng hay có việc gì mà đại quan phải nhọc công tìm tới?
Nói rồi gọi người nhà pha trà. Lát sau có một thiếu niên bưng trà ra mời khách. Thủ Độ cầm chén trà trên tay, thấy hương thơm thoang thoảng, vừa dịu dàng thanh khiết như được chế ướp hết sức công phu, lại vừa như còn mùi ngai ngái tươi nguyên của những thứ lá cây quen quen là lạ. Khi nhấp vào môi, vị ngọt êm thấm nơi đầu lưỡi, làm Thủ Độ cảm thấy sảng khoái vô cùng nhưng vị ngọt nhanh chóng chuyển sang vị đắng. Cái thứ vị đắng cũng mơ hồ y như sự cảm nhận rất mơ hồ của vị ngọt ban đầu nhưng nó tồn tại không lâu đã lại biến thành vị ngọt rất đượm đà, làm Thủ Độ không thể nhận biết ra loại trà gì. Bất giác, Thủ Độ thốt lên:
- Ngon tuyệt! Dạ thưa cụ cho kẻ phàm này uống thứ trà gì mà ngon đến như vậy?
Kiều chân nhân nói:
- Chắc đại quan ở chốn kinh kì, không thiếu gì những thứ trà ngon. Đây chỉ là thứ lá cây thông thường có tên là đinh lăng mà bọn dân nghèo chúng tôi dùng ăn gỏi cá.
Thủ Độ ngồi chết lặng như một võ sĩ bị trúng đòn phủ đầu của đối phương. Vì thực ra khi còn ở quê đánh cá, Thủ Độ cũng hay dùng thứ lá này, bây giờ lại quên đi mất. Kiều chân nhân thong thả nói tiếp:
- Đinh lăng là thứ cây có thể làm tăng lực, trị độc, vị của nó tiền cam, hậu khổ, hậu cam cam, đắng mà không chối, ngọt mà không sắc khiến người ta dễ tiếp nhận.
Thủ Độ vái Kiều chân nhân một vái, nói:
- Đa tạ cụ đã có lòng chỉ giáo. Hôm nay còn chút việc, xin cụ dạy cho.
Thủ Độ bảo người hầu cận dâng mâm lễ vật. Kiều chân nhân không nhìn mâm lễ, chỉ nói:
- Những gì cần nói với ngài, tôi đã nói hết rồi.
Thủ Độ bối rối nói:
- Bỉ chức ngu muội, không hiểu được hết lý lẽ cao siêu, lại không có chữ nghĩa nên chẳng thể ghi chép, xin cụ chỉ bảo cặn kẽ để bỉ chức có thể nhập tâm ạ.
Kiều chân nhân nhìn thẳng vào mắt Trần Thủ Độ, hỏi:
- Đại quan còn điều chi chưa rõ?
Thủ Độ thấy trong đôi mắt của ông già như có một thứ ánh sáng lạ kỳ soi tỏ mọi ý nghĩ của mình, mới thành thực mở đầu câu chuyện:
- Thưa cụ, hiện nay đất nước ly loạn, dân tình cực khổ, nhà vua đau ốm không khỏi, việc chính sự hết sức rối ren, tôi thân giữ trọng trách mà kiến thức ít ỏi, không biết làm sao, xin cụ rộng lòng chỉ bày kế sách để hưng quốc an dân cho trăm họ được nhờ.
Kiều chân nhân nói chậm rãi:
- Từ thượng cổ đến nay có quốc gia nào trị rồi không loạn, có loạn rồi mới lại trị; có triều đại nào thịnh rồi không suy, suy rồi mới lại thịnh, cũng như cái vị lá này ngọt rồi đắng, đắng xong lại thấy ngọt. Có điều những bậc tể phụ phải biết điều tiết sao cho vị đắng ngọt ấy vừa phải, đừng gay gắt quá hoặc đừng bất cập là được. Đó chính là điều hoà âm dương chứ gì nữa. Nhân thân tiểu vũ trụ, con người có lúc ốm lúc khoẻ thì đất trời cũng phải có khi mưa khi nắng chứ. Nay nước đang loạn cũng như người đang ốm. Cái sự ốm ấy đã lâu ngày nên cơ thể suy nhược. Vậy mà các phe đảng đua nhau nổi lên làm cho muôn dân điêu đứng lầm than; nước nhà có khác nào người đã hư suy lại nhiễm thêm tà khí.
Đợi ông cụ nuốt xong miếng nước, Thủ Độ nói:
- Quốc tình hiện nay đúng là như vậy. Phía Bắc, Nguyễn Nộn bành trướng; phía Đông, Đoàn Thượng hoành hành, nếu không thống nhất giang sơn về một mối, không biết đất nước sẽ đi về đâu. Dám xin cụ kê cho toa thuốc.
Kiều chân nhân nói:
- Nguyễn, Đoàn hai người ấy tuy mạnh nhưng không có gì đáng sợ. Họ là thực chứng của căn bệnh. Còn sự rối ren của triều đình, sự tham bạo của quan lại, sự cùng cực của muôn dân, sự trống rỗng của quốc khố, sự mất lòng tin của trăm họ, sự nhu nhược của nhà vua cùng với trăm ngàn điều tệ hại khác nữa đó là hư chứng của căn bệnh. Phép chữa, thực chứng thì tả, hư chứng thì bổ. Chữa thực chứng tuy có đớn đau nhưng bao giờ cũng nhanh chóng hơn. Cái khó của ngài là ở phép bổ kia. Trong những cái khó đó, cái khó nhất là không làm sao trừ bỏ được bọn tham quan ô lại. Bọn này nếu không là hoàng thân quốc thích cũng con cháu công thần, chúng gian hiểm vô cùng, không những có bề trên che chở mà còn nhiều thủ đoạn xảo quyệt để giấu giếm hành tung, đâu có dễ gì tìm ra manh mối, mà ngay cả khi tìm ra manh mối liệu có xử được chúng hay không? Vậy là của dân cứ bị vơ vét mà không dám kêu, cơm lính cứ bị cắt xén mà không dám nói. Bách tính biết trông cậy vào đâu? Người trung lương bị hãm hại, bỏ rơi. Hỏi còn ai muốn hết lòng vì nước nữa đây? Nước có dân làm gốc, dân không tin, sao nước chẳng suy tàn. Nhà vua tự bịt mắt mình, lúc nào cũng muốn quần thần tung hô là thời thái bình thịnh trị.
Kiều chân nhân dừng lại nhấp một ngụm nước rồi tiếp:
- Nhưng trăm sự đều do ý giời. Giời làm ra thế! Muốn chữa khỏi bệnh chỉ có cách đổi giời.
Chính câu nói này của Kiều chân nhân như kéo Trần Thủ Độ ra khỏi cơn mê, ông ta kêu lên:
- Đổi giời!
Tiếng kêu nửa như kinh hãi của một tội đồ, nửa như sung sướng của kẻ tìm ra lối thoát ở cuối đường hầm. Từ đấy trong đầu Thủ Độ hình thành dần một kế hoạch đổi giời. Thủ Độ tiếp:
- Tuy nhà Lý đã quá mục ruỗng nhưng trong triều vẫn còn nhiều người trung thành, dẫu có muốn đổi giời phải đâu là dễ.
Kiều chân nhân cười khà khà, nói:
- Trung thành! Trung thành. Những kẻ đeo mỹ tự ấy chẳng khác nào một mụ gái goá đang tuổi hồi xuân, nếu có người đàn ông khác chăm lo chu đáo, quên ngay chồng cũ thôi mà. Vả lại đã mưu cuộc đổi giời trong tay phải cầm chắc cây kiếm thép.
Thủ Độ hơi nhíu đôi lông mày, nói:
- Thế trăm họ lại đổ máu nữa ư?
Kiều chân nhân nói:
- Nhưng nếu không làm vậy máu trăm họ có ngừng chảy hay không? Từ thượng cổ tới nay có triều đại nào không tô vẽ cho cung điện của mình bằng máu. Có vị hoàng đế nào không đẽo gọt ngai vàng của mình bằng xương thịt muôn dân, sĩ tốt. Cái gì khi mới hình thành trong ý nghĩ cũng dịu ngọt, khi thực hiện mới gặp nhiều khổ đắng, công việc xong rồi lại thấy sung sướng ngọt ngào. Thế chả phải là tiền cam, hậu khổ, hậu cam cam đó sao?
Thủ Độ nói:
- Lão chân nhân dạy rất phải. Hôm nay bỉ chức đến đây là muốn mời lão chân nhân cùng về triều mưu cuộc đổi giời, mong lão chân nhân hãy vì trăm họ mà xuống núi cho.
Kiều chân nhân cười, nói:
- Ấy là tôi cũng nói chuyện thế thôi, chứ tôi ở nơi sơn dã quen rồi, hơn nữa tuổi già, sức yếu đâu còn kham nổi việc thiên hạ.
Thủ Độ nói:
- Tôi thường được nghe nói ông Khương Tử Nha hơn tám mươi tuổi mới làm tướng nhà Chu, lập nên kì tích, sao lão chân nhân đã vội nhận là già?
Kiều chân nhân bảo:
- Tôi đâu dám so với Khương Tử Nha, nhưng ngài có thể là Chu Công Đáng.
Trần Thủ Độ lại nói:
- Anh hai tôi khi sắp qua đời có dặn phải tìm người kiến thức giúp đỡ, vậy thưa cụ như thế nào mới là người kiến thức?
Kiều chân nhân cười lớn, nói:
- Người kiến thức là người biết dùng kiến thức của cả trăm họ để mưu cái lợi cho trăm họ. Đại quan đi tìm kiến thức của một người sao bằng đi tìm kiến thức của muôn dân có hơn không?
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top