Chương 21: Đuổi cá sấu, Nguyễn Thuyên làm quốc ngữ văn (1)

Đang nói Hốt Tất Liệt nhận được biểu văn của nhà Trần, bực tức muốn giết Trần Di Ái rồi cất quân đánh phương Nam, có một người bước ra dâng kế. Các quan nhìn xem ai hoá ra là đạt lỗ hoa xích lộ Bắc Kinh tên là Bột Nhan Thiết Mộc Nhi. Hốt Tất Liệt nói:

- Khanh có kế gì hay, hãy nói trẫm nghe.

Bột Nhan Thiết Mộc Nhi tâu:

- Nay hữu thừa Toa Đô cùng tả thừa Lưu Thâm và thị lang Điệt Hắc Mê Thất tuy có mấy chục vạn quân ở Kinh Hồ nhưng hầu hết là quân tân phụ chưa thể dùng vào việc viễn chinh. Nếu tiến binh ngay cũng phải sang Xuân mới đến được đất phương Nam. Khi ấy trời nắng lên, lam sơn chướng khí, quân sĩ chịu sao nổi. Người Nam lại dùng kì binh quấy rối, quân ta khó mà thủ thắng. Chi bằng hoàng thượng dùng kế lấy mèo đuổi hổ có hơn không.

Hốt Tất Liệt hỏi:

- Lấy mèo đuổi hổ là thế nào? Khanh mau nói trẫm nghe.

- Tâu hoàng thượng! Nhà Trần ở phương Nam như con hổ ngồi thủ thế. Di ái ở trong tay hoàng thượng có khác chi con mèo. Nhân việc Trần Khâm chưa được phong đã lên ngôi, hoàng thượng phong luôn cho Trần Di ái làm An Nam quốc vương rồi cho quân hộ tống đến Đại La, giống như Tần Mục công phò công tử Di Ngô về nước Tấn ngày trước, đuổi Trần Khâm đi, như vậy có phải danh chính ngôn thuận không, mà bọn Trần Di Ái thì nằm gọn trong tay hoàng thượng chẳng chạy đi đâu được. Đó chính là kế dùng mèo con đuổi hổ lớn vậy.

Hốt Tất Liệt vỗ tay khen hay rồi tự đặt tên cho Đại Việt là An Nam tuyên uý ty, giống như Vân Nam tuyên uý ty là nơi quân Nguyên đã chiếm được từ ba mươi năm trước, phong cho Trần Di Ái làm An Nam quốc vương (ĐVsktt chép: Phong Trần Di Ái làm Lão hầu), Lê Mục làm hàn lâm học sĩ, Lê Tuân làm thượng thư. Bột Nhan Thiết Mộc Nhi được phong làm An Nam tuyên uý sứ đô nguyên suý, toàn quyền cai trị xứ An Nam, chọn một số quan lại giúp việc. Tháng mười năm ấy (11-1281) Hốt Tất Liệt xuất một vạn đĩnh tiền, cử Sài Thung đem một nghìn quân hộ tống "An Nam quốc vương" Trần Di Ái về nước. Di Ái được phong tước, có vẻ đắc chí lắm, Lê Tuân thấy vậy nói:

- Bọn ta nhận mệnh đi sứ, nay chịu tước phong của nhà Nguyên chính là khoác vạ vào thân chứ có gì sung sướng đâu.

Trần Di Ái nói:

- Các ngươi chớ sợ. Về đến Thăng Long ta lên ngôi vua quyết không bạc đãi các ngươi.

- Tôi chỉ sợ về đến Thăng Long đầu chúng ta chẳng còn ấy chứ, đâu có nghĩ đến chuyện quyền cao chức trọng mai sau, chi bằng trốn đi là hơn.

- Ngươi chớ sợ. Sài thượng thư không bỏ chúng ta đâu.

Lê Mục nói:

- Chúng ta tin Sài Thung sao được. Với một nghìn quân chỉ bảo vệ cho mình ông ấy không xong nói gì bảo vệ được chúng ta.

Di Ái nói:

- Sao các ngươi thiển cận thế. Đằng sau một nghìn quân ấy còn Bột Nhan nguyên suý với cả nước Nguyên hùng mạnh cơ mà. Trần Khâm muốn làm gì cũng phải trông gương nhà Tống chứ.

Tháng tư năm Thiệu Bảo thứ tư (Nhâm Ngọ-1282), Bột Nhan Thiết Mộc Nhi, Sài Thung và Hồ Kha Nhĩ hộ tống triều đình Trần Di Ái về tới biên giới nhưng tướng Việt là Lương Uất giữ ải không cho quân Nguyên qua, chỉ để Sài Thung đưa bọn Trần Di Ái về. Khi đoàn sứ đã vào trong ải, Lương Uất liền hô lính bắt bọn Trần Di Ái giải về kinh trị tội. Sài Thung quắc mắt quát:

- Trần Di Ái là An Nam quốc vương, kẻ nào dám bắt. Các ngươi muốn làm phản sao?

Lương Uất nói:

- Ta nhận lệnh của nhà vua trấn giữ nơi này bắt kẻ phản quốc. Trần Di Ái là tên phản thần, không phải là quốc vương gì cả. Bắt lấy nó cho ta.

Sài Thung không có quân lính hộ vệ nên đành chịu. Đêm ấy Lê Tuân nói với Trần Di Ái:

- Tôi đã nói rồi mà. Chúng ta nhận tước phong của nhà Nguyên là tự rước họa cho mình chứ quý hoá gì đâu.

Di Ái khóc nói:

- Bây giờ bị đưa về kinh chắc là phải chết, biết làm thế nào?

Lê Mục nói:

- Đã đến nước này chúng ta nên trốn quay lại nương nhờ nhà Nguyên may ra còn được sống.

Di Ái nói:

- Cũng đành thế vậy chứ biết làm sao.

Nửa đêm quân lính ngủ say, bọn Ái liền kéo nhau trốn đi nhưng bị lính gác phát hiện. Lê Mục rút kiếm chống lại, liền bị giết chết. Di Ái và Lê Tuân bị Lương Uất vây chặt, đành quỳ xuống chịu trói.

Sài Thung tức giận lắm, viết thư cho người tâm phúc luồn rừng quay lại bảo bọn Bột Nhan Thiết Mộc Nhi và Hồ Kha Nhĩ nhân khi quân Nam sơ hở đánh cướp lấy ải để cứu bọn Trần Di Ái. Bột Nhan Thiết Mộc Nhi nhận được thư, liền đem binh cướp ải thì trời đã gần sáng. Quân Lương Uất không ra đánh, chỉ reo hò, đánh trống, thổi tù và ầm ĩ. Quân Nguyên nghi hoặc không biết quân Việt nhiều ít thế nào, bảo nhau lùi lại. Đến khi trời sáng hẳn, Hồ Kha Nhĩ nói:

- Người Nam chỉ hò reo mà không ra đánh, hẳn là chúng ít quân. Ta nên cho lính nấu cơm ăn xong tiến lên chắc là chúng phải bỏ ải mà chạy.

Bột Nhan Thiết Mộc Nhi nói:

- Tướng quân bàn phải lắm. Ta cần đánh gấp để cứu Trần Di Ái mới có thể ép Trần Khâm thoái vị.

Hai tướng bàn xong, lệnh cho quân sĩ nấu cơm, vừa định ăn bỗng trong rừng chiêng trống vang trời, tên bay vun vút. Quân Nguyên bị bất ngờ, bỏ chạy tán loạn. Lương Uất dẫn quân xông ra chém giết một hồi.

Quân Nguyên chết hại quá nửa. Bột Nhan Thiết Mộc Nhi cùng Hồ Kha Nhĩ thu nhặt tàn binh chạy trốn về Nguyên, không dám nghĩ đến việc cứu bọn Trần Di Ái nữa.

Sài Thung thấy Bột Nhan Thiết Mộc Nhi thua chạy, đành phải đem đoàn sứ của mình đến Thăng Long nhưng vẫn giữ thói hống hách, ngạo nghễ cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh. Đô trưởng Thân Văn Khoai ngăn lại, bị Thung dùng roi ngựa quất chảy máu đầu. Văn Khoai tuốt kiếm, nói:

- Ta phải giết tên hỗn sứ này mới được.

Thập trưởng Trịnh Quang Minh kịp ngăn lại, nói:

- Chưa phải lúc anh em ta ra tay, hãy cứ chịu nhịn chúng đã. Hôm trước chú không nhớ quan đô uý nói: con hổ trước khi vươn ra vồ mồi nó phải thu mình cho nhỏ lại đó ư.

Văn Khoai nghe ra, tra kiếm vào vỏ nhưng trong lòng còn uất ức lắm. Sài Thung đến điện Tập Hiền thấy có chăng màn trướng, ngỡ là vua Trần đến tiếp mới chịu xuống ngựa nhưng Trần Nhân tông chỉ cho thái uý Trần Quang Khải đến sứ quán tiếp. Sài Thung nằm khểnh không ra. Quang Khải vào trong nhà, Thung cũng không chịu dậy. Quang Khải về tâu với vua. Trần Quốc Tuấn nói:

- Xin hoàng thượng để thần đến xem hắn làm gì.

Nhà vua nói:

- Nhưng khanh đến mà y cũng không chịu tiếp thì phải làm sao?

Quan hàn lâm đại học sĩ Lê Văn Hưu ghé vào tai Quốc Tuấn nói nhỏ mấy câu. Quốc Tuấn tươi cười nói với nhà vua:

- Thần đã có cách rồi.

Nói xong, Quốc Tuấn ra ngoài sai người gọt tóc, thay áo theo kiểu nhà sư phương Bắc rồi đến sứ quán. Sài Thung thấy vậy đứng dậy vái chào, mời Quốc Tuấn ngồi đối diện nói chuyện uống trà. Quốc Tuấn nói:

- Bần tăng nghe nói quan thượng thư sang Đại Việt lần này có nhiều trọng sự, cớ sao lại không tiếp quan thái uý tướng quốc.

Sài Thung nói:

- Ta đường đường là quốc công thiên triều, đáng lẽ quốc vương An Nam phải ra đón may ra ta mới chiếu cố mà tiếp, cớ sao lại để một một kẻ bồi thần đến, chẳng hoá ra là coi khinh ta quá hay sao.

Quốc Tuấn nói:

- Quốc công nói vậy sai rồi. Nam Bắc xưa nay là hai cõi riêng biệt. Đại Việt chưa bao giờ là thuộc quốc của nhà Nguyên, sao lại coi Quang Khải là bồi thần. Vả lại quốc công không chịu tiếp người của vua Đại Việt, định bỏ sứ mệnh trọng đại vua trao hay sao.

Đang trò chuyện, tên lính hầu của Sài Thung đứng phía sau cầm mũi tên tự chọc vào đầu đến chảy máu. Quốc Tuấn vẫn ung dung nói chuyện, sắc mặt không đổi. Sài Thung thấy vậy thầm cảm phục. Lúc Quốc Tuấn ra về, Sài Thung tiễn ông ra tận cửa.

Hôm sau Trần Nhân Tông lại sai Quang Khải đến sứ quán, Quốc Tuấn nói:

- Xin hoàng thượng chưa lên cho người đến vội. Cứ để cho hắn nằm đấy chán đi đã.

Nhà vua nghe theo, bỏ mặc Sài Thung nằm chơi ở sứ quán. Sài Thung không thấy ai ỏ ê gì đến, lâu ngày sốt ruột nhưng không biết làm thế nào, bỗng dưng thấy Trần Quang Khải tới thì mừng lắm nhưng vẫn ra bộ cành kiêu. Quang Khải định bỏ về, lúc ấy Sài Thung mới vội sai quân mời lại. Hôm sau Quang Khải dẫn Sài Thung vào chầu, dâng thư của vua Nguyên. Trong thư có đoạn nói: "Ngươi cáo bệnh không vào chầu, nay cho ngươi được nghỉ để thuốc thang điều dưỡng. Ta lập chú ngươi làm An Nam quốc vương, coi quản dân chúng".

Trần Nhân Tông nghe đọc thư xong, đập án, nói:

- Láo xược! Vua tôi nhà các ngươi là cái gì mà dám nói đến chuyện phế lập ở nước ta. Võ đao quân! Đem Sài Thung ra chém, gửi đầu về Nguyên để dạy cho Hốt Tất Liệt một bài học.

Sài Thung sợ ríu cả lưỡi, không nói được câu gì. Quan thông thị đại phu là Trần Phụng Công can rằng:

- Hai nước bang giao không nên chém sứ. Xin hoàng thượng cứ đuổi Sài Thung về cũng đủ làm cho vua tôi nhà Nguyên nhục lắm rồi.

Nhân Tông nghe theo, sai quân đuổi Sài Thung về. Thung đi sứ lần này cũng chẳng được công trạng gì lại suýt mất mạng, đành lủi thủi về nước.

Đây nói chuyện về Thân Văn Khoai mấy năm trước, sau khi được Trịnh Quang Minh cho số tiền năm mươi quan, liền về quê nói với mẹ bán hết vườn ruộng lấy một trăm quan tiền, quay lại Đại La chuộc Mộng Điệp. Chiều hôm ấy Văn Khoai cùng Trịnh Quang Minh mang bốn trăm quan tiền đến kỹ viện Phúc Tình. Một vị tương bang dẫn hai người vào gặp Tư Phúc. Quang Minh nói:

- Chú em tôi đây đã có đủ tiền. Xin mợ cho chuộc cô Mộng Điệp.

Tư Phúc với tay lấy chiếc ống đồng nhổ quết trầu, cười nheo mắt, nói:

- Có bao nhiêu mà bảo là đủ?

- Thì mợ đã bảo là bốn trăm quan, chúng tôi có đủ đây.

Tư Phúc phủi tay cười, bảo:

- Trời ơi! Những người anh em sao mà ngây thơ thế. Bốn trăm quan là đã cách đây mấy tháng rồi. Bây giờ cái gì cũng đắt đỏ, tháng trước có hai xu một thưng gạo, tháng này đã phải ba xu rưỡi rồi. Bốn trăm quan lúc này chưa bằng hai trăm quan mấy tháng trước, tôi để cho người anh em làm sao được.

Văn Khoai nghe nói vậy nóng bừng cả mặt, nói:

- Mụ này nói hay thật, đã như vậy sao mụ không nói trước cho chúng tôi biết. Mụ định giở trò phải không?

Quang Minh kéo Văn Khoai, ý muốn bảo cứ từ từ. Tư Phúc giọng giễu cợt, nói:

- Nào ai dám giở trò với người anh em. Nhưng thực tình cầm bốn trăm quan bây giờ, tôi có đi vớt gà lẻ về cũng không được. Bao nhiêu công chăn dắt, nay nó mới kiếm ra đồng bạc chứ có phải dễ đâu.

Quang Minh ôn tồn nói:

- Thế bây giờ ý mợ định thế nào?

Tư Phúc cười nhạt, nói:

- Bây giờ các người anh em muốn chuộc Mộng Điệp phải không dưới chín trăm quan.

Văn Khoai không chịu được nữa bặm môi nói:

- Mụ tưởng tiền là vỏ hến hay sao. Mụ đòi bốn trăm quan, tôi chồng đủ bốn trăm quan. Mụ có giao người không thì bảo?

Tư Phúc chống tay vào nách, nói:

- Này đây bảo cho mà biết nhá, nhà này có công với nước, chưa có đứa nào bắt nạt được đâu. Đã thế một nghìn quan cũng không bán xem các người làm gì nào. Bay đâu! Tiễn khách.

Theo khẩu lệnh của tư Phúc, vị tương bang hất hàm, mấy gã miết đầu cùng tiến lại (Miết đầu: Bọn vệ sĩ trong các kỹ viện). Văn Khoai định xông ra. Quang Minh giữ lại, kéo Văn Khoai đi. Văn Khoai vùng vằng, nói:

- Chẳng lẽ anh em ta sợ bọn chúng nó hay sao?

Quang Minh bảo:

- Chúng ta đâu có sợ gì mấy con chó ấy nhưng chú không trông kia.

Vừa nói, Trịnh Quang Minh đưa chỉ tay lên tấm đại tự có ba chữ Tử Vị Quốc. Văn Khoai biết ý đành theo Quang Minh về. Vũ Tình đến nói với Tư Phúc:

- Mợ đưa một cái giá cắt cổ thế ai người ta chịu nổi.

Tư Phúc bảo:

- Cậu mới rõ thật là. Có cái mỏ tiền, ai lại chả moi. Gã này xem ra đã quá si mê, thế nào cũng còn vác mặt đến. Có đòi hai nghìn quan nó cũng phải kiếm bằng được cho mà coi.

- Nhưng cũng nên vừa vừa thôi, vượt quá khả năng nó cũng chẳng biết làm thế nào.

- Thế nào là quá khả năng. Đã là quan thiếu gì cách kiếm tiền.

- Nhưng mà quan to cơ, chứ một anh đô trưởng lấy đâu ra lắm tiền thế.

- Chính quan choai choai này mới vung tay quá trán chứ quan to toàn những đồ bủn xỉn, kẹt trơ cuống ra, dễ gì moi được tiền của họ. Phen này nhất định tôi kiếm được hai nghìn quan cho cậu xem.

- Mợ ranh ma lắm, không bù lúc còn bán quán trà dại như...

Vũ Tình chưa nói hết câu, có tiếng kêu thất thanh:

- Có người nhảy lầu! Có người nhảy lầu!

Thì ra Mộng Điệp ở trong kỹ viện cực khổ quá lại thấy Văn Khoai đã hết lòng vì mình mà việc không thành liền lên lầu cao gieo mình tự vẫn. Khi Vũ Tình và Tư Phúc tới, Mộng Điệp đã nằm bất động, dang hai tay, máu ứa ra miệng. Tư Phúc lăn vào khóc:

- Ôi con tiền con bạc của mợ ơi! Mợ đối với con có đến nỗi nào, sao phải khổ sở thế này. Mất toi bao nhiêu tiền của tôi rồi. - Quay ra bảo Vũ Tình - Cậu bảo đứa nào vào báo cho hai cậu lính lúc nãy, may ra vì tình vì nghĩa các cậu ấy cho ít tiền thuê người chôn cất.

Lúc sau hai người lính trở lại. Văn Khoai nhìn trừng trừng lên tấm hoành phi có ba chữ Tử Vị Quốc. Quang Minh hỏi bạn:

- Cậu nhìn gì ở đấy?

Văn Khoai đau xót nói:

- Chính những chữ vàng vua ban kia bức chết cô ấy!

Từ đấy Văn Khoai ôm mối tình sầu, không chịu lấy vợ. Đã bao nhiêu năm chàng vẫn là một đô trưởng hết lòng với công việc bảo vệ triều đình. Lại đến khi Sài Thung đánh chảy máu đầu, chàng vẫn chịu nhịn. Trịnh Quang Minh thương bạn mới tìm cách khuyên giải rồi gả em gái mình là Trịnh Thị cho.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top