Chương 19: Tranh mĩ nhân, Khánh Dư mang trọng tội (2)

Công chúa Thiên Thụy đang trong những ngày đợi chờ hôn lễ nhưng nàng không sao xua đuổi được hình ảnh Khánh Dư ra khỏi đầu óc. Đành rằng Quốc Nghiễn là một chàng trai trẻ đẹp tài hoa, hoàn mĩ về mọi mặt song dường như sự đạt được con người ấy quá dễ dàng khiến Thiên Thụy giảm cảm giác hào hứng. Chính những ngày Đông lạnh lẽo này càng gợi cho nàng nhớ tới Khánh Dư. Khánh Dư, chàng không có cái vẻ mĩ miều của con nhà quyền quý, con người ấy thô mộc cứng cáp làm sao. Hơi thở của chàng ấm và gấp. Vòng tay chàng chắc khoẻ. Đã bao lần nàng nằm gọn trong vòng tay ấy, nó như vòm mái đủ vững chắc che chở cho nàng. Càng về khuya, nỗi nhớ nhung càng cồn lên, Thiên Thụy không sao ngủ được, nàng ra đứng bên khung cửa sổ. Bầu trời vắng tanh không một ngôi sao. Một tiếng vạc cô đơn lạnh buốt bay giữa tầng không. Tội nghiệp con chim, nó đang lẻ bạn. Thiên Thụy rùng mình, nàng quay vào lấy giấy bút viết cho Khánh Dư một bức thư tình với trăm ngàn lời trách móc nhưng lại hàm chứa một niềm nhớ thương da diết khôn nguôi.

Khánh Dư từ buổi trở về hương ấp, ruột gan như có lửa đốt, không biết làm cách nào để liên lạc được với Thiên Thụy. Suốt ngày chàng uống rượu rồi thở ngắn than dài, mọi công việc tô thuế cũng không màng tới, giao cả cho Hiếu Ngân và Quây Xẻn lo liệu với tá điền. Chiều nay Khánh Dư cũng đang trong cơn buồn khổ, bỗng gia nhân vào báo có người từ kinh thành tới. Khánh Dư bảo:

- Nói là ta không khoẻ, không muốn tiếp ai.

Gia nhân chạy ra một lúc, quay vào nói:

- Trình tướng quân! Người ấy mang thư của công chúa Thiên Thụy.

Mắt Khánh Dư sáng lên, vội vàng nói:

- Ngươi mau ra đưa họ vào đây.

Người thị nữ cúi chào Khánh Dư rồi dâng bức thư của công chúa Thiên Thụy. Khánh Dư xem thư xong, trong lòng phấn khởi bội phần, liền sai người mài mực, viết thư trả lời. Thôi rồi khỏi phải nói, bức thư Khánh Dư viết thật là dài, vừa bộc bạch tâm trạng nhớ nhung khao khát được gặp lại công chúa, rồi đến bể cạn non mòn cũng không sao quên nhau được. Tình cảm xem ra "lâm li thống thiết" lắm nhưng vì Khánh Dư là võ quan, ít khi cầm bút nên chữ nhầm chữ lỗi be bét cả, chữ đường là con đường chàng viết thành chữ đường là cục đường để nấu chè, chữ chung là cái chuông viết thành chữ trung là ở giữa, chữ thương là yêu thương hoá ra chữ thương là cái cót vựa đựng thóc. Ấy thế mà khi đọc lại có vẻ đắc ý lắm, xong xuôi phong kín đưa cho người thị nữ mang về còn mình thì ngong ngóng đợi đến ngày hẹn.

Công chúa Thiên Thụy nhận được bức thư tình, mừng hơn vớ được của, chẳng còn lòng dạ nào mà nghĩ đến việc Khánh Dư viết sai hay đúng. Nàng múa! Nàng hát. Nàng nhảy lò cò như đứa trẻ chơi nhảy bàn ô. Nàng nhìn cái gì cũng thấy sáng tươi đẹp đẽ, con chim trong vườn hót cũng hay hơn. Đến ngày hẹn, nàng định làm mặt giận để chọc khổ Khánh Dư. Nhưng vừa trông thấy chàng ngồi đợi trên phiến đá phẳng mà hai người thường hẹn hò nhau trong thạch động, Thiên Thụy không kìm được lòng mình, chạy vội về phía chàng. Cả hai quên hết những điều hờn dỗi. Bao nhiêu nỗi nhớ nhung buồn khổ đều biến thành những cử chỉ âu yếm. Cặp trai gái đang say mê trong cơn hoan lạc thì có tiếng xôn xao rồi ba bốn người hiện ra sau lối ngoặt. Cặp uyên ương chưa kịp rời nhau ra, mấy người kia đã đến ngay trước mặt. Điều tệ hại nhất là người dẫn đầu chính là công tử Nghiễn. Thì ra hôm nay công tử mới vừa từ Vạn Kiếp lên, chàng đến thăm công chúa, vị hôn thê mà bao ngày mong đợi. Thị nữ nói là công chúa chơi trong ngự hoa viên nên chàng đến đây tìm nàng, không ngờ lại bắt gặp cảnh tượng trớ trêu này. Trong giây lát Quốc Nghiễn đã hiểu ra tất cả, lòng tự ái và khí uất tưởng bốc tận trời xanh, chàng rút kiếm lao về phía Khánh Dư nhưng may thay người tuỳ tướng đứng bên kịp ngăn chàng lại. Quốc Nghiễn bỏ đi. Công chúa Thiên Thụy bưng mặt khóc như đứa trẻ vừa đánh vỡ thứ đồ chơi quý.

Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang vừa ở triều về đã nhận ngay được thư từ hôn của Hưng Đạo vương và Quốc Nghiễn gửi hoàng Thượng cùng bức thư nhờ ông bày tỏ việc công chúa Thiên Thụy thông dâm với Trần Khánh Dư. Quốc Khang vò đầu bứt tóc không biết vì đâu cơ sự lại trở nên như vậy. Vốn là người trung thực và tận tụy, ông lật đật trở lại hoàng cung, tâu trình mọi việc cùng Thánh tông. Thánh tông nghe xong, sai người tức tốc đi gọi Trần Khánh Dư, Hưng Đạo vương và Quốc Nghiễn về triều để đối chất. Mặt khác sai thái giám khám xét nơi ở của công chúa Thiên Thụy, bắt được bức thư của Trần Khánh Dư.

Hôm sau triều thần phân xử. Quốc Nghiễn cứ những điều mắt thấy tai nghe kể lại làm các quan không nhịn được cười. Khánh Dư và công chúa Thiên Thụy cũng không chối cãi. Thánh Tông vì sợ mất lòng Hưng Đạo vương, phán:

- Trần Khánh Dư ngông nghênh ngạo mạn, coi thường phép nước, quyến rũ công chúa làm điều càn quấy, xúc phạm bề trên, khi quân phạm thượng, nhân chứng vật chứng đã rõ ràng. Truyền tước bỏ mọi phẩm hàm, tước bỏ mọi chức quan, tịch thu gia sản rồi đem lên Tây hồ đánh chết làm gương cho những kẻ coi nhẹ kỷ cương.

Khánh Dư không lạy, cũng không kêu xin, chỉ gào lên:

- Quốc Tuấn ngày xưa cũng thế, sao bây giờ không gả Thiên Thụy cho tôi?

Bọn vũ sĩ xông vào lột mũ áo, trói Khánh Dư lại, dẫn đi. Lúc bãi triều, quan thẩm hình viện Đặng Ma La xin gặp riêng hoàng thượng, nói:

- Trần Khánh Dư có tài làm tướng, thật là hiếm có, xin hoàng thượng gia ân đừng giết ông ta.

Thánh Tông bảo:

- Khanh cứ yên tâm, ta nói thế để vừa lòng Hưng Đạo vương thôi. Đã sai người đi bảo đừng đánh chết rồi.

Thương thay Khánh Dư bị bọn võ sĩ lôi lên bờ hồ Tây đánh một trận nhừ tử, lại dìm xuồng hồ cho uống ước ừng ực nhưng chàng không hề kêu một tiếng. Ai trông thấy cũng cũng chết khiếp vì sự gan dạ. Viên ngũ trưởng (Ngũ trưởng: Chỉ huy năm người) thấy vậy ghé vào tai Khánh Dư, bảo:

- Tướng quân hãy giả vờ chết, chúng tôi thả tướng quân ra.

Khánh Dư quát:

- Nhà vua bảo các ngươi đánh chết thì cứ đánh. Có thế thôi làm sao phải giả vờ.

Nói xong nằm yên chịu đòn, lúc sau khắp mình bê bết máu, chàng mê man không biết gì nữa. Bọn lính dừng đánh. Viên ngũ trưởng nói:

- Tội nhân đã chết. Ai là người nhà thì đưa thi hài về mà mai táng.

Lúc ấy người nhà Khánh Dư chưa hay tin nên không có ai tới. Chỉ có một người ăn mặc rách rưới, nón mê tuột cạp đến ôm xác Khánh Dư khóc:

- Hầu tướng ôi! Tôi biết rồi thế nào cũng có ngày này mà.

Bọn võ sĩ thấy có người đến khóc mới bỏ về. Người khách áo rách kia thấy Khánh Dư còn thở khò khè liền thuê một chiếc xe, đặt lên chở ra ngoài thành Đại La tìm thầy thuốc cứu chữa. May mắn gặp được thầy thuốc còn trẻ tuổi nhưng thông hiểu y thuật, khám xét vết thương xong, nói:

- Vết thương tuy đau đớn nhưng không phạm vào trong. Chỉ bôi thuốc ít ngày cho liền những chỗ rách da, cũng khỏi.

Người khách áo rách đưa cho thầy thuốc hai lạng bạc, bảo:

- Nhờ thầy chạy chữa giúp cho.

Thầy thuốc cười, nói:

- Tôi được chữa bệnh cho hầu gia là vinh hạnh rồi. Xin đừng kể chi công lao tiền bạc.

Ngày hôm sau Khánh Dư từ từ mở mắt, trông thấy người khách áo rách, nhận ra người gia thần cũ, chàng khẽ gọi:

- Ngô Kế Trung, có phải ngươi đấy không?

- Vâng! Tôi đây thưa hầu tướng.

- Sao ngươi lại ở đây?

- Hầu tướng hãy cứ nghỉ ngơi đi. Chuyện dài lắm, sau này hẵng nói.

Mấy hôm sau, các vết thương trên mình Khánh Dư đã lành miệng. Chàng bảo Ngô Kế Trung đưa mình về huyện Bàng Hà. Kế Trung liền thuê thuyền, chủ tớ từ giã người thầy thuốc tốt bụng, ra đi. Hôm ấy là ngày hai mươi tháng chạp, trời rét lắm mà trên mình Ngô Kế Trung chỉ khoác có một manh áo, lại thủng nhiều chỗ. Khánh Dư hỏi:

- Sao ngươi mua quần áo mới lại không mặc, nhường hết cả cho ta, còn mình chịu rét thế kia.

- Thưa hầu tướng! Những thứ tôi mua từ hôm trước tới nay đều là tiền của hầu tướng cả, chứ tôi có gì đâu.

- Sao lại như vậy được? Hôm nay nhân đi thuyền nhàn rỗi, ngươi kể chuyện cho ta nghe. Từ khi bỏ đi, ngươi làm gì, ở đâu, vợ con ra sao?

- Tôi biết bỏ đi mà không xin phép là đắc tội lắm, nhưng không làm thế thì sao hầu tướng cho đi.

- Nhưng vì sao phải đi mới được chứ?

Ngô Kế Trung thở dài, nói:

- Vận nước lúc thịnh lúc suy, đời người khi lên khi xuống. Tôi thấy hầu tướng khi ấy tuổi còn trẻ mà công danh đã lẫy lừng, nên sợ có lúc phải đi xuống, mới gói ghém chỗ bạc vàng hầu tướng đã ban cho rồi đưa vợ con trốn đi nhưng vẫn thường nghe ngóng đường đi nước bước của hầu tướng. Chẳng ngờ vợ tôi là con đàn bà đê tiện, chỉ thích ăn chơi cùng ngồi lê đánh bạc. Gia tư dần khánh kiệt, thị muốn tôi bán vàng bạc để tiêu sài. Tôi không nghe vì biết số bạc vàng ấy sau này còn phải dùng cho hầu tướng. Thế là thị chửi bới om sòm, giễu tôi là đồ đàn ông ăn hại không biết làm ra tiền, mài chữ ra mà ăn. Ít lâu sau không chịu sống cuộc đời khổ cực, thị tếch theo một gã buôn trâu lên mạn ngược, bỏ lại hai cha con tôi. Bố con bồng bế nhau đi, vừa xin ăn, vừa viết chữ thuê. Đến một ngày cháu bị nóng sốt, ra mới. Không đủ tiền mua thuốc, nó đã bỏ tôi.

(Triệu chứng sốt cao, co giật của trẻ nhỏ)

Nói đến đây Ngô Kế Trung không cầm được nước mắt. Khánh Dư cũng lặng người đi, lúc lâu sau mới trách:

- Nhà ngươi thật là cố chấp. Có vàng bạc trong tay mà để con chết thảm thế được ư?

- Xin hầu tướng hiểu cho. Tôi không thể lạm dùng số của cải ấy được.

Khánh Dư phàn nàn mãi rồi hỏi:

- Hôm ở hồ Tây sao ngươi biết ta bị nạn mà đến cứu?

- Tôi thường bí mật theo hầu tướng. Hôm ấy thấy bọn lính giải ngài đi nên tôi theo.

Mấy hôm sau đến Lục Đầu giang, hai người lên bộ về hương ấp. Gia tư của cải bị bọn lính về vét sạch sành sanh, nhà cửa hơ hoác, vườn tược tiêu điều, cỏ gấu chớm mọc đến bên thềm. Hiếu Ngân, Quây Xẻn đã bỏ đi. Vợ con Khánh Dư cũng không biết phiêu dạt nơi nào. Chàng đứng ngắm quang cảnh mà lòng đau xót. Hai người vòng ra phía sau, gặp mỗi mình người lão bộc ngồi đun nồi cháo sắn. Thấy có người, lão dụi mắt nhìn lên. Nhận ra chủ, người hầu già ôm chầm lấy chàng, khóc không thành tiếng. Khánh Dư cố trấn tĩnh, an ủi người lão bộc, hỏi:

- Phu nhân cùng các con tôi đâu?

Lão Bộc thưa:

- Trình chủ tướng! Phu nhân nghe tin ngài thọ hình ở kinh thành nên đã gửi các công tử sang quê ngoại, lên kinh tìm rồi.

Khánh Dư bảo:

- Thế này thì ta phải quay lại Đại La tìm nàng thôi.

Ngô Kế Trung can:

- Hầu tướng không nên đi. Phu nhân biết hầu tướng đã thoát nạn, thế nào cũng về ngay. Tốt nhất ta cứ nghỉ ngơi rồi báo sang quê ngoại để các công tử khỏi lo đã.

Lão bộc bảo:

- Ngô tướng quân nói đúng đấy. Xin chủ tướng đừng lên kinh. Cũng còn ít gạo, để tôi nấu cơm cho hai người ăn.

Ngô Kế Trung hạ cái bọc vải trên lưng xuống mở ra, nói:

- Đây là tất cả số của cải tôi mang đi, bây giờ xin giao lại để hầu tướng chi dùng.

Khánh Dư bảo:

- Ngươi vì ta mà mất cả vợ con. Ta sao dám dùng chỗ vàng bạc này.

Kế Trung nói:

- Xin hầu tướng hãy quên những chuyện đã qua. Mọi việc còn đang chờ ở phía trước kia.

Đây nói công chúa Thiên Thụy được tin Khánh Dư bị xử tội chết, thương xót lắm mới cùng thị nữ lên hồ Tây tìm cách cứu chàng nhưng khi đến nơi, không còn ai ở đấy. Tìm mãi thấy một ông lão câu cá, Thiên Thụy hỏi thăm, ông già bảo:

- Ông ấy bị đánh đau quá, lính bảo là đã chết, người nhà mang đi mai táng rồi.

Thiên Thụy nghe vậy, rụng rời chân tay, thét lên một tiếng, nhao xuống hồ tự vẫn.

Thật là:

Chàng vừa thoát nạn về quê cũ

Nàng lại quyên sinh xuống đáy hồ

Mời bạn đọc tiếp chương sau xem công chúa Thiên Thụy sống chết thế nào.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top