Chương 19: Tranh mĩ nhân, Khánh Dư mang trọng tội (1)
Trời thu, nắng như rắc vàng trên đường phố. Gió heo may đã về khiến khách bộ hành cùng một lúc có hai cảm giác, nửa người quay về phía nắng thì nóng ấm còn nửa kia thì se se lạnh. Xóm Cây Duối bên hồ Lục Thuỷ xưa vốn chỉ có mươi nóc nhà sơ sài, nay đã thành một dãy phố sầm uất với nhiều lầu gác dinh thự tân kì đua nhau mọc lên. Giá đất tăng vùn vụt. Có chỗ trước kia cho không ai lấy, nay bỏ cả đống tiền mua chẳng nổi. Dân ở đây cũng không thuần nhất như xưa, nhiều nhà giàu có, xe ngựa tấp nập đi về hối hả với những vụ làm ăn bạc vạn. Các vị quan có tiền cũng mua đất dựng nhà quay ra mặt hồ nghỉ ngơi trong lúc thư nhàn. Đám ăn mày, trộm cắp cùng những kẻ lưu manh vô lại theo nhau tập trung về từng đàn kiếm ăn.
Bà cụ Hải đã chết ít lâu sau cái lần đi tìm mộ con ở Bình Lệ về, cô con gái bán gia tài cho kỹ viện Phúc Tình lấy tiền về quê tậu ruộng. Ông hàng thịt chó nay già lắm, tóc trắng như sợi gai, ngày ngày vẫn đều hai bữa rượu làm da mặt lúc nào cũng đỏ như trái táo chín, mọi công việc giao cả cho anh con giai nhớn. Cửa hàng được sửa chữa lại rộng rãi lịch sự lên rất nhiều. Khách đến ăn toàn những tay kiệt hiệt, miệng nói bô bô, tiêu tiền như vãi trấu. Chỉ có nhà anh cả Thìn - nay đã là bác cả Thìn - là chưa thay đổi mấy. Bác cả Thìn vốn không thạo nghề buôn bán lại lúc nào cũng giữ cái ý nghĩ mình đã từng một thời là lính hoàng gia cần phải mẫu mực, không được làm những sự sai quấy. Dạo bác Thìn dẫn mấy người đi Bình Lệ tìm mộ chồng con, lý tể Vũ Tình có hứa khi nào về sẽ cho cái giấy để bác mở hiệu bán giày guốc nhưng vì ghét cái thói trăng hoa đĩ bợm vô liêm sỉ của Vũ Tình, bác không đến. Ở nhà mãi cũng chán, bác kiếm bộ tràng đục cùng vài hộp sơn ra đầu phố làm nghề sửa chữa xe, kiệu mỗi ngày kiếm vài ba xu cùng với số tiền bác gái thu được từ gánh bún riêu bán rong, thế cũng đủ sống được qua ngày. Nhưng rồi bác gái sinh thêm bé Phượng và bé Quy. Nhà năm miệng ăn, hai bác phải chật vật lắm mới giữ được cho lũ con khỏi đói. Vũ Tình thấy bác cả Thìn khoẻ mạnh lại tinh thông võ nghệ, sang mời làm tương bang cho nhà hàng nhưng bác từ chối. Cũng từ đó bác cả Thìn không muốn gặp mặt Tư Phúc và Vũ Tình nữa. Ngôi nhà cũ của vợ chồng bác ngoi ngóp giữa những toà ngang dãy dọc dồn dập mọc lên, như một thầy tu khổ hạnh thủ tâm giữ đạo giữa đám quần hùng, mãi cách đây vài năm nhờ một người bà con làm ăn buôn bán tận Qua Oa về chơi cho một ít tiền mới được sửa chữa rộng ra như ngày nay nhưng so với những nhà kế bên nó vẫn chỉ là chú em rách rưới còi cọc.
(Tương bang: Người được thuê để bảo vệ kỹ viện và trừng phạt những kỹ nữ có lỗi)
Cu Long đã lớn, đi học xa chuẩn bị cho khoa thi tới, lâu lâu mới về thăm nhà. Chị em cái Phượng, cái Quy cũng mười bốn mười lăm cả, có thể giúp mẹ được nhiều việc. Nhưng cũng giống như tất cả những đứa trẻ khác, lúc còn bé chúng luôn vòi vĩnh bắt bố kể chuyện đánh Thát, khi đến tuổi trăng tròn, chẳng đứa nào còn muốn nghe chuyện của bố nữa. Chúng thích ăn diện và đi chơi phố. Chiều nay bác cả Thìn đợi cậu con trai, chốc chốc lại trông ra cổng, bảo:
- Thằng Long dặn hôm nay về mà sao vẫn chưa thấy đâu. Bây giờ đi lại sẵn xe ngựa đường trường, cũng đỡ khổ hơn bố ngày trước. Dạo hành quân lên Bình Lệ...
Cái Phượng ngắt lời bố:
- Bố lại kể chuyện cổ tích chiến trường của bố đấy, nghe mệt lắm. Bây giờ người ta làm ăn ầm ầm, phố phường đầy rẫy thứ chơi, ai lại cứ kể chuyện đánh nhau mãi.
Bác Thìn gái sợ chồng phật ý, mắng con:
- Tiên nhân con này, nói thế à?
Bác cả Thìn bảo vợ.
- Thôi! Kệ chúng nó. Mỗi thời mỗi khác. Mình cũng chẳng bắt chúng nó sống như mình ngày trước được.
Cái Quy thấy bố nói vậy, bảo:
- Mẹ thì thế nào cũng nói được, hôm nọ mưa nhà dột, kêu khổ. Con thấy khối người chẳng đi lính bây giờ giàu hú hụ, nhà cửa, xe ngựa đàng hoàng chứ đâu có như nhà mình. Chẳng phải đâu xa, ông lý Tình cạnh đây làm ăn như sấm như sét, năm sáu cơ ngơi. Nhà mình, chúng con bàn làm gì bố cũng sợ phạm pháp, sợ ảnh hưởng thanh danh người lính. Nhà cửa lúp xúp thế này chẳng biết cái thanh danh ấy có bị tổn thương không?
Bác Thìn gái mắng cái Quy:
- Con ranh kia! Biết gì mà cũng nói. Không có người ở nơi chiến trận ngã xuống thì liệu bây giờ chúng mày có tí tởn được như thế không? Ăn lắm vào cho nó rửng mỡ. Rõ cái đồ vô phúc.
Bác cả Thìn không nói gì chỉ ngồi trầm tư, nhìn hút vào không gian.
***
Dãy cây bàng cổ thụ trước cổng hoàng thành rụng hết lá, trơ lại vô số những chiếc cành khẳng khiu như cánh tay ông già gầy guộc chới với giữa tầng không hứng gió may. Trời mùa Đông lạnh và xám như gio. Quang cảnh thiên nhiên ấy dẫu có giấu kín phía sau bóng dáng của mùa xuân xem ra cũng chẳng ăn nhập gì với tâm trạng của những đôi trai gái đang liếc mắt đưa tình trao gửi cho nhau. Tình yêu! Vâng tình yêu, cái nguồn mạch của hạnh phúc sướng vui và bao nỗi sầu đau buồn khổ, như hai nửa đục trong tuôn chảy với dòng đời. Nhân loại đã có bao kẻ bị cái dòng sông cháy bỏng ấy cuốn đi và nhận chìm một cách vô tình. Một khi vướng vào sợi dây oan nghiệt ấy nghĩa là tự mình đem mũi gai nhọn găm vào giữa trái tim để được hưởng niềm khoái lạc của sự nhức nhối.
Đã ba tháng nay, từ khi gặp Mộng Điệp, đô trưởng Thân Văn Khoai không sao ngủ được, hình bóng nàng không khi nào rời khỏi tâm trí chàng. Làm thế nào để có được bốn trăm quan tiền chuộc Mộng Điệp ra? Văn Khoai vốn là người tự tin nhưng chưa bao giờ chàng thấy bất lực đến thế. Mỗi lần hình dung ra khuôn mặt xinh đẹp sầu khổ của Mộng Điệp, chàng có cảm giác như ai đang dùng móng sắc cào cấu trái tim mình. Thập trưởng Trịnh Quang Minh thấy bạn buồn bã như vậy, tìm lời an ủi hỏi chuyện. Văn Khoai thực thà kể hết sự tình. Quang Minh bảo:
- Bốn trăm quan tiền quả không phải là nhỏ. Bao nhiêu năm nay làm lính, tôi cũng chỉ mới dành dụm được năm mươi quan. Cậu đã có lòng muốn chuộc người ta, tôi xin giúp cả cho cậu.
Tấm lòng của bác em rất hiểu nhưng em không thể để liên lụy đến bác như thế được.
- Không sao! Không sao. Chúng ta là anh em. Xin chú đừng ngại. Sau khi phải đày đi làm lính chèo thuyền tôi đã nghiệm ra một điều ở đời tiền bạc không phải là thứ quý nhất. Đã ở lính thì chiến hữu chính là xương thịt của mình. Chú buồn, tôi vui sao được. Vả lại số tiền tôi cũng không dùng đến.
- Xin đa tạ bác. Như vậy là đã có được ba trăm quan. Em về quê bảo đẻ em bán đi mấy sào ruộng nữa là có thể đủ.
***
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top