Chương 18: Cuộc tình éo le trong vườn Yên Hoa (2)

Công chúa Thiên Thụy từ buổi Khánh Dư bỏ lỡ hẹn, buồn bã sầu khổ không biết chừng nào, bữa ấy mát trời, cùng thị nữ đến giảng võ đường xem luyện tập cho khuây khoả. Từ trên đài cao nhìn xuống thấy một thiếu niên tuổi chừng mười tám đôi mươi, tóc búi cao giắt một cây cài vàng, môi như son tô, mặt tựa phấn rắc muôn phần đẹp đẽ. Thiếu niên ấy mặc võ phục nhẹ, vai đeo cây cung màu mã não, túi tên buộc chặt sau lưng, tay cầm trường thương, cưỡi ngựa bạch câu phi như bay trên sân tập. Công chúa nghe một vị lão quan nói:

- Công Tôn Át cũng chẳng thể hơn.

(Công Tôn Át: Tướng nước Trịnh thời Xuân Thu, là người nổi tiếng đẹp trai. Mạnh Tư có nói: "Ai không cho Công Tôn Át là đẹp trai thì người ấy không có mắt.")

Thiếu niên kia múa một bài thương. Ngọn thương bay vun vút vẽ thành những vòng sáng lấp lánh bao trước, chặn sau mười phần kín đáo. Bài võ vừa dứt, chàng hoành ngọn thương ngang lưng ngựa, phi một vòng quanh sân tập, rút cây cung mã não bắn liền ba phát đều trúng hồng tâm. Cả võ trường vỗ tay vang trời dậy đất. Thiếu niên ấy tiến đến trước tướng đài chào các vị lão quan. Một vị quan nói:

- Thật không hổ danh con nhà tướng.

Thiên Thụy hỏi vị quan vừa nói:

- Viên tướng ấy là ai vậy?

- Thưa công chúa! Người ấy là công tử Nghiễn, con trai cả của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, năm nay mới mười chín tuổi. Hai năm trước đã từng theo đi tuần biên giới, gặp bọn thảo khấu bên kia sang quấy nhiễu biên dân, công tử đã dẫn quân đánh tan chúng, bắt được nhiều tên vì thế dân miền biên mới được yên. Hôm nay công tử về kinh, các tướng mời ra cùng thao luyện.

Công chúa nghe nói vậy hài lòng lắm, khi ấy Quốc Nghiễn đã nhìn thấy nàng. Bốn mắt gặp nhau, Quốc Nghiễn ngây ra không nói được lời nào. Mọi người lại nghĩ là chàng say nắng! Lúc ở võ trường về, Quốc Nghiễn hỏi một lão gia tướng:

- Hôm nay ta thấy trên tướng đài có một vị công nương; chẳng hay lão có biết đó là ai không?

Người gia tướng ấy thưa:

- Tôi nghe nói hoàng thượng có người con gái lớn là công chúa Thiên Thụy rất xinh đẹp. Hẳn là người ấy.

Công tử Nghiễn ngay ngày hôm sau về Vạn Kiếp nói với cha xin hỏi công chúa Thiên Thụy cho mình. Trần Hưng Đạo cũng ưng ý nhưng lại nói:

- Ta cũng biết Thiên Thụy là cô gái xinh đẹp đoan trang, hiếm có trên đời. Có điều biết lấy ai mối manh bây giờ?

Công tử Nghiễn nói:

- Tĩnh Quốc đại vương là người được hoàng thượng rất quý trọng. Việc này phi chú ấy ra thì khó có ai kham nổi.

Hưng Đạo vương gật gù, nói:

- Con nói phải đó.

Hưng Đạo vương liền sai sắm sửa sính lễ, chọn ngày lành tháng tốt đến nhờ Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang vào cung hỏi công chúa Thiên Thuỵ cho công tử Nghiễn.

Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang về danh nghĩa là anh ruột của Trần Thánh Tông nhưng thực chất là con của công chúa Thuận Thiên nhà Lý với An Sinh vương Trần Liễu, là em cùng cha khác mẹ với Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Ông là người hiền lành, đức độ lại có lòng hiếu thuận nên được thượng hoàng Thái tông và nhà vua cùng anh em trong hoàng tộc rất quý trọng. Chuyện kể rằng: Mùa Đông năm Thiệu Long thứ mười một, Thánh Tông cùng Quốc Khang vui đùa trước mặt thượng hoàng. Quốc Khang múa điệu múa của người Hồ; thượng hoàng vui vẻ cởi áo đang mặc thưởng cho. Thánh Tông cũng múa điệu Hồ để xin chiếc áo ấy. Quốc Khang nói: "Cái quý nhất là ngôi hoàng đế, thần còn không tranh với chú hai. Nay đức chí tôn ban cho thần vật nhỏ mọn này mà chú hai cũng định cướp lấy chăng?". Thượng hoàng cả cười nói: "Thế ra mày coi ngôi vua với cái áo xoàng này chẳng hơn kém gì nhau". Thượng hoàng cho Khang chiếc áo ấy.(Theo ĐVsktt) Từ đó Thượng hoàng và nhà vua càng yêu quý Quốc Khang hơn. Tháng chín năm sau vua phong Quốc Khang làm Vọng Giang phiêu kị đô thượng tướng quân. Khi ấy Quốc Khang được Hưng Đạo vương nhờ việc thì vui vẻ nhận lời, vào nói với nhà vua. Nhà vua cũng ưng cho, hẹn đến mùa Đông tiến hành hôn lễ.

Công chúa Thiên Thụy từ hôm ở giáo trường về, không lúc nào không tơ tưởng đến công tử Nghiễn, tuy vậy cũng không sao quên được những cuộc ái ân với Trần Khánh Dư. Nàng vẫn mong được gặp lại chàng nhưng đến hơn một tháng Khánh Dư không trở lại. Sự mong ngóng đã trở thành hờn giận, nàng cho rằng Khánh Dư là kẻ vong tình, đã quên đứt mình rồi. Vả lại kinh thành bây giờ nhiều chỗ ăn chơi, biết đâu chàng đã gặp một tuyệt thế giai nhân mà quên tình cũ. Đến khi nghe tin công tử Nghiễn nhờ người tới hỏi và nhà vua cũng đồng ý thì Thiên Thụy mừng như mở cờ trong bụng. Lòng tự ái khiến nàng quyết trả thù Khánh Dư bằng cách cho người báo với chàng cái tin nàng sắp đi lấy chồng. Quả nhiên nhận được cái tin quái ác ấy, Khánh Dư cuồng lên như bị ong đốt, quyết cướp lại người tình cho bằng được.

***

Thời cuộc thay đổi như trên bàn cờ. Quán rượu Phúc Tình phát triển mãi lên và nghiễm nhiên trở thành một kỹ viện có tiếng ở nơi đô hội về nhiều cách chơi tân kì, khiến các vị quan nhân, tướng tá mê mệt biết thế nào là chốn Bồng Lai ở nơi trần thế. Chủ quán tư Phúc có hai con đã lớn nhưng xem ra vẫn còn xuân sắc lắm. ả không biết đọc nhưng ông chủ Vũ Tình là người có ít nhiều chữ nghĩa lại có chức sắc trong phường phố. Các cung cách làm ăn là do ông chủ đọc sách Tàu, đem áp dụng theo lối kỹ viện Bắc quốc. Họ tuy không phải là vợ chồng nhưng hợp ý nhau lắm.

Mộng Điệp được bán về kỹ viện Phúc Tình đã năm ngày nhưng chưa được tiếp khách. Những kiến thức nghề nghiệp mợ Hồng dày công rèn luyện cho nàng không đáp ứng được yêu cầu của quan khách chốn đế đô. ở đây cái gì nàng cũng thấy bỡ ngỡ, từ quần áo, nhà cửa, đường đi lối lại, trông vào đâu cũng rực lên vẻ sang trọng của đất kinh thành. Ngay đến câu chửi và những trận đòn trừng phạt, mợ Hồng ở huyện Đường An chỉ là người dọa trẻ. Các kỹ nữ muốn tiếp khách phải khổ công học hỏi để khỏi làm mất tiếng tăm của kỹ viện. Quả là ông bà chủ có tư tưởng làm ăn nhớn. Các kỹ nữ mới đến, nội trong mười ngày phải học hết những bài bí quyết của chuyện gió trăng do chị cả giảng giải. Năm ngày qua, Mộng Điệp đã học được những bài tiếp khách phòng trà và thuật chuốc rượu, phải làm ra vẻ kiều mỵ, phải tạo được hương sen vàng thơm ngát... cùng những thủ đoạn lừa lọc nhiếp phách câu hồn để lấy tiền của khách. Hôm nay chị cả sẽ giảng bài bí quyết trong phòng. Từ sớm, Mộng Điệp cùng hai cô mới đến đã bị gọi dậy sang phòng học. Chị cả Tâm Băng ngồi chờ sẵn. Ba người vừa bước vào, Tâm Băng bảo:

- Hôm nay là bài học chính, các cô phải nhớ cho kĩ mới giữ được khách, nếu không thông thạo nghề ngón để khách bỏ đi thì chỉ có cách ra đứng đường làm gà lẻ thôi đấy.

(Gà lẻ: Gái điếm cấp thấp, phải tự ra đứng ngoài đường để tìm khách làng chơi trong đám hạ lưu)

Chị cả Tâm Băng đẹp, chừng hai bốn hai nhăm tuổi, nói năng lưu loát nhưng đôi mắt lạnh lùng không ra kênh kiệu cũng không phải u buồn mà đầy sức quyến rũ. Mấy chị em ngồi yên chỗ, Tâm Băng bắt đầu giảng:

- Các bí quyết trong phòng có nhiều nhưng chung quy là phải làm sao cho khách chơi vui thú sung sướng đến mê cuồng. Để làm được điều đó, các cô đừng cho là dễ nhé, chúng ta phải lao động cật lực đấy, dù có chán ngán rã rời vẫn phải làm như vui vẻ ham hố để khách khỏi phật lòng. Những thủ thuật cơ bản đã được đúc kết trong một câu là mặt ngoài bảy chữ, bên trong tám nghề. Phàm đã vào phòng với khách phải tuỳ cơ mà thực hiện cho tốt. - Chị cả Tâm Băng ngụm một ngụm nước nhấm giọng, nói tiếp - Bảy chữ ấy là khốc, tiễn, thích, thiêu, giá, tẩu, tử. Khốc là khóc. Khách đến chơi thường là loại đa tình mà sĩ diện, dễ mủi lòng; khi đã vào phòng phải làm ra vẻ bi lụy sầu khổ mong sự chở che của đấng trượng phu. Khách nổi máu anh hùng hoặc động lòng trắc ẩn tất phải nghe ta. Khi khách đã nghe mà gắn bó với ta rồi thì cắt tóc thề bồi đó là tiễn. Thấy khách có vẻ nhiều tiền thì...

Chị cả Tâm Băng đang giảng bỗng thấy ấu Lang con trai bà chủ lôi xềnh xệch một cô gái đẩy vào học đường, nói:

- Chị cho con này nó nghe lại với! Ngu đần quá, khách nào người ta chơi với, chỉ tổ cơm toi.

Cô gái vừa bị đẩy vào là Năm Hà, chưa đầy mười sáu tuổi, đã ra nhận việc mấy ngày nhưng không chịu chiều theo ý khách. Ấu Lang trước khi bỏ đi còn chỉ mặt Năm Hà, bảo:

- Ngồi đấy mà nghe giảng, ngày mai khách còn kêu, tao cho mày biết thế nào là đòn mèo.

Chị cả Tâm Băng lạnh lùng nói:

- Trông mày cũng không đến nỗi nào mà sao vô duyên thế?

Năm Hà gạt nước mắt nói:

- Em đang có kinh không làm gì được chứ đâu dám không chiều khách.

- Sao không uống thuốc chỉ kinh.

- Em uống rồi nhưng không sạch.

- Phải uống nhiều giấm vào.

- Ăn đói, uống nhiều giấm cồn ruột lắm, em không chịu được.

- Thế có chịu được roi gai, đòn mèo không?

- Chị ơi! Chị thương em với, xin cho em với.

- Tao xin cho mày, ai xin cho tao đây? Hãy vào ngồi mà nghe đây đã.

Tâm Băng nói tiếp từng chữ thích, thiêu, giá, tẩu, tử rồi hắng giọng bảo:

- Bây giờ các cô phải biết thế nào là tám nghề, không thạo tám nghề, đừng hòng giữ khách. Khi đã lên giường nếu khách là hạng lục lâm thảo khấu, thường hùng hục lấy được nhưng là hạng quan sang quyền quý hay tao nhân mặc khách, còn sờ mó mơn trớn chán, khi ấy phải tuỳ theo mà thực hành một trong tám nghề sau: Kích cổ thôi hoa, kim liên song toả, đại triển kì cổ, mạn đả khinh xao, khẩn thuyên tam điệt, tả chi hữu trì, toản tâm truy hồn, nhiếp thần nột toạ. Đó là tám phép nghề có thể nói là muôn vạn gã phong tình dù cao thủ đến đâu cũng không ra ngoài lưới ấy, nhưng phải tuỳ từng khách chơi mà ứng dụng chớ để nhầm lẫn.

(Đánh trống giục hoa, sen vàng khoá xiết, mở cờ gióng trống, đánh chậm gõ nhẹ, xiết dây ba đợt, bên níu bên giữ, châm tim bắt hồn, thôi miên cởi áo)

Chị cả Băng Tâm ngừng lời. Các đệ tử vẫn há mồm nghe như chưa hiểu đầu đuôi gì cả. Tâm Băng phải diễn nôm lại tường tận rồi bảo chị em đi kiến tập.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top