Chương 17: Phạm Hữu làm thơ cười Vĩ Thố (2)

Ngôi chùa Rồng rồi cũng được toạ lạc ngay giữa làng Cao Duệ, ba phía là ao, chỉ có một con đường độc đạo đi vào cửa tam quan. Trước sân có một bệ cao, bên trên là đài sen nâng tượng phật Quan Âm Bồ Tát bằng đá cực lớn, tay cầm cành dương vẩy nước cam lồ cứu khổ cứu nạn. Phía dưới tạc hình con quỷ đội đài sen đưa Quan Âm vượt qua biển cả. Chuyện này có tích hẳn hoi nhưng dân trong làng ra xem có người bảo:

- Thế này chẳng hoá ra phật phải nhờ vào quỷ mới sống được à?

Người khác bảo:

- Phật nuôi quỷ để sai việc.

Một ông chừng ngoại lục tuần hóm hỉnh nói:

- Phật nuôi quỷ hay quỷ nuôi phật cũng nên.

Một ông khác nói:

- Ôi chà! Cái đó chỉ có ma mới biết được.

Một bà chép miệng bảo:

- Quái! Ở nơi cửa phật mà các ông toàn nói chuyện ma với quỷ.

Một bà than vãn:

- Chẳng biết có Phật thật không, năm nay mất mùa mà cứ đóng góp xây cất mãi rồi khéo ra ma cả ấy chứ.

Buổi trưa các vị chức sắc trong làng ra làm lễ dâng hương thờ phật rồi tụ họp ngoài đình ăn cỗ hoàn công thợ, có quan huyện Nguyễn Vĩ Thố về dự. Phạm Hữu là quan hưu chức có công nên cũng được mời. Khi rượu đã ngà ngà, Vĩ Thố bảo Phạm Hữu:

- Thật tiếc cho cha con ông, khi chiến tranh loạn lạc thì xông pha nơi trận mạc, lúc thái bình có cơ hội thăng quan tiến chức, làm ăn được lại bỏ về. Tiếc quá! Tiếc quá. Giá ông ở lại...

Phạm Hữu lúc ấy còn tỉnh táo nhưng vờ say, gật gù nói:

- Quan lớn nói phải lắm. Nhưng làm quan đâu có dễ, cần phải có tài, phải không ạ?

Vĩ Thố đắc ý gật gù:

- Đúng rồi!

- Phải có khả năng che chắn đấu đá phải không ạ?

- Đúng!

- Phải biết dò đoán được ý quan trên mà chiều, phải biết kín đáo ăn chặn của dân, phải biết vu tội cho người ngay thẳng, phải có nhiều mưu mô để vơ vét cướp đoạt mà dân chúng vẫn phải coi mình là phụ mẫu chi quan công minh liêm chính, tóm lại là phải cực gian thâm có phải không? Những tố chất quý báu ấy cha con tôi không có thì làm quan sao được.

Vĩ Thố biết Phạm Hữu xỏ xiên mình nhưng không có cớ đàn hặc, cười méo mó, nói:

- Ông Hữu say rồi! Ông Hữu say rồi.

Phạm Hữu cầm chén đứng dậy bước ra giữa đình nói:

- Tôi say hay tôi chưa say không can hệ. Cái điều can hệ là tôi nói có đúng hay không kia.

Anh mõ cùng đám thợ làm thuê và mấy người nấu bếp nói:

- Đúng lắm! Đúng lắm!

Trương tuần Vũ Văn Dư thấy chạm nọc, buông đũa bát cầm tay thước chỉ đám người ồn ào, quát:

- Bọn kia! Biết gì mà nói leo?

Phạm Hữu bảo:

- Anh trương! Không phải nổi nóng. Tôi say rồi đang muốn về đây. Nhưng dù sao cũng mang tiếng có ít nhiều chữ nghĩa; làng có hội lớn lại có quan huyện về dự thế này là trịnh trọng lắm, tôi xin đọc mừng một bài thơ.

Mọi người cười khen tốt tốt. Vĩ Thố sợ Phạm Hữu làm thơ chửi mình, bảo:

- Hôm nay hoàn thành ngôi chùa nên chỉ làm thơ nói về nhà chùa thôi đấy nhé.

Phạm Hữu cười bảo:

- Tôi hiểu ý quan huyện rồi. Tôi đọc đây:

Hừ hừ!.. Tượng nhỏ tượng to đủ chỗ ngồi

Riêng người nằm khểnh dưới đất chơi

Tượng giả bộ nghiêm, thèm không dám

Người cứ tự nhiên tuý luý hoài

Ai bảo phật tiên người hay tượng

Cực lạc nhân gian hay bảo đài

Ật ưỡng trên cao giời khó giữ

Kềnh luôn ra đất mới lâu dài.

Phạm Hữu đọc xong, đám cử toạ vỗ tay tán thưởng. Vĩ Thố biết Phạm Hữu chơi ác mình, cáu lắm nhưng chẳng làm thế nào được cũng gượng cười khen hay. Phạm Hữu mủm mỉm cầm cây quạt, giơ tay chào mọi người, bảo:

- Thôi các vị cứ ăn uống vui vẻ. Tôi xin phép về còn phải bảo các cháu nó sao nốt mấy mẻ thuốc.

Phạm Hữu về rồi, Vĩ Thố mới bảo:

- Hừ! Mẹ kiếp! Ật ưỡng trên cao giời khó giữ. Hoá ra là nó rủa mình à!

***

Lại nói quan thẩm hình viện Đặng Ma La vâng chỉ làm khâm sai đi điều tra vụ Nguyễn Bằng phản loạn. Đặng Ma La vốn biết Nguyễn Bằng là người chính trực có công đánh giặc, chắc có chỗ uẩn khúc chi đây, nhưng sợ quan lại địa phương bưng bít mới nghĩ ra một kế, cùng mấy vệ sĩ mặc áo thường dân đi thẳng về làng Cao Duệ giả làm người buôn rau ở chợ, gánh một gánh rau úa ra bán. Có bác nông phu cười bảo:

- Gớm cái nhà bác này! Rau úa chết đi được còn mang bán thì ai mua.

Đặng Ma La nói:

- Tôi nghe nói đây là quê hương quan huyện Vĩ Thố, mà huyện quan lại chỉ thích ăn rau úa nên mới đem bán.

Bác nông phu giơ ngón tay trỏ lên miệng suỵt một tiếng, liếc mắt nhìn quanh, bảo:

- Chết! Sao bác nói dại thế, lại dám gọi cả tên cúng cơm của quan huyện ra nữa chứ. Lý tể làng này là con trai quan huyện, trương tuần gọi quan huyện là cậu ruột. Tay chân của họ nghe thấy thì bác chết đấy. Hẳn bác không phải là người vùng này?

- Sao tôi nghe nói quan huyện ở đây thanh liêm minh bạch, yêu dân như con, thương người nghèo lắm cơ mà.

- Ôi dào ôi! Thương cái xương chẳng còn. Bao nhiêu người bị vây cánh của ông ấy cướp sạch ruộng vườn, bồng bế nhau đi ăn mày cả lũ kia kìa.

Đặng Ma La gặng:

- Bác nói thế nào chứ chẳng lẽ không có ai lên tiếng bênh người nghèo à?

- Bác này đúng là ở nơi khác đến, coi giời bằng vung. Ai muốn bênh cứ trông gương ông Nguyễn Bằng đấy, tù mọt gông mấy năm nay, vợ con nheo nhóc, may nhờ ông Phạm Hữu cưu mang mới chưa đến nỗi chết đói.

- Ơ! Sao bảo Nguyễn Bằng phản loạn nên bị quan châu bắt?

Bác nông phu cười ngất, bảo:

- Ông Nguyễn Bằng mà coi là làm loạn thì cả nước này làm loạn hết.

- Thế thì đầu đuôi ra sao bác kể cho tôi nghe được không?

Người nông phu kể hết đầu tình sự việc cho Đặng Ma La nghe. Nghe xong, Đặng Ma La bảo:

- Không có ai làm giấy kiện lên quan châu à?

Bác nông phu ngán ngẩm thất vọng nói:

- Ôi giời ơi! Quan châu, quan huyện cũng cùng một giuộc cả. Chính vì có người làm đơn lên quan tri châu mới khốn khổ thế đấy.

- Bây giờ tôi đứng tên kiện, bác có dám ra làm chứng không?

- Chẳng ăn thua gì đâu bác ơi, tôi chịu thôi. Người dám làm chứng ở làng này may ra chỉ có ông Phạm Hữu.

Sau khi nói chuyện với người nông phu, Đặng Ma La giả làm người hàn nồi, la cà vào trong xóm gặp nhiều người khác nữa, biết dân ở đấy ai cũng căm ghét cha con huyện quan Vĩ Thố đến tận xương tuỷ mà không biết kêu vào đâu và cũng hiểu được nỗi oan ức của Nguyễn Bằng. Hôm sau Đặng Ma La tìm gặp Phạm Hữu nói chuyện. Phạm Hữu hăng hái xin làm nhân chứng. Đặng Ma La liền đến phủ đệ quan tri châu cho đòi cha con quan huyện Nguyễn Vĩ Thố, Nguyễn Vĩ Thử và trương tuần Vũ Văn Dư đến hầu. Bọn này kêu oan, nhất định không chịu nhận tội. Đặng Ma La cho mời Phạm Hữu, vợ con Nguyễn Bằng cùng những người bị cướp ruộng vườn đến đối chất. Cha con Nguyễn Vĩ Thố không thể chối cãi nhưng vẫn không chịu nhận tội. Đặng Ma La sai lính nọc bọn Thố ra đánh mỗi người bốn mươi côn. Vĩ Thử, Văn Dư không chịu được đau đành khai ra hết. Đặng Ma La tuyên án:

- Cha con, cậu cháu bọn Nguyễn Vĩ Thố, Nguyễn Vĩ Thử, Vũ Văn Dư coi thường vương pháp, lạm dụng phép công mưu việc tư lợi, câu kết ngụy đảng hãm hại người lành, hà lạm công khố, đè nén dân chúng, khiến cho nhiều gia đình phải tan nhà nát cửa, làm rối loạn kỉ cương phép nước, tội ác tày trời chẳng thể dung tha. Nay ta thừa lệnh hoàng thượng tuyên bố tịch thu toàn bộ tài sản, tước bỏ mọi phẩm hàm của Nguyễn Vĩ Thố đày đi Hoan châu làm sai dịch. Tịch thu tài sản Nguyễn Vĩ Thử, Vũ Văn Dư, tước bỏ mọi phẩm hàm đuổi về làm dân thường. Tất cả vườn ruộng bọn chúng cướp của thứ dân được trả về chủ cũ. Đốt bỏ văn tự xoá nợ cho dân. Quan tri châu Hà Phương không làm tròn phận sự, bao che dung túng cho hạ cấp làm càn, nay bãi chức quan, bắt về triều đình nghị tội.

Dân chúng đến xem xử án nhất loạt tung hô:

- Hoàng thượng vạn tuế! Hoàng thượng vạn tuế! Vạn tuế, vạn tuế, vạn tuế!

Đợi cho bầu không khí lắng xuống, Đặng Ma La nói tiếp:

- Nguyễn Bằng có công đánh giặc mà phải chịu hàm oan, hai lần vào lao ngục vẫn giữ được khí tiết, hết lòng vì nước vì dân, thật là trung lương, thật là quân tử. Nay đưa về triều đình đợi nhà vua ban thưởng. Lính đâu! Đưa Nguyễn đại nhân lên đây.

Quân lính mở cửa nhà ngục. Vợ con Nguyễn Bằng cùng Phạm Hữu vào theo. Chỉ thấy Nguyễn Bằng tóc tai quần áo tả tơi, người gầy đét, ghẻ lở đầy mình, chân tay bị cùm kẹp tím bầm sưng tấy, nằm thở thoi thóp như sắp tắt hơi, không còn biết gì nữa. Phạm Thị vợ Nguyễn Bằng oà khóc:

- Quân giết người! Quân giết người...

Thật là:

Đất khách coi khinh ngàn gươm giáo

Quê hương hấp hối một thân tù

Mời bạn đọc tiếp chương sau xem Nguyễn Bằng sống chết ra sao.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top