Chương 13: Nhà vua xét công thưởng tướng sĩ

Đang nói Cốt Đãi Ngột Lang sa vào nơi mạt địa, không có đường tiến, chẳng có đất lui, trong cơn cùng quẫn định rút gươm tự sát. Đoàn Hưng Trí bước lên giữ lấy thanh gươm, nói:

- Thống tướng chớ vội lo, tôi có cách này may ra thoát - quay lại bảo đám binh lính - Đây đã gần đất ta rồi, đằng nào cũng khốn, không liều mà đánh, chịu chết hết cả hay sao?

Nói xong đem bọn quân Bắc Thoán lên đầu, dẫn Cốt Đãi Ngột Lang và Hoài Đô vượt núi chạy suốt hai hôm thoát được về bên kia biên giới. Binh lính theo sau bị quân của Hà Bổng bắn chết đầy rừng. Đám quân đoạn hậu chết gần hết, chỉ có A Truật cùng vài chục lính Bạch Man tắt rừng chạy thoát. Mấy ngày sau Cốt Đãi Ngột Lang về đến Mã Quan, kiểm điểm sĩ tốt còn không đầy năm nghìn người mà phần lớn đều bị thương cả, mới thề rằng:

- Đời ta không bao giờ trở lại đất phương Nam này nữa.

Về sau Cốt Đãi Ngột Lang làm đến tể tướng nhà Nguyên, đánh cướp nhiều nơi nhưng suốt gần ba mươi năm không dám đem quân sang Đại Việt. Mỗi lần Hốt Tất Liệt nói đến đánh Giao Chỉ, Cốt Đãi Ngột Lang đều lấy cớ trong nước còn chưa ổn định gàn đi.

Trong khi các cánh quân Đại Việt tiến đánh Đông Bộ Đầu, Trần Quốc Tuấn mời Thái Tông lên đài cao ở bến Triều Đông quan sát mặt trận. Khi thấy kinh thành bốc cháy, quân Thát bỏ chạy, Thái Tông liền truyền khẩu dụ cho thái sư Trần Thủ Độ đem quân vào thành dập lửa, cứu các cung điện, lầu gác, chữa cháy giúp dân. Ngay chiều hôm ấy nhà vua đem trăm quan về Thăng Long lo việc sửa sang cung thất. Mấy trăm thợ giỏi được triệu đến cùng quan binh làm gấp ngày đêm để kịp đón tết.

Ngày hôm sau dân thành Đại La bồng bế nhau về, tiếng cười tiếng nói tíu tít khắp phường to ngõ nhỏ. Thóc lúa, của cải đào lên, đâu đâu cũng rộn rã chuẩn bị đón xuân. Chị cả Thìn đặt gánh xuống sân, bảo cu Long:

- Chạy bố chúng nó hết rồi con ạ. Từ nay mẹ con mình lại được ở nhà. Mai mẹ mua cá nấu bún cho con ăn.

Cu Long hỏi:

- Giặc chạy hết sao bố chưa về hả mẹ.

- Con ngoan đi, vài ngày nữa tết thế nào bố cũng về.

- A! Tết bố về, lại dạy con tập võ.

Bên kia bờ rào, bà cụ Hải bảo cô con út:

- Con xem gạo, đỗ đã đủ chưa. Tết này anh mày nó về, làm nhiều nhiều bánh chưng một chút. Thằng ấy là chúa ăn của nếp.

Chị tư Phúc lấy cái nơm úp con gà trống hoa, bảo hai đứa con:

- Úp con gà vào đây, vài hôm nữa bố về làm thịt cúng giao thừa.

Vừa nói, chị vừa nhìn ra cổng, biết đâu nhỡ anh về! Tự nhiên má chị đỏ lên. Tuy đã hai con nhưng chị còn trẻ và đẹp, một vẻ đẹp tự nhiên hơi hớ hênh, dư tràn sức sống và sự khát khao ham muốn rất người. Ngoài đường có tiếng chào hỏi xôn xao. Ai đó nói:

- Gớm! Trên Nhật Tân năm nay hoa đẹp ơi là đẹp!

Những ngày giáp tết, trời ấm dần lên. Tiết xuân như thổi vào cỏ cây vạn vật một luồng sinh khí. Hôm nay là mùng một tết, khắp các ngả đường dẫn vào hoàng cung rực rỡ vô số những ngọn minh đăng nối tiếp nhau đủ các màu. Từ canh năm, anh lính tốt Thân Văn Khoai đã trở về nơi gác cũ bên cổng hoàng thành. Cạnh đấy có gốc đào già cháy dở trồi lên mấy chiếc mầm rất mập với vài cái nụ nhỏ xíu xinh xinh. Những hạt mưa li ti nhảy múa tung tăng, tranh nhau hôn lên mấy nụ đào be bé. Chân cổng phía bên kia không phải là Thái Công Bình, người lính tinh nhanh ấy nằm lại trên chiến trường Bình Lệ, anh đã hoà đời mình vào những giọt mưa xuân làm xanh tươi lá cành của quê hương xứ sở, thay vào đó là anh lính tốt Nguyễn Văn Lai mới được tuyển từ đội lính của phủ Thiên Trường lên. Trong trận Đông Bộ Đầu, Nguyễn Văn Lai có công giết được ba lính Thát, dường như đứng lâu anh ta không chịu nổi, cứ ngọ ngà ngọ nguậy có vẻ khó chịu lắm, lúc sau quay sang hỏi Văn Khoai.

- Ngày nào cũng phải đứng gác thế này hả anh?

- Là lính giữ hoàng thành chỉ có đứng gác chứ làm gì nữa.

- Ôi! Thế thì chán quá. Tính tôi thích bơi lội chạy nhảy, bây giờ đứng như tượng suốt ngày chịu sao nổi anh ơi, giờ giấc nghiêm ngặt không cựa vào đâu được, hơi tí là bị phạt ngay. Thế mới biết người ta bảo gần lửa rát mặt, biết vậy cứ ở đội thuyền cho xong.

Văn Khoai cười bảo:

- Nhưng về đây đã được ăn ngon, mặc đẹp, lâu dần sẽ quen. Cậu không thấy làm lính hoàng cung là danh giá à? Khối người mơ chẳng được đấy.

- Danh giá thì có nhưng bó buộc lắm. Chả trách con chim trong lồng ăn uống đầy đủ ngon lành thế nhưng hở cửa là bay đi, chẳng cần ngoảnh cổ nhìn lại. Giặc chạy hết rồi, có lẽ ăn tết xong tôi xin về quê cày ruộng giúp thầy tôi. Binh đâu phải là nghiệp hả anh.

Hai anh em đang nói chuyện, từ điện Kính Thiên nổi lên một hồi trống dài, tiếp theo là tiếng pháo nổ. Cả hoàng cung như được nâng lên trong tiếng pháo. Trời sáng dần ra, đằng Đông rực lên màu hồng phơn phớt của ánh tảo minh, bóng đêm và mưa bụi lùi về phía cuối trời. Tiếng pháo ran lên trên các phố La thành rồi lan ra khắp nơi trong Đại La thành.

(Kinh đô Đại Việt gồm nhiều lớp thành: Ngoài cùng là Đại La thành, tiếp đến La thành, Thăng Long thành, trong cùng là Tử Cấm thành)

Trăm quan đã tề tựu trước sân điện Kính Thiên. Đúng giờ Mão, nhà vua mặt rồng tươi tốt bước lên điện. Triều thần quỳ lạy tung hô vạn tuế. Thái Tông giơ tay vẫy, miễn lễ cho mọi người. Ngài nói:

- Ơn nhờ linh khí giang sơn, hồng phúc của tổ tiên cùng sự chung sức đồng lòng của muôn dân trăm họ, đã đánh đuổi được giặc Thát ra khỏi biên thuỳ. Nhân dịp tân xuân, trẫm có lời chúc trăm quan cùng bách tính người người an khang, nhà nhà thịnh vượng, đặng làm cho Đại Việt ta thành một nước phú cường.

Nhà vua vừa dứt lời, từ quan đến lính cùng tung hô:

- Vạn tuế! Vạn tuế! Vạn tuế.

Hoàng thành vang ầm trong nhịp trống, tiếng người. Dân Đại La nhất loạt hô theo:

- Vạn tuế! Vạn tuế! Vạn tuế...

Tiếng hô lan qua bãi ngô, theo dòng Nhị Hà mang niềm phấn khích đến tận ngõ ngách của các xóm làng. Đợi cho bầu không khí lắng lại, nhà vua nói tiếp:

- Trẫm xin tỏ lòng tri ân tới các gia đình quan lại, sĩ phu, tướng lĩnh, binh lính cùng muôn dân có người thân đã anh dũng xả thân trong cuộc chiến vừa qua vì sự trường tồn của giang sơn xã tắc. Sự cống hiến đó thật là lớn lao, dẫu đem núi Yên Tử mà so cũng không thể nào sánh được.

Giọng nhà vua nghẹn lại, người xúc động nghĩ đến các chiến binh đã vì núi sông, vì người mà ngã xuống. Các triều thần cùng tướng lĩnh, binh sĩ cũng im lặng, một sự im lặng thành kính trang nghiêm trong đau thương mất mát. Bầu không khí như chìm hẳn xuống. Giây lâu nhà vua mới nói tiếp:

- Cho dù tổn thất đó thật lớn lao nhưng người Đại Việt đã chiến thắng vinh quang. Trẫm mong các khanh, tất cả thần dân Đại Việt của trẫm hãy cùng trẫm chung sức chung lòng xây dựng lại cơ đồ, làm oai linh dòng giống Lạc Hồng ngày càng rạng tỏ.

Nhà vua vừa ngừng lời, trăm quan cùng binh lính lại đồng thanh tung hô:

- Vạn tuế! Vạn tuế! Vạn tuế!

Nhà vua tiếp:

- Có được chiến thắng đó là nhờ các khanh từ quan lại đến nông phu đã cùng trẫm lo mối lo của xã tắc, gánh gánh nặng của giang sơn, thật đáng khen lắm lắm. Ai cũng có công, ai cũng đáng thưởng, người đầu tiên phải kể đến là Thiên Cực công chúa Trần Thị Dung.

Viên quan thị độc hô to:

- Thiên Cực công chúa Trần Thị Dung lĩnh chỉ.

Bà Dung quỳ trước sân rồng. Nhà vua nói:

- Trong khi trẫm cùng triều thần đem quân chống giặc ở ngoài, Thiên Cực công chúa đã lo cho hoàng tộc và trăm họ lánh về Thiên Trường, không để quân Thát bắt người cướp của, đó là công lớn thứ nhất. Khi tạm lánh ở Hoàng giang khanh đã giữ gìn hoàng thái tử, các cung phi, các công chúa cùng vợ con tướng lĩnh có được cuộc sống bình ổn không bị giặc cướp, vì thế hậu phương ta yên định, đó là công lớn thứ hai. Trong khi ta đang cần quân dụng để đánh giặc, khanh đã chiêu mộ dân binh, quyên góp đồ binh bị gửi ra mặt trận, đó là công lớn thứ ba. Đàn bà làm được như thế thật chẳng hổ danh con cháu Trưng vương. Do những công lao to lớn đó, trẫm phong khanh danh hiệu Linh Từ quốc mẫu; xe kiệu, mũ áo, quân hầu đều ngang với hoàng hậu.

Linh Từ bái lạy tạ ơn lĩnh chỉ. Ai cũng bảo:

- Thật là xứng đáng.

Viên thị độc gọi:

- Tướng Trần Khánh Dư lĩnh chỉ.

Trần Khánh Dư bước ra quỳ trước sân rồng. Nhà vua phán:

- Trần Khánh Dư tuổi trẻ mà anh dũng mưu cơ, thừa lúc quân giặc sơ hở, đánh úp cướp được nhiều lương thảo làm cho quân Thát sớm lâm vào tình cảnh khốn đốn. Công ấy không phải nhỏ. Trẫm phong cho tước hầu.

Trần Khánh Dư bái tạ nhận chỉ đứng dậy. Thái Tông nói tiếp:

- Trẫm muốn nhận khanh làm thiên tử nghĩa nam. Ý khanh thế nào?

Khánh Dư vội quỳ lạy tạ ơn rằng:

- Đội ơn hoàng thượng ưu ái. Nhi thần thật cảm kích, đâu dám không tuân.

Từ đấy Trần Khánh Dư được đối xử như một hoàng tử. Quan thị độc hô tiếp:

- Quan đại phu Lê Tần nhận chỉ.

Lê Tần quì lạy. Thái tông phán:

- Lê Phụ Trần đánh giặc có công, nguy nan không rối trí, mưu lược anh hùng, biết lấy nhàn chờ đánh nhọc. "Trẫm không có khanh thì đâu có ngày nay. Khanh hãy cố gắng để cùng được trọn vẹn về sau". Nay trẫm phong khanh làm ngự sử đại phu, tước Bảo Văn hầu, cho kết duyên cùng công chúa Chiêu Thánh. Hẹn ngày nguyên tiêu mở hội thành hôn.

(Lê Phụ Trần: Là biệt danh Trần Thái Tông phong cho Lê Tần

Phần trong ngoặc kép trích nguyên văn trong ĐVsktt)

Lê Tần cùng các quan ngơ ngác không hiểu nhà vua nói gì nhưng cũng không ai dám hỏi (Chiêu Thánh vốn là vợ vua. Nay vua đem vợ mình gả cho người khác thật là chuyện lạ. Vì thế đời sau Ngô Sĩ Liên cho rằng vua tôi nhà Trần coi thường đạo vợ chồng). Thái Tông tiếp lời:

- Có những người được phong khen, hôm nay vắng mặt ở đây, bộ lễ có trách nhiệm chuyển sắc chỉ của trẫm đến bản thân hoặc gia đình họ. Đó là Hà Bổng chủ trại Quy Hoá có công tập kích đánh tan tàn quân giặc. Hôm nay là ngày tết, dân ta được yên vui nhưng ông ấy vẫn còn đuổi quân Thát ở miền biên giới. Công lớn ấy thật đáng ghi cho muôn đời mai hậu noi theo. Trẫm phong cho tước hầu, cử làm tướng trông coi động Quy Hoá. Đó là Phùng Lộc Hộ, đánh giặc từ khi chúng mới vừa đặt chân tới Bạch Hạc, không cho chúng bắt người cướp của, bảo vệ được bách tính, chẳng may lâm trận tử vong. Trẫm truy phong là Lân Hồ Đô Thống đại vương, xây miếu thờ ở quê làng Đồng Bảng, huyện Tùng Thiện. Trẫm lại ban tám chữ lớn "Nam thiên tráng khí, Bắc khấu hàn tâm", khắc vào bức hoành đặt thờ trong miếu. Những người mệnh vong trong lúc cùng đánh giặc được phối hưởng, quanh năm khói hương thờ phụng. Đó là bảy anh em họ Lỗ, đứng đầu là Lỗ Định Sơn ở Tam Dương, toàn gia địch chiến, đánh giặc cả khi chúng đến lẫn lúc chúng rút chạy, gây cho quân Thát nhiều tổn thất. Cùng rất nhiều tướng sĩ có công, sau này sẽ được lần lượt ban thưởng. Những gia đình binh lính trận vong, thương tật được cấp tiền bạc. Những người tham gia đánh giặc đều được ban thưởng, cho về thăm nhà. Tuyên bố đại xá thiên hạ, chỉ riêng những kẻ hàng giặc thì không được tha.

(Nam thiên tráng khí, Bắc khấu hàn tâm: Trời Nam khí mạnh, giặc Bắc lạnh hồn

Tam Dương: Nay thuộc Vĩnh Phú

Toàn gia địch chiến: Cả nhà đánh giặc)

Nhà vua vừa dứt lời, tiếng tung tung hô vạn tuế ầm vang như sóng dậy khắp trong ngoài kinh thành. Tan buổi triều, người ta ôm nhau mà khóc mà cười. Ai nấy hoan hỉ bảo rằng:

- Vua ta thật là đấng minh quân.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top