Chương 12: Đánh Đông Bộ Đầu, Quốc Tuấn thu toàn thắng (1)
Đang nói chuyện Tô Đại Cơ trái lệnh bị Thiên Cực công chúa thét võ sĩ lôi ra chém, hoảng quá hoá liều hét toáng lên rồi lại đập trán xuống thềm xin tha chết. Người thị nữ đứng cạnh thương tình nói với Thiên Cực công chúa:
- Anh này ngày đầu vào lính chưa được rèn luyện nên mới mắc tội lớn, mong công chúa ra ân cho lập công chuộc tội.
Mấy viên vệ uý cũng thương là tân binh nên cùng xin cho. Công chúa nói:
- Đã vào lính phải theo phép nhà binh, không được như ở nhà với mẹ. Nể lời mọi người ta tha cho tội chết nhưng phải đánh hai mươi roi để nhớ lấy, lần sau không được lười nhác.
Tô Đại Cơ mếu máo đập đầu lạy tạ nhận đòn. Thiên Cực công chúa cho xếp vào thập vận binh thứ mười lăm, chiều hôm ấy theo thuyền chuyển lương ra trận.
Cốt Đãi Ngột Lang dừng quân trên bến Bồ Đề một đêm, cho thám binh sang sông dò xem quân Đại Việt phòng thủ kinh thành thế nào. Gần trưa các đội thám binh về đều báo Thăng Long bỏ ngỏ, không có quân sĩ canh giữ. A Truật nói:
- Phụ thân để con mang quân sang trước, nếu gặp quân Nam sẽ đánh mở đường. Phụ thân cùng Đoàn tướng quân đem quân tiếp ứng.
Cốt Đãi Ngột Lang nói:
- Hôm trước Trần Quốc Tuấn đã dùng trận Điểu Vân đánh ta, hôm nay lại bỏ trống thành trì. E có quỷ kế gì đây.
Hoài Đô nói:
- Tôi cho rằng quân Nam đã thiệt hại nặng, không đủ binh lực để giao tranh với ta nữa nên bỏ đi chứ không có mưu kế gì đâu. Xin nguyên soái cứ sang sông.
Cốt Đãi Ngột Lang bảo:
- Nếu vậy, các tướng nghe lệnh. A Truật, Hoài Đô mang ba nghìn quân sang trước, đánh chiếm bờ sông. Ta đem đại binh tiếp ứng. Bố Nhĩ Hải cho quân lương đi thứ ba. Đoàn Hưng Trí sang sau để giúp Bố Nhĩ Hải bảo vệ quân lương. Đội nào đến bờ gặp quân Nam phải đánh ngay.
Các tướng tuân lệnh lần lượt tiến binh, sẵn sàng tác chiến nhưng quân sang hết bên hữu ngạn vẫn chả thấy lính Đại Việt ở chỗ nào mà đánh. Đến chiều Cốt Đãi Ngột Lang đóng bản doanh trên bến Đông Bộ Đầu, vào nghỉ trong điện Phong Thuỷ, sai lính đi thám sát (Điện Phong Thuỷ trước đó là điện Linh Quang, tháng 2 năm Thiên Ứng Chính Bình thứ sáu sửa chữa đổi tên lại là điện Phong Thuỷ). Trời tối, lính thám sát về báo trong thành Đại La không một tiếng gà kêu chó cắn. Thăng Long không có lính giữ cửa. Cốt Đãi Ngột Lang sai A Truật tức tốc điểm năm nghìn binh vào thành. Hoài Đô, Đoàn Hưng Trí đem năm nghìn quân tiếp ứng, tự mình giữ một vạn quân làm ngoại viện. Bố Nhĩ Hải bảo vệ quân lương, quân dược đóng tại Đông Bộ Đầu. Sáng hôm sau quân tướng vào cả trong thành mà chẳng thấy dân chúng, triều đình Đại Việt đâu cả. Cốt Đãi Ngột Lang lệnh cho Bố Nhĩ Hải tải hết lương thực vào thành Thăng Long. Hoài Đô can:
- Quân ta tuy đã chiếm được thành nhưng không biết quân Nam ở đâu, nếu vào cả trong thành, quân Nam vây bốn mặt, quân ta khốn ngay. Lương thực còn không đáng bao nhiêu, làm sao giữ vững được. Xin thống tướng chia quân, đóng ở bên ngoài, chỉ để số ít trong thành, khi hữu sự còn ứng cứu cho nhau. Mặt khác, phải kiểm điểm kho tàng của quân Nam lấy thêm lương thực cho ta.
Cốt Đãi Ngột Lang nghe theo, giữ Hoài Đô cùng năm nghìn quân ở lại trong thành tìm lương thực. A Truật đem một vạn quân trở về Đông Bộ Đầu cùng Bố Nhĩ Hải. Đoàn Hưng Trí đem năm nghìn quân đóng ở Mi Động giữ phía Nam thành Đại La. Ba nơi tạo thành thế chân vạc ứng cứu cho nhau. Một nơi bị đánh, hai nơi đến cứu ứng.
Năm nghìn quân của Cốt Đãi Ngột Lang sục tìm suốt ngày chẳng được chút lương thực nào, khi vào đến nhà ngục chỉ thấy bọn sứ giả Ngạch Vu Tháp bị trói nằm khò khoeo ở đó, một tên đã chết từ đời nào, mới đưa ra gặp Cốt Đãi Ngột Lang. Ngột Lang thấy vậy uất quá nói:
- Phen này ta quyết bắt vua tôi nhà Trần mà băm vằm ra mới được.
Nói xong sai Nghạch Vu Tháp ra Đông Bộ Đầu lĩnh binh, ngày mai dẫn đường đuổi bắt vua Nam.
Hoài Đô nói:
- Quân ta nay còn không được ba vạn, lương thực dè xẻn chỉ đủ bốn năm ngày. Thống tướng mang quân đi, nhỡ quân Nam úp phía sau thì quân ta tan nát hết. Xin thống tướng hãy cứ ngưng binh, chỉ đánh các vùng lân cận để cướp lương, cướp người, bắt trai tráng bổ sung vào lính cho ta tăng quân số đã. Khi đã vững chân rồi, có thể lấy người Nam đánh người Nam, có phải quân ta đỡ đổ máu không. Nếu không, phải ngược lên phía Bắc sang đất Tống ngay.
Cốt Đãi Ngột Lang nói:
- Ta mà đem quân lên phía Bắc nhất định bị quân Nam đuổi theo. Vả lại đường lên phía Bắc có nhiều đồn ải không dễ vượt qua nhanh chóng được, như vậy lấy gì ăn mà đi. Trước hết hãy ở lại đây, cho quân nghỉ ngơi, tìm lương thảo bổ sung cái đã. Nếu biết vua Nam trốn ở đâu, ta sai sứ đến doạ cho chúng quy phục là hơn.
Hoài Đô nói:
- Việc dụ vua Nam quy thuận không phải là dễ. Xin thống tướng lo việc kiếm lương ngay.
Cốt Đãi Ngột Lang nói:
- Ta có bảy viên đại tướng, nay đã chết mất hai, A Nhĩ Hải bị thương chưa khỏi, còn bốn người chia ra lo giữ các nơi, biết dùng ai vào việc này bây giờ?
Hoài Đô thưa:
- Trong mười đại dũng sĩ, đã tử trận mất bảy viên, nay còn Nghạch Vu Tháp, Lâm Tằng Cơ, Đa Xích Nãn cũng đều là những người đã lập được công; sao thống tướng không dùng họ vào việc chỉ huy ba quân.
Cốt Đãi Ngột Lang nghe theo, phong Nghạch Vu Tháp, Lâm Tằng Cơ, Đa Xích Nãn làm tướng, sai đến Đông Bộ Đầu bảo A Truật chia cho mỗi người một nghìn quân ra các vùng phía Tây, phía Nam tìm lương và bắt người.
Trong khi Cốt Đãi Ngột Lang đang lúng túng tìm đối sách ở Thăng Long, Trần Thái Tông đóng đại bản doanh trên sông Thiên Mạc cùng Trần Thủ Độ, Trần Quốc Tuấn, Lê Tần ngày đêm bàn kế phá giặc. Hôm ấy là chiều ngày rằm tháng chạp, Thái Tông cùng mấy vệ sĩ đi thuyền nhỏ kiểm tra thuỷ trại, được tin Cốt Đãi Ngột Lang đã vào Thăng Long, nhà vua liền đến chỗ quân Tinh Cương do Trần Nhật Hiệu chỉ huy nhưng không thấy quân sĩ đâu cả, chỉ mỗi mình Nhật Hiệu ngồi trong thuyền. Nhà vua hỏi:
- Nay quân Thát đã vào Thăng Long, ngự đệ có kế gì phá giặc không?
Nhật Hiệu sợ hãi, không nói được, cũng không đứng lên nổi, lấy tay chấm vào nước viết lên mạn thuyền hai chữ nhập Tống, ý bảo nhà vua nên chạy vào đất Tống. Nhà vua bảo:
- Nhà Tống tự lo giữ lấy thân còn chẳng nổi, ta bỏ dân bỏ nước sang nhờ họ sao được. Quân Tinh Cương đâu cả?
Nhật Hiệu đáp:
- Không gọi được chúng đến*.
Thái Tông lắc đầu bỏ đi. Thực ra không phải quân Tinh Cương không đến. Số là Thái Tông nhiều lần đem việc quân bàn với Trần Nhật Hiệu nhưng Nhật Hiệu toàn bàn chùn, nhà vua biết là người không làm nên việc, chỉ giao cho một toán quân nhỏ, chủ yếu để hầu hạ và bảo vệ Nhật Hiệu, nhưng người xã Tinh Cương biết Nhật Hiệu hèn nhát nên không theo mà gia nhập các đội quân khác để được đi đánh giặc.
Nhà vua lúc ấy dời thuyền Nhật Hiệu đến thuyền Trần Thủ Độ, có cả Trần Quốc Tuấn và Lê Tần ở đấy. Nhà vua kể lại lời Trần Nhật Hiệu. Mọi người cười ầm cả lên. Nhà vua bảo:
- Em ta còn sợ giặc như vậy, biết liệu thế nào?
Trần Thủ Độ nói:
- Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác*.
(*: Những câu này trích nguyên văn trong ĐVsktt)
Nhà vua hỏi:
- Các khanh đã trù hoạch mọi việc đến đâu rồi?
Trần Quốc Tuấn đứng ra tâu:
- Quân giặc vào thành Thăng Long không khác gì cá vào lưới. Ta vây chặt không cho chúng ra các làng mạc cướp phá, chỉ mấy ngày quân chúng hết lương tất có biến, lúc ấy thần sẽ có kế đánh tan bọn chúng.
Nhà vua nói:
- Phải lắm!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top