Chương 1: Trần Cương nằm mộng gặp giao long

Núi rừng Yên Tử còn ngủ yên trong sương sớm. Chân trời phía đông ửng lên màu hồng phơn phớt. ánh sáng ban ngày xua dần những làn hơi lạnh còn len lỏi trong các bản làng. Mấy chú gà trống gáy vang như giục mặt trời thức dậy. Bà Trần gọi con:

- Này Cương! Có đi rừng không? Mẹ nắm cơm cho rồi đấy. Bố anh chứ! Ngáy như kéo gỗ. Mẹ thấy con ngủ ngon quá nên không muốn gọi sớm. Thôi ăn bát cơm rồi đi.

Trần Cương ăn vội bát cơm, chào mẹ, đeo cung, vác giáo vào rừng nhưng đi mãi vẫn không gặp con thú nào. Đến trưa, mặt trời lên cao, xua hết mây mù và khí lạnh, chàng thấy đói trong lòng, liền ngồi tựa vào gốc cây cổ thụ lấy cơm nắm ra ăn, lấy lá rải dưới gốc cây nằm nghỉ. Trong ánh nắng cuối xuân ấm áp, chàng mơ mơ màng màng như thấy mình lạc vào một xứ sở thần tiên xa lạ, phong cảnh kì thú muôn màu. Bỗng từ trong dòng sông trước mặt, hiện ra một con giao long cực lớn, bay vút lên trời, quấn quít trong đám mây lành. Trần Cương còn chưa hết kinh ngạc, giao long đã biến thành người đàn ông, khố đỏ áo vàng, đầu đội khăn vành đính ngọc dạ quang giắt nhiều lông chim trĩ, vẻ rất oai linh, từ đám mây hạ xuống, nói với chàng rằng:

- Ta là Long vương ở Bạch Đằng giang. Ba ngày nữa, nhà ngươi hãy ra bờ sông cứu con ta, sau này ắt được hưởng phúc lớn.

Nói xong, người đàn ông lại biến thành con giao long, lựa theo dòng mà ra sông lớn. Trần Cương tỉnh dậy, bàng hoàng, lấy làm lạ lùng, về nói lại với mẹ. Bà Trần là người đôn hậu khoan hoà, ngẫm nghĩ rồi bảo con:

- Giao long là giống rồng, thuộc về tượng đế vương. Vậy ba ngày nữa con cứ ra bờ sông xem sự thể ra sao. Nhà mình nghèo, lấy điều tích đức làm trọng, con chớ nên xem thường.

Ba ngày sau Trần Cương dậy sớm, ra bờ sông Cầm đi đi lại lại tìm kiếm nhưng chỉ có vi lô xạc xào heo hắt. Dưới sông, dòng nước trong xanh mải miết chảy để kịp đem nước đổ ra bể. Tuyệt nhiên không biết giao long con ở nơi nào mà cứu.

Ngày ấy ở lĩnh Đông Triều còn hoang vu lắm có người con gái tên là Tú Hồng, sắc đẹp lạ lùng. Các vị công tử con quan nhiều người đến ngỏ ý cầu hôn, nàng đều từ chối. Một hôm Tú Hồng ra sông giặt lụa, thấy con cá chép vàng giãy giụa trên cỏ. Nàng đem con cá thả xuống sông. Đêm về, Tú Hồng mơ thấy có người con trai khôi ngô đẹp đẽ, đến nói rằng:

- Cảm ơn nàng đã cứu mạng ta.

Hai người ân ái với nhau. Lúc chia tay, người con trai bảo:

- Nhờ nàng giữ gìn giọt máu của ta.

Khi tỉnh dậy, Tú Hồng thấy mình đã mang thai. Sắp đến ngày sinh nở, quan sở tại cho rằng nàng chửa hoang, bắt buộc vào chiếc bè, đem thả trôi trên sông. Tú Hồng nằm lả không biết đã mấy ngày, lênh đênh trôi không biết qua những xứ sở nào.

Bấy giờ Trần Cương quanh quẩn bên bờ sông đã lâu, bỗng thấy từ xa có chiếc bè trôi lại, bên trên có người con gái bị trói, liền vớt lên đem về nhà cho sưởi, cho ăn. Người con gái ấy chính là Tú Hồng. Ít ngày sau Tú Hồng sinh ra một bé trai rất khoẻ mạnh. Hôm đó là ngày Tân Thìn, tháng Quí Thìn, năm Đinh Thìn (1027). Từ đó Tú Hồng ở lại với Trần Cương. Ngày đầy năm, bà Trần đặt tên cho đứa bé là Trần Kinh. Khi Trần Kinh lên ba tuổi, một hôm có vị đạo sĩ vân du qua nhà, nói với Trần Cương rằng:

- Đứa bé này có tướng lạ, nó là cái trứng rồng chưa nở, tổ của nó thuộc về Nam phương. Đời Đế Minh (khoảng năm 2870 TCN) đi tuần phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh, lấy con gái Vu Tiên, sinh ra Kinh Dương Vương, cho cai quản phương Nam. Sau Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình quân là Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ. Bà Âu Cơ sinh ra cái bọc có trăm quả trứng, nở thành trăm người con trai, cho cai quản phương Nam Ngũ Lĩnh mà lập nên đất Bách Việt. Đứa bé này cũng là hậu bối của giống tiên rồng ấy. Hai trăm năm sau cõi Nam hưng vượng tất phải chờ trứng rồng nở. Ta khuyên ông nên bỏ nghề rừng mà làm nghề sông nước để rồng có cơ ra biển.

Trần Cương còn muốn hỏi thêm đôi điều nhưng vị đạo sĩ đã phất tay áo đi hút về phía núi Yên Tử. Từ hôm ấy Trần Cương không vào rừng nữa. Bà Trần già mất, Trần Cương bán cơ nghiệp, mua thuyền, sắm chài lưới, đem Trần Kinh và Tú Hồng xuống sông làm nghề đánh cá, vì vậy kiếm được nhiều tiền bạc, đóng được thuyền lớn, thuê nhiều gia nhân, xuôi dần ra cửa biển. Thời gian thấm thoắt, mấy chục năm qua, Trần Kinh trưởng thành. Chàng đánh cá giỏi và có sức khoẻ hơn người. Mấy năm sau, cha mẹ già yếu lần lượt về trời. Theo lời cha dặn, Trần Kinh xuôi ra biển rồi lần lần tìm xuống phương Nam. Một ngày nọ, chàng cho thuyền ngược một cửa sông vào đất liền. Nơi đây phong cảnh thanh bình, mặt đất bằng phẳng, nương dâu bãi mía tốt tươi, thôn ấp trù phú, dân cư đông đúc hiền hoà. Đàn bà, con gái vừa hái dâu vừa hát; những điệu ca nghe thật êm ái du dương. Trần Kinh trong lòng xao xuyến, hỏi thăm mấy người nông phu, biết đây là phủ Thiên Trường, mới quyết chí ở lại sinh kế lâu dài, làm nghề đánh cá, lập nghiệp, lấy vợ là Dương Thị, sinh ra Trần Hấp. Trần Hấp sinh ra Trần Lý. Vợ Trần Lý là nàng Tô Thị, sinh được hai người con trai là Trần Thừa, Trần Tự Khánh và một người con gái là Trần Thị Dung, về sau nuôi người cháu họ là Trần Thủ Độ làm con nuôi. Trần Thủ Độ không được học hành mà tính quyết đoán, có sức khoẻ và ý chí hơn người, tuy là em họ Trần Thị Dung nhưng khi lớn lên, hai người quyến luyến nhau lắm, những buổi chiều hè, thường ra bờ sông, chỉ tay lên vầng trăng non thề sẽ sống mãi bên nhau.

***

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top