Đất nước đã hóa thân trong mỗi chúng ta...
“Ta đã đi qua những năm thángkhông ngờ
Vô tư quá để bây giờ xao xuyến...”
Nguyễn Khoa Điềm đã mở đầu trường ca “Mặt đường khát vọng” thế đấy, những câu thơ thật nhẹ nhàng, pha lẫn vị bâng khuâng nhìn năm tháng trôi. Gần mười năm làm thơ, gần ba mươi năm làm đời, tất cả đủ để Nguyễn Khoa Điềm có những suy tưởng sâu sắc và chín chắn về đất nước, chiêm nghiệm lại chính mình, tự nhủ với bản thân và nhẹ nhàng khuyên lớp trẻ:
“Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình.
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời...”.
(Đất Nước - chương V - “Mặt đường khát vọng)
Vùng đất Bình Trị Thiên thật có duyên với các nghệ sĩ. Đây chính là nơi khơi nguồn cảm hứng cho những lời ca hùng tráng trong ca khúc “Bình Trị Thiên khói lửa”, là nơi tác giả “Mãi mãi tuổi hai mươi” vĩnh viễn nằm lại, và cũng tại nơi đây, năm 1971, trường ca “Mặt đường khát vọng” được hoàn thành. Năm ấy, chàng trai Nguyễn Khoa Điềm hai mươi bảy tuổi. Hai mươi bảy tuổi, cái tuổi đủ để có những cảm nhận chín chắn, sâu sắc và có ý thức đối với những sự việc chung quanh. Hai mươi bảy tuổi, ngọn lửa khát vọng vẫn sáng mãi, cháy mãi với ước muốn hiến dâng tuổi xuân cho đất nước. “Mặt đường khát vọng” đã ra đời như thế.
Cảm hứng đất nước là một cảm hứng thường thấy trong các tác phẩm văn học, tự cổ chí kim. Việt Nam là một đất nước tươi đẹp, lại nhiều lần bị ngoại bang xâm lược, chính vì thế tình cảm yêu thương tự hào về truyền thống, con người, văn hóa Việt nâng lên thành cảm hứng trong các tác phẩm văn học cũng là điều dễ hiểu. Đã thấy một Nguyễn Trãi tự hào:
“... Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác...”
(Bình Ngô đại cáo)
Đã thấy Nguyễn Đình Thi sảng khoái tự hào:
“Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha”
(Đất nước)
Đã thấy Tố Hữu reo vui:
“Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi
Rừng cọ đồi chè đồng xanh ngào ngạt
Nắng chói sông Lô hò ô tiếng hát...”
Như vậy, trước một đề tài quá quen thuộc và cũng đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng, trong khi văn chương không chấp nhận sự lặp lại, tất cả đòi hỏi Nguyễn Khoa Điềm phải có một hướng đi mới cho thi phẩm của mình. Trường ca “Mặt đường khát vọng” đã đáp ứng xuất sắc những đòi hỏi khắt khe đó.
Đoạn thơ “Đất Nước” trích phần đầu chương V của trường ca, nhưng người ta thường gọi đó là bài thơ vì nó đã nói lên trọn vẹn ý nghĩa về “Đất Nước”. Đó là, “Đất Nước của nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại”. Đoạn thơ cũng là “sự thức tỉnh của tuổi trẻ”, “hướng về nhân dân đất nước, sứ mệnh của thế hệ mình, đứng dậy đấu tranh hòa nhịp với cuộc chiến đấu của dân tộc” (sách giáo khoa văn 12, trang 248, NXB Giáo dục). Chính vì thế, sau khi khái quát về quá trình hình thành đất nước, suy niệm về Đất Nước trong chiều sâu văn hóa, chiều dài lịch sử, nhà thơ tự đúc kết:
“Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời...”.
Bốn câu thơ nhẹ nhàng, chân thành và tha thiết. Cách dùng đại từ “em” gợi cảm, gần gũi, thân mật đủ để làm “mềm hóa” những điều mang tính chất rộng lớn bao quát: đó là những suy niệm về đất nước. “Em ơi” trong câu thơ này không mênh mang dìu dặt đưa người về cõi xa bên dòng sông Đuống, pha lẫn chút vị hư ảo trong câu thơ toàn vần bằng như “Em ơi buồn làm chi” (Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm). “Em ơi” ở đây là lời nói và tâm niệm của chàng trai với cô gái, người “đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”, là lời tâm tình của người yêu với người yêu. Chọn câu chuyện tình yêu nam nữ để nói lên tình yêu đất nước, phải chăng là Nguyễn Khoa Điềm đã “mạo hiểm”? Không, chính tình yêu đất nước hòa lẫn trong câu chuyện tình yêu nam nữ mới tạo nên nét độc đáo hơn cho tác phẩm của nhà thơ.
Bài thơ được viết vào những năm cuối của cuộc kháng chiến, khi giặc Mỹ bắt đầu leo thang quân sự. Và khi Tổ quốc lại là “máu xương của mình”, thì sự “gắn bó và san sẻ” là điều đương nhiên. “Gắn bó và san sẻ” ở đây không chỉ là mối dây liên kết thông thường, không chỉ là lời tâm tình suông mà còn là hành động kết chặt với đất nước và cùng vượt qua thử thách. Phải có sự gắn bó, đoàn kết thì mới biết san sẻ. San sẻ những gì mình có, san sẻ tuổi xuân, san sẻ máu xương... Đến đây, đất nước không còn là một khái niệm mà là một nhân vật. Đất nước đã gắn chặt và hóa thân trong mỗi chúng ta, để chúng ta “gắn bó và san sẻ”, cao hơn nữa là “hóa thân cho dáng hình xứ sở”. Cống hiến tất cả, hy sinh tất cả để giữ yên bình cho đất nước này, cho Tổ quốc này, cho dải đất hình chữ S thân thương này. Câu thơ này gợi ta nhớ đến hình ảnh anh phi công trên đường bay Tân Sơn Nhất trong bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” của nhà thơ Lê Anh Xuân: “Anh chẳng để lại gì trước lúc ra đi / Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam, tạc vào thế kỷ”. Phải có những con người biết hóa thân thì dáng hình xứ sở mới vẹn tròn, mới to lớn, đúng như Nguyễn Khoa Điềm đã nói:
“Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn, to lớn...”.
Phải thế chăng mà biết bao con người trước khi nằm xuống lòng đất mẹ, vẫn nở nụ cười thanh thản, vẫn cài hoa lên mái tóc, vẫn hô vang “Việt Nam Hồ Chí Minh”? Phải thế chăng mà mỗi con đường ta đi qua, những di tích ta đã đến, lại khiến ta không khỏi xốn xang vì nó đã thấm máu xương những người con đất nước. Câu thơ như một lời thúc giục, “phải biết” được lặp lại đến 2 lần nghe vang lên như lời kêu gọi bao thế hệ.
Đất nước không chỉ “vẹn tròn to lớn” trong không gian mà còn trường tồn cùng thời gian. Có được điều đó là nhờ có những con người biết “hóa thân cho dáng hình xứ sở”. Thực tế những cuộc kháng chiến của dân tộc đã chứng minh điều đó: Việt Nam mãi muôn đời.
Bốn câu thơ đã nói hộ tâm tình, nói lên suy nghĩ của những con người sống đẹp, nghĩ đẹp và có cái chết đẹp cho đất nước. Họ mãi sống như dáng hình xứ sở như Việt Nam muôn đời. Để rồi tuổi trẻ hôm nay giật mình:
“...Ta đã qua những năm tháng không ngờ
Vô tư quá để bây giờ xao xuyến...”.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top