Cảm nhận về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn trích Đất Nước.

Từ sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, dân tộc ta đã phải tiến hành liên tiếp hai cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ xâm lược để gìn giữ nền độc lập tự do và thống nhất tổ quốc.

Trong suốt ba mươi năm ấy, vận mệnh của đất nước luôn luôn là vấn đề lớn lao, nóng bỏng và chi phối mọi lĩnh vực của đời sống dân tộc và mỗi con người Việt Nam. Vì thế, cùng là lẽ tự nhiên, tình cảm yêu nước đã trở thành cảm hứng chủ đạo trong thơ ca hiện đại Việt Nam, tiếp nối một truyền thống sâu đậm của văn học dân tộc từ ngàn xưa.

Tình cảm yêu nước được biểu hiện trong thơ ca ta thống nhất nhưng cũng rất đa dạng, phong phú tùy theo hoàn cảnh sáng tác, tâm trạng cụ thể của từng nhà thơ. Trường ca Mặt đường khát vọng được viết giữa những năm tháng hào hùng ca toàn quân, toàn dân ta đang tập trung sức lực, tập trung trí tuệ để chiến thắng đế quốc Mĩ, có vai trò không nhỏ của tầng lớp tuổi trẻ học sinh, sinh viên các thành thị vùng tạm chiếm miền Nam đang thức tỉnh, xiết chặt đội ngũ xuống đường. Tầng lớp này cũng có nhiều tâm tư, nhiều suy ngẫm về thế hệ mình, về đất nước. Từ góc độ đó, ở Đất Nước, chương V của bản trường ca Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm đã định nghĩa, cảm nhận ngợi ca vẻ đẹp nhiều mặt của đất nước, trình bày ý thức trách nhiệm đối với vận mệnh dân tộc giữa cơn thử thách lớn của lịch sử.

Hình tượng đất nước, trong cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm, gắn với những nhân vạt, hình ảnh hết sức cụ thể với những sinh hoạt rất đỗi thường ngày của mỗi chúng ta. Tình yêu lớn lao nhưng không hề xa xôi, trừu tượng mà được khơi gợi từ những sự vật, sinh hoạt gần gũi, từ những phong tục văn hóa có tự ngàn xưa. Đất nước có trong những câu chuyện cổ tích mẹ thường hay kể cho ta từ tuổi bé thơ, trong miếng trầu bây giờ bà ăn, trong lũy tre làng bao đời thành lũy thành chông cho dân mình đánh giặc. Đất nước gắn cùng tục búi tóc sau đầu, câu ca dao gừng cay muối mặn, gắn cùng cái kèo, cái cột, hạt gạo một nắng hai sương. Cảm nhận đất nước từ những cái bình thường quanh ta đã dẫn Nguyễn Khoa Điềm đến biện pháp nghệ thuật chiết tự. Từ ghép đất nước được tách thành đôi để nhà thơ định nghĩa thật cụ thể từng thành tố Đất và Nước:

Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất là nơi con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc
Nước là nơi con cá ngư ông móng nước biển khơi
Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở

Dòng suy tưởng đưa Nguyễn Khoa Điềm trở về quá khứ, với huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ khẳng định cội nguồn thống nhất của con người Việt. Đất nước trường tồn trong thời gian đằng đẵng, không gian mênh mông. Vậy là những hình ảnh, sự vật trên rất đỗi bình thường, nhưng đâu phải tầm thường; trong đó ẩn chứa sâu xa chiều dài lịch sử, truyền thống văn hóa với bao phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc. Gợi lên truyền thống lịch sử - văn hóa vững bền, không gian địa lí mênh mông của đất nước từ những điều giản dị, thường ngày, đó là thành công đặc biệt của Nguyễn Khoa Điềm ở đoạn trích này. Đất nước là đời sống, là hơi thở hàng ngày của mỗi chúng ta. Đất nước là sông bể mênh mông, núi rừng hùng vĩ. Đất nước trải suốt chiều dài lịch sử truyền thuyết Hùng Vương, đến đạo lí Hùng năm ăn đâu làm đâu - Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ. Ai biết được tự bao giờ con người Việt Nam biết kể chuyện cổ tích, có tục ăn trầu... Ai biết được tự bao giờ con người Việt Nam biết làm bạn với cây tre, với cái kèo, cái cột... Đằng sau những điều giản dị ấy là truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời, bền vững của dất nước Việt Nam ta. Từ góc độ đời sống cá nhân, nhà thơ nói được cả cuộc sống cộng đồng, đưa đến cho người đọc cảm nhận toàn vẹn, tổng hợp về vẻ đẹp đất nước.

Làm nên truyền thống lịch sử - văn hóa độc đáo, vững bền của đất nước chính là bao thế hệ nhân dân. Bởi thế, lòng yêu nước của Nguyễn Khoa Điềm ở đoạn trích này gắn liền cùng lòng yêu nhân dân, cùng niềm tự hào về vai trò to lớn của nhân dân. Đất Nước của Nhân dân đã trở thành tư tưởng nổi bật, xuyên suốt đoạn trích Đất Nước này và chính ngay cách cảm nhận đất nước từ những điều bình dị, gần gũi như trên sẽ tự nhiên dẫn đến tư tưởng ấy.

Có lẽ chưa bao giờ như trong thời đại dân tộc Việt Nam ta đánh Mĩ, vai trò to lớn, sức mạnh vô địch của nhân dân được thể hiện đầy đủ đến thế. Cuộc đối chọi quyết liệt với một kẻ thù giàu có và hung bạo vào bậc nhất đòi hỏi phải huy động triệt để sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân. Bởi vậy, Đất Nước của Nhân dân đã trở thành tư tưởng chung của thời đại, đã chi phối toàn bộ nền văn học cách mạng và làm lên rất nhiều tác phẩm có giá trị. Trong bối cảnh ấy, đoạn trích Đất Nước trong trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm đã đóng góp một cách cảm nhận. Cách thể hiện đặc sắc. Khi nói về bốn nghìn năm lịch sử của đất nước, nhà thơ không đếm lại các triều đại, những anh hùng nổi tiếng mà tự hào nhắc đến vô vàn lớp người vô danh bình dị:

Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con

Đối với nhân dán, cần cù làm lụng và ra trận đánh giặc, sống và chết đều thật giản dị và bình tâm vì lẽ tồn vong của đất nước. Khi đất nước thanh bình, họ "cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó". Khi đất nước gặp nạn ngoại xâm, họ đứng dậy cầm vũ khí, sẵn sàng xả thân vì độc lập, chủ quyền như lẽ tự nhiên. Chính những con người không ai nhớ mặt đặt tên ấy đã làm ra Đất Nước. Trong trường kì lịch sử, nhân dân là lực lượng chủ yếu sáng tạo, giữ gìn truyền lại mọi tài sản vật chất, mọi giá trị tinh thần để làm nên Đất Nước muôn đời :

Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ truyền lửa qua mỗi nhà từ hòn than qua con cái
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân.

Bao lớp người vô danh, thầm lặng ấy đã hóa thân cho đất nước vững bền. Nguyễn Khoa Điềm đã cảm nhận sự hóa thân của nhân dân hiển hiện trên gương mặt địa lí của đất nước. Không ít tác phẩm thơ văn đã nhắc tới nhưng danh lam thắng cảnh, nhưng sự tích núi sông của đất nước Việt Nam bốn ngàn năm văn hiến. Nhưng gắn chúng cùng số phận, cùng phẩm chất của những người dân bình dị, thấy trong đó cuộc đời hi sinh cao đẹp của quần chúng nhân dân, ấy là Nguyễn Khoa Điềm. Sau khi nhắc tới hàng loạt danh lam thắng cảnh, sự tích núi sông trên các miền đất nước, nhà thơ đi đến một khái quát thấm thía:

Và ở đâu trên khắp ruộng đồng, gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thủy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta...

Làm sáng tỏ tư tưởng Đất Nước của Nhân dân từ nhiều phía, nhiều chiều như thế, đoạn trích đã đem đến cho người đọc niềm tin vào sự trường tồn của đất nước. Đất Nước là của Nhân dân, mà Nhân dân thì mênh mông, vĩ đại và bất tử. Vì thế, Đất Nước này mãi mãi trường tồn cùng với Nhân dân.

Chiêm ngưỡng tiếp nhận Đất Nước câu Nhân dân, Đất Nước câu ca dao thần thoại từ góc độ thế hệ trẻ trong thời đại dân tộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ, Nguyễn Khoa Điềm đã gợi nhắc trách nhiệm đối với vận mệnh đất nước. Phải chăng đây chính là mục đích của đoạn thơ Đất Nước này khi ra đời giữa những năm tháng chiến tranh quyết liệt, hào hùng, khi lịch sử đang yêu cầu mọi con người phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sử. Ý thức trách nhiệm này được Nguyễn Khoa Điềm cảm nhận, dẫn dắt rất tự nhiên cùng quá trình khám phá ngày càng sâu về đất nước. Ban đầu, đất nước là những gì thân thiết ở ngoài ta, ở xung quanh ta. Nhưng dần về sau, đất nước đã ở trong ta, đất nước có trong mỗi người:

Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn, to lớn

Mỗi con người hôm nay đều đang thừa hưởng những di sản vật chất và tinh thần quý báu của đất nước, của nhân dân, của bao thế hệ đi trước, vì thế phải biết cống hiến đời mình vì lẽ tồn vong của đất nước. Ý thức trách nhiệm được nhà thơ trình bày thật thiết tha. Đó là mệnh lệnh cất lên từ trái tim đang xúc động:

Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời...

Như vậy, tiếp thu nguồn mạch cảm hứng yêu nước chưa bao giờ vơi cạn trong lịch sử văn học Việt Nam, nằm trong bối cảnh của thời đại dân tộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ, đoạn trích Đất Nước trong trường ca Mặt đường khát vọng đã thể hiện những nhận thức, khám phá mới mẻ về vẻ đẹp đất nước. Trên nền văn hóa dân gian vững chắc, Nguyễn Khoa Điềm đã hướng sự tìm tòi, suy ngẫm tới nhiều bình diện như lịch sử, địa lí, phong tục... để làm nổi bật tư tưởng Đất Nước của Nhân dân và gợi nhắc ý thức trách nhiệm trước vận mệnh đất nước. Nhưng sức hấp dẫn của chương Đất Nước không chỉ ở các nội dung cảm nhận mà còn ở cách thể hiện của Nguyễn Khoa Điềm. Khi đưa vào đây nhiều kiến thức về lịch sử, địa lí, về văn hoá dân gian, thơ dễ sa vào diễn ca theo lối phô bày hiểu biết, dễ chỉ tác động vào lí trí mà khó lay thức tình cảm người đọc. Nguyễn Khoa Điềm đã vượt qua thử thách đó và Đất Nước vừa làm sáng bừng nhận thức, vừa lay động sâu xa tâm hồn mỗi con người Việt Nam. Cái gì đã tạo nên thành công ấy? Điều chủ yếu là do tất cả các kiến thức, tư liệu, sự kiện phong phú này đã được thẩm thấu qua tâm hồn chứa chan xúc cảm của Nguyễn Khoa Điềm và nhà thơ đã tìm được một cách nói riêng, bằng giọng điệu tâm tình, qua hồi ức lại những kỉ niệm riêng tư:

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái "ngay xửa ngày xưa..." mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Ngay từ phần mở đầu. Đất Nước dẫn ta vào câu chuyện tâm tình thiết tha, sâu lắng. Toàn bộ chương này được thể hiện bằng hình thức "anh" trò chuyện cùng "em". Với hình thức này, giọng điệu thơ tất phải ngọt ngào, thủ thỉ. Nguyễn Khoa Điềm nói về lịch sử mà như tâm sự về những kỉ niệm tuổi thơ, như nhắc lại những hồi ức cảm động về người thân trong gia đình là bà, là mẹ. Bề dày của lịch sử, của nền văn hóa phong phú, lâu đời, cả không khí của truyền thuyết Thánh Gióng, cổ tích Trầu Cau bỗng được sống dậy trong cảm nhận gần gũi của mỗi người đọc. Chính nhờ lối thể hiện ấy mà vẻ đẹp sâu xa của đất nước, ý thức trách nhiệm công dân trước vận mệnh đất nước được người đọc nhận cảm một cách tự nhiên, thấm thía.

Tiếp nối dòng mạch thơ ca yêu nước trong lịch sử văn học dân tộc, Đất Nước trong trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm đã mang nội dung cảm nhận cung cách thể hiện thật độc đáo. Thành công của đoạn trích Đất Nước này góp phần chứng tỏ tâm trí tuệ, sức khám phá của một nhà thơ trưởng thành cùng thời đại kháng chiến chống Mĩ cứu nước anh hùng.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top