đất nước

Đề bài: Phân tích đoạn:

 “Khi ta lớn ĐN đã có rồi

----

ĐN  có từ ngày đó”.

Gợi ý bài làm:

          A. Mở Bài:

          “Có mối tình nào cao hơn là Tổ quốc?” - Trần Mai Ninh. Bằng tình cảm yêu thương sâu nặng ấy, các nhà thơ - chiến sĩ đã có biét bao bài thơ rất hay về Tổ quốc, đất nước Việt Nam thương yêu. Nếu như các nhà thơ khác thường dùng những hình ảnh kì vĩ, mĩ lệ mang tính biểu tượng, tạo ra một khoảng cách để cảm nhận, chiêm ngưỡng về đất nước thì Nguyễn Khoa Điềm, trong phần đầu chương “Đất nước” – trích từ trường ca “Mặt đường khát vọng”, lại cảm nhận về đất nước qua những gì hết sức gần gũi, đơn sơ, bình dị.

          B. Thân Bài:

          1. Vài nét về tác giả, tác phẩm, đoạn trích.

          Nguyễn Khoa điềm sinh năm 1943 tại thôn Ưu Điềm, xã Phong Hoà, huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên Huế, quê gốc ở thành phố Huế. Ông sinh trưởng trong một gia đình trí thức Cách mạng, cha là Nguyễn Khoa Văn (tức Hải Triều) nhà lý luận phê bình văn học theo quan điểm Mác xít trong giai đoạn 1930 – 1945. Sau khi tốt nghiệp khoa văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, Nguyễn Khoa Điềm vào miền Nam tham gia cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ. Ông là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thế hệ trẻ những năm kháng chiến chống Mỹ như Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân.

          Thơ Nguyễn Khoa Điềm giàu chất suy tư, xúc cảm lắng đọng, dồn nén thể hiện tâm tư của người trí thức tham gia tích cực vào cuộc chiến đấu của nhân dân.

          Sau năm 1975, Nguyễn Khoa Điềm tiếp tục hoạt động văn nghệ và công tác chính trị ở thành phố Huế, rồi làm Tổng thư kí hội nhà văn Việt Nam (khóa V), Bộ trưởng Bộ văn hoá thông tin. Từ năm 2001 đến năm 2006, ông là Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng ban tư tưởng văn hóa trung ương. Ông được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2000.

          Tác phẩm chính: “Đất ngoại ô” (tập thơ - 1972), “Mặt đường khát vọng” (trường ca – 1974), “Ngôi nhà có ngọn lửa ấm” (1986), “Cõi lặng” (2007).

          Đoạn trích dưới đây thuộc phần đầu chương V, có tên “Đất nước” của trường ca “Mặt đường khát vọng”. Bản trường ca viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ các thành thị vùng bị tạm chiếm ở miền Nam trước năm 1975. Nhận rõ bộ mặt xâm lược của đế quốc Mỹ, đứng về nhân dân, đất nước; ý thức được xứ mệnh của thế hệ mình, họ đứng dậy xuống đường đấu tranh hoà nhập với cuộc chiến đấu của toàn dân tộc.

          Trường ca “Mặt đường khát vọng” được tác giả hoàn thành ở chiến khu Trị - Thiên năm 1971, in lần đầu năm 1974.

          2. Đất nước có từ đâu? Đất nước là gì?

          “Đất nước”, hai chữ thiêng liêng cao cả ấy chẳng phải ở đâu xa mà ở ngay trong mỗi gia đình chúng ta: từ lời kể chuyện của mẹ, miếng trầu của bà, đến phong tục tập quán quen thuộc, tình nghĩa thuỷ chung của cha mẹ, hạt gạo, hòn than, cái kèo, cái cột trong nhà:

                   “Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi

                   Đất nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể

          Bằng giọng tâm tình, dịu ngọt như lời kể truyện cổ tích, Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện những cảm nhận, suy tưởng của mình về cội nguồn đất nước. Lịch sử sâu thẳm của đất nước ta được tác giả cắt nghĩa không phải bằng sự nối tiếp của các vương triều hay các sự kiện lịch sử trọng đại như Nguyễn Trãi đã từng viết trong “Bình Ngô Đại Cáo”:

                             “Như nước Đại Việt ta từ thuở trước

                             Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

                             Núi sông bờ cõi đã chia

                             Phong tục Bắc – Nam cũng khác

                             Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần gây nền độc lập

                             Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên hùng cứ một phương

mà bằng những hình ảnh gần gũi, thân quen, bằng những câu thơ gợi nhớ đến truyền thuyết xa xưa, đến nền văn minh lúa nước sông Hồng, cùng những phong tục tập quán độc đáo có từ lâu đời. Đó cũng chính là đất nước được cảm nhận trong chiều sâu tâm hồn nhân dân, văn hoá và lịch sử:

                             “Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

                             Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

          Hình ảnh thơ phải chăng đã gợi cho ta về sự tích “Trầu cau” từ đời vua Hùng dựng nước xa xưa, ngợi ca tình nghĩa vợ chồng, anh em đằm thắm, sắt son; về truyền thuyết Thánh Gióng nhổ tre đánh đuổi giặc Ân, trở thành bài ca giữ nước hào hùng của nhân dân đã trở thành lịch sử đất nước:

                             “Ta như thuở xưa thần Phù Đổng

                             Vụt lớn lên đánh đuổi giặc Ân

                             Sức nhân dân khoẻ như ngựa sắt

                             Chí căm thù ta rèn thép làm roi

                             Lửa chiến đấu ta phun vào mặt

                             Lũ sát nhân cướp nước hại nòi

                                                                   (Tố Hữu)

          Nghĩa là, lịch sử lâu đời của đất nước được kết tinh trong từng câu chuyện kể, trong miếng trầu bà ăn thường ngày, trong “cây tre đánh giặc” thân quen quanh ta. Đúng như Nguyễn Duy đã viết:

                             “Tre xanh, xanh tự bao giờ

                             Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh

          Với cái nhìn độc đáo của Nguyễn Khoa Điềm, đất nước đã nằm sâu trong tiềm thức mỗi chúng ta, mỗi người dân; trong đời sống tâm hồn của nhân dân từ thế hệ này qua thế hệ khác.

          Đất nước còn là phong tục búi tóc thành cuộn sau gáy rất quen thuộc của người phụ nữ Việt Nam từ bao đời nay:

                             “Tóc ngang lưng vừa chừng em búi

                             Để chi dài bối rối lòng anh”

                                                          (ca dao cổ)

          Đất nước Việt Nam mang vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam: tình nghĩa đậm đà, thuỷ chung son sắt của cha mẹ “cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”. Ý thơ được toát lên từ những câu ca dao đẹp:

Tay bưng đĩa muối chén gừng

Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau

          Hay:

                             “Muối ba năm muối đang còn mặn

                             Gừng chín tháng gừng hãy còn cay

                             Đôi ta tình nặng nghĩa đầy

                             Dù ba vạn sáu ngàn ngày cũng chẳng xa

          Với người Việt Nam vốn gắn bó lâu đời với nền văn minh lúa nước, hạt gạo trở thành gia bảo vô cùng cần thiết cho cuộc sống. Cho nên ngay khi còn là đứa trẻ mới lớn, cảm nhận về vật chất đầu tiên phải là hạt gạo trải qua một quá trình lam lũ, vất vả kết tinh mồ hôi, nước mắt của người lao động một nắng hai sương xay, giã, dần, sàng, phải suốt ngày “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, “dầm mưa dãi nắng” nhân dân ta mới làm ra được hạt ngọc quý giá ấy. Hình ảnh thơ của Nguyễn Khoa điềm làm ta gợi nhớ tới câu ca dao mẹ ru thuở nào:

Cày đồng đang buổi ban trưa

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày

Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần

          Cha ông ta xưa gắn liền với những miền quê thuần phác của nền nông nghiệp thóc gạo với mái lá nhà tranh nên thường coi việc đặt tên cho con cũng chỉ bằng cái tên nôm na, dân dã; có khi lấy từ tên những bộ phận của ngôi nhà tre gỗ của chính mình đang ở “cái kèo, cái cột”… Cách cảm nhận cội nguồn đất nước của Nguyễn Khoa Điềm thật gần gũi, thân quen mà cũng không kém phần thi vị, độc đáo, dễ làm lay động trái tim hàng triệu độc giả.

          Trong đoạn thơ trên, tác giả sử dụng khéo léo các kiểu cấu trúc thơ “Đất nước đã có”, “Đất nước bắt đầu”, “Đất nước lớn lên”, “Đất nước có từ” đã giúp cho ta hình dung được cả quá trình hình thành và phát triển của đất nước trong trường kì lịch sử nằm sâu trong tâm thức của con người Việt Nam qua bao thế hệ.

          Trường từ vựng: ông, bà, cha, me gợi về tình cảm gia đình ruột thịt thân thương. Đó cũng là khởi nguồn cho đất nước. Bởi nói như chú Năm “con sông gia đình cũng chảy về biển, mà biển thì rộng lắm, rộng bằng nước ta” (Những đứa con trong gia đình).

          C. Kết luận:

          Tóm lại, bằng những hình ảnh gần gũi, quen thuộc thường ngày, bằng chất liệu văn hoá dân gian, truyền thuyết, cổ tích, chỉ qua một đoạn thơ ngắn, Nguyễn Khoa điềm đã trình bày được một ý niệm về đất nước thật độc đáo, hấp dẫn; vừa thiêng liêng, vừa hiện hữu rõ ràng, vừa có chiều sâu văn hoá lịch sử, vừa bình dị thân quen với cuộc sống nhân dân hàng ngày. Đó là một đóng góp quan trọng của Nguyễn Khoa Điềm làm sâu thêm ý niệm về đất nước của nhân dân cho thơ ca hiện đại.

Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ông từng là Bộ trưởng Bộ văn hóa thông tin nay đã nghỉ hưu. Các tác phẩm tiêu biểu: Đất ngoại ô, Trường ca Mặt đường khát vọngĐất nước là bài thơ được trích từ chương V trường ca Mặt đường khát vọng được hoàn thành ở chiến trường Bình Trị Thiên năm 1971, viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ miền Nam xuống đường tranh đấu hòa hợp với cuộc kháng chiến của dân tộc. Đoạn thơ ta sắp phân tích sau đây là đoạn thơ để lại dấu ấn về nội dung và nghệ thuật sâu sắc nhất:

Đất là nơi anh đến trường

Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ tổ

         Như đã nói ở lúc đầu, Đất Nước  không ở đâu xa mà ở ngay xung quanh chúng ta, gần gũi, thân thương quanh ta là cái kèo cái cột, hạt gạo ta ăn hằng ngày, câu truyện mẹ kể, miếng trầu bà ăn... Và để làm rõ hơn về Đất Nước, Nguyễn Khoa Điềm đã tách Đất Nước thành hai thành tố Đất và Nước – một yếu tố thuộc âm, một yếu tố thuộc dương, để giải thích một cách đơn giản nhưng cụ thể về Đất Nước.

         Bốn câu thơ đầu nhà thơ giải thích về Đất Nước theo lối chiết tự đi từ cái riêng đến cái chung.

Đất là nơi anh đến trường

Nước là nơi em tắm

Đất nước là nơi ta hò hẹn

Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm.

         Khi Đất Nước được tách ra thành hai thành tố  nó gắn với kỉ niệm đáng yêu, đáng nhớ, thân thuộc của một đời người. Tách thành tố ĐẤT – để chỉ  con đường hằng ngày anh tới trường, là ngôi trường cung cấp hành trang tri thức cho mỗi chúng ta tự tin để làm chủ cuộc sống. Tách thành tố NƯỚC – Là  dòng sông nơi em tắm mát, dòng sông chở nặng phù sa làm tốt xanh những cánh đồng, bãi mía, nương dâu.  Cách diễn giải ấy giúp ta hình dung cụ thể: Đất Nước là nơi ta lớn lên, học tập và sinh hoạt. Khi tách ra thì Đất Nước gắn với kỷ niệm riêng tư của mỗi người còn khi gộp lại Đất Nước lại sống trong cái ta chung. “Khi ta hò hẹn, Đất Nước hòa nhập vào một, trở thành không gian hẹn hò, nâng bước và minh chứng cho tình yêu của hai đứa. Nơi trai gái hẹn hò gợi nên những không gian làng quê thanh bình yên ả: mái đình, hàng cau, lũy tre làng, chiếc cầu tre nho nhỏ… tất cả đều đẹp đều hài hòa và nồng đượm làm sao. Và khi hai đứa yêu nhau thì Đất Nước như cũng sống trong nỗi nhớ thầm của hai đứa  “Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm” . Câu thơ đậm đà chất dân ca ca dao, đặc trưng của văn hóa Việt xưa xa, gợi nhắc cho ta bài ca dao nổi tiếng:

 “Khăn thương nhớ ai  

Khăn rơi xuống đất

 Khăn thương nhớ ai

Khăn vắt lên vai

 Khăn thương nhớ ai

 Khăn chùi nước mắt”.

          Chiếc khăn bé nhỏ, giản dị cũng thật đáng yêu và dễ thương làm sao, nó cũng là vật chứng cho tình yêu đôi lứa “Gói một chùm hoa/ Trong chiếc khăn tay/ Cô gái ngập ngừng/ Sang nhà hàng xóm” (Phan Thị Thanh Nhàn)

          Tiếp tục tách hai thành tố Đất Nước, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lại lí giải sâu sắc hơn nữa về Đất Nước: Vẻ đẹp quê hương đất nước được tái hiện trong những lời ca dao toát lên lòng tự hào về non sông gấm vóc, về Cha Rồng Mẹ Tiên, gắn với lòng biết ơn tổ tiên đã ăn sâu vào tiềm thức từng người Việt :

Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”

Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”

Thời gian đằng đẵng

Không gian mênh mông

Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ

Lạc Long Quân và Âu Cơ

Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng

          Tác giả cảm nhận Đất Nước trên bình diện không gian địa lý. Đất Nước được cảm nhận là“không gian mênh mông”. Có thể hiểu đó là núi sông, bờ cõi, là Bắc – Trung  – Nam  một dải. Là đất nước rừng vàng biển bạc. Trong ấy, bao thế hệ nối tiếp nhau quản lí đất nước từ dãy Trường Sơn hùng vĩ - "Nơi con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc” cho đến biển bờ Thái Bình Dương vỗ sóng mênh mang - nơi "Con cá ngư ông móng nước biển khơi". Đó là nơi dân mình đoàn tụ, phát triển giống nòi và làm ăn sinh sống làm nên non sông gấm vóc Việt Nam.

Tác giả cảm nhận Đất Nước không chỉ gắn liền với biên cương, lãnh thổ, địa lý mà Đất Nước còn gắn với lịch sử: đất nước được cảm nhận bằng chiều sâu “thời gian đằng đẵng”. Nguyễn Khoa Điềm với một tình cảm tự hào, ông gợi lại huyền sử lung linh về dòng dõi con Rồng cháu Tiên của dân Lạc Việt. Đó là truyền thuyết:

 “Lạc Long Quân và Âu Cơ

 Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng”

 Câu truyện cổ “Sự tích trăm trứng” đã ra đời từ lâu đời nhằm lý giải nguồn gốc của người Việt. Từ câu truyện ấy dân ta muôn đời ta tự hào mình là con rồng cháu tiên, con cháu Vua Hùng.  Cho nên đất nước luôn tiềm tàng mối quan hệ giữa các thế hệ quá khứ, hiện tại và tương lai: “Những ai đã khuất / Những ai bây giờ. Những ai đã khuất là những người trong quá khứ - những con người sống giản dị chết bình tâm, những con người đã có công dựng nước và phát triển đất nước. Những ai bây giờ là những người trong hiện tại, đang sống và chiến đấu. Tất cả đều ý thức sâu sắc về sứ mệnh “Yêu nhau và sinh con đẻ cái” bảo tồn nòi giống con dân Việt để góp vào một nhiệm vụ to lớn và thiêng liêng “Gánh vác phần người đi trước để lại” . Tất cả đều ý thức về tổ tiên và nguồn gốc tổ tiên, không bao giờ được quên cội nguồn dân tộc  “Hằng năm ăn đâu làm đâuCũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”. Câu thơ vận dụng sáng tạo câu ca dao “ Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba”. Cho nên tự trong bản thân nó đã bao hàm lời nhắc nhở về nguồn gốc, dòng giống Tổ tiên. Hai chữ “cúi đầu” thể hiện niềm thành kính thiêng liêng mà rất đỗi tự hào về nguồn gốc cha ông.  Cúi đầu để hướng về lịch sử về những Tổ Hùng Vương đã góp công dựng nên nước nhà Âu Lạc mà nay là nước Việt Nam hùng cường sánh vai bốn bể năm châu. Người Việt mình dù đi khắp thế giới nhưng trong tâm linh của họ luôn có một ngôi nhà chung để quay về. Đó chính là Quê cha đất Tổ Vua Hùng.

          Nguyễn Khoa Điềm, qua đoạn thơ trên, đã nêu những định nghĩa đa dạng, phong phú về đất nước, từ chiều sâu của văn hóa văn tộc, chiều dài của thời gian lịch sử đến chiều rộng của không gian đất nước. Nhà thơ cũng vận dụng rộng rãi các chất liêu văn hóa dân gian, từ truyền thuyết lịch sử, phong tục, tập quán đến sinh hoạt, lao động của dân tộc ta, kết hợp với những hình ảnh, ngôn ngữ nghệ thuật đậm đà tính dân tộc và giàu chất trí tuệ.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: