Chương 4: Nghe tổ mẫu dạy dỗ
Món ăn buổi tối đều do cữu mẫu đích thân vào bếp nấu, những con mồi sơn dã được chế biến thành các món ngon lành rất hấp dẫn. Nhưng vì tuổi còn nhỏ, dù Lâm Thanh Nhiễm hợp khẩu vị thì Lục thị cũng không cho nàng ăn quá nhiều thịt, nàng chỉ được nếm thử cho biết.
Bàn nữ nhân các nàng ăn không nhiều, rất nhanh đã xong xuôi, chủ yếu là ngoại tổ phụ, cữu cữu cùng phụ thân nàng nướng thịt nhấm rượu, tán gẫu. Tỷ muội các nàng tản bộ tiêu thực trong tiểu viện, Tam tỷ dắt tay nàng, Lâm Thanh Nhiễm nhìn thấy biểu ca ngồi trong một đình các gần đó, kéo tay áo tỷ tỷ, rủ rê: "Tỷ tỷ, chúng ta cũng qua đó đi".
Thấy ba tỷ muội đi tới, Lục Hướng Tùng cùng Lục Hướng Dịch trong lòng có chút hồi hộp. Huynh đệ bọn họ theo Lục tướng quân sống ở ngoại thành, chưa từng tiếp xúc với cô nương khuê các. Lâm Thanh Nhiễm ngẩng đầu nhìn họ, Lục Hướng Dịch hiểu ý, bắt chước phụ thân bế nàng đặt lên ghế. Trên bàn có một cái lồng tre, bên trong nhốt một con thỏ lông trắng như tuyết.
"Con thỏ này thật đáng yêu." – Tứ tỷ Lâm Thanh Vận đưa tay chạm nhẹ phần lông lộ ra khỏi lồng, lại quay đầu cười với Nhị biểu ca Lục Hướng Tùng, tiểu nữ hài có răng khểnh và hai má lúm đồng tiền xinh đẹp.
Lục Hướng Tùng ngại ngùng gãi đầu, cười ha hả. Lâm Thanh Nhiễm hỏi: "Biểu ca, con thỏ này cũng bắt đi nướng sao?"
Lục Hướng Dịch lắc đầu, nói: "Là giữ lại để nuôi".
"Vậy hãy tặng cho Tứ tỷ có được không?" – Lâm Thanh Nhiễm với bàn tay nhỏ bé lấy một củ cà rốt, đưa vào lồng tre, có điều hình như con thỏ đã ăn no nên nằm yên không nhúc nhích.
Lục Hướng Dịch xoa đầu nàng, cười nói: "Đây đúng là quà tặng cho các muội đấy, vốn đã định bắt thêm vài con nữa".
Lâm Thanh Nhiễm vui vẻ lắc lắc đầu: "Tặng cho Tam tỷ và Tứ tỷ là được rồi, muội có thể đến tiểu viện của các tỷ tỷ xem". Nàng nghĩ nuôi thú cưng sẽ rất tốn sức. Trước kia, Lâm Thanh Nhiễm từng có một cây xương rồng, loại cây dễ chăm như thế cũng bị nàng làm chết, nói chi là nuôi động vật sống a.
Lâm Thanh Vận cực kỳ thích cục lông xù màu trắng này, vừa nghe biểu ca nói tặng liền vui vẻ đa tạ. Nàng lấy cà rốt cho thỏ nhỏ, động tác dịu dàng hơn Lâm Thanh Nhiễm rất nhiều...
Buổi tối các nàng ngủ lại Lục phủ, chiều hôm sau quay về Lâm gia.
Lúc tiễn các nàng ra xe ngựa, biểu ca đã đổi cho con thỏ một chiếc lồng sắt, mang đến giao cho các nàng. Cữu mẫu cũng chuẩn bị không ít lễ vật, nhét đầy từ trong xe ngựa đến các rương hàng riêng ngoài xe.
Lâm Thanh Nhiễm vừa lên xe ngựa liền ngủ mất. Lục thị sợ nàng lại say xe, để Lâm Văn Tích bế nàng ngồi bên ô cửa sổ có gió thông thoáng. Xe ngựa vẫn xóc nảy như cũ, lúc nàng tỉnh dậy thì đã đến nhà.
Lâm Thanh Nhiễm bị phụ thân gọi dậy từ giấc ngủ say, vẫn còn mơ mơ màng màng. Nàng đang định xuống xe chợt nghe ngoài xe ngựa có người gọi phụ thân, một tiếng "hiền tế" nghe thật thân mật.
Nghe tiếng gọi này, Lâm Thanh Nhiễm còn tưởng ngoại tổ phụ cùng đi theo các nàng về nhà.
Lục thị bế Lâm Thanh Nhiễm, kéo rèm nhìn ra ngoài. Tại cửa lớn Lâm gia có một đôi phu thê tay xách nách mang, ăn mặc theo kiểu dân quê đang đứng. Hai người nọ nhìn thấy tướng công bà nên rất hớn hở, răng hàm đều khoe hết ra ngoài. Bà bồng nữ nhi xuống xe. Lâm Văn Tích nhíu mày nhìn hai vị 'thân nhân' kia, hỏi: "Các ngươi là ai?"
"Hiền tế, ngươi còn hỏi chúng ta là ai? Chúng ta là phụ mẫu của Đinh Hương, là nhạc phụ, nhạc mẫu của ngươi đây." – Người phụ nữ trên đầu quấn khăn, vẻ mặt đắc ý bô bô đáp, thậm chí còn muốn chạy đến kéo tay Lâm Văn Tích, cũng may có phu xe cản lại.
Những người này Lục thị không quen, nhưng Đinh Hương thì làm sao bà không biết. Còn chẳng phải vào cuối năm ngoái - lúc bà hạ sinh Lục nhi nữ, lão bà bà liền tuyển người tiểu thiếp này từ nguyên quán đến sao.
Lục thị cười như không cười liếc Lâm Văn Tích, một tay bà bế Lâm Thanh Nhiễm, một tay dắt nữ nhi khác, nói: "Chúng ta vào nhà".
Lâm Thanh Nhiễm ngoái đầu lại nhìn phía sau, thấy vợ chồng nhà nọ vẫn đang trầm trồ ngắm phụ thân. Nàng lại nhìn vẻ mặt của mẫu thân... Đêm nay có người ngủ ở thư phòng nha.
Chiều hôm sau, mẫu thân dắt các nàng sang Thanh Huy viện thỉnh an. Lúc này lại gặp hai người nọ, hôm qua là gặp ở ngoài cửa lớn, hôm nay hội ngộ tại phòng tổ mẫu.
Trên mặt Lục thị không biểu lộ chút phần bất mãn nào, bà đợi các nữ nhi thỉnh an xong rồi dắt về như mọi ngày. Chỉ là hôm nay, Lưu thị ra lệnh bảo các nàng nán lại, chỉ vào đôi phu phụ đang ngồi, mắng: "Không biết trên biết trước! Đây là Thất thúc cùng Thất thẩm, còn không mau chào hỏi."
Lễ nghi là quan trọng, gọi trưởng bối một tiếng thúc - thẩm cũng không có mất mát gì. Nhưng hai người này hôm qua ở cửa lớn gọi tướng công của bà là "hiền tế", Lục thị làm sao có thể đối đãi bình thường với họ. Vì vậy, bà nói: "Mẫu thân, không biết đây là vị thân thích nào của nhà ta?"
"Đây là Đinh Thất thúc (*) cùng Thất thẩm năm đó đã giúp đỡ Lâm gia chúng ta không ít chuyện. Văn Tích có ngày hôm nay cũng không kể đến phần hỗ trợ của Thất thúc. Thế nào? Không cùng huyết thống thì không thể xưng hô sao?"
(*) Họ Đinh, trong nhà đứng thứ bảy.
Ở trước mặt những người đồng hương, Lưu thị nói ra lời này là muốn dùng thân phận lão bà bà dạy dỗ nhi tức. Vừa nhắc đến năm đó liền hoài niệm không nguôi, kể lể bao nhiêu gian khổ nuôi nấng hai nhi tử, một quả phụ làm sao bươn chải giúp nhi tử được cắp sách,... Tóm lại là nếu không có hàng xóm láng giềng tương trợ thì sớm đã không còn ba người mẫu tử họ.
Những lời này Lâm Thanh Nhiễm mới ba tuổi đã được nghe không dưới mười lần, huống chi là Lục thị.
Chuyện quá khứ đó đúng thật là một quãng thời gian không dễ dàng, cho nên ở một giới hạn nhất định, Lục thị rất kính trọng người mẫu thân này của tướng công, bà có thể bỏ qua, không so đo với bà ấy những chuyện khác. Nhưng lần này là một phạm vi khác rồi!
"Mẫu thân của Văn Tích ơi, đây là thiên kim Đại tiểu thư của Tướng quân. Một tiếng xưng hô này chúng ta nhận không nổi, cũng không dám nhận, đừng gọi, đừng gọi, thỉnh an trưởng bối là được rồi." – Vị Đinh Thất thẩm kia khoát tay áo, ánh mắt loé loé hàm ý chê trách nhìn Lưu thị.
Lâm Thanh Nhiễm biết rõ, bà già này nhân lúc lửa cháy đi châm thêm dầu. Sau này, ai mà nói với nàng người dân quê đều thuần phác thiện lương, nàng sẽ cười vô mặt người đó! Lúc trước có một Đại bá mẫu, bây giờ lại thêm Đinh Thất thẩm, đều thích xum xoe nhiều chuyện.
Lưu thị ghét nhất là những lời này, vừa nghe xong liền hung hăng, đập mạnh tay vào tay vịn ghế, quát lớn: "Cái gì mà thiên kim Đại tiểu thư, đã gả vào đây thì chính là Lâm gia tức phụ (*). Mọi quy củ của Lâm gia nàng đều phải tuân theo, bảo nàng gọi thì nàng phải gọi."
(*) Con dâu của Lâm gia
Lục thị lặng thinh không đáp lời nào. Đinh Thất thẩm liền nương theo lời Lưu thị mà nói tiếp: "Bà đừng nói nữa, giận đến nỗi hồ đồ rồi. Chúng ta chỉ là người dân ti tiện thôi, hôm qua Lâm hiền tế còn chẳng nhận ra chúng ta. Nếu không phải có bà ra đón, chúng ta bây giờ cũng không biết đang lưu lạc ở đâu, đô thành này là đất khách quê người a."
Đã nói đến đấy tất nhiên phải thêm vài giọt nước mắt rơm rớm kêu gọi đồng cảm rồi.
Lâm Thanh Nhiễm cuối cùng cũng hiểu mẫu thân vì sao luôn nhẫn nhịn tổ mẫu. Ở cổ đại, người ta đội đạo hiếu lên đầu, trở thành đạo lí bắt buộc chứ không chỉ là xuất phát từ tình thân như ở hiện đại. Ngày xưa tổ mẫu ngậm đắng nuốt cay nuôi phụ thân, mẫu thân mà nói bà sai thì là mẫu thân bất hiếu đấy, chuyện này truyền đến tai Ngự sử thì xong đời. Hơn nữa... đừng bao giờ tranh cãi lí lẽ với một người kém văn hoá, vì người bị tức chết sẽ là mình!
Lục thị nhìn vị Đinh Thất thẩm làm vẻ đau lòng chấm nước mắt, cũng không muốn dài dòng, nói thẳng với Lưu thị: "Thưa mẫu thân, nhạc phụ của tướng công chỉ có một, đó chính là Lục Đại Tướng quân đương triều. Ngày hôm qua có người đứng ở cửa lớn Lâm gia nhận loạn thân nhân, tự xưng là nhạc phụ, nhạc mẫu của tướng công. Việc này nếu lỡ bị người thâm hiểm bắt gặp, đi đến Ngự sử đài (*) báo cáo thì tại buổi thiết triều tướng công sẽ phải bẽ mặt. Đến lúc đó, nếu long nhan phẫn nộ (**), nhẹ thì ảnh hưởng đến tiền đồ của tướng công, nặng thì cả nhà ta trên dưới đều phải mang mạng ra thỉnh tội."
(*) Ngự sử đài là nơi làm việc của các quan Ngự sử (chức quan này thường xuất hiện trong truyện cổ đại với vai trò "camera bà hàng xóm", soi mói, bắt lỗi)
(**) Hoàng thượng tức giận
Lục thị đặc biệt đem bốn chữ "long nhan phẫn nộ" nhấn mạnh, tiện đà bổ sung thêm: "Cũng có khi hôm nay lên triều đã có người bắt lỗi tướng công rồi cũng nên."
Lưu thị nghe rõ tiền đồ nhi tử bị ảnh hưởng, càng biết rõ "ý vua như ý trời" có nghĩa là gì, chỉ một câu nói cũng có thể khiến nơi này đầu rơi đầy đất đấy. Lục thị vừa mở miệng liền doạ cho ba vị lão nhân hống hách cụp đuôi sợ hãi.
Đinh Thất thúc cùng Đinh Thất thẩm sợ tái mặt, hai người bọn họ không biết Ngự sử đài là chốn nào nhưng Hoàng thượng thì tất nhiên phải biết. Hoàng thượng tức giận, có kẻ mất đầu. Ở quê nhà bọn họ, trấn trên có nhà bán muối phạm pháp, kết cục là bị Hoàng thượng hạ lệnh xử chém đấy.
Đinh Thất thẩm đâu còn hơi sức để than khóc, vô thức sờ sờ cổ mình như muốn xác định rằng vẫn chưa có gì xảy ra. Tay bà run run, kéo tay Thất thúc, nói: "Hay là chúng ta về nhà thôi."
Lưu thị dầu gì cũng đã sống ở thành Lạc Đô nhiều năm, dù sợ cũng không đến nỗi hồn bay phách tán như bọn họ. Nhưng điều đó không có nghĩa là bà không lo lắng cho tiền đồ của nhi tử. So với việc cùng nhi tức tranh giành địa vị cao thấp, bà đương nhiên biết tiền đồ của Lâm Văn Tích quan trọng hơn.
Lúc này, không cần sai vả người khác, Lưu thị tự mình lấy bạc cho hai phu phụ Thất thúc, lại kêu hạ nhân tiễn bọn họ xuất phủ, nhanh chóng quay về thôn nhà.
Người cần đi đã đi, Lưu thị nhìn Lục thị, vẫn là không thấy vừa mắt. Cuối năm ngoái bà đã từ nguyên quán chọn ra hai thiếp thất đẫy đà phơi phới, vừa nhìn là biết có thể sanh con đẻ cái. Thế mà nhi tử của bà không thèm nhìn một chút nào chứ nói chi là động vào, như vậy thì làm sao bà có 'nội tôn'? (*)
(*) nội tôn là cháu nội (cả nam lẫn nữ). Nhưng trong mắt bà Lưu chỉ có cháu trai mới là nội tôn
Mâu thuẫn giữa bà bà và nhi tức là chuyện đã bao đời nay, chẳng có gì hiếm lạ. Hoặc là do tính cách không hạp, nhìn nhau ngứa mắt, hoặc là do một bên quá khó tính, thích bới móc. Mà cái chuyện 'hương khói' (*) này, là cái chuyện hay bị bới móc nhất.
(*) Sinh con trai để có người lo từ đường hương hoả, gọi là chuyện hương khói
Trước khi rời khỏi Thanh Huy viện, Lục thị lại bị lão bà bà chì chiết thêm một trận về việc nạp thiếp sinh con. Bà chỉ im lặng mà nghe, đến tối Lâm Văn Tích hồi phủ thì tất nhiên lại bị chặn ngoài cửa phòng.
Lâm Văn Tích đi tìm Lâm Thanh Nhiễm, đã hai đêm rồi ông không được vào phòng ngủ, thật đắng lòng. Lâm Thanh Nhiễm ngây thơ vô tội nhìn ông, thuật lại trôi chảy: "Mẫu thân nói một tháng tiếp theo sẽ không cho nữ nhi ngủ cùng. Dù sét đánh hay mưa lớn cũng vậy, còn nếu sợ bóng tối thì có mụ mụ đến ngủ cùng."
Lâm Văn Tích nhìn nữ nhi cũng bị hắt hủi giống mình, vui vẻ vì gặp được người cùng cảnh ngộ. Ông cười, ngồi xuống bế nàng vào lòng, xoa đầu nàng, hỏi: "Hôm nay tổ mẫu đã nói gì với mẫu thân ngươi?"
Lâm Thanh Nhiễm từng câu từng chữ tường thuật sống động: từ việc tổ mẫu hằn học ép buộc mẫu thân phải khuyên phụ thân đến chỗ các vị tiểu thiếp, đến việc bà nói "nữ tử thất xuất, vô hậu vi đại" (*), mắng mẫu thân nàng là đồ đố phụ (**).
(*) Thất xuất: bảy tội lớn của phụ nữ thời xưa, trong đó tội lớn nhất là tội không sinh được con (không phân biệt nam nữ). Cho nên trong trường hợp này, Lưu thị mắng Lục thị như vậy là để móc mỉa việc không sinh được con trai thôi, chứ không phải buộc tội thật sự.
(**) Đố phụ: người đàn bà ghen tuông, ghen tuông cũng là một tội trong 'thất xuất'.
Lâm Văn Tích càng nghe càng đau đầu. Mẫu thân ông đúng là nhàn rỗi không có việc gì làm, đi kiếm thêm phiền toái cho ông.
"Phụ thân, dù sao phòng ngủ của mẫu thân đã đóng chặt, chúng ta đều không vào được. Hay là nhân lúc này người dạy nữ nhi nhận mặt chữ đi." – Lâm Thanh Nhiễm chỉ chỉ cái bàn nhỏ. Lý mụ mụ hiểu ý liền mang bàn lại đây, sắp xếp giấy mực đầy đủ lên bàn.
Thấy nàng nóng lòng muốn học như vậy, Lâm Văn Tích liền bế nàng trong lòng, viết tên nàng lên tờ giấy Tuyên Thành trắng phau để dạy nàng. Lâm Thanh Nhiễm học rất nghiêm túc, hai người - một là phụ thân học bá, một là nữ nhi hiếu học, cùng nhau đốt đèn học chữ, thời gian dường như trôi qua nhanh hơn.
Lâm Văn Tích kinh ngạc trước sự thông tuệ của tiểu nữ nhi. Nàng học rất mau, mới đó đã tự tin cầm thư thượng tự (*), ngón tay bé nhỏ nhích chậm từng chữ mà đọc. Lúc gặp chữ lạ thì nàng ngẩng đầu nhìn ông hỏi, Lâm Văn Tích rất tự hào, kiêu hãnh. Ông nhìn đồng hồ cát, thấy đã đến giờ đi ngủ thì bế nàng đến giường.
(*) sách
Lâm Thanh Nhiễm thật ra đã thấm mệt, ôm chặt cổ phụ thân để ông bế đến giường. Nàng mơ mơ màng màng, nửa tỉnh nửa ngủ, không chịu buông tay, trong miệng còn lẩm bẩm gọi phụ thân. Ông gỡ một tay nàng ra, nàng liền trào nước mắt muốn khóc, không muốn ông rời đi.
Lâm Văn Tích thấy vậy, quyết định nằm xuống cùng nữ nhi bảo bối.
Hơn nửa canh giờ sau, Lục thị ở cách vách nghe Vương mụ mụ báo cáo lão gia ngủ trong phòng Ngũ tiểu thư, bà không yên tâm nên đứng dậy đi qua xem tình hình. Lý mụ mụ nhẹ nhàng mở cửa, Lục thị đi vào trong. Trong phòng ánh nến đã tắt, tướng công của bà ôm nữ nhi của bà cùng nằm trên giường nhỏ ngủ rồi. Nhờ chút ánh trăng soi sáng, bà thấy nữ nhi nhỏ bé được ông ôm trong lòng, ngủ rất ngon lành...
HẾT CHƯƠNG 4
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top