Phần 11: Chung cực giải mê

Chung cực giải mê – Phần 01. 3

Chung cực giải mê – Phần 02. 11

Chung cực giải mê – Phần 03. 15

Chung cực giải mê – Phần 04. 22

Chung cực giải mê – Phần 05. 29

Chung cực giải mê – Phần 06. 34

Chung cực giải mê – Phần 07. 42

Chung cực giải mê – Phần 08. 50

Chung cực giải mê – Phần 09. 55

Chung cực giải mê – Phần 10. 59

Chung cực giải mê – Phần 11. 64

Chung cực giải mê – Phần 12. 73

Chung cực giải mê – Phần 13 (Hết). 82

Giới thiệu:

"Chung Cực" rốt cuộc là gì?

Hẳn là thế này, khi Muộn Du Bình cầm ấn quỷ mở cánh cửa thanh đồng, Tam Thúc ở bên trong quát: "Ra ngoài ra ngoài, ta còn chưa có nghĩ ra".

Đùa vậy thôi.

Đọc hết "Đạo Mộ Bút Ký", mình cảm thấy còn quá nhiều điều nghi vấn, tình cờ phát hiện ra "Chung Cực Giải Mê" này, dù không hoàn toàn đồng ý với tất cả những luận điểm của Noãn Hòa Hồ Ly Bắc Kinh, nhưng hầu hết những gì được đề cập và phân tích đều khá công phu và hợp lý, giúp cho những người còn chìm trong "cơn mê" với Đạo Mộ Bút Ký có thể "vỡ" ra nhiều điều. Cho nên mình mạn phép dịch và chia sẻ bài viết này, hi vọng độc giả Đạo Mộ Bút Ký có thể cùng suy ngẫm và chia sẻ quan điểm để "giải mê".

Chung cực giải mê – Phần 01

Phần 1: Mối liên hệ giữa nền văn minh thanh đồng thời tiền sử, Xi Vưu, Quảng Tây, Muộn Du Bình

Nguồn: Tích Vũ lầu

Đạo Mộ bút ký còn quá nhiều điều chưa sáng tỏ, thân thế của Muộn Du Bình rốt cuộc là gì, người giống Ngô Tà như đúc rốt cuộc là ai, chú Ba thật sự ở đâu?...

Một điểm "Chung cực" – ba sợi dây mê.

Chung cực: Cánh cửa Thanh đồng dưới nền núi Trường Bạch, chứa đựng nền văn minh thị tộc Phục Hy, khởi đầu của nền văn minh Trung Hoa.

Ba sợi dây mê:

Sợi thứ nhất: Sợi dây mê nối dài nền văn minh thanh đồng thời tiền sử, Xi Vưu, Quảng Tây, Muộn Du Bình.

Sợi thứ hai: Cốt lõi của Đạo Mộ Bút Ký: Sự phát triển bí mật trường sinh bất lão thời cổ đại.

Sợi thứ ba: Cốt lõi của Đạo Mộ Bút Ký: Cuộc chạy đua giữa các thế lực thời hiện đại để tìm ra bí mật trường sinh bất lão.

Núi Trường Bạch là khởi nguồn của nền văn minh Trung Hoa, cũng chính là Chung Cực.

Khởi điểm của nền văn minh Trung Hoa là "người đứng đầu Tam Hoàng", cũng chính là Phục Hy! Phục Hy là thủ lĩnh của bộ lạc Đông Di, khảo cổ học hiện đại cho rằng khởi nguồn của bộ lạc Đông Di là nền văn hóa Hồng Sơn (một nền văn hóa thời đại đồ đá mới được phát hiện ở đông bắc Trung Quốc), mà đông bắc rất có thể là khởi nguồn xa xưa nhất của lịch sử, như vậy Vân Đỉnh Thiên Cung chính là khởi điểm của toàn bộ Chung Cực.

Văn minh Trung Hoa sau đó phân làm ba nhánh chính: Viêm Hoàng, Xi Vưu và Tây Vương Mẫu. Thật ra cả ba đều là hậu duệ của Phục Hy.

Nhánh của Viêm Hoàng trải qua chiến tranh mà hợp nhất, trở thành nhánh "chính tông" nhất: tổ tiên của Trung Hoa.

Một nhánh dời về phía Tây, sống theo chế độ thị tộc mẫu hệ, cũng chính là nhánh của Tây Vương Mẫu.

Còn Xi Vưu vốn ở vùng Hà Bắc, sau khi thất bại trong cuộc chiến với Hoàng Đế, một bộ phận đã sáp nhập vào bộ lạc Viêm Hoàng, một bộ phận khác đi về phía Nam, xuống vùng Hồ Nam, trở thành tộc Mèo, tộc Dao, sau đó lại di chuyển tiếp xuống phía Nam đến vùng Quảng Tây, Vân Nam v.v...

Nhưng khởi nguồn và tổ tiên của họ đều là Phục Hy!

Bí mật trường sinh bất lão vốn bắt đầu từ Phục Hy, còn Tây Vương Mẫu chỉ là phát triển tiếp thuật này thôi.

Vào thời Phục Hy, dường như tuổi thọ của con người đều rất cao, Phục Hy được ghi nhận hưởng thọ 1100 tuổi.

Như vậy có thể thấy được bộ lạc Phục Hy có thuật trường sinh bất lão.

Bây giờ chúng ta cùng xem xét đồ đằng (vật thể tự nhiên – đặc biệt là động vật, được xem như biểu tượng của một quốc gia hoặc bộ tộc) của các bộ lạc: Long (rồng), xà (rắn), điểu (chim) và trùng (sâu).

Bộ lạc Viêm Hoàng kế thừa Long đồ đằng.

Bộ lạc Xi Vưu kế thừa Xà đồ đằng.

Tây Vương Mẫu hẳn là bộ tộc kế thừa đầy đủ nhất đồ đằng của Phục Hy, bao gồm: Xà, điểu, trùng (bọ ăn xác chết), hay có thể nói, Tây Vương Mẫu mới là hậu duệ chính tông của Phục Hy.

Đồng thời, các bộ lạc cũng tự mình phát triển thêm.

Bộ tộc Tây Vương Mẫu là nền văn hóa ngọc.

Bộ tộc Xi Vưu là nền văn hóa thanh đồng.

Mà khởi nguồn của tất cả, chính là núi Trường Bạch.

Sợi dây mê thứ nhất: Sợi dây mê nối dài nền văn minh thanh đồng thời tiền sử, Xi Vưu, Quảng Tây, Muộn Du Bình.

Căn cứ theo lịch sử truyền lại, thời kỳ đồ đồng của Trung Hoa bắt đầu từ triều Hạ, sau đó phát triển rực rỡ nhất vào thời Thương Chu, nhưng khảo cổ học hiện đại đã phủ nhận quan điểm này, từ thời viễn cổ xa xôi, Trung Hoa đã xuất hiện nền văn minh thanh đồng ở trình độ cao, di chỉ Tam Tinh Đôi (*) ở Tứ Xuyên đã chỉ rõ điều này.

(Chú thích: (*) Di chỉ Tam Tinh Đôi nằm trong địa phận thành phố Quảng Hán, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Hoa là di chỉ vương quốc Nước Thục cách đây khoảng 5000 đến 3000 năm. Di chỉ Tam Tinh Đôi chỉ được phát hiện vào mùa xuân năm 1929, trong lúc một người nông dân ra làm ruộng đã phát hiện một đống đồ ngọc tinh xảo đẹp mắt. Di chỉ Tam Tinh Đôi đại diện cho di chỉ đồ đồng của nước Thục cổ, đánh thức nền văn minh Tam Tinh Đôi của nước Thục trong suốt 3000 năm lịch sử.

Năm 1986, các nhà khảo cổ khai quật ra hai hầm làm lễ tế rất quy mô, hơn 1000 văn vật quý đẹp tuyệt vời và làm rung động cả thế giới cổ vật. Cùng với việc khai quật ra hàng loaṭ văn vật quý hiếm tinh xảo và mang tính chất thần bí, những điều bí ẩn của lịch sử cũng lần lượt xuất hiện. Hiện nay, bảo tàng Tam Tinh Đôi tỉnh Tứ Xuyên là bảo tàng thu hút du khách với bộ sưu tập đồng đen hiếm có của nước Thục xưa, là nơi nghiên cứu của các nhà khoa học.)

Có ý kiến cho rằng, Xi Vưu là người sáng lập ra nền văn hóa thanh đồng thời tiền sử, mà Tam Tinh Đôi chính là do hậu duệ của Xi Vưu xây dựng lên. Cây Thanh đồng và cửa Thanh đồng mà Tam Thúc viết trong Đạo Mộ hiển nhiên đều bị ảnh hưởng bởi bí ẩn Tam Tinh Đôi (ở di chỉ Tam Tinh Đôi cũng đã khai quật được một cây Thanh đồng rất lớn).

Như vậy, chúng ta có thể suy đoán:

1, Xi Vưu là người sáng tạo ra dụng cụ Thanh đồng cực lớn thời cổ đại, cây Thanh đồng ở Tần Lĩnh hay những gì bộ lạc Xi Vưu xây dựng nên đều vì mục đích cúng tế! Khi ấy người ta tin rằng đại thụ này có thể nối thẳng tới trời.

2, Loại thanh đồng này không phải đồng thau thông thường, mà có tác dụng mê hoặc tâm trí rất lớn, thời viễn cổ của loài người, lúc cúng tế thầy tế sẽ dùng cách gây ảo giác, các dân tộc đều có ghi chép lại điều này, chìm trong ảo giác mới có thể liên hệ với thần linh. Trong phần Tần Lĩnh Thần Thụ, chúng ta có thể nhìn thấy công dụng cúng tế của loại cây này, hơn nữa còn có dấu vết của vu cổ (loại sâu có thể khống chế tri giác), mà vu cổ của tộc Mèo chính là do Xi Vưu truyền lại.

3, Loại thanh đồng đặc biệt này có tác dụng mê hoặc rất lớn đối với con người nên mới được dùng để đúc nên cây cúng tế.

Hoặc có thể nói rằng, đây là một loại "thuốc phiện kim loại", đồng thời còn có thể khiến người ta mất trí nhớ! Ở thời đại Xi Vưu, thầy tế đã thông qua loại cây thanh đồng này để gây ảo giác cho mọi người trong bộ lạc lúc cúng tế.

4, Các loại thanh đồng được đề cập trong Đạo Mộ Bút Ký đều là loại thanh đồng này.

Chuông thanh đồng buộc trên đuôi bọ ăn xác ở Lỗ Vương cung và đeo trên tai lão Dương đều có thể gây ảo giác nhẹ đối với người khác.

Thứ này cũng chính là chuông thanh đồng được treo đầy cây san hô khiến cho nhóm người của Muộn Du Bình mất đi tri giác trong con đường bí mật ở mộ thất dưới đáy biển.

5, Chỉ có hậu duệ Xi Vưu mới nắm giữ được bí mật thanh đồng này, nó có thể khống chế và xóa đi ký ức của con người.

Trong phần "Âm Sơn Cổ Lâu", "cục sắt" mà đội khảo cổ hai mươi năm trước phát hiện ra hiển nhiên cũng là loại thanh đồng này.

Như vậy, người Mèo và người Dao – hậu duệ của Xi Vưu – nhất định đã giấu loại thanh đồng cổ xưa này ở Quảng Tây, ngôi làng chìm dưới đáy hồ nhất định là nơi cư trú của hậu duệ Xi Vưu.

6, Như vậy thân thế của Muộn Du Bình còn có một khả năng khác, tôi vẫn nhận định Trương Diêm Thành, Bàn Mã, thủ lĩnh tộc Mèo và Muộn Du Bình là người cùng tộc, đều lấy hình xăm kỳ lân làm dấu hiệu nhận biết, đều là hậu duệ Xi Vưu, là những người biết rõ và bảo vệ bí mật thanh đồng cổ đại.

7, "Cục sắt" mà Bàn Mã cất giữ, "vật nguy hiểm" dưới gầm giường trong căn nhà tre của Muộn Du Bình, đều là thứ này, thế nhưng Muộn Du Bình hẳn biết sự nguy hiểm của vật này, vì sao vẫn để nó làm mình mất trí nhớ? Có thể vì sứ mệnh nào đó hoặc thu được năng lực nào đó, Muộn Du Bình không thể không tiếp xúc nhiều lần với vật này.

8, Phần "Tần Lĩnh Thần Thụ" đã giải thích rõ năng lực gây ảo giác của loại thanh đồng này, nó có thể tạo ra ý thức của con người, có thể chi phối ý nghĩ của người khác, nhưng tác dụng phụ chính là khiến người ta mất trí nhớ.

9, Về phần tác dụng trường sinh, có vẻ cách thức sử dụng chính là xóa đi ký ức của một người, rồi đưa trí nhớ của một người khác vào thay thế, biến người trước thành người sau.

Hãy dùng thân phận hậu duệ Xi Vưu chiếu vào biểu hiện của Muộn Du Bình ở Lỗ Vương cung và Vân Đỉnh thiên cung.

1, Thiết Diện Sinh là một đầu mối quan trọng trong truyện, hắn là người thứ hai sau Uông Tàng Hải hiểu rõ toàn bộ những bí mật này! Thiết Diện Sinh nhất định không thể bị Muộn Du Bình bóp chết một cách đơn giản như vậy.

2, Ngôi mộ huyết thi ở Trường Sa rốt cuộc là mộ của ai? Bởi vì đó là mộ thời Chiến Quốc, phán đoán theo thời đại, hiển nhiên phải là mộ của một trong ba huyết thi ở Lỗ Vương cung! Lỗ Thương Vương, Thiết Diện Sinh hay Chu Mục Vương, khả năng cao nhất là ai? Mọi người đều biết, bộ sách lụa Chiến Quốc do ông nội của Ngô Tà lấy ra từ ngôi mộ huyết thi ở Trường Sa là do Thiết Diện Sinh tự tay ghi chép! Một người đặt bản chép tay của mình trong ngôi mộ của chính mình chẳng phải rất hợp lý sao? Như vậy khả năng lớn nhất là ngôi mộ huyết thi ở Trường Sa là của Thiết Diện Sinh.

3, Như vậy, hai khối huyết thi còn lại trong Lỗ Vương cung sẽ là Chu Mục Vương và Lỗ Thương Vương! Chu Mục Vương là cái xác trong quan tài sắt bị Muộn Du Bình chặt đầu, Lỗ Thương Vương là cái xác bị Muộn Du Bình bóp chết.

4, Hiển nhiên Muộn Du Bình đã nói dối nhóm Ngô Tà, tại sao cậu ta lại nói sạo chuyện về ba khối huyết thi? Điều này cho thấy trong số ba huyết thi chắc chắn có một khối có quan hệ chặt chẽ với cậu ta, cậu ta đang che giấu điều gì đó cho một trong ba cái xác đó.

5, Còn nữa, sao Muộn Du Bình lại biết chuyện của Lỗ Thương Vương và Thiết Diện Sinh? Sách lụa của Thiết Diện Sinh bị Ngô gia đánh cắp, lại bị Cầu Đức Khảo lừa qua Mỹ, chắc chắn tiểu Muộn không thể đọc được, tiểu Muộn nói cậu ấy tìm được bốn quyển sách lụa trong một ngôi mộ thời Tống, đây hiển nhiên là nói dối, nếu như loại sách lụa này ở đâu cũng có thì Cầu Đức Khảo đâu thể xem nó là bảo bối mà giữ gìn đến thế.

Như vậy tiểu Muộn chắc chắn phải là hậu nhân của Lỗ Thương Vương hoặc Thiết Diện Sinh thì mới có thể biết được những bí mật đó! So với Lỗ Thương Vương, rõ ràng Thiết Diện Sinh biết nhiều chuyện hơn, như vậy tiểu Muộn có thể là hậu duệ của Thiết Diện Sinh!

7, Thiết Diện Sinh khẳng định cũng là hậu duệ của Xi Vưu. Sơn Đông vốn là một trong các địa bàn cư trú của bộ lạc Đông Di, Thiết Diện Sinh vốn biết một vài bí mật xa xưa của thời đại Xi Vưu, hơn nữa, hắn cũng là một người rất có bản lĩnh, tinh thông dịch thuật, phong thủy, rốt cuộc trở thành chuyên gia đổ đấu, nếu không phải là hậu duệ Xi Vưu thì không thể nào giải thích được việc mấy nghìn năm qua chỉ có hắn và Uông Tàng Hải biết được bí mật to lớn kia!

7, Thiết Diện Sinh xây mộ mình ở Trường Sa, cũng cho thấy hắn có quan hệ với người Mèohậu duệ Xi Vưu, bởi vì thời đó các tộc người Cửu Lê và Tam Miêu đều cư ngụ ở Trường Sa! Trường Sa khi đó là một khu vực rất hoang sơ.

8, Vậy thì vì sao Thiết Diện Sinh không mặc áo ngọc để được trường sinh, khi mà hắn hoàn toàn có thể làm vậy? Đáp án chính là bởi vì hắn biết áo ngọc căn bản không có khả năng giúp con người trường sinh, khi nhóm người Ngô Tà tiến vào Lỗ Vương cung thì đã hơn hai ngàn năm trôi qua, Lỗ Thương Vương đã "lột da" ở đây, tuy rằng không chết, nhưng hai nghìn năm sau không thể sống lại, kiểu "trường sinh" này nhất định là có vấn đề. Nhất định có trục trặc! Thiết Diện Sinh hẳn đã biết từ lâu, sau khi bị cởi ra thì áo ngọc sẽ mất đi tác dụng. Tiếp tục mặc vào chỉ có thể trở thành người thực vật, còn không bằng một khối huyết thi!

9, Thiết Diện Sinh lừa Lỗ Thương Vương tin vào chuyện này, có lẽ là muốn mượn cơ hội tiến vào mộ Mục Vương quan sát, đồng thời lấy ra vật gì đó (khả năng chính là bọ ăn xác chúa), sau đó sẽ tìm chỗ thực hiện kế hoạch trường sinh của mình. Thương Vương đáng thương kia chẳng rõ thực hư, chui vào áo ngọc trở thành người thực vật.

10, Thiết Diện Sinh lần lượt thực hiện kế hoạch trường sinh của mình: đầu tiên lựa chọn được mảnh đất Trường Sa phong thủy cực tốt, tiếp theo từ chỗ của Tây Vương Mẫu lấy được vẫn ngọc đen tuyền (hắn nhất định đã từng đi đến quỷ thành), mọi người có nhớ ngôi mộ huyết thi ở Trường Sa được miêu tả thế nào không, mật đạo bên dưới hoàn toàn là ngọc thạch màu đen. Nói đúng hơn là Thiết Diện Sinh đã tự tạo ra một tấm "áo ngọc" cao cấp hơn (viết đến đây tôi không thể không bội phục tài trí của Thiết Diện Sinh), sau đó mang theo xuống mộ cả sách lụa do chính mình viết nên. Mặc khác, hắn nhất định đã để lại cho hậu nhân một quyển sách lụa khác, cũng chính là quyển trong tay Muộn Du Bình.

11, Hình tượng của Tiểu Muộn là hình tượng chiến thần, mà Xi Vưu lại là chiến thần của Trung Hoa. Thiết Diện Sinh, người cũng như tên, là một kẻ mặt lạnh, nghiêm túc cẩn thận, giống tiểu Muộn đúng không? Hơn nữa, Thiết Diện Sinh đổ đấu phong cách rất quý phái, giống như biểu hiện thoắt ẩn thoắt hiện của tiểu Muộn trong mộ cổ.

12, Tiểu Muộn đi vào Lỗ Vương cung, nhất định có sự chỉ dẫn từ cuốn sách lụa của Thiết Diện Sinh, có lẽ trước đây cậu ấy cũng đã vào rồi, cho nên mới quen đường thuộc lối như vậy.

Về chuyện máu có khả năng xua đuổi bọ ăn xác, mọi người còn nhớ không, những cục sắt thần bí (thanh đồng cổ) kia có thể đuổi muỗi, tiểu Muộn là hậu duệ Xi Vưu và tiếp xúc nhiều với thanh đồng, hẳn là có loại máu này, mà việc khắc chế được bánh tông, khiến nữ thi cổ đại dập đầu, chính là xuất phát từ năng lượng vu cổ mê hoặc hồn phách đã ngấm vào trong máu.

13, Tiểu Muộn dập đầu và nói chuyện với khối huyết thi Chu Mục Vương trong quan tài sắt, là do cậu ấy là hậu duệ của Xi Vưu, Chu Mục Vương vừa là tiền bối vừa là kẻ thù của cậu ấy. Tiền bối là bởi vì họ đều là hậu duệ Phục Hy, kẻ thù là bởi vì Chu Mục Vương là hậu duệ của Hoàng Đế, Hoàng Đế lại giết chết Xi Vưu. Lý do tiểu Muộn dập đầu chính là vì vậy, còn đối thoại với xác chết hẳn là phương pháp khắc chế bánh tông tổ truyền của Thiết Diện Sinh. Hơn nữa, Xi Vưu hay tộc Mèo thì đều là dân tộc của vu cổ (như cản thi(*)), trước nay đều có thể đối thoại với quỷ thần, không giống với cách đổ đấu của cả Bắc phái lẫn Nam phái.

(Chú thích: (*) Cản thi là loại pháp thuật của tộc Mèo cổ đại, tương truyền nó có thể dẫn các thi thể di chuyển như người sống).

14, Tiểu Muộn tách ra đi một mình, chính là để tranh thủ thời gian đổi cuốn sách lụa của Thương Vương, lấy đi ấn quỷ.

15, Tiểu Muộn giết chết huyết thi Chu Mục Vương, là vì báo thù và bảo vệ chính mình cũng như an toàn của nhóm người Ngô Tà, bóp chết huyết thi Thương Vương là do chán ghét và khinh bỉ.

16, Tiểu Muộn nói dối là để bảo vệ bí mật của Thiết Diện Sinh.

Vân Đỉnh Thiên Cung:

17, Tiểu Muộn dập đầu trước núi Trường Bạch, chính là bái lạy thủy tổ Phục Hy.

18, Lời giải cho việc Tiểu Muộn và âm binh cùng tiến vào cánh cửa Thanh đồng:

Tiểu Muộn tiến vào cánh cửa Thanh đồng, là nhờ có ấn quỷ có thể điều động âm binh.

Trên đường vào mộ, Tiểu Muộn biến mất vài giây trước mắt Ngô Tà, cũng là nhờ trên người cậu có ấn quỷ.

(1) Âm binh là gì?

Hãy nhớ lại hình nộm trong điện Tây Vương Mẫu, vẫn ngọc có năng lực giữ thi thể ngàn năm không thối rữa. Âm binh chính là "cương thi ngàn năm" được tạo nên bằng cách này. Cái gọi là cương thi, căn cứ vào ghi chép và truyền miệng, là một loại động vật hay sinh vật chứ không phải người, không có tư duy cao cấp, chỉ có một chút phản ứng cùng bản năng đơn giản, ví dụ như, cương thi không biết nói chuyện, đầu gối không thể gập lại, tất cả đều chứng minh họ không có tư duy cấp cao. Chỉ là ngàn năm không rữa nát đảm bảo cho thần kinh của họ vẫn còn hoạt động được thôi.

(2) Âm binh khổng lồ mặt ngựa là cái gì?

Người khổng lồ mặt ngựa có lẽ là một chủng tộc Tây Vực xa xưa, người cao to cùng với sức chiến đấu mạnh mẽ, cũng có thể là "lính đánh thuê" của Tây Vương Mẫu, là loại người chuyên nằm trong quân đội của Tây Vương Mẫu. Sau khi họ chết thì bị Tây Vương Mẫu dùng vẫn thạch tạo thành "âm binh" để bảo vệ mộ địa và bí mật của vương tộc.

Như vậy, hình nộm trong điện Tây Vương Mẫu sau khi cởi bỏ lớp vỏ bọc, hiển nhiên cũng sẽ mang bộ dạng giống như âm binh đằng sau cánh cửa Thanh đồng trong thiên cung trên đỉnh núi Trường Bạch kia.

Đông Hạ là hậu duệ của Phục Hy – tổ tiên của Tây Vương Mẫu – âm binh ở cửa Thanh đồng hẳn là do Tây Vương Mẫu tặng cho Đông Hạ để bảo vệ bí mật của thị tộc Phục Hy.

(3) Vì sao tiểu Muộn có thể trà trộn vào đội ngũ âm binh?

Đáp án vô cùng đơn giản: Trong tay tiểu Muộn có ấn quỷ của Lỗ Thương Vương, lấy được từ trong Lỗ Vương cung.

Quỷ ấn còn có thể điều động âm binh, chứ đừng nói đến chuyện chen vào giữa đám âm binh đó.

Có thể những âm binh này đều do Muộn Du Bình dùng ấn quỷ điều ra, từ đó tiến được vào cánh cửa Thanh đồng!

(4) Ấn quỷ là cái gì?

Nhóm người Ngô Tà gặp phải cương thi trong điện Tây Vương Mẫu. Thứ gì đã phát động âm binh? Chính là tinh bàn (bản đồ các ngôi sao – đọc phần 5 "Mê Hải Quy Sào" để biết thêm thông tin)!

Ấn quỷ chính là tinh bàn mini của Tây Vương Mẫu.

Để lúc ở ngoài cũng có thể điều động âm binh, Tây Vương Mẫu đưa ấn quỷ cho tình nhân của bà là Chu Mục Vương, bởi vì Chu Mục Vương rất thích chinh phạt, âm binh chính là món quà thích hợp nhất cho gã.

Sau đó, Lỗ Thương Vương trộm mộ Chu Mục Vương.

Ấn quỷ, rơi vào trong tay Lỗ Thương Vương.

(5) Giải đáp luôn bí ẩn Muộn Du Bình biến mất vài giây trước mặt Ngô Tà trên đường vào Vân Đỉnh thiên cung.

Ngô Tà không hề nhìn lầm! Biến mất vài giây, hẳn là vì trong tay tiểu Muộn có ấn quỷ!

Thử nghĩ xem Lỗ Thương Vương điều động âm binh bằng cách nào? Âm binh ở chỗ của Tây Vương Mẫu, chiến trường của Lỗ Vương ở vùng Trung Nguyên, chắc không đến mức âm binh đi từng bước từng bước từ Tây Vực tới Sơn Đông đâu, nếu thế thì mấy tháng sau mới đến nơi, người ta đánh xong lâu rồi.

Ấn quỷ chắc chắn có liên quan đến vẫn ngọc, có tác dụng giống như hố đen thời gian, có thể trong nháy mắt đưa người đến một nơi cách đó ngàn dặm. Giống như mấy chương trình bí ẩn khoa học, có vài người biến mất, sau đó đột nhiên xuất hiện ở cách đó mấy nghìn cây số.

Đó chính là tác dụng hố đen, ấn quỷ chính là loại vật thể này, và việc Muộn Du Bình biến mất, chắc chắn có liên quan đến ấn quỷ.

Chung cực giải mê – Phần 02

Phần 2: Bí ẩn thân thế Muộn Du Bình

Nguồn: Tích Vũ lầu

Hẳn rất nhiều cho rằng tiểu Muộn là người có nhiều bí mật nhất trong Đạo Mộ Bút Ký.

Nhưng tôi lại thấy hoàn toàn ngược lại, tiểu Muộn chính là người "bình thường" nhất trong truyện.

Càng về những phần sau thì sự thiên vị mà tác giả dành cho tiểu Muộn càng rõ ràng, đó cũng chính là lý do giúp tiểu Muộn "hốt" được một lượng fan hùng hậu như hiện nay. Tam Thúc đã dùng ngòi bút cực kỳ cẩn thẩn và tỉ mỉ để viết về chàng trai này.

Dựa vào những suy đoán sau: Thứ nhất, tiểu Muộn chắc chắn không phải nhân vật phản diện; thứ hai, tiểu Muộn cũng chắc chắn không phải yêu ma quỷ quái (như mấy thứ trong mộ Lỗ Thương Vương, Uông Tàng Hải...), như vậy khả năng lớn nhất chính là: Cậu ấy là một nhân vật bình thường đầy bi kịch.

1, Thiết Diện Sinh – Trương Diêm Thành – Muộn Du Bình thuộc về một nhánh hậu duệ của Xi Vưu, cũng là gia tộc lừng lẫy về đổ đấu.

Từ hai ngón tay dài bất thường và kỹ xảo đổ đấu siêu phàm của Muộn Du Bình có thể thấy được, những thứ này đều được di truyền trong gia tộc. Cậu ấy vừa có bí kíp đổ đấu cao siêu truyền đời của gia tộc Thiết Diện Sinh – Trương Diêm Thành, lại hiểu biết phong thủy dịch thuật đồng thời nắm rõ kỹ thuật khắc chế bánh tông, khống chế hồn phách quỷ thần của tộc Xi Vưu.

2, Hình xăm kỳ lân là dấu hiệu của hậu duệ Xi Vưu và thế lực của Trương Diêm Thành.

Loại người như Trương Diêm Thành chắc chắn không thể chỉ là một người mà phải giống như Ngô Tam Tỉnh, có một nhóm người thay thế lẫn nhau.

Như vậy, thủ lĩnh Miêu tộc, Bàn Mã hẳn cũng là người của Trương Diêm Thành, có thể nhìn vào thân thủ của họ để thấy được điều này. Cũng có thể, Trương Diêm Thành chính là một trong các thủ lĩnh Miêu tộc.

Khi đọc truyện, chúng ta sẽ có cảm giác giống như tiểu Muộn đang gánh trên vai sứ mệnh nào đó, chính là sứ mệnh của gia tộc hoặc dân tộc cậu ấy.

A Quý cũng có vấn đề, tuyệt đối không thể là một thôn dân bình thường được. Tôi nghiêng về giả thuyết A Quý cũng là người của bộ tộc này, đứa con trai lõm vai kia của gã thật quá thần bí. Cả những thôn dân kỳ quái kia nữa, có lẽ tất cả đều là hậu duệ của Xi Vưu, có nghĩa vụ bảo vệ bí mật thanh đồng dưới đáy hồ.

Còn nữa, mọi người có cảm thấy Vân Thái và Muộn Du Bình đã biết nhau từ trước, hơn nữa còn rất thân thuộc?

Vì sao thủ lĩnh Miêu tộc lại chọc mù mắt Trần Bì A Tứ? Có phải lão đã nhìn thấy cái gì không nên thấy không? Chắc không phải chỉ là con xà mi đồng ngư kia chứ?

3, Âm Sơn Cổ Lâu

"Âm Sơn Cổ Lâu" là phần tác giả dành riêng để vén mở bí ẩn thân thế của Muộn Du Bình.

Tôi mơ hồ cảm giác được đây là một câu chuyện hết sức bi thương, thứ mà Muộn Du Bình phải gánh vác, chính là cả một dân tộc.

Bàn Mã giết đội khảo cổ, có lẽ vốn không bởi lương thực, mà vì bảo vệ bí mật thanh đồng.

Tình cảm của Muộn Du Bình đối với Văn Cẩm, chắc cũng chẳng phải tình cảm nam nữ gì, mà là năm đó Bàn Mã giết thành viên đội khảo cổ, tiểu Muộn nói rõ chân tướng với Văn Cẩm, được Văn Cẩm thông cảm và tha thứ, tiểu Muộn từ đó cũng gia nhập đội khảo cổ, tình cảm này chỉ là lòng mang ơn mà thôi.

Người Miêu đốt căn nhà tre của tiểu Muộn, Bàn Mã nói dối Ngô Tà, có lẽ chính là để bảo vệ tiểu Muộn.

4, Suốt hai mươi năm trời, tiểu Muộn "lòng vòng" mất trí nhớ.

Tiểu Muộn tham gia đội khảo cổ ở Quảng Tây, gánh trên vai sứ mệnh của gia tộc và dân tộc.

Những chuyện cậu ấy trải qua dưới đáy biển, có lẽ giống như lời cậu ấy kể với Ngô Tà, cậu ấy cũng hôn mê, trúng chiêu, thân thể không già đi, thế nhưng khả năng Trương Diêm Thành cũng đã tới những ngôi mộ này, hoặc do cậu ấy biết nhiều hơn những người còn lại nên bản thân đã có phòng bị, giữa đường chạy trốn, không bị giam lỏng ở Cách Nhĩ Mộc.

Hai mươi năm sau, ngoài sứ mệnh của gia tộc và dân tộc, cậu còn gánh trên vai cả bí mật của đội khảo cổ.

Lần theo từng đầu mối, ra vào nhiều ngôi mộ, tìm kiếm bí mật Chung cực.

Đáy biển, Lỗ Vương cung, Thiên cung đến Xà chiểu, cậu đều ra vào nhiều lần, điều này có thể thấy được dựa trên những ký hiệu mà cậu để lại.

Mỗi lần mất đi trí nhớ của cậu ta, có lẽ đều liên quan đến việc tiếp xúc với vẫn ngọc kia.

Lần nào cậu ta cũng phát hiện ra một ít đầu mối, nhưng đáng buồn là, sau đó đều mất đi trí nhớ.

Đến khi khôi phục được ít nhiều mảnh vụn ký ức, cậu ấy lại bắt đầu lại cuộc hành trình.

"Cái chết lặp lại" này bi thương đến cỡ nào.

Thế mà cậu ấy vẫn cứ cố chấp theo đuổi, thật sự là một bi kịch thanh cao.

Đương nhiên, đây chỉ là một giả thiết, ngoài ra vẫn còn một khả năng khác là tiểu Muộn giả vờ mất trí nhớ để thăm dò bí mật.

5, Lần "mất trí nhớ" trước đó

Trước mắt còn chưa thể chắc chắn được lần mất trí nhớ trước đó của Muộn Du Bình là thật hay giả.

Chuyện này diễn ra vào năm sáu năm trước, chính là khoảng thời gian tiểu Muộn ở căn nhà tre.

Vì sao lúc cậu ấy mất trí nhớ lại trở về căn nhà này? Bởi vì đây nơi cậu ấy cất bước ra đi, là "nhà" của cậu ấy.

Là một nơi an toàn.

Còn về việc cậu ấy bị xem là mồi nhử cương thi, với thân thủ của Muộn Du Bình thì chẳng có chút gì nguy hiểm hết.

Liệu có phải cậu ấy đã thương lượng với người trong tộc mình, mượn cơ hội thăm dò Trần Bì A Tứ? (Trần Bì A Tứ thật ra chính là chú Ba, phần sau tôi sẽ làm rõ điều này).

6, Lần mất trí nhớ hiện tại

Biểu hiện của A Quý và Bàn Mã có phải đang bảo vệ tiểu Muộn "lại mất trí nhớ" hay không?

Căn nhà tre bị đốt, lời nói dối của Bàn Mã, đều xuất phát từ việc họ chưa thể tin tưởng hai người xa lạ là Ngô Tà và Bàn Tử, đang thử thăm dò xem rốt cuộc họ có quan hệ thế nào với Muộn Du Bình.

Lời nói của Bàn Mã không phải để hù dọa Ngô Tà (kể cả câu nói với Ngô Tà rằng hai người mà đi với nhau thì người này sẽ hại chết người kia). Nếu như trên người tiểu Muộn thật sự có mùi này, thì vì sao Ngô Tà và tiểu Muộn tiếp xúc với nhau lâu như vậy vẫn không ngửi thấy? Vì sao những người tiếp xúc gần gũi với tiểu Muộn là Bàn Tử và Phan Tử đều không ngửi ra?

Còn Vân Thái, việc cô ấy hát cho tiểu Muộn nghe một khúc ca, có thể cho thấy bọn họ trước đây rất thân thuộc.

Cô ấy đang muốn bày tỏ điều gì, hay là đang khơi gợi ký ức của Muộn Du Bình?

Chung cực giải mê – Phần 03

Phần 3: Sợi dây mê thứ hai – Cốt lõi của Đạo Mộ Bút Ký: Sự phát triển bí mật trường sinh bất lão thời cổ đại.

Nguồn: Tích Vũ lầu

Thứ nhất, thời đại Phục Hy – Nữ Oa, khởi nguồn của nền văn minh Trung Hoa cổ đại.

Khi đó con người có hai đặc điểm, thứ nhất là có thể sống cả ngàn năm, thứ hai là nhân thú hợp thể. Hình tượng của Phục Hy – Nữ Oa chính là đầu người thân rắn, hơn nữa là anh em kết hôn với nhau. Đây là bí mật cách thức trường sinh của họ, bởi vì có nhiều loài động vật sống lâu hơn con người rất nhiều, thời đại Phục Hy là thời sống cộng sinh giữa người và thú.

Đầu tiên, họ có thể sử dụng thanh đồng cổ khống chế hành vi động vật, chiếc chuông trên đuôi của bọ ăn xác chúa trong Lỗ Vương cung chính là loại thanh đồng này.

Bọn họ có thể trường sinh, có lẽ do đã để loài vật nào đó sống trong thân thể mình, hình thành mối quan hệ cộng sinh.

Như Phục Hy hẳn đã bỏ rắn vào trong bụng, như vậy ngài có thể có được tuổi thọ của rắn, đồng thời giữ nguyên được tư duy con người. Khuyết điểm duy nhất là biến thành hình dạng đầu người thân rắn (kết hợp gen giữa rắn và người), mang thân hình "yêu quái"!

Tuy rằng tuổi thọ của Phục Hy Nữ Oa rất dài, nhưng họ vẫn sẽ chết, khi con rắn nằm trong cơ thể họ chết đi, họ cũng sẽ chết theo. Phục Hy sống 1,100 tuổi hẳn là tuổi thọ của rắn cộng sinh trong cơ thể ngài.

Đây là trường hợp trường thọ xưa nhất được ghi nhận, cũng là khởi điểm của tất cả các biện pháp trường sinh đến nay.

Bên trên tôi đã đề cập qua, di tích cổ xưa và cánh cửa thanh đồng dưới lòng đất Vân Đỉnh Thiên Cung chính là do Phục Hy để lại.

Bộ lạc Đông Di có một số loài vật cổ, đều bị con người dùng thanh đồng thuần hóa, phục vụ cuộc sống hoặc cộng sinh với con người.

Đại du diên, mang nguyên hình rồng.

Đại điểu, mặt người thân chim.

Rắn, Phục Hy mặt người thân rắn.

Sâu bọ, trùng đồ đằng của bộ lạc Phục Hy.

Thứ hai, theo dòng chảy của lịch sử, sau khi Phục Hy chết, bộ lạc Đông Di bắt đầu chia cắt:

Một nhánh của Hoàng Đế, đi tới vùng Trung Nguyên, bắt đầu phát triển ngành trồng trọt chăn nuôi.

Một nhánh của Xi Vưu, phát triển một nền tế tự vu cổ và văn minh thanh đồng rực rỡ ngay tại Hà Bắc.

Một nhánh của Tây Vương Mẫu, đi tới núi Côn Luân, mang theo chim, rắn và trùng.

Ba bộ lạc bắt đầu phát triển theo các phương thức khác nhau, nói đơn giản, Hoàng Đế thích hòa bình xây dựng, Xi Vưu thích chinh chiến cúng tế, Tây Vương Mẫu lại thích nghiên cứu và phát triển thuật trường sinh bất lão.

Nhưng lúc đó, bọn họ vẫn duy trì hình dạng nhân thú cộng sinh từ thời Phục Hy: "Sơn Hải Kinh" miêu tả, Hoàng Đế, Xi Vưu, Tây Vương Mẫu đều là quái vật nửa người nửa thú, Hoàng Đế là người kết hợp với rồng, Xi Vưu là người hợp nhất với chim, Tây Vương Mẫu còn kết hợp nhiều loại động vật hơn nữa, điều này đã cho thấy, bọn họ vẫn duy trì cách thức trường sinh "cộng sinh giữa người và thú", tuổi thọ của bọn họ, đều khoảng hơn ngàn năm.

Thứ ba, sau đó chiến tranh bắt đầu nổ ra.

Đầu tiên là bộ lạc Viêm Đế đánh nhau với Hoàng Đế, Viêm Đế là đại biểu của nền văn minh nông nghiệp, sau đó, hai bộ lạc này hợp nhất, hình thành tổ tiên của Hoa Hạ. Tiếp theo là cuộc chiến giữa Viêm Đế và Xi Vưu. Xi Vưu mang hình tượng chiến thần, lại biết thuật vu cổ, ban đầu Hoàng Đế không đánh lại Xi Vưu, đến khi Tây Vương Mẫu đứng về phía Hoàng Đế, bà phái Cửu Thiên Huyền Nữ (mặt người mình chim), trợ giúp Hoàng Đế hóa giải vu cổ của Xi Vưu, Xi Vưu thua trận bị giết, từ đó bộ tộc Xi Vưu tản mác khắp nơi, một bộ phận gia nhập bộ lạc của Viêm Hoàng, một bộ phận khác lưu lạc đến Trường Sa, rồi đến Quảng Tây, Vân Nam, trở thành tộc Miêu, tộc Dao.

Từ đây về sau lịch sử bước vào thời đại "Ngũ Đế":

Bộ lạc Xi Vưu lưu lạc khắp nơi, chắc hẳn cũng dần mất đi thuật trường sinh "nhân thú cộng sinh", chỉ còn một số ít hậu nhân vẫn còn giữ gìn được nền văn minh thanh đồng và phát triển nền văn hóa vu cổ.

Nhánh của Hoàng Đế tiếp tục phát triển lớn mạnh, trở thành dòng chính của nền văn minh Trung Hoa, đi theo trồng trọt chăn nuôi mà quên dần và từ bỏ hình tượng yêu quái "nửa người nửa thú", dần dần biến thành người bình thường, đương nhiên cũng mất đi khả năng "trường sinh".

Chỉ có Tây Vương Mẫu, kế thừa và phát triển thuật trường sinh từ thời Phục Hy.

Thứ tư, trong khoảng thời gian từ thời Hoàng Đế đến giữa thời Tây Chu:

Trung Nguyên đang trải qua bước chuyển mình từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế đến triều Hạ, Thương, Chu.

Trong khi đó, Tây Vương Mẫu ở Côn Luân vẫn tách mình khỏi mấy nghìn năm năm chiến tranh chinh phạt ở Trung Nguyên, đứng riêng một trời đất.

Tây Vương Mẫu có lẽ là hậu duệ gần gũi nhất, chính tông nhất của Phục Hy Nữ Oa, bởi vì văn hóa bộ lạc Phục Hy thuở ban đầu được bà gìn giữ nguyên vẹn nhất.

Mà, Tây Vương Mẫu cũng vẫn mải miết nghiên cứu thuật trường sinh suốt mấy nghìn năm.

Vì sao Tây Vương Mẫu lại muốn dời đến núi Côn Luân? Câu trả lời là: Vì ngọc!

Đúng vậy, chính là ngọc. Trong nền văn hóa cổ đại Trung Hoa, Tây Vương Mẫu nổi danh với ngọc, một loại ngọc màu đen có thể giúp cho người ta "trường sinh bất lão". Có ghi chép từng chỉ ra rằng, Tây Vương Mẫu từng dùng loại ngọc này chế thành "ngọc anh" cho Hoàng Đế ăn, sau khi ăn có thể giữ cho dung nhan trẻ mãi, trường sinh bất tử.

Mọi người có cảm thấy quen không? Đúng vậy, ngọc này chính là vẫn ngọc mà Văn Cẩm đã tiến vào, cũng là chất liệu tạo nên áo ngọc của Lỗ Thương Vương.

Nắm rõ thuật "nhân thú cộng sinh" của Phục Hy, thuật khống chế xà điểu, thêm vào thuật giữ cho dung nhan ngàn năm trẻ mãi, Tây Vương Mẫu bắt đầu cuộc thực nghiệm trường sinh bất lão cả mấy ngàn năm, mở màn một vở kịch vô cùng đặc sắc.

Ba phương pháp trường sinh bất lão của Tây Vương Mẫu:

Phương pháp thứ nhất: Nhân thú cộng sinh.

Đây vẫn là phương pháp cũ Phục Hy truyền lại, người kết hợp với rắn, người kết hợp với chim vân vân, lý thuyết trường sinh của cách thức này chính là: Nếu như con người sống bình thường, thì có thể chiếm được tuổi thọ của loại động vật cộng sinh trong cơ thể, trên dưới ngàn năm. Nếu như người gặp phải chuyện gì bất trắc, thì chỉ cần loài vật sống trong cơ thể mình còn sống, thì bằng cách cộng sinh giữa người và động vật, động vật sẽ có được trí nhớ và ý thức của con người, tiếp tục cộng sinh với một người khác đã bị gột sạch ký ức, thực hiện việc "chuyển thế".

Nhược điểm của phương pháp này là đến khi loài vật sống trong cơ thể người chết đi, người cũng sẽ chết theo, thêm nữa tất cả sẽ đều biến thành yêu quái nửa người nửa thú.

Lúc đầu chắc chắn Tây Vương Mẫu đã dùng biện pháp như thế, cho nên bà mới mang bộ dạng yêu quái.

Điều này có thể chứng minh bằng di tích ở Xà Chiểu, với những người phụ nữ mặt người thân rắn trên bức bích họa cộng thêm những con rắn mào gà có hành vi cổ quái (rắn mào gà là loại rắn có linh tính được Tây Vương Mẫu thuần dưỡng dùng cho việc nhân thú cộng sinh thời kỳ đầu).

Biện pháp thứ hai: Đan dược = ngọc anh + bọ ăn xác chúa.

Nhược điểm của biện pháp trường thọ "nhân thú cộng sinh" chính là cốt lõi thay đổi của Tây Vương Mẫu.

Động vật sống trong cơ thể người chết thì người cũng chết theo, vậy phải làm sao bây giờ?

Có thể tìm cách giữ lại trí nhớ và ý thức của con người, đồng thời giữ cho thân thể không thối rữa và sống lại?

Có thể không mang bộ dạng yêu quái nữa không?

Động vật cộng sinh trong cơ thể người có kích thước rất nhỏ, không giống chim hay đại xà.

Tây Vương Mẫu phát hiện ba thứ: Bọ ăn xác, vẫn ngọc (thiên thạch), và rắn mào gà chúa.

Bọ ăn xác là loại động vật dùng cách đẻ trứng trong não người mà bảo tồn ký ức con người, kích thước cũng nhỏ, có thể trở thành động vật cộng sinh mới.

Vẫn ngọc – người ăn vào lúc sống có thể giữ cho dung nhan trẻ mãi không già, sau khi chết đi cũng có thể giữ cho thi thể không thối rữa.

Rắn mào gà chúa, khẳng định là rắn thần có thể sống lại sau khi lột xác.

Vì vậy Tây Vương Mẫu bắt đầu một cuộc thực nghiệm trên quy mô lớn:

Những chiếc bình của Tây Vương Mẫu trong quỷ thành chứa những đầu người đầy trứng bọ ăn xác chết, chính là thực nghiệm dùng bọ ăn xác để bảo tồn ký ức.

Bức bích họa ghi lại cảnh cho rắn mào gà ăn trứng bọ ăn xác chết, cho thấy Tây Vương Mẫu muốn tạo ra loại sinh vật có ưu điểm của cả bọ ăn xác và rắn mào gà.

Loại sinh vật cực kỳ lợi hại này đã được Tây Vương Mẫu chế tạo thành công, đúng vậy, chính là bọ ăn xác chúa!

Cổ trong vu cổ cũng được tạo nên bằng cách cho những sinh vật đáng sợ này ở cùng một chỗ, để chúng nó cắn xé lẫn nhau, cuối cùng giữ lại một con duy nhất, trở thành cổ (sâu độc).

Bọ ăn xác chúa của Tây Vương Mẫu cũng chính là loài động vật này.

Nó có sức mạnh của cả bọ ăn xác và rắn mào gà, có thể bảo trì ký ức, giúp con người giữ được hình dạng con người, lại giúp cho họ có thể lột da mà sống dậy.

Đương nhiên, bọ ăn xác là thứ kịch độc.

Cho nên, Tây Vương Mẫu phải nhốt thứ này trong một viên ngọc, chế thành thuốc trường sinh bất lão.

Lúc Tây Vương Mẫu sắp chết, chỉ cần ăn viên thuốc này vào, nằm trong vẫn ngọc đợi ngày sống dậy.

Lúc này bọ ăn xác chết sẽ đẻ trứng trong não người để giữ lại ký ức cho người đó, đồng thời vẫn ngọc giúp cho xác chết không bị phân hủy, thêm vào khả năng lột xác của rắn. Sau vài lần lột da, con người có thể lấy lại được tuổi trẻ, đồng thời khôi phục trí nhớ, sống lại một lần nữa. Tác dụng của vẫn ngọc tất nhiên mạnh hơn áo ngọc rất nhiều, quá trình sống lại của Tây Vương Mẫu chắc sẽ ngắn hơn người khác rất nhiều, đại khái chỉ mất mấy trăm năm?

Phương pháp thứ ba: Ăn đan dược lúc còn trẻ và còn sống

Con người đương nhiên ai cũng có lòng tham, Tây Vương Mẫu cũng không ngoại lệ.

Tuy rằng thực hiện được việc "sống lại", nhưng vẫn cần phải "chết" một khoảng thời gian rất dài.

Nếu như lúc còn trẻ và còn sống bà ta ăn luôn đan dược chế từ bọ ăn xác chết thì sẽ thế nào?

Nhất định Tây Vương Mẫu thí nghiệm trên vô số người sống, kết quả là chết ngay tức khắc hoặc trở thành các loại quái vật điên cuồng như cấm bà. Nói chung là không thành công.

Cuối cùng, Tây Vương Mẫu phát hiện ra một bí mật: Cách duy nhất để lúc sống ăn luôn đan dược chế từ bọ ăn xác chết mà không nguy hiểm đến tính mạng, có thể thực hiện được mong muốn trường sinh, chính là: Chui vào trong vẫn ngọc, không rời khỏi vẫn ngọc.

Như vậy chúng ta có thể đoán được, Tây Vương Mẫu lựa chọn biện pháp thứ ba.

Người ngồi ở bên ngoài vẫn ngọc, một thi hài rất giống với Tây Vương Mẫu, chính là "cái bóng của nữ vương", giúp Tây Vương Mẫu truyền tin và ra lệnh cho bên ngoài.

Còn người phụ nữ thò đầu ra khỏi vẫn ngọc kia, có lẽ chính là bản thân Tây Vương Mẫu.

Thứ năm, Chu Mục Vương và Tây Vương Mẫu, thuật trường sinh được tái hiện lại ở vùng Trung Nguyên.

Trong thần thoại Trung Hoa, Chu Mục Vương là tình nhân của Tây Vương Mẫu.

Chu Mục Vương đi về phía Tây gặp được Tây Vương Mẫu, bên cạnh Dao Trì (nơi ở của Tây Vương Mẫu trong thần thoại), uống rượu vẽ tranh, tâm đầu ý hợp, say sưa bao ngày. Chu Mục Vương đã dùng tơ tằm chói lóa và ngọc bích quý giá mà mình yêu quý nhất làm quà gặp mặt kiêm vật đính ước.

Giây phút chia tay, Tây Vương Mẫu nói với vị thiên tử ấy: "Trên trời có mây trắng, dưới đất mọc gò đồi, con đường còn xa xôi, lại núi sông cách trở, nếu chàng được sống mãi, liệu có trở lại đây?".

Năm tháng sau này, Tây Vương Mẫu vẫn si ngốc đợi người tình Mục Vương quay trở lại, nhưng chờ hoài chờ mãi chẳng thấy đâu.

Lý Thương Ẩn từng có câu thơ: "Tám ngựa ngày đi ba vạn dặm, cớ sao Mục vương không lại thăm?".

Chu Mục Vương là vị thiên tử đam mê chinh phạt và ngao du của thời đại Tây Chu.

Ngài đã cưỡi tám con ngựa đi tới núi Côn Luân gặp Tây Vương Mẫu.

Ban đầu, có thể là vì chiến tranh, nhưng hiển nhiên giống như bích họa kia miêu tả, ông ta không có cách nào đối phó được đám rắn mào gà.

Ông ta gặp được vị Tây Vương Mẫu đã nghiên cứu ra được loại đan dược bọ ăn xác giúp trường sinh bất lão kia.

Cho nên bà đã không còn là yêu quái nửa người nửa thú, trở thành một nữ vương bình thường xinh đẹp tuyệt trần (chép trong "Mục thiên tử truyện").

Có thể, Mục Vương và Tây Vương Mẫu gặp nhau giữa chiến tranh đã si mê lưu luyến, cũng có thể, Mục Vương chỉ là giả vờ đầu hàng giả vờ yêu thương.

Nhưng Tây Vương Mẫu thật sự thích Chu Mục Vương, vô cùng dịu dàng lưu luyến, vào thời khắc ly biệt, Tây Vương Mẫu ưng thuận lời hẹn tái kiến, còn tặng thuốc trường sinh bất tử cho Chu Mục Vương.

Cũng chính là đan dược dùng ngọc thạch bọc lấy bọ ăn xác chúa, kèm theo chiếc áo ngọc (do vẫn ngọc tạo thành).

Mục Vương và Tây Vương Mẫu cùng nhau ước hẹn. Tây Vương Mẫu còn trao cho Mục Vương hai vật khác: Một là ấn quỷ để điều động âm binh, giúp Mục Vương tiếp tục giấc mơ chinh phạt; hai là đàn bọ ăn xác đã bị thanh đồng cổ khống chế (bọ ăn xác đeo chuông lục giác trong Lỗ Vương cung).

Hiện tại có thể giải thích chuông lục giác chính là thanh đồng cổ khống chế động vật thời Phục Hy.

Mục Vương trở lại trung nguyên, xây mộ mình trong một ngọn núi ở Sơn Đông (thường chỉ có đế vương mới xây lăng trong núi).

Lúc sắp chết quả nhiên ông ta đã làm theo lời dặn của Tây Vương Mẫu, ăn đan dược, mặc áo ngọc, ngồi xếp bằng dưới một gốc cây (lời hẹn với Tây Vương Mẫu?), đợi đến ngày lột da sống dậy.

Ông ta chôn chung ấn quỷ trong mộ mình, còn bọ ăn xác dùng để bảo vệ lăng.

Chung cực giải mê – Phần 04

Phần 4: Sự phát triển bí mật trường sinh bất lão thời cổ đại (tiếp)

Nguồn: Tích Vũ lầu

Thứ sáu, biến cố thời Chiến Quốc:

Thời gian tiếp tục chảy trôi.

Rất nhanh sau đó, vương triều nhà Chu suy đồi, lịch sử bước vào thời đại Xuân Thu Chiến Quốc đầy rối ren.

Lỗ Thương Vương là một tướng quân lập nghiệp nhờ việc giúp Lỗ Quốc Công đổ đấu, còn Thiết Diện Sinh là trợ thủ của lão, người tinh thông phong thủy Kinh Dịch này chính là hậu duệ của Xi Vưu.

Trong một lần đổ đấu Lỗ Thương Vương phát hiện ra lăng mộ trong núi của Chu Mục Vương, chắc chắn đã tìm được bản ghi chép câu chuyện của Chu Mục Vương và Tây Vương Mẫu.

Lão lấy được hai thứ Tây Vương Mẫu trao cho Chu Mục Vương: Ấn quỷ và bọ ăn xác đeo chuông đồng, vì vậy mà tinh thần càng thêm hăng hái.

Chuyện được kể trên sách lụa tơ vàng của Lỗ Thương Vương, nào là phát hiện ra rắn lớn, nào là chiếm được hai báu vật thế gian, thật ra ám chỉ quá trình lão trộm mộ Chu Mục Vương.

Lỗ Thương Vương là một kẻ thô kệch, những bí mật này chắc chắn là do Thiết Diện Sinh giải ra giúp lão.

Cho nên Thiết Diện Sinh cũng biết bí mật này.

Hắn biết Lỗ Thương Vương rồi cũng sẽ thay thế Mục Vương tiến vào áo ngọc, nhưng hắn cũng nhìn ra, áo ngọc kia một khi khoác lên người khác thì sẽ lập tức mất tác dụng.

Hắn bắt đầu suy tính cách trường sinh cho mình, tự mình mang theo một đoàn người đến chỗ Tây Vương Mẫu ở núi Côn Lôn, lấy được một ít vẫn ngọc màu đen và bốn viên đan dược bọ ăn xác, về phần quá trình diễn ra thế nào, thì lại là một câu chuyện khác.

Lúc sắp chết, Lỗ Thương Vương đã lôi cổ Chu Mục Vương ra khỏi áo ngọc, quẳng huyết thi Mục Vương vào quan tài sắt trông ở cửa mộ, biến thành "thú trông nhà" bảo vệ mộ cho lão, còn lão tự mình mặc áo ngọc, xây mộ mình bên trên mộ Chu Mục Vương, đặt ra thất tinh nghi quan.

Mục Vương mất đi "trường sinh" trong tay Lỗ Thương Vương, thương cảm thay "Bát mã ngày đi ba vạn dặm, cớ gì Mục Vương không lại thăm?", nhưng Lỗ Thương Vương cũng phí công toi, bởi vì thật ra áo ngọc kia đã mất đi công dụng.

Trước khi Lỗ Thương Vương chết, Thiết Diện Sinh cũng đã giả chết, rồi bí mật tìm kiếm vùng đất phong thủy tốt nhất, cuối cùng tìm được huyết địa ở Trường Sa, tự xây mộ cho mình.

Đồng thời, hắn là hậu nhân của Xi Vưu, mà Tam Miêu lúc đó cũng đang tụ tập ở Trường Sa, càng dễ dàng cho Thiết Diện Sinh hành động.

Chắc hẳn Thiết Diện Sinh đã viết lại cuộc đời mình, cả bí mật của Tây Vương Mẫu lên cuốn sách lụa, để lại một bản cho hậu nhân hoặc con cháu trong tộc, còn một bản khác chôn chung trong mộ của mình.

Hắn thiết kế mộ thất hai tầng, bên trên là một quan tài trống, còn mật đạo bên dưới hoàn toàn được tạc từ vẫn ngọc, xem như một chiếc áo ngọc khổng lồ, rồi lại điêu khắc tượng Cửu Thiên nương nương (Tây Vương Mẫu), đặt sách lụa và đan dược bọ ăn xác vào trong.

Sau đó tự mình nuốt chửng bọ ăn xác, thực hiện kế hoạch "trường sinh" của chính mình.

Thứ bảy, vương quốc Đông Hạ những năm đầu triều Nguyên.

Sau thời đại Phục Hy, lịch sử Đông Bắc bị trống một khoảng lớn, có lẽ bởi khí hậu không thuận lợi cho việc phát triển nền văn minh rực rỡ.

Sau khi bộ lạc Đông Di rời đi đã để lại một di chỉ đồ sộ: cánh cửa đại đồng nằm dưới nền đất thung lũng, có thể còn để lại một ít hậu duệ để bảo vệ và trông coi.

Vì sao giữa thời Tống – Nguyên lại xuất hiện một nhà nước Đông Hạ?

Đáp án chính là sự nổi dậy của người Nữ Chân đã uy hiếp đến bí mật di chỉ Phục Hy và sự sinh tồn của hậu duệ trong tộc, dẫn đến nhất định phải thành lập một chính quyền, số hậu duệ này chắc chắn rất ít ỏi, buộc phải chinh phục và lợi dụng người Nữ Chân.

Phương pháp mà hậu duệ Phục Hy dùng để chinh phục người Nữ Chân hẳn là:

Uy hiếp: Dấu tích chim lớn có lực sát thương cao: Lợi dụng công năng gây ảo giác của cánh cửa thanh đồng và khả năng uy hiếp của Vạn Nô Vương thần bí.

Lợi ích: Hứa sẽ cùng họ trẻ mãi không già (Thị tộc Phục Hy có nền văn hóa ngọc, dùng ngọc để bảo trì nhan sắc không phải việc khó).

Vậy Vạn Nô Vương là ai?

Vạn Nô Vương chính là hậu duệ giữ cửa của thị tộc Phục Hy, gần như còn bảo tồn nguyên vẹn truyền thống của thời đại Phục Hy.

1, Người chim khổng lồ, dùng chuông thanh đồng khống chế đám "khỉ trong miệng".

2, Long đồ đằng, chính là du diên.

3, Thuật dùng thanh đồng tế bái và gây ảo giác tập thể.

4, Phương thức trường sinh "Người và động vật cộng sinh trong cùng một cơ thể", chỉ có bọn họ còn giữ lại hình dạng yêu quái thời đại Phục Hy.

Thị tộc Phục Hy trước đây cộng sinh với rắn, nhưng khí hậu ở núi Trường Bạch có lẽ không thích hợp cho rắn sống, rắn đã được Tây Vương Mẫu đưa đến Côn Lôn rồi. Loài vật duy nhất thích hợp với việc cộng sinh ở đây là du diên. Cho nên yêu quái mười hai cánh tay Vạn Nô Vương chính là người cộng sinh với du diên, vì chỉ có du diên mới có nhiều chân như vậy. Thế nhưng, sự cộng sinh giữa người và du diên không thể lâu dài như với rắn, cho dù tuổi thọ của du diên rất dài, nhưng tuổi thọ của các đời Vạn Nô Vương cũng không cao cho lắm.

5, Truyền thống huynh muội lấy nhau: Vạn Nô Vương ở Vân Đỉnh Thiên Cung và khối thi thể mười hai cánh tay ở mộ Uông Tàng Hải rõ ràng là huynh đệ thông hôn.

Bí mật Vạn Nô Vương bò ra từ lòng đất?

Mỗi một đời Vạn Nô Vương chết đi, đại đồng môn mới mở ra, đây chính là nghi thức thay thế cái chết từ thời Phục Hy cổ xưa, cũng chính là trường hợp người chết đi mà động vật cộng sinh trong cơ thể vẫn còn sống.

Vạn Nô Vương chết đi, đi vào cánh cửa đồng, lúc này du diên trong cơ thể lão sẽ ăn luôn thi thể, sau đó cào rách da bò ra ngoài.

Thế là, Vạn Nô Vương đời tiếp theo (con cháu của Vạn Nô Vương đã chết) đã bị thanh đồng cổ tẩy đi toàn bộ ký ức, du diên chui vào trong cơ thể Vạn Nô Vương này, tiếp tục cộng sinh, du diên và Vạn Nô Vương đời trước từng cộng sinh một thời gian rất dài, đã có linh tính, cũng có trí nhớ và ý thức của người đó, sau đó truyền lại cho Vạn Nô Vương đời kế tiếp, cứ tiếp nối nhiều lần như vậy, cho đến khi du diên này chết đi.

Mà Vạn Nô Vương mới vừa được du diên chui vào trong cơ thể, đương nhiên cũng bò từ lòng đất lên giống như du diên.

Vì sao chỉ có Vạn Nô Vương đời thứ mười bốn muốn xây mộ?

Vạn Nô Vương mười ba đời trước không hề có mộ, khả năng bọn họ đều biến thành một lớp da đằng sau cánh cửa thanh đồng rồi.

Thế vì sao Vạn Nô Vương đời này lại muốn xây mộ?

Đáp án là: Bởi vì du diên trong cơ thể gã sắp chết, chuỗi luân hồi trằn trọc mười bốn đời cũng sắp kết thúc.

Đương nhiên, gã không cam lòng, chắc chắn gã đã tìm đến hỏi han Tây Vương Mẫu, dù sao bọn họ cũng chung một tổ tiên.

Tây Vương Mẫu tiết lộ cho gã phương thức trường sinh mới, đúng vậy, chính là đan dược bọ ăn xác.

Cho nên, gã bắt đầu muốn có mộ, cần một lăng mộ "trường sinh" không bị chôm chỉa và quấy rầy.

Giống như Mục Vương và Thiết Diện Sinh.

Cho nên, Đông Hạ bắt đầu tìm kiếm và ép buộc người rất có năng lực về mặt này, chính là Uông Tàng Hải, đến để xây mộ cho gã.

Hơn nữa, những âm binh trong mộ chắc chắn cũng là do Tây Vương Mẫu đưa đến, để bảo vệ "Chung Cực" đằng sau cánh cửa thanh đồng – thứ mà suy cho cùng cũng là thủy tổ của họ.

Phía sau cánh cửa thanh đồng là gì?

Đáp án: Là Chung Cực.

Chung Cực có ba lớp nghĩa:

1, Khả năng mê hoặc tri giác thần bí của thanh đồng cổ, người ta muốn thấy cái gì thì sẽ thấy cái đó (giống như thuốc phiện).

2, Di tích nền văn minh Phục Hy khởi nguồn của nền văn minh Trung Hoa.

3, Bí mật trường sinh thời cổ đại, các loại "mặt người thân rắn, nhân thú cộng sinh" thời Phục Hy là thật. Bước vào đó có thể thấy được bí mật luân hồi của mười ba đời Vạn Nô Vương, bí mật du diên, bí mật tẩy xóa ký ức, bí mật trường sinh.

Thứ tám, đầu thời Minh, thời đại của cao thủ trộm mộ Uông Tàng Hải!

Theo những gì mà bút ký ghi lại, câu chuyện của Uông Tàng Hải có vẻ phức tạp nhất, nhưng thật ra, có được nền tảng giải đố từ những phần trên, bí mật của Uông Tàng Hải lại trở nên cực kỳ đơn giản, chuyện của hắn đại khái có thể diễn giải như sau:

1, Vạn Nô Vương đời thứ mười bốn bắt hắn đến xây mộ, giúp cho hắn có cơ hội tiến vào đại đồng môn, biết được bí mật cộng sinh giữa Vạn Nô Vương và du diên, cũng hiểu rõ bí mật mê hoặc và tẩy xóa ký ức của thanh đồng.

2, Loại người như Uông Tàng Hải đương nhiên cũng nổi lòng tham muốn mình được trường sinh bất tử, thế nhưng, hắn đương nhiên không chấp nhận kiểu cộng sinh giữa người và động vật để rồi biến mình thành yêu quái. Vì vậy hắn bắt đầu mượn việc giúp Vạn Nô Vương sưu tập châu báu ở trong các mộ cổ mà dò la tin tức.

3, Hắn phát hiện hai ngôi mộ cổ đặc biệt: Lỗ Vương cung và Kính Nhi cung của Trần Bì A Tứ, Lỗ Vương cung liên quan đến đan dược huyết thi – một biện pháp trường sinh khác, còn Kính Nhi cung hiển nhiên liên quan đến bí mật thanh đồng, cũng là bí mật mà người Mèo ở Quảng Tây (hậu nhân Xi Vưu) luôn bảo vệ. Đan dược và tẩy xóa ký ức hiển nhiên là hai điểm quan trọng liên quan đến thuật trường sinh. Thế nhưng, Uông Tàng Hải không thể có được sách lụa Chiến Quốc, cho nên không thể lập tức biết được bí mật tồn tại của Tây Vương mẫu quốc.

4, Sau này, hắn quay lại Vân Đỉnh Thiên Cung lần thứ hai, lần này hắn đã nhìn thấy thi thể Vạn Nô Vương sau khi ăn đan dược (chính là khối thi thể mười hai cánh tay mặc giáp sắt), đồng thời tìm được vị trí của Tây Vương Mẫu trên đỉnh Côn Lôn.

5, Uông Tàng Hải đã đến được quỷ thành, nhưng lúc này Tây Vương Mẫu chắc hẳn chỉ có thể ở trong vẫn ngọc, Uông Tàng Hải tìm ra được bí mật "xác chết vùng dậy" của Tây Vương Mẫu, nhưng chắc hắn cũng không biết biện pháp ăn đan dược lúc còn sống rồi chui vào trong vẫn ngọc, mà cho dù hắn có biết thì cũng chưa chắc đã biết cách làm. Uông Tàng Hải lấy đi vẫn ngọc và đan dược bọ ăn xác từ Xà Chiểu.

6, Sau khi trở về, họ Uông bắt đầu xây dựng ngôi mộ dưới đáy biển của mình, thật ra là để suy nghĩ và nghiên cứu cách trường sinh. Hắn không giống với Thiết Diện Sinh, Thiết Diện Sinh chỉ răm rắp làm theo, mà Uông Tàng Hải lại muốn tự mình thử nghiệm và hoàn thiện.

7, Em gái và vợ của Vạn Nô Vương (khối thi thể mang thai có mười hai cánh tay), xác ướp mặt ngựa có trứng bọ ăn xác trong hộp sọ, đều là thí nghiệm mà Uông Tàng Hải bày ra.

8, Uông Tàng Hải không muốn đợi quá trình lột da trong mộ, nhất định hắn đã nghĩ tới biện pháp ăn đan dược bọ ăn xác lúc sống, cho nên đã tìm người để thử nghiệm, kết quả dẫm lên vết xe đổ của Tây Vương Mẫu, biến những người đó thành các loại quái vật như Cấm Bà hay khỉ biển.

9, Uông Tàng Hải vẫn không cam lòng, thế là hắn nghĩ đến thanh đồng cổ, nảy ra một diệu kế, chính là trước khi chết uống hai viên đan dược (đại khái thế, tôi đoán vậy) khôi phục lại hai phần ký ức của mình, một mặt tiếp tục đợi thân thể mình lột da sống dậy, mặt khác cấy trí nhớ và ý thức của mình lên một người khác, đợi đến ngày sống lại lần nữa. Sau đó hắn sẽ tiếp tục bày trò trên người đang giữ ký ức của mình, đợi cho thân thể mình sống lại. Uông Tàng Hải thật sự rất thông minh.

10, Thế nhưng, sau khi bản thân chết đi, làm sao có thể khống chế được tất cả mọi thứ? Âm mưu của Uông Tàng Hải thể hiện cao nhất ở chỗ này, hắn nghĩ kẻ có thể đi vào mộ mình, nhất định là phường trộm mộ, cho nên họ Uông đã khóa kín ngôi mộ mình lại, bản thân hắn chính là cao thủ trộm mộ, nên mộ hắn đều được thiết kế nhằm mục đích này.

11, Ba con xà mi đồng ngư đều nhằm dẫn dụ kẻ trộm mộ, những thứ quỷ dị trong Lỗ Vương cung, Kính Nhi cung kết hợp với bí mật trên xà mi đồng ngư có sức hấp dẫn vô cùng, khiến cho những kẻ trộm mộ nhất định phải tìm ra bằng được, rồi nhất định sẽ tìm đến ngôi mộ dưới đáy biển của hắn.

12, Bản thân hắn hiểu rất rõ kẻ trộm mộ, cho nên từng cái bẫy đều được tạo ra để dẫn dụ họ, toàn bộ cơ quan, bố cục, âm mưu đều không phải để bảo vệ mộ, mà hoàn toàn ngược lại, là để đạt được mục đích của chính hắn.

Cây san hô thanh đồng, khẳng định là để tẩy xóa ký ức của kẻ trộm mộ.

Tiêu tử quan, cũng là một âm mưu.

Mục đích sau cùng chính là để kẻ trộm mộ ăn luôn bọ ăn xác chúa trong cơ thể Uông Tàng Hải, cấy trí nhớ của hắn vào kẻ trộm mà thôi.

Đương nhiên, tình tiết cụ thể ra sao, thì như Tam Thúc nói, nếu như viết theo bút pháp của Cổ Long thì đây hẳn là một câu chuyện lớp lang vô cùng đặc sắc.

13, Họ Uông bố trí xong hết thảy, hắn chết rồi, nhưng vẫn nắm giữ tất cả trong tay, cũng chính là cái kết do chính hắn đạo diễn, ai sẽ trở thành kẻ xúi quẩy trong vở kịch của hắn đây?

Đến đây, bí ẩn xuyên suốt thời cổ đại đã gần như sáng tỏ.

Thời gian, tiếp tục chảy trôi.

Bí mật thời viễn cổ, bản chép tay của Thiết Diện Sinh, âm mưu của Uông Tàng Hải, đều lặng lẽ theo dòng thời gian.

Cùng chờ đợi.

Chờ đợi một nhóm người từ từ tiếp cận bí mật này từ trong bóng tối sâu thẳm, cũng vì nó mà số mệnh rẽ ngang.

Ba đời nhà họ Ngô, đội khảo cổ, Cầu Đức Khảo, Văn Cẩm, Muộn Du Bình...

Chung cực giải mê – Phần 05

Phần 5: Sợi dây mê thứ ba: Cốt lõi của Đạo Mộ Bút Ký: Cuộc đấu đá giữa các thế lực thời hiện đại để tìm ra bí mật trường sinh bất tử.

Nguồn: Tích Vũ lầu

Thứ nhất, sau khi Uông Tàng Hải chết, mọi thứ dường như chìm vào yên lặng, vòng quay số phận nằm đợi dưới đáy biển.

Cho đến những năm bốn mươi trước giải phóng, ba đời thổ phu tử nhà họ Ngô trộm ngôi mộ huyết thi ở Trường Sa, khiến từ đây nhà họ Ngô luẩn quẩn trong vòng vây số phận.

Tình hình lúc đó hẳn là, bọn họ đi vào con đường bí mật làm từ ngọc đen, phá hoại việc "lột da" của Thiết Diện Sinh, khiến Thiết Diện Sinh biến thành huyết thi, anh trai của Ngô lão cẩu trẻ tuổi hăng hái, bừng bừng khí thế lấy được sách lụa và đan dược bọ ăn xác trong miệng Cửu Thiên nương nương bốn mắt.

Lúc này, động chạm đến huyết thi, cả ba người đều sập bẫy.

Anh trai của lão cẩu chắc đã ăn nhầm hoặc trong lúc sợ hãi xơi luôn đan dược bọ ăn xác, xem đó là "thuốc cứu mạng" để rồi biến thành huyết thi.

"Đạo Mộ Bút Ký" có viết lại chuyện năm mươi năm trước ông nội Ngô Tà lúc còn trẻ đã nhìn thấy một người toàn thân nhẫy nhụa máu tươi, hẳn là cụ nội Ngô Tà sau khi trúng đòn, khuôn mặt to tướng không có con ngươi chính là huyết thi Thiết Diện Sinh.

Huyết thi đó đâu rồi? Chạy mất? Hay là bị anh trai của lão cẩu giết? Không rõ nữa.

Bốn viên thuốc trong mộ, hẳn là một viên Thiết Diện Sinh ăn khi còn sống, một viên bị anh trai lão cẩu ăn, một viên được Ngô Tam Tỉnh lấy đi và một viên bị chính ông ta làm vỡ.

Về sau, tuy rằng Ngô lão cẩu khôn ngoan lanh lợi, nhưng tuổi còn nhỏ lại chịu đả kích quá lớn, chắc không dám dọ dẫm mò vào trong mộ nữa, sau Giải Phóng, quyển sách lụa Chiến Quốc ông ta lấy được bị Cầu Đức Khảo lừa đi, không lâu sau còn bị Cầu Đức Khảo bán đứng, Ngô lão cẩu chạy trốn tới Hàng Châu, vậy hẳn cũng không còn dịp vào ngôi mộ ấy nữa.

Vậy là huyết thi họ Ngô đành thẫn thờ trong mộ suốt mấy chục năm.

Thứ hai, sự kiện then chốt xảy ra vào năm 1974.

Năm 1974 là năm bắt đầu và cũng là then chốt những chuyện xảy đến với đội khảo cổ.

Bởi vì, năm ấy Cầu Đức Khảo ở Mỹ đã giải ra được nội dung cuốn sách lụa Chiến Quốc hắn gạt được từ tay Ngô lão cẩu (Về phần một người Mỹ như hắn làm sao có thể giải ra được cuốn sách lụa này thì còn là câu chuyện rất dài phía sau).

Khi đó quan hệ Mỹ – Trung đã giảm nhiệt và bắt đầu ngoại giao, sự kiện có thể chấn động cả giới khảo cổ này truyền đến Trung Quốc chắc chắn thu hút rất nhiều sự chú ý! Đó là khoảng thời gian mà giới khảo cổ Trung Quốc hừng hực khí thế, hơn nữa còn có một nhân vật lớn đứng sau giật dây, mong muốn nắm được bí mật sâu nhất đằng sau cuốn sách lụa này.

Dựa vào thế lực của cả quốc gia chắc chắn dễ dàng điều tra được Cầu Đức Khảo lấy được cuốn sách lụa từ tay người nào, chính là Ngô lão cẩu và nhà họ Ngô.

Đây là "nguồn cơn kinh động trung ương" mà "bút ký" nhiều lần nhắc tới.

Xuất phát từ chuyện đầy bí ẩn như vậy, thế lực đó nhất định sẽ tìm ra được Ngô lão cẩu, buộc ông ta trở lại ngôi mộ cổ huyết thi, kiểm tra xem còn sót lại cuốn sách lụa Chiến Quốc nào không.

Khoảng năm 1974, chắc chắn Ngô lão cẩu đã xuống ngôi mộ huyết thi lần nữa, và đi xuống cùng ông ta lần này, là Giải cửu gia – cha của Giải Liên Hoàn.

Hai người là họ hàng, quan hệ cũng rất tốt, hơn nữa còn chung một "nguồn cội". Tình tiết này Tam Thúc có nhắc đến trong bản Internet, sau lại cắt đi không có trong sách xuất bản.

Ngô lão cẩu và Giải cửu gia xuống mộ, chắc chắn có sự giám sát của quân đội hoặc chính phủ bên ngoài.

Họ không kinh động đến huyết thi, hoặc huyết thi không tấn công bọn họ, chắc bởi huyết thi còn sót lại chút ý thức biết được đây là em trai mình, mà Ngô lão cẩu hiển nhiên cũng không muốn lộ ra.

Quả nhiên Ngô lão cẩu và Giải cửu gia đã lấy được quyển sách lụa Chiến Quốc khác từ dưới mộ. Đương nhiên, họ lập tức phải giao nộp.

Sự kiện then chốt xảy ra vào năm 1974 (tiếp theo).

Cuốn sách lụa Chiến Quốc mà Ngô lão cẩu và Giải cửu gia lấy được hẳn đã được giải ra nhanh chóng, nội dung một lần nữa khiến "cấp cao" giật mình.

Bản sách lụa này vốn do Thiết Diện Sinh ghi chép, hắn nhất định đã thuật lại chuyện trường sinh bất lão của Tây Vương Mẫu, còn cả thần thoại thanh đồng cổ của hậu duệ Xi Vưu (bên trên tôi từng nói, bản thân Thiết Diện Sinh chính là hậu duệ Xi Vưu).

Năm 1974 còn xảy ra chuyện gì nữa? Phải, chính là Trần Bì A Tứ đổ đấu Kính Nhi cung bị người Mèo đâm mù mắt, chính là lần con xà mi đồng ngư đầu tiên được đào lên. Ba con xà mi đồng ngư của Uông Tàng Hải đều ghi lại vị trí ngôi mộ dưới đáy biển và bí mật trường sinh bất lão (đồng ngư được tạo ra để dụ dỗ kẻ trộm mộ mò xuống đáy biển).

Hai chuyện này cùng hướng tới bí mật "trường sinh", mở ra bức màn âm mưu đã được vạch sẵn.

Chính phủ hoặc quân đội đã chuẩn bị một loạt thủ đoạn ngoài sức tưởng tượng để nhảy vào và nghiên cứu chuyện này.

Thế lực này chính là "nó".

Đội khảo cổ của Văn Cẩm được thành lập từ lúc đó, nhưng họ cũng không hề biết sự thật, cũng chẳng biết "nó" đứng sau bức màn.

Vì sao toàn bộ hồ sơ về họ đều biến mất? Là bởi vì ngay từ đầu, đội khảo cổ này đã trở thành vật thí nghiệm và vật hi sinh của "nó".

Điểm dừng chân đầu tiên của đội khảo cổ, chính là âm sơn cổ lâu nơi phát hiện ra "cục sắt", bí mật thanh đồng cổ do người Mèo hậu duệ Xi Vưu bảo vệ. Ở nơi này, Muộn Du Bình đã dính líu với đội khảo cổ để rồi cuối cùng gia nhập đội này.

Trong kế hoạch của "nó" còn có một bước đi nữa, chính là dụ dỗ Cầu Đức Khảo tham dự.

Đầu tiên, Cầu Đức Khảo có trong tay quyển sách lụa thứ nhất, đồng thời giải ra được nội dung vô cùng có giá trị bên trong, sau khi dẫn dụ Cầu Đức Khảo nhảy vào, thì "nó" có thể ở đằng sau làm ngư ông đắc lợi. Đây có thể coi là phương án tốt nhất để thực hiện một nhiệm vụ bí mật.

Giáng sinh năm 1975, Cầu Đức Khảo nhận được hình ảnh quyển sách lụa Chiến Quốc mới! Từ đó về sau, người này điên cuồng nhảy vào dòng xoáy mê man không lối thoát này.

Vậy ai đã gửi thứ đó cho Cầu Đức Khảo? Ngô Tam Tỉnh hoặc Giả Liên Hoàn! (Bản Internet của Tam Thúc có đề cập đến tình tiết này).

Thật ra, chính "nó" đã bày kế để Ngô, Giải nhử Cầu Đức Khảo, khiến cho Cầu Đức Khảo tin rằng đây là ý đồ của mấy kẻ trộm mộ, dụ dỗ Cầu Đức Khảo chui vào. Cũng chính như lời Văn Cẩm từng nói thật ra "nó" mượn tay hai nhà Ngô, Giải nói cho Cầu Đức Khảo biết vị trí cuốn sách lụa mới và ngôi mộ dưới đáy biển.

Đội khảo cổ và Cầu Đức Khảo, cả hai lực lượng này đều là quân cờ của "nó".

Về phần vì sao "nó" lại muốn áp dụng biện pháp bí mật khác thường như vậy, thì phía trên tôi đã từng phân tích qua:

1, Đây là một chuyện vô cùng thần bí – bí mật trường sinh, chuyện này khác với việc khai quật tượng binh mã, nó nhuốm màu quỷ thần mê tín, cực kỳ tương phản với nền giáo dục nhân dân bao năm qua cũng như hình thái ý thức vô thần được giương cao dưới ngọn cờ xã hội chủ nghĩa, cho nên không cách nào khua chiêng gõ trống mà làm được.

2, Việc này nhuốm màu quỷ thần, các nhà khảo cổ chính thống không thể làm được, cần nhờ đến giới trộm mộ tham gia, đây cũng là một trong những nguyên nhân không thể khua chiêng gõ trống.

3, Cuốn sách lụa Chiến Quốc được dịch ở nước ngoài có ảnh hưởng rất lớn, nên càng không thể đánh rắn động cỏ, xử lý không tốt sẽ ảnh hưởng đến cả quan hệ quốc tế.

4, Chuyện này khả năng còn phải thí nghiệm trên cơ thể con người, càng không thể công khai.

Thế lực quốc gia không tiện công khai tham dự, nhưng lại muốn nắm trong tay kết quả cuối cùng, vừa muốn lợi dụng vừa muốn trông chừng đề phòng giới trộm mộ và Cầu Đức Khảo.

Nói chung, việc này chỉ có thể thực hiện bí mật, ngay từ đầu số phận đội khảo cổ đã được định sẵn, không cần biết là thành công hay thất bại, đều sẽ bị vứt bỏ sau khi hết giá trị lợi dụng.

Thứ ba, năm 1975, một năm trước khi đi Tây Sa.

Bắt đầu từ khi Ngô lão cẩu và Giải cửu gia tiến vào ngôi mộ huyết thi lần thứ hai vào năm 1974, hai nhà Ngô – Giải bắt đầu bị "nó" ép phải bí mật làm việc cho mình.

Ngô lão cẩu đã già, Ngô Tam Tỉnh trở thành chủ lực. Trong kịch bản mà "nó" vạch ra, Ngô Tam Tỉnh trên danh nghĩa là làm việc cho Cầu Đức Khảo.

Thật ra, Ngô Tam Tỉnh là cá bị "nó" dùng làm mồi câu đồng thời kiềm chế và giám sát Cầu Đức Khảo.

Cho nên, Ngô Tam Tỉnh năm đó, là "gián điệp ba mang".

Thân phận thứ nhất là bạn trai của Trần Văn Cẩm trong đội khảo cổ, thân phận thứ hai là giả vờ làm việc cho Cầu Đức Khảo và thân phận thứ ba – cũng là thân phận thật sự – chính là người mà "nó" sắp xếp nằm vùng trong đội khảo cổ và giám sát Cầu Đức Khảo.

Từ khoảng năm 1976, đội khảo cổ của Văn Cẩm đã được thành lập.

Vậy thì, một Ngô Tam Tỉnh hoàn toàn không xứng đôi với người đầy cá tính như Văn Cẩm lại có thể nảy sinh tình cảm có phải cũng là do "nó" sắp xếp hay không?

Mục đích là để Ngô Tam Tỉnh có một lý do danh chính ngôn thuận tiếp cận và gia nhập đội khảo cổ, mà không khiến cho người trong đội nghi ngờ?

Khi đó "nó" lợi dụng hai nhà Ngô, Giải, bởi suy cho cùng chính nhà họ Ngô là người trộm cuốn sách lụa Chiến Quốc ấy ra. "Nó" chủ yếu dùng Ngô Tam Tỉnh để giám sát Cầu Đức Khảo. Về phần Giải Liên Hoàn, có lẽ giống như Văn Cẩm nói, y đúng là một sinh viên khảo cổ bình thường tham gia vào đội khảo cổ của Văn Cẩm. Thế nhưng, Giải Liên Hoàn vẫn là "chân trong" mà "nó" xếp vào đội khảo cổ. Giải Liên Hoàn dựa vào tri thức và kinh nghiệm được truyền thụ từ gia tộc trộm mộ của mình mà hỗ trợ nhóm học sinh không có chút kinh nghiệm đổ đấu nào (cũng giống như vai trò của Bàn Tử sau này).

Từ năm 1975 Ngô Tam Tỉnh gửi cuốn sách lụa mới lấy được cho Cầu Đức Khảo, thì đã luôn dựa trên danh nghĩa làm việc cho họ Cầu mà nhử đủ loại thế lực nhảy vào.

Mà đồng thời, Giải Liên Hoàn cũng được "nó" sắp xếp gia nhập đội khảo cổ, hỗ trợ đội khảo cổ tìm hiểu bí mật "trường sinh bất lão".

Một năm trước sự kiện ở Trường Sa, họ Cầu cuối cùng cũng tới Trung Quốc, bắt đầu hành động, việc làm đầu tiên chính là lần nữa đào xới ngôi mộ huyết thi Trường Sa.

Mọi người có cảm thấy rằng, Ngô Tam Tỉnh chạm mặt Cầu Đức Khảo ở ngôi mộ huyết thi thật trùng hợp quá mức?

Thêm cả rất nhiều lần sau đó, chú Ba (Giải Liên Hoàn) và Cầu Đức Khảo đều không hẹn mà gặp.

Thật ra, Ngô Tam Tỉnh đang giám sát Cầu Đức Khảo theo lệnh của "nó".

Những chuyện xảy ra dưới mộ, Ngô Tam Tỉnh giết chết huyết thi họ Ngô, xua nhầm bọ ăn xác đuổi đám người Cầu Đức Khảo chạy tóe khói, lấy được một viên đan dược, có lẽ đều là thật.

Mấu chốt của chuyện này chính là để Ngô Tam Tỉnh nhìn thấy cảnh tượng bi thảm người biến thành huyết thi cùng với chỗ kinh khủng của bí mật này.

Chung cực giải mê – Phần 06

Phần 6: Bí mật Tây Sa

Nguồn: Tích Vũ lầu

Bí mật Tây Sa (phần 1):

Theo những gì Tam Thúc viết, bánh xe số phận dưới đáy biển Tây Sa càng chạy càng nhanh.

Sau khi thất bại ở ngôi mộ huyết thi Trường Sa, Cầu Đức Khảo dời mắt đến Tây Sa, thật ra trước khi đội khảo cổ xuống biển, Cầu Đức Khảo cũng đã cho người lặn xuống đó vài lần, tìm được vị trí hầm mộ từ lâu. Đương nhiên những bí mật này đều thông qua Ngô Tam Tỉnh mà truyền đến tai "nó".

Suy cho cũng "nó" đã có trong tay gần như toàn bộ cuốn sách lụa, còn Cầu Đức Khảo cũng thăm dò và nắm rõ những bí mật dưới đáy biển này, thời cơ cơ bản đã chín muồi, cần đi đến hành động then chốt rồi. Đội khảo cổ chuẩn bị đi tới Tây Sa.

Lúc này tình yêu của Ngô Tam Tỉnh bắt đầu phát huy tác dụng, hắn lợi dụng quan hệ với Văn Cẩm mà gia nhập đội khảo cổ.

Nhiệm vụ lần này của hắn rất đơn giản, chính là dẫn cả đội khảo cổ hoàn toàn không biết gì cả vào trong mộ cổ, đánh thuốc mê, đồng thời cho bọn họ ăn đan dược bọ ăn xác, tiến hành thí nghiệm trên cơ thể sống.

Hơn nữa, trong danh sách này còn có cả Giải Liên Hoàn.

Sau đó, Ngô Tam Tỉnh có thể rời khỏi đáy biển, ra ngoài rồi trắng trợn tuyên bố đội khảo cổ mất tích dưới đáy biển là xong.

Hành động vốn phải diễn ra vào đêm đó, là Ngô Tam Tỉnh thừa dịp đội viên ngủ say, vào hầm mộ nhìn kỹ một lượt để sắp xếp hành động ngày hôm sau.

Thế nhưng, Ngô Tam Tỉnh không cam lòng chấp nhận số phận như vậy.

Hắn đã nhìn thấy cảnh tượng bi thảm người biến thành huyết thi ở mộ cổ Trường Sa.

Hoặc có lẽ, hắn đã thật sự yêu Văn Cẩm, hay đồng cảm với số phận đội khảo cổ, càng không nhẫn tâm đẩy Giải Liên Hoàn vào bi kịch.

Đương nhiên, hắn cũng biết, tất cả đều là công cụ của "nó", chính hắn cũng không ngoại lệ, hắn đã biết quá nhiều bí mật, một khi mất đi giá trị lợi dụng, số phận sẽ bi thảm vô cùng.

Vì số phận của hai nhà Ngô, Giải, hắn phải chống lại.

Bí mật Tây Sa (phần 2):

Cái đêm thật thật giả giả ở Tây Sa ghi trong Đạo Mộ kia, dòng chữ bằng máu "Ngô Tam Tỉnh hại ta" hay "Giải Liên Hoàn hại ta", rốt cuộc đâu mới là sự thật?

Thật ra, đây là nước cờ mà Ngô Tam Tỉnh và Giải Liên Hoàn cùng bố trí, hoặc có lẽ nên nói đây chính là nước cờ mà hai nhà Ngô Giải cùng sắp đặt để tự cứu lấy chính mình.

Cái ngày đáng sợ nhất đối với đội khảo cổ càng lúc càng gần.

Nhưng, Ngô Tam Tỉnh biết tự mình không cứu nổi Văn Cẩm, không cứu được đội khảo cổ.

Số phận đội khảo cổ đã được định sẵn, số phận của hắn cũng được được định sẵn, từ trong bóng tối sâu thẳm, có kẻ đã âm thầm khống chế lần hành động này.

Thế nhưng, Ngô Tam Tỉnh thông minh đã nghĩ ra một "nước cờ".

Đêm trước ngày xuống biển, Ngô Tam Tỉnh xuống mộ đúng theo kế hoạch, thế nhưng, hắn âm thầm gọi theo cả Giải Liên Hoàn.

Ở trên biển, Ngô Tam Tỉnh nói cho Giải Liên Hoàn biết nhiệm vụ sắp phải chấp hành vào ngày mai.

Để tự cứu mình và cứu anh em họ, để hai nhà Ngô, Giải có cơ hội thoát khỏi số phận bi kịch.

Cùng nhau xếp đặt một nước cờ.

Chính là một trong hai phải giả chết.

Theo đúng kế hoạch, lần này sau khi Ngô Tam Tỉnh rời khỏi đáy biển, sẽ tiếp tục lừa gạt và giám sát Cầu Đức Khảo, cho nên Ngô Tam Tỉnh không thể chết được. Thế nhưng Giải Liên Hoàn lại không có năng lực cũng như hiểu rõ kế hoạch như Ngô Tam Tỉnh.

Cho nên, họ sắp xếp một nước cờ như vậy, lợi dụng việc bọn họ vốn là họ hàng, vẻ ngoài khá giống nhau. Hai người làm bộ mâu thuẫn, xảy ra xung đột ở trong mộ, Ngô Tam Tỉnh hại chết Giải Liên Hoàn, Giải Liên Hoàn viết dòng chữ bằng máu "Ngô Tam Tỉnh hại ta".

Ngày hôm sau đội khảo cổ phát hiện thi thể Giải Liên Hoàn (thật ra là thi thể một người bị làm cho nát mặt trong đội ngũ của Cầu Đức Khảo).

Như vậy Giải Liên Hoàn đã không còn tồn tại trên đời nữa, trong khi Giải Liên Hoàn thật sự đã đóng giả thành Ngô Tam Tỉnh tiếp tục làm việc cho "nó". Còn Ngô Tam Tỉnh thật sự có thể nhân cơ hội này mà chạy trốn, bốc hơi khỏi thế gian, thoát khỏi "nó", sau đó ở trong bóng tối âm thầm giúp đỡ hai nhà Ngô, Giải đối phó "nó" cũng như tìm kiếm bí mật Chung Cực, cứu thoát Văn Cẩm và đội khảo cổ năm đó bị đem ra làm vật thí nghiệm.

Sau khi bố trí nước cờ ổn thỏa, Ngô Tam Tỉnh có thể bỏ trốn trong đêm, Giải Liên Hoàn cải trang thành Ngô Tam Tỉnh trở lại thuyền.

Ngày hôm sau, thi thể "Giải Liên Hoàn" được phát hiện, đội khảo cổ xuống mộ, Giải Liên Hoàn thay thế Ngô Tam Tỉnh hoàn thành nhiệm vụ gây mê đội khảo cổ.

Tất cả diễn ra không một kẽ hở, nhưng, đúng lúc này kế hoạch xảy ra vấn đề.

Bí mật Tây Sa (phần 3):

Trong bóng tối có người thứ ba!

Khi Ngô Tam Tỉnh và Giải Liên Hoàn vạch kế hoạch xong xuôi, trong hầm mộ tối tăm đột nhiên xuất hiện người thứ ba, muốn tung đòn sát thủ giết chết cả hai người. Người này đương nhiên là thành viên trong đội khảo cổ, hắn là ai?

Là Tề Vũ!

Phía trên tôi đã từng phân tích, "nó" đã đưa Ngô Tam Tỉnh và Giải Liên Hoàn trà trộn vào đội khảo cổ.

Nhưng "nó" làm sao có thể yên tâm không chút phòng bị đối với hai kẻ dòng dõi trộm mộ nức tiếng này? Đương nhiên phải chơi chiêu "bọ ngựa bắt ve, chim sẻ ở phía sau", chính là giám sát lẫn nhau.

Tề Vũ mới thật sự là người của "nó" – là gián điệp bí mật.

Nhiệm vụ ban đầu của Tề Vũ chính là giám sát hai người, hắn âm thầm theo dõi hai người xuống biển, phát hiện ra mưu đồ bí mật của hai người, đương nhiên muốn tung đòn sát thủ! Thế nhưng hắn cũng không thể để lộ thân phận mình. Hắn bèn chơi đòn đánh lén trong bóng tối, nếu một đòn không trúng, hắn sẽ rút lui an toàn, sau đó quẳng bình dưỡng khí của bọn họ xuống nước, vây khốn hai người trong mộ cổ.

Lúc này, Ngô – Giải mới phát hiện, chuyện phức tạp hơn họ nghĩ rất nhiều, trong đội khảo cổ cũng có gián điệp của "nó", nhưng lại không biết là ai. Có điều cung đã giương lên, không thể không bắn, họ vẫn quyết định giữ nguyên kế hoạch, bởi vì bọn họ đoán rằng tên gián điệp kia cũng không dám tùy tiện để lộ thân phận, nếu không sẽ không thể nào đánh lén đội khảo cổ nữa.

Giải Liên Hoàn đóng giả Ngô Tam Tỉnh trở lại thuyền, còn Ngô Tam Tỉnh lại ở lại trong mộ.

Hôm sau, bọn họ diễn vở tuồng "có hai Ngô Tam Tỉnh", cùng lúc tranh thủ tìm ra tên gián điệp kia.

Bí mật Tây Sa (phần 4):

Sau này, ở Xà Chiểu, Văn Cẩm nói với Ngô Tà, rằng chú Ba là do Giải Liên Hoàn giả mạo, điều này không sai, nhưng chuyện Tây Sa ngày đó có rất nhiều kẽ hở, chủ yếu vẫn là để che giấu bí mật thân thế thật sự của Ngô Tà.

Sự thật ngày đó hẳn là:

Buổi sáng, đội khảo cổ phát hiện ra Giải Liên Hoàn đã chết giữa đống đá ngầm (cỗ thi thể đã bị làm nát mặt trong đội của Cầu Đức Khảo).

Sau đó, đội khảo cổ vì tránh bão mà phải xuống mộ, Ngô Tam Tỉnh giả do Giải Liên Hoàn cải trang mượn cớ không được khỏe mà ngủ một giấc, sau đó lén lút đi theo đội khảo cổ.

Còn người chải đầu dẫn dụ đội khảo cổ vào trận kỳ môn độn giáp chính là Ngô Tam Tỉnh thật vẫn ẩn náu trong mộ, khi đi vào đường hầm bí mật thì đánh thuốc mê đội khảo cổ, giữ nguyên kế hoạch cho đội khảo cổ ăn đan dược bọ ăn xác.

Trong trí nhớ của mình, trước khi ngất đi Muộn Du Bình đã nhìn thấy Ngô Tam Tỉnh ngồi xổm trước mặt, đây là sự thật, hơn nữa, khi đó Ngô Tam Tỉnh thật sự chắc hẳn đã bắt đầu nghi ngờ tiểu Muộn chính là gián điệp trong bóng tối kia, vì muốn diệt khẩu mà hắn đã dùng thanh đồng cổ trong mộ xóa tan ký ức Muộn Du Bình, có lẽ đây là nguyên nhân Muộn Du Bình mất trí nhớ lần thứ nhất (đây cũng là lý do chỉ có tiểu Muộn mất trí nhớ, còn những người khác thì không).

Nước cờ "có hai Ngô Tam Tỉnh" này thật sự là kế hoạch tuyệt vời, khiến người ta khó phân thật giả.

Theo đúng kế hoạch của "nó", sau khi gây mê đội khảo cổ thì Ngô Tam Tỉnh phải rời khỏi đó ngay, ngoi lên mặt biển giả vờ được cứu.

Còn quá trình "nó" bị đội khảo cổ đưa đi, thì Ngô Tam Tỉnh không nên thấy cũng không thể thấy.

Lúc này, Giải Liên Hoàn – người cải trang Ngô Tam Tỉnh bên ngoài kỳ môn độn giáp – hẳn nên trở lại mặt biển rồi.

Còn Ngô Tam Tỉnh thật sự thì có thể trốn ở trong mộ, nhìn thấy "nó", thậm chí có thể theo dõi nó, biết được tung tích của đội khảo cổ.

Thế nhưng, khoan đã, còn có một người.

Bí mật Tây Sa (phần 5):

Đúng vậy, còn có Tề Vũ!

Tề Vũ không ở cùng nhóm người này, Tề Vũ mới là gián điệp thật sự. Đương nhiên không thể bị gây mê, ăn đan dược, cậu ta hẳn nhiên phải trốn, rồi chờ bước tiếp theo phối hợp với "nó" đưa đội khảo cổ đã sập bẫy đi.

Như vậy, giấc mơ kỳ lạ của Ngô Tà trên núi Tần Lĩnh kia có thể giải thích rõ ràng:

Trước khi đội khảo cổ còn chưa sập bẫy, có người hỏi Tề Vũ đã đi đâu, có tiếng đáp lại: Cậu ta ham chơi chẳng biết đã chạy đi đâu rồi, không đợi cậu ta nữa.

Lúc đó nhất định Tề Vũ đã trốn gần một quan tài, quan sát toàn bộ những gì diễn ra với nhóm người này.

Đương nhiên, cậu ta bị Ngô Tam Tỉnh phát hiện.

Cho nên mới có câu nói "Thì ra thằng nhãi con mày vẫn đi theo tao" cùng lúc đó bóp cổ Tề Vũ.

Thật ra, mặc dù lúc ấy Ngô Tam Tỉnh đã phát hiện thân phận của Tề Vũ, nhưng lại không biết phải xử lý cậu ta thế nào. Nếu như giết chết cậu ta rồi, chính hắn cũng sẽ bại lộ, nước cờ do hai người Ngô – Giải bày ra sẽ thất bại ngay tức khắc.

Chuyện xảy ra hẳn là thế này:

Đang trong lúc vật lộn với Ngô Tam Tỉnh, Tề Vũ bị ngã vào trong quan tài.

Đây cũng là lúc bắt đầu trong giấc mơ, Ngô Tà thấy mình nằm trong một cỗ quan tài.

Trùng hợp là, cỗ quan tài đó lại do chính Uông Tài Hải bố trí, Tề Vũ chính là kẻ xúi quẩy bị cuốn vào tròng kia.

Thế nhưng khi ấy nhất định đã xảy ra sai sót, chính là trí nhớ của Tề Vũ còn chưa bị xóa sạch thì đã ăn đan dược bọ ăn xác (Uông Tàng Hải bố trí cơ quan nhất định vô cùng tinh xảo), nhận lấy ký ức của Uông Tàng Hải, dẫn đến việc đại não của cậu ta bị quá tải rồi phát điên!

Lúc này, Ngô Tam Tỉnh thật nhất định đã bảo Giải Liên Hoàn mau chóng tránh đi.

Còn chính hắn thì bắt đầu nấp kỹ, chứng kiến "nó" chuyển đội khảo cổ và Tề Vũ đi khỏi rồi bắt đầu bỏ trốn.

Thứ năm, từ khoảng năm 1984 đến năm 1992.

Sau sự kiện ở Tây Sa.

Đội khảo cổ sau khi trúng bẫy bị đưa đến Cách Nhĩ Mộc, dưới sự giám sát cẩn mật của "nó", mỗi người đều bị ghi hình để quan sát phản ứng sau khi ăn đan dược bọ ăn xác. Khi đó, tuy phản ứng của bọn họ đều không rõ ràng cho lắm, nhưng cũng đã dừng lão hóa, Hoắc Linh chải đầu nhiều lần chẳng qua là thói quen của cô ấy thôi, đội khảo cổ mơ màng bị nhốt lại đã bắt đầu điều tra sự thật đằng sau chuyện này. Văn Cẩm nói có vài người trong đội khảo cổ không còn ở đó nữa, bảy người được cha của Thuận Tử đưa lên núi hẳn đều là những người ở trong trại an dưỡng, đội khảo cổ có 11 người, như vậy thiếu mất 4 người chính là: Ngô Tam Tỉnh, Giải Liên Hoàn (trên danh nghĩa đã chết), Tề Vũ và Muộn Du Bình.

Dù sao Muộn Du Bình cũng là dòng dõi Xi Vưu và đời sau của Trương Diêm Thành, bản lĩnh không tầm thường, hẳn đã tự trốn thoát sau khi bị đưa đến Cách Nhĩ Mộc, thế nhưng cậu ta cũng không già đi, hơn nữa còn mất trí nhớ, sau đó, cậu ấy lên đường tìm kiếm ký ức và tiếp tục hành trình giải mê, cũng chính là hành trình ra vào rất nhiều ngôi mộ cổ có liên quan.

Tề Vũ đã tách ra khỏi nhóm người Văn Cẩm, một mặt là người của "nó", mặt khác lại là người trúng bẫy nghiêm trọng nhất, cậu ta đã mất đi toàn bộ ý thức mà rơi vào trạng thái điên khùng, cũng trở thành đối tượng để "nó" trông giữ và nghiên cứu.

Cỗ quan tài đen trong trại an dưỡng Cách Nhĩ Mộc là cỗ quan tài vẫn ngọc của Uông Tàng Hải, cũng là thứ bị "nó" đưa từ đáy biển lên nghiên cứu, khả năng chính là cỗ quan tài mà Tề Vũ ngã vào kia.

Về phần Giải Liên Hoàn và Ngô Tam Tỉnh, Giải Liên Hoàn sau khi ra ngoài đã bắt đầu giả mạo Ngô Tam Tỉnh, nói với mọi người rằng đội khảo cổ và người yêu Văn Cẩm của hắn đã mất tích dưới đáy biển, đương nhiên hai nhà Ngô – Giải đều biết rõ sự thật, cùng nhau bảo vệ bí mật này. Đây vốn là sự nghiệp chung tay chống lại "nó". Bằng không, Giải Liên Hoàn căn bản không gạt được nhà họ Ngô.

Đương nhiên "nó" phải tiếp tục lợi dụng Ngô Tam Tỉnh đi đối phó với Cầu Đức Khảo, cho nên ngoài mặt "nó" tiếp tục dùng Ngô Tam Tỉnh (Giải Liên Hoàn đóng giả) củng cố sự nghiệp đổ đấu và thế lực của mình. Còn Ngô Tam Tỉnh (Giải Liên Hoàn đóng giả) ngoài mặt cũng tiếp tục cống hiến sức lực cho "nó".

Mà Ngô Tam Tỉnh thật thì biến thành "người vô hình" không có thân phận, chắc hẳn đã cải trang phiêu bạt khắp nơi, ẩn náu vô cùng kỹ, một mặt âm thầm để ý đến "nó" và đội khảo cổ, mặt khác tiếp tục giữ liên lạc với Giải Liên Hoàn, nhà họ Giải và nhà họ Ngô, đồng thời tiếp tục thăm dò bí mật khủng khiếp kia.

Chuyện ấy, kéo dài khoảng 8 năm.

Thứ sáu, khoảng năm 1992, một chuyện then chốt khác lại xảy ra.

Tám năm sau, đến khoảng năm 1992, khả năng xảy ra chút biến động trong lực lượng chính phủ hoặc quân đội khiến "nó" dần suy yếu, cũng có nghĩa là, mức độ giám sát bị nới lỏng hơn nhiều.

Lúc này, bảy người trong đội khảo cổ của Văn Cẩm tranh thủ cơ hội trốn khỏi Cách Nhĩ Mộc.

Ban đầu, "nó" vẫn huy động một số đông người đuổi bắt bọn họ.

Trong lúc nhóm người Văn Cẩm chạy trốn, Ngô Tam Tỉnh thật đang ẩn núp nhất định đã tìm được Văn Cẩm, nói cho Văn Cẩm biết toàn bộ sự thật, cũng bắt đầu giúp đỡ Văn Cẩm và đội khảo cổ.

Ngô Tam Tỉnh đang âm thầm quan sát hoạt động của "nó" đã phát hiện ra:

Chỉ trong một đêm, "nó" đột nhiên biến mất một cách thần bí. Trại an dưỡng Cách Nhĩ Mộc bị bỏ hoang, tựa như "nó" đã       hoàn toàn bỏ qua kế hoạch này. Chỉ còn lại quan tài của Uông Tàng Hải và Tề Vũ điên khùng bị vứt bỏ.

Ngô Tam Tỉnh đề nghị đội khảo cổ trở lại trại an dưỡng như trước, nơi nguy hiểm nhất chính là nơi an toàn nhất.

Vào khoảng năm 1992, đội khảo cổ bắt đầu sôi sục, tiến hành nhanh chóng việc thăm dò bí mật.

Thứ nhất là vì họ đã nhận được hỗ trợ ngầm của Ngô Tam Tỉnh, có được nhiều đầu mối hơn.

Thứ hai là thân thể họ đã bắt đầu xảy ra vấn đề. Bọn họ đã tận mắt chứng kiến một cô gái bị thi hóa mà biến thành Cấm Bà, cô gái này không nhất định là người của đội khảo cổ, mà có thể là người trúng bẫy trong đội ngũ của Cầu Đức Khảo, cũng bị "nó" đưa tới trại an dưỡng tiến hành nghiên cứu (trại an dưỡng giống như một phòng thí nghiệm, khả năng còn chứa rất nhiều quái vật đã bị thi hóa), thời gian không đợi người, bọn họ phải nhanh chóng tiến hành giải cứu chính mình.

Khoảng những năm 1992, một lần nữa xảy ra vấn đề then chốt (phần 2):

Lúc đó, nhóm người Văn Cẩm đã nhận được tin tức về núi Trường Bạch, bắt đầu chuẩn bị đi đến Vân Đỉnh Thiên Cung.

Lúc này, Tề Vũ trở thành một vấn đề rắc rối.

Ngô Tam Tỉnh đối với Tề Vũ nhất định tồn tại nhiều mâu thuẫn:

Một mặt, tuy rằng Tề Vũ là người của "nó", nhưng chỉ là làm theo mệnh lệnh, bản thân không có tội tình gì, lại vì Ngô Tam Tỉnh mà rơi vào hoàn cảnh bi thảm, còn bị "nó" vứt bỏ, khiến cho Ngô Tam Tỉnh không đành lòng.

Mặt khác, dù thấy "nó" đã hoàn toàn từ bỏ kế hoạch này, thế nhưng tình hình vẫn hết sức mờ mịt, Tề Vũ vẫn khiến cho Ngô Tam Tỉnh lo lắng, bởi vì không ai có thể nắm chắc được việc thi hóa của cơ thể sau khi ăn đan được. Nếu như một ngày nào đó Tề Vũ lấy lại được ký ức, thì nước cờ của Ngô Tam Tỉnh và Giải Liên Hoàn sẽ bại lộ, vạ lây đến cả hai nhà Ngô – Giải.

Đúng lúc này, cháu trai của Ngô Tam Tỉnh – Ngô Tà mười mấy tuổi hẳn đã mắc phải chứng bệnh nguy hiểm nào đó, không lâu sau thì mất.

Thế là, Ngô Tam Tỉnh nghĩ đến một biện pháp không tưởng.

Chung cực giải mê – Phần 07

Phần 7: Bí mật thân phận của Ngô Tà

Nguồn: Tích Vũ lầu

Ngô Tam Tỉnh đã nghĩ đến một biện pháp không tưởng.

Cũng là phần quan trọng nhất đã được đề cập trước đó, chuyển ký ức của Ngô Tà sang người Tề Vũ.

Như vậy, Tề Vũ sẽ giúp Ngô Tà sống tiếp. Tề Vũ thì được nuôi nhận, nhà họ Ngô lại có được một người mang ký ức của Ngô Tà, quan trọng hơn, cho dù sau này Tề Vũ có khôi phục được ký ức, nhưng hắn cũng có ký ức và tình cảm của Ngô Tà, tất nhiên sẽ không làm khó nhà họ Ngô.

Thế là, Ngô Tam Tỉnh nhận được sự ủng hộ của Giải Liên Hoàn, họ Ngô, họ Giải, đồng thời nói cho Văn Cẩm biết.

Bọn họ cùng nhau thực hiện kế hoạch biến Tề Vũ thành Ngô Tà này.

Bức ảnh chụp một người lõm vai mà Sở ca cho Ngô Tà xem, chính là tấm ảnh chụp Ngô Tà thật lúc sắp chết.

Như vậy, thi thể của Ngô Tà thật ở đâu? Chắc không phải là "đứa con" lõm vai kia của A Quý, bị mấy người Ngô Tam Tỉnh giấu ở Quảng Tây chứ?

Ngô Tà thật nhất định cũng đã ăn đan dược để giữ cho cơ thể không thối rữa, rồi chờ đợi.

Thế là, khoảng những năm 92, Tề Vũ mang trong mình ký ức của Ngô Tà đi tới nhà họ Ngô, tiếp tục sống cuộc đời của Ngô Tà.

Còn đội khảo cổ thì bắt đầu con đường đi tới Vân Đỉnh thiên cung.

Kèm theo, băng ghi hình bí mật của đội khảo cổ và Ngô Tà.

Đội khảo cổ năm đó, là mười một người.

Từ Lỗ Vương cung đến Vân Đỉnh thiên cung, trong những câu chuyện kể về đội khảo cổ, Chú Ba giả (Giải Liên Hoàn) đều chỉ nói với Ngô Tà rằng họ có mười người, cố ý bỏ qua người thứ mười một – Tề Vũ.

Tề Vũ ở trong đội khảo cổ chính là người mà Ngô Tà mơ thấy khi ở Tần Lĩnh.

Trong số mười người này thì:

Năm người bỏ mạng trong vòng lặp tử thần ở Vân Đỉnh thiên cung, bao gồm Lý Tứ và một cô gái, ba người còn lại không rõ tên tuổi.

Năm người còn lại là: Trần Văn Cẩm, Hoắc Linh, Muộn Du Bình (Trương Khởi Linh), Ngô Tam Tỉnh, Giải Liên Hoàn.

Người thứ mười một! Chính là người chụp tấm ảnh kia, là ai đã chụp ảnh cho đội khảo cổ?

Chuyện tưởng như nhỏ nhặt lại có mối liên quan rất lớn này đã được một người bạn đại học của Ngô Tà phát hiện ra.

Nam Phái Tam Thúc còn trịnh trọng viết một chương, đặt tên là "Người thứ mười một", rõ ràng đây là tình tiết quan trọng.

Người thứ mười một này, chính là người đã chụp bức ảnh, là Tề Vũ, cũng là Ngô Tà.

Ở Xà Chiểu, Văn Cẩm cố ý nói Ngô Tam Tỉnh trong hình là Giải Liên Hoàn, còn Ngô Tam Tỉnh lúc đó mới là người chụp ảnh.

Nếu quả thực như vậy, Ngô Tà đáng ra phải nhìn thấy trong ảnh có một người giống mình như đúc – là Tề Vũ chứ?

Nhưng thực tế lại không có, cho nên lời của Văn Cẩm cũng là nói dối.

Có điều cũng có thể xem đây là lời nói dối thiện ý, chủ yếu là để bảo vệ Ngô Tà, không muốn Ngô Tà biết được bí mật mình chính là Tề Vũ.

Hình ảnh Ngô Tà bò trên mặt đất trong cuốn băng ghi hình, chính là một bằng chứng "mắt thấy tai nghe".

Như vậy có hai loại đáp án:

1, Tận mắt chứng kiến chưa chắc là sự thật: Cuốn băng ghi hình này là A Ninh đưa tới cho Ngô Tà xem, thân phận của A Ninh rất bí ẩn, không loại trừ khả năng cuốn băng ghi hình là do nhóm người A Ninh làm giả, mục đích là để cuốn Ngô Tà vào chuyện này. Hoặc có thể băng ghi hình chỉ là ảo giác mà A Ninh gây ra cho Ngô Tà. Thế nhưng, nếu như Ngô Tà không có bất cứ quan hệ gì với đội khảo cổ năm đó, mà cậu ta cũng chẳng phải là cao thủ đổ đấu gì, thì A Ninh cần gì phải bỏ lắm công sức ra lôi Ngô Tà vào cuộc như vậy? Điều này không hợp lý cho lắm.

2, Tận mắt chứng kiến chính là sự thật: Người trong băng ghi hình thật sự là Ngô Tà.

Đây là chứng cứ Ngô Tà và đội khảo cổ hai mươi năm trước có quan hệ trực tiếp với nhau.

Theo tình tiết được triển khai trong bút ký, ban đầu chúng ta tưởng rằng Ngô Tà chỉ là tên "gà mờ" hoàn toàn vô tội, nhưng lại dần phát hiện ra, bí mật trên mình Ngô Tà không hề ít hơn bất cứ ai.

Rất nhiều tình tiết đều ám chỉ, Ngô Tà có quan hệ mật thiết với đội khảo cổ.

Hơn nữa, câu chuyện xảy ra tạo cảm giác, lòng của tác giả lẫn độc giả đều hướng dần tới một kết luận – Ngô Tà không hề là người ngoài cuộc.

Tôi nghĩ, đây là điều mà những người yêu Đạo Mộ, thật sự chuyên tâm đọc Đạo Mộ, không thể nào không cảm giác được.

Cơn gió to báo hiệu giông bão, mà mắt bão, lại chính là Ngô Tà.

Trong băng ghi hình, người giống hệt Ngô Tà bò trên mặt đất là ai?

Đáp án: Là chính Ngô Tà.

Trên thế giới này ngoại trừ cặp song sinh không thể nào tồn tại hai người giống nhau như đúc, ngay cả cha con cũng không thể.

Cho nên, tôi một mực tin rằng, người trong băng ghi hình, chính là bản thân Ngô Tà.

Thân thể không già yếu của Tề Vũ, cùng với cậu bé Ngô Tà thật đã chết đi, để lại ký ức của chính mình.

Thử nghĩ mà xem, nếu như bạn bỗng nhiên mất trí nhớ, mất đi toàn bộ ký ức trước đây, có một người đưa vào đầu bạn toàn bộ ký ức từ nhỏ đến lớn của một người khác, liệu bạn có thật sự cho rằng những điều đó thật sự là những gì bạn đã trải qua? Bạn có ngờ rằng thật ra mình là một người khác?

Giả sử lúc đó Ngô Tà thật mắc phải chứng bệnh hiểm nghèo, đã chết đi, có người đã dùng đan được bọ ăn xác chuyển ký ức Ngô Tà sang người Tề Vũ (khi đó Tề Vũ đã hoàn toàn mất trí nhớ).

Như vậy Tề Vũ sẽ tự cho rằng mình là Ngô Tà. Cậu ta có toàn bộ ký ức mười mấy năm của Ngô Tà. Cậu ta thay Ngô Tà sống tiếp, đây là khởi điểm. Từ khi vào đại học cho tới hiện tại, Tề Vũ và Ngô Tà hòa vào làm một, có ký ức và trải nghiệm của chính bản thân mình rồi (hay có thể nói, cậu ấy vẫn là Ngô Tà, bởi Tề Vũ thật sự chỉ là một cơ thể, đã không còn tồn tại trên đời nữa rồi, cậu ta chỉ cho mình là Ngô Tà mà thôi).

Cho nên, Ngô Tà thật mới mười mấy tuổi và Ngô Tà của mười mấy năm sau đã tiếp hợp ký ức lại làm một.

Ở Xà Chiểu, lúc Văn Cẩm mới gặp Ngô Tà, cô ấy đã cười nói thế này: "Lúc dì nhìn thấy con lớn nhường này, thì nhất thời không kịp phản ứng, ngẫm lại cũng đã hơn hai mươi năm rồi, lúc đó con còn đái dầm, dì thay tã cho con, ngày đó con quậy lắm, còn đáng yêu hơn bây giờ nhiều...".

Có phải có chút ẩn ý hay không?

Đương nhiên, tất cả đều phải xuất phát từ một tiền đề, chính là mặt mũi của Tề Vũ và Ngô Tà phải có vài phần tương tự.

Đây cũng là điều kiện tiên quyết mà chú Ba thật đã nghĩ ra.

Để Tề Vũ trở thành Ngô Tà cần giải quyết được ba lỗ hổng lớn:

1, Trong ký ức của Ngô Tà chắc chắn sẽ giữ lại chút trí nhớ về mặt mũi và căn bệnh của mình.

Cái này chỉ cần điều chỉnh một chút khi tiến hành chuyển dời ký ức là được. Bị mất trí nhớ trong thời gian ngắn cộng với tẩy não sẽ làm Ngô Tà quên đi cái chết của mình (huống hồ, chết đi rồi còn nhớ được sao?), tin rằng mình đã khỏi rồi là được. Chú Ba có thể xóa đi trí nhớ của Ngô Tà về mặt mũi mình trong lúc thực hiện di dời trí nhớ và tăng cường ấn tượng của Ngô Tà về mặt mũi Tề Vũ là được.

2, Vấn đề tuổi tác

Lúc Tề Vũ tham gia vào đội khảo cổ cũng chỉ khoảng hai mươi, hơn nữa cậu ấy cũng không già đi, như vậy tiếp hợp trí nhớ Ngô Tà mười mấy tuổi không phải vấn đề gì quá khó.

3, Ảnh chụp, bạn bè, hàng xóm, bạn học khi còn bé.

Phần trên tôi đã nói qua, nhà họ Ngô chắc chắn biết rõ chuyện này, thậm chí còn là người đứng sau tất cả. Hơn nữa, nhất định mặt mũi của Ngô Tà và Tề Vũ vừa hay khá giống nhau (nhưng không thể nào giống nhau như đúc), ảnh chụp không phải vấn đề quá lớn. Đối với bạn bè chòm xóm, thì sau khi trải qua một cơn bệnh nặng (bạn bè chòm xóm đều không biết Ngô Tà thật đã chết rồi, nhà họ Ngô chỉ nói cháu đã khỏi bệnh), vẻ ngoài có chút thay đổi là điều hết sức bình thường. Hơn nữa, trẻ con mới hơn chục tuổi là khoảng thời gian vẻ ngoài thay đổi nhanh nhất, cho nên sẽ không thành vấn đề. Bạn đại học của Ngô Tà được miêu tả rất nhiều, nhưng tiểu học và trung học thì chỉ nhắc đến một mình lão Dương mà thôi, mà vấn đề xung quanh người này thì xem ra còn rắc rối hơn cả Ngô Tà nữa.

Thứ bảy, từ năm 1992 đến năm 1995 đội khảo cổ có hai lần hành động.

Khoảng những năm 1993, bảy người trong đội khảo cổ lên đường đến Vân Đỉnh Thiên Cung, người dẫn đường cho họ chính là cha của Thuận Tử, vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà trên đường vào Thiên Cung họ đã tách thành hai nhóm, một nhóm gồm năm người do cha của Thuận Tử dẫn đường (trong đó có một người phụ nữ), bọn họ vốn là thành viên bình thường trong đội khảo cổ, không phải dân đổ đấu chuyên nghiệp, cho nên cuối cùng bị cái thi thai đầu to vây trong vòng lặp tử thần đến chết. Về phần Văn Cẩm và Hoắc Linh tại sao lại phải hành động riêng lẻ, thì chắc chắn còn có nhiều uẩn khúc.

Nhưng cuối cùng, người đi được vào trong cánh cửa thanh đồng lại không phải chỉ có hai người Văn Cẩm và Hoắc Linh. Băng ghi hình mà Văn Cẩm gửi cho Giải Liên Hoàn đã ghi lại khoảnh khắc ngắn ngủi họ tiến vào cánh cửa thanh đồng, có tiếng đàn ông giọng Mân Nam, cả khẩu âm miền Thiểm Tây. Những người này, chính là nhóm người của Ngô Tam Tỉnh thật và Văn Cẩm cùng nhau tiến vào cánh cửa thanh đồng.

Ở bên trong cánh cửa thanh đồng, nhóm người Văn Cẩm đã nhìn thấy bí mật Chung Cực của thị tộc Phục Hy, đồng thời biết được thông tin về Tây Vương Mẫu ở Côn Lôn.

Vì vậy tiếp theo, bọn họ lên kế hoạch đi đến Tháp Mộc Đà.

Sau khi trở lại Cách Nhĩ Mộc, Văn Cẩm bắt đầu tổng hợp lại tài liệu về Tây Vương Mẫu, chuẩn bị bước tiếp theo đi đến Tháp Mộc Đà, cũng chính là nội dung ghi trong bút ký của Văn Cẩm.

Vào khoảng những năm 1995, Văn Cẩm và Hoắc Linh đi đến Xà Chiểu.

Hẳn là Văn Cẩm nghe Ngô Tam Tỉnh can ngăn nên mới chưa bước vào.

Thế nhưng, phòng chừng lúc này Hoắc Linh đã bắt đầu hợp tác với Cầu Đức Khảo rồi.

Nhóm người Ngô Tà ở Xà Chiểu phát hiện rất nhiều thi thể đều là chết khoảng những năm chín mươi, có cả ký hiệu của đội ngũ Cầu Đức Khảo lẫn nhóm người Hoắc Linh, hai nhóm người này khả năng đã bắt tay với nhau rồi.

Thế nhưng, bọn họ đã thất bại thê thảm ở Xà Chiểu.

Sau khi Hoắc Linh trở về thì bắt đầu thi hóa (Trên người Hoắc Linh này có rất nhiều bí mật).

Thứ tám, từ năm 1995 cho đến trước khi Ngô Tà tiến vào Lỗ Vương cung, mạch nước ngầm đang yên ả bắt đầu xao động.

Trước tiên chúng ta cứ giả định lúc Ngô Tà đi vào Lỗ Vương cung là năm 2004 hoặc 2005.

Như vậy từ năm 1995 trở đi, 10 năm này là khoảng thời gian các thế lực đều vô cùng yên lặng. "Nó" đột nhiên biến mất.

Mà Cầu Đức Khảo sau mấy lần thất bại từ thập niên tám mươi đến chín mươi, cũng bắt đầu im bặt.

Văn Cẩm vẫn lẩn trốn ở Cách Nhĩ Mộc, nhưng những năm này cô ấy chắc chắn vẫn luôn điều tra bí mật Tháp Mộc Đà, thực hiện những bước chuẩn bị.

Giải Liên Hoàn tiếp tục đóng giả chú Ba, kinh doanh ngoài sáng đổ đấu trong tối, nghe lệnh thăm dò bí mật đội khảo cổ mất tích (đương nhiên chỉ là giả vờ).

Nó xem ra cũng buông lỏng khống chế với Giải Liên Hoàn (chú Ba), thế nhưng mạch nước ngầm vẫn cứ xao động, Phan Tử bên cạnh Giải Liên Hoàn có vấn đề.

Tề Vũ biến thành Ngô Tà thì hoàn toàn không biết gì cả, vui vẻ bình yên sống cuộc sống bình thường của Ngô Tà.

Lúc này, người thật sự không thể nơi lỏng có hai người: Ngô Tam Tỉnh và Muộn Du Bình.

Muộn Du Bình ở dưới đáy biển trúng bẫy thanh đồng, dẫn đến mất trí nhớ, cậu ta vẫn luôn không ngừng ra vào những ngôi mộ cổ có liên quan, thử tìm kiếm bí mật, cũng để lại rất nhiều ký hiệu trong mộ cổ.

Thân thế của Muộn Du Bình vốn không giống mọi người, cậu ấy chính là hậu nhân của Xi Vưu, Thiết Diện Sinh và Trương Diêm Thành.

Thông tin cậu ấy có trong tay cùng với kinh nghiệm và kỹ năng đổ đấu gia truyền không ai có thể so sánh được.

Nếu như không mất trí nhớ, với tài trí và bản lĩnh của mình, cậu ta vốn không thua gì Uông Tàng Hải.

Còn Ngô Tam Tỉnh là người tài trí kiệt xuất thật sự.

Chắc hẳn hắn vẫn để ý Muộn Du Bình, sau khi xác định Muộn Du Bình không phải người của "nó", thì bắt đầu nghĩ đến việc hợp tác với Muộn Du Bình (Tiểu Muộn mất trí nhớ dưới đáy biển chính là do Ngô Tam Tỉnh gây ra).

Hơn nữa, cho dù "nó" đã biến mất, Ngô Tam Tỉnh cũng không hề chủ quan nơi lỏng, bởi vì, hắn cảm giác được chuyện không thể kết thúc dễ dàng như vậy. Hơn nữa, sau khi Hoắc Linh xuất hiện dấu hiệu thi hóa, thì thời gian của Văn Cẩm cũng không còn nhiều.

Ngô Tam Tỉnh nhất định phải có một thân phận mới để có thể che mắt người đời mà ra vào mộ cổ thăm dò bí mật.

Là Trần Bì A Tứ!

Trần Bì A Tứ chính là phụ thân của Trần Văn Cẩm, muốn đóng giả nhất định phải giả thành một người thân quen, như vậy mới không lộ sơ hở. Văn Cẩm đương nhiên rất quen thuộc Trần Bì A Tứ, có thể chỉ cho Ngô Tam Tỉnh cách cải trang không một kẽ hở.

Trần Bì A Tứ thật có thể đã chết từ lâu, mà cho dù không chết đương nhiên cũng sẽ không vạch trần Ngô Tam Tỉnh.

Hơn nữa, Trần Bì A Tứ tiếp xúc với Văn Cẩm sẽ không khiến cho kẻ khác nghi ngờ, dù sao hai người cũng là cha con.

Thân phận một tay trộm mộ già đời cũng có thể giúp Ngô Tam Tỉnh hành động thuận tiện, không những thế còn có thể lập đội của riêng mình.

Còn một điểm mấu chốt khác: Là mắt!

Cải trang thành một người, ánh mắt là khó đóng giả nhất.

Vậy thì chỉ cần cải trang thành một người có vấn đề về mắt là sẽ không còn kẽ hở.

Trần Bì A Tứ vừa hay bị người Mèo đâm mù mắt.

Trong chuyện có hai người có vấn đề về mắt: Trần Bì A Tứ và Hắc Nhãn Kính.

Đều là do Ngô Tam Tỉnh giả trang.

Hơn nữa, trong mười năm này, Ngô Tam Tỉnh giả trang thành Trần Bì A Tứ hoạt động ở Quảng Tây (Quảng Tây xa xôi, dễ che tai bịt mắt người).

Chắc chắn hắn đến đây cũng để tìm kiếm Muộn Du Bình, vì Muộn Du Bình ở Quảng Tây.

Đại khái vào khoảng năm năm trước, thông qua chuyện của "A Khôn", tiểu Muộn hẳn đã qua lại với Ngô Tam Tỉnh, đồng ý hợp tác với nhau, cùng nhau tìm kiếm bí mật, cứu thoát những thành viên còn sống của đội khảo cổ, đối phó với thế lực "nó". Đây cũng chính là nguyên nhân tiểu Muộn đi theo Trần Bì A Tứ.

Chuyện của A Khôn hẳn chỉ là màn kịch giữa Ngô Tam Tỉnh và Muộn Du Bình, cho tiểu Muộn một lý do hợp lý để tiếp xúc với Trần Bì A Tứ (Ngô Tam Tỉnh).

Ngoài ra, thi thể của Ngô Tà thật có phải cũng được Ngô Tam Tỉnh đưa đến Quảng Tây vào thời gian này?

Đóng giả thành con trai của A Quý giấu ở sơn trại người Dao xa xôi? Lúc này Muộn Du Bình cũng đã biết được bí mật thân phận của Tề Vũ – Ngô Tà.

Chung cực giải mê – Phần 08

Phần 8: Ngô Tà, Lỗ Vương cung, gió giục mây vần

Nguồn: Tích Vũ lầu

Thứ chín, bắt đầu từ sự kiện Ngô Tà lên đường đến Lỗ Vương cung, bão táp lại nổi lên.

Sau nhiều năm yên ắng, thế lực thần bí "nó" lại đột ngột xuất hiện, bắt đầu dốc sức nhúng tay vào chuyện này.

Giống như những gì đã xảy ra ở Tây Sa nhiều năm về trước, kẻ đứng sau giật dây mọi chuyện, vẫn là "nó".

Vẫn là thủ đoạn quen dùng trước đây – lấy nội dung cuốn sách lụa mới, cũng là đầu mối của bí mật, ra làm mồi nhử. Manh mối lần này hướng thẳng tới Lỗ Vương cung! ("Nó" vẫn luôn nắm trong tay toàn bộ nội dung cuốn sách lụa).

Thế là, bão tố lại nổi lên.

Cầu Đức Khảo bắt đầu một đợt hành động mới.

Đương nhiên Giải Liên Hoàn cũng nhận được mệnh lệnh mới nhất của "nó", tiếp tục đi theo giám sát Cầu Đức Khảo.

Đội của Giải – Cầu lại chạm nhau một cách "trùng hợp đến khó tin".

Đương nhiên Ngô Tam Tỉnh cũng biết toàn bộ chuyện này, nhưng hắn không lộ diện trong chuyến đi Lỗ Vương cung mà để cho Muộn Du Bình phối hợp với Giải Liên Hoàn. Ba người họ, Ngô Tam Tỉnh, Giải Liên Hoàn, Muộn Du Bình bắt đầu hình thành mối quan hệ hợp tác cùng có lợi, cùng nhau âm thầm chống lại "nó".

Còn chuyện hắn đột nhiên phát hiện ra Muộn Du Bình chính là Trương Khởi Linh hai mươi năm trước không hề già đi vân vân, đều là trò diễn xuất qua mặt Ngô Tà mà thôi.

Có điều, lần hành động này xuất hiện một nhân tố mới, chính là Ngô Tà.

Lão răng vàng đưa sách lụa cho Ngô Tà, việc này vốn là một âm mưu, nhất định "nó" đã lệnh cho Ngô Tam Tỉnh (Giải Liên Hoàn cải trang) cuốn Ngô Tà vào cuộc. Điều này đã cho thấy "nó" đã bắt đầu nghi ngờ nhà họ Ngô và thân phận của Ngô Tà. Bởi vì Ngô Tà giống hệt gián điệp ngầm Tề Vũ năm đó, mà gián điệp đó cũng đã chết ở trại an dưỡng Cách Nhĩ Mộc rồi (chắc hẳn Ngô Tam Tỉnh và Văn Cẩm đã tìm một thi thể giả thay cho Tề Vũ), nhưng "nó" lại không thể khẳng định chắc chắn, cho nên dẫn dụ Ngô Tà xuống mộ để thăm dò xem sao.

Đây cũng là lý do Giải Liên Hoàn có thái độ kỳ lạ đến vậy khi Ngô Tà can dự vào chuyện này: Vừa không dám không cho cậu ta nhập cuộc, vừa cố gắng lừa gạt cậu ta.

Chuyện của Ngô Tà có thể chứng minh, bên cạnh Giải Liên Hoàn và nhà họ Ngô có người của "nó".

Người này, chính là Phan Tử.

Hoặc có lẽ, ngay từ khi mới bắt đầu, "nó" đã bố trí Phan Tử ở bên cạnh Ngô Tam Tỉnh và nhà họ Ngô.

Cũng có thể là, Phan Tử mới bị "nó" mua chuộc từ thời điểm này, phản bội lại chú Ba (Giải Liên Hoàn).

Lần này gió giục mây vần, càng rối ren hơn nhiều chuyến Tây Sa năm đó. Các thế lực đều ra sức cài người vào đội của nhau, trong ông có tôi trong tôi có ông, trình diễn những màn đầy ngoạn mục.

Tình hình vô cùng phức tạp.

Ở Lỗ Vương cung, tuy rằng chỉ có mấy nhân vật chủ chốt: Chú Ba (Giải Liên Hoàn), Phan Tử, Muộn Du Bình, Ngô Tà, nhưng thực tế ai cũng có lòng riêng, đề phòng lẫn nhau. Giải và Muộn vốn thuộc đội của Ngô Tam Tỉnh, giữa họ có rất nhiều hành động đều là đóng kịch.

Phan Tử là người của "nó", đang giám sát Giải và Muộn, đồng thời quan sát Ngô Tà. Còn Bàn Tử là cao thủ đổ đấu khác "nó" mới mời đến.

Nhiệm vụ gần giống như Giải Liên Hoàn năm đó, chính là lợi dụng kiến thức đổ đấu của anh chàng để thăm dò bí mật thời cổ đại.

Xem cách Bàn Tử lên sàn có thể thấy, rõ ràng anh ta là một thành viên trong đội đổ đấu đã đến trước đó, cũng chính là người trong đội của Cầu Đức Khảo.

Nhiệm vụ hẳn là giúp đội Cầu Đức Khảo vào trong mộ cổ (có thể thấy được qua bản đồ vào mộ của Bàn Tử).

Thế nhưng, bí mật mà Bàn Tử biết không nhiều, con người cũng khá đơn giản.

Có lẽ Bàn Tử chỉ là tham vài món minh khí, sau khi rút khỏi đội của Cầu Đức Khảo thì mượn cớ nấn ná trong mộ mà thôi, sau vừa vặn đụng phải đội Ngô Tà, đánh dấu sự quen biết với nhóm Ngô Tà – Giải Liên Hoàn.

Trong chuyện này, người thật sự "thiên chân vô tà" chính là Ngô Tà, cậu ấy thật sự cho rằng mình chẳng liên quan gì đến mấy chuyện quái quỷ này hết, chẳng qua chỉ xuống mộ thám hiểm một phen. Thực ra cậu ta đang nằm ở trong mắt bão, mà bản thân lại hoàn toàn không biết gì cả, đây có thể xem là một cái "phúc" chăng?

Đây là lần đầu tiên Giải Liên Hoàn vào Lỗ Vương cung, nhưng tiểu Muộn thì không, anh ta đã tới từ trước đó.

Cho nên Giải Liên Hoàn và Muộn Du Bình cũng đang diễn kịch, nhằm hai mục đích chính:

Thứ nhất là tìm được ấn quỷ (ấn quỷ có thể giúp tiểu Muộn dễ dàng đi vào cánh cửa thanh đồng ở Vân Đỉnh Thiên Cung).

Thứ hai là giết huyết thi, hủy diệt Lỗ Vương cung (cuối cùng bọn họ đã phóng hỏa thiêu rụi Lỗ Vương cung đó), ngăn cản "nó" tiếp tục tiến thêm một bước thăm dò bí mật huyết thi và Lỗ Vương cung.

Thật ra, xà mi đồng ngư không phải là vật quan trọng gì, bí mật mà đội Ngô Tam Tỉnh nắm trong tay đã vượt khỏi nội dung ghi trên con cá đồng rồi.

Vậy mà, đồng ngư vẫn xui rủi lọt vào tay Ngô Tà.

Còn về quan hệ giữa Thiết Diện Sinh và tiểu Muộn, thì tôi đã đề cập ở những phần trước.

Thứ mười, đáy biển.

Sau khi rời khỏi Lỗ Vương cung, Giải Liên Hoàn vội vàng bỏ đi (trong mắt Ngô Tà thì là: chú Ba biến mất), thật ra là Giải Liên Hoàn lại nhận được nhiệm vụ bí mật của "nó". Cầu Đức Khảo đã xuống biển, nên "nó" muốn chú đi trước thăm dò.

Mà lúc này, "nó" căn bản đã không còn tin tưởng chú Ba (Giải Liên Hoàn), nên mới giao cho nhiệm vụ lần này, chủ yếu là để thử, xem chú có lộ ra sơ hở gì không.

Còn thực tế, lực lượng chủ yếu của "nó" đợt này đã đặt cả vào đội của Cầu Đức Khảo.

Phải, là A Ninh!

Ngoài mặt A Ninh là người của Cầu Đức Khảo, nhưng thật ra chính là quân bài chủ lực của "nó", cũng giống như Tề Vũ được cài vào đội khảo cổ trong lần hành động năm nào.

"Nó" đặt quân bài chủ lực tìm kiếm bí mật và thực nghiệm trường sinh vào đội ngũ của Cầu Đức Khảo.

Về phần nhóm của chú Ba, "nó" thật ra chỉ muốn thử họ, bởi vì bọn họ đã biết quá nhiều bí mật, lại có mối liên hệ không thể nói rõ với đội khảo cổ trước kia.

Việc Ngô Tà ở trong Lỗ Vương cung thật sự "thiên chân vô tà" không thể xóa đi lo lắng trong lòng "nó", vì vậy nó bày mưu tính kế sai A Ninh lừa Ngô Tà xuống ngôi mộ dưới đáy biển, nhân cơ hội này để A Ninh thử cậu ấy. Mà A Ninh thì dù sao cũng không phải xuất thân trong nhà đổ đấu, lại lần đầu tiên xuống đáy biển này, cô nàng cần sự hỗ trợ mới có thể thuận lợi xuống đấu, tìm được thứ mình cần.

Cô ta tìm được giáo sư Trương (Trương hói) – chuyên gia nghiên cứu lăng mộ triều Minh.

Bàn Tử – được "nó" thuê về để hỗ trợ đổ đấu, giống như lần đi Lỗ Vương cung trước kia.

Nhiệm vụ của A Ninh hẳn là: Đầu tiên lợi dụng mấy người này đưa cô nàng xuống mộ, tìm được thứ "nó" cần, sau đó thẳng tay trừ khử ba người họ diệt khẩu, còn có thể giá họa cho Cầu Đức Khảo.

Muộn Du Bình đóng giả làm Trương hói, hiển nhiên để lừa A Ninh, bởi vì A Ninh vừa tách ra, tiểu Muộn lập tức cởi bỏ lớp vỏ ngụy trang, nói cách khác, anh ta không hề đề phòng Ngô Tà và Bàn Tử.

Như vậy, lần này Muộn Du Bình được sắp xếp để kiềm chế và giám sát A Ninh, nên đã tự cải trang thành Trương hói trà trộn vào nhóm người, đồng thời bảo vệ Ngô Tà.

A Ninh tìm được Trương hói (hẳn phải tồn tại một Trương hói như vậy trên đời), Muộn Du Bình giấu Trương hói đi, cải trang thành Trương hói. Anh ta phải hành động và nói năng đúng phong cách của tên Trương hói này, mới không khiến cho A Ninh nghi ngờ.

Những thứ mà ba người trải qua dưới đáy biển, đều bắt nguồn từ những hành động của A Ninh.

A Ninh ở dưới đáy biển đánh lén bọn họ, lại quăng bình dưỡng khí của họ đi, là vì muốn giết chết họ sau khi đã xuống được biển.

Đương nhiên, sau cùng A Ninh cũng nhận ra năng lực của mình không đủ để giết mấy người họ. Hơn nữa, họ còn không so đo hiềm khích trước đó mà ra tay cứu cô, tuy rằng cô là người của "nó", nhưng tim người cũng là thịt cả, huống chi lại là con gái.

Từ đây về sau, chắc hẳn tình cảm của A Ninh với họ, nhất là Ngô Tà, đã dần thay đổi.

Cũng từ lần xuống biển này, Bàn Tử cũng thay đổi.

Bàn Tử ở Lỗ Vương cung và ngôi mộ dưới đáy biển, đúng là tay chân "nó" mướn tới để hỗ trợ đổ đấu, mặc dù Bàn Tử cũng không biết gì về bí mật ẩn sâu bên trong.

Có điều, trong ngôi mộ dưới đáy biển, rõ ràng A Ninh nhiều lần muốn giết gọn Ngô Tà, tiểu Muộn và Bàn Tử, dẫn đến chuyện Bàn Tử căm ghét A Ninh, do đó, từ chuyện Thiên Cung trở đi, anh chàng đã bắt đầu gia nhập đội Ngô Tam Tỉnh, được lệnh bảo vệ Ngô Tà, nhưng đồng thời, anh chàng cũng chẳng biết gì về bí mật của Ngô Tam Tỉnh.

Trên người Bàn Tử chắc hẳn không có bí mật kinh người nào cả, cho nên anh chàng vẫn khiến người ta có cảm giác tương đối vui vẻ nhẹ nhàng.

Giữa trùng trùng mưu mô, phản bội, mờ mịt của Đạo Mộ Bút Ký, quả thật vẫn cần một "hoạt náo viên" như thế, tạo nên một yếu tố tươi đẹp cần thiết cho câu chuyện này.

Cũng như Tam Thúc từng nói: Bàn Tử cũng có chút xíu bí mật, nhưng cũng chẳng phải bí mật to tát gì (đại ý là như vậy đấy).

Trong mắt của Ngô Tà, mọi thứ dưới đáy biển đều như mới, cậu ấy chỉ vừa mới chạm đến bí mật dưới đáy biển và đội khảo cổ mà thôi.

Nghĩ mà xem, chuyện này thê lương đến cỡ nào!

Khi mọi người kể cho Ngô Tà nghe những chuyện từng xảy ra dưới đáy biển, thì đều không nói toàn bộ sự thật với Ngô Tà, bởi vì căn bản không có cách nào nói ra toàn bộ.

Thế nhưng, lời của mỗi người lại là một phần sự thật:

Lần đầu tiên là Giải Liên Hoàn nói với cậu ấy, rằng chú Ba ngủ từ đầu đến cuối, khi tỉnh lại rồi thì đội khảo cổ mất tích.

Lần thứ hai là Muộn Du Bình nói với Ngô Tà khi ở dưới đáy biển, nói bọn họ bị hôn mê và nhìn thấy hai chú Ba, với những gì Muộn Du Bình trải qua năm đó mà nói, đây đều là sự thật, đương nhiên, sau này tiểu Muộn cũng đã biết được bí mật giữa hai người Ngô – Giải rồi.

Lần thứ ba là Giải Liên Hoàn trong bệnh viện một lần nữa kể lại chuyện Tây Sa.

Lần thứ tư là Văn Cẩm nói ra bí mật chú Ba và Giải Liên Hoàn tráo đổi thân phận.

Mấy lần này, vấn đề cốt lõi mà bọn họ đều che giấu chính là:

1, Nước cờ mà Ngô Tam Tỉnh và Giải Liên Hoàn cùng sắp đặt.

2, Bí mật về Ngô Tà – Tề Vũ, người thứ 11 của đội khảo cổ.

Hai điều cốt lõi này, cũng chính là bí mật mà nó muốn tìm ra về Ngô Tam Tỉnh và nhà họ Ngô.

Còn nữa, dưới đáy biển lần này thiếu mất một người, chính là Phan Tử, điều này càng chỉ rõ thân phận của Phan Tử.

Bởi vì, đã có A Ninh thì thêm một Phan Tử cũng không cần thiết...

Chắc chắn Phan Tử đang ngầm theo dõi chú Ba (Giải Liên Hoàn) mất tích rồi.

Chung cực giải mê – Phần 09

Phần 9: Tần Lĩnh Thần Thụ -

Âm mưu đặc biệt nhắm tới Ngô Tà!

Nguồn: Tích Vũ lầu

Thứ mười một, Tần Lĩnh Thần Thụ – Âm mưu đặc biệt nhắm tới Ngô Tà.

Sự nghi ngờ hiện tại của "nó" đối với chú Ba và nhà họ Ngô, đều tập trung cả vào Ngô Tà.

Một người giống gián điệp Tề Vũ trước kia y như đúc, lại có vẻ thật sự là Ngô Tà, khiến "nó" không nào thể hiểu nổi.

Ngô Tà, đã trở thành quả bom hẹn giờ nguy hiểm nhất với hai nhà Ngô – Giải.

Người có thân thể của Tề Vũ và ký ức của Ngô Tà, rốt cuộc là Tề Vũ hay Ngô Tà?

Tình cảm của người nhà họ Ngô dành cho Ngô Tà vô cùng mâu thuẫn, họ không thể hoàn toàn xem cậu ấy là Ngô Tà, nhưng rõ ràng cậu ấy lại có ký ức của Ngô Tà và tình cảm sâu nặng với nhà họ Ngô, hơn nữa ở cùng nhau nhiều năm như vậy, hẳn Giải Liên Hoàn và nhà họ Ngô đã dần dần cảm thấy yêu thương đứa trẻ hoàn toàn chẳng biết gì này.

Thế nhưng, điều khiến cho Ngô Tam Tỉnh và Giải Liên Hoàn vô cùng lo lắng chính là, một khi Tề Vũ khôi phục lại ký ức, hai nhà Ngô – Giải sẽ tiêu rồi. Tề Vũ là người duy nhất biết được nước cờ mà họ bày ra năm đó.

Tần Lĩnh Thần Thụ, là một âm mưu đặc biệt nhắm tới Ngô Tà.

Bởi vì vấn đề về Ngô Tà, đã trở thành mồi lửa âm ỉ chực bùng cháy.

Thứ nhất, Tề Vũ ăn đan dược sẽ không già đi, theo thời gian dần trôi, Ngô Tà sẽ phát hiện bí mật thân thể mình.

Hơn nữa, giờ "nó" đang dốc sức cuốn Ngô Tà vào cuộc, muốn thử Ngô Tà, trong những lần ra vào ngôi mộ quỷ quái sau này, ai biết được sẽ lại xảy ra chuyện gì. Có thể, Ngô Tà sẽ khôi phục lại ký ức của Tề Vũ.

Thần thụ, âm mưu này chính là một phương thuốc dự phòng cho Ngô Tà.

Mục đích chính của âm mưu này, chính là để khiến Ngô Tà tin tưởng trên đời thật sự có chuyện "vật chất hóa".

Một mặt xuất phát từ mục đích bảo vệ Ngô Tà, khi trên người Ngô Tà xuất hiện những dấu hiệu bất thường theo thời gian, thì có thể cho Ngô Tà một lý do hợp lý, khiến Ngô Tà tin tưởng đây là vật chất hóa. Nếu không Ngô Tà sẽ phát điên mất.

Mặt khác khi ký ức Ngô Tà xuất hiện những dấu hiệu bất thường, thì chính cậu ấy sẽ tự cho rằng ký ức của mình bị ảnh hưởng bởi hiện tượng vật chất hóa, sẽ không theo đuổi đến cùng những ký ức vốn thuộc về Tề Vũ này.

Làm vậy, là bảo vệ Ngô Tà, cũng là bảo vệ nhà họ Ngô.

Âm mưu này là do ai thực hiện, và thực hiện ở đâu?

Chuyện xảy ra ở Tần Lĩnh, hẳn là kế hoạch do Ngô Tam Tỉnh và Giải Liên Hoàn bày ra.

Muốn khiến một người tin tưởng chuyện gì đó, thì phải dùng đến người khiến người đó tin tưởng nhất.

Lão Dương! Lão Dương là cậu bạn từ thuở nhỏ với Ngô Tà, đương nhiên cũng chính là người mà cậu ấy tin tưởng nhất.

Rất nhiều người tin rằng lão Dương là con trai của Giải Liên Hoàn, tôi đồng ý với quan điểm này.

Giải Liên Hoàn khi còn sống cũng rất đáng thương, có thể thấy được từ tuổi tác xấp xỉ của lão Dương với Ngô Tà.

Vào cuối những năm 70, đầu những năm 80, Giải Liên Hoàn đã tách khỏi việc làm ăn của dòng họ, đường hoàng thi đỗ vào đại học khảo cổ. Lúc này, hẳn cậu ta cũng có người yêu và chuẩn bị kết hôn. Trong khoảng thời gian này nhà họ Giải cũng giống nhà họ Ngô bị cuốn theo hành động bí mật của "nó", rốt cuộc liên lụy đến Giải Liên Hoàn. Giải Liên Hoàn bị chỉ định bổ sung vào đội khảo cổ, lúc này nhất định Giải Liên Hoàn đã có dự cảm không may, không muốn liên lụy đến người yêu mà rời khỏi cô gái ấy, thế nhưng cô gái xinh đẹp (mẹ của lão Dương chẳng phải rất đẹp sao) lại quyến luyến không rời, hơn nữa lúc ấy cô đã mang thai, cô tự mình sinh đứa con riêng đó ra, đặt cho nó cái tên Giải Tử Dương. Khắc khoải chờ đợi, lại nhận được tin Giải Liên Hoàn đã chết ở Tây Sa. Đây cũng chính là lý do nói cha của Giải Tử Dương chết khi cậu ta còn rất nhỏ.

Lúc Giải Liên Hoàn vừa cải trang thành Ngô Tam Tỉnh, để bảo vệ bí mật hắn đã không dám tỏ ra quen biết mẹ con lão Dương. Người thân ngay trước mắt lại phải vờ như không biết, Giải Liên Hoàn phải cứng cỏi đến nhường nào. Ngô Tà nhớ rõ khi cậu ấy còn nhỏ thì cha thường dẫn cậu ấy đi thăm mẹ con lão Dương, nhà họ Ngô đã thay một Giải Liên Hoàn không cách nào lộ diện chăm sóc mẹ con cậu ấy.

Trong khoảng mười năm khá bình lặng sau khi "nó" biến mất, Giải Liên Hoàn và mẹ con lão Dương chắc đã làm quen với nhau rồi. Đương nhiên lão Dương đã biết toàn bộ bí mật của hai nhà Ngô – Giải cũng như của Ngô Tà.

Nơi bày ra âm mưu Tần Lĩnh, là một di chỉ tế bái bằng thanh đồng cổ của bộ lạc Xi Vưu.

Ngô Tam Tỉnh sớm đã phát hiện tác dụng mê hoặc tâm trí của loại thanh đồng cổ này, liên quan đến ký ức và ý thức.

Vì vậy, lão Dương đã nghe theo sự sắp xếp của cha cậu ta là Giải Liên Hoàn mà bày mưu dụ Ngô Tà đến nơi này.

Quả nhiên, sức mạnh to lớn của thanh đồng đã khiến Ngô Tà thấy được một đoạn ký ức ngắn của Tề Vũ, giấc mộng kỳ lạ kia chính là ký ức cuối cùng của Tề Vũ trước khi trúng đòn, bị Ngô Tam Tỉnh phát hiện ra thân phận mà đánh ngã vào chiếc quan tài của Uông Tàng Hải.

Lão Dương đã thực hiện một chuỗi mê hoặc hoàn hảo lên trí óc Ngô Tà, khiến Ngô Tà tin rằng lão Dương chính là người vật chất hóa, đồng thời Ngô Tà cũng có năng lực vật chất hóa. Về phần chi tiết mê hoặc tâm trí trong phần này, đa số đều là ảo giác cả, tựa như Tam Thúc nói, đây chỉ là một giấc mơ của Ngô Tà mà thôi.

Sau đó lão Dương ra nước ngoài và gửi về cho cậu ấy một bức ảnh chụp chung với người mẹ trẻ trung xinh đẹp, chỉ để thêm phần cường điệu âm mưu đó.

Lão Dương không phải người vật chất hóa, đương nhiên cũng không ra nước ngoài, phần sau bộ truyện khả năng cậu ta còn xuất hiện trở lại.

Tần Lĩnh thần thụ, một trò chơi một giấc mộng.

Trong phần Tần Tĩnh Thần Thụ tôi cho rằng chỉ có hai nhân vật – Lão Dương và Ngô Tà.

Lão Dương đưa Ngô Tà tới bên cạnh cây thanh đồng của hậu duệ Xi Vưu.

Cây thanh đồng này, vốn dùng cho việc tế bái, có tác dụng mê hoặc tâm trí rất lớn.

Lão Dương đã lợi dụng năng lực này của cây thanh đồng mà thôi miên Ngô Tà, sau đó tạo cho cậu ấy ảo giác đã tự mình trải qua một quá trình trộm mộ ly kỳ.

Còn về những nhân vật như trợ lý Lương, ông chủ Vương, Nến Cửu Âm vân vân, đều là câu chuyện lão Dương kể, cộng thêm tác động của thanh đồng, khiến cho Ngô Tà cảm giác mình thật sự đã trải qua.

Mục đích chính của việc này là để khiến cho Ngô Tà tin vào năng lực vật chất hóa, đồng thời khiến Ngô Tà tin rằng mình cũng có năng lực này.

Để giúp cho Ngô Tà biết đến năng lực vật chất hóa cũng như tin tưởng vào chuyện này, không điều tra đến cùng nữa, lão Dương đã tự kể chuyện về mẹ của mình:

1, Chuyện mẹ lão Dương đã chết rồi lại sống dậy, đều là tự lão Dương nói.

2, Ảnh chụp hoàn toàn có thể photoshop (ghép ảnh lão Dương hiện tại và bà mẹ khi còn trẻ) để khiến Ngô Tà tin tưởng hơn.

3, Nói mình ra nước ngoài, để Ngô Tà không tìm kiếm cậu ta nữa.

Chung cực giải mê – Phần 10

Phần 10: Vân Đỉnh Thiên Cung –

Cuộc chạm trán giữa các thế lực!

Nguồn: Tích Vũ lầu

Thật ra trong lần hành động hai mươi năm trước, cả Cầu Đức Khảo và "nó" đều thất bại, chỉ biết được một phần bí mật trường sinh bất lão mà không hề chạm được đến đáp án Chung Cực.

Cho nên trong lần này, cuộc đấu đá giữa các phe phái càng thêm căng thẳng, ai cũng sợ kẻ khác tìm ra bí mật trước mình.

Lần hành động thứ hai xảy ra vào hai mươi năm sau.

"Nó" đã đặt quân át chủ bài của mình (A Ninh) vào trong đội của Cầu Đức Khảo.

Về phần nhà họ Ngô và đội khảo cổ, "nó" vừa lợi dụng vừa đề phòng, ngược lại với hai mươi năm trước.

Cầu Đức Khảo tìm được bí mật thiên cung ở dưới đáy biển (trên bức bích họa), lập tức cho quân đến Vân Đỉnh Thiên Cung.

Đương nhiên, Giải Liên Hoàn vẫn được "nó" phân cho vai cũ – kiềm chế Cầu Đức Khảo, tiếp tục ép buộc và yêu cầu Ngô Tà tham gia.

Giữa cuộc chiến ngày càng cam go này, Ngô Tà Tỉnh và Giải Liên Hoàn phải suy nghĩ nước đi vô cùng căng thẳng.

Đầu tiên, Giải Liên Hoàn dùng thân phận chú Ba tự mình xuất phát, tiến thẳng tới Vân Đỉnh Thiên Cung, trước cả đội Cầu Đức Khảo và người của "nó" ẩn nấp trong đội này (A Ninh).

Còn chú Ba giả dùng cách gắp Lạt Ma chiêu mộ những thành viên khác cho đội Ngô Tam Tỉnh.

Trận này là lần đầu tiên Ngô Tam Tỉnh thật ra mặt: Trần Bì A Tứ.

Vì chú Ba thật phải lộ diện, nên mọi chuyện tiến hành vô cùng cẩn thận, việc Sở ca đụng phải cảnh sát cũng là kế sách của Ngô Tam Tỉnh.

Mục đích là sợ trong đội có gian tế của "nó" lẫn vào.

Rối tung rối mù một hồi, cuối cùng những thành viên xuất phát đến Vân Đỉnh Thiên Cung bao gồm:

Trần Bì A Tứ (Ngô Tam Tỉnh) cùng ba người ông ta cho rằng mình có thể tin tưởng tuyệt đối: Hoa hòa thượng, Lang Phong, Diệp Thành.

Ngô Tà, Phan Tử (từ sau khi vào Vân Đỉnh Thiên Cung, Giải Liên Hoàn đã không cho Phan Tử theo nữa, có thể hắn đã nghi ngờ Phan Tử, hoặc nhiệm vụ của Phan Tử có thay đổi, từ giám sát Giải Liên Hoàn chuyển thành giám sát Ngô Tà, đó là lý do từ khi xuống mộ Phan Tử đều theo Ngô Tà như hình với bóng; Muộn Du Bình (đội của Ngô Tam Tỉnh), Bàn Tử (người "nó" từng thuê, nhưng đã ra nhập đội Ngô Tam Tỉnh).

Tổng cộng tám người.

Trong phần Vân Đỉnh Thiên Cung, Ngô Tà nhìn thấy Trần Bì A Tứ ở đâu?

Là trong tiệm trà của chú Ba.

Trần Bì A Tứ (Ngô Tam Tỉnh) giữ con đồng ngư thứ ba, cũng chính là thứ mà Trần Bì A Tứ thật lấy ra từ Kính Nhi cung.

Con đồng ngư này vốn là mồi nhử của "nó", chú Tần cố ý để rò rỉ tin tức này cho Ngô Tà chính là để thử cậu. Thế nhưng, Ngô Tam Tỉnh thông minh tuyệt đỉnh đã tương kế tựu kế:

Hắn một mặt vẫn giả trang Trần Bì A Tứ, một người nhiều năm sau tìm hiểu về thứ trước đó mình đổ đấu được quả thực rất hợp lý.

Đồng thời, lại cho Giải Liên Hoàn đang đóng giả chú Ba một lý do hợp lý để gắp lạt ma gắp được Trần Bì A Tứ.

Thế là, Trần Bì A Tứ xuất hiện ở Vân Đỉnh Thiên Cung không hề khiến kẻ khác hoài nghi.

Như vậy, cả ba con đồng ngư đều ở trong tay phe Ngô Tam Tỉnh.

Biểu hiện của Trần Bì A Tứ ở trên thiên cung có thể cho thấy phong cách của Ngô Tam Tỉnh.

Thực sự mưu lược kiệt xuất, làm việc gọn gàng, mạnh mẽ uy lực, đầy phong cách giang hồ, lại thông minh tuyệt đỉnh.

Thật ra Giải Liên Hoàn vẫn luôn bắt chước phong cách của Ngô Tam Tỉnh, nhưng dẫu sao trên người vẫn mang vị thư sinh. Còn kiểu của Trần Bì A Tứ mới là phong cách dày dạn gió sương thật sự của chú Ba.

Từ khi bước chân vào núi tuyết, mọi chuyện đã nằm trong xếp đặt của Giải Liên Hoàn, Trần Bì A Tứ (chú Ba thật) và Muộn Du Bình.

Mục đích không phải tìm ra bí mật, thực tế Ngô Tam Tỉnh và nhóm người Văn Cẩm từ lâu đã bước vào được cánh cửa thanh đồng.

Mục đích của bọn họ là phá hoại và ngăn cản đội của Cầu Đức Khảo cùng với nhân vật "nó" cài trong đội tiến vào cánh cửa thanh đồng, tìm ra bí mật.

Hơn nữa, mọi người còn nhớ không, sau khi vào Lỗ Vương cung, tiểu Muộn giết chết huyết thi, Giải Liên Hoàn thiêu rụi hầm mộ, nhóm Ngô Tà đi xuống ngôi mộ dưới đáy biển, cuối cùng cũng đã phá hủy toàn bộ thủy cung.

Những bí mật này, mấy người Ngô Tam Tỉnh đã biết từ lâu, trận đối đầu này, Ngô Tam Tỉnh cũng phải đi trước một bước, phá hủy toàn bộ bí mật, ngăn cản Cầu Đức Khảo và "nó" đạt được mục đích.

Sau khi Trần Bì A Tứ đến núi tuyết, nhiệm vụ chủ yếu là phối hợp với Giải Liên Hoàn, ngáng chân A Ninh, tiếp đó là quan sát và đề phòng xem bên mình có gian tế nào có thể làm lộ bí mật của nhóm hay không.

Cho nên suốt dọc đường đi Ngô Tam Tỉnh đều giả bộ tuổi già sức yếu.

Thế nhưng, vào thời khắc mấu chốt ánh mắt của hắn và Muộn Du Bình đã biểu lộ sự ăn ý giữa họ.

Bí ẩn Trần Bì A Tứ đột nhiên chết đi rồi sống dậy.

Đó là do hắn phát hiện trong đội mình vẫn còn có người khả nghi, muốn giả chết để thử, quả nhiên đã thử ra được.

Sau khi hắn sống dậy, động tác bóp cổ Ngô Tà đầy quái đản, chính là động tác dưới đáy biển năm đó Ngô Tam Tỉnh bóp cổ Tề Vũ.

Hắn vẫn không tin được Ngô Tà, nếu như Ngô Tà còn có ký ức của Tề Vũ, thì lần này nhất định sẽ thử ra.

Cũng may Ngô Tà thật sự không có ký ức của Tề Vũ.

Sau đó là Trần Bì A Tứ phát hiện mình bị lừa, đào ra con rùa bằng nam châm, Trần Bì lại còn ra lệnh đốt con rùa đó.

Thật ra, Ngô Tam Tỉnh và Muộn Du Bình đều đã đến đây, những trò này đều là diễn cả. Ngô Tam Tỉnh đương nhiên biết đốt cháy rùa sẽ dẫn du diên đến.

Hắn chính là muốn dẫn du diên đến thừa lúc rối loạn mà giết chết gian tế.

Là ai? Là Lang Phong!

Lúc này, mọi người chắc đều nhìn ra cả rồi, Thuận Tử chính là người do Giải Liên Hoàn để lại tiếp ứng cho nhóm Ngô Tam Tỉnh, thậm chí cũng có thể là Giải Liên Hoàn hóa trang. Cho nên thừa lúc rối loạn, Thuận Tử đã giúp Ngô Tam Tỉnh đánh Lang Phong ngất xỉu.

Lúc này Muộn Du Bình cũng mất tích, hẳn đang đi thực hiện nhiệm vụ được phân công, tranh thủ thời gian tiến vào cánh cửa thanh đồng, lấy hoặc hủy đi bí mật.

Bên này, Trần Bì A Tứ gọi riêng Thuận Tử ra một chỗ, bàn bạc với nhau.

Do đó, mới dẫn đến việc Thuận Tử hô to: "Đừng nổ súng", thả mấy người Trần Bì A Tứ đi.

Chỉ để lại một mình Ngô Tà, Bàn Tử, Phan Tử và lời nhắn "Huyền Vũ cự thi".

Mục đích thật sự là để cho Trần Bì A Tứ chạy mất, để bọn họ xuống lòng đất thả đàn chim khổng lồ ra, ngăn cảm nhóm A Ninh tiếp cận cánh cửa thanh đồng.

Thật sự là tầng tầng phòng vệ.

Ký hiệu kia là để dẫn dụ nhóm Ngô Tà tiến vào vòng lặp tử thần. Mục đích thật sự của vòng lặp tử thần là để vây khốn Phan Tử, tiêu tốn của gã nguyên hai ngày. Cuối cùng cho dù Ngô Tà không phát hiện ra thi thai, thì Thuận Tử cũng có thể thả bọn họ ra. Từ sau khi ra khỏi vòng lặp tử thần, nhiệm vụ của Thuận Tử đã kết thúc tốt đẹp, đương nhiên, cậu ta rút lui từ đây.

Sau đó bọn họ phát hiện đội A Ninh đang chiến đấu kịch liệt với du diên và Giải Liên Hoàn (chú Ba giả) "bị thương hôn mê" trong nhóm đó, thật ra những con du diên này là do xác con du diên trong ngực Giải Liên Hoàn dẫn tới, Giải Liên Hoàn cố ý làm vậy để kìm chân nhóm A Ninh.

Giải Liên Hoàn lặng lẽ đưa mẩu giấy kia cho Ngô Tà, Muộn Du Bình, vừa vặn chứng minh họ đang phối hợp với nhau. Muộn Du Bình giữ lại tờ giấy kia là để nói cho Giải Liên Hoàn hoặc Ngô Tam Tỉnh (đang đóng giả Trần Bì A Tứ) tiến độ hành động của cậu ta, nói rõ cậu ta đã vào hầm mộ.

Nếu tờ giấy đó thật sự là để cho Ngô Tà, "Tôi đã đi vào hầm mộ, những chuyện phía dưới các người không đối phó được đâu", với tính cách của Bàn Tử và sự quan tâm của tiểu Tà với Muộn Du Bình, chẳng lẽ còn không đi xuống sao? Như vậy chẳng khác nào tiểu Muộn làm một chuyện vô nghĩa, tiểu Muộn là loại người đi làm những chuyện vô nghĩa sao?

Giải Liên Hoàn bảo Ngô Tà dùng cá đồng lừa gạt nhóm A Ninh tin tưởng. Khi đội A Ninh đi tới được quan tài thi thai cửu long của Vạn Nô Vương và trước cánh cửa đại đồng dưới nền đất, thì nhóm Trần Bì A Tứ đã thả lũ chim khổng lồ ra rồi, đội A Ninh bị đánh cho tan tác. Đương nhiên Trần Bì A Tứ hoàn thành xong nhiệm vụ cũng biến mất, còn tiểu Muộn thì dựa vào ấn quỷ và âm binh để cùng tiến vào cánh cửa thanh đồng.

Lúc này Cầu Đức Khảo và "nó" lại trắng tay lần nữa, không tìm được bất cứ bí mật gì, không ai có thể tiến vào cánh cửa đại đồng.

Lần phối hợp này của Ngô Tam Tỉnh, Giải Liên Hoàn, Muộn Du Bình thật sự quá hoàn mỹ, ngăn cản hành động của đối thủ mà vẫn không để lộ bất cứ dấu vết nào.

Mấy ông anh này thật quá xuất sắc đi.

Chung cực giải mê – Phần 11

Phần 11: Tiến thẳng tới Tháp Mộc Đà

đáng ra là đại kết cục

Nguồn: Tích Vũ lầu

Trong chuyến đi Vân Đỉnh Thiên Cung, cả Cầu Đức Khảo và "nó" đều tay không trở về.

Đương nhiên "nó" cũng đã được nếm mùi "cục xương khó gặm" nhà họ Ngô.

Cho nên "nó" thay đổi mũi nhọn tấn công, hướng thẳng đến người còn sống của đội khảo cổ – Trần Văn Cẩm. Mấy năm trở lại đây, chú Ba giả đang bị theo dõi nghiêm ngặt, tất nhiên không thể có bất kỳ qua lại gì với Văn Cẩm. Nhưng "nó" đã phát hiện ra sự khác thường, nên đã quyết định chuyển hướng tấn công sang Văn Cẩm và Ngô Tà.

Bắt đầu vụ Xà Chiểu, Giải Liên Hoàn vẫn còn nằm trên giường bệnh, băng ghi hình được đưa tới một cách rất rùm beng.

Văn Cẩm cho rằng đã đến lúc phải kết thúc rồi.

Bởi vì, tuy rằng mấy năm nay Văn Cẩm vẫn luôn đề phòng "nó", trốn quanh rừng nhiệt đới Tháp Mộc Đà, nhưng "nó" vẫn tiến từng bước đến gần cô ấy. Mặt khác, thân thể của cô bắt đầu xảy ra thi hóa, không còn nhiều thời gian nữa rồi.

Mùa mưa này, phải đến Tháp Mộc Đà.

Cả nhà định chủ Trác Mã đều là người của Văn Cẩm.

Văn Cẩm bảo bọn họ gửi băng ghi hình đi: Một cuộn cho Cầu Đức Khảo, một cuộn cho Giải Liên Hoàn (cũng tức là cho Ngô Tam Tỉnh), một cuộn cho chàng trai Trương Khởi Linh thuộc đội khảo cổ năm xưa.

Văn Cẩm lúc này, chắc hẳn đã hiểu hoàn toàn bí mật trường sinh.

Cô ấy muốn triệu tập hết mấy thế lực này đến Tháp Mộc Đà.

Chấm dứt bức màn chung cực.

Suốt hơn hai mươi năm, số phận của những người này hoàn toàn thay đổi, đồng thời bọn họ cũng đều là quân cờ cùng vật thí nghiệm trong tay "nó".

Văn Cẩm muốn đưa tất cả ra ánh sáng, kết thúc toàn bộ câu chuyện tà ác bất hạnh này.

Đương nhiên, Văn Cẩm cũng biết "nó" cũng sẽ lẩn khuất trong đó đến đây.

Đương nhiên "nó" cũng có trong tay cuộn băng ghi hình Văn Cẩm gửi đến.

Là ai đưa cho Ngô Tà cuộn băng ghi cảnh Tề Vũ phát điên bò trên mặt đất? Là A Ninh!

Có vẻ đây là quân bài "nó" trực tiếp thử Ngô Tà.

Đương nhiên, chuyện này cũng kích thích Ngô Tà chạy thẳng đến trại an dưỡng Cách Nhĩ Mộc điều tra bí mật.

Ngô Tà tìm được cuốn bút ký của Văn Cẩm ở trại an dưỡng Cách Nhĩ Mộc, nhìn thấy Cấm Bà.

Cậu ấy đã tự cho rằng lần này mình đã đi trước một bước.

Thật ra, Ngô Tam Tỉnh, Giải Liên Hoàn và Muộn Du Bình đã cùng nhau thiết lập nước cờ vì lần hành động này, ngoài việc tiếp tục bảo vệ bí mật không cho ai tiếp cận, còn để bảo vệ sự an toàn cho Văn Cẩm.

Nhiệm vụ lần này được phân công như sau: Muộn Du Bình và Hắc Nhãn Kính (Ngô Tam Tỉnh cải trang) đi trước, hợp tác với đội Cầu Đức Khảo. Cầu Đức Khảo nếm mùi thất bại sau lần ở Lỗ Vương cung và Vân Đỉnh thiên cung, đại khái cũng ý thức được muốn tiến vào mộ cổ Trung Quốc, đội ngũ đông đảo trang bị tối tân cũng không thể nào bằng "thổ phu tử" được.

Đương nhiên, mục đích của Muộn Du Bình và Hắc Nhãn Kính chủ yếu là kiềm chế chân trong của "nó" trong đội – A Ninh.

Trong đêm đầu tiên cả đội dừng chân, định chủ Trác Mã đã chuyển lại lời nhắn của Văn Cẩm, thật ra chính là giúp ba người Văn Cẩm, Muộn Du Bình, Hắc Nhãn Kính (Ngô Tam Tỉnh) truyền tin cho nhau.

Con dâu của định chủ Trác Mã là do Văn Cẩm cải trang.

Lần này, Muộn Du Bình và Ngô Tam Tỉnh vừa giám sát "nó" vừa giam chân đội Cầu Đức Khảo.

Quỷ thành chính là một vòng lặp chết chóc mà Trát Tây (người của Văn Cẩm) dùng kỳ môn độn giáp để vây khốn đội Cầu Đức Khảo. Thế nhưng, đội Cầu Đức Khảo ở trong quỷ thành đã kích động lũ bọ ăn xác chúa, dẫn đến cả đội vỡ trận.

Ngô Tà và A Ninh bị lạc đường trong quỷ thành là chuyện ngoài ý muốn, khoảng thời gian này chủ yếu làm nền cho việc nảy sinh tình cảm giữa Ngô Tà và A Ninh.

Cho dù A Ninh là người của "nó", nhưng cũng là một người phụ nữ.

Trong lần hành động này, Giải Liên Hoàn vẫn theo sát đằng sau nhóm người Cầu Đức Khảo.

Đợi đến khi Muộn Du Bình và Hắc Nhãn Kính (Ngô Tam Tỉnh) giam chân được đội A Ninh thì đội Giải Liên Hoàn lập tức đi trước, vào trung tâm Xà Chiểu, tìm kiếm và bảo vệ bí mật.

Thế nhưng, vấn đề cần nói rõ chính là, đội ngũ lần này của Giải Liên Hoàn rất tạp nham, có lẫn người của "nó".

Bởi vì, từ lâu "nó" đã không còn tin tưởng chú Ba do Giải Liên Hoàn đóng giả nữa rồi.

Trong quỷ thành, nhóm người do Ngô Tam Tỉnh dẫn đầu tiếp tục phân công nhiệm vụ: Muộn Du Bình, Phan Tử, Bàn Tử đi vào quỷ thành cứu Ngô Tà và A Ninh, nhưng thật ra là Hắc Nhãn Kính nhân cơ hội này bỏ rơi bọn họ, nhảy sang đội ngũ Cầu Đức Khảo, vội vã đi thẳng tới cung điện Tây Vương Mẫu.

Nhánh của tiểu Muộn mặc dù có hai người của "nó" – A Ninh và Phan Tử, nhưng đều ở ngoài sáng, an toàn hơn nhiều đội ngũ tạp nham địch ta lẫn lộn của Giải Liên Hoàn. Cho nên Văn Cẩm âm thầm đi theo nhóm tiểu Muộn, còn tiểu Muộn thì phụ trách Văn Cẩm được an toàn.

Nhóm này đi vào cánh rừng nhiệt đới, đụng ngay phải con trăn lớn vảy vàng.

Sau đó, A Ninh bị rắn mào gà cắn chết, A Ninh là người của "nó", như vậy có hai khả năng:

Thứ nhất là cô ấy thật sự không biết rõ Xà Chiểu, vô ý bị cắn trúng.

Thứ hai là chuyện đã được sắp xếp từ trước, "nó" cũng có chút hiểu biết về thuật trường sinh "nhân xà cộng sinh", A Ninh giống như đội khảo cổ hai mươi năm trước, cũng là công cụ thí nghiệm của "nó". Lần này A Ninh đến Xà Chiểu là gánh nhiệm vụ thí nghiệm nhân xà cộng sinh.

Cô ấy đã sớm biết số phận bi kịch này, trước khi rửa mặt ở thác nước rồi bị cắn, A Ninh đã từng cười với Ngô Tà một cách vô cùng rạn rỡ lại nhuốm màu bi thương, lúc này cô ấy đã có tình cảm với Ngô Tà, đang từ biệt cậu ấy.

Thật ra số phận A Ninh cũng rất đáng thương.

Ngay lối vào đầm rắn, rắn đã tha thi thể cô ấy đi. Văn Cẩm toàn thân đầy bùn nhão đột nhiên xuất hiện, Muộn Du Bình chạy đi tìm Văn Cẩm. Thật ra đây cũng là vở kịch do Văn Cẩm và Muộn Du Bình phối hợp diễn, để tạo cơ hội hai người gặp riêng với nhau.

Bọn họ bàn về chuyện của A Ninh, Văn Cẩm dạy cho Muộn Du Bình cách dùng bùn tránh rắn.

Sau đó, chính là hành trình của ba người Ngô Tà, Bàn Tử, Phan Tử.

Quả nhiên, sau khi đi vào rừng nhiệt đới, bọn họ đã nhìn thấy khói hiệu của Giải Liên Hoàn.

Đội của Giải Liên Hoàn theo đúng kế hoạch đi vào đầu tiên.

Phần phụ – Cái chết của A Ninh!

Hiểu được thuật trường sinh thời cổ đại, thì cũng sẽ giải thích được bí ẩn cái chết của A Ninh:

1, Những con rắn mào gà thần bí kia là loại rắn Tây Vương Mẫu thuần dưỡng chuyên dùng cho "nhân xà cộng sinh", loài rắn này có lịch sử cộng sinh lâu dài với con người, cho nên có linh tính, có thể bắt chước lời nói con người, có tổ chức mang tính xã hội, thậm chí còn có trí tuệ của con người.

2, Những con rắn này trải qua huấn luyện lâu dài, trông thấy người sẽ theo thói quen mà "cộng sinh người rắn", chúng cắn người cũng là đang tiến hành quá trình này chứ không phải dồn người vào chỗ chết.

3, Quá trình A Ninh chết cũng chính là quá trình tạo ra người rắn, rắn mào gà cắn chết A Ninh thật ra là khiến con người chìm vào trạng thái ngủ đông giống như rắn vậy (trạng thái chết giả), đám xà tha xác A Ninh đi là để thực hiện bước tiếp theo, cũng như việc chất đầy thi thể ở đầm nước, ở đó, rắn đẻ trứng vào trong dạ dày người chết giả (trong dạ dày Bàn Tử cũng có đầy trứng rắn đấy thôi), sau đó trải qua một khoảng thời gian, rắn nở ra, ăn thịt lẫn nhau, cuối cùng chỉ còn lại một con cộng sinh với người, lúc này, người sẽ "sống lại", nhưng phải mang thân hình nửa người nửa rắn như Phục Hy – Nữ Oa, giống như đám người rắn trong bức bích họa của Tây Vương Mẫu.

4, Mọi người còn nhớ bóng người vừa giống người vừa giống rắn dọa Ngô Tà suýt ngất kia không? Ngô Tà tưởng đó là A Ninh, thật ra chính là một người rắn đã được tạo thành.

5, Rắn tấn công chú Ba (Giải Liên Hoàn), tha nhóm người đi, cũng là muốn tạo thành người rắn theo bản năng.

6, Giấc mộng kỳ quái của Ngô Tà, mơ A Ninh biến thành yêu quái, thật ra chính là điềm báo A Ninh sẽ biến thành rắn.

7, A Ninh đương nhiên không chết, chỉ biến thành người rắn mà thôi, mấy người Ngô Tà nhất định còn có thể quay lại quỷ thành lần nữa! Khi đó, chắc chắn sẽ gặp lại người rắn A Ninh, về phần kết quả ra sao, có thể, nhóm Ngô Tà đã phá giải được bí mật của Tây Vương Mẫu, cứu thoát A Ninh, mà cũng có thể, A Ninh sau khi biến thành người rắn thì tìm ra bí mật của Tây Vương Mẫu, giải cứu nhóm người Ngô Tà. Nói chung, chuyện của A Ninh vẫn chưa hết được!

Thế nhưng, "nó" cũng không đơn giản và vô năng như vậy, bằng không cũng sẽ không khiến cho những người xuất sắc như Ngô Tam Tỉnh, Giải Liên Hoàn, Muộn Du Bình hao tổn tâm sức bao năm.

Vòng tay mắc trên cây của A Ninh, quái vật vừa giống người lại vừa giống rắn, lũ rắn có thể lên tiếng gọi "cậu Ba", phía sau những chuyện này còn có bí mật, phần sau tôi sẽ giải thích.

Muộn Du Bình vốn đã mất tích đi bảo vệ Văn Cẩm rồi, vì sao Ngô Tà đến được lều trại của nhóm Giải Liên Hoàn thì anh ta đột nhiên trở lại?

Đáp án là đêm qua trong bóng tối tiểu Muộn đã thấy có người dẫn lũ rắn tấn công đội ngũ của Giải Liên Hoàn, nếu vậy đêm nay cũng sẽ tấn công nhóm người Ngô Tà. Muộn Du Bình xuất hiện là để bảo vệ nhóm Ngô Tà, bôi bùn lên lều bạt của bọn họ.

Phan Tử là nhân vật ưu tú của "nó", cả về sức vóc lẫn trí tuệ.

Thấy hành động của Văn Cẩm và Muộn Du Bình, Phan Tử hẳn đoán ra được họ đang nghi ngờ mình, cho nên Văn Cẩm một mực không lộ diện. Thế là Phan Tử đã sắp đặt một kế hoạch, chính là giả vờ bị rắn cắn trọng thương, từ trên cây ngã xuống, mất đi toàn bộ năng lực hoạt động. Thật ra, gã không có chuyện gì.

Ngay chớp mắt đầu tiên Ngô Tà phát hiện Muộn Du Bình đã trở về, thì cậu trông thấy tiểu Muộn đang ngồi xổm trước người Phan Tử nhìn gã.

Điều này đã cho thấy rõ tiểu Muộn kiêng kỵ ai, nhưng Phan Tử ngụy trang quá tốt, tiểu Muộn nhất thời cũng không thể đoán được gã là bị thương thật hay giả vờ bị thương.

Cho đến cái đêm thần bí nhất Xà Chiểu.

Đêm đó khói độc khiến Ngô Tà bị tạm mù, bầy rắn phát động tấn công.

Chuyện này là để nhắm vào tiểu Muộn, diệt trừ được tiểu Muộn rồi thì có thể dễ dàng bắt được Văn Cẩm. Quả nhiên, tiểu Muộn đã bị rắn cắn. Mà, rắn tấn công tất cả các lều trại, vì sao lại bỏ qua lều của Ngô Tà? Đáp án là vì có đầu đàn Phan Tử ở đó!

Đêm đó, lúc Ngô Tà vừa lấy lại được thị lực thì nhìn thấy một bóng đen, bóng đen đó rốt cuộc là ai? Là Văn Cẩm thật sao?

Thật ra là Phan Tử!

Trong chương đó ta thấy có một chi tiết rất nhỏ.

Khi rắn mới bắt đầu tấn công, cậu ấy đi sờ Phan Tử vốn phải đang nóng ran, thì khi sờ đến lại đột nhiên hạ sốt.

Ngô Tà giật mình.

Phan Tử bị sốt hiển nhiên là giả vờ, gã lục lọi ba lô chính là để tìm đồ ăn, bởi gã giả bộ bị thương hôn mê, đương nhiên không ai cho gã ăn.

Gã đã không làm sao, đương nhiên sẽ đói, phải tìm đồ ăn.

Ngày hôm sau khi Ngô Tà vô tình nói cho Muộn Du Bình nghe chuyện cái bóng đêm qua, thì tiểu Muộn lập tức giật mình, bởi vì anh ta đã khẳng định được nghi ngờ của mình, chính là Phan Tử đang giả vờ bị thương. Như vậy Văn Cẩm sẽ gặp nguy hiểm lớn, anh ta phải lập tức đề nghị dẫn dụ Văn Cẩm ra.

Thật ra đây là ám hiệu chuyện quan trọng mà Văn Cẩm và tiểu Muộn đã thống nhất từ trước.

Quả nhiên Văn Cẩm xuất hiện, tiểu Muộn gặp lại Văn Cẩm lần nữa, đi vào trong thạch cung.

Mục đích lần này, chính là bỏ rơi Phan Tử. Đương nhiên, Phan Tử cũng không thể làm gì khác được. Bởi vì gã đã giả vờ bị thương nặng, một khi xuất hiện thì thân phận sẽ bại lộ ngay.

Trải qua vài trúc trắc nữa, cuối cùng Ngô Tà gặp lại Bàn Tử và hội hợp với nhóm Giải Liên Hoàn.

Hắc Nhãn Kính (Ngô Tam Tỉnh) ở ngay trong đội ngũ của Giải Liên Hoàn.

Đương nhiên, Ngô Tà cũng nhìn ra được được đội ngũ lần này của chú Ba cực  kỳ tạp nham.

Lúc này, tiểu Muộn đã gặp lại Văn Cẩm và được an toàn, Giải Liên Hoàn lại đổi thành bọc hậu, bảo vệ cho Văn Cẩm và tiểu Muộn tiến vào trong cung vẫn thạch.

Cho nên, đến giờ Ngô Tà mới gặp được Văn Cẩm, nghe Văn Cẩm nói về chuyện trước kia. Tuy rằng Văn Cẩm không nói toàn bộ sự thật cho Ngô Tà nghe, thế nhưng cô ấy vẫn dành cho Ngô Tà khá nhiều thiện ý. Sau đó bọn họ tiếp tục đi trước, tiến thẳng tới vẫn thạch cung. Có thể nói lần hành động này đã hạ màn, phe Ngô Tam Tỉnh cơ bản lại thắng.

Hơn nữa, Văn Cẩm cũng đã gặp Bàn Tử, không đề phòng Bàn Tử. Điều này cho thấy người của "nó" mà Văn Cẩm vẫn luôn né tránh không phải là Bàn Tử, Bàn Tử không có vấn đề gì. Giờ Văn Cẩm cũng đã gặp được Giải Liên Hoàn, thế mà Giải Liên Hoàn lại bị rắn cắn trọng thương. Đây hẳn là lần đầu tiên Văn Cẩm gặp lại Giải Liên Hoàn sau vụ Tây Sa hai mươi năm trước. Chắc chắc hắn cảm thấy vô cùng áy này vì năm đó không thể cứu thoát đội khảo cổ, lại phải cho đội khảo cổ ăn đan dược bọ ăn xác, khiến cho đội khảo cổ khổ sở nhiều năm. Thế nhưng chính Giải Liên Hoàn cũng phải trả giá cả đời vì số mệnh này.

Cho nên, nhìn thấy Văn Cẩm, Giải Liên Hoàn rất kích động, Văn Cẩm cũng hiểu rõ tấm lòng của Giải Liên Hoàn, cho nên đã nói: Chuyện này tôi không trách anh, anh về đội đi.

Lúc Ngô Tà gọi Giải Liên Hoàn là chú Ba, thì Giải Liên Hoàn chực trào nước mắt.

Hắc Nhãn Kính (Ngô Tam Tỉnh) ở bên cạnh chứng kiến tất cả, trong lòng sẽ trào dâng những cảm xúc gì? Nhưng người đàn ông cứng rắn này vẫn không hề để lộ bất cứ dấu vết nào.

Nhiệm vụ lần này của nhóm Ngô Tam Tỉnh, chính là bảo vệ Văn Cẩm chui vào vẫn ngọc.

Đồng thời cũng ngả bài chiến đấu với "nó", có điều xem ra, sau cùng đại boss "nó" cũng không xuất hiện.

Chuyện này vẫn chưa kết thúc.

Nhưng dù sao Văn Cẩm cũng đã an toàn chui vào vẫn ngọc rồi, chỉ có chui vào vẫn ngọc mới là cách duy nhất khắc chế thi hóa. Văn Cẩm phải đợi trong vẫn ngọc.

Muộn Du Bình chui vào vẫn ngọc là để hộ tống Văn cẩm, kiểm tra xem trong vẫn ngọc của nguy hiểm gì không.

Bảy ngày sau chui ra anh ta lại mất trí, nguyên nhân có hai khả năng:

Thứ nhất, Văn Cẩm ở trong đó thật sự an toàn, anh ta yên tâm đi ra, nhưng để che đậy bí mật của vẫn ngọc, anh ta giả vờ mất trí nhớ.

Thứ hai, có thể trong vẫn ngọc có bẫy rập, có thể của Tây Vương Mẫu, Uông Tàng Hải, hoặc thậm chí là "nó", khiến tiểu Muộn lại trúng chiêu lần nữa, thật sự mất đi ký ức.

Xem tình hình hiện tại thật khó đoán là trường hợp nào.

Hắc Nhãn Kính vẫn ở bên ngoài vẫn ngọc nhìn Văn Cẩm đi vào, có Muộn Du Bình hộ tống hắn rất yên tâm.

Trong đội ngũ của Giải Liên Hoàn bên cạnh Ngô Tam Tỉnh, có rất nhiều người của "nó", hắn không thể để lộ sơ hở, đồng thời hắn cần ở bên ngoài bảo vệ Văn Cẩm, đề phòng người của "nó" tiến vào vẫn ngọc. Cuối cùng, vài ngày sau Hắc Nhãn Kính mới dẫn theo người của hắn rời đi.

Hắn và Giải Liên Hoàn vẫn cần phải bước trên chặng đường gian nan phía trước, tiếp tục tìm cách cứu Văn Cẩm, đồng thời chuẩn bị cho trận chiến cuối cùng với "nó".

Giải Liên Hoàn đến Đôn Hoàng xong thì viết thư cho Ngô Tà. Có phải Ngô Tam Tỉnh cũng đang ở Đôn Hoàng với hắn?

Đôn Hoàng, có phải là một nơi đóng quân khác của "nó", sau vụ Cách Nhĩ Mộc.

Sau khi đợi Muộn Du Bình trở ra, Ngô Tà, Bàn Tử và tiểu Muộn cùng nhau rời khỏi Tháp Mộc Đà.

Bắt đầu cuộc hành trình đi tìm ký ức cho Muộn Du Bình.

Tôi nghĩ những người đọc Đạo Mộ suốt ba năm, đã từng cho rằng Xà Chiểu là kết thúc của cả bộ truyện, cả về thời gian lẫn sức ảnh hưởng của phần này.

Quá nhiều bí ẩn đã đến mức không giải không được.

Tựa như bữa dạ tiệc rực rỡ sắc màu, sắp đạt đến cao trào cũng đồng thời kết thúc.

Rồi, đột nhiên người chủ trì lại tuyên bố kéo dài tiếp ba giờ.

Mùi vị này thật sự không dễ chịu gì.

Cảm thán một lần nữa, chuyện này thật không khác gì con dao hai lưỡi.

Một bộ truyện quá dài dễ dẫn đến chuyện khó có thể kiểm soát được, càng tiếp tục phô trương mở rộng sẽ càng là trở ngại lớn đối với Tam Thúc.

Tôi có thể hiểu được nhưng cũng cảm thấy rất tiếc.

Thật ra "Mê Hải Quy Sào(*)" chính là thời khắc trở về.

(Chú thích: (*) "Quy sào" tiếng Hán nghĩa là về tổ, trở về.)

Hẳn là trước khi tiến vào vẫn ngọc, họ đã sắp xếp một lần ngả bài sau cuối, cởi bỏ toàn bộ câu đố, mỗi người bước tiếp vận mệnh của chính mình.

Cuối cùng, hủy đi "thuật trường sinh" và "đất trường sinh" vô cùng mê người cũng vô cùng tà ác này.

Có đôi khi, chết còn hạnh phúc hơn là sống.

Loài người là bởi trải qua đêm tối mới yêu thích ánh mặt trời.

Có chết đi thì mới biết yêu quý sinh mệnh.

Cái chết cũng không thể cướp đi tất cả của cuộc đời: Ví như tình yêu và chính nghĩa.

Người ra đi, được an lòng ra đi. Người ở lại, tràn ngập tình yêu và sức mạnh hướng tới tương lai.

Nên như vậy!

Đến đây, "mê" của năm quyển đầu Đạo Mộ Bút Ký cũng đã giải xong.

Chung cực giải mê – Phần 12

Phần 12: Bí mật về "nó" –

thế lực ngầm đứng sau mọi chuyện

Nguồn: Tích Vũ lầu

Giai đoạn thứ nhất, ẩn núp dưới thế lực quốc gia.

Cũng chính là khoảng năm 1974 đến 1990 "nó" biến mất một cách thần bí, là giai đoạn trại an dưỡng Cách Nhĩ Mộc bị bỏ hoang.

Giai đoạn này, phần trước tôi đã nói, kẻ đứng sau tất cả là thế lực quốc gia.

Thế nhưng, ở Trung Quốc, thế lực quốc gia cũng phải do một người đứng ra thao túng.

Cha mẹ của Hoắc Linh, khả năng chính là cán bộ quân đội cao cấp đứng ra phụ trách năm đó.

Trước chuyện "trường sinh bất tử" này, bất cứ ai tiếp xúc cũng đều khó lòng nén nổi lòng riêng, đây quả thực là "Chung Cực" mà cả nhân loại đều khát khao chiếm được.

Gia đình Hoắc Linh cũng không ngoại lệ.

Tôi nghĩ, đến sau cùng, Tam Thúc sẽ không viết những chuyện tàn nhẫn như dùng đội khảo cổ làm vật thí nghiệm này trở thành ý đồ quốc gia.

Mà chỉ là, ý đồ của Hoắc gia.

Sai Ngô Tam Tỉnh chuốc mê đội khảo cổ, cho đội khảo cổ ăn đan dược bọ ăn xác, nhất định cũng là nhà họ Hoắc lấy danh nghĩa quốc gia để thực hiện.

Như vậy, năm đó Hoắc Linh cũng đã trà trộn vào đội khảo cổ để thực hiện ý đồ gia tộc.

Chúng ta có thể nhìn vào biểu hiện của Hoắc Linh ở đội khảo cổ năm đó để đưa ra kết luận này:

Điệu đà ra vẻ ngây thơ đương nhiên là thói quen của tiểu thư nhà quan lớn, nhưng cũng không loại trừ khả năng cô ấy đang cố che giấu thứ gì.

Mấu chốt ở chỗ, năm đó lúc Ngô Tam Tỉnh giả thần giả quỷ, làm bộ như phụ nữ chải đầu dẫn dụ đội khảo cổ vào kỳ môn, Muộn Du Bình nhớ lại đáng lẽ anh ta có thể thấy mặt Ngô Tam Tỉnh, nhưng Hoắc Linh lại chắn ở phía trước. Chi tiết này nói rõ Hoắc Linh có vấn đề.

Cho thấy, Hoắc Linh đang âm thầm hỗ trợ Ngô Tam Tỉnh dẫn dụ đội khảo cổ vào kỳ môn, có điều Ngô Tam Tỉnh cũng không biết.

Ngô Tam Tỉnh gây mê đội khảo cổ, cho họ ăn đan dược bọ ăn xác, Hoắc Linh cũng ở trong số đó, để không bại lộ thân phận cô ấy cũng làm bộ trúng bẫy như đội khảo cổ. Thế nhưng, cô ấy đương nhiên không thể bị chuốc mê rồi ăn đan dược thật sự, trong tình huống ấy có lẽ chính Ngô Tam Tỉnh cũng không thể quan sát tỉ mỉ.

Trong khoảng một tuần khi đội khảo bị chở đến trại an dưỡng Cách Nhĩ Mộc, tôi cho rằng, Hoắc Linh đã bị tráo đổi, nói cách khác, có đến "hai Hoắc Linh".

Gia đình Hoắc Linh nhất định đã tìm một cô gái trẻ tuổi giống Hoắc Linh, lợi dụng quyền thế ép cô gái này giả trang Hoắc Linh, lại cho cô ấy ăn đan dược bọ ăn xác khi cô hoàn toàn không biết, sau đó bỏ cô ấy vào trại an dưỡng Cách Nhĩ Mộc cùng một chỗ với nhóm Văn Cẩm.

Như vậy, Hoắc Linh vừa có thể lừa gạt đội khảo cổ, lại vẫn được tự do ra ngoài hành động.

Cô gái đóng giả Hoắc Linh ăn đan dược xong thì không bị lão hóa, còn có triệu chứng liên tục chải đầu. Hoắc Linh trong băng ghi hình chính là Hoắc Linh giả này.

Chú ý: Văn Cẩm đã nói rằng cô gái đầu tiên xuất hiện triệu chứng "thi hóa" không phải là Hoắc Linh.

Người đó khả năng là người "sập bẫy" trong đội của Cầu Đức Khảo hoặc một người khác bị nhà họ Hoắc dùng để thí nghiệm.

Mọi người còn nhớ trong trại an dưỡng Cách Nhĩ Mộc có nửa tầng dùng xi măng bít kín không? Có lẽ đó là nơi nhốt những yêu quái do thí nghiệm thất bại tạo thành.

Trại an dưỡng Cách Nhĩ Mộc chính là phòng thí nghiệm trên cơ thể người của nhà họ Hoắc, cũng giống như ngôi mộ của Uông Tàng Hải dưới đáy biển.

Tại đây bảy tám năm trời, "nó" vẫn luôn quan sát phản ứng của nhóm người thí nghiệm, cho đến đầu thập niên chín mươi.

Đầu thập niên chín mươi, có lẽ thế lực quốc gia đã chính thức gạt chuyện này đi, lực lượng giám sát vốn chặt chẽ đã nơi lỏng đi nhiều, cho nên nhóm Văn Cẩm mới có thể trốn thoát, bao gồm cả Hoắc Linh giả.

Sau đó, đội khảo cổ lại quay về trại an dưỡng bỏ hoang, "nó" đã rút quân khỏi đó, nói đúng hơn là thế lực quốc gia đã hoàn toàn bỏ qua. Thế nhưng, nhà họ Hoắc vẫn không buông tha, mà bước vào giai đoạn bí mật.

Lúc này, Ngô Tam Tỉnh hẳn có liên lạc với nhóm Văn Cẩm.

Bọn họ bắt đầu lên kế hoạch đến Thiên Cung.

Giai đoạn thứ hai, mười năm trước, Hoắc Linh hành động.

Sau khi trở về từ Thiên Cung, chỉ còn lại hai người Văn Cẩm và Hoắc Linh.

Lần này Hoắc Linh thật đã vào ở trong trại an dưỡng Cách Nhĩ Mộc cùng với Văn Cẩm, đồng thời nghiên cứu và tìm cách đến Tháp Mộc Đà.

Đại khái vào những năm 1995, Văn Cẩm và Hoắc Linh cùng đi trước đến Tháp Mộc Đà.

Thế nhưng, hẳn Ngô Tam Tỉnh đã nói cho Văn Cẩm nghe mối nghi ngờ về Hoắc Linh.

Hơn nữa, lần này Văn Cẩm cùng Hoắc Linh đến Tháp Mộc Đà trước, cũng đã phát hiện ra Hoắc Linh không bình thường, cho nên Văn Cẩm và Hoắc Linh mỗi người một ngả, Văn Cẩm trở về Cách Nhĩ Mộc, Hoắc Linh ở lại Tháp Mộc Đà.

Bí mật vô cùng quan trọng của Hoắc Linh đã xảy ra ở Tháp Mộc Đà.

Lúc ấy, nhà họ Hoắc đã không thể nào gióng trống khua chiêng mượn thế lực quốc gia và quân đội nữa. Thế nhưng nhà họ Hoắc vẫn có quyền thế rất lớn.

Cho nên lần hành động này, Hoắc Linh đã thành lập một đội của riêng mình, đội này chủ yếu là phụ nữ, điều này có liên quan đến Hoắc Linh. Đồng thời Hoắc Linh còn thông báo cho thế lực Cầu Đức Khảo, hợp tác với họ Cầu để tăng thêm sức mạnh.

Đây là nguyên nhân khi mới vào Tháp Mộc Đà, Ngô Tà đã phát hiện có dấu vết của đội ngũ Cầu Đức Khảo và lực lượng vũ trang thần bí mười năm trước.

Dấu hiệu của đội Cầu Đức Khảo là dãy số trạm nổi, còn dấu hiệu của đội Hoắc Linh là vòng tay bằng tiền xu thần bí (Phải, chính là thứ mà A Ninh đeo).

Mọi người còn nhớ lúc Ngô Tà, Muộn Du Bình đã phát hiện ra xác chết nữ trong người con trăn vảy vàng khổng lồ không?

Xác nữ kia có dãy số trạm nổi của nhóm Cầu Đức Khảo, mang theo lựu đạn (thời gian đó chỉ có đội của Hoắc Linh mới có thể có thứ này).

Còn nữa, trong giấc mộng kỳ lạ của Ngô Tà, xác nữ kia đeo xâu tiền xu, biến thành A Ninh.

Đây là người của Hoắc Linh, thậm chí tôi cho rằng đó có thể là mẹ của Hoắc Linh.

Lần này Hoắc Linh ở Tháp Mộc Đà phát hiện ra bí mật quan trọng, chính là bí mật trường sinh cộng sinh người rắn của Tây Vương Mẫu.

Chắc chắn Hoắc Linh đã ở lại Tháp Mộc Đà nghiên cứu bí mật này.

Để không khiến cho nhóm người Văn Cẩm hoài nghi, Hoắc Linh thật đã để Hoắc Linh giả ra khỏi Tháp Mộc Đà trở lại trại an dưỡng.

Vừa vặn lúc này Hoắc Linh giả bắt đầu thi hóa.

Người Văn Cẩm nhìn thấy sau khi trở về bị thi hóa biến thành Cấm Bà chính là Hoắc Linh giả, cấm bà mà Ngô Tà nhìn thấy ở trại an dưỡng kia cũng là Hoắc Linh giả.

Trong khi Hoắc Linh thật ở lại Tháp Mộc Đà.

Còn những người phụ nữ đeo "vòng tay Thanh Đồng" trong đội của Hoắc Linh và những người còn sống của đội Cầu Đức Khảo, hẳn cũng giống như đội khảo cổ, đều trở thành vật thí nghiệm của Hoắc Linh.

Bọn họ giống như A Ninh bị rắn mào gà cắn chết.

Có rất ít người biến thành "người rắn".

Những người rắn này, đã trở thành vật thí nghiệm lẫn vũ khí của nhà họ Hoắc, bởi vì sau khi họ biến thành người rắn thì có thể điều khiển rắn mào gà tấn công.

Hoắc Linh hẳn đã ở lỳ trong Tháp Mộc Đà nhiều năm, nghiên cứu chế tạo người rắn.

Mười năm này, thế lực quốc gia đã buông tay, thế lực họ Hoắc ở lại Tháp Mộc Đà.

Cho nên phần trên tôi mới nói đây là quãng thời gian sóng yên bể lặng, Ngô Tà thoải mái sống ở nhà họ Ngô suốt mười năm.

Giai đoạn thứ ba, "nó" của mười năm sau – toàn diện xuất kích!

Vì sao mười năm sau Hoắc Linh lại rời khỏi Tháp Mộc Đà, "tái xuất giang hồ", quậy cho gió giục mây vần?

Đáp án là: Giống như Uông Tàng Hải, phương pháp trường sinh nhân xà cộng sinh cũng không phải phương pháp mà họ Hoắc cần.

Bởi vì như vậy sẽ biến thành yêu quái.

Trong khi người sống ăn đan dược bọ ăn xác, cũng đã được chứng minh sẽ biến thành các loại yêu quái như Cấm Bà (cô ta còn chưa biết người sống ăn đan dược bọ ăn xác rồi chui vào áo ngọc thì có thể sống mãi).

Những loại thực nghiệm trường sinh này hầu như đều thất bại, trở về điểm ban đầu.

Hoắc gia và Hoắc Linh đương nhiên không cam lòng, những người đã chạm đến bí mật này có ai mà không điên cuồng tìm cách mở ra chứ?

Vì vậy, đầu mối lại vừa vặn quay trở lại cuốn sách lụa Chiến Quốc.

Phần Lỗ Vương cung dường như chỉ hướng đến một phương pháp trường sinh.

Tất cả, lại phải bắt đầu một lần nữa.

Lần này, nhà họ Hoắc và Hoắc Linh – "nó" ở trong "nó" sẽ hành động thế nào?

Hiện tại đã mất đi thế lực quốc gia, họ chỉ có thể lựa chọn "đấu ngầm".

Lần này, ngoài mặt, nó lựa chọn Cầu Đức Khảo. Đặt quân của mình – A Ninh – vào đội ngũ của lão. Phải, A Ninh cũng có xâu tiền xu đeo tay, A Ninh là người của Hoắc Linh.

Đối với đội của Ngô Tam Tỉnh và Văn Cẩm còn lại của đội khảo cổ, thái độ của Hoắc Linh hẳn là:

Đầu tiên, cần sửa lại một chút phần giải mê trước, trong lần hành động mới nhất, "nó" không nên cũng không thể nào tiếp tục ra lệnh cho chú Ba giả (Giải Liên Hoàn) theo dõi và khống chế Cầu Đức Khảo như lần ở Tây Sa hai mươi năm trước.

Bởi vì, sau những năm chín mươi khi thế lực quốc gia rút khỏi, chú Ba giả (Giải Liên Hoàn) cũng được thả tự do rồi, không cần tiếp tục làm việc cho quốc gia nữa.

Mà hành động của nhà họ Hoắc cũng là bí mật, bọn họ không thể nào tiếp tục mượn thế lực quốc gia ra lệnh cho Giải Liên Hoàn, cũng không thể nào lấy thân phận nhà họ Hoắc ra lệnh cho hai nhà Ngô – Giải. Hai nhà Ngô – Giải cũng đâu có ngốc!

Cho nên, phần trước tôi phân tích "nó" tiếp tục ra lệnh cho Giải Liên Hoàn làm việc cũng không hợp lý.

Trên thực tế, trận chiến đã trở thành "đấu ngầm" thuần túy.

Hoắc Linh đối với đội Ngô Tam Tỉnh và Văn Cẩm:

1, Lúc Hoắc Linh cùng Văn Cẩm tiến đến Thiên Cung thì đã nảy sinh nghi ngờ với thân phận của Ngô Tam Tỉnh, dẫn đến nghi ngờ Giải Liên Hoàn và hai nhà Ngô – Giải. Thảnh thử lần này cô ta mới đặt quân bài chủ lực vào đội của Cầu Đức Khảo.

2, Thế nhưng sau lần tiến vào Thiên Cung kia, Hoắc Linh mơ hồ cảm thấy hai nhà Ngô – Giải hiểu rõ bí mật này, vừa nghi ngờ bọn họ lại vừa muộn lợi dụng họ giúp mình giải ra bí ẩn trường sinh.

3, Hoắc Linh chắc hẳn đã mua chuộc Phan Tử bên cạnh Giải Liên Hoàn để giám sát hai nhà Ngô – Giải. Lúc Phan Tử báo cáo về Ngô Tà (chắc đã cho Hoắc Linh ảnh chụp), thì Hoắc Linh giật mình sợ hãi, phát hiện ra Ngô Tà giống hệt với gián điệp ngầm Tề Vũ năm đó (Hoắc Linh đương nhiên biết Tề Vũ là nội gián, nhưng năm đó ở dưới đáy biển cô ta không biết Tề Vũ đánh nhau với Ngô Tam Tỉnh bị ngã vào quan tài sập bẫy, thành ra không hiểu vì sao Tề Vũ lại bị hại, sau vụ Tây Sa thì cô ta cũng không ở trại an dưỡng Cách Nhĩ Mộc, nên không biết cũng chẳng quan tâm đến tung tích của Tề Vũ), bởi vậy mà Hoắc Linh sinh ra nghi ngờ lớn đối với Ngô Tà.

4, Năm đó Hoắc Linh cũng nghi ngờ Văn Cẩm, hẳn đã phái người giám sát Văn Cẩm.

Giải đoạn thứ ba, mười năm sau "nó" – Hoắc Linh tiến hành ra quân toàn diện (phần Lỗ Vương cung).

Mười năm sau, lần hành động mới nhất của Hoắc Linh bắt đầu từ Lỗ Vương cung nơi cuốn sách lụa đề cập, nơi này dường như chứa đựng phương thức trường sinh mới mà Hoắc Linh không biết.

Đầu tiên Hoắc Linh tiết lộ thông tin trong cuốn sách lụa cho Cầu Đức Khảo, Cầu Đức Khảo đương nhiên sẽ hành động, A Ninh lập tức nhảy vào đội của họ Cầu. A Ninh và đội của Cầu Đức Khảo có chung một đặc điểm, chính là không có kinh nghiệm đổ đấu của "thổ phu tử", Hoắc Linh đành phải thuê thêm chuyên gia đổ đấu Bàn Tử đến giúp A Ninh. Tấm bản đồ Lỗ Vương cung trong tay Bàn Tử khẳng định là của Hoắc Linh cho anh chàng.

Đối với hai nhà Ngô – Giải, Hoắc Linh cũng phái một ông già cầm cuốn sách lụa liên quan đến bản đồ Lỗ Vương cung đi tìm Ngô Tà.

Đồng thời cô ta cũng muốn cuốn chú Ba giả vào tròng để lợi dụng.

Mặt khác cuốn Ngô Tà theo, là để thử bí mật giữa Ngô Tà và Tề Vũ.

Nhờ có cuốn bản đồ Lỗ Vương cung trên sách lụa mà hai nhóm của Giải Liên Hoàn và Cầu Đức Khảo mới có thể lần lượt tiến vào Lỗ Vương cung.

Thử nghĩ mà xem, cuốn sách lụa đã ở trong tay quốc gia, thì ngoại trừ người có thân phận đặc biệt như Hoắc Linh, còn ai có thể lấy ra được?

Cuốn sách lụa này, chính là thứ Hoắc Linh dùng để nhử Cầu Đức Khảo và hai nhà Ngô – Giải.

Những người như Cầu Đức Khảo hay A Ninh đều không có kinh nghiệm, chạm phải thất tinh nghi quan là vỡ trận luôn (bằng chứng là trong nghi quan có thi thể người ngoại quốc), người có thể thật sự ra vào hầm mộ Lỗ Thương Vương chỉ có anh chàng Bàn Tử vì tham tiền mà nấn ná trong mộ thôi.

Lại nói về đội của Ngô Tam Tỉnh, phần trước tôi đã đề cập, tuy rằng đầu những năm 90 "nó" đột nhiên biến mất, nhưng Ngô Tam Tỉnh cũng không hề nơi lỏng cảnh giác.

Hơn nữa, khi cùng nhau tiến vào thiên cung thì Ngô Tam Tỉnh đã bắt đầu nghi ngờ Hoắc Linh.

Lần này cuốn sách lụa lại xuất hiện, còn rơi vào tay Ngô Tà, sao có thể không khiến Ngô Tam Tỉnh càng thêm cảnh giác?

Lần này Ngô Tam Tỉnh sắp xếp Giải Liên Hoàn (Giải Liên Hoàn dẫn theo Phan Tử và Đại Khuê), Muộn Du Bình dẫn theo Ngô Tà (nếu Ngô Tà không đi thì đã chứng tỏ Ngô Tà có vấn đề) cùng nhau xuống mộ, ở trong mộ thì gặp được Bàn Tử.

Chắc hẳn Ngô Tam Tỉnh đã nhắc nhở Giải Liên Hoàn trong nhóm có gian tế, nhưng không đoán được là ai. Cho nên, ở trong mộ Giải Liên Hoàn và Muộn Du Bình vẫn luôn diễn kịch với nhau.

Chắc chắn đây là lần đầu tiên Giải Liên Hoàn xuống Lỗ Vương cung, nhưng Ngô Tam Tỉnh và Muộn Du Bình đã tới trước và biết được bí mật trường sinh của áo ngọc.

Sau khi Giải Liên Hoàn và Muộn Du Bình xuống mộ thì đã đoán được đội Cầu Đức Khảo và "nó" đều chưa đến được hầm mộ chính, không nhìn thấy huyết thi cũng như phát hiện ra bí mật trường sinh.

Nhóm người Ngô Tam Tỉnh biết rõ, phàm là bí mật trường sinh mà "nó" chạm đến sẽ mang lại tai họa và bất hạnh cho rất nhiều người, vì vậy họ muốn phá hủy đi bí mật Lỗ Vương cung, đề phòng Cầu Đức Khảo và "nó" lại đến lần nữa.

Để đề phòng gian tế trong nội bộ, tiểu Muộn chơi trò giết chết hai cỗ huyết thi (rõ ràng tiểu Muộn có thể giết chết huyết thi Mục Vương từ lâu, vì sao đến lúc ấy mới ra tay chứ? Chính là để tránh cho người ta nghi ngờ), tiểu Muộn lấy được ấn quỷ, còn xà mi đồng ngư thì lọt vào tay Ngô Tà. Cuối cùng, Giải Liên Hoàn và Muộn Du Bình làm bộ bất đắc dĩ đốt sạch Lỗ Vương cung, thiêu rụi toàn bộ bí mật.

Hoắc Linh và A Ninh không tìm được bất cứ thứ gì ở Lỗ Vương cung, còn gian tế Phan Tử cũng không nhìn ra bất cứ sơ hở nào.

Giải đoạn thứ ba, mười năm sau "nó" – Hoắc Linh tiến hành ra quân toàn diện (phần Mộ thất dưới đáy biển).

Thất bại ở Lỗ Vương cung, chắc chắn khiến Hoắc Linh vô cùng bực bội.

Thế là cô ta lại tiếp tục ra lệnh cho A Ninh mượn danh Cầu Đức Khảo đi xuống đáy biển. Đội của Hoắc Linh và đội của Ngô Tam Tỉnh bước vào giai đoạn đối đầu với nhau.

Trong ngôi mộ dưới đáy biển dường như cũng có dấu vết của một loại trường sinh khác, chẳng qua năm đó Hoắc Linh không nghiên cứu tỉ mỉ mà thôi.

Biết được hành tung của A Ninh, Giải Liên Hoàn lập tức xuống đáy biển (chú Ba biến mất).

Lúc này, Giải Liên Hoàn cũng đã nghi ngờ Phan Tử, không dẫn Phan Tử theo nữa, mà dùng cách "mất tích" để hành động một mình.

Bị Giải Liên Hoàn quấy phá (Giải Liên Hoàn rất quen thuộc ngôi mộ dưới đáy biển này), Cầu Đức Khảo và A Ninh có vẻ lại thất bại lần nữa.

Cho nên mới có chuyện A Ninh bỏ Cầu Đức Khảo, một mình quay xuống mộ.

Lần này, A Ninh mời Trương hói và Bàn Tử giúp đỡ, lại lừa cả Ngô Tà theo kế hoạch của Hoắc Linh, muốn dùng nơi vô cùng đặc biệt với Tề Vũ này để thử Ngô Tà.

Ba người giúp A Ninh xuống mộ xong thì A Ninh muốn giết chết ba người diệt khẩu.

Còn về đội của Ngô Tam Tỉnh, Muộn Du Bình đã đóng giả Trương hói. A Ninh đương nhiên không giết được ba người, ngược lại còn được họ cứu sống.

Ngoài chụp được bức hình Vân Đỉnh Thiên Cung, A Ninh cũng chẳng lấy được thứ gì đặc biệt.

Kết quả dưới đáy biển lần này là: Bàn Tử gia nhập đội của Ngô Tam Tỉnh, A Ninh hình như bắt đầu nảy sinh tình cảm với Ngô Tà.

Cuối cùng, tiểu Muộn cho nổ tung hầm mộ dưới đáy biển.

Giai đoạn thứ ba, mười năm sau "nó" – Hoắc Linh tiến hành ra quân toàn diện (phần Vân Đỉnh Thiên Cung):

Trong phần cuối Nộ Hải Tiềm Sa, lúc Ngô Tà đang tìm tên "Ngô Tam Tỉnh", thì phát hiện ra một mẩu tin tìm người.

Một tấm ảnh chụp đội khảo cổ hai mươi năm trước và lời nhắn "Cá ở chỗ ta".

Tôi thấy đây vẫn là một mồi câu của Hoắc Linh, diễn ra cùng với khoảng thời gian đưa cho Ngô Tà cuốn sách lụa Chiến Quốc có bản đồ Lỗ Vương cung, mục đích là để dẫn dụ hai nhà Ngô – Giải vào cuộc.

"Cá ở chỗ ai?" – Chỗ Hoắc Linh.

Khi lão Hải kể cho Ngô Tà nghe gốc gác con cá, đã nhắc đến chuyện đồng ngư được một bà cô trung niên giàu có mua đi, người này chắc là bản thân Hoắc Linh.

Đồng ngư chủ yếu tiết lộ thông tin về Vân Đỉnh Thiên Cung và hầm mộ dưới đáy biển.

Vân Đỉnh Thiên Cung, cũng có bí mật về một loại trường sinh khác.

Chung cực giải mê – Phần 13 (Hết)

Phần 13: Kết thúc

Nguồn: Tích Vũ lầu

Vụ bán đấu giá đồng ngư cũng là mồi câu của Hoắc Linh, chuyện phát triển đến nước này, Hoắc Linh hẳn đã đoán được chú Ba giả có vấn đề.

Việc đấu giá này có thể là mồi câu chú Ba thật.

Kết quả chú Ba tương kế tựu kế, đóng giả Trần Bì A Tứ mua được đồng ngư.

Hoắc Linh khá quen thuộc Vân Đỉnh Thiên Cung, cho nên lần này nhóm A Ninh hành động rất nhanh.

Mà, vì sao lần này Ngô Tà lại nhập cuộc? Chính là do Phan Tử báo tin, nói Ngô Tam Tỉnh (Giải Liên Hoàn) bảo Ngô Tà đến Thiên Cung.

Đây cũng là âm mưu của Hoắc Linh muốn kéo Ngô Tà vào cuộc.

Sau đó chú Ba thật (Trần Bì A Tứ), Giải Liên Hoàn và Muộn Du Bình diễn màn kịch hay trên Thiên Cung, khiến đội Cầu Đức Khảo và A Ninh không thể tiếp cận cánh cửa thanh đồng, công cốc trở về. Cụ thể tôi đã phân tích ở phần trên rồi, không cần nhắc lại nữa.

Phần Xà Chiểu Quỷ Thành:

Quỷ thành là nơi thế lực của Hoắc Linh và Ngô Tam Tỉnh đấu nhau đến cao trào.

Sau vụ Thiên Cung, Hoắc Linh chuyển mục tiêu sang Văn Cẩm, muốn dùng Văn Cẩm làm cửa đột phá, càng giám sát Văn Cẩm gắt gao hơn, Văn Cẩm cũng dự đoán thời khắc cuối cùng của mình đã tới, nên đã gửi băng ghi hình đi.

Hoắc Linh chuyển băng ghi hình sang đối tượng khác, A Ninh cho Ngô Tà xem cuộn băng ghi cảnh Tề Vũ bò trên mặt đất, một lần nữa cuốn Ngô Tà vào vòng xoáy này.

Sau mấy lần thất bại, Hoắc Linh đã thật sự muốn tiêu diệt những người này. Mà Xà Chiểu lại là nơi tốt nhất để diệt trừ họ, bởi vì nơi này có vũ khí bí mật của Hoắc Linh – người rắn và rắn mào gà do người rắn khống chế!

Mục đích lần này của Hoắc Linh là tìm Văn Cẩm, đồng thời một mẻ bắt hết cả đội Ngô Tam Tỉnh, dọn sạch chướng ngại cho tương lai.

Nhiệm vụ lần này của đội Ngô Tam Tỉnh là bảo vệ Văn Cẩm an toàn chui vào vẫn ngọc, bởi vì Văn Cẩm đã xuất hiện dấu hiệu thi hóa, chỉ có chui vào vẫn ngọc mới có thể khắc chế thi hóa.

Tiếp theo là tìm ra được đại BOSS chung cực, ngả bài với "nó" (Ngô Tam Tỉnh đã nghi ngờ Hoắc Linh từ lâu nhưng vẫn không thể khẳng định chắc chắn).

Đội Cầu Đức Khảo và A Ninh cũng tới, nhưng bọn họ đã không còn là quân át chủ bài của Hoắc Linh nữa, chỉ dùng để khống chế đội Ngô Tam Tỉnh mà thôi.

Lần này cũng không ngoại lệ, đội Cầu Đức Khảo và A Ninh đã tan rã ngay khi chưa bước vào đầm rắn.

Còn Hắc Nhãn Kính (chú Ba thật) thì hỗ trợ đội Giải Liên Hoàn đi tiếp, dọn đường cho Văn Cẩm tiến vào vẫn ngọc.

Văn Cẩm thì đi theo Ngô Tà, Muộn Du Bình và Bàn Tử, đương nhiên trong đội này có Phan Tử, tiểu Muộn phải đảm bảo cho Văn Cẩm được an toàn.

Việc Văn Cẩm lẩn trốn, tiểu Muộn đuổi theo Văn Cẩm là kế hoạch của Văn Cẩm và Muộn Du Bình nhằm đảm bảo cho Văn Cẩm được an toàn, tránh né Phan Tử.

Còn về phần A Ninh, hẳn đã khiến cho Hoắc Linh thất vọng và tức giận đến cực điểm, bởi vì mặc dù trung thành tận tụy, nhưng A Ninh hầu như không hoàn thành được bất cứ nhiệm vụ nào.

Hoắc Linh muốn biến A Ninh thành người rắn ở Xà Chiểu, có khi còn hữu dụng hơn.

Nhưng A Ninh chẳng biết rõ sự tình, chắc đã nhận được mật lệnh xử tử của Hoắc Linh.

Cho nên, ở thác nước trước khi bị rắn cắn, cô ấy cười với Ngô Tà vừa rạng rỡ vừa bi thương đến vậy.

Rạng rỡ, là bởi vì cô ấy đã có tình cảm với Ngô Tà, còn bi thương, là bởi vì cô biết cuộc đời mình phải chấm dứt.

Bị rắn cắn chết là số mệnh mà Hoắc Linh dành cho những người này.

Về phần đội ngũ của Giải Liên Hoàn, sau khi bọn họ vào được Xà Chiểu, đêm đầu tiên dựng trại dừng chân đã bị lũ rắn mào gà tấn công, một số người đã bị cắn chết, nhưng chú Ba thật và Giải Liên Hoàn đã đưa được một số người chạy thoát, đây là lý do Ngô Tà thấy lều trại của nhóm chú Ba trống rỗng không một dấu vết.

Còn về phần Muộn Du Bình và Văn Cẩm, thì Hoắc Linh lựa chọn chiến lược chia để đánh.

Ngay lối vào đầm rắn, Muộn Du Bình đã đuổi theo Văn Cẩm, thực tế là đi gặp riêng Văn Cẩm, bảo vệ Văn Cẩm.

Còn Văn Cẩm thì vẫn trét bùn để tránh rắn, Hoắc Linh nhất thời không có cách nào tiêu diệt họ, chỉ còn cách sắp xếp tiêu diệt Ngô Tà trước.

Lũ rắn này dùng khẩu âm Trường Sa để gọi "cậu Ba", đây chính là biện pháp Hoắc Linh dạy cho Phan Tử.

Để Phan Tử suốt dọc đường gọi "cậu Ba", lũ rắn học được, là có thể dẫn riêng Ngô Tà đi, cắn chết cậu ấy (có lẽ họ đã nhận ra Bàn Tử đang bảo vệ Ngô Tà).

Ngô Tà chết rồi, Bàn Tử cũng dễ đối phó.

Trong đêm đen Ngô Tà nhìn thấy quái vật nửa người nửa rắn kia, cùng với vòng tay tiền xu mắc trên ngọn cây, khiến cho cậu ấy tưởng rằng đó là A Ninh, thật ra đó là người trong đội Hoắc Linh "đeo xâu tiền xu" mười năm trước bị biến thành người rắn, có thể ra lệnh cho rắn mào gà.

Cũng may Ngô Tà mạng lớn, không bị sập bẫy.

Đồng thời Phan Tử nhìn ra tiểu Muộn và Văn Cẩm không lộ diện là vì gã, nên gã vạch ra kế sách giả bộ bị thương nặng. Lúc này, bọn họ vừa vặn tiến vào nơi đội Giải Liên Hoàn đóng quân đêm qua. Muộn Du Bình tận mắt chứng kiến đội Giải Liên Hoàn bị rắn tấn công đêm trước, lo cho an toàn của Ngô Tà nên đã trở về.

Màn đêm buông xuống, mượn khói độc, người rắn chỉ huy đàn rắn mào gà tấn công.

Các lều khác đều bị tấn công, là để giết chết tiểu Muộn và Bàn Tử, chỉ có lều của Ngô Tà là không sao hết, bởi có Phan Tử bên trong.

Kết quả, tiểu Muộn bị rắn cắn thương nhẹ, Bàn Tử và Ngô Tà không việc gì. Ngô Tà còn phát hiện ra bóng đen, chính là Phan Tử.

Tiểu Muộn mượn cớ tìm Văn Cẩm mà cắt đuôi Phan Tử, một lần nữa hội hợp với Văn Cẩm. Còn Ngô Tà nhiều lần trải qua nguy hiểm cũng gặp lại được tiểu Muộn và Văn Cẩm. Bọn họ gần như cùng đội Hắc Nhãn Kính (chú Ba) và Giải Liên Hoàn đi đến gần vẫn ngọc.

Trên cơ bản, mục tiêu lớn nhất của nhóm Ngô Tam Tỉnh đã thực hiện được. Thế nhưng, bọn họ vẫn chưa tìm được BOSS chung cực Hoắc Linh và nhà họ Hoắc, cũng chưa thể ngả bài quyết chiến.

Câu chuyện còn lâu mới kết thúc.

Cuộc chiến đấu giữa nhóm Ngô Tam Tỉnh và thế lực Hoắc Linh, còn lâu mới kết thúc.

Đạo Mộ Bút Ký của Tam Thúc vẫn còn rất lâu rất lâu mới kết thúc.

Chúng ta không biết còn phải đợi bao lâu, đọc bao nhiêu quyển nữa mới có thể chạm tới kết cục.

Hoắc Linh và nhà họ Hoắc, sẽ còn tiếp tục tìm kiếm bí mật trường sinh, tựa như bị ma quỷ bắt mất linh hồn.

Ở bộ Âm Sơn Cổ Lâu mới nhất, Cầu Đức Khảo cuối cùng cũng xuất hiện, lần này Hoắc Linh sắp xếp ai ở trong đội đó?

Đối với số phận hơn hai mươi năm làm quân cờ của mình, Cầu Đức Khảo sẽ có cảm giác gì?

A Ninh sẽ không chết, cô ấy biến thành người rắn rồi sẽ thế nào đây?

Phan Tử còn xuất hiện, kết cục của anh ta là gì?

Còn đội Ngô Tam Tỉnh.

Văn Cẩm vẫn còn đang ở trong vẫn ngọc, đợi Ngô Tam Tỉnh đến cứu.

Trong vẫn ngọc còn người khác không? Ví như Tây Vương Mẫu, Uông Tàng Hải, sẽ thay đổi thế nào đối với số phận Văn Cẩm?

Muộn Du Bình có thể tìm lại được trí nhớ và cứu lấy chính mình hay không? Kết cục của chàng trai "mê người" này rốt cuộc là gì?

Bàn Tử đáng yêu thì sao? Cậu ta có tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy?

Ngô Tam Tỉnh và Giải Liên Hoàn, hai anh em vì bí mật này mà hi sinh cả cuộc đời, sẽ cùng chết đi hay sao?

Lão Dương thì sao, khi nào lại xuất hiện, đối mặt với cha cậu ấy và người bạn từ thuở nhỏ Ngô Tà?

Cuối cùng, một Ngô Tà khiến người ta lo lắng.

Người cả đời đã lãng quên và phản bội chính bản thân mình.

Có thể trở lại dưới ánh mặt trời, tiếp tục sống cuộc đời bình thường vui vẻ?

Những câu hỏi này, chúng ta đều không biết.

Nhưng chúng ta biết: Chính nghĩa nhất định sẽ chiến thắng cái ác, ánh sáng nhất định sẽ thay thế bóng đêm.

Tính mạng dù mất đi, tình yêu vẫn còn mãi.

"Chung Cực giải mê" của tôi kết thúc ở đây.

Cảm ơn mọi người.


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: