5/3/2021 - Ông lão

Tác giả: Mạn Mạn Thị Cá Thoại Phế 曼曼是个话废

CP: Bình Tà (Muộn Du Bình x Ngô Tà)

Edit: Thanh Thảo

Cre: https://manye912.lofter.com/post/1fffb397_1cba9ae70

*OOC

*Trăm năm sau, Tiểu Ca đã già.

Lời editor: Nhân ngày sinh nhật của Ngô Tiểu Tam Gia năm nay, tôi tặng các bạn một câu chuyện nhỏ (dù câu chuyện này cũng không liên quan đến Ngô Tà nhiều lắm :)))). Cầu chúc cho Tiểu Tam Gia của chúng ta sẽ mãi mãi được bình an hạnh phúc phía sau những trang giấy kia ❤

------------------------

Tôi là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, tôi gần như đã đặt chân đến khắp mọi nơi trên đất nước này. Nói là nhiếp ảnh gia nhưng tôi lại càng giống như dân du cư, gặp cảnh đẹp là chụp, dần dần trong máy ảnh của tôi lưu giữ rất nhiều hình.

Tôi đến một ngọn núi ở Phúc Kiến, nghe nói ở đó có một thôn trang ngàn năm mưa rơi. Đó chính là nơi tôi đang tìm. Nhưng tôi bị lạc đường trong núi, đi hai ngày liền, cuối cùng tôi cũng thấy một con đường làng.

Tôi đi dọc theo con đường, đột nhiên bị rớt xuống hố. Chân bị trật, tôi chỉ có thể nằm tại chỗ chờ ai đó đi ngang qua cứu. Thật lâu sau tôi mới bắt gặp một cụ già.

Lão thoạt nhìn rất gầy nhưng không ngờ lại vô cùng mạnh khỏe, chí ít có thể kéo một người trưởng thành như tôi ra khỏi hố. Sau đó lão mang tôi về nhà và xử lý vết thương cho tôi.

Tôi tò mò đưa mắt nhìn quanh, nhà của lão không có nhiều đồ đạc lắm, chỉ treo rất nhiều ảnh. Phần lớn ảnh chụp ba người đàn ông, chắc một người trong số đó là lão. Ngoài ra còn có một ít ảnh chụp của hai người, một người mang kính đen, người còn lại mặc quần áo màu hồng nhạt, thi thoảng trong bức ảnh sẽ xuất hiện một cô gái xinh đẹp. Có cả ảnh của ba con chó nữa.

Tôi hỏi tên họ của lão để tiện sau này báo đáp. Tôi nghi ngờ rằng lão không nói cho tôi biết tên thật, bởi chẳng có ai lại đặt cho đứa nhỏ nhà mình tên là Khởi Linh cả, đó là điềm xấu. Rồi tôi hỏi về nguồn gốc của những bức ảnh kia, lão nói đấy là bằng hữu của mình.

Trong khoảng thời gian ở lại nhà của ông lão để dưỡng thương, tôi không hỏi lại nữa. Lão thoạt nhìn đã rất già, ở độ tuổi này, chắc lão đều đã từng tiễn đưa bạn bè và người thân.

Đôi khi tôi sẽ cố hết sức giúp lão một vài chuyện nặng nhọc, lão sống đơn độc một mình, không con không cháu, chắc hẳn cuộc sống không hề dễ dàng chút nào.

Lão bảo tôi vào phòng kho lấy một cái giỏ đựng sườn heo sấy khô. Tôi cầm giỏ trên tay nhưng ánh mắt lại bị đồ vật khác thu hút. Trên bàn là hai bản bút ký phủ bụi, trong góc phòng còn có hai thanh đao, một thanh màu trắng hình dáng giống chân chó (1), còn thanh kia thì đen dài. Và rất nhiều máy ảnh.

Tôi không mở hai bản bút ký ra xem, cũng không chạm vào hai thanh đao và những máy ảnh đó.

Chỉ là tạm thời.

Buổi chiều lão nằm phơi nắng trong sân, lẳng lặng dõi mắt về đỉnh núi, tựa như đang ngóng chờ một người bạn già. Ánh mắt của lão cực kì lạnh nhạt, nhưng mỗi lần lão nhìn về núi, trong đôi mắt ấy lại ngập đầy tang thương.

Trải qua kiếp người trôi nổi, tang thương bãi bể hóa nương dâu.

Tôi thật sự không biết phải hình dung sự lạnh nhạt này như thế nào. Nhưng tôi đã từng thấy qua vẻ tang thương như vậy, tôi từng gặp được một vị lạt ma ở Tây Tạng xa xôi, sau một hồi trò chuyện với nhau, tôi mới biết được ông mất đi người thân trong một trận lở tuyết, sau đó ông đến núi tuyết làm một vị lạt ma, vĩnh viễn ở lại bầu bạn cùng người thân.

Vị lạt ma cũng đã già, tôi tá túc trong chùa một thời gian ngắn thì ông liền viên tịch. Trong đôi mắt của vị lạt ma năm ấy cũng có nét tang thương như vậy. Tựa như một tảng đá kinh qua bao sương gió, vết thương trong tim dần trở thành ưu thương nơi đáy mắt.

Tôi giơ máy ảnh lên, thu vào trong ống kính hình ảnh lão già đang hướng tầm mắt về ngọn núi xa xa. Tôi bỗng phát hiện nụ cười khẽ chưa bao giờ xuất hiện trên gương mặt của ông lão.

Lão nói rằng người thương của lão cũng từng rất thích chụp ảnh.

Tôi chợt nghĩ đến căn phòng đầy máy ảnh và những tấm hình treo khắp nhà. Lão già ngày thường rất ít khi mở miệng, nay lại bắt đầu kể lại chuyện xưa.

Nửa đời trước lão lang thang rất nhiều nơi, may mà sau đó lão gặp được người ấy, bọn họ cùng nhau tới sống ở thôn trang này. Tôi thầm cảm thấy may mắn thay cho lão vì đã gặp được đúng người, lại khe khẽ thở dài.

Người ấy cho lão một gia đình, nhưng đã bỏ lão lại một mình trên đời này. Tôi không thể tưởng tượng nổi bàn tay lão đã run rẩy thế nào khi phải chôn cất cho tất cả những người thân thiết của mình.

Phải đau đớn biết bao nhiêu!

Tôi bắt đầu thấy hối hận vì đã ở lại đây dưỡng thương, bởi vì tôi không muốn lại có một trải nghiệm như khi ở Tây Tạng.

Ông lão đi rồi. Đó là một buổi sáng tháng mười một đầy nắng.

Lão từng nói không cần tổ chức lễ tang, chỉ cần an táng cho lão bên bờ sông ở trên núi. Tôi thành toàn cho nguyện vọng cuối cùng của lão. Tôi thấy hai tấm mộ bia khác ở bờ sông, bên cạnh là một cái hố đã được đào sẵn. Lão đã sớm chuẩn bị xong hậu sự cho mình. Không biết vì sao, tôi chợt vui thay cho lão, giờ đây lão đã có thể đi gặp người thân và bạn bè.

Xong xuôi, tôi trở về căn phòng của ông lão sửa sang lại các di vật. Tôi mở hai bản bút ký ra xem. Chuyện xưa khó mà tin nổi, hóa ra ông lão đã sống hơn hai trăm tuổi. Lão đợi ngày này đã vài chục năm.

Tôi lấy hết can đảm mới dám giở đến những trang cuối cùng của bản bút ký mới hơn. Tôi dường như có thể nhìn thấy một ông lão đang ngồi trước bàn, trên tay cầm cây bút nắn nót viết tên của người thương. Và ngày mà lão mãi mãi rời xa thế giới này.

Lần đầu tiên tôi vạch ra kế hoạch. Tôi muốn xem trong bút ký những nơi mà ông lão cùng người ấy và bằng hữu từng đi qua, tôi muốn chụp lại phong cảnh ở đó. Tôi nghĩ chờ đến khi tôi hoàn thành, tôi sẽ quay lại đây chăm sóc cho căn nhà này.

Nếu ngày nào đó bọn họ trở về, tôi muốn làm cho nơi này thực sự trở thành một mái ấm.

----------------------

(1) Hay thường gọi là dao Kukri:

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top