Q3 - C14: Lập đàn làm phép
Phòng của chúng tôi nằm ở phía tây. Tiểu Huyên đang lau chùi đống đồ lặn, ấm trà thì được đặt trên lò than, tiếng nước sôi kêu vang ầm ĩ.
Tôi nhấc ấm trà đổ nước vào bình thủy, lơ đãng nhìn qua hướng của cai đầu.
"Alo, bạn hiền, tết nhất mà làm phiền anh, ngại quá... Tôi định hỏi thăm anh, có biết ai mang biệt danh là chú đẹp trai không?"
"Ừ... Hình như không phải là người ngoài, bọn họ có thiết bị chuyên nghiệp, thường xuyên hoạt động ở các vùng Quảng Đông và Quảng Tây."
"Ừ, được! Vậy làm phiền nhé, hỏi thăm giúp tôi, chừng nào có tin tức thì báo."
Tôi yên lặng lắng nghe, nhìn cai đầu cứ gọi như thế 6, 7 cuộc. Lúc đầu, kết quả không mấy khả quan. Không ai nắm được thân phận của chú đẹp trai này, ngay cả tên tuổi thật cũng không biết rõ... Nhưng những người bạn của cai đầu đã hứa, bọn họ sẽ tích cực hỏi thăm.
Ông này hỏi ông kia, ông kia lại hỏi ông kia nữa... Rốt cuộc gần đến 2h đồng hồ sau, chúng tôi đã nhận được tin tức.
Có người tiết lộ: "Chú đẹp trai đó hình như là người Quảng Tây hơn bốn mươi tuổi. Lúc còn trẻ, anh ta từng theo thuyền nước ngoài vớt ốc anh vũ nên bị bắt, sau khi ra tù thì về rủ rê vài người lập thành đội nhóm, chuyên môn hoạt động trên địa bàn của mình. Tên tuổi trong nghề cũng không tệ lắm!"
Sau khi nhận được tin, cai đầu lấy giấy bút bắt đầu viết viết, vẽ vẽ...'
Khi tôi nhìn thì thấy, ông đang vẽ phác thảo sơ đồ địa hình xung quanh Quỷ Tể Lĩnh. Như hồ nước, động Âm dương, miếu Tể Tể... Ông ấy còn vẽ cả bản đồ mặt phẳng sau khi xuống hồ nước...
"Kỳ lạ..."
Cai đầu tự lẩm bẩm: "Nếu phía dưới có mộ cổ thì lại không phù hợp với bất kỳ phong tục mai táng nào. Nhưng nếu không phải mộ táng, vậy thì nó rốt cuộc là gì?"
Tôi kể lại chuyện tấm bia và tượng đá của cục văn quản ở huyện Đạo... Cai đầu trầm ngâm, viết chữ "Trần" lên tấm sơ đồ.
"Ê! Phong Tử, tới đây!" Đậu Nha Tử đột nhiên xuất hiện, vẫy tay với tôi.
"Kêu làm gì?"
Đậu Nha Tử chỉ ra cửa nói: "Cậu không nghe bên ngoài ầm ĩ vậy à?"
Tôi nói cái gì? Ăn Tết nguyên tiêu hả? Nhưng chẳng phải Tiểu Đường đã nói tới tối hôm kia mới tổ chức đi đèn và đốt pháo hoa sao?
"Không phải cái đó! Cậu không nhớ vụ bên bờ sông à? Hôm nay nhà bọn họ mời đạo sĩ tới làm phép. Chắc sẽ đông lắm, chúng ta đi xem đi!"
"Coi mấy thứ đó làm gì? Cậu ăn no rảnh việc à?"
"Đệt!" Đậu Nha Tử bất mãn trừng mắt: "Đang vào lúc mấu chốt, cậu cho rằng Lục Tử Minh tôi đây ham chơi đến vậy sao?"
"Tôi là đang điều tra!"
Đậu Nha Tử xoa cằm, híp mắt nói: "Chân tướng chỉ có một."
"Cậu quên, tôi đã vớt bức tượng đạo sĩ dưới sông kia lên rồi sao?"
"Người này cũng đúng lúc chết ở đó. Tôi nghĩ... Liệu có phải chính ông ta đã đánh cắp bức tượng, sau đó làm rớt nó xuống hồ không? Tôi cho rằng đây là rất có khả năng! Cũng xem như là dẫn chứng cho việc vì sao bức tượng đạo sĩ lại rơi xuống hồ!"
Tôi há miệng nuốt bánh trứng, nhét vỏ giấy vào trong túi Đậu Nha Tử: "Ngầu nha anh trai, phân tích cực siêu, nói cũng như không nói."
Buổi chiều chúng tôi đi xem. Dù sao cũng đông người như vậy, sẽ không ai chú ý đến chúng tôi.
Đây là kiểu hoạt động dân tộc bản địa rất kỳ lạ. Gia đình người chết chỉ có vợ và em trai, không có trẻ con.
Em trai ông ta không biết mời từ đâu đến một vị đạo sĩ và hai đồ đệ. Vị đạo sĩ này tuổi chừng 40, người mập mạp, mặt mũi hồng hào. Ông ta mặc bộ váy quần bằng lụa satin màu vàng đỏ, đội chiếc mũ như tế công làm từ vải bố.
Vào thời đó, ở những nơi vùng núi xa xôi, tư tưởng phong kiến vẫn còn nhiều ảnh hưởng tương đối nghiêm trọng. Có lẽ là do nguyên nhân cái chết bất thường nên buổi làm phép được chia làm hai phần, cho mọi người tự do chiêm ngưỡng. Người tới giúp cũng sẽ được bao cơm. Đạo sĩ bắt đầu lên đàn làm phép từ 12h45 trưa, còn buổi tối sẽ tiến hành vào khoảng 9h...
Tôi cảm thấy lựa chọn giờ đó cũng là có nguyên do... Dựa theo cổ đại, 12h45 trưa chính là giờ ngọ canh ba. Cho dù đó là ban ngày, nhưng theo thuyết pháp tương quan thì lúc ấy mới chính là thời gian âm khí cường thịnh nhất!
Âm thịnh thì dương suy, nên rất nhiều người thường đi ngủ vào thời gian này.
Bên bờ hồ...
Đồ đệ của đạo sĩ nhìn đồng hồ, cất giọng nói như hát: "Đã đến giờ... Đi..."
Lập tức có một thôn dân xách nửa thùng nước bằng da đã được trét vôi bên ngoài lên, ném vào giấy tiền vàng bạc. Tiền giấy sau khi bị thấm ướt thì chậm rãi chìm xuống đáy thùng.
Thấy tiền giấy đã chìm xuống, người đó lập tức dùng gáo gỗ múc nước rải trên đất. Trong miệng lẩm bẩm vài câu, tôi chỉ có thể đoán hình như là: "Đi thôi, về nhà thôi!"
"Keng!"
Người dân cầm đôi chặp cheng, đeo trống cổ, thổi kèn xôna, bắt đầu gõ vang ầm ĩ...
Vợ và em trai người chết mặc áo tang nức nở đi ở giữa, thỉnh thoảng lại gọi tên anh ta, hình như kêu là Đường Quý.
Lúc từ hồ nước đi đến cửa thôn, tôi thì thầm hỏi Đậu Nha Tử: "Cậu khóc cái gì?"
Đậu Nha Tử giả vờ lau nước mắt, cũng thì thào đáp lại: "Anh không thấy phía trước đều khóc hết à? Chúng ta cứ bắt chước theo, họ sẽ tưởng bọn mình là con cháu trong nhà, ít gây chú ý. Chẳng lẽ tôi lại cười sao?"
Tôi lắc đầu, lười đôi co với cậu ta.
Lúc đến nơi, thôn dân xách thùng nước đổ ra khắp cửa nhà. Vị đạo sĩ râu cá trê quơ cao lá cờ cầu nguyện giữa không trung...
Sau khi vào nhà, bàn thờ được đặt ở phòng chính, trên bàn bày biện lư hương đồ cúng đầy đủ. Cỗ quan tài sơn đen được đặt nơi góc tường, phía dưới có kê hai chiếc ghế dài, để cách mặt đất khoảng 1m. Chắc Đường Quý đang nằm bên trong.
Đạo sĩ râu cá trê múa may lá cờ trước bàn thờ, thổi kèn đánh trống cũng được khá lâu. Cứ thế, pháp sự xem như làm xong một nửa, tiếp đến chính là phát cơm cho những người đã đến hỗ trợ.
Món chính bao gồm bánh màn thầu và thịt heo kho tộ. Tôi không quá muốn ăn nên chỉ lấy rất ít, còn Đậu Nha Tử thì lại múc đầy vung, trên cây đũa đâm xuyên 4 cái bánh bao.
"Ê, cơm lập đàn ăn lạt thếch, cho mượn cái ghế."
"Hả, gì? Cậu nói chuyện với tôi hả?" Tôi chỉ vào người mình.
Người vừa nói với tôi là một cậu thanh niên khoảng chừng hơn 20 tuổi. Cậu ta nhìn tôi, sau đó đổi sang tiếng phổ thông: "Anh là ai? Không phải người trong thôn chúng tôi, tại sao lại tới đây ăn cơm?"
Tôi bèn hỏi ngược lại vậy cậu ta là ai, tại sao cũng tới đây ăn cơm?
Cậu nhóc bèn tự giới thiệu: "Tôi là bà con của chú Đường, đương nhiên phải tới đây ăn cơm rồi!"
"Tôi cũng vậy nhưng mà là bà con xa. Ha ha, vừa rồi cậu nói gì thế? Tôi nghe không hiểu." Tôi cười hỏi thăm.
Cậu nhóc bưng chén đáp: "Tôi nói ăn cơm thế này nhạt nhẽo quá, đưa cho tôi mượn cái ghế."
"Ừ, tôi cũng thấy vậy." Tôi đưa ghế đẩu cho cậu ta.
Cậu nhóc lấy ghế, ngồi xuống ăn cơm. Tôi cười bắt chuyện, nói bóng nói gió hỏi thăm cậu ta về gia cảnh và các mối quan hệ xung quanh gia đình Đường Quý.
Trong lúc này, Đậu Nha Tử vừa gặm bánh bao, vừa nuốt đồ ăn cũng dựng tai lắng nghe...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top